THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC
CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH
VĂN HÓA - GIÁO DỤC
(Do ông Trần Độ, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và
giáo dục của Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1982)
Thưa Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Trong năm 1982, Ủy ban văn hóa và
giáo dục của Quốc hội thi hành nhiệm vụ của mình bằng cách nghiên cứu tình
hình thực hiện các chính sách về văn hóa, giáo dục, bao gồm: các chính sách
để phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục và các chính sách, chế độ đối với
lao động trong hai lĩnh vực trên.
Chúng tôi đã nghe báo cáo của các
Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Văn hóa, Tổng cục Dạy
nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương.
Chúng tôi đã cử các đoàn đi thăm và tìm hiểu tình hình tại 4 tỉnh ở miền Nam
và miền Trung (Tiền Giang, Cửu Long, Hậu Giang và Nghĩa Bình), 2 tỉnh miền
Bắc (Hà Nam Ninh và Quảng Ninh), trong đó có những cuộc tiếp xúc để nghe ý
kiến và nguyện vọng của các giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục và các
văn nghệ sĩ.
Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội,
chúng tôi được nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, của Ủy ban Kế hoạch Nhà
nước, Bộ Tài chính, v.v. và nắm thêm được một số tình hình, mục tiêu, kế
hoạch của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Dưới đây, chúng tôi xin phép được
phát biểu tóm tắt những kiến nghị của Ủy ban đối với các cơ quan nhà nước về
những vấn đề chúng tôi nghiên cứu:
A- VỀ GIÁO
DỤC:
Nét nổi bật của tình hình phát
triển sự nghiệp giáo dục của ta là đang có hai mâu thuẫn mà mọi người đều
rất quan tâm:
1. Mâu thuẫn giữa sự phát triển
số lượng không thể dừng được và yêu cầu nâng cao chất lượng
giáo dục toàn diện.
2. Số lượng được đào tạo
ngày càng lớn mà khả năng thu nhận của các cơ quan nhà nước còn quá bị hạn
chế.
Chúng ta đang đứng trước tình
hình là:
Một mặt, sự nghiệp giáo dục vẫn
cứ tiếp tục phát triển, do yêu cầu của xã hội, do bản chất của chế độ ta
thúc đẩy; mặt khác, khả năng kinh tế của ta chưa cho phép tăng thêm đầu tư
về vật chất và tài chính mà số đầu tư hiện nay tuy đã cố gắng nhưng vẫn hết
sức ít ỏi so với quy mô của sự nghiệp.
Một mặt, số lượng thanh niên được
giáo dục và đào tạo ngày càng nhiều, mặt khác, khả năng thu nhận của các cơ
quan nhà nước và các cơ sở sản xuất quốc doanh không tăng thêm được nữa.
Những lực lượng trí thức được đào tạo thừa ứ ở các thành phố, còn các vùng
khác trên đất nước (nông thôn, vùng hẻo lánh, miền núi, miền Nam) lại còn
quá thiếu. Số thừa này vẫn đang tiếp tục tăng lên ngày một nhiều.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Nhà
nước cần khẳng định rõ thêm một số chính sách để bảo đảm cho sự nghiệp giáo
dục tiếp tục phát triển và phát triển phù hợp với yêu cầu và khả năng
kinh tế của đất nước. Những chính sách phát triển cần nhằm giải quyết
các mâu thuẫn nói ở trên. Chúng tôi đề nghị:
I- XUNG QUANH
VẤN ĐỀ CƠ CẤU VÀ QUY MÔ
SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
1. Cơ cấu các ngành Giáo dục nên
sớm thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ V và lấy đó làm căn
cứ để tổ chức lại hệ thống quản lý cho phù hợp với hệ thống giáo dục mới,
bao gồm:
a) Giáo dục mầm non (các nhà trẻ
và các lớp mẫu giáo).
b) Giáo dục phổ thông (bao gồm cả
phổ thông cơ sở, phổ thông trung học).
c) Giáo dục chuyên nghiệp (bao
gồm các trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp).
d) Giáo dục đại học và trên đại
học.
2. Cần xác định mục tiêu cụ thể cho mỗi thành phần giáo dục đó.
Về giáo dục mầm non,
cần tiếp tục củng cố và phát triển các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Nên chú
trọng tập trung đầu tư chiều sâu (về cơ sở vật chất, về trình độ và đời sống
giáo viên) để giải quyết tích cực và có hiệu quả việc nâng cao chất lượng
giáo dục, bảo đảm việc hình thành nhân cách cho các cháu một cách lành mạnh
và vững chắc.
Về giáo dục phổ thông cơ sở,
cần bảo đảm cho các cháu đạt tới một trình độ kiến thức toàn diện, cơ bản
và có ý thức hướng nghiệp rõ rệt. Xin nhấn mạnh hơn nữa việc giáo dục
thẩm mỹ, một vài môn nghệ thuật (nhạc, họa), giáo dục thể chất, cần được coi
như những môn học cơ bản, ngang với các môn cơ bản khác như toán, văn, v.v.
trong báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng có ghi: chú trọng giáo dục toàn diện.
Chúng tôi hiểu điều đó bao gồm vấn đề giáo dục thẩm mỹ.
Về giáo dục chuyên nghiệp,
sau phổ thông cơ sở, cần hướng đa số học sinh vào việc học nghề, để các em
đạt tới một trình độ kỹ năng lao động và trình độ nghề nghiệp thích hợp tình
hình phát triển kinh tế ở địa phương, đồng thời có trình độ học vấn trung
học phổ thông, tạo điều kiện cho các em tiếp tục nâng cao trình độ học vấn.
Cần khắc phục tâm lý xã hội của thanh niên và cha mẹ thanh niên là chỉ
chuộng một con đường vào đời: học hết phổ thông, vào đại học, rồi có một vị
trí trong bộ máy Nhà nước.
Như vậy, cần hình thành phổ biến
các loại trường “trung học dạy nghề” và “trung học vừa học vừa làm” bên cạnh
các trường phổ thông trung học, bảo đảm cho học sinh khi tới tuổi thành niên
có một số học sinh có năng khiếu, đủ tiêu chuẩn và điều kiện học tiếp lên
cao, đồng thời, tuyệt đại bộ phận đều có thể có một trong những hình thức
tham gia lao động như:
a) Bổ sung cho số lao động hao
mòn tự nhiên (về hưu, mất sức, thôi việc) trong các cơ sở sản xuất quốc
doanh;
b) Được thu nhận vào những ngành,
những cơ sở sản xuất mới được xây dựng ở địa phương;
c) Là người lao động có kỹ thuật,
có trình độ nghề nghiệp trong các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu, thủ công
nghiệp;
d) Có một nghề có hoạt động dịch
vụ hoặc nhận gia công cho các xí nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã.
Trong khi lao động, thanh niên
vẫn được khuyến khích và có điều kiện nâng cao trình độ học vấn, có thể thi
vào các trường đại học theo một kế hoạch tuyển sinh (chúng tôi sẽ nói tới
sau).
Các loại trường này cần được tổ
chức theo phương pháp: trao cho các cơ sở sản xuất lớn xây dựng và quản lý
theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Những cơ sở sản xuất này
có điều kiện bảo đảm được vật tư, công cụ và kinh phí cho học tập. Có những
hình thức học nghề cần thu học phí. Có thể nghiên cứu để từng bước chuyển
phần lớn các trường cấp III hiện nay sang loại hình trường mới này. Trước
hết, phải có công tác chuẩn bị cho giáo viên làm nhiệm vụ mới; cần có một sự
tính toán hợp lý để giảm bớt kinh phí của Nhà nước vào khu vực phổ thông
trung học và tập trung kinh phí thêm vào khu vực phổ thông cơ sở để mau
chóng thực hiện được mục tiêu phổ cập trình độ phổ thông cơ sở như Nghị
quyết Đại hội V đặt ra. Vì ta không thể tăng thêm tổng số đầu tư cho sự
nghiệp giáo dục, thì cần phải có sự điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn.
Về giáo dục đại học và trên
đại học, phải đạt mục
tiêu:
- Đào tạo những nhân tài thực sự
cho các ngành khoa học tự nhiên và xã hội.
- Đào tạo những cán bộ lãnh đạo
và quản lý có trình độ vững chắc.
- Đào tạo những cán bộ trí thức
kỹ thuật cho các loại cơ sở sản xuất ở cả khu vực tập thể và khu vực nhà
nước.
Muốn bảo đảm chất lượng giáo dục,
chúng tôi đề nghị:
- Nhà nước cần có chính sách
sư phạm thật rõ ràng, thật cụ thể để công tác đào tạo và bồi dưỡng đội
ngũ giáo viên đạt yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức
cao, yêu nghề và giỏi nghề, kịp với đà phát triển của tình hình và nhiệm vụ
mới. Chính sách này cần dành sự ưu tiên đặc biệt cho ngành sư phạm
trong vấn đề tuyển sinh, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, v.v. cho các
trường.
- Phải cải cách công tác tuyển
sinh, để cho các cơ sở sản xuất, các địa phương, đặc biệt là miền núi, miền
Nam, vùng nông thôn hẻo lánh, được gửi đào tạo học sinh do cơ sở và địa
phương chịu phí tổn và kinh phí học tập. Như vậy, kế hoạch tuyển sinh sẽ
khớp với quy hoạch đào tạo và kế hoạch phân phối. Đối với một số vùng, có
thể áp dụng chế độ dự bị đại học có thu hoặc không thu học phí.
- Cần có chính sách học bổng hợp
lý, không bình quân và có tác dụng khuyến khích học giỏi, bồi dưỡng nhân
tài.
*
* *
Những vấn đề đang đặt ra trong sự nghiệp giáo dục là cấp bách và gay gắt, là
mối quan tâm hết sức sâu sắc của cả ngành Giáo dục và của toàn dân, nhất là
những người có con em đang học và sẽ học. Chúng tôi theo dõi và thấy rằng,
các cơ quan nhà nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về
cải cách giáo dục; thực hiện Nghị quyết số 109/CP, ngày 12-3-1981 và Quyết
định số 126/CP ngày 19-3-1981 của Hội đồng Chính phủ về phát triển công tác
dạy nghề và hướng nghiệp trong toàn xã hội cũng như trong ngành Giáo dục.
Chúng tôi tin những kiến nghị của chúng tôi phù hợp với hướng đó và khẳng
định thêm nữa hướng đó, đặt vấn đề bảo đảm cho sự chuyển hướng đó dứt khoát
hơn.
II- VỀ ĐỜI
SỐNG GIÁO VIÊN
Sự nghiệp giáo dục có ý nghĩa
quyết định đối với nhiệm vụ xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trong
đó, những giáo viên của các ngành Giáo dục có vai trò trung tâm trong việc
nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ vào tình hình thực tế của
ta hiện nay, căn cứ vào nguyện vọng của các cán bộ giáo dục và nhiều cử tri
khác, chúng tôi kiến nghị những ý kiến về chính sách, mà tinh thần cơ bản
của nó là đánh giá đúng hơn nữa vai trò xã hội, tính chất, đặc điểm của đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Chính Lênin đã nói rất rõ về vai
trò của giáo viên trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, về cả mặt chính
trị và mặt xã hội: “Chúng ta phải nâng người giáo viên nhân dân ở nước ta
lên một vị trí mà trước đây họ chưa từng có, hiện nay vẫn không có và không
thể có được trong xã hội tư sản. Đây chính là một sự thật không cần chứng
minh nữa. Chúng ta phải tiến tới tình hình ấy bằng cách nâng cao có hệ
thống, kiên nhẫn và liên tục tinh thần của giáo viên, chuẩn bị cho họ mọi
mặt để họ đảm đương sứ mệnh cao cả của họ. Nhưng việc chủ yếu vẫn là và
luôn luôn là “cải thiện đời sống vật chất cho họ” (tôi
nhấn mạnh. T.Đ).
Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục cũng đã nhấn mạnh:
“Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục xã hội chủ nghĩa là những chiến sĩ
cách mạng trên mặt trận tư tưởng và văn hóa” và Nghị quyết khẳng định: “cần
cải tiến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, có
chính sách khen thưởng thích đáng, nhằm khuyến khích những người gương mẫu
tận tâm với nghề nghiệp, được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tín nhiệm”.
Ngày 20 tháng 11 năm 1982 là cái
mốc quan trọng đánh dấu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với ngành
Giáo dục. Cũng như anh chị em giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân
cả nước, Ủy ban chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh việc Nhà nước ta quyết định
lấy ngày 20 tháng 11 là ngày “Nhà giáo Việt Nam” và Hội đồng Bộ trưởng đã
long trọng tổ chức ngày lễ đầu tiên này như một ngày hội của ngành Giáo dục.
Tinh thần chung kiến nghị của chúng tôi là, cần coi giáo viên như một lực
lượng lao động thuộc loại lao động nặng, yêu cầu cả sự cần cù, cường độ lao
động lẫn tài năng sáng tạo và có tác động xã hội quan trọng, có những đặc
điểm nghiệp vụ cần quan tâm. Cụ thể là:
a) Về ăn, đề nghị tăng thêm mức
lương thực hàng tháng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nếu giáo
viên ăn 13kg như nhân viên hành chính, văn thư thì thật không thỏa đáng, vì
họ phải nói, đứng suốt ngày, phải tham gia hoạt động và lao động với học
sinh, phải chấm bài, soạn bài...
b) Về mặc, quan tâm hơn đến nhu
cầu của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giống như áo choàng cho cán bộ
y tế, quân phục cho lực lượng vũ trang và quần áo bảo hộ lao động cho công
nhân; vì giáo viên cần phải xuất hiện trước học sinh cũng như trước xã hội
như một hình ảnh mô phạm về thẩm mỹ và đạo đức. Do yêu cầu thiết thực đó,
một số địa phương đã cấp thêm quần áo cho giáo viên. Nên giải quyết như một
số chế độ chung của Nhà nước.
c) Về điều kiện làm việc, ngoài
việc bảo đảm nơi ở và nơi làm việc, cần tăng kinh phí để cung cấp đủ giấy,
bút soạn giáo án, thuốc chữa bệnh, báo chí, sách vở, phương tiện thông tin
đại chúng cho giáo viên tự nâng cao trình độ.
d) Cần xem lại bậc lương và phương thức nâng lương sao cho tránh sự chênh
lệch giữa các giáo viên với cán bộ kỹ thuật các ngành cùng được đào tạo đại
học, trung học... Nên có nhiều loại giải thưởng cho giáo viên dạy giỏi và
cán bộ quản lý giáo dục tích cực.
e) Nghiên cứu để sớm ban hành
chính sách tặng các loại danh hiệu vinh dự cho giáo viên và các nhà hoạt
động giáo dục, kèm theo chế độ đãi ngộ vật chất.
g) Những người làm công tác giáo
dục đều nhận thức được rằng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cụ
thể và hiện đang còn nghiên cứu thêm những chính sách khác nữa để chăm lo
đời sống cho anh chị em. Nhưng một nguyện vọng chung của giáo viên là mong
muốn Nhà nước đánh giá đúng hơn nữa cường độ lao động, tính chất lao động
của giáo viên và có chính sách rõ rệt biểu thị sự đánh giá đó. Những
giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà chúng tôi tiếp xúc đều có nguyện
vọng yêu cầu sửa lại quy chế của Nhà nước về quỹ bảo trợ học đường; không
nên quy định cả việc sử dụng quỹ này để “cải thiện đời sống giáo viên”, mà
chỉ nên tập trung vào việc xây dựng, sửa chữa cơ sở trường lớp. Còn việc
chăm lo đời sống giáo viên phải do Nhà nước đảm nhiệm và các địa phương, cơ
sở quan tâm giúp đỡ anh chị em những điều kiện cần thiết để lao động, tăng
gia cải thiện thêm.
B- VỀ VĂN HÓA
Chung quanh tình hình văn hóa -
văn nghệ có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cấp
đến mấy kiến nghị để thực hiện vai trò và trách nhiệm của Nhà nước đối với
quá trình phát triển của nền văn hóa - nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ở nước
ta.
I- CHÍNH SÁCH
ĐỂ BẢO ĐẢM XÂY DỰNG VÀ THÚC ĐẨY ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở CƠ SỞ:
Để thực hiện nhiệm vụ này do Nghị
quyết Đại hội Đảng lần thứ V nêu lên, cần phải có một quy chế nhằm:
- Quy định các loại cơ sở dân cư
căn cứ theo tính chất (nông nghiệp, công nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn
vị lực lượng vũ trang, thôn ấp, đường phố...) căn cứ theo quy mô lớn nhỏ,
hình thái (tập trung hay phân tán, xen kẽ) để định ra ba yêu cầu:
+ Yêu cầu về cơ sở vật chất và kỹ
thuật (nhà cửa, máy móc, thiết bị);
+ Yêu cầu về tổ chức biên chế
chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp;
+ Yêu cầu quy định về kinh phí
(tài chính).
- Quy định về trách nhiệm và hiệu
quả hoạt động của các hạt nhân hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cần đánh giá
hiệu quả hoạt động của họ như những thành quả lao động. Hiện nay, có những
nơi, những người coi nó như những hoạt động phù phiếm, không trực tiếp sản
xuất ra của cải vật chất và do đó không coi là lao động, không được tính là
thời gian lao động, không được tính để bình lao động tiên tiến.
- Quy định cụ thể trách nhiệm của
thủ trưởng cơ sở, chính quyền cơ sở, công đoàn và đoàn thanh niên về mặt
tinh thần, tổ chức và kinh phí (tài chính) đối với đời sống văn hóa của các
thành viên ở đấy.
II- CẦN CÓ
CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG ĐỐI VỚI
CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHUYÊN NGHIỆP:
- Cần coi các hội văn học - nghệ
thuật có một vai trò quan trọng trong việc tham gia các quyết định về phát
triển văn hóa - nghệ thuật. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng mỗi năm nên có một
vài lần họp bàn về văn hóa - văn nghệ. Những hội nghị này nên mời tổng thư
ký các hội văn học - nghệ thuật tham dự.
- Cần tạo điều kiện cho các hội
đó có những hoạt động nghề nghiệp có doanh thu để tăng thu nhập, làm vốn
phát triển hoạt động mạnh hơn (như xuất bản, sản xuất, bán các tác phẩm nghệ
thuật, nhận đặt hàng của các cơ quan nhà nước để sáng tạo những công trình
nghệ thuật...) với một số thể chế ưu đãi như miễn thuế, giảm thuế, ngân hàng
cho vay vốn, v.v..
b) Các hội văn nghệ địa phương
(các tỉnh, thành) cần được công nhận là một tổ chức xã hội quan trọng, được
các cơ quan chính quyền, như Ủy ban Kế hoạch, Ty Tài chính coi là một đầu
mối hoạt động quan trọng của xã hội, có kế hoạch hoạt động, có yêu cầu vật
tư và tài chính.
III- CẦN CÓ
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
CÓ KẾ HOẠCH:
Kế hoạch nhà nước 5 năm và 1 năm
cần có ghi những chỉ tiêu phát triển văn hóa - nghệ thuật.
a) Kế hoạch nhà nước cần ghi rõ
những công trình, tác phẩm văn nghệ cần thiết theo yêu cầu tư tưởng văn hóa
của cấp Nhà nước, ghi thành chỉ tiêu, đặt hàng cho các Hội nghệ thuật và
các cơ sở nghệ thuật của Bộ Văn hóa, có cân đối vật tư, tài chính cho
các công trình, tác phẩm này. Ví dụ, những bộ phim, những tiết mục sân khấu,
các công trình mỹ thuật, các chương trình âm nhạc lớn...
Điều này giúp cho các nghệ sĩ có
tài có điều kiện để phát huy tài năng của mình theo sát yêu cầu của cách
mạng, có thể tạo ra được những giá trị lớn trong tài sản tinh thần của nhân
dân, lại bảo đảm cho nghệ sĩ có được mức thu nhập tương đối và do đó đời
sống ổn định để sáng tác.
b) Nhà nước (Hội đồng Bộ trưởng)
cần sớm xác định quy hoạch việc xây dựng các công trình kỷ niệm ở các di
tích lịch sử và thắng cảnh mà Bộ Văn hóa đã có chuẩn bị và xây dựng; chuẩn
bị tài chính và vật tư để đặt hàng cho các lực lượng nghệ thuật (qua Bộ Văn
hóa hoặc qua các Hội nghệ thuật).
c) Trong kế hoạch nhà nước cần cố
gắng dành các loại vật tư quý và hiếm mà số lượng yêu cầu không lớn nhưng
rất cần thiết cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật, không nên chỉ tập trung
vào hai loại vật tư có yêu cầu khối lượng lớn như giấy, phim ảnh, mà còn có
những loại vật tư như vải vóc, sơn, vàng, bạc, gỗ, thạch cao, bột màu, v.v..
Các loại vật tư này các nghệ sĩ và các cơ quan văn hóa thông tin ở tỉnh,
huyện đều phải chạy ngoài, mua với giá rất đắt. Hiện nay, có loại vật tư
không bảo đảm chất lượng (như sơn ta, vàng, bạc) làm cho nhiều tác phẩm và
đồ mỹ nghệ sơn mài của ta bị giảm tín nhiệm nghiêm trọng trên quốc tế.
d) Các chỉ tiêu về văn hóa - văn
nghệ phải được coi là những yêu cầu phát triển sự nghiệp, là những nhiệm vụ
chính trị - xã hội quan trọng, chứ không phải chỉ như là phương tiện để thực
hiện các nhiệm vụ kinh tế.
Lênin đã nói: “Chính quyền Xô
viết phải là người bảo trợ và là người đặt hàng cho các nghệ
sĩ” và Đảng và Nhà nước phải “hoàn toàn chỉ đạo quá trình đó một cách có kế
hoạch và tạo nên kết quả của nó” (Lênin nói chuyện với Clara Zetkin, hồi ký
của Clara Zetkin). Chúng tôi cho rằng, đề nghị vừa nêu của chúng tôi thấm
nhuần tinh thần đó của Lênin.
e) Đề nghị sớm ban hành Luật bản
quyền tác giả và gấp rút cải tiến chế độ nhuận bút cho kịp tình hình sinh
hoạt hiện nay và cho thống nhất trong cả nước.
4. Cần xác định ngành văn hóa,
ngoài nhiệm vụ chính thức và chủ yếu là phục vụ mục đích chính trị, tư tưởng
của Đảng và Nhà nước, còn có nhiệm vụ kinh tế, nghĩa là có hạch toán, doanh
thu để giảm bớt chi phí của Nhà nước. Song, mỗi lĩnh vực hoạt động văn hóa
lại có những tính chất khác nhau, vì vậy, ngành cần có sự chỉ đạo và phân
công cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động để lĩnh vực nào có khả năng doanh
thu thì có thể phát huy khả năng hơn nữa và lĩnh vực nào cần bù lỗ vẫn đủ
điều kiện hoạt động. Có như thế, chúng ta mới huy động được sự đóng góp của
quần chúng (trực tiếp hoặc gián tiếp) và thực hiện được đúng đắn phương châm
“Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong sự nghiệp phát triển văn hóa - nghệ
thuật xã hội chủ nghĩa, không nên chỉ đề ra nhất loạt là các hoạt động văn
hóa phải lấy thu bù chi. Ý kiến của Bộ Tài chính, yêu cầu các đoàn văn công
và các đội chiếu bóng lấy thu bù chi, không có trợ cấp của Nhà nước,
cũng như các trạm, trại và các trạm bơm thủy lợi, là không thích hợp và
không thực hiện được. Nếu cứ thực hiện như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng
“thương mại hóa” nghệ thuật và đẩy các hoạt động sân khấu phải chạy theo thị
hiếu tầm thường của quần chúng để “tự nuôi sống mình” và phát triển sự
nghiệp.
5. Cần có một chính sách nghệ
thuật cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Đảng là khuyến khích mọi
tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tài năng và phong cách nghệ thuật trong lĩnh
vực văn hóa - văn nghệ.
Trước hết, chính sách này cần quy
định rõ chế độ trách nhiệm trong việc đánh giá, sử dụng tác phẩm nghệ thuật
hay tiết mục văn nghệ; tránh tình trạng có nhiều cấp, nhiều người cùng một
lúc đều có quyền quyết định giá trị và số phận của một tác phẩm nghệ thuật
hay tiết mục văn nghệ khi nó ra đời, mà những quyết định này thường hay trái
ngược nhau.
Quyền quyết định này, cần được
quy định cụ thể là thuộc cơ quan văn hóa của Nhà nước ở các cấp mà thủ
trưởng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa... chịu trách nhiệm. Để
bảo đảm cho những quyết định đó được đúng đắn, sáng suốt, thủ trưởng của các
cấp trong ngành văn hóa nên và cần thiết phải thành lập Hội đồng nghệ
thuật với chức năng tư vấn để chuẩn bị mọi quyết định cho mình.
Các cấp lãnh đạo của Đảng cần chỉ
đạo và kiểm tra công tác này qua các cơ quan chính quyền và qua công tác lý
luận phê bình. Công tác phê bình rất cần thiết với những tác phẩm, tiết mục
mới ra đời, đang được sử dụng, cũng như với những tác phẩm đã tồn tại với
quần chúng hàng mấy trăm năm, nó sẽ làm phong phú thêm sự sáng tạo của tác
giả và sự hưởng thụ của quần chúng.
Nếu chính sách nghệ thuật
trên đây được thực hiện tốt sẽ bảo đảm cho sự ổn định của quy trình sáng tạo
và tiếp xúc công chúng của tác phẩm, tiết mục, tạo điều kiện để khuyến khích
các tài năng và phong cách nghệ thuật mới phát triển theo đúng yêu cầu của
nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những điều mong muốn thiết
tha và phổ biến của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ mà Ủy ban
chúng tôi đã tiếp xúc.
Thưa Quốc hội,
Chế độ ta ưu việt, Đảng và Nhà
nước hết sức chăm lo đến nhu cầu văn hóa và học tập của nhân dân, hết sức
khuyến khích sự sáng tạo, thật sự tôn trọng nhân cách và tài năng của các
nghệ sĩ, trí thức.
Điều này cần được thể hiện rõ hơn
nữa trong những chính sách như chúng tôi đề nghị, để giải quyết được một
phần tình hình khó khăn của chúng ta, thúc đẩy việc xây dựng một nền văn hóa
mới xã hội chủ nghĩa; như vậy, tự nó cũng có ý nghĩa đấu tranh đẩy lùi và
xóa bỏ các loại văn hóa phản động, khắc phục được những chỗ sơ hở, yếu kém
mà kẻ địch hay lợi dụng. Trong đấu tranh văn hóa thì việc xây dựng để đấu
tranh có ý nghĩa tích cực và quyết định.
Chúng tôi mong những kiến nghị
trên được các đại biểu Quốc hội chú ý và các cơ quan nhà nước quan tâm. Đồng
thời, chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp đã quan tâm, cần quan tâm hơn
nữa đến lĩnh vực văn hóa - văn nghệ - giáo dục, tìm hiểu kỹ hơn những đặc
điểm, yêu cầu của các hoạt động văn hóa - giáo dục, những nguyện vọng và ý
kiến xây dựng của các nhà giáo, các văn nghệ sĩ trong hoạt động và đời sống
của họ, để có thể thực hiện một cách sáng tạo các chính sách đã có và sẽ có
của Đảng và Nhà nước, làm cho sự nghiệp văn hóa - giáo dục có nhiều thành
tích lớn hơn. Đó cũng là nguyện vọng tha thiết của những người công tác
trong ngành Giáo dục và Văn hóa, các nghệ sĩ đề đạt với Quốc hội.
Cảm ơn và chúc sức khỏe các vị
đại biểu Quốc hội.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội