THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN Y TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ MẶT CÔNG TÁC THUỘC CÁC LĨNH VỰC Y TẾ, XÃ HỘI, THỂ DỤC THỂ THAO Ở MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ
(Do ông Dương Quốc Chính, Chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 4,Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1982)
Thưa Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Thực hiện nhiệm vụ thứ 3 và thứ 4
của một Ủy ban thường trực của Quốc hội, theo Điều 47 của Luật tổ chức Quốc
hội và Hội đồng Nhà nước quy định, năm 1982, Ủy ban y tế và xã hội của Quốc
hội đã tiến hành tìm hiểu một số mặt công tác thuộc các lĩnh vực y tế, xã
hội, thể dục thể thao ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh
Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Phú Khánh, Đắc Lắc, Hậu Giang, Minh
Hải; đã làm việc với Bộ Y tế, Bộ Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thể dục
Thể thao.
Qua xem xét tại chỗ và làm việc
với các ngành hữu quan, Ủy ban chúng tôi nhận thấy rằng: trong năm 1982, các
ngành Y tế, Thương binh - Xã hội, thể dục thể thao đã khắc phục nhiều khó
khăn trong hoàn cảnh kinh tế và đời sống xã hội còn thiếu thốn, chật vật và
mất cân đối giữa chỉ tiêu kế hoạch được giao với khả năng bảo đảm cung ứng
thiết bị, vật tư, tài chính của Nhà nước, để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của
ngành.
Các kiến nghị của Ủy ban nêu ra
với ba ngành tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và sau mỗi đợt Ủy ban cử các đoàn
đi xem xét tình hình tại các địa phương, đã được các ngành tiếp thu, nghiên
cứu và quan tâm đáp ứng.
Do hoàn cảnh khó khăn chung của
cả nước, ngành Y tế đã có những cố gắng không ngừng để duy trì và phát triển
các hoạt động bảo vệ sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng rộng khắp màng
lưới ở cơ sở, tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác y tế và chăm
lo đời sống cán bộ của mình ở xã, giải quyết yêu cầu thuốc men của nhân dân.
Ngành Thương binh - Xã hội
đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận thương binh, liệt sĩ và đang đi sâu dần
vào quản lý các đối tượng hưởng chính sách thương binh và xã hội. Năm 1982,
ngành cũng đã nghiên cứu trình Nhà nước sửa đổi, bổ sung thêm một số chế độ,
chính sách đối với một số đối tượng cho phù hợp với tình hình mới là phấn
đấu đẩy mạnh từng bước phong trào quần chúng chấp hành chính sách, chăm lo
đời sống của các đối tượng và làm công tác cứu trợ kịp thời với nơi gặp khó
khăn.
Ngành Thể dục Thể thao,
trong tình hình thiếu thốn về nhiều mặt, đã phấn đấu duy trì và củng cố
phong trào thể dục thể thao quần chúng trong các đối tượng chủ yếu: học
sinh, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và trong đối tượng người già ở
một số thành phố. Phong trào đã bắt đầu hình thành ở nhiều huyện và các
ngành... Mỗi năm ngành cũng đã nâng cao được một số thành tích thể thao đáng
kể so với năm trước.
Tuy nhiên,
công tác của các ngành Y tế, Thương binh - Xã hội, Thể dục Thể thao còn có
thể phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp hơn nữa nếu được mọi cấp, mọi ngành, mọi
người hỗ trợ tận tình với khả năng sẵn có để khắc phục các khó khăn hiện
nay. Cụ thể là:
1. Khó khăn do
nhận thức tư tưởng của quần chúng và cả của một số cấp ủy, đoàn thể, cán bộ
chính quyền
Công tác giáo dục, tuyên truyền,
giải thích của chúng ta, cả về bề rộng lẫn bề sâu, chưa phải đã làm cho mọi
người đều hiểu và quan niệm được đầy đủ về nhiệm vụ của công tác y tế, xã
hội, thể dục thể thao không những mang ý nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa
chính trị, kinh tế rất to lớn. Làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân
dân, cho người lao động chủ lực thực hiện kế hoạch nhà nước và phát triển
kinh tế - xã hội, làm tốt công tác hậu phương quân đội, chăm sóc người có
công, giúp đỡ tốt những thành viên xã hội gặp khó khăn trong cuộc sống là
trực tiếp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt
công tác thể dục thể thao sẽ tăng cường thể chất của nhân dân, nâng cao sức
chiến đấu của lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới,
con người mới xã hội chủ nghĩa.
Chính do từ nhận thức tư tưởng
trên chưa được thông suốt, rộng rãi, sâu sắc nên hiện nay, các phong trào
“sạch nhà, gọn phố, đẹp Thủ đô”, “sạch làng, tốt ruộng”, “thể dục và vệ sinh
phòng bệnh” mà trước đây đã từng sôi nổi ở nơi này hay nơi khác, nay hầu như
không còn được nhắc nhở nhiều tới nữa. Các quy tắc trật tự, vệ sinh nơi công
cộng không được tôn trọng. Nhiều bệnh viện ở thành phố phải nhận số người
bệnh quá mức phục vụ của nó và nhà cửa hư hỏng nhiều nhưng không được sửa
chữa, xây thêm. Hai ngành Y tế, Thể dục Thể thao không được tham khảo ý kiến
để đóng góp vào các quy hoạch xây dựng công trình ở đô thị; các cuộc điều
tra “tiện, bất tiện” không được tiến hành khi chọn địa điểm xây dựng các nhà
máy... Do đó, nhiều xí nghiệp công nghiệp có chất thải đã gây ô nhiễm (bụi,
khí độc, tiếng ồn) cho các khu đông dân cư. Các trường học, các nhà máy, cơ
quan, v.v. không dành chỗ xây sân bãi tập thể dục thể thao cho học sinh,
công nhân, viên chức. Các sân bãi đã ít ỏi so với mật độ dân số ở đô thị,
còn bị đe dọa lấy làm mặt bằng xây dựng nhà ở (sân tập trường Bách khoa, sân
tập và trường bắn phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Một số công trình kiến trúc phục
vụ cho tập luyện thể dục thể thao trước kia, hiện nay bị sử dụng vào công
việc khác: nhà tập của học viện sư phạm Huế nay dùng làm nhà ăn cho sinh
viên, cơ sở “L'acceuil” ở Huế nay thành xưởng mộc...
Khó khăn do thiếu những văn bản
pháp quy cần thiết để giúp các ngành thống nhất chỉ đạo việc thực hiện nhiệm
vụ được giao.
Tuy văn bản pháp quy về ba lĩnh
vực công tác trên đã có nhiều, song chưa đầy đủ, nhất là những văn bản quy
định việc phân công, phân nhiệm cụ thể giữa các ngành liên đới đến một số
vấn đề chung. Ví dụ:
- Giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp
có vấn đề: trồng cây dược liệu và sản xuất vắcxin phòng dại cho gia súc
(chó, mèo...).
- Giữa Bộ Y tế và Ủy ban Kế hoạch
Nhà nước, Bộ Ngoại thương: có vấn đề quy hoạch, kế hoạch sản xuất và thu mua
cây dược liệu.
- Giữa Bộ Y tế
và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có vấn đề chỉ tiêu pháp lệnh về phát triển dân
số.
- Giữa Bộ Y tế và Bộ Thương binh
- Xã hội có vấn đề các trại lao, trại tâm thần và vấn đề giải quyết số người
mắc bệnh phong (hủi, cùi) đã khỏi nhưng bị tật nguyền.
- Giữa Bộ Thương binh - Xã hội và
Bộ Giáo dục có vấn đề giáo dục trẻ em bị tật nguyền.
- Giữa Bộ Thương binh - Xã hội và
Bộ Nội vụ có vấn đề cải hóa gái điếm, bụi đời và số trẻ em mới hư hỏng.
- Việc sáp nhập Y tế với Thể dục
thể thao và tổ chức Lao động, Thương binh, Xã hội ở cấp huyện cũng đang gây
trở ngại cho công tác của các ngành, không rõ ràng về trách nhiệm, không ổn
định về tổ chức, không tích lũy được kinh nghiệm, v.v. mà rất nhiều nơi đã
đề đạt ý kiến về vấn đề này.
- Việc buôn bán thuốc men trên
thị trường tự do cũng chưa có được những quy định chặt chẽ để ngăn ngừa bọn
buôn lậu đang làm giàu và có thể làm hại cả sinh mạng của con người.
- Việc khám, chữa bệnh ngoài giờ
của một số y, bác sĩ cũng cần được xem xét, quy định, hướng dẫn rõ ràng,
thống nhất để khuyến khích người làm đúng, làm tốt, ngăn chặn những người
hành nghề với mục đích sai trái với lương tâm và danh dự của người thày
thuốc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Do thiếu pháp luật, những vấn đề
trên chưa được giải quyết một cách thống nhất và cơ bản trong các địa phương
cả nước.
Một ví dụ
khác: trong sự nghiệp y tế, xã hội, thể dục thể thao, phương châm “Nhà nước
và nhân dân cùng làm” “Trung ương và địa phương cùng làm” là rất thích hợp
cho giai đoạn kinh tế hiện nay của nước nhà, song vì chưa có văn bản pháp
luật cụ thể hóa tỷ lệ đầu tư của ngân sách nhà nước, mức độ huy động sự đóng
góp của nhân dân vào việc phát triển ba sự nghiệp này, việc vận dụng các
phương châm trên ở mỗi cấp, mỗi địa phương còn tùy theo sự hiểu biết của mỗi
nơi nên thực hiện còn rất khác nhau, có thể dẫn đến có những lệch lạc đáng
tiếc.
3. Khó khăn do
cơ sở vật chất, kỹ thuật của các ngành còn quá thiếu thốn, nghèo nàn
a) Các bệnh viện hầu hết đều phải thu, nhận người bệnh quá sức của mình và
rất thiếu thuốc men, y cụ, nhất là thuốc kháng sinh và những thứ cần cho mổ
xẻ; nhà cửa nhiều nơi cần phải sửa chữa hoặc xây mới thêm nữa để bảo đảm vệ
sinh cho bệnh viện. Một số bệnh viện xây dựng 3-4 năm vẫn chưa xong vì thiếu
vốn đầu tư, nguyên vật liệu, v.v. (bệnh viện Krông Pac, Đắc Lắc; bệnh viện
Tam Điệp, bệnh viện Phụ sản, Hà Nam Ninh). Các cơ sở sản xuất dược phẩm
nhiều nơi còn chật hẹp, trang thiết bị cũ kỹ, nghèo nàn, kể cả điều kiện vệ
sinh đảm bảo cho sản xuất cũng chưa tốt.
b) Các trại an dưỡng, điều dưỡng
thương binh thiếu thốn tiện nghi, phương tiện chuyên dùng cho người tàn phế
(xe cấp cứu, xe lắc, xe lăn). Do thiếu trại nuôi dưỡng nên các người lang
thang, xin ăn, người bệnh tâm thần mãn tính sống lê la ngoài xã hội, ảnh
hưởng không tốt đến sinh hoạt chung, đến trật tự an ninh xã hội, đến vệ sinh
và mỹ quan thành phố. Cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng Ba Vì xây dựng
đã 10 năm cũng vẫn chưa hoàn thành; các cơ sở phục hồi chức năng khác chưa
được cung cấp đủ nhựa làm chân tay giả, gỗ chuyên dùng làm nạng, v.v. tuy số
lượng không phải là nhiều.
c) Các sân bãi phục vụ phong trào
quần chúng rèn luyện thân thể quá ít ỏi, do đó một số thiếu niên (thậm chí
cả thanh niên) còn chơi bóng, cầu lông, v.v. giữa đường phố, gây nguy hiểm
cho giao thông, một số không ít khác bị thu hút vào các trò giải trí không
lành mạnh. Ngay Thủ đô Hà Nội cũng chưa có các công trình thể dục thể thao
tiêu biểu, như sân vận động quốc gia, cung thể thao quốc gia - những cơ sở
tối thiểu của Thủ đô một nước. Từ đó, cũng dẫn đến tình hình phong trào thể
dục thể thao quần chúng chưa có điều kiện để phát triển đều khắp. Lực lượng
vận động viên do đó cũng quá mỏng, lực lượng dự bị, kế thừa rất ít ỏi. Trình
độ, thành tích thể thao chưa thật cao.
4. Khó khăn do
nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên của ba ngành
chưa thật thỏa đáng
Mặc dù trong
những năm gần đây, Nhà nước ta đã ban hành bổ sung một số chính sách, chế độ
đối với cán bộ y tế cũng như đối với các cán bộ, công nhân viên khác, nhưng
so với công sức, kỹ năng lao động và so với thời giá thì nhiều chính sách,
chế độ vẫn chưa tạo điều kiện tốt cho những người làm công tác y tế, thể dục
thể thao và thương binh - xã hội, ví dụ:
a) Chế độ bồi dưỡng đối với cán
bộ y tế còn thấp và chưa đáp ứng kịp thời bằng hiện vật.
b) Chế độ, chính sách đối với cán
bộ y tế và cán bộ cơ sở ở các vùng cao, vùng sâu, hải đảo và nông thôn chưa
khuyến khích được nhiều người tới đó công tác.
c) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng
và sử dụng ổn định cán bộ làm công tác thương binh và xã hội, nhất là ở các
cơ sở chưa được quan tâm chu đáo.
d) Chế độ, chính sách đối với các
đối tượng thương binh xã hội không còn phù hợp với tình hình xã hội cũng như
thời giá. Những chính sách mới sửa đổi, bổ sung chưa tương xứng với sự thay
đổi của giá cả thị trường và chưa thể hiện được sự chăm lo thỏa đáng đối với
người có công, với người có nhiều khó khăn trong xã hội.
đ) Chế độ đối với những cán bộ thể dục thể thao dạy các lớp năng khiếu, các
cán bộ thể dục thể thao ở cơ sở, các vận động viên quốc gia và địa phương
chưa đúng với khả năng và tầm cỡ của họ. Chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc vận
động viên cũng chưa tạo điều kiện cho đội ngũ này có đủ điều kiện phát huy
hết năng lực của mình.
Từ tình hình trên, để từng bước
thực hiện Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V về công tác y tế,
xã hội, thể dục thể thao, trong điều kiện cụ thể của nền kinh tế nước nhà
hiện nay, Ủy ban y tế và xã hội chúng tôi kiến nghị Quốc hội lưu ý Hội đồng
Bộ trưởng, các ngành có liên quan, các đoàn thể, các chính quyền một số vấn
đề cấp thiết sau đây:
Làm tốt hơn nữa công tác tuyên
truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội ta về ý nghĩa to
lớn của sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, giảm tỷ lệ phát triển dân số, tăng cường
thể chất của nhân dân, của công tác ổn định hậu phương quân đội, của việc
phát huy truyền thống dân tộc và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tiến tới hình thành lại các phong trào “thể dục vệ sinh”, “khỏe để xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc”. Củng cố và nâng cao chất lượng phong trào đền ơn đáp
nghĩa các đối tượng có công với cách mạng. Đề cao tinh thần “cưu mang giúp
đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách” sẵn có của người Việt Nam.
Làm quán triệt sâu sắc và rộng
khắp tinh thần Nghị quyết Đại hội V:
“Bảo vệ sức khỏe của nhân dân là
một nhiệm vụ cách mạng cao cả” (Nghị quyết Đại hội V, t. 1, tr. 106).
“Đẩy mạnh giáo dục, vận động và
kiên quyết áp dụng một số biện pháp hành chính - kinh tế, đồng thời, tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện phong trào sinh đẻ có kế hoạch,
để giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7%
vào năm 1985” (Báo cáo của đồng chí Phạm Văn Đồng tại Đại hội Đảng lần thứ
V).
“Thể dục thể thao là một bộ phận
quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới,
con người mới. Đảng và Nhà nước phải chăm lo hơn nữa phát triển thể dục thể
thao nhằm góp phần tăng cường sức khỏe của nhân dân, xây dựng những phẩm
chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa...” (Nghị quyết Đại hội V,
t. 1, tr. 104).
“Thể hiện truyền thống đền ơn đáp
nghĩa đối với những người có công với nước... các cấp ủy Đảng, chính quyền
và các đoàn thể phải có sự quan tâm thường xuyên và chấp hành đầy đủ chính
sách đối với thương binh và gia đình liệt
sĩ...” (Nghị quyết Đại hội V, t. 1, tr. 107).
Quán triệt được sâu rộng những
nội dung trên, các ngành, các cấp, các đoàn thể sẽ dành cho công tác y tế,
xã hội, thể dục thể thao sự quan tâm thích đáng cả về mặt vật chất, tinh
thần để hoàn thành nhiệm vụ.
Về biện pháp thực hiện công tác
tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của quần chúng, chúng tôi đề nghị
cụ thể như sau:
1. Yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực thông tin đại chúng:
báo chí, xuất bản, phát thanh, thông tin cổ động, vô tuyến truyền hình, văn
học - nghệ thuật trong công tác kế hoạch hóa chương trình của ngành, dành tỷ
lệ thích đáng công suất, khối lượng thông tin, tuyên truyền cho các hoạt
động y tế, thể dục thể thao, thương binh - xã hội, sinh đẻ có kế hoạch, góp
phần nâng cao nhận thức tư tưởng cho nhân dân để tiến tới một cao trào thể
dục vệ sinh yêu nước mới, một phong trào đền ơn, đáp nghĩa thường xuyên,
liên tục, vững bền và tự giác, chân thành của mọi người.
2. Khẩn trương xây dựng có hệ
thống và hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về các lĩnh vực y tế, thể dục thể
thao và thương binh xã hội.
Trong khi chờ đợi việc xây dựng
hệ thống văn bản nêu trên, ủy ban chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng rà
soát lại việc phân công giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa một số
ngành, Bộ, đã nêu trên, để sớm có quyết định phân công, phân nhiệm cụ thể,
cho các ngành có cơ sở pháp lý để xúc tiến công việc, những công việc hết
sức cấp bách và có tác dụng không nhỏ trong việc hoàn thành những phương
hướng, nhiệm vụ kế hoạch nhà nước từ năm 1983 đến năm 1985.
Làm như vậy
cũng chính là “hợp lý hóa sự phân công giữa
các bộ” như
Nghị quyết
Đại hội V đã chỉ ra (Nghị
quyết Đại hội V, t. 2, tr. 80) khắc
phục tình trạng trì trệ, đùn đẩy, chờ đợi nhau giữa các ngành.
3. Thực hiện tốt phương hướng,
nhiệm vụ của ba ngành y tế, thể dục thể thao, thương binh - xã hội đã được
nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V (những trang 70, 104, 105,
106) nêu lên phương hướng, nhiệm vụ này Nghị quyết đã nhấn mạnh:
Song song với yêu cầu phát triển
và nâng cao chất lượng công tác y tế, xã hội thể dục thể thao, cần quan tâm
đến vấn đề “đầu tư thích đáng cho ngành Y tế”, “từng bước tăng thêm cơ sở
vật chất, kỹ thuật của thể dục - thể thao”, “củng cố các trại, các cơ sở, mở
rộng việc dạy nghề cho thương binh”, v.v. đó là những yếu tố quan trọng, tạo
điều kiện cho ba ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị rất vẻ vang và cũng rất
nặng nề, phức tạp.
Để góp phần vào việc thực hiện
tốt phương hướng, nhiệm vụ đã nêu trên và hoàn thành toàn diện phương hướng,
nhiệm vụ kế hoạch nhà nước từ năm 1983 đến năm 1985, Ủy ban y tế và xã hội
chúng tôi xin nêu kiến nghị thứ ba như sau:
a) Đề nghị ghi
thành chỉ tiêu pháp lệnh trong phương hướng nhiệm vụ kế hoạch nhà nước từ
năm 1983 đến năm 1985: nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các
ngành Y tế - Xã hội, Thể dục - Thể thao và cân đối vật tư, thiết bị, tài
chính để bảo đảm cho kế hoạch đó được thực hiện phù hợp với yêu cầu và khả
năng của nền kinh tế quốc dân.
b) Theo phương châm “Trung ương
và địa phương cùng làm, ba cấp cùng làm” ngoài số đầu tư của Nhà nước, đề
nghị các địa phương động viên khả năng của nhân dân, của các cơ sở, các đoàn
thể để góp phần phát triển sự nghiệp y tế, thể dục - thể thao, thương binh -
xã hội; tăng cường và củng cố các cơ sở vật chất kỹ thuật đã có, điều chỉnh
để sử dụng hợp lý các cơ sở vật chất của ba ngành hiện đang được dùng vào
mục đích khác. Quan tâm trang thiết bị tối thiểu cho các cơ sở; gấp rút hoàn
thành các công trình dở dang để sớm đưa vào phục vụ.
c) Đề nghị Tổng Công đoàn nghiên
cứu hướng dẫn và quy định việc sử dụng quỹ phúc lợi của các xí nghiệp, các
cơ sở sản xuất vào mục đích bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể chất của cán bộ,
công nhân đoàn viên công đoàn ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ V (t. 2, tr. 69).
d) Trên cơ sở xác định rõ vai
trò, vị trí của ba ngành, đề nghị Nhà nước sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ
sung, cải tiến các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân viên ba
ngành cũng như các chế độ, chính sách đối với các đối tượng mà các ngành
phục vụ (đối với bệnh nhân; đối với vận động viên; đối với thương binh, gia
đình liệt sĩ, người nghỉ hưu, mất sức, đối với các đối tượng xã hội và chính
sách khuyến khích, động viên sinh đẻ có kế hoạch...) cho phù hợp với tình
hình mới để các ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đối
tượng các ngành phục vụ thật sự được hưởng những điều tốt đẹp do Nhà nước đã
ban hành trên các lĩnh vực y tế, thương binh - xã hội, thể dục - thể thao.
Thưa các đồng chí đại biểu
Quốc hội,
Đảng và Nhà nước cũng như mỗi người chúng ta đều tha thiết mong muốn được
thấy sau hơn 30 năm chiến tranh ác liệt, sức khỏe của nhân dân ta sớm được
phục hồi, bảo vệ và nâng cao trong môi trường sống ngày càng vệ sinh, sạch
đẹp; trong nếp sống văn minh tươi sáng; mong muốn bệnh tật và tệ nạn xã hội
mau chóng được tích cực đẩy lùi và thanh toán; mong muốn tận tình và chu đáo
đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng; mong muốn những người
khó khăn, cơ nhỡ, tật nguyền được cứu trợ, chăm nom. Những yêu cầu đó đã
được ghi thành mục tiêu phấn đấu của các ngành Y tế, Thể dục - Thể thao,
Thương binh - Xã hội.
Ủy ban y tế và xã hội chúng tôi
trân trọng đề xuất một số kiến nghị trên đây với lòng tin tưởng sẽ được Quốc
hội, Hội đồng Bộ trưởng, các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm nghiên
cứu giải quyết, tạo điều kiện cho các ngành Y tế, Thể dục - Thể thao, Thương
binh - Xã hội góp phần cùng các ngành khác đạt được các mục tiêu phấn đấu
của đất nước trong những năm 1983 - 1985 mà Đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra.
Xin cảm ơn và
chúc sức khỏe các vị đại biểu.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội