VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

BÀI PHÁT BIỂU
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG PHẠM VĂN ĐỒNG TẠI KỲ HỌP THỨ 2,
QUỐC HỘI KHÓA VII, NGÀY 30-12-1981

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Về tình hình và nhiệm vụ chung của nước ta hiện nay và trong những năm sắp tới, trong bài diễn văn quan trọng tại kỳ họp đầu của khóa này của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã làm sáng tỏ những vấn đề lớn mà tất cả chúng ta đều chú trọng. Hôm nay, tôi chỉ nhấn mạnh với các đồng chí về những vấn đề có liên quan mật thiết tới việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1981 và nhất là những vấn đề của kế hoạch nhà nước năm 1982. Những vấn đề này đã được chúng ta thảo luận sôi nổi trong các tổ cũng như ở hội trường này.

Nhìn lại năm 1981, chúng ta phải thấy hết những thành tựu cũng như những thiếu sót.

Trong năm 1981, nhân dân ta đã tạo nên nhiều chuyển biển rất đáng phấn khởi trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Trên mặt trận nông nghiệp, việc khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động, việc ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và ổn định nghĩa vụ lương thực đã dấy lên trong nông dân cao trào tận dụng lao động và đất đai, mở rộng diện tích, tăng vụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, đem lại lợi ích cho xã viên, cho tập thể và cho Nhà nước. Lần đầu tiên, nông nghiệp nước ta đạt và vượt kế hoạch về cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Nhờ vậy, nhu cầu lương thực trong nông thôn được bảo đảm tốt hơn các năm trước, nông dân trong cả nước hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, hậu quả nặng nề của thiên tai năm 1980 ở miền Bắc được khắc phục. Hiện nay, chính sách khoán trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành một phong trào cách mạng của quần chúng, đang đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý, về tổ chức, về củng cố hợp tác xã, về chuyên canh và thâm canh, về trang bị cơ sở vật chất và kỹ thuật, mà chúng ta phải có những biện pháp giải quyết tốt nhất theo yêu cầu thiết tha của quần chúng nông dân.

Đồng thời, chúng ta rất coi trọng việc khắc phục kịp thời những sai sót không thể tránh khỏi của một phong trào phát triển rất nhanh và với quy mô rộng lớn, làm cho phong trào tiếp tục tiến lên về mọi mặt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển không ngừng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

Trong công nghiệp nói chung cũng như trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và giao thông vận tải, việc mở rộng quyền chủ động trong sản xuất và kinh doanh, việc áp dụng các hình thức lương khoán, tiền thưởng, các chính sách và chủ trương kích thích sản xuất khác đang thúc đẩy giai cấp công nhân ở nhiều cơ sở của các ngành, các địa phương phát huy tinh thần làm chủ tập thể, khai thác mọi khả năng tiềm tàng, nâng cao tính chủ động và sáng tạo, khắc phục khó khăn, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm, hạ giá thành, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại lợi ích cho tập thể và xã hội. Nhờ vậy, trong điều kiện năng lượng và vật tư ít hơn trước, sản xuất công nghiệp có tăng - nhất là công nghiệp địa phương, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Trong xây dựng cơ bản, một số công trình trọng điểm được thực hiện đúng tiến độ thi công, một phương thức mới có nhiều hứa hẹn về xây dựng xuất hiện: “Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Giao thông vận tải địa phương, nhất là vận tải thô sơ, bắt đầu phát triển ở một số tỉnh và thành phố.

Những thành tựu trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong xây dựng cơ bản kể trên chứng minh một cách rõ rệt những khả năng to lớn và phong phú của quần chúng ở các cơ sở sản xuất, ở cấp huyện cũng như ở các địa phương. Điều này cũng nói lên sức lao động dồi dào và tài năng sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động đã và đang được phát huy bởi những chính sách khuyến khích sản xuất và kinh doanh, bởi một cơ chế quản lý hợp lý, đánh dấu một bước phát triển mới về quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Chúng ta phải đặc biệt coi trọng những thành tựu mới này, phải đi sâu hơn nữa trong việc nghiên cứu và kịp thời ban hành những chính sách khuyến khích sản xuất và kinh doanh ở các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở, nghiên cứu, ban hành những chủ trương và chế độ về cơ chế quản lý mới, trong đó khâu quan trọng nhất là xây dựng và thực hiện kế hoạch nhà nước từ cơ sở đến Trung ương.

Trước những thành tựu và những triển vọng như vậy, hôm nay, chúng ta nhiệt liệt biểu dương giai cấp công nhân, giai cấp nông dân lao động và tầng lớp trí thức của nước ta, đồng thời, chúng ta nhiệt liệt biểu dương các lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng đã và đang bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Tuy nhiên, năm qua không chỉ có những thành tựu đáng khích lệ. Phải thừa nhận rằng, chúng ta có thể làm được nhiều hơn và tốt hơn trong nhiều lĩnh vực kinh tế và văn hóa, đưa sự nghiệp cách mạng của chúng ta tiến thêm một bước. Đặc biệt, chúng ta đã có những thiếu sót trong quản lý và điều hành công việc, trong chỉ đạo sản xuất, nhất là trong quản lý phân phối và lưu thông, giá cả và thị trường, trong đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực. Trách nhiệm về những thiếu sót ấy thuộc về Hội đồng Bộ trưởng, trước hết là Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Chúng tôi thành thực tiếp thu sự phê phán đúng đắn của các đại biểu Quốc hội.

Đại hội lần thứ V của Đảng sắp tới sẽ quyết định chủ trương có tính chất chiến lược của chặng đường ban đầu (trong những năm 1980) của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó vạch rõ phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985. Thực hiện chủ trương có tính chất chiến lược trên sẽ tạo điều kiện và tiền đề cho những bước phát triển to lớn và mạnh mẽ cho những năm tiếp theo.

Theo tinh thần đó, chúng ta phải cố gắng thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1982 và đặc biệt chú trọng làm tốt những việc sau đây:

Chúng ta phải tập trung mọi lực lượng của cả nước nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn liền với lâm nghiệp và ngư nghiệp trên địa bàn cả nước và theo các vùng kinh tế lớn mà cấp huyện là khâu cực kỳ quan trọng; phấn đấu bảo đảm bằng được lương thực bao gồm cả lúa và màu, thực phẩm các loại: rau, đậu, mía đường và cây ăn quả, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi: lợn, gà, vịt, trâu, bò, cá, từ đó tạo nên những khả năng ở các địa phương để có bữa ăn hợp lý về lượng và chất. Chúng ta phải bảo đảm ngày càng đầy đủ nguyên liệu cho công nghiệp và ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị cho xuất khẩu. Ở đây cần nhấn mạnh, nghĩa vụ của các địa phương, trước hết là cấp huyện, trong việc sản xuất lương thực và thực phẩm đủ cung cấp cho dân cư ở địa phương mình, đồng thời làm nghĩa vụ đối với Nhà nước và phấn đấu có dự trữ. Gần đây, một số nơi làm tốt việc sản xuất cây đậu tương, trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông, dệt vải và sản xuất một số nông sản khác, cần nêu những điển hình tốt này và phổ biến rộng rãi để các nơi khác làm theo.

Cùng với phát triển nông nghiệp, chúng ta phải chăm lo phát triển hàng tiêu dùng. Ở đây cũng vậy, vai trò của địa phương là vô cùng quan trọng. Có nguồn nguyên liệu tại chỗ, có sức lao động dồi dào, có sự hiểu biết về tập quán tiêu dùng, có sức sáng tạo của cán bộ và nhân dân lao động, các địa phương hoàn toàn có khả năng phát triển những ngành, nghề thủ công công nghiệp và tiểu công nghiệp làm ra nhiều mặt hàng ngày càng tinh xảo, có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chúng ta phải cố gắng phát triển nông nghiệp toàn diện và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân: ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, bảo vệ sức khỏe...

Hiện nay, nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu của nước ta cũng là mặt hàng công nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, khoáng sản; đồng thời cũng phải thấy những khả năng xuất khẩu của một số ngành công nghiệp. Chúng ta phải ra sức phát triển xuất khẩu để nhập khẩu những mặt hàng cần thiết bằng cách ban hành các chính sách, chế độ nhằm khuyến khích các ngành, các địa phương cho đến cơ sở làm tốt công việc quan trọng này, dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Các ngành công nghiệp nặng, trước hết là năng lượng, điện, than, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng và giao thông vận tải, v.v. phải phát huy đến mức cao nhất năng lực của mình nhằm phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Chúng ta đặc biệt coi trọng ngành Dầu khí và ra sức thực hiện tốt việc hợp tác với Liên Xô trong lĩnh vực này.

Trong xây dựng cơ bản, phải kiên quyết sắp xếp lại các công trình bằng cách phân loại để tập trung sức hoàn thành đúng thời hạn những công trình then chốt, trước hết, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đặc biệt chú trọng các công trình điện, than, hóa chất, phân bón, cơ khí, sợi, giấy, vật liệu xây dựng, kiên quyết đình hoãn những công trình chưa có khả năng xây dựng và dãn tiến độ thi công các công trình chưa cấp thiết.

Hiện nay, chúng ta phải giải quyết một vấn đề rất quan trọng mà mọi người đều chú ý - đó là vấn đề sản xuất, phân phối và lưu thông. Phải rút ngay những kinh nghiệm tốt và những thiếu sót về công việc làm của chúng ta trong thời gian qua trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp (lương thực, thực phẩm) và công nghiệp (chủ yếu là hàng tiêu dùng), phải quản lý tốt hơn thị trường và giá cả, quản lý tốt hơn thu chi tài chính và thu chi tiền mặt, từ đó phục vụ tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung.

Cùng với những công việc có tầm quan trọng và cấp bách trên đây, chúng ta ra sức chăm lo phát triển hợp lý sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, bảo vệ bà mẹ và trẻ em và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách nghiêm ngặt.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam phải được đẩy mạnh, nhất là cải tạo nông nghiệp và cải tạo thị trường, đi đôi với phát triển và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khắc phục có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội. Để làm tốt việc này, chúng ta phải phát huy sức mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản.

Tất cả những việc trên đây đòi hỏi chúng ta phải coi trọng việc bố trí một cách hợp lý lực lượng lao động dồi dào của đất nước, nhằm trước hết khai thác những diện tích đất nông nghiệp còn bỏ hoang, những diện tích đất rừng có thể khai thác được. Đây là một công trình có ý nghĩa chiến lược to lớn về nhiều mặt: kinh tế và quốc phòng, trước mắt và lâu dài, tạo cơ sở để phát triển nông nghiệp toàn diện gắn liền với phát triển lâm nghiệp. Trong lĩnh vực công nghiệp nói chung phải từng bước xây dựng hệ thống các xí nghiệp sản xuất và kinh doanh từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các ngành nghề trong cả nước.

Ở đây cần đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu và sắp xếp công việc cho thanh niên đến tuổi và những người hiện chưa có việc làm.

Chúng ta phải cố gắng làm tốt những việc này. Tất nhiên, đây không phải là một việc làm đơn giản, mà trái lại phải khắc phục rất nhiều khó khăn, phải làm từng bước, phải có quy hoạch và kế hoạch, có chủ trương và chính sách đúng đắn và kịp thời, đặc biệt là phải vận dụng tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”.

Trong tình hình hiện nay của nước ta, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề quản lý đã trở thành yêu cầu bức thiết của nhân dân lao động và là một nhiệm vụ rất trọng yếu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những kinh nghiệm tốt về mặt này trong năm 1981 chứng minh rằng chúng ta có khả năng nghiên cứu và giải quyết từng bước cơ chế quản lý mới cho nền kinh tế quốc dân.

Khâu trung tâm của hệ thống quản lý nền kinh tế quốc dân là kế hoạch nhà nước. Kế hoạch nhà nước là sự thể hiện đường đi và các chủ trương lớn của Đảng, thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân. Đồng thời, kế hoạch nhà nước thể hiện việc sử dụng hợp lý nhất lực lượng lao động của nhân dân, năng lực của đội ngũ cán bộ, tài nguyên thiên nhiên của đất nước và vật tư - kỹ thuật hiện có của chúng ta. Tóm lại, kế hoạch nhà nước phải đánh dấu một bước phát triển vững chắc của nền kinh tế quốc dân, một bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Chúng ta chủ trương xây dựng kế hoạch ở ba cấp cơ bản - trong đó cấp huyện có vị trí đặc biệt quan trọng, trong quá trình xây dựng kế hoạch phải xuất phát từ cơ sở: hợp tác xã và xí nghiệp, từ đó, xây dựng kế hoạch ngành và kế hoạch địa phương, để cuối cùng tổng hợp thành kế hoạch nhà nước.

Để có một kế hoạch tốt, chúng ta phải coi trọng mấy điểm sau đây:

1. Kế hoạch phải thể hiện sự cân đối về mọi mặt trong nền kinh tế quốc dân, giữa các ngành và các địa phương, từ cơ sở; điều đó bảo đảm được tính vững chắc, tính hiện thực của kế hoạch.

2. Kế hoạch đòi hỏi phải thực hiện hạch toán căn cứ vào những định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến.

3. Kế hoạch phải phát huy tác dụng động viên ý thức và năng lực kinh doanh của các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch, thực hiện ba lợi ích trong đó chú trọng lợi ích của người trực tiếp sản xuất.

Như vậy, chúng ta phải gắn liền kế hoạch với tài chính, gắn liền việc thực hiện những chỉ tiêu của kế hoạch với việc vận dụng những thành tựu về khoa học và kỹ thuật, và gắn liền kế hoạch với thị trường. Đây là vấn đề thị trường trong nước mà chúng ta phải thấy ý nghĩa quan trọng.

Tóm lại, quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch là một cuộc đấu tranh nhằm phát triển kinh tế quốc dân, theo những quy luật của chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc đấu tranh nhằm phát huy năng lực lao động sáng tạo của nhân dân lao động, của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, cán bộ quản lý, nâng cao không ngừng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả vốn đầu tư, từ đó đưa đến sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân, tích lũy và tiêu dùng ngày càng tăng.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch còn là cơ hội vận dụng ba cuộc cách mạng từ Trung ương cho đến cơ sở, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Chúng ta phải có ý thức đầy đủ và sâu sắc trong việc vận dụng ba cuộc cách mạng này. Đối với cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, chúng ta cần luôn nhớ rằng nó là then chốt không chỉ vì nó giúp chúng ta giải phóng một loạt vấn đề cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, mà còn bởi một lẽ rất to lớn và sâu xa: đó là bí quyết để chúng ta suy nghĩ nghiên cứu và tìm ra con đường, bước đi và cách làm có tính chất độc đáo và sáng tạo để tiến lên trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trong việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trong việc đem lại cho nhân dân ta một đời sống vật chất và văn hóa văn minh và hạnh phúc.

Nói kế hoạch nhà nước là trung tâm của hệ thống quản lý nền kinh tế quốc dân, điều đó có nghĩa là sự hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả của hệ thống quản lý kế hoạch nhà nước phải được chi phối một cách chặt chẽ, một cách đồng bộ bởi nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy sức lao động và tài năng sáng tạo của mọi người, mọi tập thể, mọi tổ chức, và trên cơ sở mở rộng dân chủ phải tăng cường tập trung một cách đúng mức. Theo tinh thần đó, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương của Đảng và Nhà nước phải kịp thời đề ra và công bố những chủ trương, chính sách, pháp luật, pháp lệnh nhằm tổ chức và quản lý toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng.

Những đổi mới về quản lý trên đây là một bước thanh toán chế độ quản lý tập trung quan liêu và bao cấp, tháo gỡ những hạn chế, những trói buộc kìm hãm tính chủ động và khả năng sáng tạo của địa phương, cơ sở và người lao động.

Ở đây cần nhấn mạnh vị trí và tác dụng của các ngành: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Các ngành này phụ trách những lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như các lĩnh vực khác, có tác dụng thiết thực đến hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước. Cho nên, chúng ta đòi hỏi thủ trưởng và tập thể cán bộ các ngành phấn đấu nhằm xây dựng và phát triển ngành, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đòi hỏi các ngành đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ cho ngành mình, cho địa phương và cơ sở.

Chúng ta phải coi trọng công tác xây dựng và phát triển pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước có tổ chức, có kỷ cương, mà mọi người chúng ta phải kiên trì phấn đấu chống mọi hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật, đưa các hoạt động của Nhà nước và của xã hội vào trật tự và kỷ luật xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này phải chú trọng làm đúng chức năng của mình.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện ở nước ta cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là cuộc cách mạng rộng lớn nhất, sâu xa nhất, triệt để nhất trong lịch sử loài người. Để làm nên sự nghiệp vĩ đại này, chúng ta phải động viên ý chí và nhiệt tình cách mạng của toàn thể nhân dân lao động nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong già dặn của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin và liên hệ mật thiết với quần chúng, dấy lên một phong trào cách mạng rộng khắp trên đất nước ta nhằm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1982, khắc phục những hiện tượng tiêu cực, chống cuộc chiến tranh phá hoại trên nhiều mặt của địch, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định tình hình trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống của nhân dân. Đối với phong trào cách mạng này, các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ và các đoàn thể nhân dân khác có tác dụng rất quan trọng.

Đến đây, tôi có căn cứ để nói với các đồng chí về khó khăn và thuận lợi.

Như mọi người đều biết, chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, những khó khăn to lớn và dồn dập từ các phía. Những khó khăn đó không phải chỉ cộng lại mà còn nhân lên, và thường làm cho nhiều người trong chúng ta lo lắng. Chúng ta cần phải thấy một cách rất sáng tỏ nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của những khó khăn đó, thấy hết tác hại của nó và dự đoán về khả năng phát triển của nó. Nói cho cùng, đây là những khó khăn của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trải qua hơn 30 năm chiến tranh tàn phá nặng nề, và hiện nay đang bị các loại kẻ thù mới và cũ tìm cách phá hoại rất thâm độc. Chính những khó khăn to lớn và dồn dập đó làm nẩy sinh những mất cân đối nghiêm trọng và đa dạng mà chúng ta đã biết. Trong tình hình như vậy, khắc phục những khó khăn kể trên chính là sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Nhà nước ta, chính là mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta, thể hiện trong đường lối và chính sách của Đảng, trong Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội, trong kế hoạch của Nhà nước, trong toàn bộ công tác quản lý, tổ chức và điều hành của Hội đồng Bộ trưởng, cũng như của các ngành và các cấp.

Căn cứ tình hình kể trên, kế hoạch nhà nước năm 1982 nhằm giải quyết một bước một số mất cân đối nghiêm trọng và cấp bách nhất của nền kinh tế quốc dân và của đời sống nhân dân. Ở đây phải thấy rõ một vấn đề rất có ý nghĩa: phải thực hiện bằng được sự cân đối giữa yêu cầu và khả năng, nghĩa là những yêu cầu quan trọng và cấp bách được đề ra phải phù hợp với khả năng hiện thực của nền kinh tế và của đất nước. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thấy sáng tỏ và sâu sắc những khả năng rất to lớn về mọi mặt mà chúng ta chưa vận dụng hết, những khả năng hiện thực cũng như những khả năng tiềm tàng về lao động, về đội ngũ cán bộ, về tài năng sáng tạo của nhân dân, về hợp tác quốc tế - nhất là với Liên Xô, với hai nước láng giềng anh em, với các nước xã hội chủ nghĩa trong Hội đồng Tương trợ kinh tế, và đây chính là những khả năng mà chúng ta chưa lường hết được tầm vóc và tác dụng. Mặt khác, trong khi lo lắng trước những mất cân đối trong nền kinh tế, chúng ta không chú ý đầy đủ đến sức mạnh và thế mạnh về mặt chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, quan hệ quốc tế, sự hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác và uy tín quốc tế của nước ta đối với nhân dân thế giới.

Biết vận dụng toàn bộ thế mạnh và sức mạnh trình bày trên đây, chúng ta hoàn toàn có khả năng, từng bước và một cách có kế hoạch (dài hạn và ngắn hạn) khắc phục những khó khăn, những mất cân đối để tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta, từng bước đem lại đời sống no ấm, văn minh và hạnh phúc cho nhân dân ta, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu góp phần vào sự nghiệp cách mạng và hòa bình của nhân dân thế giới.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội, năm 1982 là một năm có tầm quan trọng lớn lao; thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1982 sẽ đem lại tác dụng quý báu. Vậy mọi người chúng ta, toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta phải phấn đấu quên mình quyết thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1982.

Đó là điều chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp đầu năm đối với nhân dân Việt Nam ta cũng như đối với kỳ họp này của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội