THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ VẤN ĐỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP MIỀN NÚI
(Do ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng trình bày tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1982)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Từ kỳ họp của Quốc hội lần trước tới nay, tiếp tục chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc năm 1982, chúng tôi đã đi khảo sát tình hình ở một số địa phương, nghe phản ánh và trao đổi ý kiến với các đồng chí thành viên Hội đồng, nghiên cứu một số tài liệu do Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp cung cấp và trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo một số tỉnh, huyện miền núi, chúng tôi nhận thấy rằng, tuy còn có nhiều khó khăn, song nói chung, ở miền núi nước ta đã có nhiều tiến bộ đáng kể, đã có những nhân tố mới trong việc phát huy những tiềm năng; những thế mạnh của miền núi, nói lên khả năng hiện thực giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ ở miền núi. Nhưng cho tới nay, việc tổng kết kinh nghiệm còn ít, chưa xây dựng được những mô hình kết hợp nông lâm nghiệp ở các huyện miền núi, do đó, chưa phát huy được tối đa những thuận lợi, chưa khai thác tốt các tiềm năng của miền núi. Vấn đề giải quyết lương thực tại chỗ đi liền với việc bảo vệ và phát triển nghề rừng theo phương hướng “kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển nghề rừng và từng bước xây dựng công nghiệp đặc biệt coi trọng mở mang giao thông vận tải, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh” còn có phần hạn chế. Trong hội nghị lần này của Quốc hội, thay mặt Hội đồng dân tộc, tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) sản xuất nông, lâm nghiệp ở nước ta đã tiến triển một bước.
Cùng với đồng bằng, các địa phương miền núi đã có nhiều cố gắng và đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước: các tỉnh Tây Nguyên và Sông Bé, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết hàng loạt nhiều vấn đề xã hội phức tạp do chế độ Mỹ - ngụy để lại, vừa ra sức phát triển sản xuất ổn định đời sống nhân dân, từ 1976 đến 1979, đã mở rộng diện tích trồng cây lương thực từ 199.600 héc ta lên 344.700 héc ta. Miền Tây các tỉnh Trung bộ cũ đã nhanh chóng ổn định sản xuất, cải thiện một bước đời sống nhân dân. Tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc tuy vẫn có khó khăn từ trước lại phải vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thắng lợi, đồng bào ta ở đây đã cố gắng làm lương thực đưa sản lượng từ 98,5 vạn tấn năm 1975 lên 1 triệu 9.300 tấn năm 1979; diện tích cây công nghiệp như chè, quế, trầu được mở rộng, nhất là chè đã tăng 7.400 ha (tăng 59%).
Mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn và những kết quả đã đạt được tuy còn hạn chế, song những thành tích ấy là rất đáng khích lệ, nó nói lên ý chí quật cường và tinh thần sáng tạo của nhân dân ta, nó khẳng định đường lối, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, trên mặt trận nông nghiệp nói chung sản xuất lương thực nói riêng, trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn:
1. Trong số 7 triệu ha đất nông nghiệp (trừ diện tích cây công nghiệp, diện tích đồng cỏ và mặt nước phục vụ sản xuất nông nghiệp) đất dành cho sản xuất lương thực chỉ còn khoảng dưới 80%. Nếu đem chia số đó cho nhân khẩu cả nước năm 1980 thì mỗi người chỉ có: 1.100 mét vuông. Trong khuôn khổ “xiềng ba sào” đó, dù có nâng hệ số sử dụng lên 1,5 trong kế hoạch 5 năm tới, cũng khó vừa đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực cho toàn xã hội, với tốc độ tăng dân số như hiện nay, vừa đảm bảo có dư giả cần thiết để phòng thiên tai, địch họa. Chúng ta còn có khoảng 3-4 triệu ha đất có khả năng làm nông nghiệp, nhưng loại đất mở ra “ăn ngay” không còn được bao nhiêu. Ngoài 60 vạn ha đất bằng ở đồng bằng sông Cửu Long mà việc khử chua, rửa mặn phải mất nhiều tiền, nhiều năm, còn 70-80% là diện tích đất có độ dốc từ 7o - 25o phải đầu tư lớn, đồng bộ, để cải tạo, bồi dưỡng nhiều năm mới trở thành đất nông nghiệp ổn định.
2. Miền núi đất rộng người thưa, bình quân trên một kilômét vuông cho đến nay mới chỉ có 50 - 60 người, đất trồng đồi trọc bao la chiếm gần 1/3 diện tích cả nước. Thế nhưng, miền núi lại “thiếu đất” làm nông nghiệp, trồng cây lương thực. Sở dĩ có tình hình trái ngược như vậy là vì ở đây rừng bị phá quá nhiều. Và vì không thực hiện đúng phương hướng nông - lâm kết hợp theo một quy hoạch và kế hoạch sản xuất được xác định một cách rõ và ổn định.
Vai trò cực kỳ quan trọng của rừng đối với sản xuất, đối với đời sống, đối với quốc phòng, đối với tất cả mọi mặt của đời sống xã hội đã được khẳng định. Vấn đề này đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta phát biểu rất nhiều lần. Riêng đối với nhân dân các dân tộc ở miền núi, rừng lại càng có ý nghĩa quan trọng cấp bách, nó có tính chất chiến lược quan trọng cho cả trước mắt lẫn lâu dài. Vì cuộc sống mà chúng ta phải bảo vệ và phát triển rừng. Nhưng tiếc thay lại chính vì cuộc sống mà chúng ta đã lại lấn phá rừng, đẩy lùi rừng xa dần cuộc sống của chúng ta! Đó là một vòng luẩn quẩn và bế tắc, cần phải giải thoát.
Hậu quả xấu của việc rừng bị phá hủy thật ghê gớm. Riêng đối với nhân dân các dân tộc ở miền núi, rừng là đối tượng lao động chủ yếu, gắn bó với cuộc sống thiết thân hằng ngày của đồng bào, nên ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, nhiều đồng bào, chủ yếu là vì mất rừng, đã rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, rời bỏ cả địa bàn biên giới của đất nước đi nơi khác làm ăn.
Rừng nước ta bị suy giảm do nhiều nguyên nhân. Một phần do chiến tranh hủy diệt của giặc Mỹ gây ra, (chủ yếu là các tỉnh phía Nam); một phần do phương thức canh tác lạc hậu mà lịch sử để lại những thói quen nặng nề, lâu đời như đốt rừng làm nương rẫy hết nơi này đến nơi khác, cạo trọc cả núi rừng, việc khai hoang không đúng quy hoạch, kế hoạch tiến hành thiếu đồng bộ, chặt trắng cây rừng rồi không thâm canh ngay tạo thành đất nông nghiệp ổn định, trồng trọt qua loa một vài vụ rồi bỏ hoang hóa trở lại, làm mất rừng, mất cả đất màu mỡ do rừng đã bồi dưỡng cho nó từ bao nhiêu năm; một phần do yêu cầu của việc khai thác, sử dụng gỗ không hợp lý của nhiều lực lượng khác (địa chất, bộ đội...) gây nên một phần nữa là do việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã, xã viên và quân đội quản lý cũng chưa làm đầy đủ. Việc khai thác rừng không theo đúng quy hoạch, quy trình, quy phạm. Sau khi khai thác, rừng không được chăm sóc, tu bổ, tái sinh; những nơi thuận tiện đường vận chuyển thì chặt đi, chặt lại, làm cho rừng giàu biến thành rừng nghèo và nghèo kiệt. Việc trồng rừng, nhiều nơi cũng thiếu chăm sóc, tỷ lệ cây sống quá thấp, rừng trồng mới không bù lại được diện tích rừng khai thác.
Rừng giảm xuống, đất thoái hóa cằn cỗi tăng lên. Cả nghề rừng và nông nghiệp, chăn nuôi đều không phát triển được. Rõ ràng là, chúng ta đang đứng trước một thực tế vô cùng căng thẳng nguy hiểm. Nếu ngay bây giờ không tích cực, kiên quyết xoay chuyển lại tình hình thì hậu quả đó thật không thể nào lường được đối với cuộc sống trước mắt cũng như tương lai rất gần của đất nước.
3. Về lương thực, sau 5 năm tăng được 3 triệu tấn. Sản lượng năm 1976, so với 1975, vượt 17,72% bình quân lương thực đầu người từ 240kg (1975) lên 274kg (1976). Nhưng từ năm 1977 đến 1979, nhịp độ tăng hàng năm (bình quân) chỉ 1,18%, trong khi đó, dân số tăng 2,32%, nên tỷ suất lương thực bình quân giảm dần.
Riêng miền núi, sản xuất lương thực nhiều nơi lại còn thấp kém hơn nhiều. Trong khi bình quân lương thực đầu người trong cả nước năm 1976 là 274kg, năm 1979 là 266kg, thì ở 8 tỉnh miền núi phía Bắc năm 1976 chỉ có 214kg, năm 1979 là 206kg, mặc dù, tỷ trọng nhân khẩu phi nông nghiệp ở đây thấp hơn nhiều so với cả nước. Theo thống kê của Viện Quy hoạch và thống kê - Bộ Nông nghiệp thì trong tổng số 387 huyện nông nghiệp trong cả nước, có đến 85 huyện, đại đa số là các huyện miền núi, thường xuyên không đủ lương thực cân đối trên địa bàn huyện của mình (10 tỉnh miền núi và miền trung du Bắc bộ có 37 trong số 106 huyện, khu IV cũ có 17 trong số 55 huyện Tây Nguyên, chủ yếu là tỉnh Lâm Đồng, có 8 trong số 21 huyện). Để cung cấp cho nhân khẩu phi nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho nhân dân phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản, trồng rừng khai thác tài nguyên rừng và giúp cho đồng bào du canh, du cư xây dựng cơ sở sản xuất hạn chế nạn phá rừng, trong vòng 7 năm (1975-1981), Nhà nước đã điều từ miền xuôi lên 8 tỉnh miền núi 2 triệu tấn lương thực (quy gạo) bình quân mỗi năm hơn 28 vạn tấn. Nhưng lương thực của Nhà nước có hạn, đường sá xa xôi khó khăn, phương tiện vận chuyển thiếu thốn, dù lương thực của Nhà nước có dồi dào đi nữa, cũng khó cung cấp đầy đủ và đều đặn cho người sản xuất.
Vì vấn đề lương thực tại chỗ không giải quyết được, giao lưu kinh tế giữa miền núi với miền xuôi lại khó khăn, hàng hóa đối lưu hai chiều không thực hiện được, chăn nuôi giảm sút, cây công nghiệp phát triển kém trồng rừng khai thác rừng không đạt kế hoạch, nạn đốt rừng làm nương rẫy tiếp tục diễn ra. Đời sống của nhân dân miền núi mà đại đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế mạnh kinh tế ở miền núi nước ta không những chưa phát huy được mà nhiều nơi còn phá thế mạnh đó của mình, phá cả rừng non, cây công nghiệp mới trồng và phát đốt cả rừng già, rừng gỗ tốt để lấy đất sản xuất lương thực, giải quyết cái ăn trước mắt của mình, mặc dù ai cũng thấy rằng, việc làm như vậy là có hại cho đất nước, có hại cho lợi ích cơ bản, lâu dài của chính bản thân mình.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Qua tình hình trên đây, chúng tôi nhận thấy rằng:
Trong khuôn khổ 7 triệu ha đất nông nghiệp hiện nay, dù có cố gắng thâm canh, tăng vụ đến mức cao nhất trong phạm vi khả năng và điều kiện hiện có chúng ta cũng khó giải quyết vững chắc và ổn định vấn đề lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội kịp với tốc độ tăng dân số như hiện nay (chưa nói đến những khi thiên tai và dự trữ đề phòng chiến tranh), nếu không mở rộng diện tích canh tác đồng thời với cố gắng thâm canh tăng vụ... Đối với miền núi, vấn đề này càng đặt ra một cách bức bách, đòi hỏi phải tích cực mở mang nông nghiệp, giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ một cách vững chắc làm cơ sở và bàn đạp phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh kinh tế miền núi. Nếu không, chúng ta không thể nào thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra giải quyết tốt tại chỗ vấn đề lương thực ở miền núi còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, bởi vì, đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở miền núi (trừ một bộ phận chiếm tỷ số nhỏ sống ở đồng bằng, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long). Theo ý kiến chung của Hội đồng dân tộc thì giải quyết tại chỗ vấn đề lương thực ở miền núi cần được coi là một trong những điều kiện có tính chất quyết định để “đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách về sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là ở vùng cao, vùng biên giới nhằm khắc phục một bước sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - văn hóa giữa các dân tộc do lịch sử để lại”, như Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng đã chỉ rõ: Nhưng, như chúng ta đã biết, trên diện tích 10 triệu ha đất trồng đồi trọc hoang dã này không thể có đất làm nông nghiệp, nếu không có đai rừng phòng hộ. Hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp ở đây không thể tách rời nhau, mà cần được kết hợp chặt chẽ trên tất cả các địa bàn, trên mỗi đơn vị diện tích đất rừng theo một quy hoạch có điều tra và xác định phương hướng sản xuất một cách có căn cứ khoa học.
Để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trên cơ sở quán triệt những nhiệm vụ chủ yếu của kinh tế - xã hội trong 5 năm 1981 - 1985 và những năm 80 do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V đề ra và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương, chúng tôi xin kiến nghị:
Trong phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế của kế hoạch nhà nước 5 năm tới và những năm 80, cần khẩn trương và tích cực mở rộng việc phát triển nông nghiệp lên miền núi một cách có trọng điểm, từng bước vững chắc trên cơ sở kết hợp thật chặt chẽ giữa hai ngành nông nghiệp và lâm nghiệp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cơ sở, nhằm đồng thời thực hiện hai mục tiêu cơ bản và cấp thiết là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và thực phẩm tại chỗ làm cơ sở và bàn đạp để phát huy ba thế mạnh của miền núi (chăn nuôi, cây công nghiệp, cây đặc sản xuất khẩu) và bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng, giữ cân bằng sinh thái từng khu vực và cho cả nước. Trong lương thực, hết sức coi trọng các loại cây có củ và công việc chế biến cải tiến cơ cấu bữa ăn.
1. Trước hết, theo địa bàn từng huyện, khi xác định phương hướng phát triển nông nghiệp miền núi là phải kết hợp chặt chẽ các hoạt động nông nghiệp với lâm nghiệp thành khối canh tác nông - lâm thống nhất hoàn chỉnh, lấy lâm phòng hộ cho nông, lấy nông bảo trợ cho lâm. Lần lượt phủ xanh đồi trọc, bằng một cơ cấu cây trồng (cây lớn, cây nhỡ, cây nhỏ, có hiệu quả kinh tế cao) thích nghi với hệ sinh thái từng vùng, bảo đảm quá trình cộng sinh của chúng được phát triển một cách hài hòa, vừa khai thác đến mức tối đa tiềm năng đất đai, đáp ứng yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội trước mắt, đồng thời, bồi dưỡng cải tạo đất đai phục vụ cho lợi ích lâu dài. Đi liền với việc phát triển nông - lâm nghiệp cần từng bước phát triển thủy điện nhỏ, xây dựng và phát triển tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, coi trọng mở rộng giao thông vận tải. Đó là những vấn đề phải được quán triệt và giải quyết xoắn xuýt với nhau, bổ sung hỗ trợ và thúc đẩy cho nhau cùng phát triển. Trên cơ sở phương hướng được xác định mà xây dựng quy hoạch một cách toàn diện và dựa vào đó làm kế hoạch thực hiện từng năm.
2. Tăng cường đầu tư đồng bộ: tài chính, vật tư, tiến bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên môn cho miền núi, dứt điểm từng việc theo tiến độ dự định khắc phục tình trạng đầu tư nhỏ giọt, tràn lan không đồng bộ, đầu voi đuôi chuột, đồng thời, ngăn cấm việc dùng vốn này để làm việc khác. Cần ưu tiên đầu tư thâm canh tại các vùng lúa cao sản trên diện tích 35 vạn ha ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các vùng khác ở Tây Nguyên và phấn đấu ngày càng giảm số lương thực Trung ương cấp.
Kiên quyết thực hiện kế hoạch hóa trên địa bàn huyện. Kế hoạch phải gắn với chính sách, với biện pháp tổ chức thực hiện và phân phối vốn đầu tư (đồng bộ) cân đối với chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh cụ thể được giao, kèm theo có những quy định thưởng phạt công minh.
