VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN  VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN
(Do ông Nguyễn Hữu Thụ, Bộ trưởng, Tổng Thư ký
Hội đồng Bộ trưởng, trình bày tại kỳ họp thứ 5,  Quốc hội khóa VII, ngày 25-6-1983)

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Căn cứ vào Hiến pháp mới, tại kỳ họp thứ nhất (tháng 6 năm 1981), Quốc hội khóa VII đã thông qua 4 đạo luật:

- Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

- Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng;

- Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

- Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Riêng về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, đến nay vẫn áp dụng Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp được Quốc hội thông qua ngày 27-10-1962 (khi ấy còn là Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Đến nay, việc ban hành Luật mới về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để thi hành Hiến pháp mới là cần thiết.

Dự thảo Luật này kế thừa những điểm còn phù hợp của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành năm 1962, quán triệt quan điểm của Đảng về nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình chủ yếu bằng Nhà nước; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm cho Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước và đại diện cho nhân dân ở địa phương; tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân theo đúng tính chất của cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước và cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; mặt khác, thông qua việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân từng cấp, Dự thảo Luật thể chế hóa một bước chủ trương của Đảng: “Trên cơ sở bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các địa phương”.

Dự thảo Luật gồm 9 Chương, 70 Điều:

- Chương I: Những quy định chung, có 7 Điều, từ Điều 1 đến Điều 7; quy định vị trí, vai trò, chức năng và nguyên tắc tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

- Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, có 13 Điều, từ Điều 8 đến Điều 20; quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng nhân dân về các mặt kinh tế, khoa học và kỹ thuật, văn hóa, xã hội và đời sống, an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng, chính sách dân tộc, pháp chế xã hội chủ nghĩa, tổ chức và cán bộ; đồng thời, quy định nhiệm vụ, quyền hạn riêng của Hội đồng nhân dân từng cấp.

- Chương III: Kỳ họp Hội đồng nhân dân, có 6 Điều, từ Điều 21 đến Điều 26; quy định kỳ họp và phương thức tiến hành kỳ họp của Hội đồng nhân dân, những vấn đề nhất thiết phải được thảo luận và giải quyết trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

- Chương IV: Các Ban của Hội đồng nhân dân, có 4 Điều từ Điều 27 đến Điều 30; quy định việc thành lập các Ban của Hội đồng nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với các Ban của Hội đồng nhân dân.

- Chương V: Đại biểu Hội đồng nhân dân, có 14 Điều, từ Điều 31 đến Điều 44; quy định nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm các đại biểu đối với các kỳ họp của Hội đồng, đối với cử tri, đối với việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, đối với việc giải quyết những điều khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân; những bảo đảm cho đại biểu Hội đồng tiến hành nhiệm vụ và việc tổ chức tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Chương VI: Ủy ban nhân dân, có 14 Điều, từ Điều 45 đến Điều 58; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, tổ chức, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân; tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.

- Chương VII: Những bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, có 5 điều, từ Điều 59 đến Điều 63; quy định trách nhiệm của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể trong mặt trận, các cơ quan và nhân viên nhà nước ở địa phương đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Chương VIII: Những quy định về tổ chức trong trường hợp thay đổi cấp hoặc địa giới của các đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt, có 5 Điều từ Điều 64 đến Điều 68.

- Chương IX: Điều khoản cuối cùng, có 2 Điều, Điều 69 và Điều 70.

*
*         *

Quá trình thảo luận dự thảo Luật, từ Trung ương đến các địa phương đã có sự nhất trí cao. Nhiều ý kiến đã được đưa vào Dự thảo Luật hoặc được ghi nhận để đưa vào văn bản thi hành Luật. Sau đây là những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau, hoặc tuy có nhất trí nhưng trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến:

1. Về nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp (quy định ở Điều 4 của Dự thảo Luật)

Có ý kiến đề nghị nhiệm kỳ của các Hội đồng nhân dân: tỉnh là 5 năm, huyện là 2 năm rưỡi để khớp với nhiệm kỳ của các cấp ủy Đảng.

Dự thảo Luật vẫn ghi nhiệm kỳ của các Hội đồng nhân dân: tỉnh là 4 năm, huyện, xã là 2 năm theo đúng Điều 116 của Hiến pháp; và trong thực tế cũng khó thực hiện ăn khớp giữa nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và nhiệm kỳ của cấp ủy Đảng.

2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp (quy định ở Chương II của Dự thảo Luật)

Nhiều ý kiến cho rằng, phần quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chung cho Hội đồng nhân dân các cấp thì được, nhưng cần cụ thể hóa hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân từng cấp để khi Luật được ban hành, từng cấp có thể thực hiện được dễ dàng.

Trong việc phân cấp quản lý, còn nhiều vấn đề chưa chín muồi; do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định những nét lớn có tính nguyên tắc; sau này, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng sẽ quy định cụ thể cho từng cấp.

3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân trong việc thành lập các cơ quan chuyên môn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi chức thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân

Điểm 3 Điều 15 quy định: “Hội đồng nhân dân thông qua các đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan chuyên môn, về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi chức Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân theo quy định của Nhà nước”. Có ý kiến muốn giao quyền này cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương, nhưng nhiều ý kiến tán thành như dự thảo vì quy định trên đây vừa đề cao quyền của Hội đồng nhân dân địa phương, đồng thời vẫn bảo đảm sự quản lý thống nhất của ngành dọc cấp trên.

4. Về kỳ họp của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (quy định ở Chương III của Dự thảo Luật)

Dự thảo Luật ghi: Hội đồng nhân dân các cấp ba tháng họp một kỳ. Ở miền núi, vì đi lại khó khăn Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân huyện có thể sáu tháng họp một kỳ.

Có ý kiến khác đề nghị nên ghi như Luật hiện hành: các Hội đồng nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, xã, phường, thị trấn ba tháng họp một kỳ.

Các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương, huyện sáu tháng họp một kỳ.

5. Về cơ cấu Ủy ban nhân dân (quy định ở Chương VI, Dự thảo Luật)

Điều 49, dự thảo Luật ghi số lượng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có từ 11 - 17 người; huyện và tương đương có từ 9 - 13 người; xã và cấp tương đương có từ 7 - 9 người; thành viên của Ủy ban nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Dự thảo Luật ghi như vậy xuất phát từ yêu cầu công việc và từ nhận thức Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, nên thành viên của Ủy ban nhân dân phải là người do cử tri bầu ra và chịu trách nhiệm trước cử tri.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị: Ủy ban nhân dân là cơ quan tác chiến cần phải gọn, nhẹ; số lượng thành viên của Ủy ban nhân dân chỉ nên có: cấp tỉnh và tương đương có từ 9 - 15 người; cấp huyện và tương đương có từ 5 - 9 người. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân cũng có thể bầu một, hai người không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân vào Ủy ban nhân dân.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bằng việc thảo luận và thông qua Dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân lần này, Quốc hội tiếp tục phát huy chức năng của mình trong việc hoàn thiện công tác xây dựng và kiện toàn các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Trên tinh thần đó, Hội đồng Bộ trưởng trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Dự thảo Luật.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội