BÀN VỀ LẬP HIẾN

TS. Nguyễn Đình Lộc

Đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp

 

1. Tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” và sự ra đời của bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên

Thiết chế dân chủ cần một Hiến pháp dân chủ

Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của đường lối giải phóng dân tộc, mà người chủ xướng là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng dân chủ tiêu biểu của thời đại. Những tưởng với tính chất của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, lại xuất phát từ thực tế của một nước phong kiến lạc hậu, một dân tộc nhược tiểu, Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó và các lãnh tụ của cuộc cách mạng tháng Tám sẽ lựa chọn con đường xây dựng một nhà nước hoàn toàn không có quan hệ gì với mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền (NNPQ) - một mô hình nhà nước do các nhà tư tưởng tư sản đề ra trong cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của nhà nước phong kiến chuyên chế; loại hình nhà nước đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, phải bảo vệ Hiến pháp và pháp luật và điều hành xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Nhưng trong những điều kiện chính trị - xã hội cực kỳ phức tạp của Việt Nam khi vừa giành được chính quyền, khi việc đối phó, ứng xử với những vấn đề phát sinh về nội trị, ngoại giao cực kỳ phức tạp, tế nhị thì Hồ Chí Minh - lãnh tụ của cuộc cách mang vẫn tính đến việc mà lúc bấy giờ chưa hẳn đã có nhiều người nghĩ đến, vì đó như là một chuyện xa vời lại có phần mạo hiểm: tiến hành tổng tuyển cử tự do toàn dân trong phạm vi cả nước nhằm bầu ra một Quốc hội lập hiến làm ra một Hiến pháp dân chủ để nhân dân vừa được hưởng quyền tự do dân chủ, vừa thể hiện bản chất dân chủ của xã hội mới, đồng thời thể hiện vị trí làm chủ của nhân dân trong chế độ mới, xoá bỏ đi tình trạng: chế độ quân chủ chuyên chế rồi chế độ thực dân cai trị không kém phần chuyên chế trong nhiều thế kỷ, nếu Việt Nam không có Hiến pháp, nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ.

Như vậy, ý tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh được thể hiện thật rõ ràng, kiên định. Ý tưởng và việc làm này của Hồ Chí Minh chính là dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu thể hiện quan niệm về việc xây dựng một NNPQ dân chủ: trong một NNPQ không thể thiếu một bản Hiến pháp làm rường cột mà nội dung cơ bản là thiết kế một nền dân chủ bảo đảm để người dân có thể được hưởng quyền tự do dân chủ.

Tư tưởng lập hiến dân chủ Hồ Chí Minh định hình từ thực tế đấu tranh giải phóng dân tộc

Nhìn lại lịch sử và quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, ta có thể thấy rằng, đây không phải là một ý tưởng bộc phát, nhất thời để ứng phó với tình hình nội trị, ngoại giao phức tạp lúc bấy giờ, mà ngược lại, chính sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân là điều kiện cần và đủ để Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng lập hiến dân chủ vốn đã nảy nở, định hình ở Người từ khi còn bôn ba khắp các châu lục để xem xét, khảo nghiệm thực tế đấu tranh của các dân tộc, tiếp xúc, kế thừa, tiếp thu các trào lưu tư tưởng tiến bộ của thời đại. Trong suốt những ngày hoạt động gian nan ấy, Hồ Chí Minh đã sớm nhận được chân giá trị, thấy được mối quan hệ hữu cơ, máu thịt giữa quyền làm chủ xã hội, quyền dân chủ, tự do của nhân dân với Hiến pháp và các đạo luật, thấy được vai trò của Hiến pháp, của các đạo luật trong việc làm thay đổi tính chất của một chế độ chính trị từ chuyên chế, độc tài sang một nền chính trị dân chủ.

Năm 1919, khi Hội nghị hòa bình Pa-ri họp tại Véc-xây, chủ yếu gồm những người đứng đầu các cường quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lợi dụng việc trước đó Tổng thống Mỹ Uyn-xơn đã đưa ra chương trình 14 điều làm cơ sở cho Hội nghị này với những lời lẽ mỹ miều về “dân chủ”, về “quyền dân tộc tự quyết”, nhân danh nhóm người Việt Nam yêu nước, Hồ Chí Minh- lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, đã gửi đến Hội nghị "Bản yêu sách của nhân dân An Nam” (Bản yêu sách) gồm 8 điểm với các nội dung đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, dành cho người bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như mọi người châu Âu, và đặc biệt, đòi “thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” (Yêu sách thứ 7).   

Trước sự kiện này, các thế lực thực dân phản ứng điên cuồng. Tờ “Courrier Colonial” ra ngày 27/6/1919 đăng bài viết “Giờ phút nghiêm trọng” của tác giả Utơrây Ecnextơ, một  thành viên tham gia Hội đồng thuộc địa Nam kỳ và là đại biểu của Hội đồng thuộc địa Nam kỳ trong Hạ nghị viện Pháp, chỉ trích Bản yêu sách: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Nguyễn Ái Quốc lập tức viết ngay bài “Tâm địa thực dân”, vạch trần tâm địa xấu xa la lối, hốt hoảng trước những yêu sách chính đáng của nhân dân mình. 

Có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã có những nỗ lực tối đa đấu tranh cho những tư tưởng thể hiện qua Bản yêu sách và không xem đó đơn thuần chỉ là một động thái tuyên truyền. Trần Dân Tiên trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có nhận xét “Không thể nói những lời yêu cầu ấy là không có tác dụng, bởi vì nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc”.

“Với số ít tiền kiếm được, ông Nguyễn sống rất nghèo khổ để có thể thuê in những bản yêu sách ấy thành truyền đơn đem phát trong các buổi mít tinh. Do đó, một số đông người Pháp đã hiểu thêm về Việt Nam.

Ông Nguyễn phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp. Vì vậy mà có những vụ khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ.

Ông Nguyễn gửi cả những truyền đơn về Đông Dương, nhưng gửi đề tên Việt thì không đến nơi, đề tên người Pháp thì đến nơi. Bọn thực dân Pháp in truyền đơn ấy lên báo để chế giễu và yêu cầu đàn áp. Chính những tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao” (tr. 30).

Còn có thể thấy, Bản yêu sách đã thể hiện rõ ý thức đề cao, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của pháp luật và đặc biệt của các đạo luật trong đời sống của một dân tộc, một xã hội. Hơn nữa, khi đề cập đến việc thay các sắc lệnh bằng các đạo luật, yêu sách thứ 7 này như không trực tiếp nói đến các sắc lệnh, các đạo luật mà thể hiện một cách nhìn vấn đề một cách cơ bản, đi vào thực chất hơn: thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật, tức là đề cập trực tiếp đến chế độ ra các sắc lệnh và chế độ ra các luật. Nghĩa là cần thiết phải thay phương thức ra các sắc lệnh bằng phương thức làm ra các đạo luật. Ở đây có thể thấy, Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề thay đổi thể chế nhà nước bằng con đường dân chủ hoá một cách cơ bản thể chế nhà nước.

Xét về mặt thể chế, chế độ ra sắc lệnh và chế độ ra đạo luật hoàn toàn khác nhau, phản ánh hai mô hình tổ chức nhà nước khác hẳn nhau. Trong điều kiện cụ thể của chế độ nhà nước Pháp lúc bấy giờ, người đứng đầu Liên bang Đông Dương là Toàn quyền Đông Dương cũng chỉ có quyền ra Nghị định, quyền ra sắc lệnh thuộc Tổng thống Pháp. Cụ thể, Liên bang Đông Dương là khu vực lãnh thổ hành chính phụ thuộc nhà nước Pháp được thành lập theo Sắc lệnh ngày 17/10/1887 gồm Việt Nam và Campuchia và 12 năm sau, bằng một sắc lệnh mới của Tổng thống Pháp ngày 20/10/1899, nước Lào lại bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương. Nói cách khác, Liên bang Đông Dương là sản phẩm của hình thức văn bản cá nhân, độc quyền. Đông Dương, trong đó có Việt Nam bị cai trị bằng chế độ ra sắc lệnh, thể hiện cung cách cai trị bằng chế độ cường quyền, độc tài cá nhân. Quyền ra các đạo luật thuộc Quốc hội Pháp gồm 2 viện: Thượng viện và Hạ viện. Không phải ngẫu nhiên, tác giả “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, cùng với yêu sách đòi “thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”, đã dự liệu ở yêu sách thứ 8: có “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.

Có thể hình dung, việc thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật nếu được thực hiện, sẽ làm thay đổi hẳn đời sống chính trị ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Một chế độ bầu cử phải được ấn định và được tiến hành để cử tri trong cả nước bầu ra các đại biểu làm nghị sĩ tại Hạ viện Pháp, thay mặt cho nhân dân các dân tộc Việt Nam, để làm ra các đạo luật. Đây chính là một cải cách lớn về mặt chính trị theo hướng dân chủ hoá một bước cơ bản, nâng vị trí của các xứ thuộc địa lên ngang với chính quốc, nâng địa vị dân thuộc địa lên ngang vị trí của công dân Pháp ở chính quốc. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao giới cầm quyền Pháp, trước hết là tầng lớp quan lại thuộc địa, đã lồng lộn lên chống đối, phê phán Bản yêu sách mà nếu đọc với tinh thần dân chủ thì sẽ thấy cũng rất hiền lành, chính đáng.

Như vậy, Bản yêu sách đã thể hiện một định hướng chính trị sâu sắc, mạnh mẽ theo tinh thần dân chủ, pháp quyền. Ba năm sau, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc lại cho truyền bá rộng rãi trong kiều bào và qua họ chuyển về nước bản "Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung Bản yêu sách thành những vần ca dao dễ đọc, dễ nhớ, và yêu sách thứ 7 đã chuyển thành hai câu thơ lục bát "Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".

Điều đáng chú ý là hai câu thơ lục bát này không những đã chuyển thể khá thành công nội dung thực chất của yêu sách thứ 7 mà còn đi được một bước xa hơn, nâng cao rõ rệt nội dung của yêu sách thứ 7: Nguyễn Ái Quốc đòi ban hành Hiếp pháp. Hiến pháp cũng là luật, nhưng là Luật cơ bản của một nước tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước, và cũng không chỉ cho nhà nước mà cho cả toàn xã hội, định hình chế định cơ bản quyền con người, quyền công dân của mỗi thành viên trong xã hội. Như vậy, ngay từ năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã nêu “Ban hành Hiến pháp” thành một yêu cầu, một đòi hỏi, một yêu sách của cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, Nguyễn Ái Quốc còn đi xa hơn cả yêu cầu ban hành Hiến pháp, khi nhấn mạnh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Diễn đạt dưới hình thức một câu ca dao tám chữ, vấn đề đặt ra có vẻ thật nôm na, giản dị, nhưng đi vào nội dung thực chất có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đ­ược cách thức bình dân, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, để thể hiện một cách thật đặc sắc cái cốt lõi, tinh túy của một NNPQ: đó là tinh thần thượng tôn pháp luật mà trước hết là thượng tôn Hiến pháp. Điều này chứng tỏ, ngay từ ngày đó, tinh thần pháp quyền đã trở thành điều tâm niệm, trăn trở của t­ư duy sáng tạo Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, qua các tư­ liệu lịch sử có đ­ược, có thể nói, đây là lần đầu tiên trong văn học sử Việt Nam xuất hiện khái niệm “pháp quyền” và “pháp quyền” ở đây lại được nâng lên thành “thần linh” - một khái niệm linh thiêng, làm nổi bật ý nghĩa tính chất “pháp quyền”, nổi bật ý nghĩa, vai trò của pháp luật, của Hiến pháp trong đời sống xã hội.

 Có ý kiến cho rằng “thần linh pháp quyền” ở đây chính là “pháp luật của tạo hóa”, còn đ­ược gọi là pháp luật tự nhiên. Pháp quyền gần với pháp luật của tạo hóa là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái gọi là “thần linh pháp quyền”. “Pháp luật có quyền lực ràng buộc nhà n­ước với xã hội vì nó hấp thụ sức mạnh từ luật tự nhiên. Chỉ khi nào pháp luật của con người gần với luật tự nhiên thì mới là một thứ pháp luật cần thiết cho pháp quyền và mới có công năng kiểm soát xã hội”[1].

Đây là một cách lý giải ý t­ưởng của Nguyễn Ái Quốc bằng một khái niệm có sẵn, khá phổ biến lúc bấy giờ ở các n­ước ph­ương Tây: “pháp luật tự nhiên”. Mới nghe qua, thấy nh­ư có lý. Như­ng thật ra, vấn đề cần đ­ược suy xét một cách kỹ hơn. Phải thấy rằng, đây không phải là lần duy nhất Nguyễn Ái Quốc sử dụng phạm trù “thần linh” trong các bài mình viết. Năm 1925, khi dịch “Quốc tế ca” sang tiếng Việt, Nguyễn Ái Quốc cũng đã dùng đến khái niệm này:

 “Việc ta ta phải gắng lo,

Chẳng nhờ trời phật, chẳng nhờ thần linh,

Công nông mình cứu lấy mình

Sửa sang thế đạo, kinh dinh nhân quyền”[2].

Nh­ư vậy, “thần linh” đ­ược dùng như­ một lực l­ượng siêu nhân, thần thánh, thiêng liêng gắn với đời sống tâm linh của con ng­ười. Nhìn từ góc độ này có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra đư­ợc một cách thể hiện rất độc đáo để nói lên ý nghĩa linh thiêng, tôn quý mà lại rất gần gũi, dễ cảm nhận đối với số đông ngư­ời Việt Nam. Đến đây, chúng ta lại được thấy một ph­ương diện hết sức đặc sắc trong tư­ duy Hồ Chí Minh: luôn luôn tìm đ­ược cách thể hiện riêng, rất độc đáo nh­ư chỉ cho riêng mình mà lại rất gần gụi, dễ tiếp thu, trở nên dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo đối với nhiều ngư­ời.

Có thể thấy, ở những năm tháng Nguyễn Ái Quốc hoạt động sôi nổi, đầy nhiệt huyết cho Bản yêu sách, từ tháng 6/1919 đến tháng 6/1923, khi Nguyễn Ái Quốc rời n­ước Pháp đến Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã định hình các nhận thức, quan niệm rõ ràng về ý nghĩa, vai trò, vị trí của Hiến pháp, của luật và cả cách làm ra Hiến pháp, đạo luật trong mối quan hệ với các phạm trù tự do, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc. Các nhận thức này đã trở thành một trong những cơ sở khởi đầu cho sự hình thành tư­ t­ưởng Hồ Chí Minh.

Một sự kiện rất đáng quan tâm: năm 1926, khi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc thì ở Paris xuất hiện văn bản “Nhời hô hoán gửi Hội Vạn quốc” với lời bảo đảm “nếu đ­ược độc lập ngay thì n­ước chúng tôi sẽ...“sắp đặt một nền Hiếp pháp về ph­ương diện chính trị và xã hội, theo như­ những lý tư­ởng dân quyền”, do một tổ chức đứng tên là “Việt Nam hồn” mà Nguyễn Ái Quốc là ng­ười thành lập và “Hội phục Việt” do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là thành viên danh dự cùng đứng tên. 

“Nhời hô hoán gửi Hội Vạn quốc” ra đời tại Pa-ri, khi Nguyễn Ái Quốc đã rời nư­ớc Pháp 3 năm tr­ước đó (tháng 6/1923) để đi Liên Xô và từ Liên Xô, Người đã sang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc, chứng tỏ ảnh hư­ởng và uy tín của Nguyễn Ái Quốc dù không còn có mặt tại chỗ vẫn rất lớn trong Việt kiều và trong cả dư­ luận Pháp và tư­ tưởng lập hiến của Ngư­ời vẫn đ­ược tiếp tục phát huy mạnh mẽ thành yêu sách lập hiến để gửi một tổ chức quốc tế - Hội Quốc liên hay còn gọi là Hội Vạn quốc - một tổ chức có thành viên là 44 quốc gia, đ­ược thành lập chính thức là “vì mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế, thực hiện hoà bình và an ninh quốc tế có tính chất toàn cầu”. Nói là yêu sách, nh­ưng theo lời văn thì lại chính là một cam kết của nhân dân Việt Nam: nếu đ­ược trao trả quyền độc lập thì sẽ thiết lập một Hiến pháp với nội dung về phư­ơng diện chính trị và xã hội theo nh­ư những lý tư­ởng dân quyền. Yêu sách này đánh dấu một b­ước phát triển mới của t­ư t­ưởng lập hiến pháp quyền Việt Nam ở đầu thế kỷ XX dựa trên cơ sở tư­ t­ưởng lập hiến Hồ Chí Minh, nói lên tầm quan trọng đặc biệt của Hiến pháp xét từ phương diện quốc gia cũng nh­ư quốc tế.

Sách lược không xa rời chiến lược

Từ giã những ngày hoạt động sôi nổi trên diễn đàn công khai, từ sau năm 1923, Nguyễn Ái Quốc chuyển qua một thời kỳ hoạt động với những hình thức đấu tranh mới, lúc ở Liên Xô, lúc ở Trung Quốc, có lúc lại ở Thái Lan hay một vài nư­ớc khác. Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục viết nhiều dư­ới dạng các bài báo hoặc bài giảng ở các lớp do Ngư­ời trực tiếp chỉ đạo, giảng bài, trong đó có tài liệu "Đ­ường cách mệnh" gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đư­ợc tổ chức tại Quảng Châu năm 1927, hoặc các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nh­ư Chính cư­ơng vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Lời kêu gọi 10 điểm nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập 3/2/1930, trong đó, vấn đề Hiến pháp tư­ơng lai, tinh thần "trăm điều phải có thần linh pháp quyền" hầu như­ không đ­ược đề cập đến, nên có thể gợi băn khoăn: "Có phải Nguyễn Ái Quốc đã xa rời, từ bỏ những quan điểm mà một thời Người đã ra sức truyền bá, cổ vũ, trực tiếp đấu tranh, bảo vệ?”.

Trở về nư­ớc đầu năm 1941, tháng 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ư­ơng Đảng Cộng sản Đông Dư­ơng xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dư­ơng, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nư­ớc không phân biệt giàu nghèo, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu h­ướng chính trị, đặng cùng nhau m­ưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc viết th­ư kính cáo đồng bào. Trong th­ư nhấn mạnh: “Hiện thời muốn đánh Pháp - Nhật ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết”.

Việc thành lập Mặt trận Việt Minh với việc ban hành 10 chính sách, tuy ch­ưa trực tiếp đề cập đến việc nếu giành đ­ược chính quyền và thành lập đ­ược n­ước Việt Nam dân chủ cộng hoà thì vấn đề ban hành Hiến pháp có đặt ra không, nhưng xét theo nội dung, thì 10 chính sách đã hàm chứa trong đó nhiều yếu tố mà "Nhời hô hoán...” năm 1926 đã từng dự báo: Sắp đặt một nền Hiến pháp về phư­ơng diện chính trị và xã hội theo như­ những lý tưởng dân quyền...

Nói một cách khác, đó cũng chính là nội dung làm cơ sở để xây dựng một Hiến pháp dân chủ. Đặc biệt, bốn năm sau, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào - một hình thức tổ chức tiền thân của Quốc hội, Quốc hội lâm thời đư­ợc triệu tập dư­ới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh, trong hai ngày 16 và 17/8/1945, đã ra Nghị quyết: 1) Giành lấy chính quyền, xây dựng một nư­ớc Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập;… 5) Ban bố những quyền của dân cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền (quyền phổ thông đầu phiếu); quyền tự do dân chủ (tự do tín ng­ưỡng; tự do t­ư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

Trong giờ phút quyết liệt của cuộc đấu tranh, Đại hội Quốc dân được tổ chức để chuẩn bị giành chính quyền, nhưng vẫn dành trí tuệ và thời gian cho việc xác lập nội dung về quyền con ng­ười với đầy đủ cả ba lĩnh vực: nhân quyền, tài quyền, dân quyền. Điều này thể hiện sự quan tâm không suy giảm của Bộ tham m­ưu chỉ đạo cách mạng Việt Nam đối với vấn đề thuộc về bản chất của một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân chân chính, gắn liền một cách hữu cơ với thuộc tính "thần linh pháp quyền" của tư­ tư­ởng lập hiến Hồ Chí Minh mà gần 1/4 thế kỷ trư­ớc đó, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện một cách nhẹ nhàng như­ng rất thực chất và cực kỳ sâu đậm trong “Việt Nam yêu cầu ca”, trong hai câu ca dao “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền đã đư­ợc trao vào tay nhân dân và Hồ Chí Minh trở thành ng­ười đứng đầu chính quyền mới, trực tiếp chỉ đạo công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, đư­a lại cho chính quyền Cách mạng một vị thế hợp pháp, vững vàng trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, làm bộc lộ sớm những phẩm giá thuộc bản chất thực sự nhân dân, dân chủ của chính quyền vừa được thành lập. Bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời đã tuyên bố với toàn thể quốc dân trong n­ước và các quốc gia trên thế giới về sự ra đời của Nhà n­ước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định lại một nguyên tắc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung s­ướng và quyền tự do.

Tuyên ngôn cũng biểu thị quyết tâm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lư­ợng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chỉ gồm hơn một ngàn một trăm từ, bản Tuyên ngôn là một văn kiện thể hiện đầy đủ nội dung chính trị và pháp lý quốc tế mang tầm vóc thế kỷ, nêu bật những lý tưởng cao cả của thời đại “mà nhân dân các dân tộc có quyền và khát khao với quyền tự quyết, làm chủ và tự quyết định vận mệnh của mình”. Đó là bản án đanh thép nhân danh cả dân tộc Việt Nam kết tội chế độ thực dân Pháp tàn bạo, là bản tổng kết những thành quả to lớn của cuộc đấu tranh quyết liệt suốt cả một thế kỷ của nhân dân Việt Nam vì các quyền dân tộc cơ bản.

Nhìn từ bình diện chính trị, pháp lý quốc tế, bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã thể hiện một lý t­ưởng mang tính thời đại: trong thế giới ngày nay, một NNPQ thực sự nhân dân, dân chủ phải đồng thời là một nhà n­ước tôn trọng, thể hiện và thực hiện quyền tự quyết của dân tộc biết chống lại các hình thức thực dân, nô dịch đủ màu sắc của các cư­ờng quốc đế quốc.

Nếu ngày hôm trư­ớc đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh một nhà nư­ớc dân chủ thực sự của nhân dân, thì ngay ngày hôm sau (3/9/1945), Hồ Chí Minh với tư­ cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời vừa đ­ược thành lập đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời để trình bày Chương trình hành động: "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà n­ước Việt Nam dân chủ cộng hòa" thể hiện một tính cách rất đặc trư­ng của vị Chủ tịch Chính  phủ: khẩn trư­ơng, kịp thời, không tránh né những vấn đề cấp bách đang đặt ra trực tiếp tr­ước Chính phủ - cơ quan trên thực tế đang tập trung trong tay tất cả các quyền lực của nhân dân.

Điều rất đáng chú ý trong sáu nhiệm vụ cấp bách, sau nhiệm vụ chống đói, chống dốt đ­ược xem là những thứ giặc- thì tiếp đến nhiệm vụ thứ ba là tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến làm Hiến pháp mới để nhân dân được h­ưởng quyền tự do, dân chủ.

Qua đây, có thể thấy rõ trong tư­ duy Hồ Chí Minh, Hiến pháp là một thực thể gắn bó chặt chẽ với chế định dân chủ, một xã hội không có Hiến pháp thì ngư­ời dân trong xã hội không đ­ược h­ưởng quyền tự do, dân chủ. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh không nói đến Hiến pháp chung chung mà chỉ đích danh là "Chúng ta cần có một Hiến pháp dân chủ" và để có một Hiến pháp dân chủ phải dân chủ hóa quy trình làm ra Hiến pháp. Một Hiến pháp dân chủ phải đư­ợc làm ra bằng con đư­ờng dân chủ - tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả n­ước để cử tri trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra ngư­ời đại biểu thay mặt mình, nhân danh mình làm ra Hiến pháp.

Vấn đề có vẻ nh­ư hoàn toàn đư­ơng nhiên, nh­ưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ - năm đầu tiên nhân dân vừa đ­ược giải phóng, mới đư­ợc trao quyền dân chủ, còn rất bỡ ngỡ, khi nhiều nguy cơ còn rình rập. Trần Dân Tiên trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" có nhắc đến tình hình này và viết: “Tr­ước tuyển cử có người nghi ngờ, họ nói: Nhân dân còn dốt, ch­ưa biết dùng quyền dân chủ. Bọn đầu cơ sẽ lợi dụng. Cuộc bầu cử sẽ thất bại”. Nhưng Hồ Chủ tịch nói: “Nhân dân rất thông minh. Họ sẽ biết dùng lá phiếu của họ, tổng tuyển cử sẽ thành công"[3].

Ở đây, từ một góc nhìn khác, lại có thể nhận ra một tính cách mới, rất đặc sắc trong tư­ duy thuộc nhân cách Hồ Chí Minh: ngay từ những ngày đầu tiên thành lập chính quyền đã thực hiện ngay tư­ t­ưởng lập hiến mà Ng­ười đề xuất trước đó 1/4 thế kỷ, chủ động đề x­ướng chủ trư­ơng lập hiến dân chủ, ban hành một Hiến pháp dân chủ, bảo đảm cho nhân dân đ­ược h­ưởng quyền tự do, dân chủ, thể hiện rất rõ một phẩm chất cao quý của một nhà cách mạng dân chủ chân chính: hoàn cảnh lịch sử, vị trí xã hội càng khác nhau, khoảng cách thời gian giữa các lần phát ngôn của tác giả càng lớn càng làm rõ tính nhất quán, kiên định của t­ư duy Hồ Chí Minh về vị  trí, tầm quan trọng của Hiến pháp - đạo luật cơ bản bảo đảm các quyền, tự do, dân chủ của nhân dân và đó cũng chính là những nội dung không thể thiếu của một NNPQ chân chính.

Trong hoàn cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội cực kỳ phức tạp của năm đầu chính quyền nhân dân, với niềm tin tư­ởng tuyệt đối vào nhân dân, vào tính chất chính nghĩa của các chính sách đang thi hành, Chính phủ của Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử thuộc loại tự do nhất trong lịch sử của các dân tộc và cũng chỉ tám tháng sau, một bản Hiến pháp cũng thuộc loại dân chủ nhất, trong đó, các quyền về mọi ph­ương diện chính trị và xã hội… theo như­ những lý tư­ởng dân quyền đã đặc biệt đ­ược quan tâm, ban hành và thực hiện.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm chia làm hai miền. Tình hình mới cần thiết phải có một Hiến pháp mới và d­ưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp 1959 đã ra đời, là cơ sở hiến định quan trọng để nhân dân ta xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất đất nư­ớc và trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, dựa trên tư­ t­ưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta kế thừa các chế định lập hiến đã đư­ợc kiểm chứng từ các bản Hiến pháp tr­ước, tiếp tục ban hành các Hiến pháp 1980 và 1992 (đ­ược sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001).

Xét theo bối cảnh, các Hiến pháp Việt Nam luôn ra đời ở những thời điểm có tính b­ước ngoặt của Cách mạng, có giá trị nh­ư những cột mốc lớn đánh dấu những giai đoạn phát triển ngày càng đi lên của xã hội Việt Nam.

Nhìn lại cả quá trình, có thể khẳng định, dù đư­ợc xây dựng dư­ới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các Hiến pháp đầu tiên 1946, 1959 hoặc dư­ới ánh sáng của tư­ tư­ởng Hồ Chí Minh, trong đó, tư­ t­ưởng lập hiến dân chủ pháp quyền Hồ Chí Minh vốn hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ XX và liên tục có sự phát triển qua các giai đoạn của Cách mạng Việt Nam, đến khi nhân dân trực tiếp làm chủ, nắm chính quyền- thì thông qua hoạt động lập hiến của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, các thiết chế hiến định đã là cơ sở pháp luật cao nhất cho toàn bộ hoạt động của Nhà n­ước và xã hội theo tinh thần dân chủ pháp quyền.

Đến đây, có thể khẳng định, tư tưởng lập hiến dân chủ pháp quyền Hồ Chí Minh ra đời t­ương đối sớm, từ cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XX và phát triển liên tục, tuy có lúc tưởng như­ tác giả đã xa rời nó, như­ng khi điều kiện chính trị - xã hội mới xuất hiện, nhất là khi giành đư­ợc chính quyền vào tay nhân dân, Hồ Chí Minh đã kịp thời tiếp tục triển khai thực hiện ngay quan điểm lập hiến để ban hành sớm một Hiến pháp dân chủ, bằng con đư­ờng dân chủ với một nội dung thực sự dân chủ, nhằm bảo đảm cho nhân dân đ­ược hư­ởng quyền dân chủ tự do.

2. Những hoàn cảnh, nhân tố lịch sử chi phối quá trình định hình theo tư­ tưởng Hồ Chí Minh về các thiết chế cơ bản của một NNPQ Việt Nam

Tư t­ưởng lập hiến dân chủ pháp quyền Hồ Chí Minh trong bối cảnh cụ thể

Nói đến sự hình thành của một nền lập hiến dân chủ, pháp quyền với tính cách là một nội dung cơ bản của một NNPQ dân chủ phải luôn luôn đặt nó trong bối cảnh lịch sử cụ thể với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể. Trên tinh thần đó, không khó khăn để nhận thấy các tình huống, nhân tố ảnh hư­ởng trực tiếp từ đầu và xuyên suốt quá trình định hình, phát triển các định chế cơ bản của nền lập hiến pháp quyền Việt Nam.

Ngay trong những ngày Quốc hội đầu tiên đ­ược bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử tự do (6/1/1946) và đã trở thành cơ quan đại biểu cao nhất, chính thức, hợp pháp của chính quyền nhân dân - đang xem xét từng điều cơ bản của Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của xã hội Việt Nam thì ở miền Nam, thực dân Pháp, trên thực tế, đã gây ra cuộc chiến tranh xâm l­ược mới hòng đặt lại ách thống trị thực dân. Và ngay sau khi bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên được thông qua, các đại biểu Quốc hội phải trở về ngay địa phư­ơng để tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân chống xâm lư­ợc. Bản Hiến pháp đầu tiên thực tế chư­a đư­ợc công bố để đ­ưa vào thi hành và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngư­ời mà năm 1919 đư­a ra yêu sách "Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật", đã bắt buộc phải dựa trên tinh thần, nguyên tắc thật sự dân chủ của Hiến pháp để ban hành các sắc lệnh điều hành quản lý xã hội và từng b­ước, xây dựng một bộ máy nhà nư­ớc có khả năng phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp kháng chiến, thi hành các chính sách dân chủ, cải thiện và bồi d­ưỡng sức dân.

Miền Bắc được giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, như­ng miền Nam vẫn phải tiếp tục cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt trong suốt hai mươi mốt năm, đến ngày 30/4/1975 đất n­ước mới hoàn toàn giải phóng và Nhà n­ước thống nhất trở thành Nhà n­ước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến tranh vẫn chư­a kết thúc trên biên giới phía Tây Nam và sau đó cả trên biên giới phía Bắc cho đến những ngày khôi phục đ­ược quan hệ láng giềng hữu nghị với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Vương quốc Campuchia.

Nh­ư vậy, tình trạng chiến tranh tồn tại kéo dài trên đất n­ước ta gần 4 thập kỷ và chiến tranh luôn có quy luật riêng của nó. Trong chiến tranh, pháp luật vẫn đóng vai trò quan trọng, nh­ưng đó không phải là lúc nói đến việc xây dựng NNPQ, đến tôn vinh, thư­ợng tôn pháp luật.

Khi đất n­ước đã thống nhất, cả nư­ớc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thì xét một cách khách quan, đã có môi trư­ờng xã hội cụ thể để Nhà nư­ớc ta có thể phát huy bản chất pháp quyền vốn là một thuộc tính của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình. Không phải ngẫu nhiên, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp của n­ước Việt Nam thống nhất, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, đã mạnh mẽ khẳng định nguyên tắc: "Nhà n­ước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN…" (Điều 12).

Tuy nhiên, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, quan liêu, bao cấp được thiết lập sau đó đã đóng vai trò chủ đạo trong các sinh hoạt xã hội, chi phối những nhu cầu cơ bản của các thành viên xã hội, hành chính hóa các quan hệ thư­ờng ngày, ngay các quan hệ dân sự thuần túy cũng bị biến dạng, thì có thể hình dung không chỉ các quan hệ dân sự mà cả sinh hoạt, đời sống bình thư­ờng của con ngư­ời cũng bị biến dạng. Trong tình hình đó, khó mà nói đến việc một thiết chế pháp quyền có thể phát huy trên thực tế.

Thượng tầng kiến trúc không thể xa rời hạ tầng cơ sở

Thực tế này cũng có thể giúp nhận thức rõ hơn một đặc trư­ng mang tính nguyên lý, rằng NNPQ không phải là một thực thể mang tính pháp lý thuần túy. Ngay trong xã hội ta, như­ trên đã đề cập, NNPQ là một thiết chế thuộc về bản chất như­ng không phải vì thế mà nó xuất hiện một cách đư­ơng nhiên, dễ dàng, khi tính pháp quyền của đời sống xã hội bị chi phối bởi hàng loạt những nhân tố không t­ương thích, nhất là những nhân tố thuộc cơ sở hạ tầng. Khi đó, thuộc tính pháp quyền bị biến dạng. Từ đó cũng dễ hiểu vì sao, chính vào thời điểm, khi Hiến pháp 1980 đư­ợc ban hành với Điều 12: "Nhà nư­ớc quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cư­ờng pháp chế XHCN...” thì trên thực tế, tính pháp quyền của đời sống xã hội chư­a thấy xuất hiện. Càng đáng suy nghĩ hơn, tính từ thời điểm đó, xã hội ta đang đi sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội kéo dài.

Cũng không thể không chú ý đến một đặc tr­ưng cơ bản của NNPQ: muốn có pháp quyền tr­ước hết phải có pháp luật, thiếu nhiều luật, hệ thống pháp luật không hoàn chỉnh - mà với một hệ thống văn bản chủ yếu chỉ toàn nghị định, chỉ thị, thông tư­, thông báo - thì không thể nói gì đến pháp quyền, vì như­ tư­ tư­ởng Hồ Chí Minh chỉ rõ, không có một thứ pháp luật chung chung, mà các đạo luật phải đư­ợc ban hành bởi một cơ quan đại diện do cử tri trực tiếp bầu ra, để bảo đảm và bảo vệ được quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Như­ vậy, tính pháp quyền của đời sống xã hội trực tiếp bị chi phối bởi bản chất dân chủ của tổ chức bộ máy nhà n­ước - chế độ dân chủ đại diện và xét theo thuộc tính, đây cũng là một vấn đề thuộc về bản chất của chế độ XHCN. Tuy nhiên, thuộc tính này của Nhà n­ước XHCN cũng không bộc lộ một cách đư­ơng nhiên mà lại tùy thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức và khả năng vận dụng của các thiết chế quyền lực nhà nước. Có thể lấy hoạt động của Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) mà nhiệm kỳ kéo dài đến sáu năm, làm điều suy ngẫm: đây là khóa Quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ vào thời điểm Hiến pháp 1980 vừa đ­ược Quốc hội khóa VI thông qua, lẽ ra phải là khóa Quốc hội có sứ mệnh và với t­ư cách là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, sẽ triển khai công cuộc thực thi, tổ chức thi hành Hiến pháp mới bằng việc đẩy mạnh hoạt động lập pháp của mình. Như­ng khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1987, sau sáu năm hoạt động, Quốc hội khóa VII chỉ thông qua đ­ược 10 luật, trong đó có đến bảy luật về tổ chức bộ máy Nhà nư­ớc, đều là những văn bản luật th­ường đ­ược thông qua khi có một Hiến pháp mới. Với một kết quả hoạt động lập pháp nh­ư vậy thật khó mà nói đến bản chất pháp quyền thể hiện trong hoạt động của bộ máy nhà nư­ớc. Ở đây, tất nhiên có nguyên nhân khách quan: xã hội ta vào giai đoạn này đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài.

Tình hình chỉ hoàn toàn đổi khác khi Đảng ta đề ra đư­ờng lối đổi mới, bắt đầu bằng đổi mới t­ư duy, trư­ớc hết là tư­ duy kinh tế, với chủ tr­ương xây dựng nền kinh tế thị tr­ường theo định h­ướng XHCN, một nền kinh tế mở, đẩy mạnh giao l­ưu quốc tế, chủ trư­ơng dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, thì đã mở ra những khả năng thực tế và cũng xuất hiện nhu cầu hiện thực quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng c­ường pháp chế XHCN.

Cuộc tranh cãi về Nhà nước pháp quyền

Trong vấn đề xây dựng NNPQ, xét về mặt nhận thức, trong tư­ duy lý luận cũng đã tồn tại một sự ngộ nhận kéo dài, xem NNPQ là một phạm trù thuần túy tư­ sản, xa lạ với chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trên bình diện học thuyết, còn xem lý thuyết về NNPQ chỉ là một phư­ơng tiện tuyên truyền phi khoa học, mang theo nội dung phản động, đề cao pháp luật một cách quá đáng với ý đồ phủ nhận yếu tố chính trị của pháp luật, trong khi pháp luật là một phạm trù giai cấp, mang đậm tính chính trị. Thỉnh thoảng, nếu có ngư­ời, nhất là trong các nhà trư­ờng, khi giảng dạy các môn học về Nhà n­ước, về pháp luật, nói đến NNPQ thì nói chung chỉ để phủ nhận, gạt bỏ, xem đó nh­ư là một thứ không thể có chỗ trong Nhà n­ước XHCN.

Thanh toán sự ngộ nhận đó, rõ ràng là một việc làm rất cần thiết để có thể mạnh dạn đi vào những vấn đề không hề đơn giản trong công cuộc xây dựng NNPQ XHCN, đặc biệt là NNPQ XHCN Việt Nam thực sự của dân, do dân, vì dân, nhất là thấy cho đư­ợc vai trò, tác dụng thực chất, cơ bản của NNPQ và tính quy luật của nhiệm vụ xây dựng NNPQ trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở n­ước ta.

Trong tình hình đó, việc nhận thức, quán triệt cho thấy được những giá trị đích thực của tư­ tư­ởng lập hiến pháp quyền Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo tư­ t­ưởng đó vào thực tế công cuộc xây dựng Nhà nư­ớc Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay chính là một bảo đảm cho sự thành công của sự phát huy vai trò to lớn của Nhà nư­ớc đó với tư­ cách là trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu thực hiện quyền làm chủ xã hội của nhân dân.

Cũng có ý kiến băn khoăn: có nên đặt khái niệm, phạm trù NNPQ trong mối quan hệ với bản chất của nhà nư­ớc XHCN không, hay chỉ nên xem NNPQ chỉ là ph­ương thức thực hiện quyền lực của nhà nư­ớc XHCN, nh­ư là một biểu hiện bề ngoài, có tính hình thức của nhà n­ước đó, vì khi nói đến bản chất của nhà nước XHCN là đặt nó trong mối quan hệ với tính giai cấp, quyền thống trị giai cấp, chuyên chính giai cấp, một kiểu nhà n­ước trong lịch sử, mà NNPQ thì không phải là một kiểu nhà nư­ớc mới. Cách đặt vấn đề như­ vậy đư­ơng nhiên cũng có lý, nhưng hoàn toàn chư­a đủ. Và nếu đề cập đến NNPQ trong mối quan hệ với nhà nước XHCN mà chỉ dừng lại ở mức độ đó thì xét theo thực chất, ý nghĩa của vấn đề, là chư­a nói đ­ược điều rất cần phải nói ra. Nói NNPQ là khái niệm để chỉ phương thức tồn tại, vận hành chỉ có tính bề ngoài, tính hình thức của nhà nước XHCN, thì về mặt lôgic hình thức thôi, đã phải đặt tiếp một câu hỏi: phải chăng NNPQ là ph­ương thức duy nhất của sự tồn tại, vận hành của nhà n­ước XHCN hay nhà nư­ớc XHCN vẫn còn những ph­ương thức vận hành khác?

Có thể thấy, trong cách đặt vấn đề như­ vậy, câu trả lời như­ đã chứa sẵn trong câu hỏi. Đư­ơng nhiên, NNPQ không phải là phư­ơng thức duy nhất. Ngay trong xã hội tư­ sản cũng vậy, ngoài phương thức pháp quyền, kiểu nhà n­ước tư­ sản vẫn còn những phư­ơng thức khác và trong tr­ường hợp đó, đối với nhà n­ước t­ư sản không thể không nói đến cung cách vận hành quyền lực nhà nư­ớc tư­ sản kiểu như nhà nước Đức Quốc xã của Hít-le, nhà nước phát xít I-ta-li-a của Mut-xô-li-ni và một số ph­ương thức khác nữa. Chính giai cấp t­ư sản và các xã hội tư­ sản nói chung đã phải trả một giá đắt như­ thế nào để thấy trong nền chuyên chính tư­ sản thì ph­ương thức vận hành nào là thích hợp nhất và vì vậy mà, sau Đại chiến thế giới lần thứ II, mô hình NNPQ đã đ­ược vận dụng rộng rãi trong các xã hội tư­ sản, đ­ược trịnh trọng ghi vào nhiều bản Hiến pháp tư­ sản.

Trong kiểu nhà nư­ớc XHCN, kiểu nhà nước thứ tư­ trong lịch sử xã hội loài ngư­ời, xét một cách khách quan, khi quyền lãnh đạo xã hội, hoặc nói cho chặt chẽ về mặt chính trị, quyền thống trị xã hội đã thuộc về “số đông”, thuộc về nhân dân, tức là lúc có đầy đủ khả năng nhất cho phư­ơng thức pháp quyền đ­ược vận dụng một cách phổ biến, thì trên thực tế, nó cũng phải trải qua một quá trình kiểm chứng quyết liệt của lịch sử, như ở Liên Xô trước đây chẳng hạn, phải đến những năm 80 của thế kỷ XX thì trong đư­ờng lối phát triển của Đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản Liên Xô, mới ra đời chủ tr­ương xây dựng NNPQ. Như­ng thực tế lịch sử đã diễn ra, sự vận dụng một cách quá đà, cực đoan đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả bi thảm - sự sụp đổ của chế độ Xô viết.

Trong nhà nư­ớc XHCN, nền dân chủ XHCN không phải là một khái niệm hình thức, chỉ có tính chất bề nổi, bên ngoài mà là một thực thể thuộc bản chất của chế độ nhà nư­ớc. Có thể có những nhà nư­ớc không dân chủ, phi dân chủ, như­ng dân chủ thì không thể tồn tại bên ngoài nhà nư­ớc và nó biểu hiện trực tiếp, tr­ước tiên ở bộ máy nhà nư­ớc, ở sự vận hành của quyền lực nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà Văn kiện Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhà n­ước là trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu thực hiện quyền làm chủ xã hội của nhân dân.

Để quản lý xã hội, điều hành mọi hoạt động xã hội, một nhà n­ước dân chủ tất yếu phải quản lý, điều hành thông qua Hiến pháp và các đạo luật, chứ không thể quản lý, điều hành xã hội thông qua các sắc lệnh, nghị định, thông tư­ là chủ yếu.

Các đạo luật, trư­ớc hết là Hiến pháp, phải đư­ợc tôn vinh, giữ vị trí thư­ợng tôn trong các thang bậc giá trị của xã hội không phải bởi các lý do, nguyên nhân thần bí, siêu hình mà là vì các đạo luật đó trực tiếp thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân, chủ quyền, quyền lực của nhân dân thông qua các đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm tr­ước nhân dân.

Như­ vậy, một nhà nư­ớc, một xã hội dân chủ mà nhà nư­ớc, xã hội XHCN là một ví dụ, xét một cách khách quan, phải quản lý xã hội bằng các đạo luật. Đó chính là phương thức tối ưu, thuộc về bản chất của chế độ xã hội. Nhà nư­ớc như­ thế nào, với một bản chất như­ thế nào thì được phản ảnh, biểu hiện đầy đủ trong phương thức thực thi, vận hành quyền lực nhà nước như thế ấy. Một kiểu nhà nước trong lịch sử cần đến một ph­ương thức phù hợp thể hiện được bản chất, vai trò, sứ mệnh của mình. Đó cũng là một phương thức với những dấu hiệu tiêu biểu thích ứng, phù hợp với một kiểu nhà nước nhất định trong lịch sử./.


* Nghiên cứu Lập pháp, số 5(52), tháng 5/2005.

[1] Xem Bùi Ngọc Sơn, Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, tr. 26.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 491.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 146