BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHẦN CHUNG BỘ LUẬT HÌNH SỰ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Do ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1982)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin trình Quốc hội bản báo cáo thẩm tra về Phần chung Bộ luật hình sự.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nhiều đến công tác xây dựng pháp luật và thực hiện pháp chế cách mạng.
Cho đến nay, Nhà nước ta đã ban hành ba bản Hiến pháp nhằm thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, củng cố bằng các loại chế định pháp lý những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, đưa nước ta không ngừng tiến lên.
Để thi hành Hiến pháp, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ giải quyết những vấn đề cấp bách do tình hình đặt ra. Hiện nay, ta đã có hàng nghìn văn bản pháp luật thuộc mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, trong đó, pháp luật hình sự có một vị trí đặc biệt quan trọng. Những văn bản pháp luật hình sự được ban hành cho đến nay đã phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo vệ chế độ ta, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa những hành vi phạm tội, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược do Đảng ta đề ra.
Song, pháp luật hình sự của ta cũng có một số nhược điểm: tính hệ thống còn có phần chưa chặt chẽ, nội dung có khi mâu thuẫn nhau hoặc chưa thể hiện được thật sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, do đó, không tránh khỏi một số mặt hạn chế trong quá trình đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Vì vậy, tiếp theo bản Hiến pháp năm 1980, việc dự thảo và ban hành Bộ luật hình sự rõ ràng có ý nghĩa chính trị rất lớn, đáp ứng kịp thời sự mong đợi thiết tha của nhân dân ta sau khi nước nhà đã được thống nhất và hoàn toàn độc lập, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, phục vụ tốt yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa mà các Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và Đại hội lần thứ V của Đảng ta đã đề ra.
I- NHẬN XÉT CHUNG VỀ BẢN DỰ THẢO
PHẦN CHUNG BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự đã được Ban dự thảo của Hội đồng Bộ trưởng soạn thảo rất công phu. Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp ba kỳ toàn thể và thường trực Ủy ban đã nhiều lần làm việc, để góp ý kiến bổ sung và sửa chữa những vấn đề cần thiết. Mặt khác, bản Dự thảo cũng đã được các đại biểu Quốc hội, đông đảo cán bộ các ngành, các cấp tham gia thảo luận trong đợt trưng cầu ý kiến vừa qua. Ban dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến trên đây, đã cố gắng sửa chữa và bổ sung khá chu đáo thành bản dự thảo đệ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp lần này.
Đối với bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự, Ủy ban pháp luật của Quốc hội xin nêu một số nhận xét chung sau đây:
1. Dưới ánh sáng của các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của Nhà nước ta trong gần 40 năm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đồng thời, tiếp thu một cách có phân tích và chọn lọc những kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và những thành tựu của khoa học pháp lý hình sự hiện đại, bản Dự thảo đã thể hiện được một cách có hệ thống những vấn đề có tính nguyên tắc, phù hợp với thực tế cách mạng Việt Nam.
Từ nhiệm vụ của Bộ luật đến các căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự, đến hiệu lực của Bộ luật trong thời gian và trong không gian (trên lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); từ những nguyên tắc quy định tội phạm đến các loại hình phạt; từ những nguyên tắc định hình phạt đến quá trình người bị án chấp hành hình phạt, bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự đã đề cập khá đầy đủ những vấn đề cần thiết có tác dụng chỉ đạo trong luật hình sự Việt Nam.
2. Bản Dự thảo đã thể hiện được về cơ bản chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, thấm nhuần tính giai cấp vô sản và tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trên lĩnh vực pháp luật hình sự, chủ yếu là trên 4 mặt như sau:
a) Nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; những kẻ ngoan cố chống đối, lưu manh côn đồ, tái phạm; những kẻ biến chất, sa đọa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; những kẻ phạm tội có tổ chức, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với những người thật thà hối cải, tự thú, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.
b) Trừng trị người phạm tội hoàn toàn không có nghĩa là xã hội “trả thù” hay “hành hạ” người phạm tội, mà chính là nhằm làm cho người phạm tội thông qua đó mà thấy được tội lỗi của mình và có cơ hội để cải tạo thành người công dân tốt, có ích cho xã hội, đồng thời, làm cho những người khác trông gương mà tránh, khỏi đi vào con đường phạm tội.
Các loại hình phạt đã được đặt ra từ thấp đến cao và được áp dụng thích hợp với từng loại tội phạm và từng mức độ phạm tội, chính là để tạo điều kiện cho người phạm tội nhận thức được tội lỗi của mình, nhận thức được sự cần thiết phải phấn đấu để trở thành người tốt. Tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa còn được thể hiện trong việc đặt ra tính hình phạt cải tạo không giam giữ và một loạt chế định mới như chế định xóa án, quy định thời hiệu (tức hiệu lực của thời gian) để tha miễn việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để tha miễn việc chấp hành hình phạt, v.v..
Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, hoặc phạm tội nghiêm trọng nhưng là do vô ý và được một cơ quan hoặc một tổ chức xã hội bảo lãnh. Đây là một xu hướng tiến bộ trong vấn đề hình phạt. Tác dụng tích cực của nó trước hết là: người phạm tội không phải cách ly khỏi xã hội để có điều kiện được xã hội giám sát và giáo dục; người phạm tội không phải ở trong môi trường bị giam giữ chung với những kẻ phạm tội nặng, do đó mà tránh được tình trạng bị tiêm nhiễm xấu thêm.
Các chế định về thời hiệu là nhằm giải quyết một vấn đề thực tế quan trọng: đối với những tội phạm hoặc những bản án tuyên đã quá lâu ngày, người phạm tội không trốn tránh và đã làm ăn lương thiện trong nhiều năm, tính chất nguy hiểm cho xã hội không còn nữa, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc phải chấp hành án đã trở thành không cần thiết, vì không còn tác dụng giáo dục nữa, mà đôi khi lại có tác dụng ngược lại. (Tuy nhiên, đề phòng có những trường hợp có lý do đặc biệt, bản dự thảo có quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và Tòa án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu).
Chế định xóa án đặt ra là nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội, sau khi đã chấp hành xong hình phạt và trong một thời gian dài hay ngắn tùy tội nặng hay nhẹ đã hối cải làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, được thoát khỏi tình trạng suốt đời phải mang danh phạm tội trong lý lịch tư pháp, do đó mà tránh được ảnh hưởng tai hại đối với cuộc đời của họ cũng như đối với gia đình họ.
Cơ sở của các chế định trên đây chính là quan điểm hết sức lạc quan và nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn tin tưởng vào khả năng con người dù phạm tội vẫn có thể cải tạo được, tin tưởng vào sức mạnh ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc giáo dục con người theo hướng tốt.
c) Bản Dự thảo đã thể hiện chính sách hình sự đúng đắn đối với người chưa thành niên mà phạm tội. Lứa tuổi này, với sự phát triển chưa đầy đủ về trí tuệ và nhận thức, còn chịu sự tác động nhiều mặt của môi trường chung quanh, nhưng đồng thời còn nhiều khả năng cải tạo tốt, cho nên xã hội không thể và cũng không nên bắt người chưa thành niên phải gánh toàn bộ trách nhiệm hình sự khi phạm tội, phải chịu xử lý bằng những hình phạt nặng như những người đã thành niên, mà cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ được giúp đỡ và giáo dục. Chính vì thế mà bản dự thảo đã có những quy định thích hợp về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, về những nguyên tắc cơ bản trong xử lý, về những mức hình phạt có thể tuyên, về việc chấp hành hình phạt và về các biện pháp giáo dục, v.v. tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với lứa tuổi này.
d) Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta còn thể hiện trong bản dự thảo thành những quy định nhằm thu hút quần chúng nhân dân đông đảo (tổ chức xã hội, gia đình và công dân) tham gia vào công tác hình sự, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nói chung, vào việc phát hiện tội phạm cũng như giáo dục và cải tạo những người phạm tội, đặc biệt là đối với lứa tuổi chưa thành niên. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới của nước ta đề cao vai trò ngày càng lớn của nhân dân lao động trong việc tham gia quản lý xã hội.
II- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ
Tôi xin chuyển sang một số vấn đề cụ thể cần trình bày rõ thêm.
1. Nên bỏ hay giữ nguyên tắc tương tự?
Trong quá trình thảo luận Phần chung Bộ luật hình sự, có hai ý kiến khác nhau về vấn đề này. Số rất đông cán bộ các ngành ở Trung ương và địa phương tán thành bỏ nguyên tắc tương tự và việc bỏ này được thể hiện trong Điều 2 của bản Dự thảo Bộ luật hình sự, nói về cơ sở của trách nhiệm hình sự.
“Chỉ người nào phạm một tội đã được Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Hình phạt phải do Tòa án quyết định”.
Tuy nhiên, có một số ít đồng chí còn e ngại, chưa muốn bỏ ngay, vì những lý do sau đây: nước ta đang trong bước đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội lại đang phải đối phó với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bá quyền và bành trướng... diễn biến về tội phạm còn phức tạp, ta khó lòng lường hết được; Bộ luật hình sự này mặc dù trong phần cụ thể đã dự kiến hàng trăm tội phạm, nhưng cũng khó mà cho rằng đã dự kiến được hết các tội phạm có thể xảy ra. Vì vậy, nếu bỏ nguyên tắc tương tự ngay bây giờ thì có bó tay Nhà nước ta hay không? Có làm cho chuyên chính vô sản bị yếu đi không?, v.v..
Ủy ban chúng tôi, sau khi bàn bạc kỹ và cân nhắc nhiều mặt, đã đi đến kết luận là cần phải dứt khoát bỏ nguyên tắc tương tự trong luật hình sự, vì những lý do sau đây:
a) Đứng về mặt nguyên tắc pháp lý, Nhà nước phải nêu rõ bằng luật những hành vi nào là tội phạm và đối với mỗi tội phạm thì áp dụng những hình phạt tương ứng nào. Không như vậy thì công dân không làm sao có thể biết chắc rằng cái gì thì được phép làm (tức là hợp pháp), cái gì thì không được phép làm (tức là không hợp pháp, là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt). Nếu trong Bộ luật hình sự này, ta vẫn giữ lại nguyên tắc tương tự, thì sẽ không tránh được những sự tùy tiện có thể xảy ra trong công tác xét xử của Tòa án: một Tòa án nào đó cũng có thể xử phạt một hành vi mà luật hình sự không ghi là tội phạm, chỉ vì chủ quan mình thấy rằng hành vi đó “gần giống” (tương tự) như một tội phạm đã ghi trong luật hình sự. Luật hình sự đụng chạm đến các quyền tự do cơ bản của công dân, thậm chí đến tính mạng của họ; nếu tùy tiện trong truy tố, tùy tiện trong xét xử, thì rất nguy hiểm. Đó là lý do quyết định vì sao từ lâu các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã bỏ nguyên tắc tương tự trong luật hình sự.
b) Hiến pháp năm 1980 của ta đã quy định trong Điều 12 “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Dự thảo Bộ luật hình sự này đã được chuẩn bị từ 6 năm nay, đã rút kinh nghiệm từ thực tế xã hội và kinh nghiệm xét xử mấy chục năm qua ở nước ta, tham khảo kinh nghiệm của các nước anh em, dự toán tình hình diễn biến tội phạm trong thời gian tới, nên đã dự kiến tới hơn 200 tội phạm. Đương nhiên, xã hội luôn luôn phát triển, có thể còn có những tội phạm mới nảy sinh. Trong trường hợp đó, Nhà nước tất phải kịp thời có những điều bổ sung cần thiết vào Bộ luật hình sự, đó là điều mà thường thường nước nào cũng phải làm và như vậy thì không có gì bó tay Nhà nước ta cả. Nếu vì ngại không dự kiến được hết các tội phạm mà giữ lại nguyên tắc tương tự, thì có lẽ khó lòng có lúc nào bỏ hẳn được nguyên tắc này.
c) Nếu vì lý do nào đó mà Nhà nước ta chậm bổ sung những điều khoản cần thiết vào Bộ luật hình sự, thì có phải Nhà nước ta không thể trừng trị và ngăn chặn kịp thời một tội phạm nào đó vừa mới nảy sinh hay không? Không phải, bởi vì Nhà nước ta lúc đó vẫn có thể lâm thời áp dụng những biện pháp hành chính có trong tay mình và đã được pháp luật quy định. Rõ ràng là ngay cả trong trường hợp này, Nhà nước ta cũng không hề bị bó tay chút nào. Vì vậy, không có gì đáng e ngại trong việc bỏ hẳn nguyên tắc tương tự.
2. Có nên quy định hình phạt tù chung thân không?
Có ý kiến cho rằng, nên bỏ hình phạt tù chung thân, vì lý do sau như: đối với những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà không có tình tiết nào đáng để khoan hồng, thì xử tử hình, nếu không đáng xử tử hình thì phải tạo điều kiện cho kẻ phạm tội được cải tạo trong thời gian ở tù, do đó, không nên phạt tù chung thân, mà nên áp dụng hình phạt tù có thời hạn, thậm chí đến 25-30 năm, để kẻ phạm tội thấy còn có tương lai mà phấn đấu.
Ủy ban chúng tôi nghĩ rằng, vẫn nên có hình phạt tù chung thân, với những lý do sau đây:
a) Trong thực tế ở nước ta, có những tội nếu tuyên án tử hình thì quá nặng, mà rút xuống 20 năm tù (là mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn, theo luật của ta) thì lại quá nhẹ. Trong điều kiện đó, có khi vì để đáp ứng sự công phẫn của đông đảo quần chúng đối với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, một số Tòa án đã có khuynh hướng tuyên thẳng lên án tử hình mặc dù cũng thấy như vậy là chưa thật thỏa đáng. Rõ ràng, làm thế không những là không hợp lý, mà còn có thể có hại.
b) Nâng mức tù có thời hạn lên 25 hoặc 30 năm, thì rất không nên. Kinh nghiệm của nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em đã chỉ rõ là nâng lên như vậy không có tác dụng gì trong việc xử lý tội phạm. Hiện nay, nhiều nước đã xác định mức tù có thời hạn là 15 năm hoặc 20 năm.
c) Có một điều đáng chú ý là, khi bị xử tù chung thân, người phạm tội không phải đều là tuyệt vọng cả. Bởi vì, họ biết rằng luật hình sự của ta, trong nhiều điều khoản, đã quy định nếu có thái độ cải tạo tốt khi chấp hành án, thì người bị án, kể cả án tù chung thân, vẫn có thể được giảm án. Và hàng năm, vào dịp Quốc khánh hoặc những ngày lễ lớn, Nhà nước ta thường công bố những quyết định đặc xá.
3. Về tuổi của người chưa thành niên phạm tội bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự
Hầu hết cán bộ các ngành, các cấp đều nhất trí như bản Dự thảo đã quy định. Tuy vậy, căn cứ vào tình hình của địa phương mình, có một số đồng chí muốn rút xuống 12 hoặc 13 tuổi, vì cho rằng, lứa tuổi này phạm pháp không phải là ít và cũng không phải là không có ý thức. Trái lại, một số đồng chí khác lại muốn nâng lên 15 tuổi, cho thống nhất với Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ủy ban chúng tôi cho rằng, quy định như trong bản Dự thảo là phù hợp hơn cả.
a) Không nên hạ xuống 12 hoặc 13 tuổi, vì rõ ràng, với độ tuổi này, sự phát triển về sinh lý, về nhận thức của trẻ em còn quá non nớt. Vấn đề quan trọng là phải chăm lo giáo dục các em, không để các em đi tới phạm pháp. Không nên vì muốn trừng trị cho nghiêm việc phạm tội mà bắt các em phải chịu trách nhiệm hình sự ở độ tuổi 12 hoặc 13. Trong trường hợp này, Nhà nước ta nên xử lý bằng các biện pháp giáo dục, biện pháp xã hội thì tốt hơn.
b) Cũng không nên nâng lên 15 tuổi, vì mục tiêu của Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không giống với mục tiêu của luật hình sự: như tên của Pháp lệnh đã chỉ rõ, mục tiêu của Pháp lệnh là bảo vệ trẻ em, có chế độ cần thiết trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc các em. Còn mục tiêu của luật hình sự là quy định trách nhiệm hình sự trong trường hợp các em phạm tội.
4. Những quy định về trách nhiệm hình sự của quân nhân phạm tội
Chương VIII, trong những quy định về trách nhiệm hình sự của quân nhân phạm tội, có nói đến trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Điều này là cần thiết phải có trong luật hình sự của ta, vì quân nhân xã hội chủ nghĩa là những người có giác ngộ, không phải là những người lính chấp hành mù quáng mệnh lệnh của chỉ huy. Song, phải ghi như thế nào để có thể giữ vững được kỷ luật của quân đội ta quy định quân nhân phải chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên, trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong chiến đấu cũng như trong luyện tập, nhưng đồng thời lại có thể ngăn chặn được những kẻ vin vào kỷ luật đó để phạm tội.
Ban dự thảo và ủy ban chúng tôi đã nghiên cứu, thảo luận nhiều lần vấn đề này, có sự tham gia của các đồng chí có trách nhiệm bên quân đội. Cuối cùng, ủy ban chúng tôi thấy phương án thể hiện ở Điều 69 của bản Dự thảo là hợp lý.
Đề nghị các đồng chí đại biểu Quốc hội cân nhắc và cho ý kiến thêm.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số ý kiến và nhận xét của ủy ban chúng tôi sau khi thẩm tra bản Dự thảo Phần chung Bộ luật hình sự.
Ủy ban chúng tôi thấy, bản Dự thảo trình Quốc hội lần này là khá tốt, về cơ bản đạt được những yêu cầu đã đề ra. Đương nhiên, còn có thể có những thiếu sót nhỏ ở chi tiết này hoặc chi tiết khác. Sau khi Quốc hội xem xét và cho thêm ý kiến tại kỳ họp này, Ủy ban pháp luật của Quốc hội sẽ cùng Hội đồng Bộ trưởng chỉnh lý cho tốt hơn nữa.
Vì vậy, Ủy ban chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội thông qua sơ bộ Phần chung Bộ luật hình sự trong kỳ họp lần này, mở đường cho việc thông qua sơ bộ các phần sau, tiến tới thông qua chính thức Bộ luật hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi tha thiết của đồng bào cả nước.
Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội