THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ PHẦN CHUNG CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ
(Do ông Nguyễn Hữu Thụ, Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng
trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VII, ngày 23-6-1982)
Kính thưa Chủ tịch đoàn,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tôi xin thay mặt Hội đồng Bộ trưởng trình bày trước Quốc hội Phần chung của Dự thảo Bộ luật hình sự.
I
Vấn đề tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đã được Đại hội lần thứ IV của Đảng nhấn mạnh. Để đạt mục tiêu này, Đại hội đặt nhiệm vụ phải xây dựng cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh.
Hiến pháp mới của nước ta thể chế hóa đường lối của Đảng đã quy định trong Điều 12: “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước Đại hội lần thứ V vừa rồi lại chỉ rõ: “Để tăng cường quản lý xã hội theo pháp luật, phải khẩn trương cụ thể hóa Hiến pháp mới bằng hệ thống pháp luật”.
Trong hệ thống pháp luật đó, luật hình sự chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Vấn đề này, trước hết chúng tôi xin phép trình bày một số ý kiến tóm tắt về vai trò của pháp luật, về hệ thống pháp luật.
Như các vị đại biểu đều biết, sau khi lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, giành được chính quyền, giai cấp công nhân phải đập tan bộ máy nhà nước cũ, xóa bỏ pháp luật cũ, xây dựng bộ máy nhà nước mới, đặt ra pháp luật mới. Vì muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội không có người bóc lột người, giai cấp công nhân chỉ có thể lập nên một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước chuyên chính vô sản. Muốn quản lý, điều hành mọi công việc của xã hội mới, Nhà nước chuyên chính vô sản phải đặt ra pháp luật mới - pháp luật xã hội chủ nghĩa - thể hiện ý chí của giai cấp công nhân. Đường lối, chính sách này là cơ sở, là căn cứ để xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện nhà nước có hiệu lực để đường lối, chính sách của Đảng được quán triệt trong đời sống xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng ta đã chỉ rõ: “Chỉ có thông qua Nhà nước, bằng các chế độ, quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước, bằng hệ thống pháp luật kinh tế và toàn bộ hệ thống pháp chế nhà nước, thì đường lối, chính sách, những nhiệm vụ do Đảng đề ra mới vào cuộc sống xã hội, mới thực hiện được”.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đặt ra pháp luật để trấn áp những hành vi phản kháng, phá hoại của các giai cấp bóc lột đã bị lật đổ nhưng chưa chịu khuất phục, và của những phần tử chống đối lại chủ nghĩa xã hội, để bảo vệ trật tự an ninh trong nước cũng như sẵn sàng đối phó với những âm mưu phá hoại xâm lược từ bên ngoài.
Phải xác định bằng pháp luật nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Phải có pháp luật để thúc đẩy sự phát sinh và phát triển của các thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa, để hạn chế đi đến xóa bỏ những thành phần kinh tế không xã hội chủ nghĩa. Phải có pháp luật để điều hòa lao động xã hội và giải quyết vấn đề phân phối trong xã hội. Phải có pháp luật để xác định và củng cố những nguyên tắc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, để quy định và bảo đảm những quyền và nghĩa vụ của công dân.
Phải có pháp luật để bảo đảm việc phát triển khoa học - kỹ thuật, để bảo đảm việc tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hóa...
Các quan hệ xã hội vô cùng phong phú nên pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng vô cùng phong phú. Nó bao gồm rất nhiều quy định được thể hiện trong nhiều hình thức văn bản (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định...). Các quy định có nội dung, tính chất khác nhau, nhưng hợp thành một hệ thống thống nhất có sự liên hệ bên trong với nhau, do cùng dựa trên một kiểu quan hệ sản xuất, một cơ sở kinh tế nhất định, cùng thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lãnh đạo.
Trong khuôn khổ sự thống nhất chung, pháp luật được chia thành những ngành luật để điều chỉnh những nhóm quan hệ xã hội nhất định:
Luật nhà nước quy định về chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về chế độ bầu cử...
Luật hành chính quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, về những mối quan hệ giữa các cơ quan đó với nhau, giữa các cơ quan đó và công dân.
Luật tài chính quy định về quá trình xây dựng và sử dụng ngân sách, về hoạt động tài chính của bộ máy nhà nước.
Luật lao động quy định về các quan hệ phát sinh trong quá trình sử dụng sức lao động và các vấn đề liên quan khác trong các xí nghiệp quốc doanh và bộ máy nhà nước.
Luật dân sự quy định về các quan hệ tài sản giữa những bên bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ và về một số quan hệ nhân thân.
Luật hôn nhân và gia đình quy định về các quan hệ thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Luật kinh tế quy định về các quan hệ thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Luật tố tụng (tố tụng hình sự và tố tụng dân sự) quy định về trình tự giải quyết các vụ án hình sự, các vụ tranh chấp về dân sự.
Ngoài các ngành luật trên đây, còn nhiều ngành luật khác: luật ruộng đất, luật hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, v.v..
Trong hệ thống các ngành luật, như ở trên đã nói, luật hình sự có vị trí và vai trò rất quan trọng.
Đặc trưng của pháp luật là tính bắt buộc của nó: mọi người đều phải tuân theo những quy định của pháp luật. Nếu không tuân theo, sẽ phải chịu những biện pháp cưỡng chế thích đáng (chế tài). Mỗi ngành luật đều có chế tài thích hợp. Thí dụ như, đại biểu Hội đồng nhân dân không làm tròn nhiệm vụ có thể bị cử tri bãi miễn; nhân viên nhà nước vi phạm kỷ luật lao động có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc; người trốn, lậu thuế thì bị phạt về thuế, bị tịch thu hàng hóa; người gây thiệt hại cho người khác phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra, v.v.. Nhưng không có chế tài nào gắt gao, mạnh mẽ như chế tài của luật hình sự. Khi các vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng nhất định, nếu chỉ áp dụng các chế tài khác thì không bảo đảm việc xử lý nghiêm khắc và có hiệu quả, người ta phải áp dụng chế tài hình sự. Thí dụ như, đối với kẻ đốt nhà người khác thì không thể chỉ bắt bồi thường thiệt hại đã gây ra mà còn phải phạt tù, v.v.. Luật hình sự đóng vai trò bảo vệ.
Luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền công dân, chống các tội phạm tức là các hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm hại đến trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Luật hình sự định các tội phạm và các hình phạt để trừng trị những kẻ phạm tội, để giáo dục mọi người có ý thức tuân theo pháp luật và phòng ngừa tội phạm.
Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật về hình sự như Sắc lệnh số 175-SL ngày 18-6-1953 quy định việc quản chế; Sắc lệnh số 267-SL ngày 15-6-1956 trừng trị những hành vi cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch nhà nước; Sắc luật số 001-SLT ngày 10-4-1957 cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế; Pháp lệnh ngày 30-10-1967 trừng trị các tội phản cách mạng; Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa; Pháp lệnh cùng ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, v.v.. Những pháp luật đó đã góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường Nhà nước cách mạng của ta. Nhưng các pháp luật đó có những nhược điểm về nội dung cũng như về hình thức.
Về nội dung, có rất nhiều tội chưa được quy định, nhất là từ khi nước nhà thống nhất, do nhiều nguyên nhân, tội phạm đã phát triển cả về số lượng, cả về tính chất nghiêm trọng.
Về hình thức, các văn bản quy định về hình sự đến nay mới có một số ít pháp lệnh, còn phần lớn là các văn bản dưới luật.
Vì những lẽ trên, pháp luật về hình sự của ta không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội. Cho nên, tiếp theo việc ban hành Hiến pháp mới, việc ban hành Bộ luật hình sự là một yêu cầu cấp thiết. Cần phải đưa vào một văn bản thống nhất, tức là Bộ luật hình sự, tất cả các tội phạm, chứ không để tản mạn ở những văn bản khác nhau. Đó cũng là bảo đảm tính thống nhất của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa.
Việc soạn thảo Bộ luật hình sự đã được tiến hành từ hơn 6 năm nay. Công tác này được giao cho một Ban Dự thảo do Hội đồng Chính phủ trước đây ra quyết định thành lập, gồm đại diện các cơ quan Trung ương có liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, trước đây Ủy ban Pháp chế của Chính phủ, nay là Bộ Tư pháp), đại diện của các đoàn thể nhân dân (Tổng Công đoàn Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam). Ban Nội chính của Trung ương Đảng (trước đây là Ban Pháp chế của Trung ương Đảng), Ủy ban pháp luật của Quốc hội (trước đây là Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội) đã tham gia công tác soạn thảo từ đầu và đều đặn.
Trong quá trình công tác, Ban Dự thảo có những thuận lợi rất cơ bản:
- Sự lãnh đạo sít sao và quan tâm của Đảng và Chính phủ.
- Những kinh nghiệm của thực tiễn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm của Nhà nước ta từ trước đến nay, nhất là thực tiễn của những năm vừa qua, kể từ khi nước nhà thống nhất về mặt Nhà nước.
- Ban Dự thảo cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nghiên cứu những xu hướng tiến bộ trong khoa học pháp lý hình sự hiện đại.
Đó là ba cơ sở vững chắc của bản Dự thảo này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những khó khăn đáng kể.
Đất nước ta vừa có hòa bình, vừa phải đối phó với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt do kẻ địch gây ra, vừa phải sẵn sàng đối phó với khả năng có thể xảy ra chiến tranh lớn. Do đó, tình hình quản lý kinh tế - xã hội ở nước ta, vừa mang tính chất thời bình, vừa manh tính chất thời chiến; vừa có những biện pháp bình thường, vừa phải sử dụng những biện pháp đặc biệt.
Hiện nay, tình hình tôn trọng và tình hình vi phạm pháp luật rất phức tạp. Tình hình phạm tội có chiều hướng lúc giảm, lúc phát triển, rất đáng quan tâm do tính chất nghiêm trọng của nó. Trong bối cảnh đó, việc dự đoán tình hình diễn biến của tội phạm trong những năm tới có mặt hạn chế, chưa thấy được. Đó là khó khăn lớn nhất cho việc xây dựng Bộ luật hình sự - Bộ luật này đòi hỏi một sự tương đối ổn định, vững chắc, liên tục.
Với đội ngũ cán bộ làm luật còn nhỏ, mỏng, kinh nghiệm xây dựng bộ luật chưa có, nay phải vừa làm vừa học, phương tiện vật chất lại rất thiếu thốn, Ban chúng tôi đã có gắng, tận tình với nhiệm vụ. Nhưng do những khó khăn trên, chắc chắn là Dự thảo bộ luật còn có những thiếu sót, nhược điểm. Song chúng tôi nghĩ rằng, điều cốt yếu là xác định được những nguyên tắc cần thiết nhất, vững chắc; mặt khác, không để sót các tội phạm nghiêm trọng. Sau này, trong quá trình thi hành Bộ luật, cũng như kinh nghiệm các nước khác, tùy yêu cầu của tình hình, vẫn có thể bổ sung những điều cần thiết.
Bản Dự thảo phần chung của Bộ luật hình sự trình ra lần này là kết quả làm việc tập thể, khẩn trương, tích cực của tất cả các ngành và cơ quan hữu quan. Nhiều nhà luật công tác tại cơ quan nhà nước hoặc đã nghỉ hưu cũng hăng hái tham gia xây dựng Bộ luật. Hai hội nghị cũng đã được tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến của các vị đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số Ủy ban Mặt trận thành phố và tỉnh, của các đoàn thể nhân dân ở trung ương và ở một số thành phố, tỉnh. Sau các hội nghị trên đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số Ủy ban Mặt trận tỉnh, nhiều đoàn thể nhân dân thành phố và tỉnh đã tổ chức nội bộ việc nghiên cứu và lấy ý kiến vào bản Dự thảo.
Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, chúng tôi đã tiếp thu và bổ sung vào bản Dự thảo. Nói chung, bản Dự thảo đã được sự hoan nghênh và khuyến khích rất nhiệt tình. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Ban Dự thảo Bộ luật hình sự chân thành cảm ơn sự đóng góp chân tình đó.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Bây giờ tôi xin đi vào Dự thảo Bộ luật hình sự. Dự thảo Bộ luật có Lời nói đầu và hai phần: Phần chung và Phần các tội phạm.
Bộ luật hình sự là một bộ luật lớn, không thể trình Quốc hội xem xét và thông qua trong một kỳ họp. Vì vậy, lần này chúng tôi xin trình Quốc hội Phần chung. Tuy nhiên, để các vị đại biểu thấy được bao quát, chúng tôi cũng xin giới thiệu tóm tắt cơ cấu và nội dung chính của toàn bộ Bộ luật.
II- CƠ CẤU VÀ NỘI DUNG CHÍNH
CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ
A- Lời nói đầu
Lời nói đầu nêu mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Bộ luật hình sự, vị trí của Bộ luật, nhiệm vụ thi hành Bộ luật.
B- Phần chung
Quy định những nguyên tắc chung thể hiện chính sách hình sự của ta. Phần chung có tầm quan trọng đặc biệt, có tính chất chỉ đạo cho Phần các tội phạm.
Ở đây, xin giới thiệu tóm tắt phần này gồm 8 chương (vì sau đây, chúng tôi sẽ báo cáo nội dung cụ thể).
Chương I- Điều khoản cơ bản
Xác định nhiệm vụ của Bộ luật hình sự, cơ sở của trách nhiệm hình sự, các nguyên tắc xử lý.
Chương II- Phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự
Hiệu lực của Bộ luật hình sự theo không gian và theo thời gian.
Chương III- Tội phạm
Xác định khái niệm tội phạm, hình thức phạm tội, trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Chương IV- Hình phạt
Quyết định hệ thống các hình phạt.
Chương V- Các biện pháp tư pháp
Những biện pháp không phải là hình phạt cần thiết áp dụng trong những trường hợp nhất định.
Chương VI- Việc quyết định hình phạt, tha miễn hình phạt
Những căn cứ để quyết định hình phạt, những trường hợp giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình phạt.
Chương VII- Những quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên.
Chương VIII- Những quy định riêng đối với quân nhân phạm tội.
C- Phần các tội phạm
Phần này gồm 12 chương.
Chương I- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Quy định 30 tội trong đó có các tội đặc biệt nghiêm trọng (các tội phản cách mạng) và các tội khác xâm phạm an ninh quốc gia.
Chương II- Các tội ác quốc tế
Chương này phù hợp với sự phát triển của pháp luật quốc tế hiện nay, trong đó, bằng các cuộc đấu tranh về mặt pháp lý Việt Nam đã góp phần đáng kể. Chương này quy định 5 tội trong đó có tội ác xâm lược, tội ác phá hoại hòa bình, tội ác chống loài người, v.v..
Chương III- Các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa
Quy định 14 tội về xâm phạm quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của các tổ chức xã hội khác.
Chương này thực chất là Pháp lệnh ngày 21-10-1970 về trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Chương IV- Các tội phạm về kinh tế
Quy định 22 tội, trong đó có các tội như: tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ về kinh tế, tài chính, gây hậu quả nghiêm trọng; các tội đầu cơ, tội nâng giá hàng hóa trái phép, tội vi phạm chế độ phân phối tài sản xã hội chủ nghĩa, tội sản xuất, kinh doanh trái phép, tội trốn thuế, lậu thuế...
Chương V- Các tội xâm phạm sở hữu của công dân
Quy định 12 tội. Chương này thực chất là Pháp lệnh ngày 21-10-1970 về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Chương VI- Các tội xâm phạm nhân thân
Quy định 34 tội, trong đó có 16 tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, 7 tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự và 11 tội xâm phạm những quyền cơ bản khác của công dân.
Chương VII- Các tội phạm đối với hôn nhân, gia đình và đối với người chưa thành niên
Quy định 12 tội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Chương VIII- Các tội phạm về chức vụ
Quy định 7 tội trong đó có các tội như lạm quyền, hối lộ, giả mạo trong công tác, đào nhiệm...
Chương IX- Các tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp
Quy định 15 tội trong đó có các tội như: tội truy cứu trách nhiệm hình sự người rõ ràng là không có tội, tội cố ý để lọt người phạm tội, tội ra bản án hoặc quyết định rõ ràng trái pháp luật, tội bức cung, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, tội tiết lộ bí mật điều tra, tội vu cáo...
Chương X- Các tội xâm phạm an toàn công cộng
Quy định 7 tội: tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông, vận tải không bảo đảm an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm các quy định về an toàn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng...
Chương XI- Các tội xâm phạm trật tự công cộng
Quy định 18 tội trong đó có các tội như: tội chống lại nhân viên cơ quan nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội thi hành nhiệm vụ, tội giả danh người có chức vụ, tội giả mạo giấy chứng minh, hộ chiếu, tội chứa gái mãi dâm, tội cờ bạc...
Chương XII- Các tội phạm về quân sự
Quy định 27 tội trong đó có những tội như: tội có ý không chấp hành mệnh lệnh, tội cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ, tội đầu hàng quân địch, tội bỏ vị trí chiến đấu, tội đào ngũ, tội quấy nhiễu nhân dân trong khu vực có chiến sự, tội vi phạm chính sách đối với hàng bình, tù binh, tội vi phạm chế độ trực chỉ huy, trực ban...
III- VỀ LỜI NÓI ĐẦU VÀ VỀ NỘI DUNG PHẦN CHUNG CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
A- Về lời nói đầu
Trừ một vài Bộ luật hình sự như Bộ luật hình sự của Cộng hòa Dân chủ Đức, các Bộ luật hình sự của các nước xã hội chủ nghĩa thường không có lời nói đầu, đi thẳng vào các quy định. Theo cách làm của Việt Nam, các văn bản pháp luật thường có phần nói về mục đích, ý nghĩa của việc ra văn bản, về vị trí, vai trò của văn bản. Ba bản Hiến pháp của ta (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980) đều có Lời nói đầu. Đối với Bộ luật hình sự - Bộ luật đầu tiên của Nhà nước ta, bản Dự thảo đề nghị cũng có Lời nói đầu; Lời nói đầu sẽ nêu lên mục đích, ý nghĩa của việc ban hành bộ luật, vị trí vai trò của nó trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, nhiệm vụ thi hành Bộ luật.
B- Về nội dung Phần chung
I. Về chương I: Điều khoản cơ bản
Chương này có bốn điều có tầm quan trọng đặc biệt nên gọi là điều khoản cơ bản.
Điều 1 xác định nhiệm vụ của Bộ luật hình sự của Nhà nước ta là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, bảo vệ tính mạng và các quyền cơ bản của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Bộ luật hình sự thực hiện nhiệm vụ này thông qua chức năng của mình là đấu tranh chống và phòng ngừa mọi hành vi phạm tội. Muốn đấu tranh chống các hành vi phạm tội có hiệu quả, thì phải lôi cuốn đông đảo quần chúng vào công tác này, phải giáo dục mọi người nâng cao ý thức tuân theo pháp luật, nâng cao ý thức chống và phòng ngừa tội phạm.
Để có cơ sở pháp lý tiến hành cuộc đấu tranh trên đây, Bộ luật hình sự xác định những hành vi trái pháp luật nào được coi là tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.
Điều 2 xác định cơ sở của trách nhiệm hình sự. Những hành vi trái pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội có nhiều, nhưng không phải hành vi trái pháp luật nào cũng dẫn đến trách nhiệm hình sự. Điều 2 đặt nguyên tắc là chỉ những hành vi cố ý hoặc vô ý, gây nguy hại cho xã hội, được luật hình sự quy định là tội phạm, mới dẫn đến trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc này bảo đảm việc xử lý đúng đắn, tránh việc xử lý tùy tiện. Mặc khác, để chuyên môn hóa việc xét xử, bảo đảm kết quả cao nhất, đồng thời cũng tránh sự tùy tiện, Điều 2 quy định là hình phạt phải do Tòa án quyết định.
Điều 3 quy định về các nguyên tắc xử lý, Điều 3 tổng hợp chính sách hình sự của Nhà nước ta. Đúc kết kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm của ta từ trước đến nay, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh ấy trong giai đoạn cách mạng mới, nó nói rõ thái độ của Nhà nước ta đối với các hành vi phạm tội từ khi mới xảy ra cho đến khi người phạm tội bị kết án, chấp hành xong hình phạt:
1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, kết luận rõ ràng và xử lý công minh; không để một hành vi phạm tội nào mà không bị xử lý theo pháp luật; không để một người nào bị xử lý trái pháp luật.
2. Đối với bọn chủ mưu, bọn cầm đầu, bọn ngoan cố chống đối, bọn lưu manh côn đồ, bọn tái phạm, bọn phạm tội có tổ chức, v.v. thì nghiêm trị.
Đối với những người thật thà hối cải, tự thú hoặc tố giác đồng bọn, những người lập công chuộc tội, v.v. thì khoan hồng.
3. Đối với những người phạm tội lần đầu, tội không nghiêm trọng, đã hối lỗi thì áp dụng những hình phạt nhẹ hơn phạt tù và có thể giao cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc gia đình bảo lãnh.
4. Đối với người bị tù thì buộc phải lao động, cải tạo thành công dân có ích cho xã hội. Nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để tha miễn việc chấp hành hình phạt trước thời hạn.
5. Tạo điều kiện cho người đã chấp hành xong hình phạt làm ăn, sinh sống lương thiện.
Điều 4 xác định nhiệm vụ đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, trước hết là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách: Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp. Nhưng đây cũng là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước khác, của các tổ chức xã hội, nhiệm vụ chung của mọi công dân.
II. Về chương II: Phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự
Chương II quy định về phạm vi áp dụng, tức là về hiệu lực của Bộ luật hình sự. Cần quy định vấn đề này nhằm bảo đảm việc vận dụng đúng đắn các quy định khác.
Hiệu lực của Bộ luật hình sự được xác định theo không gian (có hiệu lực ở nơi nào, đối với ai?) và theo thời gian (có hiệu lực từ bao giờ?).
A- Hiệu lực theo không gian
a) Điều 5 nói Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định này thể hiện chủ quyền của Nhà nước ta theo lãnh thổ, lãnh thổ này được xác định chung trong Điều 1 của Hiến pháp năm 1980.
Một hành vi phạm tội được coi là tiếp tục trên lãnh thổ nước ta khi hành vi ấy hoặc hậu quả của nó xảy ra, hoặc phải xảy ra trên lãnh thổ nước ta. Thí dụ: một bọn phá hoại gài mìn trên một máy bay (không kể là máy bay của ta hay của nước ngoài) đậu ở một sân bay của ta; sau khi máy bay rời khỏi lãnh thổ nước ta quả mìn mới nổ. Thí dụ ngược lại: một máy bay (không kể là máy bay của ta hay của nước ngoài) bị gài mìn trong khi đậu ở một sân bay nước ngoài: quả mìn có thể nổ hoặc đã nổ khi máy bay đã vào không phận nước ta. Trong cả hai trường hợp này, Bộ luật hình sự của ta đều có hiệu lực; có như vậy mới bảo vệ cao độ nguyên tắc chủ quyền theo lãnh thổ của Nhà nước ta, đồng thời, đấu tranh kiên quyết chống và phòng tội phạm.
b) Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với mọi người phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bất kể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch. Điều này cũng thể hiện nguyên tắc chủ quyền của Nhà nước ta. Tuy nhiên, Điều 5 đặt biệt lệ đối với những người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự: nếu trong những người này, có người phạm tội trên lãnh thổ nước ta, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
c) Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước ta không? Điều 6 phân biệt hai trường hợp người phạm tội là công dân Việt Nam; người phạm tội không phải là công dân Việt Nam.
Công dân Việt Nam ở nước ngoài bất kể vì lý do gì đều có nghĩa vụ tuân theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Điều 6 quy định là Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Điều này cũng xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền của Nhà nước ta. Điều này cũng áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú ở nước ta. Trong thực tế, sẽ cân nhắc khi truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân Việt Nam hoặc người không có quốc tịch phạm tội ở nước ngoài. Thí dụ như, người phạm tội đã bị truy tố và chịu hình phạt theo pháp luật của nước ngoài rồi thì Tòa án Việt Nam có thể không xử nữa. Bộ luật hình sự, theo thông thường, không có hiệu lực đối với người không phải là công dân Việt Nam và phạm tội ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam theo Bộ luật hình sự của ta, nếu phạm vào các tội được quy định trong các hiệp ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc công nhận. Thí dụ như, gần đây ta đã tham gia Công ước quốc tế về đấu tranh chống việc bắt cóc máy bay. Nếu có kẻ là người nước ngoài, phạm tội này ở nước ngoài, mà ta bắt giữ được thì ta sẽ xét xử theo Bộ luật hình sự Việt Nam.
B- Hiệu lực theo thời gian: được quy định trong Điều 7.
Theo nguyên tắc thông thường, một bộ luật hoặc một đạo luật có hiệu lực từ ngày được công bố hoặc từ ngày được ấn định trong điều khoản thi hành của nó. Vấn đề đặt ra là Bộ luật hình sự có áp dụng cả đối với những hành vi xảy ra trước ngày nó có hiệu lực không? Nói cách khác, nó có hiệu lực hồi tố, tức là hiệu lực về trước không? Luật của các nước nói chung đều thực hiện nguyên tắc không hồi tố đối với luật hình sự. Lý do là một hành vi chưa bị luật hình sự cấm, chưa bị coi là tội phạm thì làm sao người dân biết mà tránh. Nguyên tắc không hồi tố là một quy kết của nguyên tắc pháp chế: không thể trừng trị một hành vi chưa được quy định là tội phạm.
Luật hình sự của ta từ trước đến nay nói chung cũng thực hiện nguyên tắc không hồi tố. Trong một vài trường hợp đặc biệt, nếu không thực hiện nguyên tắc này là do ý chí của Nhà nước, được cơ quan làm luật nói rõ. Thí dụ Điều 22 Pháp lệnh ngày 30-10-1967 về trừng trị các tội phản cách mạng quy định: “Những tội phản cách mạng đã phạm trước ngày công bố Pháp lệnh nhưng chưa bị xét xử, thì xét xử theo Pháp lệnh này”, v.v..
Khoản 1 và khoản 2 của Điều 7 được viết theo tinh thần tiếp tục truyền thống trên đây.
Nói luật hình sự không có hiệu lực hồi tố là nói đến những quy định đặt ra tội phạm mới hoặc đặt ra hình phạt nặng hơn. Trái lại, những quy định xóa bỏ một tội phạm hoặc giảm nhẹ hình phạt, thì có hiệu lực hồi tố. Là vì khi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một hành vi mất đi (do vậy mà luật mới xóa bỏ tội phạm), hoặc giảm đi (do vậy mà luật mới giảm nhẹ hình phạt), thì việc trừng trị theo luật cũ không còn cần thiết; phải áp dụng luật mới.
Nội dung của khoản 3, Điều 7 thể hiện nguyên tắc trên đây.
III. Về chương III: Tội phạm
Chương này có 12 điều quy định về bốn vấn đề chính:
- Khái niệm tội phạm.
- Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
- Các giai đoạn thực hiện tội phạm.
- Nhiều người liên quan đến một tội phạm.
A- Về khái niệm tội phạm
a) Xác định tội phạm
Muốn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, phải xác định tội phạm là gì. Có biết rõ ràng cái gì là tội phạm, người ta mới tránh không phạm tội, mới đấu tranh chống những tội phạm đã xảy ra, phòng ngừa những tội phạm có thể xảy ra. Phần chung của Bộ luật hình sự xác định khái niệm tội phạm nói chung, còn Phần tội phạm sẽ quy định cụ thể về từng tội phạm.
1. Luật hình sự không trừng trị những cái chỉ mới có trong ý nghĩ, trong tư tưởng, chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Vì vậy, Điều 8 xác định trước hết tội phạm là một hành vi.
Hành vi trên đây phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nó đã gây tác hại đáng kể hoặc có khả năng thực tế gây tác hại đáng kể cho xã hội. Nếu không nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm.
Quan điểm về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mang tính chất giai cấp rõ rệt. Nó nói lên cần phải bảo vệ lợi ích của giai cấp nào, vì lợi ích của ai mà coi một hành vi là nguy hiểm. Dĩ nhiên, những lợi ích của cùng một giai cấp có thể tùy giai đoạn lịch sử mà thay đổi theo các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội. Cụ thể, có những hành vi bao giờ cũng nguy hiểm (thí dụ, cướp của, giết người), nhưng cũng có những hành vi ở giai đoạn lịch sử này thì coi là nguy hiểm, là tội phạm, ở giai đoạn khác thì không coi là nguy hiểm, là tội phạm và ngược lại. Thí dụ, có thời kỳ ta không coi hành vi lấy vợ lẽ là tội phạm; hiện nay ta trừng trị hành vi này, nhất là ở miền Bắc.
2. Điều 8 xác định chung những hành vi sau đây là tội phạm: hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm và các quyền cơ bản khác của công dân, cũng như xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở của Điều 8, Phần tội phạm của Bộ luật sẽ quy định cụ thể về từng tội.
3. Hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thể hiện bằng làm một việc mà pháp luật cấm làm. Thí dụ: tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, đầu cơ, buôn lậu... Trong một số trường hợp, nó có thể thể hiện bằng không làm một việc mà pháp luật buộc phải làm. Thí dụ: không làm nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái; không cứu giúp người lâm nạn, mặc dù có điều kiện cứu giúp; không tố giác một số tội phạm nghiêm trọng, v.v..
4. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là của người có khả năng nhận thức được việc làm của mình và có khả năng điều khiển việc làm này. Những người mất trí, trẻ em dưới 14 tuổi, v.v. là những người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu họ có hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì hành vi này cũng không coi là tội phạm và được xử lý bằng những biện pháp không phải là hình sự.
5. Một hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi người có hành vi đó ở trường hợp có lỗi. Luật hình sự của Nhà nước ta cũng như của các nước xã hội chủ nghĩa khác không truy cứu trách nhiệm hình sự người không có lỗi.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi này. Người đó có nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi không? Có thấy trước được hậu quả xảy ra hay có thể xảy ra không? Có mong muốn hậu quả đó xảy ra hay có ý thức bỏ mặc nó xảy ra không?
Nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn làm là có lỗi. Nhưng tùy theo thái độ của người có lỗi đối với hậu quả của hành vi mà Điều 9 và Điều 10 phân biệt phạm tội do cố ý với phạm tội do vô ý. Những điều kiện khác giống nhau thì phạm tội do cố ý phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn phạm tội do vô ý.
6. Tội phạm phải được quy định trong luật hình sự. Luật có quy định thì người ta mới biết mà không phạm. Luật phải rõ ràng, cụ thể để tránh hiểu sai, để việc vận dụng được chặt chẽ, đúng đắn.
Trong việc xây dựng Bộ luật hình sự, kinh nghiệm của nhiều nước là khó dự đoán được thật sát sự diễn biến của tội phạm. Vì vậy, trong quá trình thi hành Bộ luật, do sự thay đổi nào đấy của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, có thể phát sinh một số tội phạm mới, chưa được Bộ luật quy định. Trong những trường hợp này, phải kịp thời bổ sung, sửa đổi Bộ luật nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, và đây là công việc của nhà lập pháp. Thí dụ như Bộ luật hình sự của Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga ban hành cuối năm 1960, thì năm 1962 đã được bổ sung, sửa đổi lần đầu; tính đến năm 1977 thì được bổ sung gần 30 lần. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa Dân chủ Đức ban hành năm 1968, tính đến năm 1979, được bổ sung, sửa đổi ba lần...
Các cơ quan ban hành Bộ luật hình sự, nhất là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phải giải thích chặt chẽ những quy định của luật hình sự. Để xử lý một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chưa được quy định là tội phạm, các cơ quan này không thể vận dụng một điều luật quy định về một tội phạm cùng tính chất và có những dấu hiệu tương tự. Làm như vậy sẽ vi phạm Điều 12 Hiến pháp mới, điều này đòi hỏi tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sẽ vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời xâm phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
b) Phân loại tội phạm
Phân loại tội phạm có ý nghĩa đối với các việc: phân định thẩm quyền của các cơ quan điều tra, xét xử; xác định trình tự tố tụng phải theo; thực hiện chính sách hình sự; xác định các trường hợp tái phạm thường và tái phạm nguy hiểm; áp dụng hình phạt thích hợp; áp dụng thời hiệu (hiệu lực của thời gian đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đối với việc chấp hành án), v.v..
1. Điều 8 phân biệt tội phạm nghiêm trọng và tội phạm không nghiêm trọng. Sự phân biệt này căn cứ vào tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm, vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào tính chất và mức độ của hậu quả gây ra. Về mức án thì tội phạm nghiêm trọng là tội phạm bị luật quy định xử phạt 5 năm tù trở lên. Bị luật quy định xử phạt dưới 5 năm tù là tội phạm không nghiêm trọng.
2. Có những hành vi có đủ yếu tố của một tội phạm quy định trong luật, nhưng tính chất ít nguy hiểm, không gây hậu quả đáng kể. Những hành vi này không coi là tội phạm. Sẽ áp dụng các biện pháp hành chính, xã hội để xử lý.
B- Trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Thông thường, khi một người thực hiện một hành vi có đủ các yếu tố của tội phạm thì bị coi là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu người đó thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự:
a) Thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sự kiện bất ngờ hoặc do tình trạng không thể khắc phục được (Điều 11)
Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội do sự kiện bất ngờ không thể thấy được hoặc không bắt buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi. Thí dụ như, trường hợp một lái xe đi đúng đường, đúng tốc độ, có hai người đột nhiên từ trong nhà đuổi nhau ra đường, bị xe cán. Người lái xe không phải chịu trách nhiệm hình sự về tai nạn này.
Ở trong tình trạng không thể khắc phục được, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thấy trước hay buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi, nhưng không có cách nào ngăn ngừa được hậu quả đó. Thí dụ như, trường hợp bão to, tàu bị đắm, một số người bị chết mà không thể cứu được.
Trong những trường hợp trên đây, hành vi nguy hiểm cho xã hội do những nhân tố bên ngoài dẫn đến, bản thân người có hành vi không có lỗi nên cần quy định là họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
b) Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12)
Người đang mất trí không nhận thức được phải trái, không có khả năng điều khiển hành động của mình. Vì vậy, Điều 12 không coi họ là phạm tội nếu họ có hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu có hành vi nguy hiểm trong lúc bình thường, không mất trí thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Dĩ nhiên, phạm tội rồi mới mất trí thì không truy cứu trách nhiệm hình sự ngay mà áp dụng các biện pháp chữa bệnh cần thiết. Sau khi khỏi bệnh, nếu thấy cần thiết, mới truy tố, xét xử.
Để xác định các bệnh mất trí, phải căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định y khoa.
Tình trạng say rượu hay kích thích mạnh bởi một chất khác cũng làm người ta mất nhận thức, mất khả năng điều khiển hành động của mình. Tuy nhiên, người say rượu hay bị kích thích mạnh bởi một chất khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, vì tình trạng say rượu hay bị kích thích mạnh bởi một chất khác là tình trạng mà người đó tự đặt mình vào, tuy biết rằng trong cơn say rượu, cơn bị kích thích mạnh, người ta có thể có hành vi phạm tội.
Trẻ em dưới 14 tuổi được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày chung trong mục nói về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên.
c) Phòng vệ chính đáng (Điều 13)
Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, hay bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác khỏi sự xâm hại nguy hiểm bằng cách gây thiệt hại cho kẻ tấn công. Thí dụ, một người bảo vệ kho bắn một bọn lưu manh cướp kho.
Những người trong tình trạng phòng vệ chính đáng không coi là phạm tội.
Việc phòng vệ chính đáng phải nhằm đối phó với một hành vi bất hợp pháp đang xảy ra. Nếu là hành vi hợp pháp thì không được chống trả lại (thí dụ, kẻ trộm không được chống trả lại người bắt nó). Nếu hành vi bất hợp pháp đã chấm dứt thì phải đợi người có thẩm quyền giải quyết, không được tự xử lý.
Hành vi bất hợp pháp phải có thực, đang xảy ra trong thực tế, chứ không phải chỉ có trong tưởng tượng của người chống trả.
Hành vi phòng vệ chính đáng phải tương xứng với hành vi bất hợp pháp, nói cách khác, không được vượt quá giới hạn cần thiết. Những trường hợp sau đây là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
- Lợi ích muốn bảo vệ chưa phải quan trọng, nhưng lại gây thiệt hại quá nặng khi phòng vệ.
- Nguy hại bị đe dọa không lớn nhưng lại phòng vệ quá mạnh.
- Không cần gây thiệt hại nặng cũng phòng vệ được mà vẫn gây thiệt hại nặng.
Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự một cách tương xứng.
d) Tình thế khẩn cấp (Điều 14)
Đây là trường hợp bất đắc dĩ phải gây thiệt hại vì không còn biện pháp nào khác, để tránh một mối nguy hại đang đe dọa những lợi ích lớn hơn. Thí dụ: trong cơn bão lớn một thuyền trưởng đã phải vứt một số hàng xuống nước để cứu thuyền khỏi đắm.
Những hành vi tiếp tục trong tình thế khẩn cấp không bị coi là tội phạm. Dĩ nhiên ở đây cũng không được vượt quá giới hạn.
C- Các giai đoạn thực hiện tội phạm
Các Điều 15 và 16 phân biệt các giai đoạn của tội phạm để, trên cơ sở này, áp dụng đúng đắn chính sách hình sự.
Người cố ý phạm tội, sau khi có ý định phạm tội, thường tiến hành một số công việc cần thiết: bàn bạc với người khác, sắm sửa dụng cụ, phương tiện, tạo những điều kiện cần thiết khác, v.v., đây là giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, không phải tội phạm nào cũng qua giai đoạn này. Có những trường hợp sau khi có ý định, kẻ phạm tội hành động ngay. Thí dụ: kẻ gian qua đường, thấy có nhà sơ hở không đóng cửa, bèn lẻn vào lấy trộm đồ đạc.
Khi người phạm tội trực tiếp bắt tay vào hành vi phạm tội là sang giai đoạn thực hiện tội phạm. Nếu do những nguyên nhân ngoài ý muốn của mình mà người đó không thực hiện được tội phạm đến cùng, thì gọi là phạm tội chưa đạt. Thí dụ: giơ dao định chém người, nhưng bị người khác giữ tay lại, không chém được.
Có trường hợp người phạm tội đang thực hiện tội phạm thì tự mình, chủ động đình chỉ hành động, mặc dù không có gì ngăn cản người đó thực hiện tội phạm đến cùng. Trường hợp này gọi là tự ý chấm dứt nửa chừng việc thực hiện tội phạm.
Chuẩn bị phạm tội là tiền đề cho việc thực hiện tội phạm, vì vậy, bản thân hành vi chuẩn bị tội phạm ít nhiều đã mang tính chất nguy hiểm cho xã hội. Điều 15 dự kiến là người chuẩn bị thực hiện một tội phạm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, tuy người phạm tội chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, nhưng người đó đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hại cho xã hội chưa xảy ra là do nguyên nhân khách quan. Người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với những trường hợp tự ý chấm dứt nửa chừng việc thực hiện tội phạm thì cần khuyến khích. Vì vậy, người tự ý chấm dứt nửa chừng việc thực hiện tội phạm được Điều 16 miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Nhưng nếu hành vi đã tiếp tục phạm vào một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này (tội này bao giờ cũng nhẹ hơn tội định phạm). Thí dụ: một người định đâm chết người; đâm được vài nhát thì hồi tâm, ngừng tay. Người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.
D- Nhiều người liên quan đến một tội phạm
Một tội phạm có thể do một người gây ra hoặc nhiều người cùng gây ra. Khi có hai người trở lên cùng cố ý tham gia thực hiện một tội phạm thì gọi là cộng phạm. Vai trò của mỗi người cộng phạm có thể khác nhau, vì vậy, trách nhiệm hình sự của mỗi người cũng khác nhau. Điều 17 phân biệt giữa các người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
Có những người không cùng tham gia thực hiện một tội phạm, nhưng sau khi tội phạm xảy ra, đã che giấu người phạm tội, các vật dùng để phạm tội, các dấu vết của tội phạm, v.v. hoặc có hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Những người trên đây có hành vi che giấu tội phạm. Đặc trưng của hành vi che giấu là không có sự bàn bạc, hứa hẹn trước với người phạm tội. Nếu có sự bàn bạc, hứa hẹn trước thì là hành vi cộng phạm. Trong những trường hợp mà Phần tội phạm quy định, người che giấu phải chịu trách nhiệm hình sự. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để che giấu tội phạm (hiện nay, ta thường gọi là bao che) thì phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn.
Phần các tội phạm còn quy định người không tố giác một số tội phạm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự. Thí dụ như, đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tội phản bội Tổ quốc...
IV. Về chương IV: Hình phạt
Chương này quy định về hệ thống hình phạt, tức là về toàn bộ các hình thức hình phạt của Nhà nước ta, được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nội dung và điều kiện áp dụng của mỗi hình thức hình phạt được nêu rõ ràng.
Hình phạt là một trong nhiều loại chế tài (biện pháp cưỡng chế) mà Nhà nước áp dụng để bảo đảm tuân theo pháp luật.
So với các chế tài khác như chế tài hành chính (phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu hành chính,... do cơ quan quản lý hành chính phạt), chế tài kỷ luật (cảnh cáo, hạ cấp bậc, buộc thôi việc...) do cơ quan, xí nghiệp áp dụng đối với nhân viên, công nhân vi phạm kỷ luật lao động, chế tài dân sự (bắt sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra), hình phạt là chế tài nghiêm khắc nhất. Nó có thể tước những quyền thiết thân nhất của con người: quyền tự do, quyền chính trị, quyền tài sản, thậm chí cả quyền sống. Ngay trong những trường hợp có sự trùng nhau về hình thức với chế tài khác (như trong chế tài hành chính và chế tài hình sự đều có cảnh cáo, phạt tiền, quản chế), thì hình phạt vẫn mang tính chất nghiêm khắc hơn: người bị cảnh cáo, phạt tiền, quản chế về hình sự phải mang án tích (bị ghi vào lý lịch tư pháp) trong một thời gian nhất định; mức phạt tiền về hình sự cao hơn nhiều so với phạt tiền về hành chính; quản chế khi là hình phạt, có thể bị tòa án chuyển thành hình phạt tù trong những điều kiện nhất định (đối với quản chế là chế tài hành chính thì không được chuyển sang hình phạt tù).
Hình phạt cũng như tội phạm chỉ có thể do luật và pháp lệnh quy định, và hình phạt chỉ có thể do Tòa án tuyên xử theo những thủ tục nhất định.
a) Mục đích của hình phạt
Mục đích của hình phạt được xác định trong Điều 20.
1. Đối với người phạm tội, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị, mà còn nhằm giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc sinh hoạt xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Việc áp dụng hình phạt chỉ có đầy đủ ý nghĩa khi chấp hành xong hình phạt, người bị án trở nên người công dân lương thiện. Trừ tử hình là hình phạt đặc biệt, áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng cần loại trừ khỏi xã hội, loại hình phạt nào cũng nhằm hai mục đích trên đây. Đây là mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt.
2. Đối với mọi người khác, hình phạt có mục đích răn đe, kiềm chế những người có ý định phạm tội. Hình phạt còn nhằm mục đích nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của quảng đại quần chúng, động viên họ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Đây là mục đích phòng ngừa chung của tội phạm.
b) Hệ thống hình phạt
Các hình phạt được quy định ở Điều 21 và sắp xếp theo trật tự từ nhẹ đến nặng, và được phân thành ba loại: hình phạt chính, hình phạt bổ sung, hình phạt khi là chính, khi là bổ sung.
1. Hình phạt chính là hình phạt mà Tòa án buộc phải tuyên nếu xác định là người bị truy tố trước Tòa án có tội, trừ trường hợp người đó được tha miễn hình phạt. Tòa án chỉ có thể tuyên một hình phạt chính cho mỗi tội phạm.
Hình phạt chính gồm có:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Trục xuất;
- Cải tạo không giam giữ;
- Quản chế;
- Tù có thời hạn;
- Tù chung thân;
- Tử hình.
Trong những hình phạt trên đây, trục xuất và cải tạo không giam giữ là hai hình phạt mới đặt, còn những hình phạt khác vốn có trong hệ thống hình phạt hiện hành.
2. Hình phạt bổ sung là hình phạt Tòa án có thể tuyên kèm theo hình phạt chính:
- Cấm cư trú;
- Tước một số quyền công dân;
- Tước các huân chương và các danh hiệu vinh dự khác mà Nhà nước đã tặng thưởng;
- Tịch thu tài sản.
3. Những hình phạt sau đây, trong trường hợp không được các điều luật ở Phần tội phạm quy định là hình phạt chính, thì có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung:
- Phạt tiền;
- Trục xuất;
- Quản chế.
4. Đối với quân nhân phạm tội, có một số hình phạt riêng: đưa vào trại kỷ luật, tước danh hiệu quân nhân, tước quân hàm sĩ quan, loại ngũ.
c) Về các hình phạt, xin lưu ý các vị đại biểu Quốc hội đến mấy hình phạt dưới đây:
1. Tù chung thân
Trong hệ thống hình phạt của ta, từ trước đến nay vẫn có hình phạt tù chung thân. Có ý kiến cho rằng trong thế giới, có khuynh hướng bỏ hình phạt tù chung thân. Vì vậy, ta có nên giữ không?
Sau khi đã cân nhắc và xuất phát từ tình hình thực tế nước ta, bản Dự thảo đề nghị vẫn nên giữ hình phạt tù chung thân vì những lý do sau đây:
- Ta có một hình phạt thích hợp để áp dụng đối với những kẻ phạm tội đặc biệt nghiệm trọng mà xử tử hình thì quá nặng, phạt 20 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn của ta hiện nay), thì lại quá nhẹ.
- Đối với những trường hợp giảm án tử hình, nếu giảm xuống 20 năm tù thì tác dụng răn đe ít, giảm xuống tù chung thân là thỏa đáng. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari vẫn giữ hình phạt tù chung thân.
2. Cải tạo không giam giữ - án treo
Vừa qua, trong một thời gian khá lâu, ta chưa có hình phạt cải tạo không giam giữ. Nhưng đây lại là một xu hướng tiến bộ, tạo điều kiện cho người phạm tội nhẹ, không nghiêm trọng, không cần cách ly khỏi xã hội; phát huy được vai trò làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động trong việc giám sát, giáo dục người phạm tội; Nhà nước đỡ tốn tiền của xây dựng nhiều trại giam; ngoài ra còn tránh được nhiều phức tạp khác. Vừa rồi, trong Luật ngày 30-12-1981 về nghĩa vụ quân sự, Quốc hội đã chấp nhận hình phạt mới này.
Bản Dự thảo đề nghị đặt hình phạt mới này.
Có vấn đề đặt ra là có giữ lại chế định án treo không, một khi đã có hình phạt cải tạo không giam giữ, vì giữa cải tạo không giam giữ và án treo có những chỗ giống nhau?
Có ý kiến cho rằng, đã đặt hình phạt cải tạo không giam giữ thì nên bỏ án treo.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên đồng thời giữ lại chế định án treo.
Sau khi cân nhắc, bản Dự thảo thấy rằng việc thi hành chế định án treo đã thành tập quán ở nước ta và cũng có tác dụng, nên có thể giữ lại. Nhưng cần xác định rõ án treo không phải là một hình phạt, mà chỉ là một biện pháp miễn chấp hành có điều kiện một án tù. Án treo gắn với một án tù ngắn hạn: thường là 3 năm trở xuống, cá biệt có thể 5 năm trở xuống. Tùy thời hạn tù đã tuyên mà Tòa án ấn định thời hạn thử thách từ 1 đến 5 năm. Trong thời hạn thử thách, không buộc phải thi hành án tù. Qua thời hạn thử thách, nếu người bị án không phạm tội mới, thì được tha miễn hẳn. Nếu trong thời hạn thử thách, người đó phạm tội mới và bị xử phạt tù, thì sẽ phải thi hành án tù đã tuyên trước đây cộng với án tù mới, theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt.
Để biện pháp án treo thật sự có tác dụng, cần xác định rõ trách nhiệm của người bị án và tổ chức việc giám sát người bị án trong thời gian thử thách, xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc giám sát này.
Án treo là một biện pháp miễn chấp hành án nên không ghi vào hệ thống hình phạt, mà quy định trong chương VI về quyết định và tha miễn hình phạt.
3. Trục xuất
Theo pháp luật hiện hành của ta, trục xuất là một biện pháp hành chính áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội ở nước ta.
Qua thực tiễn xét xử một vài người nước ngoài phạm tội gián điệp ở miền Nam, bản Dự thảo đề nghị quy định trục xuất là một hình phạt vừa là chính, vừa là bổ sung mà Tòa án có thể tuyên đối với người nước ngoài phạm tội.
4. Tước huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước
Theo pháp luật hiện hành, tước huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước là một biện pháp hành chính. Cơ quan nào đã quyết định tặng thưởng thì cơ quan ấy sẽ quyết định tước. Đối với những người đã được tặng thưởng mà phạm tội, thì Tòa án sẽ kiến nghị việc tước với cơ quan đã tặng thưởng. Quy định như vậy là hợp lý: quyết định việc tước huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước không thể chỉ căn cứ vào tội lỗi nhất thời của người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào công lao, thành tích trước đây của họ, và căn cứ vào chính sách khen thưởng của Nhà nước là những vấn đề mà cơ quan tặng thưởng nắm được đầy đủ hơn Tòa án.
Tuy nhiên, đối với những người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia đặc biệt nghiêm trọng, tức là các tội phản cách mạng, hoặc những tội nghiêm trọng khác bị phạt tù từ 10 năm trở lên, là những người đã tự mình xóa bỏ công lao thành tích cũ rồi, nếu có, thì giao Tòa án có thể quyết định ngay việc tước là hợp lý. Bản Dự thảo đã đề nghị theo hướng này. Trong trường hợp này, việc tước là một hình phạt bổ sung.
Đối với những người phạm những tội khác thì việc tước huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước vẫn thuộc quyền các cơ quan đã tặng thưởng, Tòa án chỉ kiến nghị với các cơ quan đó.
V. Về chương V: Các biện pháp tư pháp
Các biện pháp này không phải là hình phạt nhưng do Tòa án quyết định và có trường hợp, có thể do Viện kiểm sát quyết định, nên gọi là biện pháp tư pháp.
Các biện pháp tư pháp ghi trong Chương này là những biện pháp được áp dụng nhằm phát huy thêm tác dụng giáo dục, phòng ngừa, sửa chữa, hoặc để thay thế hình phạt:
a) Tịch thu tang vật
Tang vật là những vật thu lượm được trong quá trình phát hiện và điều tra tội phạm. Gọi là tang vật vì các vật đó giúp chứng minh tội phạm (là tang chứng của tội phạm). Tang vật có thể là những vật dùng để phạm tội (thí dụ như, vũ khí để giết người, hàng hóa để đầu cơ, tiền để buôn lậu, phương tiện để chở hàng lậu...); cũng có thể là những thứ do phạm tội mà có một cách trực tiếp (thí dụ: tiền nhận hối lộ, tài sản lấy trộm...) hoặc gián tiếp (thí dụ: nhà mua được do buôn lậu, do tham ô...).
Tang vật thì bị tịch thu, sung vào quỹ nhà nước. Tuy nhiên, không tịch thu những thứ thuộc sở hữu riêng của người khác, khi người này không có tội lỗi trong việc người phạm tội sử dụng những thứ đó vào việc phạm tội (thí dụ: mượn xe Honđa của người quen, mang đi chở hàng lậu mà người cho mượn xe không biết). Cũng không tịch thu những thứ thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc sở hữu riêng của công dân bị người phạm tội chiếm đoạt, mà trả lại cho người chủ sở hữu, hoặc người quản lý.
Trong mọi trường hợp, những vật thuộc loại Nhà nước cấm sử dụng, tàng trữ, lưu hành đều bị tịch thu (thí dụ chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy, v.v..).
b) Sửa chữa, bồi thường thiệt hại
Sửa chữa, bồi thường thiệt hại là một biện pháp nhằm bảo đảm nguyên tắc người nào đã gây thiệt hại vật chất cho người khác (thiệt hại về tài sản, về sức khỏe...) thì phải sửa chữa thiệt hại đã gây ra, hoặc hồi thường. Thí dụ: làm hư hỏng đồ vật của người khác, thì phải sửa chữa để phục hồi tình trạng cũ của nó, hoặc đền tiền tương xứng với thiệt hại đã gây ra.
Biện pháp này liên quan mật thiết với việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Khi xét xử một vụ án hình sự, Tòa án thường quyết định trong cùng phiên tòa về việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại. Vì vậy, nguyên tắc sửa chữa, bồi thường thiệt hại có thể được quy định trong Bộ luật hình sự.
Những thiệt hại về tinh thần (bị vu cáo, bị làm mất danh dự...) không thể lấy tiền hay vật chất khác mà đền bù. Vì vậy, không quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên theo thực tiễn xét xử của ta, trong trường hợp phạm tội không nghiêm trọng, gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án có thể buộc người phạm tội xin lỗi công khai người bị hại. Việc xin lỗi như vậy là một hình thức sửa chữa. Điều 36 ghi nhận kinh nghiệm này.
c) Biện pháp thay thế hình phạt: bắt buộc chữa bệnh; giao cho gia đình, người bảo lãnh trông nom
Đây là một vấn đề chúng tôi xin lưu ý các vị đại biểu Quốc hội.
Đối với những người phạm tội trong khi đang mất trí (tức là trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự), cũng như đối với những người, sau khi phạm tội và trong thời gian đợi xét xử, mới mất trí, thì không áp dụng hình phạt. Việc áp dụng hình phạt đối với họ không có ý nghĩa. Nhưng mặt khác, vì yêu cầu của việc bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, không thể để cho họ tự do, mà cần bắt buộc họ chữa bệnh. Đây là một quy định mới; luật của các nước xã hội chủ nghĩa cũng có chế định này. Tùy theo giai đoạn tố tụng mà Viện kiểm sát (nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra), hoặc Tòa án (nếu vụ án đã được chuyển sang Tòa án) quyết định đưa người phạm tội vào một bệnh viện để chữa bệnh.
Khi quyết định, phải căn cứ vào ý kiến của Hội đồng giám định y khoa. Nhà nước sẽ giao trách nhiệm cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức tốt các bệnh viện tâm thần để thực hiện biện pháp này.
Trong thời gian áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tùy thuộc ở mức độ của bệnh.
Nếu xét thấy không cần thiết phải đưa vào bệnh viện tâm thần thì có thể giao cho gia đình hoặc người bảo lãnh trông nom.
VI. Về chương VI: Việc quyết định hình phạt và việc tha miễn hình phạt
Sau khi đã kết luận là có tội, Tòa án quyết định hình phạt mà người phạm tội phải chịu. Bản án phải công bằng, hợp lý, thể hiện sự nghiêm minh; hình phạt tuyên xử phải thích đáng, có vậy mới thực hiện được trong vụ án cụ thể nhiệm vụ của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị, mà còn nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, đồng thời phòng ngừa chung.
Chương VI quy định về những vấn đề sau đây:
- Việc quyết định hình phạt
- Việc tha miễn hình phạt
- Việc xóa án.
A- Việc quyết định hình phạt
a) Nguyên tắc chung về quyết định hình phạt
Để bảo đảm cho bản án được nghiêm minh, hình phạt tuyên xử là thích đáng, Điều 39 nêu ra những căn cứ mà Tòa án phải dựa vào để quyết định hình phạt.
1. Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Phần tội phạm và Phần chung của Bộ luật hình sự
Đây là một quy kết của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tội phạm, hình phạt phải đã được luật quy định. Khi xét xử một người về một hành vi nguy hiểm cho xã hội, Tòa án phải kết luận chính xác xem người đó phạm tội gì (trong chuyên môn gọi là định tội). Trên cơ sở định tội đúng, Tòa án quyết định loại hình phạt tương ứng với mức độ xét cần thiết (trong chuyên môn gọi là lượng hình). Phần tội phạm của Bộ luật hình sự quy định về từng tội phạm, xác định những yếu tố của mỗi tội phạm và hình thức, mức độ hình phạt thích ứng. Phần chung của Bộ luật hình sự đặt những nguyên tắc chung về định tội, lượng hình. Vì vậy khi định tội, lượng hình trong một vụ án cụ thể, nhất thiết Tòa án phải căn cứ vào những quy định của Phần tội phạm cũng như của Phần chung Bộ luật hình sự. Đương nhiên, Tòa án cũng phải vận dụng cả những quy định của pháp luật khác liên quan.
2. Tòa án phải tuân theo ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa
Tuân theo ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa là đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản, bằng phương pháp tư tưởng biện chứng mà nhận định cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu, cái hợp pháp, cái phi pháp. Nhờ có ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa mà đánh giá đúng đắn về mọi mặt của hành vi phạm tội và con người phạm tội, mà vận dụng đúng đắn những quy định của luật để quyết định hình phạt công bằng, hợp lý.
3. Tòa án cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
Tính chất nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm khác nhau. Giữa các loại tội phạm khác nhau, tính chất nguy hiểm tất nhiên khác nhau. Thí dụ: loại tội xâm phạm an ninh quốc gia là loại tội có tính chất nguy hiểm hơn tất cả các loại tội khác. Trong cùng một loại tội, thì tính chất nguy hiểm của từng tội phạm cũng khác nhau. Thí dụ: trong loại tội phạm xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa thì tội cướp nguy hiểm hơn tội chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.
Về cùng một tội thì mức độ nguy hiểm cũng tùy trường hợp cụ thể mà khác nhau. Thí dụ: trộm một tấn gạo nặng hơn trộm một tạ; trộm do nhiều người bàn bạc, thực hiện nặng hơn trộm do một người đơn độc tiến hành.
Muốn đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, phải xác định quan hệ xã hội bị xâm phạm, động cơ, mục đích phạm tội, hình thức của hành vi phạm tội, tính chất của lỗi (cố ý hay vô ý), phương pháp, thủ đoạn phạm tội, mức độ thiệt hại đã gây ra... Mặt khác, phải đặt hành vi tội phạm trong thời gian, trong bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội chung của cả nước và riêng của địa phương nơi đã xảy ra tội phạm.
4. Tòa án phải căn cứ vào nhân thân của người phạm tội
Nhân thân một người là tổng hợp những đặc điểm phân biệt người đó với người khác: thành phần xã hội, tuổi, giới tính, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, điều kiện sinh sống, hoàn cảnh gia đình, quá trình hoạt động chính trị - xã hội, tính nết, tác phong, phạm tội lần đầu hay tái phạm, thái độ sau khi phạm tội, v.v..
Có nghiên cứu sâu sắc con người phạm tội, nắm được nhân thân của người đó, thì Tòa án mới lựa chọn được hình phạt thỏa đáng nhất về mặt trừng trị cũng như về mặt giáo dục, cải tạo, phòng ngừa chung.
5. Tòa án phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, hoặc tăng nặng
Khi xét xử, Tòa án phải làm sáng tỏ các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng và căn cứ thêm vào những tình tiết ấy để quyết định hình phạt.
Những tình tiết trên đây không có tác dụng để định tội. Thí dụ: như có khó khăn đặc biệt mà lấy trộm hay không có khó khăn mà lấy trộm, thì đều là phạm tội trộm cả. Nhưng có những tình tiết làm tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và của người phạm tội giảm đi, do đó người ấy được xử nhẹ. Ngược lại, có những tình tiết làm tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và của người phạm tội tăng lên, và người này bị xử nặng.
Quy định những tình tiết giảm nhẹ và những tình tiết tăng nặng là nhằm cụ thể hóa nguyên tắc nghiêm trị kết hợp với khoan hồng.
Điều 40 quy định những trường hợp xử nhẹ. Thể hiện nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, Điều 40 cho Tòa án được coi những tình tiết khác chưa nêu trong Điều ấy là tình tiết xử nhẹ. Đi xa hơn nữa, Điều 40 cho Tòa án được quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất quy định trong điều luật áp dụng, khi tập trung nhiều tình tiết giảm nhẹ quan trọng.
Điều 41 quy định những trường hợp xử nặng; vì là xử nặng cho nên vẫn trên tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tòa án không được coi những tình tiết không nêu trong Điều 41 là tình tiết tăng nặng.
Để làm rõ một trường hợp tăng nặng nói trong Điều 41, điểm i, Điều 42 xác định thế nào là tái phạm và tái phạm nguy hiểm nhằm nghiêm trị những kẻ phạm tội nhiều lần, những kẻ chuyên phạm tội:
- Đã bị kết án, chưa được xóa án, mà lại phạm tội cùng tính chất hay nặng hơn là tái phạm;
- Tái phạm tội nghiêm trọng hoặc tái phạm từ hai lần trở lên tội không nghiêm trọng thuộc loại cố ý, là tái phạm nguy hiểm.
b) Quyết định hình phạt đối với người phạm nhiều tội
Nói chung, người phạm nhiều tội thì phải chịu hình phạt nặng hơn người chỉ phạm một tội (trong những điều kiện giống nhau). Vấn đề đặt ra là: Tòa án quyết định hình phạt riêng đối với mỗi tội rồi bắt chấp hành lần lượt tất cả các hình phạt hay có thể áp dụng một nguyên tắc khác?
Trong nhiều trường hợp, nếu bắt người phạm tội chấp hành lần lượt tất cả các hình phạt thì không thực tế và trở nên phi lý. Như ở một số nước tư bản, do cộng máy móc nhiều bản án mà có những người phải chịu tới trên 100 năm tù.
Bản dự thảo (các điều 43, 44, 45) đề nghị giải quyết vấn đề theo cách dưới đây:
1. Phạm nhiều tội trong cùng một thời gian hoặc trong những thời gian khác nhau và tất cả các tội phạm được xét xử trong cùng một phiên tòa: Tòa án quyết định hình phạt riêng đối với mỗi tội, sau đó quyết định hình phạt chung (hình phạt tổng hợp) cho tất cả các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm.
Thí dụ: một người bị phạt 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa có tổ chức, 5 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và 2 năm tù về tội tiêu thụ tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt. Trong ba tội này, nặng nhất là tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong khung hình phạt áp dụng đối với tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa có tổ chức (Điều 7, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa), hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Như vậy, hình phạt chung đối với cả ba tội trên đây không được quá 12 năm tù.
2. Trong khi một người đang chấp hành một bản án, lại phát hiện một tội khác đã phạm trước đây, nhưng chưa bị xét xử: Tòa án quyết định hình phạt riêng đối với tội mới phát hiện và cũng quyết định hình phạt chung cho cả hai tội theo cách trên đây.
3. Trong khi một người đang chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, thì hình phạt chung phải nghiêm khắc hơn hình phạt chung nói ở các điểm 1, 2 trên đây, vì người đó đang trong thời kỳ cải tạo mà phạm thêm tội. Hình phạt chung có thể bằng mức cao nhất luật đã quy định đối với loại hình phạt mà Tòa án tuyên. Thí dụ: nếu là hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt chung có thể lên tới 20 năm.
4. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án cũ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung nói ở các điểm 2 và 3 trên đây.
5. Trong thực tế, có những trường hợp Tòa án quyết định những hình phạt khác loại. Thí dụ: một người phạm nhiều tội, có tội bị phạt quản chế, có tội bị phạt tù có thời hạn, có tội bị phạt tiền, v.v..
Điều 45 đề nghị quy định các nguyên tắc tổng hợp các hình phạt khác loại. Riêng các quyết định về phạt tiền phải được chấp hành đầy đủ, không tổng hợp.
B- Việc tha miễn hình phạt
Tha miễn hình phạt là đối với người phạm tội có đủ những điều kiện luật định thì tuỳ trường hợp mà không tuyên hình phạt, hoặc không bắt chấp hành một phần hay toàn bộ hình phạt đã tuyên.
Tha miễn trách nhiệm hình sự là trong những điều kiện nhất định, tuy vẫn nhận định rằng một người có tội, nhưng không bắt người đó chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm, dẫn đến việc miễn truy tố trước Tòa án.
Tha miễn trách nhiệm hình sự và tha miễn hình phạt mang tính chất khác nhau, nhưng có quan hệ với nhau, nên từ Điều 46 đến Điều 54, bản Dự thảo đề nghị quy định về cả hai vấn đề dưới những hình thức dưới đây:
a) Án treo
Án treo là một hình thức tha miễn có điều kiện việc chấp hành hình phạt tù. Án treo đã được trình bày cùng với cải tạo không giam giữ ở trong phần VI về hình phạt.
b) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu chấp hành án
Đây là hai vấn đề xin lưu ý các vị đại biểu Quốc hội.
Pháp luật của ta hiện nay chưa quy định những vấn đề này.
Theo luật hình sự của rất nhiều nước trên thế giới, đối với những người phạm tội, tuy chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sau một thời gian (dài hay ngắn tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm), nếu người phạm tội không trốn tránh và không phạm tội mới, tính chất nguy hiểm cho xã hội không còn, thì không cần truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Như vậy là, thời gian đó có hiệu lực để xóa bỏ trách nhiệm hình sự.
Đối với những người bị Tòa án xử phạt, tuy bản án chưa được thi hành, nhưng sau một thời gian (dài hay ngắn tùy theo tính chất và mức độ nặng, nhẹ của hình phạt) nếu người bị kết án không trốn tránh và cũng không phạm tội mới, việc thi hành bản án không còn cần thiết nữa, thì sẽ tha miễn việc chấp hành án. Như vậy là, thời gian có hiệu lực để xóa bỏ trách nhiệm chấp hành án.
Đặt ra các chế định này là xuất phát từ thực tế khách quan ở nước ta cũng như từ kinh nghiệm chung của thế giới. Việc xử lý không còn có tác dụng về mặt phòng ngừa chung vì nó đã mất thời gian tính, dư luận xã hội đã lãng quên. Vả lại thời gian đã quá lâu, việc điều tra, sưu tầm chứng cứ cũng rất khó khăn. Nó cũng không còn có tác dụng về mặt phòng ngừa riêng: người phạm tội bằng thái độ không trốn tránh pháp luật và tỏ ra hối lỗi, đã làm ăn lương thiện... Việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bắt phải chấp hành án không cần thiết nữa. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thời hiệu chấp hành án (các Điều 52, 53). Đặt ra biệt lệ này là cần thiết. Nó nhằm đề phòng những phần tử đặc biệt nguy hiểm cho xã hội lợi dụng sơ hở của các cơ quan nhà nước để trốn tránh pháp luật.
Ngoài ra, theo pháp luật quốc tế, bản Dự thảo đề nghị quy định không áp dụng thời hiệu đối với các tội ác quốc tế (Điều 49).
c) Tha miễn trách nhiệm hình sự hoặc tha miễn hình phạt
Các vấn đề này được quy định trong Điều 50.
Thông thường, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị đưa ra Tòa án xét xử và phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, có những trường hợp do tình hình chính trị, kinh tế - xã hội biến chuyển, hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội, có thể tha miễn trách nhiệm hình sự cho người đã phạm tội: việc trừng trị trong những trường hợp này không còn đáp ứng mục đích của luật hình sự.
Có những trường hợp người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội, thí dụ: như sau khi phạm tội, đã lập công chuộc tội, hay là nếu trước khi sự việc bị phát giác, người ấy đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Trong những trường hợp này cũng tha miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Làm như vậy sẽ góp phần chuyển hóa người phạm tội, góp phần đấu tranh có hiệu quả chống tội phạm.
Đối với người phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét có lý do đáng khoan hồng đặc biệt, thì cũng với tinh thần trên đây, có thể tha miễn trách nhiệm hình sự, hoặc tha miễn hình phạt (xác định là có tội nhưng không phạt). Những trường hợp này thường là trường hợp phạm tội không nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, phạm tội vì bị người khác đe dọa, cưỡng bức, phạm tội do trình độ lạc hậu hay do trình độ nghiệp vụ non kém, người phạm tội đã tự thú, hối cải, v.v..
Nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra thì Viện kiểm sát quyết định việc tha miễn trách nhiệm hình sự. Nếu vụ án đã được chuyển sang Tòa án, thì Tòa án quyết định việc tha miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc tha miễn hình phạt.
d) Tha miễn việc chấp hành hình phạt trước thời hạn
Tha miễn việc chấp hành hình phạt trước thời hạn (thường gọi là giảm án, tha tù trước thời hạn) được áp dụng đối với các hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, tù. Muốn được tha miễn, người bị kết án phải đã chấp hành án được một thời gian nhất định và trong thời gian này đã tỏ rõ quyết tâm cải tạo. Một người có thể được tha miễn nhiều lần. Bản Dự thảo đề nghị quy định rõ thời gian đã chấp hành án để được xét tha miễn, mức tha miễn.
Qua thực tiễn, việc tha miễn chấp hành hình phạt trước thời hạn đã có tác dụng lớn trong việc khuyến khích những người đang chấp hành án cố gắng cải tạo.
C- Xóa án
Đây là một trong những vấn đề xin lưu ý các vị đại biểu Quốc hội.
Cho tới nay, ta mới áp dụng việc xóa án đối với những người được hưởng án treo; qua thời gian thử thách, nếu không phạm tội mới, người bị kết án được coi như chưa can án. Đối với những trường hợp khác, pháp luật của ta hiện nay chưa quy định việc xóa án. Hậu quả là những người bị kết án, kể cả những người bị kết án nhẹ, đã chấp hành án xong, đã tích cực lao động, cải tạo, sinh sống lương thiện, cũng phải mang dấu ấn của bản án suốt đời, chịu những hậu quả chẳng những cho bản thân mà cả cho gia đình họ.
Bản Dự thảo (các điều từ 56 đến 59) đề nghị đặt chế định xóa án cho mọi hình phạt. Nói chung, điều kiện để được xóa án là: phải qua một thời gian thử thách sau khi đã chấp hành xong bản án, thời gian này dài hay ngắn tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của bản án; không phạm tội mới. Những người bị kết án về những tội không nghiêm trọng, sau thời gian do luật quy định, có thể được đương nhiên xóa án. Đối với những người phạm tội nghiêm trọng thì việc xóa án phải do Tòa án quyết định. Tòa án sẽ xem xét tính chất của tội phạm, nhân thân, thái đội chính trị và thái độ lao động của người xin xóa án.
Chế định xóa án thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, thể hiện lòng tin vào khả năng cải tạo con người dưới chế độ ta. Nó có tác dụng động viên những người đã bị kết án tích cực cải tạo, trở về đời sống lương thiện; nó góp phần loại trừ những nguyên nhân và điều kiện gây tái phạm.
VII. Về chương VII: Những quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên
Đây là một chương xin lưu ý các vị đại biểu Quốc hội.
a) Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tâm lý, sinh lý, trình độ nhận thức còn bị hạn chế. Do vậy, việc xử lý về hình sự những người chưa thành niên phạm tội phải có những điểm khác việc xử lý người thành niên phạm tội. Đối với đối tượng phạm tội này, chủ yếu là áp dụng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa; hình phạt tù chỉ đặt ra trong những trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng, đòi hỏi phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Việc quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội thành một chương riêng trong Phần chung của Bộ luật hình sự của Nhà nước ta là cần thiết, phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi chưa thành niên, đồng thời cũng thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội.
b) Căn cứ vào thực tế tội phạm ở nước ta, Dự thảo Bộ luật quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi tròn đối với những tội nghiêm trọng. Là vì ở lứa tuổi này các em đã có thể phân biệt được tính chất nguy hiểm của một số hành vi nghiêm trọng như giết người, cướp của, v.v. và chỉ đến khi đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội. Tuy vậy, mức độ hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt áp dụng với người đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) phạm tội.
Tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì đa số luật hình sự của các nước cũng lấy tuổi 14 làm tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự.
c) Căn cứ vào đặc điểm riêng về tâm lý và sinh lý của người chưa thành niên, cần có một chính sách xử lý thích hợp đối với đối tượng này. Ở trong lứa tuổi này, các em chịu sự tác động lớn của môi trường sống, của hoàn cảnh gia đình và xã hội. Ở môi trường xấu, không được chăm sóc, giáo dục chu đáo, các em dễ tiêm nhiễm cái xấu, cái hư, từ đó dẫn đến phạm pháp. Nhưng khác với người lớn, các em dễ tiếp thu sự giáo dục; được chăm sóc, giáo dục tốt, các em dù đã bước đầu sa ngã vẫn có điều kiện sửa chữa. Cho nên, có thể nói trong tình hình phạm tội của trẻ em, một phần lớn nguyên nhân và trách nhiệm không phải tự bản thân các em, mà là tự gia đình và xã hội. Từ đó, chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cần quán triệt một số nguyên tắc chính sau đây:
- Chỉ những người đủ 14 tuổi trở lên, đã nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ thực hiện mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Dưới mức tuổi này, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý bằng các biện pháp xã hội khác.
- Việc xử lý về hình sự người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục họ, do đó phải áp dụng những biện pháp mang tính chất giáo dục, phòng ngừa là chính, như: cho công khai xin lỗi, buộc phải chịu thử thách, đưa vào trường giáo dưỡng, cưỡng bức lao động đối với người trên 16 tuổi. Cần đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc thực hiện các biện pháp này.
- Chỉ phạt tù có thời hạn người chưa thành niên trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng và thật sự cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. Họ được hưởng mức án nhẹ hơn đối với những người đã thành niên.
- Không áp dụng các hình phạt tử hình, tù chung thân đối với người chưa thành niên, cũng như không được giam chung những người chưa thành niên với phạm nhân đã thành niên.
- Người chưa thành niên bị kết án, nếu cải tạo tốt, thì được tha miễn việc chấp hành hình phạt sớm hơn và với mức nhiều hơn so với người thành niên. Thời hạn để xóa án cho người chưa thành niên cũng ngắn hơn so với người thành niên.
VIII. Về chương VIII: Những quy định riêng đối với quân nhân phạm tội
a) Công tác giáo dục, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trong Quân đội là một trong những công việc quan trọng hằng ngày của các cấp chỉ huy để bảo đảm cho Quân đội luôn luôn có sức chiến đấu cao, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhằm đáp ứng yêu cầu trên, luật hình sự cần có những quy định thích hợp để giúp cho công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trong Quân đội có hiệu quả cao. Cần phải có những quy định riêng đối với quân nhân phạm tội để phản ánh được rõ những nét đặc thù của tổ chức Quân đội. Đó là lý do đặt một chương riêng về trách nhiệm hình sự của quân nhân phạm tội.
b) Chương này đề cập hai nội dung cơ bản:
- Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với quân nhân phạm tội.
- Một số hình phạt áp dụng riêng đối với quân nhân phạm tội.
1. Quân nhân phạm tội không những phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm quy định chung đối với mọi công dân mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm quy định riêng đối với quân nhân. Có quy định rõ như vậy mới giúp cho công tác giáo dục pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng trong Quân đội được rõ ràng và có hiệu quả.
Điều 74 làm rõ trường hợp quân nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này xuất phát từ mối quan hệ chỉ huy và phục tùng trong Quân đội. Mối quan hệ đó đòi hỏi quân nhân phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên. Do vậy, không thể bắt quân nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Nếu hành vi này là tội phạm, thì trách nhiệm hình sự thuộc về người đã ra lệnh. Trong trường hợp thật đặc biệt, luật cho phép quân nhân không chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy khi thấy rõ việc thi hành mệnh lệnh đó là phạm tội phản bội Tổ quốc, tội bạo loạn, tội trốn theo địch, tội cướp phá máy bay, tàu thuyền.
2. Một số hình phạt và biện pháp áp dụng với quân nhân phạm tội quy định ở các điều từ 75 đến 79 là xuất phát từ đặc điểm của Quân đội, cần có một chính sách hình sự phù hợp với yêu cầu bảo đảm chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, chương này quy định là đối với quân nhân phạm tội không nghiêm trọng, nếu có yêu cầu của chiến đấu hay phục vụ chiến đấu, thì có thể cho tạm hoãn chấp hành hình phạt để quân nhân đó hoàn thành nhiệm vụ.
Trong những hình phạt, có hình phạt cải tạo ở trại kỷ luật Quân đội. Qua thực tiễn, hình thức cải tạo này đã tỏ ra có ý nghĩa và có tác dụng tốt. Hình phạt này chỉ áp dụng đối với quân nhân phạm tội không nghiêm trọng, không cần thiết phải phạt tù.
Các hình phạt bổ sung: tước danh hiệu quân nhân, tước quân hàm sĩ quan và loại ngũ trong thực tiễn xét xử đã được các Tòa án quân sự áp dụng.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Chúng tôi đã báo cáo về sự cần thiết phải ban hành Bộ luật hình sự, về quá trình Dự thảo Bộ luật, về nội dung cụ thể của Phần chung Bộ luật.
Chúng tôi tin chắc rằng, trong khi xem xét bản Dự thảo, trao đổi hoặc lấy ý kiến của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Đây cũng là một dịp thuận lợi để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân và cán bộ ta về ý thức tôn trọng và thi hành pháp luật, làm đúng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần tích cực tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ.
Kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, thắng lợi.