BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM – BÀN VỀ THỦ TỤC KHẢ THI
ThS. Vũ Văn Nhiêm
Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Nhằm nâng cao trách nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng như vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu quyền lực cao nhất của nhân dân trong bộ máy nhà nước, cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật của Việt Nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi, còn tồn tại một số vấn đề cần được xem xét như sau:
Thứ nhất, cần phải bàn thêm về thủ tục đối với trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội xem xét việc bỏ phiếu tín nhiệm khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội gửi đến UBTVQH. Bởi vì chúng ta khó trông chờ trong một kỳ họp lại có trên một trăm ý kiến (>=20% trong số 498 đại biểu Quốc hội) ngẫu nhiên cùng kiến nghị về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với cùng một đối tượng mà không có một “đầu mối” đứng ra “phát động” theo một thủ tục hợp pháp. Khi Quốc hội không họp thì lại càng khó hơn, bởi lẽ các đại biểu Quốc hội chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, thường làm việc ở các cơ quan và các địa phương khác nhau và quan trọng nhất là chưa rõ quy định về những “đầu máy phát động”. Do đó, nếu không có những quy định cụ thể hóa về trình tự, thủ tục, thì chắc chắn các quy định bỏ phiếu tín nhiệm chỉ tồn tại trên văn bản. Không những trong việc bỏ phiếu tín nhiệm mà trong các loại việc khác có quy định tương tự, chẳng hạn Điều 86 Hiến pháp năm 1992 có quy định khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì UBTVQH triệu tập Quốc hội họp bất thường cũng cần có những quy định cụ thể về thủ tục. Theo chúng tôi, tốt nhất là trong Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội) nên quy định về vấn đề này. Chẳng hạn, đại biểu Quốc hội có quyền thu thập chữ ký của các đại biểu khác về việc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nếu đủ số lượng (ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội) thì đại biểu có quyền kiến nghị đến UBTVQH về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Cũng có thể thông qua cơ chế Trưởng đoàn các đoàn đại biểu Quốc hội đi thu thập đủ số phiếu kiến nghị về việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, cũng nên quy định sự phối hợp giữa các đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội về vấn đề này. Ví dụ, khi có kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm từ một đoàn đại biểu Quốc hội tới Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội thì các cơ quan này phải xem xét để quyết định có kiến nghị đến UBTVQH về vấn đề này hay không.
Mặt khác, không nên quy định trong mọi trường hợp đều phải nêu rõ lý do bỏ phiếu tín nhiệm[1] bởi lẽ mỗi đại biểu có thể có những căn cứ, những cảm nhận khác nhau về vấn đề này. Cũng có thể các đối tượng bị bỏ phiếu tín nhiệm không có vi phạm gì, nhưng năng lực quản lý và lãnh đạo còn hạn chế… nên sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với họ bị giảm sút. Vì vậy, không nên quy định “cứng nhắc” về lý do bỏ phiếu tín nhiệm.
Thứ hai, xét về hệ quả, vấn đề đặt ra là khi Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm nhưng kết quả có thể xảy ra là người đó không bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc không bị phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức (vì không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành). Như vậy, tác dụng của bỏ phiếu tín nhiệm chỉ mang tính răn đe hoặc nửa vời. Những người bị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mặc dù không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm (nghĩa là không được Quốc hội tín nhiệm) rồi sau đó lại “không hề gì”. Điều này không hợp lý trước công luận.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, người không được Quốc hội tín nhiệm không nhất thiết phải bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức. Đối tượng bị bỏ phiếu tín nhiệm đều là các chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước. Do đó, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức đối với họ có thể nói là biện pháp “cuối cùng”, nhất là ở nước ta - một đất nước mang những đặc điểm truyền thống của phương Đông, lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện về vấn đề này. Do vậy, chúng ta nên quy định có nhiều hình thức, nhiều mức không được Quốc hội tín nhiệm. Đó có thể là các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm, bãi nhiệm (đối với các chức danh do Quốc hội bầu như đã nói ở trên) hoặc khiển trách, cảnh cáo, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức (đối với các chức danh do Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm như đã nói ở trên). Trong trường hợp mức độ không tín nhiệm chưa đến mức phải miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức thì sẽ chuyển sang xem xét để áp dụng các biện pháp “nhẹ” hơn. Khi Quốc hội xem xét về việc áp dụng hình thức cảnh cáo mà biểu quyết không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tán thành thì sẽ áp dụng hình thức khiển trách đối với họ, có nghĩa là khi đã bị Quốc hội không tín nhiệm thì họ sẽ bị áp dụng hình thức chế tài nhẹ nhất là khiển trách.
Thứ ba, chúng tôi cho rằng nên thay thuật ngữ “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng thuật ngữ “bỏ phiếu bất tín nhiệm” (hoặc là “bỏ phiếu không tín nhiệm”). Bởi vì: Một là, khi các chức sắc do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đảm nhiệm công việc của họ một cách “trơn tru, suôn sẻ”, thì có nghĩa là họ vẫn đang được tín nhiệm. Chỉ khi có “sự kiện” xảy ra chẳng hạn như tham nhũng, nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm… hoặc có hành vi bất hợp pháp khác thì có thể kéo theo hệ quả là niềm tin của nhân dân và của Quốc hội đối với họ không còn được như trước nữa. Như vậy, với lôgíc thông thường thì khi đó phải bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hai là, theo chúng tôi, quy định tại Điểm 2 Điều 88[2] liệu có phù hợp với quy định tại Điều 91[3] không hay đây là trường hợp đặc biệt? Nếu là đặc biệt thì tại sao không đưa vào Điều 91 (trong khi tại điều này đã quy định những trường hợp đặc biệt khác[4]). Ba là, theo hiểu biết của chúng tôi, các nước trên thế giới có quy định vấn đề tương tự hoặc có tính chất tương tự như vấn đề này ở nước ta, thì hầu hết đều sử dụng thuật ngữ “bỏ phiếu bất tín nhiệm”./.
[1] Điều 11 của Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2002/QH 11 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ hai có quy định: "...Kiến nghị của đại biểu Quốc hội được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản và nêu rõ lý do bỏ phiếu tín nhiệm".
[2] Điểm 2, Điều 88 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định: “Trong trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm”.
[3] Điều 91 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định: "Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành...".
[4] Điều 91 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định: "Đối với các Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành...".