Kính thưa Quốc hội,
Đối với kỳ họp Quốc hội cuối năm 1981 để xem xét các vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa, Ủy ban văn hóa và giáo dục tự dặt cho mình nhiệm vụ cần phải báo cáo với Quốc hội những nhận định quan trọng về tình hình phát triển sự nghiệp văn hóa và giáo dục trong 5 năm qua và kiến nghị những ý kiến cần thiết cho phương hướng nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm tới (1981-1985).
Trong bài phát biểu này, tôi xin thay mặt Ủy ban văn hóa và giáo dục báo cáo một số nét tình hình để trình bày với Quốc hội thực trạng của sự nghiệp văn hóa - giáo dục và những kiến nghị để đóng góp vào việc xét duyệt kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa mà Quốc hội sẽ thông qua:
1. Sự nghiệp văn hóa và giáo dục trong 5 năm qua đã phát triển nhanh chóng trên một số mặt, có những số liệu lớn làm nức lòng người (xin kèm theo phụ lục).
Năm năm qua, chúng ta đã tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục đã được xây dựng ở miền Bắc từ mấy chục năm trước - chúng ta đã có những thành tích rực rỡ: xây dựng được một nền giáo dục hoàn chỉnh của một nước độc lập, có một trình độ tổ chức quy mô đạt trình độ ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới, tạo nên nhiều thế hệ thanh niên có trình độ học vấn cao và một đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa hùng hậu.
Chúng ta có một tiềm lực về tài năng hết sức lớn. Trong mấy năm qua, chúng ta đã có nhiều học sinh và nghệ sĩ tham gia nhiều cuộc thi quốc tế với nhiều môn học và nhiều loại hình nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng xuất sắc. Những giải thưởng về toán, về Nga văn, những giải thưởng về kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, thơ và hội họa của thiếu nhi. Những Lê Bá Khánh Trình, Đặng Thái Sơn, Ái Vân, các tác phẩm điện ảnh: Cánh đồng hoang, Đường dây sông Đà, v.v. đã là niềm tự hào của cả nước ta và của nền văn hóa của ta nói riêng. Nền văn hóa của ta đang phát triển tốt đẹp.
2. Những sự phát triển đó đã diễn ra trong những mâu thuẫn ngày càng gay gắt và đẻ ra những mâu thuẫn mới, có ảnh hưởng không tốt với sự nghiệp và với toàn cục xã hội.
a) Mâu thuẫn giữa sự phát triển về số lượng và sự giảm sút nghiêm trọng về chất lượng;
b) Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển và sự nhận thức những ý nghĩa cần thiết, quan trọng và lâu dài của sự phát triển đó;
c) Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển và những điều kiện cơ sở vật chất, tài chính và lực lượng bảo đảm cho nó.
3. Những mâu thuẫn (hay là mất cân đối) này đang ảnh hưởng không tốt đến mục đích của sự nghiệp văn hóa - giáo dục là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nó đang đặt vấn đề khẩn thiết phải xem xét thêm các vấn đề nhận thức về vị trí của sự nghiệp văn hóa - giáo dục trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xem xét thêm những phương hướng tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp này, để từ đó xác định một cách đúng đắn, hợp lý hơn phần kế hoạch và ngân sách đầu tư cho văn hóa, giáo dục.
Chúng tôi xin phân tích một số điểm:
1. Về giáo dục thì tình trạng phổ biến là không đồng đều và so le nghiêm trọng.
Số trẻ em trong độ tuổi học cấp I và cấp II (phổ thông cơ sở) mà chưa được đi học, hoặc học không hết cấp thì ở trung du và đồng bằng Bắc bộ chiếm từ 5% đến 10% các em trong độ tuổi.
Còn các tỉnh phía Nam số này chiếm 20-25%.
Ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, đại bộ phận trẻ em vùng cao không được học hết cấp I. Xin lấy một thí dụ:
Ở Hoàng Liên Sơn, toàn tỉnh có 360 trường phổ thông cơ sở, trong đó ở các huyện vùng cao có 151 trường. Trong số trường vùng cao này, 54 trường có đến lớp 4 (hết cấp I) còn 97 trường không có đến lớp 4 mà chỉ có lớp vỡ lòng, lớp 2, lớp 3. Riêng ở xã Suối Giàng, nơi có chè Tuyết nổi tiếng, trường của xã này 15 năm nay vẫn chưa có lớp 3.
Trong khi đó, việc đào tạo cán bộ ở cấp đại học và trung học chuyên nghiệp, cũng có các tình trạng:
- Tỷ trọng chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của kinh tế quốc dân và xã hội. Một số ngành học như cơ khí, xây dựng, luyện kim, hóa chất, các học sinh tốt nghiệp rất khó sắp xếp công tác. Ngược lại, các ngành khoa học xã hội, y tế, giáo dục thì nhu cầu đang cần nhiều, mà chưa đào tạo kịp. Số cán bộ có trình độ đại học về văn hóa - nghệ thuật trong cả nước chưa đến 2.000 (1.888).
- Số cán bộ đại học đào tạo nhanh, nhiều hơn trung học chuyên nghiệp, và công nhân kỹ thuật. Hiện nay, trong khu vực công nghiệp ở ta, cứ một kỹ sư mới có 25 công nhân, trong khi các nước một kỹ sư có 95 công nhân.
- Ở các vùng núi, vùng trung du, miền Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long thiếu cán bộ, trong khi đó ở các thành phố lớn, thị xã, đồng bằng miền Bắc thì nhiều ngành không có việc để bố trí cán bộ (thừa cán bộ).
- Việc phân bổ cán bộ không hợp lý giữa khu vực trực tiếp sản xuất và khu vực gián tiếp.
Tổng số cán bộ đã tốt nghiệp đại học ta có:
Trên đại học 3.500
Đại học: 260.000
Trung học chuyên nghiệp 500.000.
Nhưng phân bổ thì:
Khu vực trực tiếp sản xuất vật chất có:
Đại học: 75.000
Trung học chuyên nghiệp: 167.000.
Khu vực không sản xuất vật chất (chủ yếu ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và quản lý nhà nước):
Đại học: 185.000 (gấp hơn hai lần)
Trung học chuyên nghiệp: 300.000 (gấp hai lần).
2. Đối với tình hình chất lượng, thì mọi người đều biết và đều có những sự lo lắng chính đáng. Ngay trong các báo cáo của mình, các bộ chủ quản đều đã nói lên sự lo lắng đó.
Trong báo cáo của Bộ Giáo dục: “Trong 5 năm qua, các ngành học phổ thông và mẫu giáo đã phát triển nhanh cả về tốc độ và quy mô, nhưng chất lượng toàn diện thấp, có chiều hướng giảm sút”.
Trong báo cáo của Bộ Đại học: “Tình hình trong 5 năm qua, chất lượng đào tạo của các trường đại học và trung học nói chung không được nâng lên mà đang có chiều hướng giảm xuống rõ rệt”.
Một chứng minh cụ thể là: trong năm 1980 có 210.000 cháu thi vào đại học, Nhà nước chỉ lấy có 28.000 vào học, thế mà trong số đó chỉ được có 8.000 đủ điểm trung bình (15 điểm) còn thì phải lấy dưới điểm trung bình hết.
Trường Đại học Nông nghiệp I, có 10.000 người thi, chỉ lấy có 450 cũng đều phải lấy điểm trung bình và dưới trung bình.
Trong các môn học, nhiều người phàn nàn nhất về môn học văn, các thày, cô giảng văn nhiều người không hiểu hết ý nghĩa tác phẩm, câu văn, các đề thi về văn thường được gán những nội dung và ý nghĩa chính trị một cách khiên cưỡng làm cho học sinh thấy học văn là học chính trị, thi văn là thi chính trị, về môn sử thì có những trường hợp thày cũng không rõ sử, không gợi được ý thức tự hào về lịch sử dân tộc, hào hứng với truyền thống dân tộc, học sinh vật mà không phân biệt được các loại cây, v.v. và, v.v..
Sự giảm sút chất lượng diễn ra trên nhiều mặt: cả mặt chính trị, đạo đức, mặt kiến thức và thể lực, tâm lý của cả thày và trò.
Tình trạng giảm sút chất lượng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân chung của xã hội, có những nguyên nhân riêng của ngành giáo dục. Nhưng trong đó, một nguyên nhân rất quan trọng là tình trạng cơ sở vật chất của nền giáo dục quá kém cỏi, thiếu thốn.
3. Về tình trạng cơ sở vật chất của văn hóa - giáo dục nếu bao gồm cả nhà cửa, trường sở, bàn ghế để học, các đồ dùng học tập, các phòng thí nghiệm, sách vở cho thày và cho trò, các rạp hát, đội chiếu bóng, đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa, thư viện, v.v. đời sống cùng điều kiện làm việc của thày và trò, của các cán bộ văn hóa và nghệ sĩ thì hết sức nghèo nàn, thiếu thốn.
Chỉ cần phân tích qua một số định mức chỉ tiêu trong một vài lĩnh vực, ta thấy rõ:
Trong toàn bộ số tiền chi cho giáo dục thì 89% là phải chi cho lương thày giáo, còn lại 11% để chi cho mọi khoản trong thiết bị trường học và mọi hoạt động giáo dục.
Bình quân một học sinh phổ thông được Nhà nước chi cho học tập 27đ, chia ra:
Cấp I: mỗi cháu được 20,46đ
Cấp II: mỗi cháu được 38,43đ
Cấp III: mỗi cháu được 81,03đ.
Theo yêu cầu trung bình, mỗi học sinh đại học cần một diện tích khoảng 10m2 dùng cho ăn, ở, học, vui chơi, thực tập. Dự kiến của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 là đạt được cho mỗi học sinh 7,5m2, nhưng hiện nay, chỉ được 4,5m2 trong đó lại phân phối không đều, nhiều trường đại học còn ở nhà tranh vách đất, dột nát. Tình trạng các trường dạy nghề cũng quá nghèo nàn.
Tình hình trường sở của giáo dục phổ thông cũng rất thiếu thốn chật hẹp. Chúng tôi đã trực tiếp thấy vài trường ở xã của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Phải nói đó là những cái lều đổ nát, tối tăm và nếu là những gian nhà gạch, thì cũng là những gian nhà đổ nát không cửa, không nền, tường lở, rác bẩn rất nhiều, đã thế bàn ghế vừa thiếu, vừa hỏng và xấu. Nếu tính số chỗ ngồi học thì hiện nay:
- 3 cháu mẫu giáo mới có một chỗ,
- 2 cháu học sinh phổ thông cơ sở mới có một chỗ,
- 1,5 cháu học sinh phổ thông trung học mới có một chỗ.
Như vậy, bình quân hai học sinh mới có một chỗ học. Phổ biến các trường phổ thông đều phải học hai ca, một số trường phải học ba ca, có trường các cháu học sinh phải học đứng (không có chỗ ngồi). Các nhà trẻ cũng quá cực khổ.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục, hiện nay, thiết bị cho giáo dục phổ thông mới đạt 10% so với yêu cầu tối thiểu của ta, mà cái yêu cầu tối thiểu này cũng chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn trung bình của thế giới. Như vậy nghĩa là, so với yêu cầu trung bình của một nền giáo dục phổ thông thì tình trạng cơ sở vật chất của ta mới chỉ bằng 1%.
Cần phải kể vào đây điều kiện sống và làm việc của các thày, cô giáo và của cán bộ giảng dạy của các trường đại học. Ngoài những hoàn cảnh thiếu thốn về ăn, mặc, ở như điều kiện chung của xã hội, nhiều nơi 2, 3 tháng mới có một lần lương, riêng các cô mẫu giáo có lúc 6 tháng không được lĩnh lương, các thày, cô giáo phải đi vay mượn để sống. Sách vở để học thêm, để chuẩn bị bài giảng, nhiều trường hầu như không có. Nhiều thày, cô giáo phải lao động chân tay thêm ngoài giờ để kiếm sống. Các trường dạy nghề cũng rất thảm hại. Thí dụ: trường đào tạo nghề mộc mà không có dụng cụ thực hành, chỉ học lý thuyết xuông; trường đào tạo công nhân lái máy kéo chỉ có một máy kéo hỏng. Các trường phổ thông thì hầu hết chỉ là học chay không có đồ dùng học tập tối thiểu.
Mấy nét tình hình trên cho phép ta có những suy nghĩ gì về sự phát triển văn hóa - giáo dục
1. Đảng đề ra mục tiêu chủ yếu của văn hóa - tư tưởng là xây dựng con người mới. Nhưng hiện nay, sự phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục trong những tình trạng như trên chưa có tác dụng thiết thực phục vụ mục tiêu xây dựng con người mới.
Một bộ phận học sinh không hào hứng học tập, không thấy mục đích của việc học tập, chán học, không tôn trọng thày, không yêu quý trường lớp. Một số thày cũng tự thấy công việc của mình không được tôn trọng, lương không bảo đảm đời sống. Một số cán bộ văn hóa và nghệ sĩ tự cảm thấy bị xói mòn những hoài bão sáng tạo, nhiều khả năng chưa được phát huy hết.
Trong nếp sống hàng ngày, với tình hình cơ sở vật chất và nền nếp tổ chức làm việc như hiện nay, trẻ em từ tuổi nhỏ nhất đã thường xuyên tiếp xúc, quen thuộc với những cái tạm bợ, nhếch nhác, bừa bãi, mất trật tự, mất vệ sinh, mỗi người đều nhiễm những thói quen và tâm lý lạc hậu. Hầu như chưa có mấy nơi nào đạt yêu cầu: “trường ra trường, lớp ra lớp”.
Ta nói phải tập trung nỗ lực ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân. Nhưng một mặt đời sống quan trọng là sinh hoạt tinh thần và yêu cầu học tập thì mọi sự chăm lo của ta đều đạt ở mức độ quá thấp. Điều đó không phải nó chỉ kém tốt đi, mà nó còn làm xấu đi nhiều mặt trong đời sống tinh thần xã hội.
2. Đã từ lâu, Hồ Chủ tịch dạy chúng ta: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Gần đây, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng nói trong hội nghị kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Sư phạm: “Nếu chúng ta đào tạo và bồi dưỡng tốt thế hệ trẻ thì chắc chắn chúng ta có chủ nghĩa xã hội, và có tất cả”. Như vậy thì văn hóa - giáo dục có nhiệm vụ hình thành, phát triển con người mới để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải được coi là “tiền sản xuất”, không thể coi là “phi sản xuất” được.
Từ trước đến nay, lĩnh vực văn hóa - giáo dục ở nước ta được xếp vào loại không sản xuất vật chất, không phải với ý nghĩa tiền sản xuất như đã nói ở trên, mà với ý nghĩa không quan trọng bằng khu vực sản xuất ra của cải vật chất.
Vì vậy, nó coi như không cần đầu tư và nó không được đầu tư có trọng điểm. Nhà nước quy định đầu tư cho khu vực không sản xuất vật chất không quá 10%, mà trong khu vực đó thì lĩnh vực văn hóa - giáo dục chỉ chiếm một phần nhỏ, vì còn bao nhiêu lĩnh vực khác như y tế, thể thao, thương binh - xã hội, nhà ở, trụ sở, v.v..
Nếu Đảng và Nhà nước không đặt ý nghĩa chính trị và ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng của văn hóa - giáo dục, trong việc xây dựng con người mới thì có thể có những sự tập trung chú ý đầu tư tạo nên những thành tựu rõ rệt có ý nghĩa mẫu mực và cổ vũ toàn bộ sự nghiệp được.
3. Yêu cầu phát triển văn hóa và giáo dục vừa là đường lối, chủ trương của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là yêu cầu tất yếu của xã hội, về mặt này có một sức ép rất lớn từ phía xã hội:
Mỗi năm thêm hàng triệu cháu nhỏ ra đời và lớn lên, yêu cầu được học tập. Các cháu học xong cấp I cần được học cấp II, xong cấp II, cần được học cấp III và cao hơn nữa. Hàng triệu người đã được thoát nạn mù chữ cần được bổ túc văn hóa (hiện nay, nhiều nơi có hiện tượng “mù chữ lại” rất nhiều), hàng chục vạn cán bộ các cấp cần được nâng cao trình độ học vấn để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo quản lý. Như vậy, tự nhiên công việc giáo dục phổ thông không thể ngừng phát triển, mà phải phát triển cho kịp cái sức ép đó của xã hội. Việc đào tạo cán bộ cũng phát triển dưới những sức ép của yêu cầu xã hội. Việc thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân trong mọi lứa tuổi, mọi địa phương cũng có những sức ép tương tự.
Vấn đề là ta phân tích làm sao được hết mọi khía cạnh của vấn đề này để chủ động điều khiển sự phát triển cho có kế hoạch. Tình trạng hiện nay là hầu như Đảng và Nhà nước cứ phải chạy theo những yêu cầu của xã hội ngày càng tăng mà lại không đủ sức bảo đảm cho nó, không đủ sức bảo đảm nhưng lại quản lý nó một cách bao cấp quá sớm, làm cho tình hình càng thêm khó khăn. Cho nên sự phát triển này có phần nào mang tính tự phát, các cơ quan quản lý bị động và vì vậy, nó phát triển trong những sự mất cân đối và càng phát triển lại càng tạo ra những sự mất cân đối mới.
Phải chăng trong thời gian vừa qua, trong phương hướng tư tưởng chỉ đạo của ta đã mắc phải những bệnh: hình thức nóng vội, bao cấp và không toàn diện.
Phải chăng chúng ta sớm bằng lòng với sự phát triển biểu hiện ở những con số to lớn. Chúng ta chưa quan tâm tới thực trạng của sự phát triển. Chúng ta có nói rất nhiều đến sự quan trọng và ý nghĩa vĩ đại của văn hóa - giáo dục, nhưng trong chỉ đạo cụ thể xây dựng kế hoạch, phân bổ ngân sách, chúng ta đã coi sự nghiệp văn hóa - giáo dục như một cái gì rất phụ. Trong 5 năm qua, về mặt văn hóa những chỉ tiêu thuộc trách nhiệm Nhà nước chăm lo đều bị giảm sút nghiêm trọng, ví dụ như giấy, sách, v.v. còn những gì nhân dân tham gia đóng góp thì đều có khả năng phát triển, ví dụ: xem phim, xem nghệ thuật, xây dựng nhà văn hóa và các cơ sở văn hóa ở địa phương và cơ sở.
4. Trong nhận thức chưa toàn diện, nổi bật nhận thức về vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong việc giáo dục xây dựng con người mới ở mọi lứa tuổi và vai trò về giáo dục thẩm mỹ trong nền giáo dục phổ thông.
Phương châm giáo dục Nhà nước đề ra, mới nói đến kết hợp giáo dục chính trị, đạo đức và văn hóa, khoa học. Gần đây, Bộ Giáo dục có nêu thêm vấn đề hướng nghiệp và giáo dục kỹ thuật. Như vậy, chưa có sự chú ý thích đáng nào về giáo dục thẩm mỹ (đặc biệt giáo dục nghệ thuật). Trong chương trình học chỉ mới có văn học, mà văn học thì lại gần như phương tiện để giáo dục chính trị một cách khiên cưỡng và thực dụng, chứ chưa phải là một mục tiêu giáo dục nhằm làm cho học sinh thấy cái hay, cái đẹp trong văn học và trong nghệ thuật, từ đó nâng cao tình cảm, tâm hồn, làm cho các cháu có ý thức mạnh mẽ “hướng tới cái đẹp”, và lấy đó làm điều kiện để có thể giáo dục chính trị, đạo đức một cách sâu sắc thấm thía.
Còn trong xã hội, đối với mọi lứa tuổi, Đảng và Nhà nước một mặt, chưa quan tâm được đầy đủ tới nhu cầu văn hóa tinh thần (một nhu cầu quan trọng của đời sống) nhưng một mặt khác, chưa xác định được vai trò, vị trí của văn hóa - nghệ thuật trong đời sống xã hội và đặc biệt trong việc nâng cao tâm hồn tình cảm của mọi người. Vì vậy, vị trí xã hội các tổ chức nghệ thuật, các cơ quan văn hóa bị coi thường. Ai cũng dễ dàng chuyển cơ sở vật chất của văn hóa cho các hoạt động kinh tế - (trường hợp Nhà Văn hóa Trung ương phố Lý Thái Tổ), ai cũng có thể vi phạm và phá hoại các di tích lịch sử, các thắng cảnh thiên nhiên.
Trong cuộc đấu tranh chống những âm mưu văn hóa của thực dân mới và các loại kẻ thù, không nên chỉ nói đến thiếu cảnh giác và coi những biện pháp “bài trừ”, “xóa bỏ” là những biện pháp duy nhất có thể giải quyết được vấn đề văn hóa. Cần phải thấy sự phát triển văn hóa của ta quá ít, tạo ra những chỗ trống nguy hiểm để kẻ địch xen vào lợi dụng. Cần phải nhấn mạnh đến những nỗ lực phát triển văn hóa, nghệ thuật của chủ nghĩa xã hội thì mới đánh lui và đánh bại được các âm mưu văn hóa của kẻ địch.
Từ những ý kiến trên, chúng tôi kiến nghị một số ý kiến lớn như sau:
1. Cần xác định rõ vai trò của văn hóa và giáo dục trong cách mạng văn hóa tư tưởng. Nó có vai trò nòng cốt và quan trọng, nó thực hiện toàn diện việc xây dựng con người mới ở mọi lứa tuổi một cách cơ bản. Có con người xã hội chủ nghĩa mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc được. Trong đó, cần xác định thêm vai trò văn hóa - nghệ thuật trong việc giáo dục nghệ thuật ở các trường, tạo điều kiện hoạt động văn hóa ở các trường (như mỗi trường phải có câu lạc bộ, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi và các dụng cụ hoạt động nghệ thuật, thể thao, thể dục) coi như những thiết bị cơ bản của một trường. Trong chương trình giáo dục phải có cả năm mảng:
- Chính trị, đạo đức;
- Văn hóa, khoa học, kỹ thuật;
- Giáo dục thẩm mỹ (nghệ thuật);
- Thể dục;
- Hướng nghiệp.
2. Sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật trong xã hội phải được coi trọng ngang như sự nghiệp giáo dục, vì đó là những hoạt động có tác dụng nâng cao tư tưởng, tình cảm cho mọi tầng lớp trong xã hội, hoạt động ngoài nhà trường - hỗ trợ cho nhà trường. Phải khắc phục nhận thức coi giáo dục chỉ là sự nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, và khắc phục nhận thức coi văn hóa - nghệ thuật như là phương tiện giải trí cho nhân dân, có cũng được, không có cũng được. Điều này phải thể hiện trong việc tính toán kế hoạch đầu tư và tình hình phát triển kinh tế. Chúng tôi xin lưu ý Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, cần có những cuộc gặp gỡ trao đổi với các ngành hoạt động văn hóa, giáo dục - nghệ thuật, để hiểu rõ những yêu cầu, những nguyện vọng của các hoạt động này, có một sự phân phối vật tư, chỉ tiêu và ngân sách cho xứng đáng với ý nghĩa quan trọng của nó. Không nên khi tính toán kế hoạch và ngân sách thì chỉ cân nhắc các mặt kinh tế, xong rồi, còn lại bao nhiêu mới tính đến các mặt văn hóa - giáo dục (tính cả mặt đầu tư xây dựng cơ bản cũng như phân phối kinh phí sự nghiệp). Ví dụ: yêu cầu phải dành cho cái gọi là “khu vực không sản xuất vật chất” một tỷ lệ độ 30%, nghĩa là riêng văn hóa và giáo dục phải được một tỷ lệ 15% (nghĩa là một nửa). Các ngành kinh tế có trách nhiệm đối với sự nghiệp văn hóa - giáo dục phải làm tròn nhiệm vụ của mình, phải coi những mục tiêu bảo đảm cho văn hóa - giáo dục là mục tiêu quan trọng. Ví dụ: ngành công nghiệp giấy phải được ưu tiên bảo đảm giấy cho ngành in để in sách giáo khoa, các loại sách khác và văn hóa phẩm. Ngành sản xuất đồ gỗ bảo đảm cho các nhu cầu bàn ghế, đồ dùng học tập và các nhu cầu hoạt động nghệ thuật, v.v..
Tình hình vừa qua là trong khi sự sản xuất giấy bị giảm sút thì tỷ lệ giấy để in (sách báo) lại bị giảm sút nhiều hơn. Đáng lẽ nó được giữ tỷ lệ cũ trong cơ cấu giấy được sản xuất hoặc tăng tỷ lệ thì tỷ lệ lại bị giảm nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng, tình hình diễn biến trong bảng dưới này là không thể chấp nhận được đối với sự nghiệp văn hóa - giáo dục:
|
1976
|
1977
|
1978
|
1979
|
1980
|
Tổng số giấy sản xuất trong nước (tấn)
|
75.800
|
68.900
|
70.000
|
44.700
|
40.000
|
Cung cấp cho ngành in
|
18.000
|
18.500
|
13.600
|
9.500
|
8.700
|
Tỷ trọng
|
23,8%
|
27%
|
26,2%
|
21,3%
|
19%
|
Cần xác định những công trình cơ bản trọng điểm về văn hóa - giáo dục cho Trung ương và mỗi địa phương, có quyết tâm cao, đầu tư đúng để hoàn thành những mẫu mực có tác dụng là gương mẫu và cổ vũ cho toàn sự nghiệp.
Trên cơ sở nhận thức cơ bản về vai trò đó, cần có những chính sách đối với giáo viên và cán bộ văn hóa, nghệ sĩ. Phải đạt yêu cầu bảo đảm đời sống và chính sách đối với 50 vạn giáo viên và khoảng 15.000 thày đại học cùng với các trí thức nghệ thuật, như là bảo đảm đời sống cho một đội quân văn hóa mà vai trò không kém gì đội quân vũ trang trong nhiệm vụ quốc phòng, nhất là đối với các lực lượng phải hoạt động ở những nơi xa xôi hẻo lánh và nguy hiểm. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích đối với những người dạy giỏi, sáng tác và biểu diễn tốt.
Cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu kế hoạch trong kế hoạch nhà nước nhằm từng bước nâng cao điều kiện sinh hoạt văn hóa ở các cơ sở dân cư và sản xuất, có thể hình thành dần những cụm trung tâm văn hóa cấp huyện mà công trình trung tâm là nhà văn hóa - cần có những chỉ tiêu định mức chi phí hợp lý cho một cháu ở hệ thống giáo dục nhà trẻ và phổ thông, bảo đảm điều kiện học tập tối thiểu - cần phân bổ ngân sách cho ngành Văn hóa như một sự nghiệp của toàn quốc, chứ không phải như một cơ quan dịch vụ ở Trung ương.
- Nên cho ngành Văn hóa được sử dụng số tiền kinh doanh được (kể cả ngoại tệ) nhằm khuyến khích năng suất và chất lượng trong sự nghiệp của mình.
Trong báo cáo của đồng chí Nguyễn Lam, sự thể hiện vai trò và nhiệm vụ của văn hóa còn nhiều điểm không đầy đủ, phương hướng của sự nghiệp giáo dục chưa rõ.
Ở trang 29, trong Báo cáo chỉ ghi: “Hướng các hoạt động văn hóa, thông tin, nghệ thuật vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, động viên phong trào thi đua lao động và sản xuất, nhằm thực hiện kế hoạch nhà nước”. Như vậy, văn hóa không phải là một sự nghiệp và một mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đề nghị, cần ghi:
“Hướng các hoạt động văn hóa, thông tin, nghệ thuật vào việc nâng cao tư tưởng tình cảm xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, góp phần xây dựng con người mới, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước,...”.
Ở trang 30, có ghi “Việc sản xuất và phát hành phim cần kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị và bảo đảm kinh doanh, lấy thu bù chi, tiến tới có lãi” - như vậy cũng không đúng - thực ra, việc sản xuất và phát hành phim hiện nay đã có lãi rồi. Chúng tôi vừa được Cục Điện ảnh cho biết, năm 1981, việc sản xuất và phát hành phim có thể có lãi đến 14 triệu đồng. Trước đây, mỗi năm kể cả việc thu chiếu bóng trong cả nước toàn ngành Điện ảnh có thể có một số lãi tới 50 - 60 triệu đồng. Vấn đề là bây giờ cần có chủ trương cho điện ảnh được sử dụng tiền lãi đó như thế nào.
Những điều nêu trên càng cho thấy vấn đề đặt ra là phải đặt lại vấn đề xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa trong kế hoạch nhà nước.
Về xây dựng huyện ở trang 34.
3. Cần phải phân tích sâu sắc những biểu hiện của bệnh bao cấp trong giáo dục và văn hóa, và triệt để khắc phục nó. Cần phân tích kỹ mọi khả năng tham gia đóng góp của nhân dân, nói rõ khó khăn và khả năng có hạn của Nhà nước, có những hình thức thích hợp thì chắc chắn nhân dân sẽ hăng hái đóng góp.
Tuy nhiên lại không nên quá lợi dụng sự đóng góp này.
- Cần xem lại chủ trương bỏ học phí đối với phổ thông trung học và các ngành đào tạo;
- Tính lại chủ trương sử dụng sách giáo khoa;
- Xem lại cách cấp học bổng cho học sinh đại học, để tạo một tâm lý tích cực thi đua học giỏi. Học để nâng cao hiểu biết và để lao động chứ không phải học để có một chỗ đứng trong bộ máy nhà nước.
4. Cần phải xác định mục tiêu đào tạo ở mọi cấp học, mọi ngành học cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và cả yêu cầu của xã hội. Đề nghị xác định rõ mục tiêu:
a) Bảo đảm được phổ cập giáo dục cấp phổ thông cơ sở;
b) Do đó, đối với quy mô phổ thông trung học (cấp III cũ) chỉ nên đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cho việc đào tạo cán bộ với quy mô hợp lý ở cấp đại học, và đối với một số ngành chuyên môn kỹ thuật trung cấp, nhưng cần có trình độ cơ bản phổ thông trung học. Vì vậy, có thể xem lại vấn đề học phí trong cấp học này;
c) Như vậy, cần phải chuyển mạnh việc hướng nghiệp ngay từ đầu cấp II - phát triển mạnh các trường “vừa học vừa làm” các hình thức dạy nghề. Việc dạy nghề nên kết hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất (xí nghiệp, nông trường, lâm trường, hợp tác xã thủ công) để có thể thu hút được nhiều người mà không tốn kém trong việc xây dựng trường lớp chính quy lại vừa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế; Phần giáo dục ở trang 30 - Cần phải xác định rõ phương hướng: tập trung nỗ lực cho việc phổ cập phổ thông cơ sở, mở rộng các việc đào tạo trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật, chú trọng giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp hai, thu hút các học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở vào các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường vừa học vừa làm. Cần tính toán một số hợp lý học tiếp phổ thông trung học để tạo nguồn cho đào tạo đại học, và những nghề cần học vấn cao - vì vậy, cần tính toán lại số 75 vạn học sinh cấp III, tránh tình trạng học sinh học xong không có việc làm.
d) Cần đẩy mạnh việc giáo dục thẩm mỹ trong các trường phổ thông, nhằm mục đích bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho học sinh, phát triển những năng khiếu nghệ thuật sớm để nâng cao chất lượng việc đào tạo các nghệ sĩ.
Phải xét mục tiêu đào tạo cả đối với yêu cầu xã hội nữa, không phải chỉ là đối với sự phát triển kinh tế. Như vậy, phải quan tâm hơn nữa đến các ngành khoa học xã hội và đặc biệt cần quan tâm đến vai trò văn hóa - nghệ thuật trong cả chương trình giáo dục phổ thông, đào tạo chuyên ngành và trong xã hội, cho đúng với chức năng và khả năng của nó. Nên coi trọng vai trò của các Hội văn học - nghệ thuật, coi nó là những tổ chức xã hội có nhiệm vụ cao cả là sáng tạo các giá trị thẩm mỹ tốt đẹp cho xã hội có tác dụng sâu sắc trong việc nâng cao tư tưởng, tình cảm, xây dựng con người mới. Phải tạo điều kiện cho các Hội được hoạt động mạnh mẽ, rộng rãi trong sự chủ động và tự chủ về tài chính và cơ sở vật chất, được sự bảo trợ và ưu đãi về pháp luật của Nhà nước.
Trên đây, Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội cố gắng để báo cáo rõ thực trạng của sự nghiệp phát triển văn hóa - giáo dục của ta, phân tích một số mặt quan trọng của vấn đề và đề nghị những ý kiến về phương hướng của các kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa trong các kế hoạch sắp tới.
Xin kính chúc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội thành công tốt đẹp.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội
PHỤ LỤC
1. Nhìn lại tình hình 5 năm qua, ta không thể không nói sự nghiệp văn hóa - giáo dục của ta phát triển nhanh chóng trên một số mặt. Một vài số liệu chứng minh điều đó:
Về văn hóa - nghệ thuật:
1976 1980
Số đơn vị nghệ thuật nghiệp dư 12.526
Số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp 130 178
Số đơn vị chiếu bóng 924 1.142
Thư viện (từ huyện trở lên) 393 443
Thư viện xã 936
Số sách trong thư viện 6.240.000 8.904.000
Số bảo tàng 45
Nhà văn hóa
Trong đó nhà văn hóa huyện 60 48
Về giáo dục:
1976 1980 Tốc độ
tăng
bình quân
năm
Học sinh mẫu giáo 13.500 lớp 53.000 lớp
475.000 cháu 1.680.000 cháu 28,7%
Học sinh phổ thông 11.044.000 13.700.000 5,5%
Chia ra:
Cấp I 2,45%
Cấp II 12,8%
Cấp III 8,6%
Bổ túc văn hóa 992.300 1.790.000 15,85%
Giáo viên phổ thông 320.900 438.150 8,2%
Những số liệu trên có ý nghĩa rõ rệt về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong cố gắng tổ chức việc giáo dục để xây dựng con người mới từ khi mới lọt lòng, ở mọi lứa tuổi, nó cũng có ý nghĩa tốt đẹp trong điều kiện nước ta gặp rất nhiều khó khăn gay gắt do nền kinh tế nghèo nàn, do phải tập trung nỗ lực chống âm mưu bành trướng...
Nhưng mặt khác, chỉ xét riêng về mặt số lượng ta cũng thấy sự phát triển này diễn ra một cách xộc sệch, so le và trong những tình trạng “nhếch nhác”, đồng thời có những mặt giảm sút nghiêm trọng, ví dụ:
Về văn hóa - nghệ thuật:
1976 1980
Sách xuất bản
(kế hoạch được thực hiện) 60.714.000b 26.663.000b
Riêng sách giáo khoa
phổ thông 46.545.000b 19.258.000b
Văn hóa phẩm 40.000.000b 20.500.000b
Tổng số trang in 48.000.000.000b 19.000.000.000b
In tráng phim
(Kế hoạch định 7.000.000) 4.160.000m 2.040.000m
Sách bình quân đầu người 1,34 bản 0.56
Văn hóa phẩm
(bình quân đầu người) 0,61 6,38
Mức hưởng thụ sách báo
tính đầu người 1,20 đồng 0,90 đồng
Sách giáo khoa cho
học sinh phổ thông 4,22 bản 1,60 bản