Về quy trình thông qua luật tại kỳ họp
Trong chương trình của kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 8 dự án luật, đến nay, Quốc hội đã đạt được dự kiến đó. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa nhiều mặt, mở sang một trang mới về thực hiện đổi mới quy trình thông qua các dự án luật của Quốc hội, nhằm bảo đảm nâng cao số lượng và chất lượng các đạo luật được Quốc hội thông qua tại mỗi kỳ họp.
Thắng lợi bước đầu này chứng tỏ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai cuối năm ngoái là đúng đắn. Điều đó cũng chứng tỏ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ đã chấp hành nghiêm chỉnh nên đã có kết quả đáng khích lệ. Điều đó cũng nói lên khả năng tiềm tàng của Quốc hội, của Chính phủ nếu được phát huy tốt, nếu thực hiện tốt quy trình thông qua luật tại kỳ họp Quốc hội như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định thì Quốc hội hoàn toàn có thể nâng cao cả số lượng luật, cả chất lượng luật thông qua tại mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Từ nay trở đi, Quốc hội sẽ giảm bớt được thời gian bàn tại Hội trường về câu chữ, ngôn từ tuy cũng rất quan trọng, song điều quan trọng hơn, có ý nghĩa quyết định hơn là Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần nắm vững, cần bàn thật kỹ để quyết định những nội dung quan trọng nhất của luật. Đó là những quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc và những chính sách cụ thể của luật. Quốc hội biểu quyết thông qua những nội dung, những điều quan trọng của dự thảo luật và một số điều qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ luật.
Để thực sự nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp trong thời gian tới, đòi hỏi các khâu, các công đoạn làm luật cũng phải được tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn nữa. Từ khâu soạn thảo, thẩm định ở các bộ, ngành đến khâu Chính phủ cho ý kiến, sau đó đến khâu thảo luận ở các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đến khâu thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và cuối cùng là khâu tiếp thu giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Từng khâu một, từng công đoạn một đều phải được tiếp tục đổi mới và được tăng cường hơn nữa - đó là điều có ý nghĩa quyết định đến việc đổi mới quy trình thông qua luật tại kỳ họp của Quốc hội theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tóm lại, kinh nghiệm cho thấy, nếu dự án luật được chuẩn bị công phu, chu đáo, tiếp thu giải trình nghiêm túc, đầy đủ, thuyết phục thì khi trình ra Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua sẽ được nhanh gọn, bảo đảm chất lượng. Từ đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội rút kinh nghiệm trong thời gian vừa qua để chuẩn bị thật chu đáo cho các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Nhân dịp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tăng cường lực lượng làm công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, xây dựng lực lượng làm công tác pháp chế vững mạnh, làm tham mưu ngày càng tốt hơn để giúp các đồng chí Bộ trưởng tốt hơn, giúp Thủ tướng Chính phủ soạn thảo dự án luật, nghị định, xây dựng thông tư, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các đạo luật ngay sau khi được công bố. Đây là những công đoạn ban đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cả số lượng và chất lượng các dự án luật đưa ra trình Quốc hội thông qua.
Kịp thời đưa luật vào cuộc sống, giữ vững kỷ cương phép nước đang là những đòi hỏi bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí dành những chuyên mục và tăng cường công tác tuyên truyền cho công tác lập pháp, cho hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần tích cực đưa pháp luật vào cuộc sống.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội
Trong 8 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Tuy còn ý kiến chưa thật hài lòng, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tỷ lệ phiếu thông qua là khá cao. Điều đó nói lên sự mong đợi của các vị đại biểu Quốc hội cần có Luật này. Tuy Quốc hội có yêu cầu cao, mà yêu cầu cao của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn, song Quốc hội cũng không quá cầu toàn, vì chúng ta đã nung nấu chuẩn bị hàng chục năm nay, nếu quá cầu toàn thì chưa biết đến bao giờ mới ban hành được Luật này.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội trong đó có hẳn một chương riêng - chương II quy định về giám sát tối cao của Quốc hội, là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để đưa hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng có hiệu lực và hiệu quả hơn. Đây là điều mà cử tri và nhân dân cả nước đang mong đợi, đang đòi hỏi ở Quốc hội chúng ta.
Có Luật là điều quan trọng, điều quan trọng hơn là tổ chức thực hiện Luật. Làm cho Luật trở thành hiện thực trong cuộc sống, để làm được điều đó, trước tiên là phải khắc phục được những khó khăn trở ngại. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khó khăn trở ngại còn khá lớn. Những khó khăn trở ngại này nằm ngay trong chính chúng ta, trong hệ thống bộ máy nhà nước chúng ta, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần ra sức khắc phục thì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội mới thật sự có hiệu lực và hiệu quả.
Khó khăn, trở ngại hàng đầu là do nhận thức của nhiều người trong chúng ta còn khác nhau. Nhà nước ta lại là nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy bản chất giai cấp và phương thức giám sát có gì khác với nhiều nước tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập, các nghị sỹ Quốc hội của đảng đối lập giám sát, chất vấn các cơ quan hành pháp của đảng cầm quyền?
Như các vị đại biểu Quốc hội đã rõ, về bản chất giai cấp và mục đích có sự khác nhau cơ bản, còn về phương thức thì không hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải làm sao để trong điều kiện một đảng cầm quyền mà vẫn phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị, trong hệ thống bộ máy nhà nước, trong cả xã hội? Dân chủ thực chất hơn, dân chủ thực sự của dân, dân chủ thực sự vì dân? Do đó, chúng ta không những cần làm mà còn cần phải làm tốt hơn nhiều nước khác, vì bản chất giai cấp và mục đích của chúng ta hoàn toàn là vì dân, vì lợi ích của nhân dân, không phải vì lợi ích của các đảng phái khác nhau chi phối.
Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước ta là thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng lãnh đạo, song Đảng không làm thay, Đảng cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Ba cơ quan nhà nước tuy là ba song lại là một. Là một vì cùng bản chất giai cấp và cùng mục đích phấn đấu, là ba vì là ba tổ chức, ba thiết chế có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể khác nhau.
Cả hệ thống sẽ vận hành tốt nếu như mỗi tổ chức, mỗi thiết chế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Do đó, việc chúng ta làm tốt công tác giám sát, chất vấn hoàn toàn không cản trở nhau, níu kéo nhau, không phải là tình trạng “một người nhấn ga ba người đạp thắng” mà là để xây dựng, làm cho Nhà nước ta, cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng mạnh lên, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm - những đặc tính quan trọng nhất của một Nhà nước pháp quyền.
Khó khăn, trở ngại thứ hai là do sự hạn chế về trình độ, năng lực, sự sâu sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu chủ quan của mỗi cơ quan, mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi vị đại biểu Quốc hội vừa phải kiên trì, không nóng vội, song cũng đòi hỏi phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao.
Khó khăn, trở ngại thứ ba là do tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hoà vi quí”, thiếu tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Nếu thiếu bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu đạo đức cách mạng trong sáng sẽ không dám đấu tranh làm rõ trách nhiệm trước những hành vi vi phạm, trước sự quan liêu, lãng phí, tham nhũng lớn đang xảy ra.
Nếu chúng ta không khắc phục được những khó khăn, trở ngại đó thì dù Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng sẽ ít có sự chuyển biến đáng kể, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm tư nguyện vọng, sự gửi gắm lòng tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.
Nếu chúng ta khắc phục được những khó khăn, trở ngại đó và nhất định chúng ta phải khắc phục được, thì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội nhất định sẽ được triển khai có hiệu quả trong cuộc sống. Nhất định chúng ta sẽ nâng cao rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong mỏi và đòi hỏi của cử tri, của nhân dân cả nước, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp.