VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN Y TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI

(Do bà Nguyễn Thị Định, Chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1981)

 

Kính thưa Quốc hội,

Thực hiện chức năng của một Ủy ban thường trực của Quốc hội, trong 6 tháng qua, Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội đã tiến hành giám sát trong hai lĩnh vực y tế và xã hội ở một số cơ sở thuộc các tỉnh Sông Bé, Hà Tuyên và Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm việc với các ngành có liên quan như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Thương binh và Xã hội. Với mục đích giúp Quốc hội có thêm những cơ sở thực tiễn để xem xét, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi xin báo cáo một số tình hình quan trọng và cấp thiết về y tế - xã hội cùng những đề xuất, kiến nghị của Ủy ban chúng tôi.

Trước hết, chúng tôi xin nêu một số nhận xét về tình hình y tế - xã hội nước ta trong 5 năm qua:

Xuất phát từ những quan điểm cơ bản của Đảng, những chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngành Y tế đã xác định được phương hướng, mục tiêu cụ thể để hoạt động, đạt được những thành tích nhất định trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và cán bộ bị giảm sút sau 30 năm chiến tranh và hiện còn chịu đựng nhiều thử thách trong môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề cả ở nông thôn, thành thị; đẩy lùi một bước các dịch bệnh và giải quyết được một phần tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại ở miền Nam; phục vụ có hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất như bão lụt, đói thiếu, bệnh tật; theo phương châm Nhà nước và nhân dân đoàn kết cùng làm để xây dựng mạng lưới y tế ở cơ sở, xây dựng phong trào vệ sinh phòng bệnh, trồng cây thuốc nam, v.v.. Ngành Thương binh xã hội đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách, chế độ đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, bước đầu góp phần ổn định đời sống của những người có công với cách mạng, giáo dục, cải hóa, trị bệnh cho nhiều người là nạn nhân của các tệ nạn xã hội và sắp xếp công việc làm để họ có cuộc sống bình đẳng với mọi người.

Trước tình hình mất cân đối về kinh tế trong mấy năm qua của đất nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các ngành Y tế, Thương binh - Xã hội đã phải khắc phục tình trạng thiếu thốn thuốc men, trang bị, cán bộ, kinh phí, v.v. để đáp ứng yêu cầu phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành đã cố gắng hoàn thành một số việc cấp bách.

Qua đợt kiểm tra và làm việc với các ngành có liên quan, chúng tôi thấy rằng, trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và giải quyết các chính sách, chế độ đối với những người có công với cách mạng, người cô đơn, tàn tật, các ngành Y tế, Thương binh - Xã hội ở một số địa phương chưa tranh thủ được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, Ủy ban. Công tác quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc men, chế độ chính sách, v.v. chưa được thực hiện tốt, làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như việc thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền một số địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng và chưa chỉ đạo chặt chẽ công tác này.

Sau đây, chúng tôi xin nêu một số nét cụ thể về tình hình đã nhận định ở trên.

1. Về công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, ngành đã xây dựng được một mạng lưới y tế phổ cập rộng rãi:

- Cả nước có 97% xã, phường có trạm y tế với một lực lượng cán bộ gồm 55.780 người, trong đó có 171 bác sĩ, 9.602 y sĩ. Bình quân mỗi xã có sáu cán bộ y tế các loại.

- Ở cấp huyện, bình quân mỗi huyện có 1-2 phòng khám, một hiệu thuốc và 6,4 bác sĩ.

Như vậy là, mạng lưới y tế xã và huyện phát triển nhanh, song cũng còn 13% xã, phường chưa có trạm y tế (nhất là ở miền Nam).

Ở những cơ sở được nhận viện trợ, trang bị có khá, nhưng công tác quản lý chưa thật tốt. Có nơi xây cất xong mà chưa đưa vào sử dụng được vì thiếu điện, thiếu nước; còn nói chung, cơ sở vật chất của ngành Y tế ở các địa phương, nhất là vùng mới giải phóng, vùng căn cứ cách mạng, còn nghèo nàn, trang bị, thuốc men cũng như cán bộ y tế thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Cụ thể như, ở tỉnh Hà Tuyên, 70% cơ sở vật chất của ngành Y tế bị dột nát, thiếu thốn. Một số trang bị dành cho các huyện biên giới chưa được sử dụng hết vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là do địa phương, ngành chủ quản và các ngành có sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề mà địa phương mình, ngành mình có thể giải quyết được.

Về cán bộ y tế

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tốc độ đào tạo cán bộ cho ngành đã tăng nhanh trong 5 năm qua, chất lượng và cơ cấu cán bộ ngày càng tốt hơn. Từ chỗ bình quân 5.000 dân có một bác sĩ năm 1976, đến nay 3.900 dân đã có một bác sĩ, một vạn dân có 30 cán bộ y tế (1/3 là dân lập, phục vụ cho nhân dân tại xã, phường).

Tồn tại lớn trong khâu đào tạo cán bộ y tế là tốc độ tăng ngân sách chậm hơn tốc độ tăng chiêu sinh, nên định mức chi cho đầu học sinh ngày càng giảm: năm 1979, mỗi học sinh Đại học Y được bình quân 913 đồng, năm 1980: 810 đồng trong lúc giá cả tăng lên. Chính vì vậy mà cơ sở vật chất của các trường rất nghèo nàn, chật chội, học sinh thiếu mô hình học cụ, thiếu tài liệu (do thiếu giấy) mức ăn kém, sinh hoạt khó khăn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo.

Từ khâu đào tạo đến khâu quản lý, phân phối sử dụng cán bộ y tế, ta còn phải chấn chỉnh nhiều. Cụ thể như tuyến huyện, tỉnh ở miền Bắc bình quân 5.300 dân có một bác sĩ thì ở miền Nam 8.900 dân mới có một bác sĩ, nhưng phân phối không đều, hầu hết tập trung ở thành phố, thị xã dọc các tuyến giao thông đi lại dễ dàng. Đi sâu vào thực tế, ở chín tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của Nhà nước thì:

Long An: 19.872 người dân có một bác sĩ;

Minh Hải: 21.194 người dân có một bác sĩ;

Bến Tre: 23.724 người dân có một bác sĩ...

Còn số tỉnh khác cũng tương tự như thế, nhất là vùng biên giới vùng dân tộc, vùng căn cứ cách mạng cũ lại càng ít hơn.

Huyện Lộc Ninh (Sông Bé) chỉ có một bác sĩ cho gần 100.000 dân. Công ty cao su Quản Lợi có 13.500 công nhân và gia đình (80% là công nhân nữ) nhưng chỉ có một y sĩ, không có bác sĩ.

Nói chung, số bác sĩ chuyên khoa ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, số y sĩ ở tuyến xã còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Số cán bộ y tế người dân tộc cũng còn quá ít. Xin lấy một thí dụ:

Ở Hà Tuyên:

- Đồng bào Dao     : 33.000 dân có một bác sĩ;

- Đồng bào H’mông     : 22.000 dân có một bác sĩ;

- Đồng bào Cao Lan   : 10.000 dân có một bác sĩ;

- Đồng bào Nùng   : 5.000 dân có một bác sĩ.

Do thiếu cán bộ y tế ở tuyến dưới, cộng với điều kiện giao thông khó khăn, có trường hợp bệnh nhân đưa từ xã lên huyện hết 2-3 ngày đường, chưa tới bệnh viện đã chết.

Về sản xuất thuốc

Từ nhiều năm nay, ngành Y tế đã phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc nam tự túc. Nhiều xã và huyện đã hưởng ứng sôi nổi và đã dứt điểm phong trào nói trên. Công tác bào chế thuốc cũng có nhiều cố gắng trong việc tăng sản lượng, tăng mặt hàng bằng nguyên liệu trong nước. Giá trị tổng sản lượng thuốc sản xuất trong nước từ 219,3 triệu đồng năm 1980 tăng lên 229 triệu đồng năm 1981 trong đó 25% là thuốc sản xuất bằng nguyên liệu trong nước. Mặc dù vậy, những loại thuốc kháng sinh, thuốc biệt dược, thuốc chuyên khoa thông thường vẫn thiếu nghiêm trọng, có thời kỳ thiếu cả thuốc cấp cứu. Nguyên nhân là ta chưa có công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh, trong khi số nhập ngày càng giảm.

Trước năm 1978, thuốc bán lẻ bình quân một người dân một năm được 8 đồng thuốc, nay giảm còn 7 đồng.

Năm 1981, ngành Y tế không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu nhập nội mà cả về những vật tư, phụ liệu phục vụ cho sản xuất thuốc như: đường, cồn, gỗ bao bì, giấy pôlypôtylen, thủy tinh, về vận chuyển giao thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thu mua dược liệu là giá cả chưa hợp lý, không giải quyết thỏa đáng lương thực cho những người chuyên nuôi trồng dược liệu, có nơi quần chúng phá vườn thuốc nam trồng lương thực.

Về công tác phòng và chữa bệnh

Trong 5 năm qua, ngành Y tế đã phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, nhất là phong trào dứt điểm ba công trình (hố xí, nhà tắm, giếng nước) nên các bệnh dịch lớn như tả, sốt xuất huyết, dịch hạch, v.v. ở miền Bắc đã giảm xuống rõ rệt. Các bệnh xã hội như lao, sốt rét, v.v. cũng giảm trong những năm qua.

Tuy nhiên, công tác phòng bệnh vẫn chưa được tiến hành sâu rộng trong toàn xã hội, nhiều địa phương chưa tích cực đẩy mạnh phong trào năm dứt điểm, chưa chú ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng, chưa phát hiện và dập tắt các dịch bệnh kịp thời nên các dịch bệnh vẫn là vấn đề đáng lo ngại trong những năm tới.

- Công tác khám, chữa bệnh ngoại trú và quản lý sức khỏe nhân dân, cán bộ đã có tiến bộ trong những năm qua. Một số ngành, một số địa phương đã quản lý sức khỏe được 70 - 80% tổng số cán bộ công nhân viên. 1000/5000 xã đã tiến hành quản lý sức khỏe nhân dân.

Chúng ta đã có 705 bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, 560 phòng khám bệnh đa khoa khu vực với 117.153 giường nội trú quốc lập và 78.897 giường dân lập. Tỷ lệ số giường bệnh như vậy là quá thấp so với số dân, nhưng cán bộ y tế đã nhiệt tình cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Tuy vậy, do đời sống khó khăn và ảnh hưởng của các hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội nên tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế đã giảm sút, nhiều bệnh nhân và quần chúng phàn nàn, thiếu tin tưởng trước những biểu hiện tiêu cực trong việc điều trị chăm sóc bệnh nhân ở một số bệnh viện.

Về công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ có kế hoạch

Do sự nỗ lực của ngành Y tế, của các ngành, đoàn thể nhất là Hội Phụ nữ, trong 5 năm qua, chúng ta đã đưa tỷ lệ tăng dân số từ 2,57% xuống 2,23%. Nhưng hiện nay, dân số vẫn tăng trên một triệu trong một năm. Nhìn chung công tác sinh đẻ có kế hoạch 5 năm qua, chưa có hiệu quả cao. Nguyên nhân là chúng ta chưa chú trọng giáo dục nhận thức đối với lứa tuổi trẻ đang sinh đẻ (cả nam lẫn nữ).

- Các cấp, các ngành chưa nhận thức rõ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là quốc sách, là giải quyết vấn đề kinh tế, đời sống cho nhân dân.

- Chính sách, chế độ đối với chị em đi vào kế hoạch sinh đẻ chưa thích đáng (chế độ nghỉ và bồi dưỡng khi nạo thai, đặt vòng chưa hợp lý. Chế độ khen thưởng người thực hiện tốt sinh đẻ có kế hoạch chưa có...).

- Vải vệ sinh 2-3 năm không bán cho chị em, xà phòng thiếu làm ảnh hưởng đến vệ sinh của chị em nói chung, nhất là chị em công nhân cao su, chị em làm công tác nặng nhọc, độc hại (80% bị bệnh phụ khoa nên không thể đặt vòng tránh thai được). Trong công tác bảo vệ sức khỏe các cháu còn một vấn đề lớn là tình trạng thiếu thuốc, sữa nhiều cháu bị suy dinh dưỡng, còi xương.

2. Về công tác thương binh và xã hội

Trong 5 năm, 1976-1980 đã giải quyết quyền lợi và thực hiện chế độ cho hàng triệu người thuộc các gia đình liệt sĩ, thương binh, quân nhân phục viên, cán bộ hưu trí, mất sức; đã sắp xếp việc làm cho hàng chục vạn thương binh; đã đưa đi đào tạo ở các trường đại học, trung học, công nhân kỹ thuật hàng vạn người trong các anh chị em thương binh; đã xây dựng được 43 cơ sở sản xuất của thương binh và giúp đỡ cho các xí nghiệp này làm ăn ổn định.

Sau đây là một vài số liệu về tình hình đời sống của các gia đình liệt sĩ, thương binh, cán bộ hưu trí ở một tỉnh mà Đoàn chúng tôi đã tới thăm (Hà Tuyên).

 

Gia đình liệt sĩ

Gia đình thương binh

Gia đình cán bộ hưu trí

Số có mức sống khá

36%

30%

29%

Số có mức sống trung bình

55%

53%

54%

Số có mức sống khó khăn

19%

17%

17%

Ngoài ra, ngành Thương binh -  Xã hội đã chú trọng tới công tác chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ.

Đối với những nạn nhân của tệ nạn xã hội (gái lỡ lầm, người nghiện xì ke, ma túy, người lang thang ăn xin...), ngành đã cố gắng thu gom và tạo điều kiện để họ tự sống bằng lao động của mình và bình đẳng với mọi người trong xã hội.

Trong năm quốc tế những người tàn tật, ngành đã động viên sâu rộng hơn sự quan tâm của toàn xã hội, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và đoàn thể; đã thúc đẩy việc thành lập Ủy ban năm quốc tế người tàn tật ở tất cả các tỉnh và thành phố, nhiều nơi có đến quận, huyện. Năm 1981, mới giải quyết được một số vấn đề, nhưng nó sẽ là tiền đề cho những năm sau.

Chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và cán bộ về hưu là thể hiện sự quan tâm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội IV đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đối với công tác này. Nhưng trong cả một kế hoạch 5 năm vừa qua, mặc dù các chế độ chính sách được ban hành đã hơn hai mươi năm, mặc dù giá cả có nhiều biến động, đời sống có nhiều khó khăn, chế độ chính sách đối với các đối tượng trên vẫn không được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Mãi đến năm 1981 này, chúng ta mới có được các Quyết định 218-CP, 219-CP và 21-HĐBT về chính sách mới đối với những người có công. Đã thế, việc hướng dẫn thi hành của các ngành có trách nhiệm và việc vận dụng ở địa phương vẫn còn có những vấn đề làm cho các đối tượng trên thắc mắc. Sự chỉ đạo và phối hợp từ Trung ương xuống địa phương chưa thật chặt chẽ. Một số tỉnh chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác này, chưa làm tốt công tác điều tra, xác nhận từ cơ sở chuyển lên, chưa cấp phát trợ cấp kịp thời cho các đối tượng, thậm chí có nơi còn xác nhận, cấp phát không đúng đối tượng trong nhiều năm. Các cơ sở tập trung nuôi dưỡng anh em thương binh nặng đang có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất hư hỏng, thiếu nước, điện, mức ăn, mặc ngày càng giảm, sinh hoạt vui chơi, giáo dục chính trị chưa tốt, ảnh hưởng tới tinh thần, tư tưởng anh chị em. Cụ thể: ở tỉnh Thanh Hóa, việc tổ chức giáo dục thương binh ở trại chưa tốt, việc nuôi dưỡng, chăm sóc anh em cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trại xây dựng ở bên sườn núi, không có điện, nước, trang bị phục vụ, thuốc men thiếu thốn, v.v. ảnh hưởng đến suy nghĩ của thương binh.

Tại Hà Tuyên, nhiều ý kiến không nhất trí với cách giải quyết chính sách đối với các gia đình liệt sĩ hiện nay. Gia đình liệt sĩ chống Mỹ, chống bành trướng thì được lĩnh tiền tuất, gia đình liệt sĩ chống Pháp lại lĩnh trợ cấp khó khăn. Nhân dân ở đây cho rằng ta “chưa công bằng đối với liệt sĩ”. Trợ cấp tuất cho gia đình có một con liệt sĩ ở nông thôn là 12đ, ở thành phố 15đ một tháng, các gia đình có từ hai con là liệt sĩ trở lên đến 5, 7 liệt sĩ cũng hưởng như nhau (thí dụ: gia đình mẹ Khánh ở Kiên Giang 7 con hy sinh hiện nay vẫn khổ, vẫn nghèo vì không được ưu đãi gì hơn). Theo quy định mới, mức trợ cấp tuất hiện nay được tăng gấp đôi nhưng các đối tượng hưởng trợ cấp vẫn khó khăn vì giá gạo lên 5, 6đ/kg và không được phân phối thêm mặt hàng nào nữa. Nhiều gia đình có công với cách mạng từ những năm 40 ở Hà Tuyên cũng thắc mắc về chế độ đối xử với họ hiện nay. Chính sách, chế độ đối với thương binh chống Pháp, chống Mỹ khác nhau làm cho anh em cũng không hài lòng.

Chính sách đối với những người do đấu tranh chính trị bị địch khủng bố, tra tấn đến tàn phế chưa được nghiên cứu giải quyết thỏa đáng. Đối với đa số cán bộ nghỉ hưu ở địa phương, nhất là ở miền Nam và miền núi vẫn để gay cấn nhất là cách cấp phát trợ cấp (qua quỹ tiết kiệm) cách cung cấp lương thực, thực phẩm (còn nhiều nơi, các ông bà phải lên tận huyện để lĩnh, để mua). Nhiều người gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền thuốc khi đau ốm.

Các tệ nạn xã hội cũng chưa được quan tâm nghiên cứu và giải quyết một cách có hiệu quả kịp thời nên có những mặt tiêu cực có chiều hướng tăng lên trong mấy năm gần đây.

Trong năm quốc tế những người tàn tật, vấn đề tập trung chữa bệnh và giải quyết đời sống cho những người bị bệnh phong cần được quan tâm hơn nữa.

Kính thưa Quốc hội,

Trên đây, chúng tôi đã báo cáo một số tình hình thu thập được qua xem xét hoạt động của các ngành Y tế, xã hội. Từ đó có thể rút ra những kết luận sâu đây:

1. Trước hết, phát triển sự nghiệp y tế, xã hội vừa là chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vừa là yêu cầu của nhân dân một đất nước có chiến tranh liên miên, thiên tai dồn dập, nhiều dịch bệnh, nhiều tệ nạn xã hội cũ cần thanh toán. Những khó khăn này còn tiếp diễn, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn bị nguy cơ xâm lược và phá hoại mọi mặt của bọn bành trướng... cấu kết với bè lũ đế quốc, mặt khác, đời sống nhân dân ta ngày càng sút kém ảnh hưởng sức khỏe rất lớn. Song, khả năng tài chính của Nhà nước thì rất có hạn. Lấy một thí dụ:

Trong 5 năm qua, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn, ngành Y tế, xã hội vẫn được đầu tư 4.652 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 61% ngân sách văn xã và bằng 9% tổng ngân sách. Nhưng, bình quân mỗi năm một người dân chỉ được phục vụ 7 đồng tiền thuốc, một vạn dân mới có 24,1 giường điều trị. Đó là chưa kể do có sự chênh lệch quá lớn giữa thành thị và nông thôn, miền núi, đồng bào ở các vùng xa còn chịu thiệt thòi, trong việc bảo vệ sức khỏe, mức hưởng thụ về y tế còn thấp hơn nhiều. Nhưng nhìn triển vọng của kế hoạch 1981 - 1985, cân đối các mặt, chúng ta cũng sẽ chỉ có thể đạt được 24,4 đến 24,8 giường cho một vạn dân như thế là quá thấp.

Vấn đề đặt ra là, để đáp ứng yêu cầu chữa bệnh của nhân dân, một mặt phải kiên trì phương hướng y học dự phòng, đẩy mạnh làm vệ sinh môi trường, mặt khác phải hết sức coi trọng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương cùng Trung ương tăng cường mọi cách để chăm lo sức khỏe cho nhân dân, nhất là nhân dân lao động, vùng dân tộc, biên giới, hải đảo xa xôi, vùng mới giải phóng, nông thôn hẻo lánh.

2. Nhận thức chưa đầy đủ của một số ngành, cấp về nhiệm vụ công tác y tế xã hội phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam nhất là phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế giải quyết vấn đề ăn, mặc cho nhân dân hiện nay, từ đó dẫn đến tình trạng chưa có đầy đủ quyết tâm tìm biện pháp phát huy những thuận lợi và khả năng sẵn có, còn tư tưởng ỷ lại Nhà nước, ỷ lại bên trên. Riêng phía hai ngành chủ quản còn duy trì quá lâu những bất hợp lý trong cơ chế tổ chức, quản lý, chậm thay đổi các chính sách, chế độ đang kìm hãm sự phát triển công tác trong hai ngành, nhất là ngành Y tế.

Từ những kết luận trên đây, Ủy ban y tế và xã hội chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước lưu ý Chính phủ, các ngành có liên quan, các cấp những vấn đề sau đây:

1. Trên cơ sở quán triệt phương hướng y học dự phòng và quán triệt chủ trương, chính sách về công tác y tế - xã hội, phát động rộng rãi một phong trào quần chúng thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để giải quyết những vấn đề cấp thiết sau đây:

- Thực hiện tốt công tác phòng bệnh qua việc thực hiện vệ sinh môi trường, nhất là ở những nơi đông dân như thành phố, khu công nghiệp tập trung và đồng bằng sông Cửu Long - nơi 6 tháng ngập nước mặn, nơi chịu nước mặn một năm.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào tự túc thuốc nam tại xã và huyện, tranh thủ hết khả năng về dược liệu trong nước để khắc phục tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh thông thường hiện nay; mở rộng việc chữa bệnh bằng nước khoáng.

- Thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch rộng rãi, liên tục và có hiệu quả.

- Chăm lo đời sống cán bộ y tế ở xã, phường.

- Chăm lo đời sống của các đối tượng xã hội, nhất là các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

- Xây dựng cơ sở vật chất cho hai ngành Y tế và Thương binh - Xã hội ở cơ sở. Trước mắt cần tu sửa nhà cửa, bổ sung những dụng cụ, thiết bị cần thiết cho những bệnh viện, bệnh xá, trạm điều dưỡng, v.v. đã có.

- Tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong ma chay, cưới xin và các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống.

2. Trong khả năng ngân sách cho phép, nghiên cứu để hướng ngân sách y tế vào phục vụ các công tác trọng tâm của ngành. Đặc biệt, quan tâm cân đối với vật tư cho ngành dược để có khả năng xuất khẩu thuốc và nhập nhiên liệu kháng sinh, thuốc chuyên khoa.

- Trong năm 1982-1985, Nhà nước cần đầu tư xây dựng một nhà máy kháng sinh công suất 50 tấn/năm để kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị các bệnh nhiễm trùng và cấp cứu; (Bạn Hunggari đã đồng ý đầu tư cho ta xây dựng sau đó ta trả vốn cho bạn).

- Mở rộng mạng lưới phục vụ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, lập lại hệ thống y tế học đường từ nhà trẻ đến trường phổ thông trung học cơ sở.

- Cố gắng cung cấp vải màn, giấy vệ sinh để hỗ trợ công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ và sinh đẻ có kế hoạch;

- Đào tạo, phân bổ kịp thời và hợp lý đội ngũ cán bộ y tế đã có để bảo đảm một bệnh viện huyện, quận ít nhất có 5 bác sĩ phụ trách các chuyên khoa và các trạm xá 5.000 dân phấn đấu có ít nhất 5 cán bộ trong đó có một y sĩ, một y tá, một hộ sinh và một dược tá, xã từ 10.000 dân trở lên phấn đấu có thêm một bác sĩ.

3. Các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu, trình Nhà nước ban hành bổ sung hay sửa đổi những chính sách, chế độ lỗi thời hoặc đang khó thực hiện trong điều kiện hiện nay, như:

- Chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng;

- Chính sách đào tạo cán bộ y tế người dân tộc, người địa phương. Đối với người dân tộc, cần có chính sách bồi dưỡng đặc biệt về trình độ văn hóa trước khi chiêu sinh. Đối với người địa phương, nhất là ở vùng nông thôn phía Nam, miền núi cần mở rộng việc đào tạo y sĩ, bác sĩ theo hệ hàm thụ, chuyên tu;

- Quy định nghĩa vụ và có chính sách khuyến khích cán bộ từ thành phố, thị xã đi phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, vùng sình lầy, vùng khí hậu xấu;

- Chính sách kế thừa và phát huy y học dân tộc cổ truyền;

- Chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng dược liệu, phân phối lương thực, định giá cả cho hợp lý để động viên việc sản xuất và sử dụng thuốc từ nguyên liệu trong nước, v.v..

- Chính sách giải quyết lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho cán bộ y tế xã, ổn định cuộc sống cho anh chị em.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, nhất là đối với các vùng xa xôi, hẻo lánh. Có biện pháp sớm khắc phục sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng về phân phối cán bộ và thuốc men chống bình quân, dàn đều. Qua kiểm tra, kịp thời xét khen thưởng, động viên những điển hình tốt.

5. Đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực trên một số lĩnh vực:

- Trong công tác quản lý, phân phối và lưu thông thuốc men, ngành Y tế cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, cần nghiêm khắc trước những hiện tượng tham ô, móc ngoặc hoặc sự phân phối thiếu công bằng đối với các địa phương, cơ sở, kiên quyết trừng trị bọn đầu cơ và làm thuốc giả; ngành Y tế cần nghiên cứu việc quản lý và thu mua theo giá hợp lý các loại thuốc từ nước ngoài gửi về; tiến tới Nhà nước độc quyền sản xuất và bán thuốc.

- Giáo dục và xử lý công minh đối với những người quan liêu, hách dịch, cửa quyền và thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phục vụ tại các bệnh viện, trạm y tế, trại thương binh và các đối tượng xã hội khác. Ngành Y tế cần tăng cường giáo dục ý thức “thày thuốc như mẹ hiền” cho cán bộ y tế; ngành Thương binh - Xã hội cần giáo dục tinh thần, thái độ phục vụ tận tụy cho các cán bộ trong ngành, kiên quyết chống tham ô, cắt xén tiêu chuẩn của đối tượng.

- Các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, thị xã.

Kính thưa Quốc hội,

Trong kỳ họp này, Quốc hội tập trung thảo luận, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho thời gian sắp tới, với tư tưởng chủ đạo lớn là dựa vào sức mình để giải quyết vấn đề ăn, mặc, cho toàn dân. Người lao động Việt Nam chính là người sẽ thực hiện kế hoạch đó. Giải quyết tốt vấn đề bảo vệ sức khỏe cho người lao động, làm tốt công tác bảo vệ bà mẹ - trẻ em, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện công tác thương binh - xã hội, làm tốt chính sách hậu phương quân đội chính là trực tiếp phục vụ cho việc hoàn thành kế hoạch nhà nước 5 năm 1981 - 1985, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi rất mong được Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, các ngành, các cấp và các đồng chí đại biểu Quốc hội quan tâm.

Xin cảm ơn sự chú ý của các vị đại biểu.

Kính chúc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội