VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
VỀ VIỆC ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI BẦU ỦY BAN THẨM TRA TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
ĐỂ TIẾN HÀNH THẨM TRA TƯ CÁCH CỦA 6 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI MỚI ĐƯỢC BẦU BỔ SUNG

(Do ông Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước trình bày
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII, ngày 19-12-1982)

 

Điều 88 của Hiến pháp quy định: “Quốc hội bầu ra Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội và căn cứ vào báo cáo của Ủy ban đó mà quyết định xác định tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội”.

Điều 7 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quy định cụ thể thêm: “Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội. Quốc hội bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội.

Quốc hội căn cứ vào báo cáo của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội hoặc tuyên bố bầu cử cá biệt đại biểu không có giá trị. Trong trường hợp cần phải điều tra về tính hợp pháp của việc bầu cử một đại biểu Quốc hội thì trong thời gian điều tra, đại biểu đó không có quyền biểu quyết.

Khi có bầu cử bổ sung thì Quốc hội thành lập ủy ban thẩm tra mới làm nhiệm vụ thẩm tra và báo cáo kết quả để Quốc hội xét việc xác nhận tư cách đại biểu của đại biểu được bầu bổ sung".

Điều 6 của Nội quy về kỳ họp Quốc hội quy định về thể thức bầu cử Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu và phương pháp tiến hành thẩm tra: “Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội. Quốc hội bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, gồm Chủ nhiệm và các thành viên khác, bằng cách giơ tay, theo danh sách do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa trước giới thiệu.

Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu, căn cứ vào giấy chứng nhận trúng cử của các đại biểu Quốc hội, các biên bản bầu cử và các tài liệu khác có liên quan đến cuộc bầu cử, tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội và báo cáo kết quả để Quốc hội quyết định".

Trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII đã bầu 14 đồng chí vào Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, do đồng chí Nguyễn Đức Tâm đại biểu Quảng Ninh, làm Chủ nhiệm. Nay, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đề nghị bầu 9 đồng chí theo danh sách dưới đây vào Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội để tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu của 6 đại biểu Quốc hội mới được bầu bổ sung. Trong danh sách đề nghị có 8 đồng chí đã tham gia Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội được Quốc hội bầu ra trong kỳ họp thứ nhất, nay, chỉ đề nghị thêm đồng chí Bùi Quang Tạo, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, làm Chủ nhiệm ủy ban.

Vậy, xin trình Quốc hội xét và quyết định.

         

DANH SÁCH CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ BẦU
VÀO ỦY BAN THẨM TRA TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

TT

Họ và tên

Chức vụ,
nghề nghiệp

Đại biểu tỉnh,
thành phố

Chú thích

1

Bùi Quang Tạo

Chủ nhiệm ủy ban thanh tra của Chính phủ

Hải Phòng

Chủ nhiệm

2

Mai Văn Bảy

Ủy viên Ban thư ký Tổng Công Đòan Việt Nam, Thư ký Ban chấp hành Liên hiệp Công Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh

 

3

Nguyễn Thị Hằng

Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Thanh Hóa

 

4

 Đặng Vũ Hiệp

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Vĩnh Phú

 

5

Phạm Hưng

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Hải Hưng

 

6

Hồ Ngọc Nhường

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh

Phú Khánh

 

7

Nguyễn Hà Phan

Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang

 

8

Nguyễn Như Phong

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé

Sông Bé

 

9

Trần Vỹ

Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Hà Nội

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội