VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ BẢN DỰ THẢO PHẦN CHUNG BỘ LUẬT HÌNH SỰ ĐƯỢC CHỈNH LÝ
(Do ông Phan Hiền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
 trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII, ngày 20-12-1982)

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, tôi trình bày trước Quốc hội về bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự đã được chỉnh lý.

Bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự được trình lần đầu tiên trước Quốc hội trong kỳ họp tháng 6-1982. Trong khi chờ đợi Quốc hội thảo luận, Hội đồng Bộ trưởng đã tổ chức một đợt mới lấy ý kiến của các cơ quan, đoàn thể trung ương và tỉnh, của một số cơ quan, đoàn thể huyện và của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh (xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp).

Ý kiến chung nhất trí rằng, việc ban hành Bộ luật hình sự là cấp thiết để góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực của Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Mọi người hoan nghênh việc tích cực xây dựng Bộ luật hình sự và mong muốn nó sớm ra đời.

Các nơi đánh giá bản Dự thảo đã thể hiện đúng đắn chính sách hình sự của Nhà nước ta; nó xác định rõ ràng những đối tượng cần nghiêm trị, những đối tượng có thể khoan hồng; nó quy định một cách khoa học những quy tắc chặt chẽ để định tội và để lượng hình. Các hình phạt, các biện pháp xử lý khác vừa bảo đảm việc kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, vừa thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Mang đầy đủ những yếu tố tiến bộ của luật hình sự xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để giải quyết các vấn đề, bản Dự thảo được Quốc hội thông qua, chắc chắn sẽ là công cụ sắc bén để đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Phấn khởi về kết quả đợt lấy ý kiến này, chúng tôi tin chắc rằng dưới ánh sáng các nghị quyết của Đại hội Đảng lần V, được sự quan tâm của Hội đồng Nhà nước, của các vị đại biểu Quốc hội, nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi việc xây dựng Bộ luật hình sự Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đáp ứng những yêu cầu của việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”; “sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Nhìn chung, các ý kiến đều tán thành cách đặt và giải quyết vấn đề trong bản Dự thảo. Đi vào cụ thể, có một số ý kiến đóng góp về nội dung; cũng có những ý kiến đóng góp về văn, về chữ.

Tất cả các ý kiến đều được nghiên cứu nghiêm túc. Trên cơ sở những ý kiến được tiếp thụ, về nội dung cũng như về cách viết, bản Dự thảo đã được bổ sung, sửa đổi để trình Quốc hội thảo luận, thông qua sơ bộ trong kỳ họp này.

Bản Dự thảo được chỉnh lý vẫn gồm 8 chương; số điều là 73, thay vì 79 điều trong bản Dự thảo cũ.

Cụ thể:

1. Về hình phạt

Theo ý kiến chung, những hình phạt đặc biệt nghiêm khắc như tử hình, tù chung thân là rất cần thiết trong tình hình tội phạm đang còn rất phức tạp. Bản Dự thảo thể hiện ý kiến này.

Tiếp thụ ý kiến chung, chúng tôi đề nghị không đưa vào hệ thống hình phạt việc trục xuất, việc tước các huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước, việc tước quân hàm sĩ quan. Đây chỉ nên là biện pháp hành chính do các cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra, chúng tôi cũng bỏ việc đặt ra các biện pháp như phải công khai xin lỗi; cưỡng bức lao động, đối với người chưa thành niên phạm tội.

2. Về tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Tuy có một vài ý kiến đề nghị nâng tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên lên 15 hoặc hạ xuống 12, 13, chúng tôi thấy quy định như trong bản Dự thảo là hợp lý: “người từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng do cố ý gây ra” (Điều 58 mới). Ở độ tuổi 14, các em đã có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm, nhất là các tội phạm nghiêm trọng; các em cũng đã có khả năng điều khiển hành động của mình. Quy định như trong bản Dự thảo là phù hợp với thực tiễn truy tố, xét xử của ta và cũng phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

3. Về trách nhiệm hình sự của quân nhân

Kỷ luật nghiêm của quân đội đòi hỏi quân nhân phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Vì vậy, nếu do chấp hành đúng mệnh lệnh mà phạm tội thì quân nhân được miễn trách nhiệm hình sự; trách nhiệm này thuộc người đã ra lệnh.

... Tuy nhiên, quân đội ta là quân đội nhân dân, có giác ngộ cách mạng, có ý thức chính trị. Nhận thức được rõ ràng việc chấp hành mệnh lệnh là phạm tội nghiêm trọng thì quân nhân không buộc phải chấp hành; nếu chấp hành, quân nhân sẽ phải cùng với người ra lệnh chịu trách nhiệm hình sự về tội đã gây ra. Đó là nội dung Điều 69 mới.

4. Cuối cùng là một vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng đến toàn bộ Bộ luật hình sự: vấn đề nguyên tắc tương tự

Trong lĩnh vực hình sự, áp dụng nguyên tắc tương tự là khi cần thiết trừng trị một hành vi chưa được pháp luật quy định thành tội phạm, thì có thể vận dụng điều luật về tội phạm có tính chất gần với hành vi đó nhất.

Trong hoàn cảnh pháp luật hình sự của ta chưa đủ, việc áp dụng nguyên tắc tương tự trong một chừng mực nhất định là cần thiết.

Áp dụng nguyên tắc này có tác dụng ứng phó với tình hình thiếu luật. Nhưng nó dễ dẫn đến tùy tiện, đến vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân.

Nay, chúng ta xây dựng Bộ luật hình sự tương đối hoàn chỉnh gồm khoảng 300 điều, thì không cần thiết để nguyên tắc tương tự. Mọi người đều hoan nghênh, coi đó là một điều tiến bộ lớn trong pháp luật hình sự của ta.

Tuy nhiên, còn một vài ý kiến e ngại rằng ta đang trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, kẻ địch lại tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống ta bằng nhiều mưu mô, thủ đoạn hết sức thâm độc và nguy hiểm, nên khó lường được hết các tội phạm. Vì vậy, có gợi ý nên cân nhắc thêm việc bỏ hay giữ nguyên tắc tương tự. Đó là điều đáng quan tâm, tuy nhiên những khó khăn nêu ra chỉ là khó khăn nhất thời của tình hình đất nước ta đang phát triển, khó khăn trong bước trưởng thành. Về cơ bản, phải thấy mặt thuận lợi là chính, thế vững vàng của chính quyền ta, chiều hướng đang đi lên của sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay trong cả nước. Những điểm mạnh ngày càng lớn lên, những khó khăn nhất thời ngày càng được khắc phục.

Sau này do sự chuyển biến của tình hình, nếu phát sinh một vài tội phạm mới thì Nhà nước sẽ kịp thời bổ sung pháp luật. Đây là công việc bình thường của Nhà nước.

Theo tinh thần đó, cần khẳng định một lần nữa nội dung của Điều 2 bản Dự thảo: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự...” và Điều 8: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật này...”.

Ta dứt khoát bỏ nguyên tắc tương tự là thể hiện sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam sau gần 40 năm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Điều này phù hợp với xu hướng đi lên của pháp luật hình sự tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Với lòng tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua sơ bộ Phần chung Bộ luật hình sự, đáp ứng sự mong đợi của toàn thể nhân dân và cán bộ, chúng tôi xin chúc các vị đại biểu dồi dào sức khỏe và nhiều thắng lợi trong công tác.

                   

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội