BÀN VỀ LẬP HIẾN

ThS. Bùi Ngọc Sơn

                                               Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
 

1. Trách nhiệm hiến pháp - một loại trách nhiệm pháp lý

Để đi đến nhận định trách nhiệm hiến pháp có phải là một loại của trách nhiệm pháp lý hay không, cần phải xem trách nhiệm hiến pháp có thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của trách nhiệm pháp lý hay không.

Xin xét một trường hợp cụ thể. Theo Điều 84 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992, Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chính phủ vi phạm Hiến pháp. Giả sử như Chính phủ ban hành một nghị định trái Hiến pháp thì Quốc hội có quyền bãi bỏ. Trong trường hợp này đã phát sinh trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội. Trách nhiệm này thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của trách nhiệm pháp lý: có cơ sở thực tế của trách nhiệm pháp lý là vi phạm pháp luật (Chính phủ ban hành nghị định trái Hiến pháp), có chế tài (bãi bỏ), có sự cưỡng chế của Nhà nước (Quốc hội là chủ thể áp dụng chế tài cưỡng chế, Chính phủ là chủ thể vi phạm Hiến pháp phải chịu sự áp dụng), có quyết định có hiệu lực pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Quốc hội sẽ ra một nghị quyết về việc đó). Dù rằng thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của trách nhiệm pháp lý nhưng trách nhiệm nói trên không thể quy về một trong các loại trách nhiệm pháp lý truyền thống (trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm vật chất). Loại trách nhiệm này có thể gọi là trách nhiệm hiến pháp vì cơ sở của loại trách nhiệm này là hành vi vi phạm luật hiến pháp, chế tài được quy định trong luật hiến pháp, các chủ thể tham gia quan hệ trách nhiệm này là các chủ thể của luật Hiến pháp.

Theo tôi, lý luận về trách nhiệm pháp lý hiện nay chưa bao quát hết được các loại hình trách nhiệm pháp lý. Đã có ý kiến cho rằng cách phân loại trách nhiệm pháp lý có khả năng có những thay đổi nhất định[1]. Trách nhiệm hiến pháp cần phải được coi là một loại trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm hiến pháp về cơ bản có đầy đủ những dấu hiệu của trách nhiệm pháp lý, đồng thời lại có những điểm đặc thù[2].

Thứ nhất, trách nhiệm hiến pháp được điều chỉnh bởi luật hiến pháp

Trách nhiệm hiến pháp được quy định trong các văn bản từ Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nhà nước có hiệu lực pháp lý tối cao, đến các đạo luật mang tính hiến pháp (các đạo luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn hiến pháp) quy định về việc tổ chức quyền lực nhà nước.

Thứ hai, trách nhiệm hiến pháp là một loại trách nhiệm pháp lý nhưng đồng thời cũng là một loại trách nhiệm chính trị

Bởi vì, Hiến pháp là văn bản tổ chức quyền lực nhà nước bao gồm nhiều vấn đề trong đó có xác định về chính trị của một quốc gia. Hơn nữa, trách nhiệm hiến pháp xảy ra đối với các chủ thể là các thiết chế chính trị hoặc với công dân với tư cách là chủ thể của quá trình chính trị (quá trình thiết lập quyền lực nhà nước, thiết kế chính sách - Tg); và hoạt động của những chủ thể này liên quan đến việc hoạch định đường lối, chính sách của quốc gia, những hoạt động liên quan đến lợi ích của Nhà nước ở tầm vĩ mô, liên quan đến sự phát triển chung của Nhà nước. Trách nhiệm hiến pháp là một khái niệm hẹp hơn trách nhiệm chính trị. Trách nhiệm hiến pháp thường là trách nhiệm của Nhà nước. Trách nhiệm hiến pháp phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô được điều chỉnh bởi luật hiến pháp. Trách nhiệm chính trị còn bao gồm các loại trách nhiệm trong các tổ chức chính trị như đảng chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội...

Thứ ba, cơ sở của trách nhiệm hiến pháp là hành vi trực tiếp vi phạm Hiến pháp, nhưng có những trường hợp lại là hành vi gián tiếp vi phạm Hiến pháp

Hiến pháp Việt Nam tại Điều 7 quy định cơ sở để nhân dân áp dụng chế tài miễn nhiệm đối với đại biểu dân cử là các đại biểu đó "không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". Trong một số chính thể đại nghị của nhà nước tư sản, Quốc hội có quyền áp dụng một chế tài hiến pháp là lật đổ Chính phủ. Cơ sở của trách nhiệm hiến pháp của Chính phủ trong trường hợp này có thể là Chính phủ không còn sự tín nhiệm của Quốc hội. Lý do của việc Quốc hội bất tín nhiệm có rất nhiều: kết quả hoạt động của Chính phủ không được Quốc hội chấp thuận; những dự án do Chính phủ trình lên không được Quốc hội thông qua, nhất là dự án ngân sách; chương trình hoạt động của Chính phủ không được chấp thuận[3].

Thứ tư, các chủ thể tham gia quan hệ trách nhiệm hiến pháp chủ yếu là các cơ quan nhà nước, người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước

Công dân cũng có thể trở thành chủ thể trong quan hệ trách nhiệm hiến pháp. Ví dụ: trường hợp một công dân bị tước quyền bầu cử, hay bị tước quốc tịch. Ngoài những chủ thể nói trên, đảng chính trị cũng có thể là đối tượng của trách nhiệm hiến pháp. Ở Đức, Toà án Hiến pháp liên bang có quyền cấm hoạt động đối với những đảng chính trị vi phạm Hiến pháp có ý đồ làm suy yếu hay xóa bỏ chế độ.

Thứ năm, chủ thể áp dụng các biện pháp chế tài hiến pháp trong một số trường hợp không phải là nhà nước

Trong đa số các trường hợp, chủ thể áp dụng và chủ thể bị áp dụng các chế tài hiến pháp đều là các cơ quan nhà nước, người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Nhưng khác với các loại trách nhiệm pháp lý khác, trách nhiệm hiến pháp có điểm đặc biệt là có trường hợp chủ thể áp dụng chế tài không phải là nhà nước. Điều 7 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: "Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". Trong trường hợp này, chủ thể áp dụng chế tài hiến pháp là nhân dân còn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là đối tượng chịu trách nhiệm.

Tóm lại, trách nhiệm hiến pháp là một loại quan hệ chính trị - pháp lý xuất hiện trong lĩnh vực tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước được điều chỉnh bởi luật hiến pháp, trong đó thể hiện sự đánh giá phủ nhận về mặt pháp lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm Hiến pháp, và những chủ thể này phải chịu những hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra.

2. Vấn đề trách nhiệm hiến pháp của một số chủ thể

Chúng tôi xin tập trung vào trách nhiệm hiến pháp của một số thiết chế chủ yếu cấu thành chính thể nhà nước.

 Quốc hội

Theo Hiến pháp thì không có trường hợp nào Quốc hội phải chịu trách nhiệm hiến pháp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 tại Điều 81 quy định: "Theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ luật, nghị quyết của Quốc hội trái Hiến pháp"[4]. Theo quy định này, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Quốc hội trái Hiến pháp. Nhưng, không thể nói đến trách nhiệm hiến pháp ở đây. Vì, trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ xuất hiện có ít nhất hai chủ thể: một chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý, và chủ thể áp dụng biện pháp chế tài mà trong trường hợp nói trên, thì chỉ có một chủ thể là Quốc hội.

Theo chúng tôi, ở một số nhà nước tư sản như Mỹ, Nga, Pháp cũng không xảy ra trách nhiệm hiến pháp khi Quốc hội ban hành một đạo luật vi phạm Hiến pháp[5]. Khác với các nước trên, vấn đề trách nhiệm hiến pháp của Quốc hội trong việc ban hành một đạo luật vi hiến được đặt ra trong chính thể cộng hoà đại nghị ở Đức. Toà án Hiến pháp có quyền truy cứu trách nhiệm hiến pháp đối với hành vi của Nghị viện trong việc ban hành một đạo luật vi phạm Hiến pháp, và hình thức chế tài Hiến pháp được áp dụng ở đây là huỷ bỏ đạo luật vi phạm Hiến pháp[6].

Trong một số nhà nước tư sản theo chính thể đại nghị, Nghị viện còn phải chịu một chế tài là giải tán Nghị viện. Điều 109 của Hiến pháp Liên bang Nga ấn định cho Tổng thống quyền giải tán Duma quốc gia. Điều 68 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định: "Nếu đề nghị được thông qua sự tín nhiệm đối với mình của Thủ tướng Liên bang không được sự đồng ý của đa số thành viên của Nghị viện Liên bang thì theo đề nghị của Thủ tướng Liên bang trong vòng 21 ngày Tổng thống Liên bang có thể giải tán Nghị viện Liên bang". Theo Hiến pháp của Anh, Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán Nghị viện. Chế tài giải tán Quốc hội do Nguyên thủ quốc gia tự thân áp dụng hoặc theo đề nghị của người đứng đầu hành pháp.

Việc Quốc hội phải chịu trách nhiệm hiến pháp trước cơ quan tư pháp (bãi bỏ luật của Quốc hội), và hành pháp (giản tán Quốc hội) nằm trong khuôn khổ của nguyên tắc phân chia quyền lực được áp dụng trong tổ chức nhà nước ở các nước này. Toà án ở một vị thế ngang bằng với Quốc hội nên mới có thể truy cứu trách nhiệm hiến pháp đối với hành vi của Quốc hội. Chính phủ cũng ở một vị thế độc lập, ngang bằng với Quốc hội nên có thể yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán Quốc hội.

Việt Nam tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực. Theo đó, Quốc hội là đại diện tối cao của chủ quyền nhân dân nên không thể có một thiết chế nào có thể đứng trên Quốc hội để thực hiện quyền tài phán về hành vi của Quốc hội.

Đối với đại biểu Quốc hội, trách nhiệm hiến pháp xảy ra khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Theo Điều 7 của Hiến pháp năm 1992 thì đại biểu Quốc hội có thể bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì trách nhiệm hiến pháp xảy ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành một văn bản trái Hiến pháp. Trong trường hợp này, Quốc hội sẽ áp dụng biện pháp chế tài là bãi bỏ những văn bản pháp luật do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành trái Hiến pháp.

Quốc hội có quyền áp dụng biện pháp chế tài miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch nước

Theo Điều 84 của Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Miễn nhiệm, bãi nhiệm chính là chế tài được Quốc hội áp dụng để truy cứu trách nhiệm hiến pháp đối với Chủ tịch nước trong trường hợp Chủ tịch nước có hành vi vi phạm Hiến pháp. Cũng theo quy phạm Hiến pháp nói trên, một biện pháp chế tài Hiến pháp khác mà Quốc hội có thể áp dụng đối với Chủ tịch nước là bãi bỏ các văn bản pháp luật do Chủ tịch nước ban hành trong trường hợp văn bản của Chủ tịch nước vi phạm Hiến pháp.

 Chính phủ

Trách nhiệm hiến pháp xảy ra khi Chính phủ ban hành một văn bản pháp luật vi phạm Hiến pháp. Trong trường hợp này có các chế tài hiến pháp được áp dụng là: đình chỉ văn bản của Chính phủ trái Hiến pháp được áp dụng bởi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và huỷ bỏ văn bản của Chính phủ trái Hiến pháp được áp dụng bởi Quốc hội.

Hiến pháp xác định "Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội" (Điều 109). Theo thông lệ chung, nói đến trách nhiệm của Chính phủ là nói đến trách nhiệm của cả tập thể Chính phủ, chỉ xảy ra khi Chính phủ bị Nghị viện, Quốc hội bất tín nhiệm dẫn đến phê bình, giản tán[7]. Trách nhiệm hiến pháp của Chính phủ ở nhiều chính thể tư sản được quy định trong Hiến pháp là trách nhiệm của cả tập thể Chính phủ - trách nhiệm liên đới của Chính phủ, và chế tài thường là việc lật đổ Chính phủ với cơ sở là việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với Chính phủ[8]. Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, vấn đề trách nhiệm của tập thể Chính phủ đã được đặt ra từ Hiến pháp năm 1946 tại Điều thứ 54: "Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc 1/4 tổng số Nghị viên nêu vấn đề ấy ra. Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức". Nhưng các Hiến pháp sau này đều không quy định hình thức cụ thể trách nhiệm của tập thể Chính phủ.

Đối với trách nhiệm hiến pháp của từng thành viên của Chính phủ, Hiến pháp quy định: Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ (Điều 84); Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên  khác của Chính phủ (Điều 114); Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ (Điều 84); Chủ tịch nước căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên  khác của Chính phủ (Điều 113).

Hiến pháp năm 1992 sửa đổi vừa qua đã đưa vào một quy phạm quan trọng liên quan đến trách nhiệm hiến pháp của Chính phủ là Quốc hội có quyền: "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn" (Điều 84). Như vậy, đối với Chính phủ, Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên  khác của Chính phủ. Có người hiểu rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm là một biện pháp chế tài của Quốc hội đối với Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm không phải là một biện pháp chế tài, mà đó chỉ là cơ sở để quy kết trách nhiệm, tức là tiền đề để đi đến việc áp dụng các biện pháp chế tài. Sau bỏ phiếu tín nhiệm thì các biện pháp chế tài có thể được áp dụng là miễn nhiệm, bãi nhiệm.

 Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền áp dụng hình thức chế tài là đình chỉ đối với những văn bản pháp luật do Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao vi phạm Hiến pháp. Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản pháp luật do Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao vi phạm Hiến pháp.

Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những chức danh do Quốc hội bầu. Do đó, căn cứ theo Điều 84 của Hiến pháp, Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với hai chức danh này. Kết quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể dẫn đến việc Quốc hội áp dụng hình thức chế tài miễn nhiệm, bãi nhiệm để truy cứu trách nhiệm hiến pháp đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Trách nhiệm hiến pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền

Việt Nam đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền nên không thể không hoàn thiện chế độ trách nhiệm hiến pháp. Chế độ trách nhiệm hiến pháp theo Hiến pháp Việt Nam như đã trình bày ở trên, có những điểm bất cập, cần phải được khắc phục. Với những sự tìm hiểu bước đầu, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề sau đây liên quan đến trách nhiệm hiến pháp cần được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ nhất, về trách nhiệm hiến pháp của Quốc hội

Chúng tôi cho rằng, việc thành lập Toà án hiến pháp ở Việt Nam, như một số ý kiến đã đề xuất, với tư cách là một thiết chế tư pháp có quyền tài phán khi Quốc hội ban hành một đạo luật vi phạm Hiến pháp là không hợp lý. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền nên không thể thiếu những hình thức để kiểm tra tính hợp hiến của chính quyền. Nhưng việc thiết lập một thiết chế nhà nước còn tuỳ thuộc vào từng loại hình chính thể. Toà án Hiến pháp là cần thiết trong một nhà nước có chính thể áp dụng nguyên tắc phân quyền. Toà án Hiến pháp là một cơ quan tư pháp, là một định chế thực hiện việc kiểm hiến bằng con đường tư pháp. Chỉ trong chính thể phân quyền, khi tư pháp độc lập và ngang bằng với lập pháp thì mới có thể tổ chức một cơ quan tư pháp thực hiện chức năng tài phán về hành vi của cơ quan lập pháp. Quyền lực nhà nước ở Việt Nam được thiết kế theo nguyên tắc thống nhất quyền lực. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chúng ta không áp dụng nguyên tắc phân quyền với các hệ thống cơ quan kiềm chế, đối trọng nhau. Vì vậy, đối với chính thể của Việt Nam, theo chúng tôi, thiết chế Toà án Hiến pháp là không phù hợp.

Vấn đề đặt ra đối với chúng ta trong việc kiểm tra tính hợp hiến các đạo luật của Quốc hội là phải tổ chức một thiết chế chính trị, chứ không phải cơ quan tư pháp để thực hiện chức năng này. Có thể gọi thiết chế đó là Hội đồng bảo vệ Hiến pháp. Mô hình bảo vệ Hiến pháp của Pháp có thể đem lại cho chúng ta một số kinh nghiệm. Nếu được tổ chức ở Việt Nam, Hội đồng bảo vệ Hiến pháp có thể do Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ phối hợp thành lập. Cơ quan đó không phải được thành lập ra để xét xử hành vi của Quốc hội, mà là để ngăn ngừa cho Quốc hội không có những hành vi vi phạm Hiến pháp. Để làm được điều đó, Hội đồng bảo vệ Hiến pháp sẽ thực hiện chức năng kiểm tra tính hợp hiến của một dự luật trước khi được Quốc hội thông qua; nếu một đạo luật đã được Quốc hội thông qua vi phạm Hiến pháp thì Hội đồng bảo vệ Hiến pháp không có quyền huỷ bỏ mà chỉ có quyền kiến nghị để Quốc hội sẽ có những cách thức xử lý trong kỳ họp gần nhất.

Về vấn đề trách nhiệm hiến pháp của các đại biểu Quốc hội, mặc dù Hiến pháp có quy định cơ sở của việc nhân dân bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là các đại biểu đó không còn sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của việc bãi nhiệm. Chính vì vậy mà quyền này của nhân dân được thực hiện rất hạn chế trên thực tế. Quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử là quyền lực chính trị của nhân dân, là một phần của chủ quyền nhân dân. Quyền này tồn tại như một cơ chế chống lại sự tha hoá của quyền lực nhà nước được nhân dân uỷ thác cho nhà nước. Vì tính chất quan trọng của nó, cần phải có những quy định cụ thể hơn trong những trường hợp như thế nào thì đại biểu dân cử không còn được sự tín nhiệm của cử tri, cũng như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của việc nhân dân bãi nhiệm đại biểu dân cử.

Thứ hai, về trách nhiệm hiến pháp của những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi bị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm

 Vấn đề này cần phải quy định cụ thể hơn là: trong những trường hợp nào thì vấn đề tín nhiệm được đặt ra, ai có quyền nêu ra vấn đề tín nhiệm, chỉ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi nhận thức thấy cần phải bỏ phiếu tín nhiệm thì mới trình vấn đề này với Quốc hội, hay các chủ thể bị đặt vấn đề tín nhiệm cũng có thể tự nêu ra vấn đề tín nhiệm; trình tự cụ thể của việc bỏ phiếu tín nhiệm...

Hiến pháp năm 1992 không quy định rõ hậu quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm. Theo Điều 88 của Luật Tổ chức Quốc hội, nếu qua bỏ phiếu tín nhiệm dẫn đến kết quả những người bị bỏ phiếu tín nhiệm không còn sự tín nhiệm của Quốc hội thì có thể bị Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm. Ở nhiều nước, việc áp dụng chế tài sau khi bỏ phiếu tín nhiệm dẫn đến việc không còn tín nhiệm thường được điều chỉnh bởi Hiến pháp. Hiến pháp Việt Nam năm 1946 (Điều 54) cũng vậy. Chúng tôi cho rằng, Hiến pháp của nước ta cần phải xác định rõ về hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm chứ không nên để điều này cho luật điều chỉnh vì đây là mối quan hệ chính trị cơ bản, rất quan trọng của đất nước.

Thứ ba, về trách nhiệm hiến pháp của tập thể Chính phủ

Mặc dù Hiến pháp hiện hành quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng Hiến pháp lại không quy định một hình thức nào để Quốc hội tỏ thái độ đối với tập thể Chính phủ[9]. Tuy nhiên, nếu đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì cũng phải quy định một hình thức nào đó để Quốc hội tỏ thái độ đối với tập thể Chính phủ. Có thể áp dụng một hình thức là Quốc hội phê bình tập thể Chính phủ. Sự phê bình của Quốc hội đối với tập thể Chính phủ có ý nghĩa đảm bảo sự thống nhất của quyền lực, sự thống nhất trong đường lối chung của nhà nước, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, tính đúng đắn trong đường lối, chính sách của Chính phủ./.


* Nghiên cứu Lập pháp, số 4(27), tháng 4/2003.

[1] TS. Hoàng Thị Ngân, Về trách nhiệm pháp lý, Tạp chí Nghiêu cứu lập pháp, số 2, năm 2001, tr. 47.

[2] Khái niệm trách nhiệm trong lĩnh vực pháp luật được hiểu theo hai nghĩa: ở mặt tích cực, trách nhiệm là chức trách, công việc được giao, nó bao hàm cả quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định; ở khía cạnh bị động (tiêu cực), trách nhiệm được hiểu là hậu quả bất lợi mà cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ được giao phó. Đó là trách nhiệm truyền thống trong khoa học pháp lý- trách nhiệm pháp lý. Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1998, tr. 410. Khái niệm trách nhiệm hiến pháp dùng ở đây được hiểu theo nghĩa bị động (tiêu cực).

 

[3]PGS, TS. Nguyễn Đăng Dung, Hiến pháp và bộ máy nhà nước, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2002, tr. 236.

[4] Hiện nay, nội dung này không được đề cập trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (BBT).

[5] Toà án tối cao của Mỹ không có quyền tuyên bố huỷ bỏ một đạo luật của Nghị viện vi phạm Hiến pháp, mà chỉ tuyên bố không áp dụng đạo luật đó trong một trường hợp cụ thể. Điều này không nói lên trách nhiệm hiến pháp của Nghị viện, không có một chế tài nào được áp dụng với Nghị viện trong trường hợp này.

Ở Nga, Điều 125 Hiến pháp Liên bang Nga quy định: "Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, theo những khiếu nại về việc vi phạm các quyền và tự do hiến định của công dân hay theo yêu cầu của các toà án, kiểm tra tính hợp hiến của đạo luật được áp dụng hoặc sẽ được viện dẫn để áp dụng trong từng trường hợp cụ thể theo trình tự do luật liên bang ấn định”. Như vậy, vấn đề kiểm tra tính hợp hiến đạo luật của Nghị viện chỉ đặt ra trong một vụ việc cụ thể. Trong trường hợp đạo luật của Nghị viện được xác định là vi phạm hiến pháp, Toà án hiến pháp sẽ tuyên bố không áp dụng đạo luật đó. Điều này cũng giống như ở Mỹ, không nói lên trách nhiệm hiến pháp của Nghị viện.

Còn ở Pháp thì Điều 61 Hiến pháp Pháp quy định: "Những đạo luật biên chế, trước khi ban hành và các quy tắc của hai Viện, trước khi thi hành, phải đệ lên Hội đồng bảo hiến xem xét các văn kiện đó có phù hợp với hiến pháp không". Hội đồng bảo hiến ở Pháp chỉ kiểm tra tính hợp hiến của dự luật trước khi được Nghị viện thông qua. Đối với những đạo luật do Nghi viện thông qua nếu vi phạm hiến pháp thì Hội đồng bảo hiến cũng không có quyền huỷ bỏ. Tức là cũng không xảy ra trách nhiệm hiến pháp đối với hành vi của Nghị viện ban hành một đạo luật vi hiến.

[6] Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức tại Điều 93 ấn định cho Toà án Hiến pháp liên bang thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến các đạo luật do Nghị viện ban hành. Toà án Hiến pháp liên bang là cấp xét xử duy nhất có thẩm quyền tuyên bố các đạo luật của Liên bang hay bang là không còn giá trị vì không phù hợp với Hiến pháp. Xem Wolfgang Horn, Pháp trị, dân chủ và quyền tài phán của hiến pháp, In trong: Nhà nước pháp quyền, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 205.

[7] PGS,TS. Bùi Xuân Đức, Hoàn thiện cơ chế trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12, năm 2002, tr. 35

[8] Điều 69, Hiến pháp Nhật Bản xác định: "Nếu Nghị viện biểu quyết kiến nghị phê bình, hay bác bỏ kiến nghị tín nhiệm, toàn thể Nội các phải từ chức, trừ phi Hạ nghị viện bị giải tán trong 10 ngày". Hiến pháp Ba Lan tại Điều 66 quy định: "Hạ nghị viện có thể bãi nhiệm, bằng một đa số phiếu tuyệt đối dựa trên phiếu bất tín nhiệm đối với Hội đồng bộ trưởng”.

[9] Như đã nói, Quốc hội chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không bỏ phiếu tín nhiệm đối với tập thể Chính phủ.