Để cho các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện thắng lợi; để cho các biện pháp kinh tế - kỹ thuật đem lại các hiệu quả kinh tế cao thì vấn đề có tính chất quyết định là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ người dân tộc ở tất cả các cấp, các ngành, chủ yếu là cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý kinh tế ở cơ sở.
3. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng sớm chỉ đạo các cấp, các ngành tổng kết, bổ sung và hướng dẫn thi hành đúng đắn chính sách khoán trong nông nghiệp ở miền núi - kể cả chính sách khoán đối với việc giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã, nhân dân và các lực lượng khác như quân đội quản lý - để động viên khuyến khích toàn dân, toàn quân tham gia trồng rừng, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng theo phương thức canh tác nông - lâm kết hợp. Tích cực mở rộng việc trồng xen canh, luân canh cây họ đậu để bồi bổ cho đất và trồng cây công nghiệp ngắn ngày, v.v. để lấy ngắn nuôi dài.
Chính sách phải giải quyết tốt quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người lao động. Phải coi lợi ích cao nhất của Nhà nước là kết quả của công trình lao động phủ xanh đồi trọc trả lại màu mỡ cho những diện tích đất cằn cỗi. Vậy, phần nông sản phẩm, nhất là lương thực mà người lao động thu hoạch được ở đây, bằng phương thức canh tác kết hợp nông - lâm, phải là phần lợi ích của người lao động được hưởng cho đến khi môi trường được cải tạo: Rừng trồng cho sản phẩm và đất nông nghiệp trong khu vực đã được ổn định. Những đơn vị hoặc cá nhân vừa trồng tốt được nhiều diện tích rừng, vừa tự giải quyết được vấn đề lương thực cần được khen thưởng thích đáng. Chúng tôi hoan nghênh Quyết định 184 ban hành ngày 06 tháng 11 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc mạnh dạn giao đất, giao rừng cho hợp tác xã và cá nhân trồng rừng và làm rừng, làm vườn gia đình. Chúng tôi cũng xin đề nghị Quốc hội lưu ý Hội đồng Bộ trưởng cần: phát huy chức trách các ngành phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn tổ chức chỉ đạo các cấp thực hiện quyết định.
1. Một mặt tích cực tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, nhân dân và quân đội về vai trò của rừng đối với đời sống xã hội, trồng rừng và bảo vệ rừng là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân mỗi người. Mặt khác, phải thi hành cho nghiêm Pháp lệnh bảo vệ rừng. Cần khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh để đưa việc bảo vệ rừng thành nền nếp, dần dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người.
2. Nhanh chóng tiếp tục giao đất, giao rừng cho hợp tác xã, cho gia đình xã viên, cho cả các đơn vị quân đội và các đơn vị kinh tế khác quản lý, khai thác tài nguyên rừng một cách hợp lý theo một cách có hướng dẫn và được cấp có thẩm quyền cho phép.
3. Quy định cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ đối với người được cấp đất làm rừng vườn gia đình, như thời hạn được miễn thuế và thời hạn phải tự túc gỗ củi, không được xâm phạm vào rừng quốc gia, để động viên nhân dân yên tâm thực hiện.
4. Ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp phối hợp nhau tập trung năng lực của Nhà nước cùng nhân dân canh tác trên diện tích đất trồng đồi trọc, hạn chế đi đến đình chỉ khai hoang vào rừng. Cần xác định rõ những địa bàn được phép khai hoang. Ở miền núi, theo chúng tôi chỉ nên khai hoang ở những nơi có điều kiện làm thủy lợi, xây dựng cánh đồng lúa nước hoặc vùng cây công nghiệp tập trung mà ở đó đã có cơ sở công nghiệp chế biến nhưng thiếu nguyên liệu tận dụng công suất. Nhất thiết cấm khai hoang vào rừng đầu nguồn, rừng giàu gỗ quý, rừng cảnh quan, rừng phòng hộ ở chung quanh hoặc giữa các cánh đồng nông nghiệp.
Trong kế hoạch, quy hoạch, xác định phương hướng sản xuất luôn luôn phải kết hợp lâm nghiệp, nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp với nhau; phải mở rộng kinh doanh tổng hợp, lấy rừng nuôi rừng, chấm dứt ngay nạn phá rừng, làm cháy rừng và lãng phí lâm sản. Cần gắn liền công tác định canh, định cư với việc phát triển nông - lâm nghiệp ở miền núi, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để đem lại lợi ích thiết thân về đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân các dân tộc.
5. Cần động viên nhân dân với sự giúp đỡ của Nhà nước, tích cực cố gắng mở mang thủy lợi, thủy điện nhỏ. Trong điều kiện hiện nay, chủ yếu làm thủy lợi và thủy điện vừa và nhỏ. Yêu cầu cấp thiết là để giữ độ ẩm cho đất khô hạn, bảo đảm nước dùng cho nhân dân, lập lại cân bằng sinh thái và phát triển nuôi cá ở miền núi. Cần xây dựng các hồ chứa nước ở bất cứ nơi nào có địa thế núi, đồi thuận lợi.
6. Cần có kế hoạch đẩy mạnh việc mở mang giao thông vận tải ở miền núi, chú ý các vùng biên giới, các vùng xa xôi hẻo lánh. Tích cực giải quyết vấn đề giao lưu kinh tế giữa miền núi với miền xuôi. Những nơi mà Nhà nước chưa thực hiện được hàng hóa đối lưu hai chiều một cách thường xuyên thì cần có chính sách thuế (tạm thời) để có tác dụng khuyến khích sản xuất, lưu thông, góp phần giải quyết khó khăn cho nhân dân. Cần tổ chức rộng rãi các phương tiện vận tải thô sơ như dùng xe trâu, bò kéo, dùng ngựa thồ để khắc phục tình trạng căng thẳng của giao thông vận tải hiện nay. Theo ý chúng tôi, các phương tiện vận tải thô sơ cần được khuyến khích phát triển, sử dụng và đi vào tổ chức quản lý, kinh doanh một cách có kế hoạch và nó còn có vị trí tương đối lâu dài đối với tình hình kinh tế của chúng ta, ít nhất cũng còn cần tới trong vài ba kế hoạch 5 năm nữa.
7. Cần nắm vững tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 3 về đổi mới công tác quản lý kinh tế để từ đó định rõ quy chế phân cấp quản lý đất đai cho tỉnh, huyện và cơ sở. Cần xác định ranh giới trách nhiệm giữa địa phương và ngành Kiểm lâm nhân dân trong việc bảo vệ và khai thác rừng.
8. Để thống nhất các hoạt động nông nghiệp với lâm nghiệp, Hội đồng Bộ trưởng cần quy định rõ chế độ phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa hai ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp từ Trung ương đến các tỉnh miền núi và trung du. Sau khi đã có nghị quyết cần có sự đôn đốc, hướng dẫn điều hành, kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở.
9. Cần có hội nghị bàn về vấn đề tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt để phát triển kinh tế văn hóa miền núi do Hội đồng Bộ trưởng chủ trì. Hội nghị này cần được chuẩn bị kỹ, có biện pháp cụ thể để đem lại kết quả thiết thực. Chúng tôi đề nghị cần sơ kết đánh giá công tác định canh, định cư, công tác đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; công tác thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa gắn liền với công tác phát triển kinh tế - văn hóa trong mối quan hệ và tác động lẫn nhau để có biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, tồn tại đem lại hiệu quả cao trong thời gian tới.
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ làm bàn đạp để phát huy ba thế mạnh về kinh tế của miền núi; khôi phục và phát triển vốn rừng, nhanh chóng phủ xanh đồi trọc trả lại màu mỡ cho đất đai cằn cỗi, bảo đảm phòng hộ môi trường, giữ cân bằng sinh thái từng khu vực và trong cả nước là vấn đề cấp bách trước mắt đồng thời cũng là vấn đề cơ bản lâu dài, vấn đề của miền núi và cũng là vấn đề của cả nước. Đó cũng chính là cơ sở quyết định để thực hiện chính sách dân tộc mà Nghị quyết lần thứ IV và lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Chúng tôi, sau thời gian nghiên cứu, trao đổi với các ngành hữu quan, Hội nghị Hội đồng dân tộc kỳ 4 vừa rồi đã nhất trí quyết định kiến nghị với Quốc hội những vấn đề trên đây để Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội