VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC
CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA VII
*

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đến nay.

I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Trong phiên họp ngày 24-01-1983, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua chương trình xây dựng pháp luật năm 1983, giao cho Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch này.

Căn cứ vào Nghị quyết ngày 28-12-1982 của Quốc hội về việc ủy quyền cho Hội đồng Nhà nước sửa đổi các thứ thuế, ngày 25, 26-02-1983, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp.

Ngày 29-3-1983, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận bản dự thảo Pháp lệnh về đất đai và nêu lên một số vấn đề để Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu, lấy ý kiến thêm của các địa phương và sẽ thông qua trong thời gian tới.

Sau nhiều lần họp thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ngày 28 và 29-4-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Ban Dự thảo Bộ luật hình sự của Hội đồng Bộ trưởng báo cáo Dự thảo về Phần các tội phạm. Việc soạn thảo khá công phu, bám sát các văn bản pháp luật đã ban hành, phản ánh được những kinh nghiệm trong việc vận dụng pháp luật của Nhà nước ta trong mấy chục năm qua và phù hợp với tình hình tội phạm trong xã hội ta hiện nay, có chú ý kinh nghiệm của các nước anh em. Hội đồng Nhà nước đã nêu lên một số ý kiến để Ban Dự thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Đầu tháng 4, Hội đồng Nhà nước có thông tư hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức họp bất thường để thảo luận và tham gia ý kiến vào bản Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Trong phiên họp ngày 27-5-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về Dự thảo Luật này; nhấn mạnh việc sớm trình Quốc hội thông qua Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong tình hình hiện nay là cần thiết và cấp bách sau khi có Hiến pháp mới, các luật về tổ chức khác đã được ban hành.

Hội đồng Nhà nước đã nêu lên một số ý kiến để Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

1. Đối với Hội đồng Bộ trưởng

Sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tập hợp các ý kiến và kiến nghị của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại các cuộc họp Tổ, họp Đoàn và trong các bản tham luận, chuyển đến Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ có trách nhiệm.

Tính đến ngày 15-01-1983, có 88 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã được trả lời tại Hội trường hoặc bằng văn bản; 30 ý kiến chưa được trả lời. Tiếp đó, các ngành hữu quan (Bộ Nông nghiệp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức của Chính phủ, v.v.) đã nghiên cứu để trả lời các điều chất vấn.

Hội đồng Nhà nước đã nhận được đều đặn những nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông tư, báo cáo về các mặt công tác của Hội đồng Bộ trưởng.

Từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đến nay, trong các phiên họp thường lệ hàng tháng, Hội đồng Nhà nước đã chú ý xem xét một số vấn đề về quản lý kinh tế - xã hội của Hội đồng Bộ trưởng có quan hệ đến đời sống, an ninh và trật tự an toàn xã hội, v.v..

Ngày 25, 26-02-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện hai Pháp lệnh về thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, tình hình tổ chức bộ máy thu thuế và đội ngũ cán bộ làm thuế. Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng cần có kế hoạch chu đáo nhằm triển khai nhanh chóng và thi hành triệt để; một mặt, phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho cán bộ, bộ đội và nhân dân thấu triệt mục đích, chủ trương, chính sách về thuế; mặt khác, phải thường xuyên kiểm tra, kiểm sát liên tục và chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh chống lậu thuế, trốn thuế, tăng giá hàng, v.v. nhằm tăng thu cho Nhà nước và góp phần ổn định đời sống của công nhân, viên chức, chiến sĩ và nhân dân.

- Ngày 29 và 30-3-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về việc tổ chức thi hành Pháp lệnh chống đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép (chủ yếu là quản lý thị trường) và báo cáo về vấn đề “Tổ chức phân phối các mặt hàng cung cấp theo định lượng, bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức”. Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng: việc thi hành Pháp lệnh này là một vấn đề bức thiết, phức tạp, cần phải làm mạnh và kiên quyết. Muốn làm được tốt, phải giáo dục quần chúng, tăng cường công tác kiểm kê và kiểm soát, đấu tranh thực sự với bọn phạm pháp; phải tổ chức thực hiện như một chiến dịch, dựa vào các đoàn thể quần chúng (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, v.v.) để thực hiện; các cơ quan tài chính, vật giá, công an, quân đội phải làm nòng cốt cho việc thi hành Pháp lệnh này.

- Ngày 28 và 29-4-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về việc chấn chỉnh tổ chức và chống các hiện tượng tiêu cực trong các ngành vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và đường sắt. Hội đồng Nhà nước thấy rằng, ngành Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua, nhất là trong dịp Tết âm lịch, đã có một số chuyển biến về tổ chức quản lý và chống các mặt tiêu cực trong các ngành vận tải; tuy nhiên, mới chỉ là bước đầu, tình hình chưa phải là đã chuyển biến cơ bản. Trong hoạt động, ngành Giao thông vận tải còn đơn độc, chưa có sự kết hợp đồng bộ với các ngành, các địa phương. Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng và ngành Giao thông vận tải cần cố gắng hơn nữa trong việc đổi mới cơ chế quản lý, có biện pháp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân, kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực và hết sức cảnh giác chống địch phá hoại; cần bổ sung, sửa đổi chính sách và chăm lo đời sống của công nhân, viên chức trong ngành.

- Ngày 27, 28 và 30-5-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình bắt, giam, tha. Thi hành Công văn số 639 ngày 14-11-1981 của Hội đồng Nhà nước về việc thanh lý các trại giam, trại cải tạo, trong thời gian vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cố gắng chấn chỉnh và tăng cường tổ chức chỉ đạo, thanh lý các trại giam và bước đầu đã mang lại một số kết quả; nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, tha vẫn đang còn nghiêm trọng. Hội đồng Nhà nước đã chỉ thị cho ba ngành Nội vụ, Kiểm sát và Tòa án tăng cường sự phối hợp công tác, tiến hành ngay một đợt kiểm tra thanh lý, kiên quyết không bắt giữ người vô tội và 6 tháng một lần báo cáo lên Hội đồng Nhà nước.

2. Đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Trong các phiên họp thường lệ hàng tháng của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của hai ngành này.

Trong phiên họp tháng 5-1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình công tác của hai ngành. Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và cho ý kiến. Tình hình tội phạm xảy ra còn nhiều, có nơi, có mặt rất nghiêm trọng; các ngành Kiểm sát, Tòa án đã cố gắng thực hiện chức năng của mình. Việc phối hợp giữa các ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án trong đấu tranh chống tội phạm đã có tiến bộ, góp phần giải quyết nhanh chóng hơn những vụ án quan trọng về an ninh chính trị, an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn chậm trễ; một số vấn đề mới đặt ra chưa được các ngành nghiên cứu, đề nghị biện pháp giải quyết. Các ngành cần nghiêm túc sửa chữa những sai sót, đồng thời, chủ động phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của mỗi ngành; hết sức quan tâm đến việc giáo dục, đào tạo cán bộ của ngành mình.

3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội

Ngày 10-3-1983, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã họp với Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban thường trực của Quốc hội để bàn về phương thức hoạt động và chương trình công tác năm 1983 nhằm phục vụ chương trình làm luật và giúp Hội đồng Nhà nước trong việc giám sát một số vấn đề về quản lý kinh tế - xã hội trong năm 1983.

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đã triển khai chương trình hoạt động 6 tháng đầu năm 1983 và đạt kết quả như sau:

a) Hội đồng dân tộc

Tháng 4 năm 1983, đã cử đoàn đi tỉnh Hậu Giang và tỉnh An Giang để nghiên cứu, xem xét tình hình phát triển kinh tế ở những vùng có đồng bào Chăm và Khơme, xem xét tình hình thực hiện chính sách dân tộc qua việc thi hành hai Chỉ thị 121/CT, 122/CT của Hội đồng Bộ trưởng. Đoàn đã góp phần động viên nhân dân các dân tộc ở hai tỉnh này đoàn kết thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã góp nhiều ý kiến với địa phương về việc thực hiện chính sách dân tộc.

b) Ủy ban pháp luật

Đầu tháng 1 năm 1983, thường trực Ủy ban pháp luật đã bàn chương trình công tác và đề nghị Hội đồng Nhà nước cho thành lập 4 tiểu ban công tác.

Ngày 19 tháng 1, thường trực Ủy ban pháp luật đã họp với thường trực Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội để thẩm tra Dự án Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, Dự án Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp.

Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 2, Ủy ban đã họp để:

- Thảo luận sơ bộ Dự thảo Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, Dự thảo Luật về lực lượng Công an nhân dân;

 - Thẩm tra Công ước quốc tế về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng một số vũ khí thông thường.

Trong tháng 3 và tháng 4, Ủy ban đã họp để:

- Thảo luận Dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự;

- Thẩm tra Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc;

- Bàn định về kế hoạch đi địa phương để xem xét việc thi hành một số văn bản pháp luật và thu thập ý kiến của địa phương về một số dự án luật và pháp lệnh.

Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật đã về tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang để xem xét việc thi hành pháp luật và nghe ý kiến về Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Từ ngày 19 đến ngày 21-5, Uỷ ban đã họp để thẩm tra:

- Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp;

- Dự thảo Luật về lực lượng Công an nhân dân.

c) Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách

Tháng 1-1983, thường trực Uỷ ban mở rộng đã họp cùng với Uỷ ban pháp luật để thẩm tra hai Dự án Pháp lệnh về thuế nông nghiệp và một số điều sửa đổi về thuế công thương nghiệp. Tháng 2, thường trực Uỷ ban mở rộng đã nghe Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Bộ Tài chính báo cáo về phương án cải tiến chế độ tiền lương, về phân phối lưu thông và kết quả thu chi ngân sách trong quý I năm 1983.

Tháng 3, sau khi nghe báo cáo của Sở Thương nghiệp Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phân phối lưu thông, đoàn công tác của Uỷ ban đã đi khảo sát tình hình ở một số cửa hàng bách hoá và thực phẩm. Uỷ ban đã báo cáo tình hình và nêu những kiến nghị đối với vấn đề này trong phiên họp của Hội đồng Nhà nước tháng 3 năm 1983.

Tháng 4, Uỷ ban đã cử đoàn đi tìm hiểu, nắm tình hình về chấn chỉnh tổ chức và chống các hiện tượng tiêu cực trong ngành Đường sắt, xem xét thực tế ở một số ga, một số chuyến tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đoàn đã trực tiếp báo cáo và có kiến nghị trong phiên họp mà Hội đồng Nhà nước nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về vấn đề nói trên.

d) Ủy ban văn hóa và giáo dục

Đã thành lập tổ nghiên cứu giúp Ủy ban nắm tình hình và có kế hoạch chuẩn bị thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh.

Tháng 3, Ủy ban đã cử đoàn đi tỉnh Nghệ Tĩnh, tỉnh Bình Trị Thiên để xem xét tình hình tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở, việc thực hiện Quyết định 126/CP, việc bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh ở địa phương.

Tháng 4, Ủy ban đã cử đoàn đi xem xét những vấn đề nói trên ở tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Thường trực Ủy ban đã nghe một số chuyên viên của Viện Nghiên cứu khoa học - giáo dục trình bày về chuyên đề nghiên cứu cải cách giáo dục và hướng nghiệp. Tháng 5, Ủy ban đã cử đoàn đi tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Hà Bắc để nghiên cứu vấn đề nói trên.

đ) Ủy ban khoa học và kỹ thuật

Đã tập trung vào việc xem xét tình hình và hiệu quả về nghiên cứu cơ bản có định hướng, việc đào tạo cán bộ trên và sau đại học. Một số tiểu ban của Ủy ban đã làm việc với Viện Khoa học Việt Nam, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, các Bộ Giáo dục, Y tế, Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Ủy ban đã cử một đoàn làm việc với Bộ Nông nghiệp để xem xét tình hình sử dụng vốn đầu tư nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và tìm hiểu tình hình thực hiện ở một số viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất do Bộ quản lý.

e) Ủy ban y tế và xã hội

Tháng 1 và tháng 2 năm 1983, Ủy ban đã cử đoàn làm việc với Sở Thương binh - Xã hội thành phố Hà Nội, đi thăm và xem xét tình hình sinh hoạt, đời sống của cán bộ hưu trí, một số câu lạc bộ, thị xã, huyện và xã.

Tháng 3, thường trực Ủy ban đã nghe Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội báo cáo về kết quả thực hiện Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép; đã cử đoàn đi xem xét tình hình phân phối, bán thuốc ở một số trạm y tế, cửa hàng dược, một số nơi có những người buôn bán thuốc trái phép ở thành phố Hà Nội.

Trong tháng 3, đầu tháng 4 và tháng 5 năm 1983, Ủy ban đã cử đoàn đi thăm Nhà máy dệt 8-3, khu mỏ Quảng Ninh, một số cơ sở sản xuất của ngành Thương binh - Xã hội và Y tế ở tỉnh Kiên Giang, An Giang và thành phố Hà Nội để nghiên cứu, xem xét tình hình tổ chức thực hiện vệ sinh công nghiệp, sinh đẻ có kế hoạch, chính sách thương binh - xã hội.

g) Ủy ban thanh niên, thiếu niên, nhi đồng

Tháng 3 và tháng 4, Ủy ban đã cử đoàn đi Hà Sơn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Hậu Giang để xem xét tình hình sắp xếp lao động cho thanh niên, tình hình đấu tranh chống tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, tình hình thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tháng 5, thường trực Ủy ban làm việc với một số ngành hữu quan để xem xét tình hình bắt, giam, tha đối với các đối tượng ở độ tuổi vị thành niên và đã báo cáo với Hội đồng Nhà nước.

h) Ủy ban đối ngoại

Trong 6 tháng qua, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã họp ba lần để nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta do Bộ Ngoại giao trình bày; nghe báo cáo của Bộ Lao động về việc hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa; cùng với Ủy ban pháp luật thẩm tra Công ước quốc tế về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng một số vũ khí thông thường.

4. Công tác dân nguyện

Từ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đến nay, đã có 2.343 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Đơn, thư khiếu nại chiếm 73,53%, tố cáo chiếm 19,73% còn lại là đơn, thư dân nguyện.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 291 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.

Qua các đơn, thư khiếu tố và dân nguyện, nổi lên những vấn đề sau:

- Quyền tự do thân thể của công dân vẫn bị xâm phạm; việc bắt người, giam giữ, khám nhà, thu tài sản, v.v. rất tùy tiện. Nhiều người bị bắt nhầm, bị giam oan, tuy được tha nhưng không được minh oan và phục hồi quyền lợi. Một số người bị đánh đập, nhục hình. Hầu hết các đối tượng bị khiếu tố về vấn đề này là cán bộ, công an xã, công an huyện, giám thị trại giam.

- Việc xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa vẫn xảy ra phổ biến và nghiêm trọng ở nhiều ngành kinh tế. Cán bộ có chức, có quyền đã tham ô, lãng phí, gây thiệt hại nhiều tài sản, vật tư của Nhà nước, có vụ trị giá 5 - 6 triệu đồng.

- Một số cán bộ lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp trù dập, trả thù những người tích cực và thẳng thắn đấu tranh.

- Một số vụ án chưa được xét xử kịp thời; xét xử thiếu căn cứ khách quan, đương sự bị oan và chịu hình phạt nặng; cán bộ chủ trì phiên tòa thiếu dân chủ, vi phạm thủ tục xét xử, v.v..

- Về dân nguyện, nhiều đơn thư đề đạt nguyện vọng với các ngành, các cấp, cần có biện pháp khắc phục những khó khăn về đời sống, có kế hoạch ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và yêu cầu xử lý thật nghiêm minh đối với những người có chức, có quyền mắc sai phạm.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã nghiên cứu và chuyển các đơn thư đến các ngành, các cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời liên hệ với các ngành chức năng ở Trung ương và cử cán bộ đến một số địa phương để tìm hiểu và đôn đốc việc giải quyết.

Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu tố của các ngành và các địa phương vẫn còn trì trệ, chưa có chuyển biến cơ bản.

Hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã góp phần đôn đốc Ủy ban nhân dân và các ngành, các cấp tại địa phương xem xét giải quyết có kết quả một số vụ, việc khiếu tố nghiêm trọng.

5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

Từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa VII đến nay, Hội đồng Nhà nước đã chú ý xem xét việc xây dựng Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thảo luận, góp ý kiến vào bản Dự thảo Luật. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các địa phương, Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến để Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh bản Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Cuộc thảo luận về bản Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, ngoài kết quả đóng góp nhiều ý kiến xây dựng, còn có tác dụng làm cho đại biểu Hội đồng nhân dân nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, phấn đấu để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, hoạt động thiết thực, tránh hình thức.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước, Ủy ban nhân dân các địa phương bắt đầu thực hiện việc báo cáo định kỳ lên Hội đồng Nhà nước về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương mình. Về báo cáo kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh gửi đầy đủ theo đúng mẫu quy định; các địa phương khác như Hà Nội, Sông Bé, Sơn La, Nghệ Tĩnh, Hải Hưng, v.v. gửi đều đặn, riêng Minh Hải không có báo cáo. Từ kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp này, có 5 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Hải Hưng, Thái Bình, Vĩnh Phú, Bình Trị Thiên) gửi báo cáo tổng hợp về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương mình cho Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Hội đồng Nhà nước nhắc các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để Hội đồng Nhà nước có thể thực hiện được chức năng giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp như Hiến pháp quy định.

III- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1 Đón tiếp khách nước ngoài và thăm nước ngoài

- Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc do đồng chí Alôixơ Inđơra, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch Quốc hội Tiệp Khắc, dẫn đầu, đã sang thăm chính thức hữu nghị nước ta từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 3 năm 1983.

Bạn đánh giá cao ý nghĩa của chuyến đi thăm nước ta; những cuộc nói chuyện và hội đàm trên tình đồng chí đã khẳng định sự nhất trí hoàn toàn về quan điểm giữa hai nước và quyết tâm tiếp tục phát triển, tăng cường quan hệ anh em và sự hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa Tiệp Khắc và Việt Nam.

Nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước ta, Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Nicaragoa do đồng chí Tư lệnh cách mạng Đanien Oóctêga dẫn đầu sang thăm chính thức hữu nghị nước ta từ ngày 12 đến ngày 15-3-1983.

Cuộc đi thăm của Đoàn đạt kết quả tốt đẹp, hai bên hoàn toàn nhất trí về mọi vấn đề. Cuộc đi thăm này đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hữu nghị anh em, tăng cường thêm sự hiểu biết, tin cậy, ủng hộ lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước.

- Tháng 5 năm 1983, đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước và đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã đi nghiên cứu kinh nghiệm công tác của Xô viết tối cao Liên Xô và Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Bungari.

2. Trao đổi thư và điện với nước ngoài

Từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đến nay, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ta đã trao đổi thư và điện chúc mừng quốc khánh, chia buồn, thăm hỏi, v.v. với nguyên thủ của 42 nước trên thế giới. Đặc biệt, ngày 28-4-1983, Chủ tịch Trường Chinh đã có điện trả lời Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Xây dựng lại đất nước Nicaragoa, cực lực lên án và đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt ngay chính sách hiếu chiến và đầy tội ác chống nhân dân Nicaragoa, chống nhân dân các nước châu Mỹ Latinh và Caribê; đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ chính sách đối ngoại hòa bình và những cố gắng to lớn của Nicaragoa nhằm đạt được một giải pháp đúng đắn cho cuộc xung đột hiện nay ở Trung Mỹ.

- Ngày 25-4-1983, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã gửi điện chào mừng Hội nghị quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nammibia tổ chức tại Pari.

3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài

Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của các đại sứ Áchentina, Bănglađét, Anbani và Tuynidi.

4. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội

Tham gia Hội nghị tư vấn đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Buđapét, từ ngày 01 đến ngày 02-3-1983.

Đoàn ta đã góp phần tích cực vào công việc của Hội nghị, vào công tác chuẩn bị của các đoàn các nước xã hội chủ nghĩa cho Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Quốc hội tại Henxinky (Phần Lan), góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, chống nguy cơ chiến tranh.

Đoàn ta đã chính thức mời các đoàn đại biểu các nước xã hội chủ nghĩa tham dự Hội nghị tư vấn đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa sẽ họp tại Việt Nam vào tháng 02 năm 1984.

Tham gia Hội nghị mùa xuân của Liên minh Quốc hội họp tại Henxinky từ ngày 23 đến ngày 30-3-1983.

Trong Hội nghị này, đoàn ta có vai trò hoạt động rất tích cực, được các nước xã hội chủ nghĩa và các nước không liên kết hoan nghênh, có tác dụng không chỉ đối với vấn đề Việt Nam mà còn có tác dụng chung đối với các vấn đề khác như vấn đề Campuchia, vấn đề Ápganixtan, vấn đề đấu tranh đòi chuyển địa điểm họp Hội nghị mùa Thu lần thứ 70 của Liên minh Quốc hội.

IV- VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC, HIỆP ĐỊNH

Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, tại phiên họp ngày 29, 30-3-1983, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc.

V- TỔ CHỨC NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng: theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tại phiên họp ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã cử đồng chí Võ Đông Giang giữ chức Bộ trưởng.

2. Về bổ nhiệm đại sứ: tại phiên họp ngày 28 và 29-4-1983, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta ở Ápganixtan, Irắc, kiêm Gioócđani và Côoét; ở Êtiôpi kiêm Gana; ở Môdămbích kiêm Dimbabuê và Dămbia; ở Cônggô kiêm Bênanh và Nigiêria; ở Mađagátxca kiêm Xâyxen; ở Nicaragoa kiêm Êquađo; ở Cuba kiêm Gơrênađa.

VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Hội đồng Nhà nước đã quyết định:

- Tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 66 đơn vị và 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trên mặt trận giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho:

+ Đồng chí Uxtinốp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, đã có nhiều cống hiến trong việc giúp đỡ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

+ Học viện quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô đã giúp đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

+ Binh đoàn Cửu Long (Quân đội nhân dân Việt Nam) đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

+ Hai cán bộ đã có nhiều cống hiến vào sự nghiệp cách mạng.

- Tặng Huân chương Độc lập cho:

+ Hai đơn vị đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước.

+ Năm cán bộ đã có những cống hiến vào sự nghiệp cách mạng.

- Tặng Huân chương Lao động cho:

+ 21 tập thể và chuyên gia Liên Xô đã có công giúp Việt Nam trong việc bảo vệ đất nước.

+ 57 đơn vị và 26 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Kháng chiến cho cán bộ đã có thành tích trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.

- Tặng Huân chương Quyết thắng cho 899 cán bộ theo niên hạn phục vụ ở miền Nam trong cuộc Kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

 - Tặng Huân chương Giải phóng cho:

+ 415 gia đình thuộc các tỉnh miền Nam có người thân đã thoát ly gia đình, tham gia Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

+ 24.964 cán bộ, chiến sĩ đã có thành tích phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tặng Huân chương Hữu nghị cho 3 tập thể và 34 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã có công giúp nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, và một cá nhân thuộc nước Italia đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta.

VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội đã có kế hoạch phân công đại biểu báo cáo thông qua các hình thức: mít tinh, gặp gỡ cử tri, báo cáo trước Hội nghị Hội đồng nhân dân. Trung bình, mỗi đoàn đã tổ chức từ 20 đến trên 30 cuộc báo cáo, có đông đảo cử tri dự. Có đoàn đã phân công đại biểu xuống các xã tận vùng giáp ranh hai đầu của tỉnh (như Phú Khánh) để báo cáo, làm cho cử tri rất xúc động.

 Nhiều đại biểu Quốc hội đã dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp và tham gia ý kiến trong các buổi thảo luận về bản Dự thảo Phần chung của Bộ luật hình sự và bản Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Hoạt động tiếp dân của các đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều tiến bộ. Đến nay, đã có 35/40 đoàn tổ chức việc tiếp dân; nhiều đoàn đã duy trì tốt việc tiếp dân, như: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Bắc, Bình Trị Thiên, Kiên Giang, Cửu Long, v.v.. Có đoàn, tuy mới tổ chức việc tiếp dân, nhưng do công tác chuẩn bị tốt (có quy chế về tiếp dân, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng), nên đạt kết quả tốt, như tỉnh Hà Nam Ninh.

Nhiều đoàn đã có những biện pháp tích cực cùng với Ủy ban nhân dân địa phương giải quyết đơn, thư khiếu tố của nhân dân (Hà Sơn Bình, Cửu Long...).

Tuy nhiên, công tác tiếp dân còn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết; nhiều cơ quan của chính quyền địa phương chưa coi trọng ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Các đoàn đại biểu Quốc hội cần tìm các biện pháp thích hợp để làm tốt công tác tiếp dân, đạt được kết quả thiết thực, tránh tình trạng chỉ tiếp dân vài lần, sau đó thôi không làm nữa.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, về hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đến nay.

Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.

 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, không trình bày trước Quốc hội (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội