BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ TÌNH HÌNH PHÂN PHỐI LƯU THÔNG
6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ
TRONG THỜI GIAN TỚI
(Do ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VII,
ngày 25-6-1983)
I- TÌNH HÌNH PHÂN
PHỐI LƯU THÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 1983
Sáu tháng qua,
chấp hành Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của
Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VII, Hội đồng
Bộ trưởng đã tăng cường chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện các
Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các pháp lệnh và quyết định của Nhà nước được ban
hành trong năm 1982 và đầu năm 1983, nhằm từng bước thiết lập trật tự xã hội chủ
nghĩa trên lĩnh vực phân phối, lưu thông.
Kiểm điểm lại việc
thực hiện trong 6 tháng đầu năm 1983, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước
đầu, tạo được một số chuyển biến mới, mở ra triển vọng mới để ổn định và phát
triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
1. Những kết quả
đã đạt được
a) Về sản xuất,năm
nay cả nước bị hạn nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất công - nông nghiệp. Sản xuất
công nghiệp gặp khó khăn lớn do thiếu năng lượng, nguyên liệu, phụ tùng. Riêng
về năng lượng, do hạn nặng, nguồn thuỷ điện bị hết nước, giảm sút nhiều, Nhà
nước phải đưa thêm hàng chục vạn tấn dầu để bơm tưới và tăng sản lượng nhiệt
điện bù vào. Trong số điện sản xuất ra đã phải cắt bớt một phần khá lớn của công
nghiệp để tập trung chống hạn cứu cây trồng. Mặc dù vậy, nhờ sự cố gắng rất lớn
của các ngành, các cấp và của nhân dân, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều
đã đạt được những kết quả tốt:
- Sản lượng lương
thực vụ đông xuân của cả nước ước đạt gần 5,6 triệu tấn, đạt 32,9% kế hoạch năm,
tăng 31 vạn tấn so với vụ đông xuân năm 1982. Các cây công nghiệp trồng được 26
vạn ha, tăng 1,77 vạn ha so với đông xuân năm 1982.
Đánh bắt cá biển
ước được 22,8 vạn tấn, đạt 50,8% kế hoạch năm và tăng 37,1% so với cùng kỳ năm
1982.
- Giá trị tổng sản
lượng công nghiệp ước 5,52 tỷ đồng, đạt 45,1% kế hoạch năm, tăng 9% so 6 tháng
đầu năm 1982. Công nghiệp Trung ương được 1,67 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch năm
và tăng 14,1%; công nghiệp địa phương được 3,65 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch năm
và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 1982.
b) Việc nắm hàng
trong tay Nhà nước có tiến bộ hơn.
- Trước hết là,
về lương thực: theo kế hoạch nhà nước năm 1983,
dự kiến huy động 3,6 triệu tấn quy thóc. Tính đến cuối tháng 5 năm 1983, cả nước
ước đạt 2,12 triệu tấn, bằng 59% kế hoạch năm và tăng 37,7% so với cùng kỳ năm
1982. Nếu 6 tháng tới không xảy ra thiên tai lớn, triển vọng có thể đạt chỉ tiêu
kế hoạch cả năm. Như vậy là bắt đầu từ năm nay, chúng ta tự lực giải quyết được
vấn đề lương thực bằng sản xuất và huy động trong nước.
- Về nông sản, thực phẩm, trị giá mua vào của ngành Nội thương ước đạt
50,7% kế hoạch năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm 1982.
- Về hàng công nghiệp trong nước, trị giá hàng nội thương mua vào ước đạt
52,8% kế hoạch năm và tăng 17,9% so cùng kỳ năm 1982.
- Hàng nhập
khẩu đưa về ước đạt 52,3% kế hoạch năm và tăng 14% so cùng kỳ năm trước.
c) Về tài chính,
tiền tệ:
- Thu ngân sách
năm nay có tiến bộ, 6 tháng ước đạt 45,9% kế hoạch năm và bằng 139,8% cùng kỳ
năm 1982. Thu trong khu vực quốc doanh đạt 45,2% kế hoạch năm và tăng 16% so
cùng kỳ năm trước. Thu trong khu vực tập thể và cá thể đã đạt 52% kế hoạch năm
và bằng 194,3% cùng kỳ năm 1982 (trong đó, thuế công thương nghiệp tăng 2,3 lần;
thế nông nghiệp tăng 50%).
- Về ngân hàng,
các hoạt động tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã có một số chuyển biến tích cực,
đáp ứng khá hơn nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, dự trữ vật tư, thu mua nắm
nguồn hàng, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Về tiền mặt, trong 6 tháng còn tiếp tục bội chi, chủ yếu do chi thu mua và chi
tiền lương, tiền thưởng tăng nhanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại mức bội
chi quý II/1983 so quý I/1983 chỉ bằng 42%).
Với chính sách lãi
suất mới, kết quả vận động tiết kiệm cũng khá hơn trước. Tính đến cuối tháng 5,
số dư tiết kiệm lên tới 3.080 triệu đồng (miền Bắc: 2.487 triệu, miền Nam 593
triệu), tăng thêm gần 1,5 tỷ đồng so với tháng 9 năm 1982 (là tháng bắt đầu áp
dụng chính sách lãi suất mới), trong đó, 680 triệu là tiền thưởng chuyển sang,
còn gần 800 triệu là tiền mới gửi thêm.
d) Về giá cả:
công tác chỉ đạo và quản lý giá trong 6 tháng qua bước đầu có chuyển biến.
Nhiều nơi đã tăng
cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách giá và hệ thống giá chỉ đạo
thu mua và bán lẻ của Nhà nước; đã kết hợp với thu thuế, đẩy mạnh việc thực hiện
chế độ niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết trong các cơ sở kinh doanh
thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ của quốc doanh, tập thể và tư nhân.
đ) Về tiền lương và đời sống:
trong tình hình kinh tế chung có nhiều khó khăn, các ngành Nội thương, Lương
thực từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm cung
cấp những mặt hàng định lượng và không định lượng cho công nhân, viên chức, các
lực lượng vũ trang, nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp, các công trường
xây dựng trọng điểm, các tỉnh biên giới.
Ngoài ra, từ đầu
năm đến nay, Hội đồng Bộ trưởng đã hai lần quyết định trợ cấp cho khu vực hành
chính sự nghiệp, các lực lượng vũ trang và những người về hưu để giảm bớt một
phần khó khăn về đời sống của công nhân, viên chức, bộ đội, công an.
e) Về phát triển
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và tăng cường quản lý thị trường:
- Lực lượng thương
nghiệp xã hội chủ nghĩa kể cả quốc doanh và hợp tác xã mua bán ở nhiều tỉnh,
thành phố đã được tăng cường về một số mặt, rõ nhất là trong công tác thu mua
nắm nguồn hàng. Nhiều tỉnh ở miền Nam đã bắt tay xây dựng các công ty thương
nghiệp huyện và tăng cường mạng lưới hợp tác xã mua bán ở xã.
Những hiện tượng
tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao giữa các đơn vị thương nghiệp quốc doanh
và hợp tác xã, giữa các ngành, các địa phương đã giảm nhiều.
Công tác xuất nhập khẩu ở các địa phương, trước hết ở Thành phố Hồ Chí Minh,
đang được chấn chỉnh theo tinh thần Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Quyết định
113 của Hội đồng Bộ trưởng.
Đối với thương
nghiệp tư nhân, các địa phương đang đẩy mạnh việc xét cấp giấy phép đăng ký kinh
doanh, thực hiện chế độ niêm yết giá, mở tài khoản ở ngân hàng, mở sổ sách kế
toán, gắn với việc thi hành Pháp lệnh về thuế công thương nghiệp.
Những thành tựu bước đầu đạt được chứng tỏ rằng đường lối, chủ trương của Đảng
là hoàn toàn đúng đắn, rằng Đảng ta, Nhà nước ta hoàn toàn có thể thiết lập được
trật tự xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nói chung, trong lĩnh vực phân phối,
lưu thông nói riêng, miễn là trên dưới đồng lòng nhất trí về quan điểm, đường
lối, về chủ trương, biện pháp và quyết tâm tổ chức thực hiện.
2. Những vấn đề
tồn tại hiện nay
Những chuyển biến
trên đây mới chỉ là bước đầu, chưa căn bản, chưa vững chắc. Hàng loạt vấn đề cấp
bách và hết sức phức tạp phải được tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.
Vấn đề quan
trọng hàng đầu là Nhà nước nắm hàng vẫn chưa tốt, còn để cho tư nhân nắm một bộ
phận rất lớn sản phẩm xã hội đưa ra lưu thông trên thị trường:
- Lương thực
là mặt hàng chiến lược, Nhà nước nắm tương đối khá, nhưng nhiều nơi còn coi nhẹ
việc thu hồi công cầy máy và phí thuỷ lợi bằng hiện vật, việc trao đổi qua hợp
đồng hai chiều chưa được tổ chức tốt và rộng khắp, số lúa mua bằng tiền mặt theo
giá khuyến khích còn rất lớn (tính đến 31/5 số thóc mua theo giá khuyến khích đã
vượt mức dự kiến cho cả năm 1983 trên 20 vạn tấn, làm tăng thêm số bội chi ngân
sách và bội chi tiền mặt).
Dù cả năm 1983 có
huy động được 3,6 triệu tấn, vẫn chưa đủ đáp ứng các nhu cầu trong khu vực Nhà
nước phụ trách. Riêng ở miền Bắc, với số huy động cả năm 1,4 triệu tấn quy thóc,
cộng với số đưa từ miền Nam ra, cũng vẫn còn thiếu hụt, không bảo đảm cung cấp
đủ tiêu chuẩn hàng tháng, đúng thời gian. Những nhu cầu của nhân dân vùng muối,
vùng cây công nghiệp, của các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, chỉ được đáp ứng
một phần hoặc chưa được đáp ứng. Nghĩa vụ xuất khẩu gạo để trả nợ số lương thực
và phân bón nhập khẩu năm vừa qua thực hiện còn có khó khăn. Quỹ dự trữ lương
thực của Nhà nước chưa có điều kiện khôi phục. Trong 6 tháng cuối năm, cân đối
lương thực trong khu vực Nhà nước phụ trách ở miền Bắc trong thời gian giáp hạt
vụ mùa sẽ rất căng thẳng đòi hỏi phải có biện pháp thật tích cực để giải quyết
kịp thời. Đó là chưa tính nhu cầu đột suất do thiên tai, bão lụt có thể xảy ra.
- Về các loại
thực phẩm, nông sản, thuỷ sản, lâm sản trong 6 tháng qua có thu mua được
nhiều hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tính chung các loại, thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa mới nắm được khoảng 50% sản lượng hàng hóa, chưa kinh doanh hoặc kinh
doanh không đáng kể nhiều loại hàng quan trọng.
Phần lớn những
hàng mua được không phải bằng hợp đồng hai chiều. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa
dùng một số hàng để trao đổi trực tiếp, hoặc mua theo giá thoả thuận, giá này
thực tế xấp xỉ với giá hình thành trên thị trường.
Sang quý II năm
1983, tốc độ mua các loại lương thực, nông sản, thực phẩm nói chung bị chững lại
do giá thị trường lên quá cao. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua nổi theo
giá đó và cũng không có đủ hàng để trao đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là phải bằng
mọi cách quản lý chặt chẽ các nguồn vật tư, hàng hóa của Nhà nước (kể cả của
Trung ương và của địa phương), tổ chức thu mua theo hợp đồng hai chiều, trên cơ
sở hợp đồng mà cung cấp tư liệu sản xuất để tác động vào sản xuất và nắm chắc
nguồn hàng theo giá chỉ đạo của Nhà nước.
- Nhà nước chưa
nắm chắc trong tay tuyệt đại bộ phận các nguồn vật tư và hàng công nghiệp tiêu
dùng cho nên chưa đủ lực lượng để chủ động tổ chức thu mua các sản phẩm nông
nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối, v.v. theo hợp đồng kinh tế hai chiều,
theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Đến nay nhiều xí nghiệp quốc doanh chưa thực hiện
nghiêm chỉnh chế độ giao nộp sản phẩm. Nhiều đơn vị quốc doanh và hợp tác xã vin
vào cớ phải tự lo chạy nguyên liệu, phụ tùng để đòi tăng giá, giữ lại một bộ
phận sản phẩm để phân phối nội bộ, để đem trao đổi với các đơn vị khác, với các
địa phương, hoặc để bán ra thị trường lấy giá cao. Theo ước tính của Tổng cục
Thống kê, tính chung cả hai ngành Nội thương và Ngoại thương, trong 6 tháng qua,
mới nắm được khoảng 85% sản phẩm hàng công nghiệp tiêu dùng của các xí nghiệp
quốc doanh Trung ương, 65% sản phẩm của công nghiệp quốc doanh địa phương và
16,6% sản phẩm của khu vực tiểu thủ công nghiệp. Số còn lại chạy ra thị trường.
Trong số vật tư hàng hóa của Nhà nước, do quản lý nội bộ không chặt, một số đã
bị mất mát, bị những cán bộ, nhân viên biến chất lợi dụng sơ hở để tham ô, móc
ngoặc với bọn gian thương tuồn ra thị trường.
Ngoài ra, số vật
tư hàng hóa nhập khẩu khá lớn của các công ty xuất nhập khẩu địa phương trong
năm 1982, không được ưu tiên phân phối cho các cơ sở quốc doanh, mà phần lớn bán
cho các "tổ hợp" sản xuất hay cho thương nhân lấy giá cao. Nếu tính thêm cả hàng
chục tỷ đồng hàng hóa nhập từ nước ngoài về bằng nhiều con đường, hợp pháp và
không hợp pháp, thì số hàng công nghiệp do tư nhân chi phối rất lớn, trong này
bọn tư sản cũ và mới, bọn đầu cơ buôn lậu có tổ chức giữ vai trò chủ đạo.
Chúng dùng số hàng
đó (trong đó có cả vật tư kỹ thuật và nhiều loại hàng công nghiệp tiêu dùng quý,
hiếm) để bán giá cao thu tiền về, chuyển đổi sang vàng, đôla (phương tiện để
tiếp tục buôn lậu hàng ngoại) hoặc đưa về nông thôn trao đổi với nông dân tranh
mua nông sản, thuỷ sản, lâm sản quý với Nhà nước.
Thứ hai là,
Nhà nước vẫn chưa nắm được tiền, chưa quản lý chặt được ngân sách, chưa khống
chế được bội chi tiền mặt.
Sáu tháng đầu năm 1983, ước tính ngân sách nhà nước còn bội chi khá lớn, bằng
2/3 mức bội chi mà Quốc hội đã phê chuẩn cho cả năm.
Tốc độ phát hành
thêm tiền mặt ra gần đây có chậm lại; nhưng tính chung cả 6 tháng, khối lượng
phải phát hành thêm quá lớn, và như vậy nhất định tác động đến giá cả.
Nguyên nhân bội chi ngân sách và tiền mặt, một phần do sản xuất công nghiệp quốc
doanh đạt kế hoạch thấp, nhất là những sản phẩm có khối lượng lớn và mức tích
lũy cao; công tác quản lý kinh tế tài chính trong khu vực quốc doanh chưa có
chuyển biến, giá thành sản phẩm và chi phí lưu thông vẫn tăng lên nhanh bất hợp
lý; các chế độ giao nộp sản phẩm, thu nộp ngân sách và quản lý tiền mặt ở nhiều
đơn vị xí nghiệp chưa được chấp hành nghiêm chỉnh.
Một nguyên nhân
khác rất quan trọng là: các khoản chi thu mua theo giá khuyến khích (thực chất
là giá cao, xấp xỉ giá thị trường), chi lương và tiền thưởng không đúng chế độ
chung đã làm giảm thu và tăng chi ngân sách hàng tỷ đồng.
Thứ ba là,
tình hình giá cả thị trường nói chung vẫn còn đang biến động xấu, công tác quản
lý giá của Nhà nước kém hiệu lực.
Hệ thống giá
chỉ đạo mới được hình thành cuối năm 1981
(kể cả giá bán
buôn, giá thu mua, giá bán lẻ và dịch vụ) không giữ được ở thế ổn định do chịu
sự tác động của nhiều yếu tố (tiền tệ lạm phát, giá thành sản xuất, giá thành
xuất nhập khẩu và chi phí lưu thông tăng, bọn gian thương đầu cơ nâng giá, lũng
đoạn thị trường...).
Hệ thống giá
chỉ đạo thu mua
của Nhà nước trên thực tế chỉ còn được áp dụng trong việc thu mua trong nghĩa vụ
và theo hợp đồng hai chiều.
Giá bán buôn
vật tư
cũng bị đẩy lên, một phần do chi phí sản xuất vật tư thực tế có tăng lên, nhưng
chủ yếu do các cơ quan cung ứng không chịu giao vật tư đúng địa điểm giao nhận,
giao không đủ cân lượng, không đúng quy cách phẩm chất, làm cho giá vật tư thực
tế đến tay người nhận tăng nhiều.
Về giá bán lẻ,
chỉ có giá cung cấp những mặt hàng theo tiêu chuẩn định lượng và một số hàng
không định lượng là còn giữ được ổn định nhờ có chính sách bù lỗ của Nhà nước,
còn hệ thống giá bán lẻ mới theo Quyết định 220-CP và 30-HĐBT, một phần
lớn coi như không còn hiệu lực vì thực tế với giá đó, nếu không tổ chức và quản
lý lại thị trường, tổ chức trao đổi theo hợp đồng hai chiều giữa công nghệ phẩm
và nông sản phẩm thì thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã không thể tranh với
thương nhân, không thể mua được sản phẩm và cũng không thể bán ra mà không bị
đầu cơ lợi dụng.
Tình hình trên đây đang đặt ra nhiều vấn đề lớn phải giải quyết.
2. Giá thị trường
tự do trong thời gian qua, nhất là từ giữa tháng 4 đến nay tăng nhiều. Nếu 6
tháng đầu năm 1982, giá tháng sau tăng hơn tháng trước 3-4%, thì 6 tháng đầu năm
nay tốc độ tăng hàng tháng là 5 - 6%.
Bằng nhiều biện
pháp quản lý giá, Nhà nước đã kìm được giá không tăng nhiều, đối với một số mặt
hàng, Nhà nước có lực lượng bán ra để bình ổn, nhưng nhìn chung, chưa có điều
kiện vật chất để bình ổn giá thị trường một cách vững chắc.
Tình hình giá cả như trên, ngoài những nguyên nhân do cung cầu mất cân đối, tổ
chức sản xuất và phân phối nói riêng và quản lý kinh tế của Nhà nước nói chung
có nhiều yếu kém, sơ hở, thấy nổi lên yếu tố địch phá rất dữ và bọn đầu cơ buôn
lậu hoạt động mạnh.
Thứ tư là,
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tuy đã được phát triển hơn trước, nhưng mới tập
trung vào một số ngành hàng chính. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa mới chiếm
khoảng 50% tổng mức bán buôn và 45% tổng mức bán lẻ trên thị trường xã hội (ở
miền Bắc là 61%, ở miền Nam là 34%).
Tư sản thương
nghiệp vẫn đang hoạt động mạnh, tiểu thương ngày một đông thêm, tệ đầu cơ buôn
lậu còn phổ biến và nghiêm trọng. Những hiện tượng tiêu cực trong nội bộ thương
nghiệp xã hội chủ nghĩa còn phổ biến. Chúng ta cần phải làm rất nhiều việc mới
có thể cải tạo và quản lý thị trường, đặt thương nghiệp tư nhân dưới sự kiểm kê,
kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và dưới sự chi phối về kinh tế của thương nghiệp
quốc doanh, xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất trong cả nước.
Thứ năm là,
đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang hết sức khó khăn.
Quan hệ về thu nhập giữa công nhân và nông dân, giữa lao động trong khu vực sản
xuất (nhất là ở những nơi có đủ việc làm thường xuyên) với khu vực hành chính -
sự nghiệp, giữa công nhân, nông dân và tư thương ngày càng trở nên bất hợp lý:
|
1960 |
1980 |
1981 |
1982 |
- Công
nhân, viên chức |
1 |
1 |
1 |
1 |
- Nông dân |
0,50 |
1,12 |
1,23 |
1,25 |
- Tư
thương |
|
4,58 |
5,70 |
7,50 |
Những hiện tượng
tiêu cực, rối loạn trong nền kinh tế nói chung, trong phân phối, lưu thông nói
riêng đã và đang gây tác hại đến sản xuất và đời sống và ảnh hưởng không tốt đến
các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Nguyên nhân sâu
xa của
tình hình trên đây là nền kinh tế ta còn kém phát triển; chịu hậu quả của chiến
tranh kéo dài và của chủ nghĩa thực dân mới; năm nay lại bị thiên tai, hạn hán
rất nặng; mấy năm gần đây, viện trợ và vay nợ nước ngoài giảm đi đột ngột...
Nhưng nguyên nhân thuộc về chủ quan vẫn là chính:
a) Một số vấn đề
về đường lối, quan điểm cơ bản của Đảng chưa được quán triệt trong các ngành,
các cấp: vấn đề nắm vững chuyên chính vô sản, đấu tranh giữa hai con đường,
chính sách phân phối và quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, nguyên tắc độc quyền
ngoại thương và ngoại hối; cơ chế quản lý kinh tế - xã hội chủ nghĩa lấy tập
trung dân chủ làm nguyên tắc, lấy kế hoạch làm trung tâm, kết hợp kế hoạch với
hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa...
b) Những đường
lối, quan điểm ấy chưa được kịp thời thể hiện bằng một kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội có căn cứ vững chắc, bằng những chính sách cụ thể và bằng một cơ chế
quản lý đúng đắn. Sự chỉ đạo các mặt công tác phân phối - lưu thông chưa thật
gắn bó với nhau trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, trong đó sản xuất là gốc,
kế hoạch là trung tâm.
Kế hoạch thiếu cân
đối, thiếu chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, lưu thông, không bao
quát hết các khả năng và nhu cầu, chưa giải quyết các mặt cân đối trong nền kinh
tế quốc dân một cách đồng bộ và ăn khớp. Do đó, không đóng được đầy đủ vai trò
trung tâm trong hệ thống quản lý; để phần kế hoạch gọi là "tự do" làm rối loạn
kế hoạch tập trung của Nhà nước; không kết hợp kế hoạch hoá về hiện vật với kế
hoạch hoá về giá trị. Từ đó, làm suy yếu cơ chế kế hoạch hoá, tạo sơ hở cho
những hoạt động tùy tiện, phân tán và cơ chế thị trường phát triển.
c) Tổ chức quản lý
của bộ máy Nhà nước có nhiều yếu kém, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực; những
nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và quản lý nhà nước không được tôn trọng, nhất
là nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa có mặt tập trung quan liêu, hành chính, bao
cấp, vừa có mặt buông lỏng, không kiên quyết chấm dứt những hành vi tùy tiện, đề
cao trách nhiệm và kỷ luật. Việc điều hành của Hội đồng Bộ trưởng, trước hết của
Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng không đủ nhanh nhạy, thiếu đồng bộ, chưa phối hợp
tốt các ngành. Các Bộ trưởng chưa làm tròn trách nhiệm của người thủ trưởng quản
lý toàn ngành trên phạm vi cả nước, không giải quyết kịp thời những yêu cầu của
địa phương và cơ sở; thiếu kiên quyết thực hiện chức năng quản lý nhà nước và
những quyền hạn Nhà nước đã giao cho mình. Các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố cũng chưa làm đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình trên địa
bàn lãnh thổ, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các ngành, các cấp chấp hành nghiêm
chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện đúng đắn các pháp
luật, chế độ và kế hoạch của Nhà nước ở địa phương.
II- NHỮNG CHỦ
TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG
ƯƠNG LẦN THỨ 3 VỀ PHÂN PHỐI - LƯU THÔNG
Những kết quả bước
đầu thực hiện các pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng
Bộ trưởng ban hành theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 cho
thấy:
Nhà nước ta có
thể từng bước làm chủ, tiến tới làm chủ hoàn toàn phân phối, lưu thông đi
đôi với làm chủ sản xuất, thực hiện chính sách phân phối và tiêu dùng đúng đắn
theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã
hội của nước ta. Muốn làm chủ được phân phối, lưu thông, phải quán triệt
đường lối, quan điểm, tư tưởng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải
cụ thể hoá nó thành những chính sách, biện pháp cụ thể, phải chấp hành
rất nghiêm túc và tổ chức thực hiện rất chặt chẽ.
Nội dung đường
lối, chính sách phân phối, lưu thông là:
1. Quán triệt quan
điểm nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân
dân lao động, mà trước hết là làm chủ tập thể để sử dụng hợp lý và có hiệu
quả lao động, đất đai và tư liệu sản xuất khác tại từng cơ sở, trên từng địa
phương và trong cả nước. Chỉ có như vậy mới làm chủ và phát triển được sản xuất
và dựa trên cơ sở sản xuất, là gốc mà làm chủ phân phối, lưu thông, tức
là làm chủ hàng - tiền, thị trường, giá cả..., phục vụ tốt nhất sản xuất và đời
sống của nhân dân lao động.
2. Quán triệt
đường lối xây dựng cơ cấu kinh tế trong giai đoạn hiện nay là lấy phát
triển nông nghiệp làm nhiệm vụ hàng đầu, kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng
tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý. Phân
phối - lưu thông phải phục vụ sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển theo cơ cấu
hợp lý ấy, và trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất mà từng bước tăng cường phân phối -
lưu thông.
3. Quán triệt
đường lối đấu tranh giữa hai con đường, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ
nghĩa, và cuộc đấu tranh giữa ta và địch, bằng cách vừa xây dựng và phát
triển kinh tế - xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, hợp tác xã), đồng thời cải tạo các
thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ
nghĩa, làm chuyển biến tương quan lực lượng giữa xã hội chủ nghĩa và phi xã hội
chủ nghĩa, có lợi cho chủ nghĩa xã hội; chống mọi âm mưu và hoạt động phá hoại
nhiều mặt của địch.
Phân phối - lưu
thông phải góp phần tăng cường trận địa kinh tế xã hội chủ nghĩa cả về
lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; trên cơ sở đó mà bảo đảm Nhà nước làm
chủ được hàng - tiền - thị trường - giá cả, kinh tế quốc doanh chiếm ưu thế
tuyệt đối và giữ vai trò chủ đạo trên các lĩnh vực.
Sự rối loạn của
phân phối - lưu thông hiện nay là phản ánh một tương quan lực lượng trong đó
thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa còn yếu và có mặt bị suy yếu, các thành
phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa và các thế lực chống đối chủ nghĩa xã hội tồn
tại và trên nhiều mặt còn phát triển so với trước đây. Các thế lực đó là:
- Những kẻ thù
trong nước và ngoài nước đã và đang hàng ngày, hàng giờ, tìm mọi cách chống phá
cách mạng nước ta một cách toàn diện, bằng những âm mưu thâm độc và hoạt động
điên cuồng, biểu hiện rõ nhất trên các lĩnh vực hàng hóa, tiền tệ, giá cả và thị
trường; từ đó mà phá ta về các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội;
- Bọn tư sản cũ và
mới trốn tránh cải tạo, đã và đang lợi dụng những sơ hở yếu kém về mặt quản lý
của ta để làm giàu, tăng cường hoạt động trong vài năm gần đây;
- Khuynh hướng tự
phát tư bản chủ nghĩa của những người sản xuất hàng hóa nhỏ;
- Những phần tử hư
hỏng, biến chất trong bộ máy Nhà nước đang đồng loã và tiếp tay cho những thế
lực trên. Chỉ có ra sức xây dựng và phát triển thành phần kinh tế - xã hội chủ
nghĩa lớn mạnh cả về lượng và chất, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
nền nông nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư nhân, giải quyết căn bản vấn đề
quan hệ sản xuất, cả về chế độ sở hữu, chế độ phân phối và chế độ quản lý, thì
mới có cơ sở để chấn chỉnh và cải tiến một cách căn bản công tác phân phối - lưu
thông.
4. Quán triệt
đường lối phân phối xã hội chủ nghĩa, vừa chăm lo đời sống của nhân dân lao
động, vừa chăm lo từng bước tích lũy cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, giải
quyết thoả đáng mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa tích lũy và
tiêu dùng trên cơ sở phát triển sản xuất, phân phối trong phạm vi thu nhập quốc
dân làm ra, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, phân phối công
bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư; tập trung vào tay Nhà nước các nguồn vật
tư, hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu các nguồn thu tài chính, các nguồn
vốn tín dụng và tiền mặt, để phân phối một cách có kế hoạch, có trọng tâm, có
trọng điểm.
5. Quán triệt
đường lối kinh tế đối ngoại, tự lực tự cường phát triển kinh tế trên cơ sở
khai thác có hiệu quả những tiềm năng của đất nước (trước hết là lao động và đất
đai), đồng thời, mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài (trước hết và chủ yếu là
với Liên Xô và các nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế), thực hành nguyên tắc
Nhà nước độc quyền ngoại thương và ngoại hối, không để cho địch, bọn đầu cơ,
buôn lậu, bọn tư sản và những phần tử thoái hoá biến chất trong bộ máy Nhà nước
thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép làm rối loạn thị trường trong
nước.
6. Quán triệt các quan điểm và nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa. Xây dựng
một cơ chế quản lý lấy kế hoạch làm trung tâm, kết hợp kế hoạch với
hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, sử dụng một cách chủ động các
quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thị trường, nhưng không chạy theo và để cho
cơ chế thị trường điều tiết sản xuất và lưu thông một cách tự phát; cơ chế quản
lý phải theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, một mặt, khắc phục bệnh
tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, mặt khác, khắc phục khuynh hướng tự
do, phân tán, vô kỷ luật, vô chính phủ trong sản xuất cũng như trong phân phối -
lưu thông.
Phân phối - lưu thông nằm trong tổng thể kinh tế quốc dân, phải lấy kế hoạch
làm trung tâm; phải bắt đầu lập trật tự xã hội chủ nghĩa từ khâu kế hoạch,
bao gồm kế hoạch cơ sở, kế hoạch địa phương, kế hoạch ngành, và kế hoạch nhà
nước. Kế hoạch phải dựa trên cơ sở cân đối các mặt một cách đồng bộ, ăn khớp;
phải bao quát tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội: sản xuất - phân
phối - lưu thông - tiêu dùng, tái sản xuất xã hội là một tổng thể trong đó khâu
sản xuất luôn luôn là quyết định nhất, các khâu của quá trình tái sản xuất xã
hội có mối quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau; sự suy yếu, rối loạn của một
khâu nào đó nhất định dẫn đến sự suy yếu, rối loạn của những khâu khác. Phải nắm
lại và tăng cường công tác kế hoạch, nhất là kế hoạch tập trung của Nhà nước
Trung ương, bắt đầu từ kế hoạch sản xuất, từ đó mà nắm lại và chỉnh đốn kế hoạch
phân phối - lưu thông (cụ thể là kế hoạch tiêu thụ, kế hoạch tài chính, giá cả,
tiền lương...). Phần kế hoạch để cho các cơ sở, các ngành, các địa phương "tự
lo" chỉ chiếm phần nhỏ, thứ yếu, có tác dụng bổ sung cho phần chủ yếu là kế
hoạch tập trung của Nhà nước (Trung ương và địa phương). Phải hết sức coi trọng
kế hoạch về hiện vật, nhưng không thể coi nhẹ kế hoạch về giá trị;
phải kết hợp kế hoạch về hiện vật với kế hoạch về giá trị. Đó là điều kiện rất
cơ bản để đưa phân phối, lưu thông đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, để kế hoạch
nhà nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong hệ thống quản lý.
*
* *
Hội nghị lần thứ 3
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích tình hình, cụ thể hoá những đường
lối, chính sách và quan điểm lớn của Đại hội V trong các lĩnh vực, nêu lên
phương hướng, nhiệm vụ và đề ra một số vấn đề cấp bách về phân phối - lưu
thông:
1. Nắm hàng,
2. Tài chính -
tiền tệ,
3. Giá cả,
4. Tiền lương,
5. Phát triển
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và tăng cường quản lý thị trường.
Trên cơ sở thống
nhất quan điểm và kiên trì hành động theo phương hướng và chủ trương đã được đề
ra từ Đại hội V và được cụ thể hoá trong các nghị quyết gần đây của các Hội nghị
Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục thi hành những chủ trương biện pháp cụ
thể sau đây nhằm từ nay đến năm 1985, cơ bản lập lại trật tự trong nền kinh
tế nói chung, trong phân phối, lưu thông nói riêng, ổn định đời sống của cán bộ,
công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân lao động, khắc phục
những lối làm ăn tùy tiện trong khu vực kinh tế quốc doanh và các cơ quan nhà
nước; khắc phục sự rối loạn trong xã hội, đưa các hoạt động kinh tế, phân phối,
lưu thông đi dần vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa.
Sau đây là những
công tác phải làm trong thời gian tới:
1. Nắm hàng,
tập trung phần lớn quỹ hàng hóa vào tay Nhà nước,
để phân phối một cách có kế hoạch:
Bắt đầu từ khâu
xây dựng kế hoạch, phải tính toán chặt chẽ và bảo đảm các điều kiện cần thiết,
kể cả vật tư nhập khẩu, để sản xuất những hàng hóa quan trọng nhất là: lương
thực, thực phẩm, vật phẩm tiêu dùng thiết yếu, tư liệu sản xuất quan trọng trong
nước có thể làm được.
Kế hoạch hoá phải
bao quát tất cả các khâu: sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng phải phát
huy mọi tiềm năng, tạo ra được một quỹ hàng hóa vững chắc làm cơ sở để
phân phối một cách có kế hoạch theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
Uỷ ban Kế hoạch
Nhà nước cùng các Bộ và địa phương rà soát lại kế hoạch 6 tháng cuối năm, bảo
đảm vững chắc kế hoạch sản xuất và kế hoạch quỹ hàng hóa này.
a) Về nguồn hàng
của kinh tế quốc doanh:
- Cải tiến phương
pháp kế hoạch hoá nhất là kế hoạch sản xuất của cơ sở, theo Quyết định 146-HĐBT;
Hội đồng Bộ trưởng cũng như các Bộ, các ủy ban nhân dân phải cố gắng tối đa tập
trung nguồn vật tư, nguyên liệu cung cấp cho xí nghiệp (nguồn trong nước và
nguồn nhập khẩu), không để nguồn vật tư nguyên liệu của Nhà nước phân tán thành
nguồn vật tư "tự lo", thực chất là để thị trường chi phối một phần kế hoạch của
xí nghiệp và của địa phương; giải quyết thoả đáng vấn đề cân đối vật tư, nguyên
liệu, vốn, lợi nhuận, giá cả, v.v. để xí nghiệp có điều kiện sản xuất và kinh
doanh theo kế hoạch nhà nước, giao nộp hết sản phẩm cho Nhà nước theo đúng chế
độ đã ban hành.
- Tất cả sản phẩm
của xí nghiệp quốc doanh (bất kể là xí nghiệp Trung ương hay xí nghiệp địa
phương, xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...,
kế hoạch giao có vật tư Nhà nước bảo đảm hay một phần dựa vào vật tư tự lo...)
đều thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước nắm và phân phối. Tuỳ mặt hàng, có
phân cấp, do Nhà nước Trung ương, hay do chính quyền địa phương phân phối.
- Việc gia công
phải theo quy chế quản lý chặt chẽ chấm dứt tình trạng xí nghiệp đi gia công hay
nhận "gia công" không theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước; tự đặt ra những
định mức tiêu chuẩn tiêu hao vật tư; tự đặt ra giá cả gọi là "thoả thuận" phá vỡ
hệ thống giá chỉ đạo bán buôn của Nhà nước, sử dụng thiết bị, máy móc, năng
lượng và nguyên liệu chính của Nhà nước, chỉ thêm một phần vật tư, nguyên liệu,
phụ tùng mua ngoài, nhưng khi bán sản phẩm lại đòi theo giá cao, xấp xỉ giá thị
trường, để tăng "lợi nhuận" hưởng chênh lệch giá, đẩy giá bán buôn và bán lẻ
lên, làm thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu thụ.
b) Về nguồn hàng
tiểu, thủ công nghiệp của kinh tế tập thể, cá thể và tư nhân:
- Kế hoạch gia công phải do chính quyền địa phương thống nhất quản lý trên địa
bàn lãnh thổ, tất cả các đơn vị giao gia công đều phải đăng ký và ghi vào kế
hoạch gia công của địa phương. Những định mức, tiêu chuẩn, giá cả phải được chỉ
đạo căn cứ vào những tiêu chuẩn, định mức chung của Trung ương, theo quy chế
phân cấp quản lý. Toàn bộ sản phẩm gia công phải tập trung vào tay Nhà nước
(trung ương và địa phương), thống nhất giao nộp cho thương nghiệp quốc doanh nếu
là hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Phần sản xuất do
hợp tác xã hay thợ thủ công tự lo nguyên liệu, cũng phải được chính quyền địa
phương kiểm soát, và phải ưu tiên bán cho các tổ chức kinh tế quốc doanh theo
hợp đồng.
- Chính quyền địa
phương phải phối hợp với các ngành hữu quan có kế hoạch cung ứng vật tư (điện,
nguyên liệu, phế liệu...) và kế hoạch phân phối những hàng tiêu dùng thiết yếu
cho hợp tác xã, tiểu chủ và thợ thủ công theo giá chỉ đạo; trên cơ sở đó mà có
kế hoạch thu mua theo hợp đồng, không để cho hợp tác xã, tiểu chủ và thợ thủ
công kinh doanh "tự sản tự tiêu" những sản phẩm quan trọng, thực chất là bán
hàng cho tư thương nhất là cho tư sản thương nghiệp để họ có lực lượng cạnh
tranh với Nhà nước, nuôi dưỡng thị trường tự do để nó lấn át thị trường có tổ
chức.
c) Về nguồn hàng nông sản, hải sản của kinh tế tập thể và tư nhân:
- Trên cơ sở bố
trí quỹ vật tư hàng hóa cần thiết dành để trao đổi, thu mua (cả nguồn của Trung
ương và địa phương, sản xuất trong nước và nhập khẩu), Nhà nước phải nắm đại bộ
phận nông sản, hải sản hàng hóa quan trọng của kinh tế tập thể và của kinh tế cá
thể.
Việc kế hoạch hoá
và điều hành quỹ hàng hóa này phải được quản lý thống nhất theo ngành (lương
thực, nội thương, ngoại thương, công nghiệp thực phẩm, y dược...) kết hợp chặt
chẽ với địa phương; phải tổ chức tốt việc vận tải bảo đảm đưa về đúng thời vụ
cho người sản xuất, quản lý chặt chẽ việc phân phối không để thất thoát ra thị
trường tự do.
- Thống nhất việc tổ chức trao đổi trực tiếp với nông dân (tập thể và cá thể)
vào một mối trên địa bàn huyện, chủ yếu thông qua hợp đồng hai chiều, ký dài hạn
hay hằng năm, theo giá cả chỉ đạo của Nhà nước; kết hợp với việc phát triển tín
dụng nông thôn để hỗ trợ cho hợp tác xã và nông dân nghèo thiếu vốn. Ngân hàng
Nhà nước hướng dẫn các địa phương, nhất là ở miền Nam, phát triển các hợp tác xã
tín dụng ở nông thôn và các phòng giao dịch ngân hàng.
- Bất kể vật tư
hàng hóa từ nguồn nào (Trung ương hay địa phương) thuộc danh mục quỹ hàng đối
lưu đều phải được đưa vào ký hợp đồng, theo tỷ lệ trao đổi được Nhà nước quy
định và theo giá chỉ đạo.
Cấm mua cao, bán
cao, sai giá chỉ đạo của Nhà nước đối với những mặt hàng quan trọng có kế hoạch
thu mua của Nhà nước và có quỹ hàng hóa đối lưu.
- Các chỉ tiêu
giao nộp hàng hóa nông, lâm, hải sản cho Trung ương là những chỉ tiêu pháp lệnh,
các địa phương phải chấp hành rất nghiêm, không được tự tiện giữ lại cho địa
phương mình.
- Nếu kế hoạch
không cân đối đủ hàng đối lưu hoặc do vận chuyển đến không kịp thì phải nói rõ
với cơ sở, với hợp tác xã, với nông dân, vận động họ giao hàng trước và nhận vật
tư hàng hóa đối lưu sau. Kết hợp biện pháp kinh tế với các biện pháp hành chính
(quản lý thị trường, loại trừ tư thương) và vận động, giáo dục để thu mua nắm
hàng.
- Ngoài kế hoạch
hàng hóa đối lưu, có bộ phận phải mua bằng tiền theo giá khuyến khích; phải trên
cơ sở quản lý thị trường, loại trừ tư thương, vận động và thuyết phục nông dân
mà định giá khuyến khích hợp lý, không lấy giá thị trường làm chuẩn.
- Trên cơ sở tổng
quỹ hàng hóa nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các bộ chủ quản phải
phân rành mạch 4 loại quỹ:
+ Quỹ hàng hóa
cung cấp theo chế độ, chính sách cho công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang;
+ Quỹ hàng hóa đối
lưu để thu mua nông - lâm - thuỷ sản;
+ Quỹ xuất khẩu;
+ Quỹ bán lẻ cho
các tầng lớp nhân dân theo giá ổn định hoặc giá cao (có hướng dẫn).
Ở mỗi địa phương
(tỉnh, huyện) cũng phải phân rành mạch 4 loại quỹ như vậy để phân phối theo kế
hoạch.
2. Nắm tiền, động
viên và tập trung các nguồn vốn tài chính vào tay Nhà nước, tiến tới thăng bằng
ngân sách, chấm dứt bội chi
Bộ Tài chính cùng
với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ quản lý sản xuất - kinh doanh soát xét
lại ngân sách 6 tháng cuối năm 1983 trên cơ sở xác định lại kế hoạch sản xuất -
kinh doanh, xét duyệt kỹ kế hoạch giá thành và kế hoạch các nguồn vốn. Chấn
chỉnh chế độ thu quốc doanh, tăng nguồn thu của ngân sách từ khu vực kinh tế
quốc doanh trên cơ sở sắp xếp lại và phát triển sản xuất, sử dụng tiết kiệm lao
động, vốn vật tư, năng lượng, nguyên liệu theo định mức được duyệt, định rõ
những chỉ tiêu chất lượng của sản xuất - kinh doanh như năng suất, chất lượng
sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Động viên đúng mức
sự đóng góp của kinh tế tập thể và cá thể, nhất là nông dân vùng có nhiều nông
sản hàng hóa, điều tiết mạnh thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao
nhất là tầng lớp buôn bán, phú thương, phú nông, thông qua chính sách thuế mới
và các biện pháp khác.
Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh (cả Trung ương và địa phương) phải chấn
chỉnh và củng cố chế độ kế toán; phải lập kế hoạch sản xuất và tài chính trên cơ
sở thực hiện Quyết định 146-HĐBT,
nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tài chính xí nghiệp, thực hiện nghĩa vụ giao nộp
cho Nhà nước. Đối với các xí nghiệp làm ăn thua lỗ, Bộ chủ quản phải phối hợp
với các cơ quan kế hoạch, tài chính, giá cả phân tích đầy đủ, xử lý từng trường
hợp, chấm dứt những trường hợp làm ăn thua lỗ kéo dài do không sắp xếp lại sản
xuất và do quản lý kém.
Mọi nguồn vốn (do
ngân sách cấp phát, ngân hàng cho vay, tự có, hoặc do liên kết sản xuất - kinh
doanh với các đơn vị khác, do xuất nhập khẩu...) đều phải được ghi vào ngân sách
nhà nước (Trung ương hay địa phương) hoặc vào tài vụ của đơn vị kinh tế. Mọi
khoản chi tiêu cho sản xuất và tiêu dùng đều phải theo đúng chính sách và chế độ
nhà nước. Đối với những chế độ đã rõ là bất hợp lý thì Bộ Tài chính và các cơ
quan có trách nhiệm phải nghiên cứu sửa đổi, hoặc kiến nghị với Hội đồng Bộ
trưởng sửa đổi ngay.
Các ngành, các địa
phương, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị không được lập các quỹ riêng ngoài chế
độ, chính sách của Nhà nước, thực chất là quỹ đen; chấm dứt việc chi tiêu ngoài
ngân sách mà thực chất là trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý tài
chính của Nhà nước. Từ nay đến cuối năm 1983, Bộ Tài chính phải phối hợp với các
cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra và thanh tra việc thực hiện các chế độ thu
chi ngân sách và tài chính xí nghiệp, chấm dứt tình trạng chi tiêu sai chế độ,
phân phối nội bộ và ăn uống, tiêu xài lãng phí.
Cải tiến ngay chế
độ phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương để bảo đảm cho các cấp chính quyền
chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thu chi ngân sách của địa phương nhằm
phát triển sự nghiệp kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương, trên cơ sở bảo đảm
tính thống nhất của hệ thống tài chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Chống khuynh hướng
phân tán các nguồn vốn của Nhà nước, chống mọi biểu hiện địa phương, cục bộ, gây
thiệt hại đến ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm việc tùy tiện nâng giá để tăng thu
cho ngân sách địa phương và để lập các quỹ riêng.
Tăng cường việc
kiểm kê kiểm soát của Nhà nước đối với sản xuất - kinh doanh của kinh tế tập thể
và cá thể: đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm tra chất lượng
sản phẩm, mở sổ sách kế toán, mở tài khoản và thanh toán qua ngân hàng, thi hành
đúng các pháp lệnh về thuế và các biện pháp điều tiết khác. Tăng cường các biện
pháp hành chính đối với các đối tượng làm ăn phi pháp, kể cả biện pháp kiểm tra
hành chính và tước đoạt bọn làm giàu bằng con đường phi pháp.
Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác tín dụng trên cả hai mặt huy động
vốn và sử dụng vốn, đáp ứng yêu cầu vốn
phát triển sản xuất - kinh doanh trước hết trong khu vực kinh tế
- xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và tập thể); chú ý mở rộng cho những lao động
nghèo ở nông thôn vay vốn sản xuất, đấu tranh có hiệu quả chống nạn cho vay nặng
lãi hiện nay. Mặt khác, phải mở rộng phạm vi kiểm soát và điều hoà lưu thông
tiền tệ. Trước hết là chấn chỉnh kỷ luật tiền mặt trong hoạt động kinh tế của
khu vực quốc doanh và các cơ quan nhà nước; Ngân hàng Nhà nước cùng các ngành
chủ quản và các đơn vị hữu quan soát xét lại định mức tồn quỹ tiền mặt ở từng xí
nghiệp, cơ quan, đơn vị cho hợp lý; mọi sự giao dịch giữa các đơn vị kinh tế
quốc doanh, cơ quan nhà nước, với các đơn vị kinh tế tập thể và tư nhân có tài
khoản ở ngân hàng đều phải dùng hình thức thanh toán chuyển khoản không dùng
tiền mặt. Không cho phép các đơn vị kinh doanh tự tiện giữ tồn quỹ tiền mặt và
"tọa chi" vượt mức cho phép. Ngân hàng phải cải tiến các nghiệp vụ thu chi,
thanh toán, tín dụng của mình để đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng của các
đơn vị sản xuất - kinh doanh, đồng thời thực hiện có hiệu quả chức năng giám đốc
bằng đồng tiền đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thực hiện các biện
pháp Nhà nước Trung ương độc quyền và thống nhất quản lý ngoại hối, thống nhất
quản lý tỷ suất hối đoái; thực hiện các biện pháp có hiệu lực chống nạn "chảy
máy vàng" qua các con đường buôn lậu.
Thường vụ Hội đồng
Bộ trưởng tăng cường chỉ đạo các Bộ, Tổng cục và các Ủy ban nhân dân địa phương
tích cực thực hiện những pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, các nghị quyết và
quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu, tài
chính, thuế khóa, tín dụng, thương nghiệp, thị trường, giá cả, tiền lương, v.v.
để giữ mức bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt năm 1983 mà Quốc hội đã thông
qua.
3. Phát triển
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, cải tạo và quản lý thị trường
Ngay từ khâu kế
hoạch, phải bảo đảm các quỹ hàng hóa cần thiết cho thương nghiệp quốc doanh. Các
chỉ tiêu giao nộp cho thương nghiệp quốc doanh (nhất là hàng của công nghiệp
quốc doanh Trung ương và địa phương) có tính pháp lệnh; tất cả các cơ sở, các
ngành, các cấp phải thi hành rất nghiêm túc. Nếu có những vướng mắc về giá cả,
về phương thức thanh toán, về thu chi tài chính, thì các cơ sở sản xuất phải báo
cáo với Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng xử lý, không được lấy cớ để tự mình
tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở tổng quỹ hàng hóa của Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành
kinh doanh nội - ngoại thương phải phân chia rõ thành các quỹ có mục tiêu riêng
như đã nói trên. Thương nghiệp quốc doanh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hàng
hóa, phân phối đúng chính sách, đúng đối tượng, đúng giá nhà nước, và phải lấy
việc phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống làm mục tiêu.
Hệ thống Thanh tra
Nhà nước cần phối hợp với Thanh tra nhân dân tiến hành kiểm soát thị trường,
kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh và hợp
tác xã mua bán. Các hành vi của mậu dịch viên móc ngoặc, tuồn hàng nhà nước cho
tư thương, đánh tráo hàng hóa, mua vét hàng hóa, tự tiện tăng giá... phải bị
trừng phạt rất nghiêm và công bố cho dân chúng biết.
Ngành Thương nghiệp phải có biện pháp mở rộng và kiện toàn mạng lưới thương
nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, cải tiến phương thức kinh doanh để nâng
cao chất lượng phục vụ, vươn lên chiếm lĩnh thị trường, ở thành thị cũng như ở
nông thôn.
Phải xếp ngay lại
những tổ chức buôn bán của những cơ quan và xí nghiệp không có chức năng kinh
doanh thương nghiệp.
Cải tạo và sắp xếp
lại thị trường, trước hết nhằm các thị trường chính (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí
Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...) và các ngành hàng chính. Xóa bỏ tư sản
thương nghiệp. Sắp xếp, tổ chức và những người buôn bán nhỏ; sử dụng những người
tốt làm đại lý bán lẻ cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, chuyển một bộ phận
sang sản xuất.
Thực hiện độc
quyền kinh doanh của Nhà nước về một số mặt hàng quan trọng (như đã quy định
trong các quyết định của Chính phủ). Thực hiện từng bước vững chắc chủ trương
Nhà nước thống nhất kinh doanh lương thực và một số nông sản, lâm sản, hải sản
quan trọng.
Cấm tư nhân thu
mua ở các vùng tập trung nông sản mà Nhà nước khoanh vùng thu mua.
Triển khai mạnh mẽ
việc thi hành Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh
doanh trái phép, và nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ tài sản xã hội
chủ nghĩa.
4. Xuất, nhập khẩu
Sắp xếp lại các tổ
chức ngoại thương Trung ương và địa phương theo hướng tập trung thống nhất và
phân công hợp lý. Sắp xếp lại và tăng cường đầu tư cho các đơn vị sản xuất và
cung ứng dịch vụ tạo nguồn hàng xuất khẩu vững chắc; lấy tiêu chuẩn chất lượng
và hiệu quả làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh
hàng xuất khẩu.
Tập trung đầu mối
giao dịch với nước ngoài, chống phân tán. Nghiên cứu tổ chức các Liên đoàn xuất
nhập khẩu (cả Trung ương và địa phương) theo ngành hàng.
Thiết lập chế độ
thu bù ngoại thương theo những hệ số quy định cho từng nhóm hàng xuất khẩu. Lập
quỹ thu bù ngoại thương để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Hội đồng Bộ trưởng
ban hành sớm quy chế về hoạt động xuất nhập khẩu nhằm giải quyết những mắc mứu
hiện nay, lập lại trật tự trên lĩnh vực này. Thanh toán tình trạng tranh mua,
tranh bán trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu giữa các công ty thuộc các
ngành, các cấp.
Bất kỳ dịch vụ
xuất, nhập khẩu của ngành nào, cấp nào cũng phải có giấy phép của Bộ Ngoại
thương và chịu sự kiểm soát của cơ quan hải quan. Chấm dứt tình trạng tự tiện
trao đổi hàng hóa với nước ngoài.
Kiên quyết thi
hành những biện pháp đồng bộ và cứng rắn nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu qua biên
giới, nhất là vùng biên giới phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và vùng biển phía Nam.
Thực hiện việc
thống nhất quản lý ngoại hối vào Ngân hàng Ngoại thương; mọi dịch vụ xuất hay
nhập đều phải kết hối riêng biệt qua Ngân hàng theo tỷ giá Nhà nước quy định
thống nhất. Không một cơ quan, xí nghiệp nào (xuất nhập khẩu cũng như kinh doanh
nội địa) được giữ riêng quỹ ngoại tệ, mua bán với nhau trong nội địa bằng ngoại
tệ.
5. Giá cả
Lập lại trật tự
trên lĩnh vực giá cả, cơ bản ổn định giá các hàng tư liệu sản xuất và vật phẩm
tiêu dùng quan trọng nhất; điều chỉnh một số giá cần thiết để khuyến khích sản
xuất và lưu thông hàng hóa, góp phần điều tiết cung cầu, điều tiết thu nhập của
các tầng lớp dân cư, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước:
- Giữ giá chỉ đạo
của Nhà nước về những mặt hàng chủ yếu, trước hết là trong khu vực kinh tế quốc
doanh và trong quan hệ trao đổi có tổ chức với kinh tế tập thể và cá thể.
Các cơ quan cung
ứng vật tư, kinh doanh thương nghiệp, các tổ chức xuất nhập khẩu (Trung ương và
địa phương) phải thực hiện đúng chính sách, chế độ quản lý giá và những giá do
Nhà nước quy định; không được tự tiện nâng giá, gây rối loạn trong sản xuất và
lưu thông.
Việc kinh doanh
một bộ phận hàng hóa theo giá linh hoạt, phải có sự hướng dẫn của Bộ chủ quản,
Ủy ban Vật giá Nhà nước, hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và phải được quản
lý chặt chẽ.
- Đấu tranh bình
ổn giá thị trường bằng các biện pháp kinh tế như mở rộng thương nghiệp xã hội
chủ nghĩa, tăng cường nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước, và tổ chức quản lý phân
phối chặt chẽ, đồng thời thi hành đồng bộ các biện pháp hành chính như niêm yết
giá, xử phạt những người bán sai giá niêm yết, đầu cơ, nâng giá, v.v. chú trọng
trước hết các thị trường chính và các mặt hàng thiết yếu.
- Giữ giá thu
mua nông sản và tỷ giá công - nông hiện nay. Giữ giá những mặt hàng thiết
yếu cung cấp cho công nhân, viên chức và trao đổi hai chiều với nông dân.
Chỉ đạo chặt chẽ giá khuyến khích và giá cao (có hướng dẫn) nhằm giữ các mối
tương quan hợp lý giữa nông sản và công nghiệp phẩm và giữa các loại nông sản
với nhau.
- Xác định và quản
lý chặt chẽ giá thành và phí lưu thông trong kinh tế quốc doanh, loại trừ
ngay các chi phí bất hợp lý bất hợp lệ (hiện chiếm 10-15% giá thành). Điều tra
chi phí sản xuất thực tế trong nông nghiệp tập thể và cá thể làm cơ sở cho việc
tính toán giá cả.
Phải trên cơ sở
giá thành, phí lưu thông và lợi nhuận hợp lý mà xác định giá cả, nhất thiết
không dựa trên giá thị trường tự do. Từ nay đến cuối năm, phải tiến hành xét
duyệt giá thành và giá bán buôn xí nghiệp các sản phẩm công nghiệp và
nông-lâm-hải sản quan trọng của kinh tế quốc doanh.
Trong khi soát xét
lại kế hoạch 6 tháng cuối năm, phải xác định chỉ tiêu hạ giá thành trên cơ sở
sắp xếp sản xuất, lưu thông hợp lý, tăng năng suất và tiết kiệm các hao phí vật
tư và lao động theo định mức được duyệt.
- Cùng với việc chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động xuất nhập khẩu, phải tăng
cường quản lý giá hàng xuất, nhập khẩu. Mua hàng xuất, bán hàng nhập phải
theo hệ thống giá trong nước, nhất là đối với tư liệu sản xuất chủ yếu và vật
phẩm tiêu dùng quan trọng. Thanh toán ngay tình trạng một số tổ chức kinh doanh
xuất - nhập khẩu tranh mua, tránh bán đẩy giá trong nước lên, phá giá đồng tiền.
- Điều chỉnh
một số giá (bán buôn, thu mua, bán lẻ) xét thật cần thiết để khuyến khích
sản xuất và lưu thông, nhất là những sản phẩm đang bị lỗ nhiều, những sản phẩm
mà điều kiện sản xuất và lưu thông đã thay đổi nhiều. Hàng có chất lượng và hàng
cần khuyến khích xuất khẩu phải được hưởng giá cao. Hàng cần tiết chế tiêu dùng
phải đặt giá cao. Thông qua giá mà điều chỉnh một phần quan hệ tích lũy - tiêu
dùng và quan hệ về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Trước mắt, Ủy ban
Vật giá Nhà nước cùng các Bộ, các địa phương xem xét và xử lý nhanh chóng những
giá chưa hợp lý, trở ngại cho sản xuất và tiêu thụ.
- Hội đồng Bộ
trưởng ban hành sớm điều lệ về quản lý giá và phân công, phân cấp quản lý giá
để đưa công tác này vào quy chế chặt chẽ; đề cao kỷ luật, chấp hành các chính
sách giá và chế độ quản lý giá của Nhà nước.
6. Lương và đời
sống
Vấn đề cấp bách
hiện nay là chặn đứng đà đi xuống về đời sống của công nhân, viên chức và các
lực lượng vũ trang:
- Trên cơ sở kế hoạch hóa các quỹ hàng hóa, thực hiện phân phối đúng đối tượng,
bảo đảm cung cấp hiện vật đúng chế độ, đúng thời gian quy định, đi đôi với mở
rộng diện lương khoán, lương sản phẩm (trên cơ sở định mức đúng đắn) mà bảo đảm
tiền lương thực tế của công nhân, viên chức. Cần phấn đấu bảo đảm cho công nhân,
viên chức được thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cung ứng hàng hóa theo giá ổn định
(kể cả những hàng bán theo giá cung cấp và hàng bán theo giá chỉ đạo bán lẻ của
Nhà nước) trị giá bằng khoảng 70% số thu nhập bằng tiền lương của họ, về phần
còn lại phải mua trên thị trường tự do thì được trợ cấp đắt đỏ, khoản này được
xác định từng quý, tương ứng với chỉ số giá cả trên thị trường. Hết sức hạn chế
việc thay thế cung cấp hiện vật bằng cách bù tiền cho công nhân, viên chức theo
giá thị trường. Trong điều kiện hiện nay (cung cầu mất cân đối, bội chi tiền mặt
chưa chấm dứt được, v.v. thị trường tự do còn rộng...) nếu không phân phối hiện
vật một cách có kế hoạch, đúng đối tượng theo giá ổn định thì không thể bảo đảm
thu nhập thực tế cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân lao
động.
- Cải tiến phương
thức và chế độ cung cấp, chế độ tem phiếu, gắn định lượng cung cấp với số lượng
và chất lượng lao động.
- Nghiên cứu cải
tiến chế độ tiền lương một cách cơ bản hơn và có kế hoạch thực hiện từng bước
vững chắc.
*
* *
Để thực hiện những chủ trương biện pháp nêu trên, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng
sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương theo một "phương án tác chiến" cho từng
quý, bảo đảm giành thắng lợi và tiến bộ trong từng tháng, từng quý, từng bước
thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trong sản xuất và phân phối, lưu thông, tiến
lên làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện một bước
đời sống của nhân dân vào năm kết thúc kế hoạch 5 năm này.
Lưu tại Trung tâm
Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội