VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA VII
*

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đến nay.

I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Sau khi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã giao cho Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành việc phổ biến, tuyên truyền luật này trên các báo, đài, đồng thời chuẩn bị văn bản của Hội đồng Nhà nước hướng dẫn việc thi hành Luật. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và cấp tương đương đã nghiên cứu luật này và có kế hoạch phổ biến xuống cơ sở.

Tại phiên họp tháng 10 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến về dự thảo Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, đoàn thể, các địa phương và các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng đã hoàn chỉnh bản Dự thảo luật này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Ngày 01 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã cho đăng báo Phần chung của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội thông qua sơ bộ ngày 30 tháng 6 năm 1983 để nhân dân biết và tham gia ý kiến, góp phần vào việc xây dựng pháp luật. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có văn bản hướng dẫn các đoàn đại biểu Quốc hội tham luận góp ý kiến về Dự thảo Phần các tội phạm. 40 đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận và có văn bản gửi đến Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, góp ý kiến về Dự thảo.

Trong hai phiên họp ngày 28 tháng 9 và ngày 28 tháng 10 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe Ban Dự thảo Bộ luật hình sự báo cáo về ý kiến đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, các địa phương và các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Phần các tội phạm và cho ý kiến chỉnh lý. Ngày 16 tháng 10 năm 1983, trong cuộc họp với Ban Dự thảo và các cơ quan có liên quan, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã cho thêm ý kiến để nghiên cứu, sửa bản Dự thảo cho tốt hơn, sắp xếp lại các chương, điều có trật tự và hợp lý hơn, bổ sung những điều cần thiết để phục vụ tốt công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi Ủy ban pháp luật thẩm tra, Dự thảo Phần các tội phạm đã được chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua sơ bộ tại kỳ họp này.

Nhằm động viên nguồn vốn trong nhân dân góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, tại phiên họp ngày 25 tháng 11 năm 1983, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh về việc phát hành Công trái xây dựng Tổ quốc.

Nhìn chung, những luật và pháp lệnh đã ban hành hoặc đang dự thảo trong 6 tháng qua đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần vào cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh giữa hai con đường, chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường Nhà nước chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, từng bước nâng cao vai trò của các cơ quan quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, chương trình làm luật 6 tháng cuối năm 1983 không thực hiện được theo dự kiến. Việc chuẩn bị các dự thảo luật và pháp lệnh còn chậm và khó khăn, nhiều khi do chưa thể xác định được chủ trương, chính sách nên chưa viết được điều khoản trong luật, như đối với một số vấn đề đặt ra trong Dự thảo Pháp lệnh về đất đai.

Số luật và pháp lệnh được ban hành còn ít, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Đáng chú ý là Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng chưa đề ra được quy trình làm luật thích hợp và còn thiếu những biện pháp có hiệu quả để bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh trong cả nước, từ Trung ương đến cơ sở.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Đi đôi với việc xây dựng pháp luật, trong 6 tháng qua, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề làm thế nào để pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, đã chú ý góp ý kiến với Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ, các ngành có liên quan về những chủ trương, biện pháp nhằm góp phần tăng cường và cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch nhà nước và một số công tác cấp thiết về quản lý kinh tế - xã hội.

1.Đối với Hội đồng Bộ trưởng:

Tại phiên họp tháng 8 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1983, nhiệm vụ chủ yếu và biện pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhà nước trong 6 tháng cuối năm 1983.

Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và đã có văn bản lưu ý Hội đồng Bộ trưởng: kiểm tra, đôn đốc thật sát sao, coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường chỉ đạo và điều hành các ngành quan trọng như điện, than, phân phối, lưu thông; thực hiện tốt hơn nữa phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; "Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm"; khen thưởng và xử lý nghiêm minh việc thực hiện kế hoạch của các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở.

Tại phiên họp tháng 11 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo và cho ý kiến về cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, về tình hình hợp tác, sử dụng lao động với một số nước xã hội chủ nghĩa.

2. Đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Trong các phiên họp thường lệ hàng tháng của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của hai ngành này.

Qua báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Nhà nước nhận thấy tội phạm xảy ra còn nhiều, có nơi và có mặt rất nghiêm trọng. Các ngành Tòa án, Kiểm sát đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình; việc phối hợp giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án trong đấu tranh chống tội phạm có tiến bộ, góp phần giải quyết nhanh hơn những vụ án quan trọng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình bắt, giam, giữ không đúng pháp luật còn nghiêm trọng, những người bị bắt oan vẫn nhiều. Trong việc quản lý trại giam, tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là điều kiện ăn, ở quá khó khăn. Công việc xét xử của Tòa án nhìn chung còn chậm, có những lệch lạc, những vụ án xét xử không được công minh, không đúng người, đúng tội; nhiều vụ án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng việc thi hành án để kéo dài không giải quyết làm cho việc chấp hành pháp luật không được nghiêm. Hội đồng Nhà nước đã chỉ thị cho ngành Tòa án, kiểm sát cần nghiêm túc sửa chữa những sai sót, đồng thời phối hợp với nhau và với Bộ Nội vụ chặt chẽ hơn nữa, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của mỗi ngành; không ngừng nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ các cấp của ngành mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tại phiên họp tháng 10 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và phê chuẩn Quy chế ngạch kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội:

a) Hội đồng dân tộc:

Hội đồng dân tộc đã cử đoàn đi thăm Thuận Hải, Phú Khánh (tháng 8-1983) và Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn (tháng 11-1983) để xem xét tình hình sản xuất, đời sống và việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào Chăm, Khơme, Bana, Raclây và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới.

Qua hai đợt công tác, Đoàn đã góp phần động viên nhân dân các dân tộc ở 4 tỉnh nói trên đoàn kết thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đã góp ý kiến với các địa phương về thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

b) Ủy ban pháp luật:

Ngoài việc thẩm tra các dự thảo luật và pháp lệnh, trong 6 tháng qua, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã cử ba đoàn đi 9 tỉnh và thành phố để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cán bộ chủ chốt ở địa phương về Dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự; cùng với Ban Dự thảo Bộ luật hình sự của Hội đồng Bộ trưởng chỉnh lý bản Dự thảo để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

c) Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách:

Tháng 8-1983, Ủy ban đã cử đoàn đi xem xét tình hình sắp xếp lại sản xuất và xây dựng cơ bản, tình hình phân phối, lưu thông ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ủy ban đã báo cáo với Hội đồng Nhà nước về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1983 và kiến nghị những biện pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch và ngân sách trong 6 tháng cuối năm 1983.

Ủy ban đã tổ chức cuộc họp thường trực (mở rộng) để nghe Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước báo cáo về dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1984; nghe Bộ Điện lực báo cáo về tình hình sản xuất và phân phối điện. Thường trực Ủy ban đã làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Mỏ và Than về vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 1983, tình hình sản xuất than và đã trình bày ý kiến trước Hội đồng Nhà nước về vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng.

Trước khi Quốc hội họp, Ủy ban đã họp để xem xét tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1983, phương hướng nhiệm vụ kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1984, tình hình quản lý tiền mặt và tín dụng.

Thường trực Uỷ ban đã cùng Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh về phát hành Công trái xây dựng Tổ quốc, Dự thảo Pháp lệnh về đất đai.

d) Ủy ban văn hóa và giáo dục:

Tháng 7-1983, thường trực (mở rộng) của Ủy ban đã nghe đại diện của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Tổng cục Dạy nghề báo cáo kết quả 2 năm thực hiện cải cách giáo dục và tình hình thực hiện Quyết định 126/CP về công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.

Tháng 9-1983, đoàn công tác của Ủy ban đã đi xem xét tình hình thực tế về tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở, tình hình thực hiện cải cách giáo dục và công tác hướng nghiệp.

Để chuẩn bị đóng góp ý kiến vào dự án kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1984, thường trực (mở rộng) của Ủy ban đã làm việc với đại diện của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Tổng cục Dạy nghề về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa - giáo dục trong năm 1983, về những chỉ tiêu chính trong dự án kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1984.

Ủy ban đã làm việc nhiều lần với các Bộ, ngành có liên quan để thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh.

đ) Ủy ban khoa học và kỹ thuật:

Sau khi nghe Bộ Công nghiệp thực phẩm trình bày về tình hình đầu tư cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong công nghiệp chế biến thực phẩm, tháng 10-1983, Ủy ban đã cử đoàn đi xem xét tình hình nói trên, việc nghiên cứu cơ bản có định hướng ở hai tỉnh Cửu Long, Đồng Tháp và một số cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban đã làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Điện lực về số kiểm tra kế hoạch năm 1984, về tình hình lập kế hoạch khoa học - kỹ thuật, về việc tiến hành duyệt các luận chứng khoa học - kỹ thuật, về một số công trình xây dựng cơ bản trọng điểm, về cơ sở khoa học của việc lập chỉ tiêu kế hoạch nhà nước.

e) Ủy ban y tế và xã hội:

Tháng 8 và tháng 9-1983, Ủy ban đã cử hai đoàn đi xem xét tình hình vệ sinh công nghiệp tại nhà máy sứ Hải Dương, khu gang thép Thái Nguyên, một số cơ sở công nghiệp ở Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Đã có đoàn đi xem xét tình hình tiến hành cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch ở Hải Hưng, Thái Nguyên và Nghệ Tĩnh. Ủy ban cũng đã cử đoàn đi Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên để xem xét tình hình cứu trợ đồng bào bị thiên tai.

Tháng 10-1983, hai đoàn của Ủy ban đã đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Gia Lai - Kon Tum, Nghĩa Bình để xem xét tình hình công tác y tế, xã hội, thể dục thể thao.

Tháng 11-1983, đã có đoàn đi thăm một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở Hà Nội.

Thường trực mở rộng của Ủy ban đã nghe đại diện của Bộ Y tế, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Tổng Công đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ, v.v. báo cáo về cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch và đã trình bày vấn đề này trước phiên họp Hội đồng Nhà nước tháng 11-1983.

Thường trực mở rộng của Ủy ban đã nghe Bộ Lao động, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Mỏ và Than báo cáo tình hình vệ sinh lao động và công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

g) Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:

Tháng 11 và tháng 12 năm 1983, hai đoàn công tác của Ủy ban đã đi Hà Nam Ninh, Thái Bình, Cửu Long, Minh Hải để xem xét việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật nghĩa vụ quân sự, việc bố trí lao động cho thanh niên. Thường trực mở rộng của Ủy ban đã nghe một số Bộ, Ủy ban Nhà nước, Tổng cục báo cáo về tình hình thi hành Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 2 năm 1982 - 1983.

h) Ủy ban đối ngoại:

Tháng 8-1983, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết về hợp tác sử dụng lao động với một số nước xã hội chủ nghĩa và đã báo cáo với Hội đồng Nhà nước ý kiến của Ủy ban về vấn đề này.

4. Công tác dân nguyện:

Từ sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đến nay, có 6.466 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Số đơn tố cáo chiếm 13%, thư dân nguyện chiếm 11%, nhiều nhất vẫn là các đơn, thư khiếu nại về việc thi hành chính sách, pháp luật của các địa phương, các cơ quan nhà nước, nhất là ở cơ sở đối với công dân.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 857 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.

Qua các đơn, thư khiếu tố dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý sau đây:

- Tình trạng vi phạm pháp luật trong việc bắt giam, giữ vẫn là hiện tượng phổ biến ở nhiều địa phương và có những vụ nghiêm trọng.

- Một số cán bộ chính quyền trong các ngành kinh tế, nhất là ở cơ sở, nhà máy, hợp tác xã tham ô, móc ngoặc, lấy vật tư, hàng hóa của Nhà nước và của tập thể, bán ra thị trường "tự do" để kiếm lời, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản, vật tư và lấn chiếm đất đai của địa phương để xây nhà riêng.

- Một số người thẳng thắn tố cáo những việc làm sai trái của cán bộ có chức có quyền, thì bị trù dập, cách chức, hạ bậc lương, chuyển công tác khác, bị buộc thôi việc...

- Trong thời gian triển khai việc nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có một số đơn, thư tố cáo một số cán bộ lãnh đạo ngành và địa phương tham ô, lãng phí, thoái hoá, biến chất.

Sau hai năm ban hành, Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đã tạo được chuyển biến bước đầu trên nhận thức của cán bộ và nhân dân, trong khâu chuyển đơn tương đối đúng thời hạn do luật định, song việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo vẫn còn trì trệ. Có nhiều đơn bị chuyển loanh quanh, không được giải quyết; người có trách nhiệm xử lý, thì nể nang, tránh né; cấp dưới chưa nghiêm chỉnh thi hành ý kiến giải quyết của cấp trên. Những sai sót đó ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Hội đồng Nhà nước đã nhấn mạnh một số chủ trương và biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp:

Sau khi Quốc hội thông qua Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp bước đầu có chuyển biến, nhiều địa phương đã thực hiện một số điều luật vào hoạt động của Hội đồng nhân dân, như kiện toàn Ban Thư ký, và các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân. Phần lớn các địa phương đã tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân đúng theo luật định, đã chú ý kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước bàn biện pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch của địa phương; nghe báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tỉnh; nghe báo cáo tình hình giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại của nhân dân; phổ biến cho các đại biểu Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Hội đồng Nhà nước đã gửi bản Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để lấy ý kiến của các địa phương.

III- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Đón tiếp khách nước ngoài và thăm nước ngoài:

- Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, đoàn đại biểu Quốc hội Cuba do đồng chí Phơlaviô Bravô Parơdô, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 10 năm 1983; đoàn đại biểu Quốc hội Mông Cổ do đồng chí Đamtríchghin Môlômgiamxơ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ, đại biểu Quốc hội, dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 11 năm 1983.

Cuộc đi thăm của hai đoàn đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam - Cuba và Việt Nam - Mông Cổ.

- Đồng chí Chu Huy Mân, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sang Praha, thay mặt Đảng và Nhà nước ta trao tặng huân chương Sao vàng cho đồng chí Guxtavơ Huxắc, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, nhân dịp đồng chí thọ 70 tuổi.

- Đoàn đại biểu do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đi dự lễ Quốc khánh lần thứ 20 của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.

2. Trao đổi thư, điện với nước ngoài:

Ngoài việc trao đổi thư và điện chúc mừng, chia buồn, thăm hỏi với nước ngoài, đáng chú ý là:

- Ngày 3 tháng 7 năm 1983, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng đã hưởng ứng bản tuyên bố chung ngày 28 tháng 6 năm 1983 của Hội nghị cấp cao các nước thành viên Hiệp ước Vácsava, lên án đế quốc Mỹ và các thế lực hiếu chiến khác đang ra sức đẩy mạnh chạy đua vũ trang, tiến hành các chiến dịch chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, can thiệp và đe dọa độc lập, an ninh của các dân tộc, làm cho tình hình thế giới thêm nghiêm trọng.

- Ngày 30-9-1983, đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã tiếp đồng chí Miacốpnức, Đại biện lâm thời Liên Xô tại nước ta để bày tỏ việc Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố ngày 28-9-1983 của đồng chí I.U. Anđrôpôp, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô, đó là một văn kiện hết sức quan trọng vạch trần chính sách hiếu chiến, phản động và rất quỷ quyệt của chính quyền Rigân, nêu rõ sáng kiến hòa bình của Liên Xô và trách nhiệm của Liên Xô đối với vận mệnh của loài người.

- Ngày 2-11-1983, Chủ tịch Trường Chinh đã tiếp đồng chí Xanvađo Capôtê, đại biện lâm thời Cộng hòa Cuba tại nước ta để bày tỏ tình đoàn kết chiến đấu trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba và Nicaragoa anh em trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở khu vực Trung Mỹ - Caribê, cực lực lên án chính quyền Rigân đã trắng trợn đưa quân xâm lược Grênađa một nước độc lập, có chủ quyền, thành viên của Liên hiệp quốc.

3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài:

Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của các Đại sứ Phần Lan, Ôxtrâylia, Rumani, Cônggô, Mali, Tây Ban Nha, Iran.

IV- VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC

Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, trong phiên họp ngày 31 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hòa Nhân dân Campuchia, đáp ứng nguyện vọng lâu đời của nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước.

V- VẤN ĐỀ ĐẶC XÁ

Nhân dịp Quốc khánh 2-9, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, trong phiên họp ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tha và ân giảm cho những phạm nhân có án tù đã cải tạo tốt.

VI- VẤN ĐỀ TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về tổ chức: Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tại phiên họp ngày 16-12-1983, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật thông tin học, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

2. Về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng: Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tại phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử đồng chí Hoàng Quy, giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

3. Về bổ nhiệm Đại sứ:

Tại phiên họp ngày 25 tháng 11 năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; ở Tây Ban Nha; ở Ôxtrâylia kiêm Niu Dilân, Vanuatu, ở Manđivơ.

VII- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Hội đồng Nhà nước đã quyết định:

- Tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Vôichếch Iarudenxki, Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, đã có những cống hiến to lớn vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ba Lan.

- Tặng Huân chương Độc lập cho 5 cán bộ đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng, 1 đơn vị đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước.

- Tặng Huân chương Lao động cho 9 chuyên gia Liên Xô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian công tác ở Việt Nam; 303 đơn vị và 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Kháng chiến cho 1 gia đình đã có nhiều người tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng Huân chương Chiến công cho 39 chuyên gia Liên Xô đã có công giúp Việt Nam trong việc bảo vệ đất nước; 78 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc; 487 đơn vị và 3.235 cá nhân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Giải phóng cho 324 gia đình thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sông Bé đã có nhiều người thân thoát ly tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng Huân chương Hữu nghị cho 1 đơn vị và 13 cá nhân thuộc các nước Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Hunggari và Cuba, đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VIII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI,
ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa VII, trở về địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả của kỳ họp Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, các Hội nghị cán bộ, các cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố. Một số đoàn đã đi báo cáo ở những vùng xa, hẻo lánh, biên giới, hải đảo, được quân dân địa phương hoan nghênh.

Thực hiện quy chế về đại biểu Quốc hội, đến nay đã có 37 đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức việc tiếp dân (3 đoàn chưa tổ chức việc tiếp dân là Thanh Hóa, Sông Bé, Bến Tre). Các đoàn đã cố gắng duy trì việc tiếp dân đều đặn và ngày càng có nhiều kinh nghiệm tốt. Nhiều đoàn đã phát hiện các sai sót của địa phương trong việc chấp hành các chế độ, chính sách và có kiến nghị kịp thời với các cấp chính quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội ở thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam Ninh đã đề nghị Ủy ban nhân dân và một số ngành ở địa phương đến báo cáo tình hình về một số mặt đáng quan tâm ở địa phương và có ý kiến đề xuất với địa phương cũng như trung ương.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố và cấp tương đương, nói chung đang nghiên cứu cải tiến nội dung hoạt động theo sự chỉ đạo của Hội đồng Nhà nước, đưa hoạt động vào nền nếp và có hiệu quả. Hội đồng nhân dân cấp huyện, nhất là ở cấp cơ sở hoạt động còn yếu, chưa thật sự phát huy được chức năng của mình. Có nhiều đại biểu không tham dự đông đủ kỳ họp Hội đồng nhân dân, việc chuẩn bị và nghiên cứu, xem xét các đề án còn có những thiếu sót, đã được Hội đồng Nhà nước nhắc nhở để sửa chữa kịp thời.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, về hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đến nay. Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.

 

* Báo cáo này được gửi đến các đại biểu Quốc hội, không đọc trước Quốc hội (BT).


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội