QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ HOẠT ĐỘNG
CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI
*

                                                                       TS. Nguyễn Sỹ Dũng**- Trần Tuyết Mai***

Trung tâm Thông tin - Thư viện

 và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội

Chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội. Thời gian qua, đây là hoạt động được công chúng ghi nhận và đánh giá cao trong những nỗ lực nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ba ngày chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá X đã được đông đảo cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Lần đầu tiên trên các bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, chúng ta được nghe những đánh giá khá thẳng thắn của nhiều cử tri về việc trả lời của các quan chức Nhà nước, cũng như việc chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Khách quan mà nói, những ý kiến khen chê này, nhiều khi mâu thuẫn với nhau, phản ánh một thực trạng là chúng ta chưa có một nhận thức đầy đủ và nhất quán về chất vấn như là một hình thức giám sát của Quốc hội.

Về lý luận cũng như thực tiễn, cùng một sự việc là hỏi và trả lời, nhưng căn cứ vào tính chất, mục đích và thủ tục nên có tên gọi rất khác nhau: hỏi- đáp, thẩm vấn, chất vấn... Suy xét một cách chung nhất, chúng ta có thể thấy rằng hỏi đáp là để thu nhận thông tin; thẩm vấn là để làm rõ sự thật; chất vấn là để làm rõ trách nhiệm.

Chất vấn, với tư cách là một hình thức giám sát của Quốc hội, được phân biệt với các hình thức khác, tạm gọi là hỏi và trả lời, chủ yếu ở bản chất, mục đích, thủ tục và hậu quả của nó.

Về bản chất: Chất vấn là một thủ tục (hình thức) được Quốc hội áp dụng để giám sát hoạt động của các cơ quan và các quan chức Nhà nước được giao quyền (các hình thức giám sát khác là nghe báo cáo, nghe điều trần, tổ chức, điều tra, tổ chức đi nghiên cứu, xem xét tình hình.... Trong số này có một vài hình thức chưa được áp dụng trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta). Đây là một hoạt động bình thường mà cơ quan lập pháp của các nước trên thế giới đều tiến hành.

Về mục đích: Như đã trình bày ở trên, mục đích chính của chất vấn là để làm rõ trách nhiệm. Khi các vị đại biểu Quốc hội hỏi một quan chức nào đó theo thủ tục chất vấn thì thông tin, số liệu không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây, có thể là: Người bị chất vấn có biết về việc đó không? Tại sao lại để nó xảy ra? Hướng xử lý như thế nào? Cần phải rút kinh nghiệm ở đâu? Chế độ trách nhiệm ra sao?

Như vậy, các vị đại biểu Quốc hội có thể chất vấn nhiều lần về một vấn đề, cho đến khi vấn đề đó được xử lý mới chấm dứt. Một vài quan chức có thể không hài lòng và cho rằng sự việc nào đó đã được “hỏi” và đã được “trả lời”, nên không cần phải hỏi lại.

Nhưng rõ ràng biết rồi không có nghĩa là đã giải quyết xong.

Một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong nắm bắt và điều chỉnh lĩnh vực được phân công. Để thực hiện mục đích này, Quốc hội nhiều nước, nhất là Quốc hội của các nước theo mô hình của Anh thường không cho biết trước các câu hỏi chất vấn. Một vị Bộ trưởng nắm vững công việc sẽ trả lời lưu loát các câu hỏi đặt ra, còn nếu ngược lại- thì uy tín sẽ bị giảm sút. Chính vì thế, không ít các vị bộ trưởng đã dùng thủ thuật gợi ý trước cho các đại biểu cùng đảng về câu hỏi. Thông qua đó, các vị bộ trưởng này có cơ hội để biểu dương thành tích và phô diễn tài trí của mình.

Ngoài ra, chất vấn xét về một khía cạnh nào đó là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. (Ví dụ như, tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng những người đứng đầu doanh nghiệp này lại giàu lên nhanh chóng; việc tinh giản biên chế và gánh nặng đối với xã hội...). Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của người quản lý.

Về thủ tục chất vấn: Quốc hội nhiều nước đã có những quy định khá chặt chẽ về những lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội được đặt câu hỏi chất vấn. Cụ thể như: chỉ được đặt những câu hỏi có liên quan trực tiếp tới lĩnh vực mà bộ trưởng có trách nhiệm quản lý; không được đặt câu hỏi về những vấn đề là đối tượng của hoạt động xét xử; không được đặt những câu hỏi mang tính chỉ trích cá nhân; không được yêu cầu các bộ trưởng bình luận về các bài báo, giải thích luật hay bình luận về tính hợp pháp của một hành động nào đó cho dù đó là hành động của một viên chức Chính phủ... Đại biểu cũng không được nhắc lại câu hỏi có cùng nội dung trong vòng ba tháng. Còn nếu bộ trưởng từ chối trả lời một câu hỏi thì câu hỏi đó không được nhắc lại cho đến kỳ họp sau của Quốc hội.

Một số nước có sự phân biệt giữa câu hỏi chất vấn “lớn” và “nhỏ”. Quy chế của Quốc hội CHLB Đức quy định: nếu Chính phủ từ chối trả lời câu hỏi chất vấn “lớn” thì nếu muốn đưa vấn đề đó ra thảo luận cần có sự đồng ý của một nhóm nghị sĩ hoặc 5% tổng số nghị sĩ.

Về hình thức chất vấn: Nhìn chung nhiều nước, nhất là các nước thuộc mô hình Anh, có quy định về câu hỏi miệng và câu hỏi viết. Nhưng các nước thuộc mô hình này không cho phép thảo luận những vấn đề chất vấn. Trong khi nhiều nước khác lại quy định câu hỏi chất vấn miệng không thảo luận, câu hỏi chất vấn miệng có thảo luận và câu hỏi viết.

Nhìn chung, câu hỏi viết thường được gửi trước cho những người có liên quan và có trách nhiệm trả lời chất vấn. Câu hỏi miệng được hỏi trực tiếp tại các phiên trả lời chất vấn. Hình thức sau thường gây nhiều khó khăn cho các vị bộ trưởng nhưng lại được công chúng hoan nghênh. Quốc hội Việt Nam đã kết hợp giữa hai hình thức nói trên: một số câu hỏi được gửi trước cho các bộ, ngành, để chuẩn bị trả lời, sau đó ngay tại Hội trường các đại biểu có thể trực tiếp thêm câu hỏi.

Thời gian tổ chức các phiên trả lời chất vấn được bố trí tuỳ theo chương trình nghị sự của Quốc hội từng nước. Ở Việt Nam, mỗi kỳ họp Quốc hội thường dành 2-3 ngày cho người đứng đầu các bộ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại các nước khác, do Quốc hội họp thường xuyên nên hàng tuần, Quốc hội thường dành một ngày hoặc một số ngày cố định với thời lượng khoảng 1-2 giờ/ngày cho việc trả lời chất vấn. Để theo dõi chặt chẽ và dự kiến trước được các câu hỏi chất vấn, Chính phủ các nước thường cử quan chức của mình thường trực tại các phiên họp của Quốc hội.

Về hậu quả: Chất vấn có thể dẫn đến những hậu quả như hậu qủa pháp lý, hậu quả xã hội và hậu quả chính trị.

Về hậu quả pháp lý: ở một số nước, việc chất vấn có thể dẫn đến việc Quốc hội biểu quyết thông qua kiến nghị (motion) đưa ra thảo luận tại Quốc hội về trách nhiệm của một quan chức nào đó. Và cao hơn nữa, một số nước quy định khi kiến nghị thu được một số lượng chữ ký nhất định thì vị quan chức này phải điều trần trước Quốc hội và có thể bị cách chức, thậm chí Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một chính sách của Chính phủ. Ví dụ ở Pháp có quy định: nếu một kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ thu nhận được chữ ký của ít nhất 10 nghị sĩ thì vấn đề đó sẽ được đưa ra thảo luận. Một số nước khác quy định cần có khoảng 20 hoặc 50 chữ ký...

Về chất vấn cũng mang lại hậu quả xã hội to lớn, thường là có tác động rộng rãi hơn hậu quả pháp lý. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, việc truyền hình hay truyền thanh trực tiếp và các bình luận của báo chí về những buổi trả lời chất vấn của các quan chức Chính phủ đã tạo nên một luồng công luận mạnh mẽ và gây áp lực xã hội to lớn. Vì vậy, ở một số nước, đa số bộ trưởng phải từ chức do áp lực của công luận chứ không nhất thiết là áp lực từ phía Quốc hội.

Các phương tiện thông tin đại chúng của ta đã có những phản ứng nhanh nhạy trong việc đưa tin về các phiên trả lời chất vấn. Cụ thể như bên cạnh việc chuyển tải những nội dung chính, các báo cáo thể hiện cả những ý kiến trái ngược hoặc những phản ứng của các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri đối với việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng. Điều này ít nhiều cũng khiến những người có trách nhiệm phải cân nhắc và xem xét lại cách thức trả lời chất vấn của mình trong những lần tiếp theo.

Ngoài ra, việc chất vấn cũng mang lại hậu quả chính trị mà cụ thể là liên quan tới kết quả bầu cử ở nhiệm kỳ sau.

Qua theo dõi một số phiên trả lời chất vấn gần đây tại Quốc hội Việt Nam, có thể rút ra một số nhận xét sau:

- Về thời gian: thông thường không đủ thời gian để chất vấn và trả lời chất vấn;

- Một số quy định về chất vấn chưa rõ ràng (về thời hạn những lĩnh vực mà đại biểu được phép chất vấn, về quyền của Bộ trưởng chỉ trả lời những vấn đề liên quan đến chính sách...).

Thực tế cho thấy nên quy định về quyền kiến nghị của đại biểu đưa vấn đề ra thảo luận và biểu quyết ở Quốc hội cũng như thủ tục tiến hành công việc này.

Trong thời gian tới, việc nghiên cứu để xây dựng những quy định chi tiết về chất vấn và thủ tục chất vấn là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, cũng như để thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Điều này đã được đề cập tới trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII “...khẩn trương xây dựng cơ chế giám sát có hiệu lực.... Đổi mới việc xem xét báo cáo công tác và việc trả lời chất vấn của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao”./.

  


 

*Nghiên cứu Lập pháp, số 2/1999.

** Hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

*** Hiện là Thạc sĩ, Vụ Tổ chức-cán bộ, Văn phòng Quốc hội.

 

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang