BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA VII*
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đến nay.
I- VỀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Ngày 21-01-1982, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua chương trình xây dựng luật và pháp lệnh trong năm 1982.
Bộ luật hình sự là một Bộ luật lớn gồm khoảng trên dưới 300 điều, Quốc hội không thể thông qua trong một kỳ họp. Vì vậy, Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban pháp luật đề nghị trình tự Quốc hội xét và thông qua Bộ luật này như sau: Hội đồng Bộ trưởng sẽ trình Quốc hội xét và thông qua làm ba hoặc bốn kỳ. Mỗi kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua sơ bộ một phần của Bộ luật, cuối cùng sẽ thông qua chính thức toàn bộ Bộ luật. Hội đồng Nhà nước đề nghị Quốc hội cho phép làm theo trình tự này.
Ngày 22-4-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình xây dựng Bộ luật hình sự và trình bày "Phần chung" của Bộ luật này. Sau khi tiếp thu những ý kiến của Hội đồng Nhà nước, của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng đã hoàn chỉnh Dự thảo "Phần chung" của Bộ luật và trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 này.
Ngày 16-6-1982, Hội đồng Nhà nước đã xem xét Dự thảo Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, để chuẩn bị thông qua vào cuối tháng 6.
II- VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH
Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 22-01-1982, Hội đồng Nhà nước đã xét và phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Hội đồng Nhà nước nhận định rằng việc hợp tác, tương trợ kinh tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp lý giữa nước ta và Liên Xô là một yêu cầu cần thiết trong quan hệ anh em không ngừng phát triển trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết ký ngày 03-11-1978.
Nội dung của bản Hiệp định bao gồm đầy đủ những quy định cần thiết làm cơ sở pháp lý cho mối quan hệ giữa hai nước về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai nước. Nội dung đó phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với pháp luật của mỗi nước và với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
Để Hiệp định được thi hành đúng đắn, Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng ban hành sớm những văn bản hướng dẫn cụ thể.
III- VỀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC
1. Nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng
Ngày 23-4-1982, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết nghị việc cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng như sau:
1- Đồng chí Võ Văn Kiệt giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thay đồng chí Nguyễn Lam thôi giữ chức vụ này.
2- Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng để giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- Đồng chí Đinh Đức Thiện thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3- Đồng chí Vũ Đình Liệu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Võ Chí Công thôi giữ chức vụ này.
4- Đồng chí Trần Phương thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương để giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
5- Đồng chí Phan Ngọc Tường giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
6- Đồng chí Lê Đức Thịnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.
7- Đồng chí Nguyễn Chí Vu giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ thay đồng chí Trần Hữu Dư thôi giữ chức vụ này.
8- Đồng chí Chu Tam Thức giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính thay đồng chí Hoàng Anh thôi giữ chức vụ này.
9- Đồng chí Hoàng Đức Nghi giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư thay đồng chí Trần Sâm thôi giữ chức vụ này.
10- Đồng chí Đặng Hồi Xuân giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế thay đồng chí Vũ Văn Cẩn thôi giữ chức vụ này.
11- Đồng chí Đặng Hữu giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thay đồng chí Lê Khắc thôi giữ chức vụ này.
12- Đồng chí Bùi Quang Tạo giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ thay đồng chí Trần Nam Trung thôi giữ chức vụ này.
13- Đồng chí Song Hào giữ chức Bộ trưởng, Bộ Thương binh và Xã hội thay đồng chí Dương Quốc Chính thôi giữ chức vụ này.
14- Đồng chí Nguyễn Hữu Thụ giữ chức Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Đặng Thí thôi giữ chức vụ này.
Ngày 16-6-1982, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết nghị để đồng chí Huỳnh Tấn Phát thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
2. Nhân sự của Tòa án nhân dân tối cao
Ngày 22-01-1982, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Nhà nước đã quyết nghị cử thiếu tướng Nguyễn Huấn, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Theo sự giới thiệu của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã quyết nghị cử 16 Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao.
3. Tổ chức và nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Ngày 17-02-1982, thay mặt Hội đồng Nhà nước, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã ký quyết nghị phê chuẩn quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tổng biên chế năm 1982 của ngành Kiểm sát nhân dân.
Ngày 16-6-1982, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Nhà nước đã quyết nghị cử 9 kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Về việc bổ nhiệm Đại sứ nước ta ở nước ngoài
Ngày 12-3-1982, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm:
- Đồng chí Hoàng Bích Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay đồng chí Hà Văn Lâu về nước nhận nhiệm vụ mới.
- Đồng chí Vũ Song, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ácgentina.
- Đồng chí Nguyễn Minh Phương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Mêhicô, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Panama, Cộng hòa Côxta Rica, Cộng hòa Côlômbia.
- Đồng chí Trần Quang Cơ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan.
- Đồng chí Lê Tân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Angiêri, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Tuynidi, Cộng hòa Xarauy dân chủ.
- Đồng chí Hoàng Trọng Nhu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Nhân dân Bungari, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
- Đồng chí Hồ Tư Trực, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Nhân dân Ănggôla, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Ghinê Xích đạo, Cộng hòa Xaotômê và Pranh Xipê.
- Đồng chí Lê Thanh Tâm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Arập Xiri, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Síp, Cộng hòa Libăng.
- Đồng chí Phan Thị Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Italia, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Manta, Cộng hòa Bồ Đào Nha.
- Đồng chí Nguyễn Can, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaixia.
- Đồng chí Phan Mạnh Diễm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Miến Điện, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Bănglađét và Vương quốc Nêpan.
- Đồng chí Đặng San, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Giamahiria Arập Libi Nhân dân xã hội chủ nghĩa, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Môritani.
- Đồng chí Đặng Nghiêm Bái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Canađa.
- Đồng chí Lã Kình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Nhân dân Cách mạng Chinê, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Ghinê Bítxao, Cộng hòa Cáp Ve, Cộng hòa Mali.
- Đồng chí Nguyễn Tư Huyên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Arập Ai Cập, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Arập Yêmen.
- Đồng chí Phạm Như Sâm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ôxtrâylia, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Niu Dilân.
- Đồng chí Nguyễn Thương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ.
- Đồng chí Nguyễn Quang Tạo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ, kiêm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri Lanca.
Về việc nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ nước ngoài:
Thay mặt Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã nhận thư ủy nhiệm của:
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại nước ta, ngày 6-02-1982;
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, ngày 23-3-1982;
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, ngày 06-5-1982;
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Bồ Đào Nha, ngày 11-5-1982.
Về việc tiếp khách nước ngoài:
- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Irắc, do Phó Tổng thống Irắc dẫn đầu, ngày 19-01-1982; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ngày 13-02-1982, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cônggô, ngày 31-3-1982.
- Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ đã đón tiếp và hội đàm với Phó Tổng thống Irắc Tama Mahiđin Marúp.
Cuộc đi thăm hữu nghị nước ta của Đoàn đại biểu cấp cao Irắc từ ngày 19 đến ngày 22-01-1982 đã đạt kết quả tốt đẹp đối với cả bạn và ta.
IV- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC ĐƠN KHIẾU NẠI,
TỐ CÁO CỦA NHÂN DÂN
Từ sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa VII đến hết tháng 5 năm 1982, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã nhận được 2.624 đơn khiếu tố và thư dân nguyện (giảm 36% so với cùng thời kỳ năm 1981) và đã tiếp 424 lượt công dân (giảm gần 100 lượt so với cùng thời kỳ năm 1981).
Nội dung của các đơn khiếu tố tập trung vào: những vụ tham ô có hệ thống hoặc có tính chất tập thể, lợi dụng chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp, chính sách ba lợi ích trong cơ quan, xí nghiệp, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và tập thể; tệ nạn hối lộ, ức hiếp, trù dập quần chúng và cán bộ cấp dưới; tình hình khám xét nhà, tịch thu tài sản, bắt người không căn cứ, có vụ rất nghiêm trọng, như dùng vũ khí bao vây nhà dân, bắn chết, bắn bị thương nhiều người. Các đơn khiếu nại về nhà ở, về phân phối lương thực, về ruộng đất và ăn chia trong nông thôn, về chính sách cán bộ, về việc xét xử của Tòa án, v.v. vẫn nhiều. Một số cán bộ cao cấp, trung cấp ở Trung ương và địa phương bị tố cáo về tội tham ô, lãng phí, ức hiếp quần chúng hoặc dung túng, bao che cho cấp dưới làm trái pháp luật.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cử cán bộ về các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Thái Bình, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nắm tình hình, trao đổi ý kiến, góp phần cùng các ngành và địa phương giải quyết được nhiều vụ việc tồn tại lâu năm.
Việc xét và giải quyết các đơn khiếu nại và tố cáo của công dân ở các địa phương, các ngành trong 5 tháng đầu năm nay đã có chuyển biến khá hơn trước, nhất là từ sau khi có Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các đơn khiếu nại và tố cáo của công dân và Nghị định số 58 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh. Các ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã và đang mở Hội nghị để thấu suốt và bàn biện pháp thực hiện Pháp lệnh và Nghị định nói trên.
Tuy nhiên, tình hình đơn khiếu nại và tố cáo nói chung vẫn còn ứ đọng nhiều, chưa được giải quyết kịp thời. Đề nghị các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác xét khiếu tố ở địa phương, góp sức giải quyết những vụ việc ứ đọng lâu ngày, đương sự đã khiếu nại nhiều lần.
V- VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương các loại như sau:
Tặng Huân chương Sao Vàng cho:
- Đồng chí I.Cađa, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari.
- Đồng chí N.A.Tikhônốp, Uỷ viên Bộ Chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
- Đồng chí Tôđo Gípcốp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bungari, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Bungari, đã có những cống hiến to lớn vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa nước ta và nước bạn.
Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho:
- Đồng chí I.A.Arơkhipốp, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, đã có những cống hiến vào việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác về kinh tế giữa nước ta và nước bạn.
- Các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Hà Huy Giáp, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
- Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhà khoa học lớn, đã có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp phát triển y học của nước nhà.
Tặng Huân chương Độc lập cho 21 cán bộ đã có những cống hiến góp phần vào công cuộc cách mạng và kháng chiến, cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tặng Huân chương Lao động cho:
- 225 đơn vị và 28 cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác;
- 14 tập thể và cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước.
Tặng Huân chương Quân công và Chiến công cho:
- 1.542 đơn vị và cá nhân thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc;
- 17 chuyên gia Liên Xô đã có công giúp Việt Nam trong công cuộc bảo vệ đất nước.
Tặng Huân chương Kháng chiến cho 87 gia đình và 22 cán bộ đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.
Tặng Huân chương Quyết thắng cho 1.233 cán bộ theo niên hạn phục vụ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Tặng Huân chương Giải phóng cho 560 gia đình thuộc các tỉnh miền Nam có người thân đã thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 50.662 cán bộ, chiến sĩ đã có thành tích phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
Tặng Huân chương Hữu nghị cho 29 tập thể và cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VI- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
Ngày 18-5-1982, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã trả lời thư của Chủ tịch Phong trào các nước không liên kết Phiđen Caxtơrô về tình hình nghiêm trọng ở quần đảo Manvinát do đế quốc Anh được sự ủng hộ tích cực của đế quốc Mỹ, gây ra. Chủ tịch Trường Chinh đã khẳng định lập trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công nhận chủ quyền của Cộng hòa Áchentina đối với quần đảo Manvinát, nghiêm khắc lên án và đòi Anh, Mỹ phải chấm dứt những hành động xâm lược, phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Áchentina.
Ngày 11-6-1982, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã gửi điện đến Chủ tịch Y. Araphát khẳng định tình đoàn kết chiến đấu và sự ủng hộ kiên quyết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và tất thắng của nhân dân Palextin, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức giải phóng Palextin, và cuộc đấu tranh của nhân dân Arập chống bọn xâm lược Xiônít Ixraen và đế quốc Mỹ để giành lại các quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân Palextin và bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Arập.
Về hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội
Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 4 năm 1982, Đoàn đại biểu của Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Chủ tịch Ban Chấp hành Đoàn dẫn đầu đã dự Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Quốc hội họp tại Lagốt (Nigiêria).
Đoàn đại biểu Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Đoàn đại biểu các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tiến bộ vạch trần thái độ xấu xa của đại biểu Mỹ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam và Liên Xô, góp phần tích cực vào sự thành công của Hội nghị.
VII- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa VII, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tập hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong các tham luận, các cuộc thảo luận ở tổ, chuyển các câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu đến Hội đồng Bộ trưởng. Đến nay, các cơ quan hữu quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng đã nghiên cứu và trả lời hầu hết các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.
Hội đồng Nhà nước đã nhận được đều đặn những nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông báo về các mặt công tác, hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng.
1. Ngày 23-02-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện của Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về công tác giá cả.
Ngày 12-3-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện của Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về công tác của ngành Nội thương.
Hội đồng Nhà nước nhận thấy rằng Hội đồng Bộ trưởng đã cố gắng tìm những biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề về kinh tế và đời sống, trong đó nổi lên vấn đề giá cả, vấn đề phân phối, lưu thông là những vấn đề rất phức tạp, khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa chữa kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm.
Hội đồng Nhà nước cho rằng gốc của các vấn đề đó là sản xuất, phải đẩy mạnh sản xuất và Nhà nước phải nắm cho được quỹ hàng hóa, đồng thời phải cải tiến cơ chế quản lý kinh tế. Mặt khác, phải tích cực chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn phản động...; chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội; tiếp tục tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Phải khắc phục tình trạng mơ hồ, lỏng lẻo trong cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Trong nông nghiệp, vấn đề khoán sản phẩm đến người lao động nói chung là tốt, nhưng phải chống buông lỏng, khoán trắng. Trong thương nghiệp, cần chấn chỉnh lại bộ máy, nâng cao phẩm chất và tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên mậu dịch, kiên quyết chống những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ ngành. Đồng thời, phải nắm và quản lý chặt chẽ thị trường, không để thị trường tự do lấn át thị trường có tổ chức, trừng trị bọn đầu cơ, buôn lậu phá rối thị trường.
Để làm tốt công tác giá cả, phân phối, lưu thông, phải phối hợp thật chặt chẽ giữa các ngành Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp và Vật giá. Hội đồng Bộ trưởng cần tập trung thống nhất chỉ đạo và phải có kỷ luật về giá cả một cách nghiêm minh.
Hội đồng Nhà nước lưu ý các Bộ, các ngành, các cấp chính quyền phải vận dụng hết những luật và pháp lệnh ban hành như Pháp lệnh chống hối lộ, Pháp lệnh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu bổ sung để trình Quốc hội dự Luật về thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, Luật đất đai.
2. Ngày 27-5-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình bắt, giam, tha và tình hình các trại giam.
Hội đồng Nhà nước nhận định rằng, sau khi Hội đồng Nhà nước có Công văn số 639 lưu ý Hội đồng Bộ trưởng về tình hình bắt, giam, tha và tình hình các trại giam, Bộ Nội vụ đã có nhiều biện pháp tích cực nắm tình hình và giải quyết ngay những trường hợp vi phạm pháp luật, đồng thời cùng với Viện kiểm sát cử nhiều Đoàn về tận cơ sở giải quyết tại chỗ.
Hội đồng Nhà nước lưu ý Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tăng cường chuyên chính, nghiêm trị những phần tử phản cách mạng, bọn đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp của công, bọn lưu manh, côn đồ, không để bọn đầu sỏ lọt lưới; hết sức tránh các trường hợp bắt oan, giam giữ không cần thiết, gây ảnh hưởng không tốt trong nhân dân, đồng thời có kế hoạch chấn chỉnh việc quản lý các trại giam.
3. Về công tác ngoại giao, ngày 23-02-1982 và ngày 25-5-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo về Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia họp tại Viêng Chăn ngày 16 và 17-02-1982; về cuộc đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ từ ngày 12 đến ngày 15-02-1982; về cuộc đi thăm Việt Nam của ông Rêgít Đơbrây, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, từ ngày 12-02 đến ngày 25-02-1982; về chuyến đi thăm Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Ấn Độ và một số nước Tây Bắc Âu của Bộ trưởng Ngoại giao ta.
Hội đồng Nhà nước nhiệt liệt hoan nghênh thắng lợi của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; vui mừng nhận thấy rằng cuộc đi thăm vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao ta đã thắt chặt thêm tình hữu nghị anh em và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, tăng cường mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa Việt Nam và Ấn Độ, làm cho các nước Tây Bắc châu Âu hiểu rõ Việt Nam hơn, vạch trần luận điệu vu cáo thâm độc và bỉ ổi của đế quốc Mỹ và bọn bành trướng, bá quyền... góp phần vào sự nghiệp hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á.
VIII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Ngày 16-5-1982, Hội đồng Nhà nước đã nghe Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác. Hội đồng Nhà nước nhận định rằng:
Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chấn chỉnh tổ chức của ngành theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới, hướng dẫn xây dựng Tòa án nhân dân cấp huyện với thẩm quyền mới nâng cao tỷ lệ xét xử, xử lưu động nhiều, có đông người tham dự để phát huy tác dụng của phiên tòa; chú ý hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp trong việc xét xử những vụ án khó.
Việc xét xử có nhanh hơn trước, song nhìn chung còn chậm, nhất là một số án trọng điểm. Việc xử phúc thẩm một số án tử hình để quá chậm là điều cần đặc biệt quan tâm khắc phục. Khâu giám đốc xét xử có ý nghĩa quan trọng, theo tinh thần của Luật mới để hạn chế đến mức cao nhất các sai lầm trong công tác xét xử, lại chưa được quan tâm đúng mức, nên kết quả còn rất hạn chế. Điều đó cần được đặc biệt chú ý trong tình hình cán bộ của Tòa án các cấp còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp huyện, trong khi thẩm quyền của cấp huyện được nâng lên theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chú ý tăng cường khâu kiểm sát chung, phát hiện những vụ vi phạm chính sách, pháp luật, nhất là trong các ngành kinh tế; tăng cường khâu kiểm sát bắt, giam, tha, phát hiện những sai sót và kiến nghị biện pháp bổ khuyết với các ngành hữu quan; củng cố và tăng cường sự thống nhất trong ngành, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cán bộ; hướng dẫn các cấp kiểm sát triển khai Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Song, Viện kiểm sát còn chưa chú ý đúng mức đến việc thực hiện một số quy định có ý nghĩa quan trọng trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân như: kiểm sát để bảo đảm cho việc điều tra được tiến hành có kết quả tốt và theo đúng pháp luật; Kiểm sát viên làm cáo trạng và đọc cáo trạng tại phiên tòa; Viện kiểm sát trực tiếp điều tra một số loại án, v.v.. Đây là một số điểm còn yếu trong hoạt động của ngành Kiểm sát, cần có kế hoạch ra sức khắc phục.
IX- HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
VÀ CÁC UỶ BAN THƯỜNG TRỰC CỦA QUỐC HỘI
Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa VII, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội đã họp và thông qua chương trình hoạt động năm 1982.
Dưới đây là kết quả hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội:
1. Hội đồng dân tộc
Được sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc đã thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban nghiên cứu về kinh tế miền núi, Tiểu ban nghiên cứu về giáo dục và đào tạo cán bộ dân tộc.
Tháng Tư, sau khi đã làm việc với Bộ Lâm nghiệp, đoàn công tác do Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hoàng Trường Minh làm Trưởng đoàn, đã đến hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai - Kon Tum nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế miền núi và việc tổ chức thực hiện cuộc vận động định canh, định cư theo phương thức "nông lâm nghiệp kết hợp".
Đoàn đã đề xuất với cấp lãnh đạo của hai tỉnh một số ý kiến thiết thực, đã góp phần động viên cán bộ và nhân dân các dân tộc của hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai - Kon Tum trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương.
Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc đã báo cáo với Hội đồng Nhà nước về kết quả của chuyến đi công tác nói trên. Hội đồng Nhà nước đã chuyển để Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu báo cáo của Đoàn và đề nghị lưu ý một số điểm đã nêu trong báo cáo.
2. Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách
Trước tình hình kinh tế của đất nước, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã tiến hành cuộc họp Thường trực mở rộng của Uỷ ban để nghe Bộ Nội thương, Bộ Lao động báo cáo về tình hình phân phối, lưu thông, quản lý thị trường, đời sống của công nhân, viên chức và tiền lương. Sau đó, Thường trực Uỷ ban đã trao đổi một số ý kiến với đại diện của hai Bộ, đã có báo cáo và kiến nghị với Hội đồng Nhà nước.
Thường trực Uỷ ban đã cùng với Uỷ ban pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra Dự án Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.
Từ hạ tuần tháng Năm đến trung tuần tháng Sáu, Uỷ ban đã cử bốn đoàn công tác do Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm trưởng đoàn, đi nắm tình hình về đời sống của công nhân, cán bộ, bộ đội, giáo viên, học sinh, ở một số cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị bộ đội, thuộc Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Thái, Quảng Ninh.
Tháng Sáu, Uỷ ban đã có hai cuộc họp để thẩm tra Dự án Luật về thuế nông nghiệp và dự toán ngân sách nhà nước năm 1982, nghe báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong những tháng đầu năm 1982, tình hình phân bố lao động của cả nước trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) và vấn đề tiền lương.
3. Uỷ ban văn hóa và giáo dục
Để tìm hiểu tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về văn hóa, giáo dục nhằm đóng góp vào việc xây dựng kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ 3, Thường trực Uỷ ban đã họp để nghe Bộ Giáo dục, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em báo cáo tình hình thực hiện chế độ, chính sách về văn hóa, giáo dục. Sau đó, một đoàn công tác của Uỷ ban đã đi nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thực hiện chế độ, chính sách nói trên ở ba tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
4. Uỷ ban khoa học và kỹ thuật
Được sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật đã thành lập ba tiểu ban:
- Tiểu ban khoa học tự nhiên,
- Tiểu ban khoa học - kỹ thuật,
- Tiểu ban khoa học xã hội.
Uỷ ban đã chú ý nghiên cứu, xem xét tình hình, nguyên nhân và những biện pháp để khắc phục tình hình có khó khăn về điện và than.
Tháng Năm, sau khi nghe Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than báo cáo, đoàn của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật do Chủ nhiệm Uỷ ban làm trưởng đoàn, đã đi nghiên cứu, khảo sát tình hình ở một số cơ sở điện, than tại Uông Bí, Hồng Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Tháng Sáu, một đoàn khác của Uỷ ban cũng do Chủ nhiệm Uỷ ban dẫn đầu, đã đi khảo sát tình hình ở một số cơ sở thuộc vùng lúa có sản lượng và năng suất cao của tỉnh Tiền Giang.
Đoàn công tác của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật đã trao đổi một số ý kiến với các đồng chí lãnh đạo của địa phương và cơ sở và đã có báo cáo, kiến nghị gửi Hội đồng Nhà nước.
5. Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tập trung vào việc nắm tình hình thực hiện Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" và tình hình "Thanh niên, thiếu niên phạm pháp và những biện pháp ngăn chặn".
Thường trực mở rộng của Uỷ ban đã họp với các đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Thiếu niên và Nhi đồng Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để nghe Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế, Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp nhẹ, Tổng cục Thể dục Thể thao báo cáo việc tổ chức và thực hiện Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nghe Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao báo cáo về tình hình "thanh niên, thiếu niên phạm pháp".
Tháng Tư và tháng Sáu, Đoàn của Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, do Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn, đã tìm hiểu tình hình thực hiện Pháp lệnh nói trên ở một số cơ sở thuộc thành phố Hải Phòng và Hà Nội.
6. Uỷ ban y tế và xã hội
Tháng Tư, hai đoàn của Uỷ ban y tế và xã hội do các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đã đến các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hậu Giang và Minh Hải để nắm tình hình về y tế, thương binh - xã hội và thể dục thể thao.
Đoàn đã làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh, đã đi xem xét tình hình ở một số cơ sở y tế, thể dục thể thao, thăm một số trại thương binh, trại an dưỡng của những người có công với cách mạng, trại nuôi dưỡng những người tàn tật, trại cải tạo các nạn nhân của tệ nạn xã hội do chế độ Mỹ - ngụy để lại.
Tháng Sáu, Thường trực mở rộng của Uỷ ban đã họp, có sự tham dự của đại diện Bộ Y tế và Bộ Thương binh - Xã hội, nghe báo cáo của hai đoàn về kết quả những chuyến đi công tác kể trên. Sau đó, Uỷ ban đã có báo cáo và kiến nghị với Hội đồng Nhà nước.
7. Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội
Tháng Sáu, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã họp để nghe đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo tình hình công tác đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian vừa qua và bàn định chương trình công tác của Uỷ ban trong 6 tháng cuối năm 1982.
8. Uỷ ban pháp luật
Công tác xây dựng và thẩm tra các dự án luật và pháp lệnh trong thời gian qua tương đối nhiều. Uỷ ban pháp luật tháng nào cũng họp ba, bốn ngày và Thường trực Uỷ ban làm việc hằng tuần.
Tháng Giêng, Uỷ ban pháp luật đã họp để thảo luận về Dự án Bộ luật lao động, về Dự án Luật đất đai và thẩm tra Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Tháng Hai và tháng Ba, Uỷ ban pháp luật đã họp để thẩm tra Dự án Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và Dự thảo phần chung của Dự án Bộ luật hình sự.
Tháng Tư, Uỷ ban đã họp để tiếp tục thẩm tra dự án Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; nghe báo cáo về việc chỉnh lý Dự án Luật đất đai; nghe đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo về việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự.
Tháng Năm, Uỷ ban đã họp để thẩm tra Dự án Pháp lệnh về Quy chế hoạt động của luật sư và Dự án Pháp lệnh về lưu trữ.
Tháng Sáu, Uỷ ban pháp luật đã họp để thẩm tra Dự án Luật về thuế nông nghiệp.
Tóm lại, trong những tháng đầu năm 1982, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã hoạt động tương đối đều. Việc nghe báo cáo của các Bộ, các ngành, rồi thành lập các đoàn đi về các địa phương, cơ sở nghiên cứu đã có tác dụng thiết thực, góp ý kiến kịp thời với ngành, địa phương và cơ sở, giúp cho Hội đồng và các Uỷ ban nắm được tình hình thi hành chính sách, chế độ, pháp luật; trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị với Hội đồng Nhà nước, Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng.
Uỷ ban pháp luật của Quốc hội hoạt động nhiều hơn cả, đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các dự thảo luật và pháp lệnh.
X- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
1. Ngay sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa VII, các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức việc báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp.
Các cuộc tiếp xúc với cử tri của các đoàn nhân dịp này được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, phạm vi hoạt động rộng, kết hợp việc báo cáo tập trung, gặp mặt cử tri theo khu vực với việc gặp mặt cử tri theo ngành, theo giới...
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức việc tiếp xúc ở 20 điểm, với nhiều đối tượng, trong đó có gần 1.000 cán bộ các mỏ và xí nghiệp thuộc ngành than, trên 500 cán bộ của đặc khu và trường quân chính đặc khu.
Ngoài một số buổi báo cáo tập trung, các đoàn đại biểu các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Sơn La, Lai Châu và Hoàng Liên Sơn đã khắc phục nhiều khó khăn, chia nhau xuống cơ sở báo cáo và thăm hỏi, động viên đồng bào các dân tộc và chiến sĩ bảo vệ biên giới. Tham dự các buổi báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long ở huyện Châu Thành, có gần 1.000 sư sãi và đồng bào Khơ Me.
Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Uỷ ban nhân dân thành phố đã tổ chức các cuộc mít tinh lớn để chào mừng và nghe đại biểu Quốc hội báo cáo về thắng lợi của kỳ họp.
Tại các cuộc tiếp xúc với cử tri, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo nội dung cơ bản của Luật nghĩa vụ quân sự, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân, Nghị quyết về kế hoạch, ngân sách nhà nước và các Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua. Các đại biểu đã phân tích những thuận lợi và khó khăn của đất nước ta trong tình hình hiện nay, động viên nhân dân phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1982.
Các đại biểu cử tri đã bày tỏ sự tin tưởng vào nội dung chính trị, sự công bằng, hợp lý đã được thể hiện trong hai luật nói trên, nhiệt liệt hoan nghênh Luật nghĩa vụ quân sự, hiểu và thông cảm hơn những khó khăn chung của đất nước, tán thành phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch nhà nước 5 năm (1981-1985). Các đại biểu cử tri đã nêu những yêu cầu, kiến nghị với các đoàn đại biểu Quốc hội, tập trung vào các vấn đề nóng hổi về sản xuất, đời sống, phân phối, lưu thông, v.v..
2. Thực hiện quy định trong Quy chế về đại biểu Quốc hội, nhiều đoàn đại biểu đã có kế hoạch tổ chức việc tiếp dân. Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính đến nay đã có 8 trên 40 đoàn chính thức đặt trụ sở tiếp dân, 8 đoàn tiếp dân chung với Uỷ ban nhân dân. Trong số 16 đoàn này, có 4 đoàn ủy nhiệm cho các đồng chí không phải là đại biểu Quốc hội thay mặt đoàn trực và thu nhận các đơn từ khiếu tố của nhân dân.
Về nội dung phần lớn các vụ, việc khiếu tố của nhân dân, các đoàn đều nhận xét là chính đáng và đúng mức, song một số cơ quan có trách nhiệm giải quyết các vụ việc khiếu tố còn kéo dài, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhân dân.
Hiện nay, các đoàn đại biểu đang cố gắng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các buổi tiếp dân. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chuẩn bị tốt lịch tiếp dân, nghiên cứu trước hồ sơ của các vụ, việc cần tiếp, đã chuyển đơn của đương sự kèm theo ý kiến của mình đến cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết. Đoàn cũng đã chia thành 8 nhóm đại biểu đến trực tiếp làm việc với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các Bộ, các ngành hữu quan của Trung ương để đôn đốc việc giải quyết các điều khiếu nại của nhân dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bộ phận thường trực tiếp dân hằng ngày và có sự kiểm tra, đôn đốc tương đối thường xuyên về việc giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân.
Trong thời gian qua, việc tiếp dân của các đại biểu Quốc hội đã phát huy tác dụng tốt. Một số đoàn đã góp phần giải quyết được dứt điểm và kịp thời những điều khiếu nại chính đáng của nhân dân, đã được dư luận hoan nghênh.
3. Ngoài việc tiếp dân, tiếp xúc với cử tri, phần đông các đại biểu Quốc hội ở địa phương đã tham gia các kỳ họp Hội đồng nhân dân, nơi mình được giới thiệu ra ứng cử, tham gia sinh hoạt đoàn, nghe Uỷ ban nhân dân địa phương thông báo tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và các vấn đề khác. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức các buổi báo cáo, giải thích Hiến pháp và pháp luật cho nhân dân, cho các lớp huấn luyện cán bộ chính quyền; Đoàn đã nói chuyện về Hiến pháp và pháp luật cho hơn 80 lính FULRO về hàng cách mạng.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội mà mình là thành viên.
4. Về việc trả lời các điều chất vấn và kiến nghị của các đại biểu Quốc hội:
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã chuyển đến Hội đồng Bộ trưởng các điều chất vấn, kiến nghị mà các đại biểu Quốc hội đã nêu ra trong kỳ họp và sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa VII. Ngoài những ý kiến đã được các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ trả lời trước Quốc hội, hầu hết các điều chất vấn và kiến nghị của đại biểu đã được Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, các ngành hữu quan nghiên cứu và trả lời.
Nhìn chung, thực hiện những quy định trong Quy chế về đại biểu Quốc hội, hoạt động của các đoàn và các đại biểu Quốc hội đã có một số chuyển biến mới; việc tiếp dân, tiếp xúc với cử tri, sinh hoạt đoàn đang từng bước được chú ý đưa vào nền nếp. Quan hệ giữa các đoàn và các đại biểu Quốc hội với Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Nhà nước được tăng cường. Ngoài báo cáo định kỳ về hoạt động của đoàn, một số đoàn và cá nhân đại biểu đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri hoặc kiến nghị những vấn đề mà đoàn và đại biểu quan tâm đến Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
XI- HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ QUAN HỆ CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân các địa phương, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố, kể từ khi có Hiến pháp mới, đã có chuyển biến tốt. Các kỳ họp thường lệ được tổ chức đều hơn, có nhiều địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triệu tập họp Hội đồng nhân dân thành phố mỗi quý một lần (Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân hiện hành chỉ quy định mỗi năm họp hai kỳ). Trong mỗi kỳ họp, Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố đã thảo luận sôi nổi và ra nghị quyết về những chuyên đề kinh tế - xã hội có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương.
Tuy vậy, ở một số không ít Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, huyện và xã, có một số đại biểu chưa tích cực tham gia sinh hoạt Hội đồng nhân dân. Tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa VIII vào cuối tháng 4 năm 1982, có tới 40/160 đại biểu vắng mặt, trong đó có 27 đại biểu vắng mặt không có lý do. Tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa II vào giữa tháng 5 năm 1982, bình quân mỗi buổi họp có tới 43/160 đại biểu vắng mặt, trong đó có 27 đại biểu vắng mặt không có lý do (có buổi họp vắng tới 50 đại biểu, trong đó có 30 đại biểu vắng mặt không có lý do). Tại kỳ họp thứ 3 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An vào cuối tháng 4 năm 1982, có 27/93 đại biểu vắng mặt, trong đó có 16 đại biểu vắng mặt không có lý do.
Gần đây, hầu hết Hội đồng nhân dân các địa phương đã thành lập các ban chuyên môn của mình. Số lượng các ban ở các địa phương không giống nhau, có nơi thành lập tới 9, 10 ban, có nơi chỉ thành lập một ban chuyên môn. Nhìn chung, các ban này bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc giúp Hội đồng nhân dân nghiên cứu các chuyên đề, đề xuất các vấn đề để Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định.
Ở một số địa phương, đã thành lập những tổ chức chuyên lo việc tiếp dân của Hội đồng nhân dân. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có Ban điều hợp và tiếp dân; ở Hà Nội, mới đây có đại biểu thường trực Hội đồng nhân dân. Hình thức phổ biến hiện nay ở các địa phương là hình thức tiếp dân kết hợp giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các cấp chính quyền địa phương bước đầu đã chú ý bồi dưỡng về nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp hoạt động cho các đại biểu Hội đồng nhân dân. Sau khi trúng cử, đại biểu Hội đồng nhân dân đã được học tập về Hiến pháp và pháp luật, cũng như các vấn đề cơ bản của Nhà nước và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở Vĩnh Phú, 95% đại biểu Hội đồng nhân dân xã; ở Thành phố Hồ Chí Minh, 70% đại biểu Hội đồng nhân dân quận, phường đã dự các lớp bồi dưỡng tập huấn này. Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố, tỉnh đã chú ý hơn tới việc tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động; tổ chức đều các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri, thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, báo cáo kết quả của kỳ họp, nội dung và biện pháp thực hiện các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân thông qua.
2. Thực hiện chức năng giám sát và hướng dẫn Hội đồng nhân dân các cấp, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương về nội dung kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới được bầu, gợi ý những việc cần làm của Uỷ ban nhân dân trong việc tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỳ họp, nội dung cần thiết phải bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các đại biểu mới được bầu, đại biểu ở phường, xã, để đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ; về nội dung và thủ tục báo cáo về các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương lên Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đang cùng với Ban Tổ chức của Chính phủ xây dựng Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp; đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán Bộ, các ngành hữu quan ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Thái Bình, Minh Hải, Hậu Giang và Tây Ninh.
Để từng bước nắm tình hình và đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, nhiều đoàn cán bộ của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã được cử về một số địa phương dự các kỳ họp và tìm hiểu các mặt hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đang xúc tiến việc nghiên cứu, tổng hợp tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để trình Hội đồng Nhà nước xem xét và có quyết định cần thiết, để trên cơ sở những quy định của Hiến pháp mới, hoạt động của Hội đồng nhân dân đi dần vào nền nếp. Có nhiều vấn đề như xác định mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân với Uỷ ban nhân dân, nâng cao chất lượng của các kỳ họp, quy định một số chế độ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, v.v. cần được nghiên cứu, giải quyết kịp thời để Hội đồng nhân dân thật sự trở thành cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là những nét chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thời gian vừa qua.
Thay mặt Hội đồng Nhà nước, tôi xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.
TM. HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH
Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội