LỜI HỨA TRANG TRỌNG
CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRƯỚC NHÂN DÂN
Nguyễn Vân Bình
Trước khi khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI, trong các Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú để lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XI, đặc biệt là trong các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XI ít nhiều đã đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội. Nay, họ đã có điều kiện thực hiện lời hứa trước cử tri cả nước.
Lời hứa chung nhất của các ĐBQH khoá XI là góp phần thực hiện cho được những mục tiêu mà Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đề ra. Muốn vậy, phải phát huy dân chủ và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do dân, vì nhân.
Nhìn chung, có bao nhiêu vấn đề đặt ra thì thường có bấy nhiêu cam kết, trong đó 6 loại vấn đề nổi lên là: giáo dục và đào tạo, lao động - việc làm, nông nghiệp - nông dân - nông thôn, giao thông, y tế và chăm sóc sức khoẻ, các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề hết sức bức xúc như chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, buôn lậu, mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, xã hội đen, mất dân chủ và tình trạng rối loạn kỷ cương phép nước hiện nay.
Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, dường như lặp lại tổng kết khoá IX, kể cả khoá VIII (1987 - 1992) về nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết; trở thành “món nợ” đối với nhân dân chuyển sang Quốc hội khoá XI. Với tư cách là một cử tri, tôi cho rằng, để thực hiện được những lời hứa của mình trước cử tri, trước nhân dân và giải quyết những vấn đề tồn đọng đó thì ĐBQH khoá XI cần thực hiện tốt những quyền hạn và nhiệm vụ sau:
Trước hết, ĐBQH phải thực sự liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Cần hết sức tránh việc tiếp xúc một cách rất hình thức phổ biến trong thời gian qua. Mỗi năm ít nhất một lần, ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, về việc thực hiện lời hứa của mình trước đây đến đâu.
Thứ hai, khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐBQH phải nghiên cứu nghiêm túc và kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết.
Thứ ba, ĐBQH cần coi trọng quyền (đồng thời là nhiệm vụ) trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Đây là quyền hạn, nhiệm vụ rất quan trọng nhưng trong các nhiệm kỳ vừa qua, ít được phát huy và thiếu cơ chế để đại biểu thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn này.
Thứ tư, ĐBQH cần thực hiện tốt quyền chất vấn và giám sát việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), ĐBQH cần thực hiện quyền kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Thứ năm, ĐBQH không chỉ cần phải có trách nhiệm quan tâm tới việc phát triển ở địa phương mình ứng cử mà còn cần phải quan tâm tới những vấn đề chung của đất nước, thể hiện rõ nhất qua công tác ban hành các văn bản pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời nghiên cứu đưa ra các giải pháp nâng cao đời sống của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm ĐBQH, không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”[1].
Đối với ĐBQH làm sao cho sự trung thực phải trở thành nguyên tắc sống, làm việc và hành động. Người đại biểu của nhân dân ngày nay không chỉ là danh nghĩa, những ông bà “nghị gật”, “nghị ngồi”, không dám nói và chỉ làm theo người khác, chỉ biết hoan hô và giơ tay tán thành.
Nhớ lại trong một số kỳ họp gần cuối của Quốc hội khoá X, rất nhiều lời hứa của các đại biểu giữ trọng trách trong một số cơ quan hành pháp cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã từng nói: phải thực hiện nghiêm túc, thậm chí có vấn đề phải định thời gian. Hứa phải làm chứ không thể hứa suông. Nhân dân đòi hỏi ĐBQH khoá XI hãy từ giã nói suông. 498[2] ĐBQH phải là 498 “người đầy tớ” thực sự tận tâm, tận lực làm việc vì nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. ĐBQH, nhất là những vị được giao giữ trọng trách trong các cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể luôn luôn tâm niệm và phấn đấu để biến lời hứa thành hành động thiết thực trong công tác (cả trên cương vị đang đảm nhận hay cương vị ĐBQH).
Cử tri và nhiều ĐBQH khoá IX không thể quên câu chuyện trên diễn đàn Quốc hội khoá IX, đại biểu Đàm Văn Nguỵ đã đề nghị “đổi họ” cho một số ĐBQH nắm giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước sang họ “Hứa”- bởi vì các vị này “hứa” nhiều nhưng “làm” thì ít. Vậy thì, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI này, nhân dân mong rằng, 498 vị đại biểu của nhân dân không có vị nào bị “đổi sang họ Hứa”... Nhân dân vẫn theo sát họ./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 10, tr.177.
[2] Theo số liệu kết quả bầu ĐBQH do Hội đồng bầu cử ĐBQH khoá XI công bố.