BÁO CÁO
CỦA BAN VẬN ĐỘNG VÀ HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO
SÁNG TÁC QUỐC CA MỚI TRƯỚC QUỐC HỘI
VỀ VIỆC TRƯNG CẦU Ý KIẾN NHÂN DÂN
ĐỐI VỚI 17 BÀI ĐƯỢC SƠ TUYỂN
(Do ông Cù Huy Cận,
Phó Trưởng ban vận động sáng tác Quốc ca mới
kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII,
ngày 20-12-1982)
Thưa Đoàn Chủ
tịch,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Sau khi báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp trước và chấp hành quyết định
của Hội đồng Nhà nước cho phép công bố 17 bài được sơ tuyển và tổ chức trưng
cầu ý kiến nhân dân, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Nhà nước, Ban vận động
sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo đã nghiêm túc, khẩn trương tuyên
truyền, giới thiệu 17 bài trên các báo Trung ương và địa phương, qua đài
phát thanh Trung ương và các đài phát thanh tỉnh, thành phố cũng như qua đài
vô tuyến truyền hình. Nội dung, thể thức, biện pháp trưng cầu ý kiến nhân
dân cũng đã được phổ biến qua đài và các báo.
Trong 5 tháng qua, Ban vận động
và Hội đồng giám khảo đã nhận được 390 thư (của cá nhân và tập thể), trong
đó có 308 thư góp ý kiến khen, chê các bài được sơ tuyển và xếp loại chọn từ
1 đến 5 bài tương đối khá và 82 thư đề nghị giữ Quốc ca hiện nay có thay lời
mới, hoặc chọn bài khác đã được phổ biến trong nhân dân trong hai cuộc kháng
chiến.
Bên cạnh những ý kiến lựa chọn
các bài tương đối khá là những ý kiến hoan nghênh và tin tưởng ở chủ trương
mở cuộc thi sáng tác Quốc ca mới. Ngoài 390 bức thư nói trên, còn có 268
sáng tác mới được gửi tới Ban vận động, mặc dù các tác giả biết đã hết hạn
nộp bài. Hầu hết các sáng tác mới này là lời ca của các tác giả không chuyên
nghiệp. Cũng trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã
nhận được báo cáo của 24 đoàn đại biểu Quốc hội của các thành phố và tỉnh
sau đây: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sơn La, Bắc Thái, Quảng
Ninh, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị
Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Long An, Tiền
Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cao Bằng. Trong báo cáo
của 24 đoàn đại biểu Quốc hội, có 18 đoàn có ý kiến lựa chọn và xếp loại 5
bài tương đối khá hoặc ghi số phiếu của đại biểu các tầng lớp nhân dân hoặc
cử tri bầu cho 17 bài. Có 4 đoàn chỉ nêu tình hình và ý kiến nhận xét mà
không xếp hạng bài nào. Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước
còn nhận được 67 bức thư góp ý kiến của nhân dân và cán bộ, trong đó có 10
thư đề nghị giữ lại bài “Tiến quân ca” và sửa lời cho phù hợp với
giai đoạn cách mạng hiện nay.
Tổng hợp những ý kiến nêu trong
các thư và các báo cáo của 24 đoàn đại biểu Quốc hội cùng những ý kiến mà
Ban vận động và Hội đồng giám khảo trực tiếp nghe được trong nhân dân và cán
bộ, có thể nêu lên mấy điểm như sau:
1. Việc sáng
tác Quốc ca mới để thay Quốc ca hiện nay là cần thiết, như Quốc hội đã quyết
định và đã ghi trong Chương XI của Hiến pháp và như đã trình bày rõ lúc mở
cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới.
2. Để chọn Quốc ca mới, việc mở
cuộc thi là hoàn toàn đúng và cuộc thi đã được tiến hành khẩn trương và
nghiêm túc.
3. Các tác giả chuyên nghiệp và
không chuyên nghiệp đã nhiệt liệt tham gia cuộc vận động và có tinh thần
trách nhiệm cao trong việc sáng tác bản nhạc hoặc lời ca của mình.
4. Nhưng 17 bài đã được sơ tuyển
chưa đáp ứng được sự mong muốn của nhân dân.
5. Việc tuyên truyền phổ biến 17
bài sơ tuyển tuy có cố gắng làm khẩn trương, nhưng chưa thật sâu rộng và
việc lấy ý kiến của nhân dân về 17 bài cũng chưa thật rộng và đều.
Ngày 14-12-1982, thay mặt Ban vận
động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo, bộ phận thường trực đã báo
cáo trước Hội đồng Nhà nước về tình hình và kết quả cuộc trưng cầu ý kiến
nhân dân về 17 bài sơ tuyển.
Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và
cho ý kiến như sau:
1. Việc
thay Quốc ca là thi hành Hiến pháp (Chương XI) và việc mở cuộc thi sáng tác
Quốc ca mới là chấp hành quyết định của Quốc hội khóa VI. Như báo cáo trước
đây đã khẳng định, bài Tiến Quân ca, Quốc ca hiện nay, đã có tác dụng
to lớn động viên và cổ vũ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng hơn 30
năm qua. Nhưng chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả
nước thì cần có một Quốc ca mới phù hợp với những nhiệm vụ mới. Nhạc của
Quốc ca mới cũng phải thích ứng với nội dung cách mạng và tình cảm dân tộc
hơn. Việc phải làm Quốc ca mới đã được thảo luận kỹ trong quá trình dự thảo
và thông qua Hiến pháp mới.
2. Trong tình hình hiện nay của
cuộc vận động (như đã báo cáo ở trên), Hội đồng Nhà nước yêu cầu Ban vận
động và Hội đồng giám khảo báo cáo trước Quốc hội và đề nghị với Quốc hội
cho tiếp tục cuộc vận động để hoàn thành tốt cuộc vận động.
Chúng tôi trân trọng đề nghị với
Quốc hội: cho kéo dài một năm rưỡi nữa việc vận động sáng tác và lựa chọn
Quốc ca mới. Thời gian bố trí cụ thể như sau:
a) Trong thời gian 6 tháng (từ
01-01-1983 đến 30-6-1983) tiếp tục lấy thêm ý kiến của nhân dân về 17 bài đã
sơ tuyển vì việc trưng cầu ý kiến nhân dân chưa thật sâu rộng.
b) Trong khi các tác giả 17 bài
đã được sơ tuyển nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân để sửa chữa, nâng
cao bài của mình, thì Hội đồng giám khảo sẵn sàng tiếp nhận những bài sáng
tác mới (từ 01-01-1983 đến 30-6-1983).
Những người đã có bài dự thi gửi
trước đây, nay muốn sửa chữa có thể nộp bài mới trong thời hạn nói trên
(01-01-1983 đến 30-6-1983).
Như vậy, Hội đồng giám khảo sẽ
chấm thêm: những bài đã gửi sau 31-12-1981, những bài dự thi trước đây, nay
có sửa chữa và những bài sáng tác mới gửi đến Hội đồng giám khảo trong thời
hạn 01-01-1983 đến 30-6-1983).
c) Trong 8 tháng (từ 01-7-1983
đến 29-02-1984), Hội đồng giám khảo tiến hành việc chấm bổ sung và lựa chọn
lại 5 bài khá nhất và tổ chức việc sửa chữa, bổ sung, nâng cao 5 bài đó. Mỗi
tác giả tự sửa chữa nâng cao bài của mình sau khi nghe ý kiến đóng góp của
nhân dân và của Hội đồng giám khảo. Việc sửa chữa nâng cao 5 bài này có thể
được thực hiện với sự cộng tác giữa tác giả và một số nhạc sĩ, nhà thơ, cốt
sao cho công trình tập thể này được liền mạch, có một phong cách nhất quán
và đạt kết quả cao về tư tưởng và nghệ thuật.
d) Trong 4 tháng tiếp theo (từ
01-3-1984 đến 30-6-1984), Hội đồng giám khảo phối hợp với Đài Tiếng nói Việt
Nam và một số đơn vị nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức việc dàn dựng 5 bài đã
được bổ sung và nâng cao này và trình Hội đồng Nhà nước sơ thẩm và sau đó,
nếu được Hội đồng Nhà nước đồng ý sẽ trình Quốc hội xét chọn để có thể quyết
định được Quốc ca mới.
Được sự đồng ý của Hội đồng Nhà
nước, chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời hạn việc tiếp
tục sáng tác và lựa chọn Quốc ca mới, với lịch làm việc cụ thể như trên.
Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc
hội.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội