ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH HAY CHUYÊN NGHIỆP?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng**
Giám đốc Trung tâm Thông tin- Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội
Các đại biểu chuyên trách là cái chúng ta đang có, nhưng có lẽ các đại biểu chuyên nghiệp mới là cái chúng ta cần. Tuy nhiên, không có chuyên trách thì không thể có chuyên nghiệp
Giữa hai thuật ngữ “chuyên trách” và “chuyên nghiệp”, các nhà lập pháp nước ta đã chọn “chuyên trách” để chỉ những đại biểu làm việc 100% thời gian cho Quốc hội: “Trong số các đại biểu Quốc hội, có những đại biểu hoạt động chuyên trách và có những đại biểu hoạt động không chuyên trách” (Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Điều 45). Đây là một sự lựa chọn tinh tế và chính xác.
Chuyên trách là chuyên đảm trách một công việc. Chuyên nghiệp là chuyên theo đuổi một nghề như nghiệp của đời người và tinh thông nghề đó. Như vậy, chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp, mặc dù chuyên nghiệp lại chính là chuyên trách có nghề. Tuy nhiên, làm chính khách ở nước ta chưa phải là một nghề. Và bạn cũng khó theo đuổi nghề này vì phải đối mặt với một rủi ro rất khó vượt qua. Đó là cơ cấu của các đại biểu Quốc hội thường xuyên thay đổi, và “mười năm phấn đấu” của bạn có thể không rơi vào bất kỳ một giờ cơ cấu nào cả.
Vậy thì cái mà chúng ta đang có chính là các đại biểu chuyên trách, những người dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội như là thực hiện một nhiệm vụ được giao. Chắc chắn, trong số các đại biểu này, nhiều người sẽ nhanh chóng trở thành những nghị sĩ chuyên nghiệp, thông thạo hoạt động nghị trường, biết cách tác động có hiệu quả lên chính sách và pháp luật. Họ sẽ là những hạt giống hết sức quan trọng của nền lập pháp Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, tạm thời thì các đại biểu chuyên trách đang là những “tân binh” trên một mặt trận hoàn toàn mới mẻ và phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Trước hết, đó là thách thức của việc đổi nghề. Một hoạ sĩ giỏi không nhất thiết phải viết văn hay. Xác suất thành công của việc chuyển đổi từ nghề vẽ sang nghề văn là không lớn. Làm chính khách không phải là viết văn. Nhưng chuyển từ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động quản lý sang làm đại biểu chuyên trách thì cũng giống như việc bỏ nghề vẽ để bắt đầu nghề văn vậy. Điều khác nhau duy nhất ở đây là: bạn có thể học viết văn ở Trường viết văn Nguyễn Du. Còn làm đại biểu thì không thể học ở đâu được cả. Và nghịch lý này tự thân đã hàm chứa không ít những rủi ro.
Làm nghề đại biểu thực chất làm hai việc sau đây:
Một là, làm cho cử tri vừa lòng.
Hai là, hoạt động có hiệu quả ở Quốc hội.
Như vậy, hoạt động chuyên trách nghĩa là dành 100% thời gian để làm hai nhiệm vụ nói trên. Tỷ lệ thời gian dành cho mỗi nhiệm vụ phụ thuộc vào cách thức tổ chức công việc của từng đại biểu. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, tỷ lệ này thường là 50/50. Dưới đây, xin được phân tích đôi điều về hai nhiệm vụ nói trên.
Một là, về việc làm cho cử tri vừa lòng
Làm cho cử tri vừa lòng chính là thực hiện chức năng đại diện. Công việc này diễn ra chủ yếu ở đơn vị bầu cử, chứ không phải ở thủ đô. Đối với một đại biểu chuyên nghiệp, làm cho cử tri vừa lòng là điều hết sức quan trọng. Cuối cùng thì cử tri mới là người quyết định cái sự chuyên nghiệp của đại biểu có thể xảy ra hay không. Nếu lần bầu cử tiếp theo, cử tri thay đổi sự lựa chọn, sợ rằng cái sự chuyên trách vẫn chưa có đủ thời gian để chuyển thành chuyên nghiệp. Thế nhưng, làm cho cử tri vừa lòng là một công việc khó khăn. Trên thực tế, dễ làm hơn chính là điều ngược lại. Để trợ giúp cho các đại biểu trong việc thực hiện chức năng đại diện, pháp luật ở nhiều nước thường dành cho các đại biểu quyền quyết định việc chi một khoản ngân sách nhất định (ở một số nước khoản ngân sách này khá lớn) cho đơn vị bầu cử của mình. Các đại biểu có thể quyết định việc xây cầu, xây trường học hoặc bệnh viện theo yêu cầu của cử tri. Đâu cũng là tiền ngân sách, nhưng ở ta thì cứ phải xin các quan chức hành pháp mới được. Trong điều kiện như vậy, thực hiện chức năng đại diện ở nước ta rõ ràng khó khăn hơn. Và không có gì áy náy bằng tình cảnh cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, các đại biểu lại chỉ có thể hứa là sẽ báo cáo với Quốc hội. Cách làm này chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì ai cũng biết rằng đa số kiến nghị của cử tri vẫn chỉ là những điều đã được nhắc đi, nhắc lại ở rất nhiều cuộc tiếp xúc với các đại biểu. Cử tri sẽ phải nghĩ gì sau nhiều lần kiến nghị với các đại biểu như vậy? Khắc phục điều bất cập này, có lẽ, trước hết sẽ là trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách, những người ăn lương Quốc hội để làm công việc này. Đây là một công việc khó khăn, nhưng quan trọng. Suy cho cùng, bảo đảm sự vận hành trên thực tế của chức năng đại diện chính là nội dung quan trọng nhất, thậm chí là linh hồn của việc thực hành dân chủ.
Hai là, về việc hoạt động có hiệu quả ở Quốc hội
Hoạt động có hiệu quả ở Quốc hội chính là thực hiện chức năng của nhà lập pháp. Khi thiết chế nghị viện vận hành thực sự, thì Quốc hội là một trong những nơi bận rộn nhất nước. Một đại biểu mới được bầu hoặc là bị dòng thác công việc cuốn trôi vào vô tận, hoặc là “đứng trên bờ nhìn nước chảy”. (Đây không khéo là tình cảnh mà không ít các đại biểu chuyên trách phải đối mặt hiện nay). Ở các nước có nền lập pháp phát triển, chuyện ngập lụt vì công việc ở Quốc hội phần lớn lại là do chính các đại biểu chuyên nghiệp tạo ra. Họ không chỉ tạo ra dòng thác công việc, mà còn lái nó trôi theo ý muốn của mình. Như vậy, khả năng tác động lên chương trình nghị sự, lên tiến trình và kết quả của công việc là bản chất của tính chuyên nghiệp. Muốn làm được điều này phải có rất nhiều kỹ năng và phải nắm vững “luật chơi” (quy trình, thủ tục) trong hoạt động nghị trường. Điều này đòi hỏi phải có thời gian.
Trong lúc đó, cái mà không ít các đại biểu chuyên trách đang có là kinh nghiệm và kỹ năng điều hành công việc của một quan chức hành chính. Đây là những kinh nghiệm và kỹ năng rất có giá trị. Tuy nhiên, Quốc hội không phải là Chính phủ. Những gì có giá trị cho hoạt động quản lý, điều hành chưa chắc đã giúp ích được nhiều cho hoạt động lập pháp và đại diện. Ngược lại, việc hành pháp hoá hoạt động của Quốc hội (tất nhiên là chưa xảy ra) chứa đựng những rủi ro rất lớn cho cả hệ thống.
Thách thức thứ hai là vấn đề năng khiếu. Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, không phải tất cả các học viên đều trở thành nhà văn. Chính xác hơn, đa số họ đều không trở thành như vậy. Viết văn không chỉ là vấn đề của kiến thức, nó là vấn đề của tài năng. Làm nghị sĩ chuyên nghiệp cũng giống như nghề viết văn vậy. Đây là một trong những nghề đòi hỏi phải có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt. Một chính khách bằng diễn thuyết của mình có thể làm cho con tim và khối óc của người nghe bừng sáng. Đây là năng khiếu trời cho hơn là kết quả của sự cần cù, tập luyện. Sắp tới, các đại biểu chuyên trách sẽ còn có thời gian để kiểm nghiệm năng khiếu làm chính khách của mình.
Một thách thức khác là điều kiện sinh hoạt và làm việc khó khăn. Đây là vấn đề hết sức tế nhị. Các đại biểu chuyên trách có thể sẽ không bao giờ nói thẳng ra. Tuy nhiên, không ít đại biểu chuyên trách đang phải sống lại cảnh “cơm niêu, nước lọ” của thời sinh viên. Với hệ thống lương bổng hiện nay, ăn cơm nhà hàng có thể vẫn là một thứ xa xỉ mà nhiều đại biểu chuyên trách sống xa nhà chưa thể cho phép mình được hưởng. Trong tương quan chung, việc quy định một chính sách lương bổng quá đặc biệt cho các đại biểu chuyên trách là rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng ở ta, lương không phải là thu nhập; thu nhập không chỉ là lương. Trong rất nhiều trường hợp, phần mềm mới là khoản thu nhập chính. Điều này có thể đúng cho cả xã hội, nhưng lại không đúng cho các đại biểu chuyên trách. Phải chăng xây dựng một hệ thống phụ cấp cho các đại biểu chuyên trách như tất cả các nghị viện vẫn làm là giải pháp cho vấn đề này? Cuối cùng, thì nền lập pháp nước ta sẽ có được những đại biểu chuyên trách như thế nào sẽ phụ thuộc không nhỏ vào cách thức mà chúng ta đối xử với các đại biểu chuyên trách đương nhiệm hiện nay. Toàn bộ sự anh minh chính trị nằm ở khả năng hoạch định các bước đi.