Thưa Đoàn
Chủ tịch,
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt Hội
đồng Bộ trưởng, tôi xin trình bày trước Quốc hội bản báo cáo về "phương
hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm
1985".
Báo cáo gồm ba
phần:
1. Tình hình
thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983 và ba năm 1981 - 1983.
2. Phương
hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và
mức phấn đấu năm 1985.
3. Những biện pháp chủ yếu nhằm thực hiện kế hoạch kinh tế -
xã hội năm
1984.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1983 VÀ BA NĂM 1981 - 1983
Ba năm qua,
trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn do hậu quả nhiều năm chiến tranh trước
đây, do phải đương đầu với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, mặt
khác phải khắc phục từng bước các mất cân đối lớn của nền kinh tế và những
ảnh hưởng của tình hình giá cả quốc tế biến động, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
nhân dân ta trong cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành
được những thắng lợi to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược:
xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ tình trạng
sút kém nghiêm trọng trong những năm 1979 - 1980, nền kinh tế nước ta
đang chuyển biến theo hướng đi lên, ổn định dần từng mặt, tạo tiền đề cho
những bước phát triển mới.
Sản xuất công
nghiệp, nông nghiệp và thu nhập quốc dân sản xuất mỗi năm một tăng, đánh dấu
một bước quan trọng trong quá trình tiến tới ổn định tình hình kinh tế - xã
hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Sản xuất nông
nghiệp tiếp tục phát triển trên hầu hết các vùng. Năm 1983, mặc dù bị thiên
tai nặng do hạn hán và bão lụt, sản lượng lương thực đạt xấp xỉ mức
kế hoạch 17 triệu tấn. Thành tựu nổi bật là ba năm qua sản lượng lương thực
bình quân hàng năm tăng gần 1 triệu tấn, trong khi các năm 1976 - 1980 mức
tăng đó chỉ vào khoảng 20 vạn tấn. Nhờ vậy, tuy dân số tăng thêm 3,7 triệu,
nhưng lương thực bình quân đầu người vẫn từ 268 kg năm 1980 lên gần 300 kg
năm 1983. Nhiều địa phương có tiến bộ rõ về thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa
học và kỹ thuật, về áp dụng các chính sách đòn bẩy; một số điển hình 8-10
tấn thóc/ha trên diện tích rộng hàng vạn hécta đã xuất hiện, và ngay trên
vùng cao cũng đã có một số hợp tác xã đạt trên 7 tấn/ha, chỉ rõ khả năng
thâm canh còn rất lớn của nông nghiệp nước ta.
Huy động lương
thực năm 1983 đạt 3,75 triệu tấn, tăng 80 vạn tấn so với năm 1982. Trong 3
năm 1981 - 1983, mức huy động bình quân mỗi năm tăng 1 triệu tấn so với mức
bình quân của thời kỳ 5 năm 1976 - 1980.
Nhờ vậy, đến
nay không còn phải nhập khẩu lương thực. Thắng lợi này mở ra khả năng sản
xuất lương thực không những đủ ăn, mà còn có thêm dự trữ.
Diện tích
cây công nghiệp tăng 8% so với năm 1982. Một số cây quan trọng tăng khá
như lạc tăng 8%, mía tăng 11%, thuốc lá tăng 13%, cao su tăng 18%, cà phê
tăng 20%, dâu tằm tăng 46%. Điều đáng mừng là nhận thức trong các cấp, các
ngành và trong nhân dân ngày một sáng tỏ về một nền nông nghiệp phát triển
toàn diện, trong đó cây công nghiệp đóng vai trò trọng yếu. Nhiều địa phương
đã bắt đầu bố trí lại cây trồng, khai thác hợp lý đất đai và lao động, điều
kiện khí hậu, thời tiết nhằm đạt hiệu quả cao. Tiến bộ trong năm 1983 tuy
mới bắt đầu, song ở nhiều địa phương đã có khí thế khẩn trương.
Chăn nuôi
tiếp tục phát triển, nhất là chăn nuôi gia đình. So với năm 1982, đàn lợn
tăng 3%, đàn trâu tăng 3%, đàn bò tăng 8%.
Trồng rừng
tập trung đạt 7,5 vạn hécta, vượt kế hoạch 1,5 vạn hécta và tăng 25% so với
năm 1982. Một số địa phương đã đạt được kết quả tốt trong việc đẩy mạnh
trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, phủ xanh đồi trọc, đất trống, thực hiện
phương thức nông - lâm kết hợp.
Ngành đánh
cá biển đã khắc phục được đà đi xuống trong nhiều năm. Sản lượng cá biển
năm 1983 vượt kế hoạch 12% và tăng 15% so với năm 1982. Phong trào nuôi tôm,
cá nước ngọt, nước lợ tiếp tục phát triển.
Sản xuất
công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn
về năng lượng, nguyên liệu và phụ tùng, nhưng do phát huy tinh thần chủ
động, sáng tạo, khai thác các khả năng sẵn có nên duy trì và phát triển được
sản xuất. Một số sản phẩm quan trọng như bơm thuốc trừ sâu, máy biến thế,
động cơ điện, sà lan vận tải, phân bón, vải, lụa, xe đạp, săm lốp xe đạp,
thuốc lá điếu, v.v. đạt kế hoạch và tăng so với năm 1982.
Năm 1983, giá
trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với năm 1978, là năm cao nhất
trước đây; riêng giá trị công nghiệp quốc doanh Trung ương chưa đạt mức năm
1978. Trong thời kỳ 1976 - 1980, bình quân mỗi năm chỉ tăng 0,6%, nhưng
trong 3 năm 1981 - 1983, đã tăng bình quân hàng năm 11,8%.
Giao thông
vận tải
bước đầu có những chuyển biến tốt trong công tác tổ chức quản lý, trong việc
thực hiện kế hoạch. Khối lượng hàng hóa vận tải trong nước tăng 8% về tấn và
tăng 14% về tấn km so với năm 1982.
Trên lĩnh vực
xây dựng cơ bản, chúng ta tập trung hơn vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến
độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là công nghiệp nặng, đồng bộ hóa
một số cơ sở công nghiệp, xây dựng, thủy lợi, giao thông, mở mang diện tích
trồng cây công nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở. Qua nhiều năm xây dựng,
đến nay, đất nước ta đã và sẽ hoàn thành một số công trình then chốt về
điện, cơ khí, giấy, sợi, giao thông, thủy lợi..., tạo ra năng lực sản xuất
mới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Nhiều địa phương huy động được thêm các nguồn vốn tự có và sức lao động tại
chỗ, xây dựng thêm nhiều công trình mới về sản xuất cũng như về văn hóa, xã
hội, phục vụ nhu cầu của địa phương.
Vốn đầu tư xây
dựng cơ bản tăng 11% so với năm 1982 trong đó vốn xây lắp tăng 18%.
Xuất khẩu
năm 1983 tăng 17% so với năm 1982. Xuất khẩu hải sản có bước phát triển mới;
nhiều mặt hàng nông sản và nông sản chế biến tăng khá. Các địa phương, các
ngành đang triển khai trồng một số loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây
ngắn ngày và đẩy mạnh việc khai thác các nguồn thủy, hải sản có giá trị cao
để tạo mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Quản lý thị
trường bước đầu được chấn chỉnh, khối lượng thu mua tiến bộ rõ, nhất là
lương thực. Việc giao nộp sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh có tiến bộ,
nhiều mặt hàng được quản lý tốt hơn. Một số chính sách mới về phân phối thu
nhập đã có tác dụng kích thích lao động, thúc đẩy sản xuất.
Đời sống của
nông dân lao động, tầng lớp đông đảo nhất trong dân cư, nói chung được ổn
định và có mặt được cải thiện. Đời sống công nhân và lao động trong khu vực
sản xuất công nghiệp ở những nơi có điều kiện sản xuất tương đối ổn định, có
giảm bớt một phần khó khăn.
Cải tạo xã
hội chủ nghĩa
đối với công thương nghiệp tư doanh đang được chấn chỉnh, việc quản lý và
cải tạo thị trường đã đạt được những kết quả bước đầu; cải tạo xã hội chủ
nghĩa trong nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ gần đây được đẩy mạnh, tạo điều
kiện để hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp trong năm 1985.
Công tác
nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, điều tra cơ bản, thăm dò
địa chất tiếp tục phát triển và đã thu được một số kết quả.
Các hoạt động
giáo dục, văn hóa nghệ thuật, thông tin, y tế, xã hội, bảo vệ bà mẹ và
trẻ em, thể dục thể thao, được chú ý đẩy mạnh, từng bước tiến hành cải
cách giáo dục, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng tiếp tục phát triển,
công tác vệ sinh, phòng bệnh có tiến bộ... Đã có những điển hình tốt về phát
huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, về xây dựng nếp sống lành
mạnh, về việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, trẻ em mồ côi, người
tàn tật...
Việc đổi mới
một bước công tác quản lý kinh tế và kế hoạch hóa đã có tác dụng tốt,
góp phần tạo ra những thành tựu về kinh tế trong ba năm qua. Nhiều chủ
trương, chính sách mới đã được tiếp tục phát huy như: thực hiện khoán sản
phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp, mở rộng quyền chủ động
của xí nghiệp, cân đối kế hoạch bằng bốn nguồn khả năng, khuyến khích mở
rộng xuất khẩu, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật,
đẩy mạnh xây dựng kinh tế huyện,...
Ở nhiều địa
phương và một số ngành, sức mạnh làm chủ tập thể bước đầu được phát huy, đưa
đến những tiến bộ về sử dụng lao động, đất đai, máy móc, thiết bị, phát
triển sản xuất và tổ chức đời sống. Nhiều điển hình tốt đã làm sáng tỏ và
chỉ ra cách làm ăn mới có hiệu quả, có sức thuyết phục.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Chúng ta bước
vào thực hiện kế hoạch năm 1983 trong điều kiện khả năng vật chất trong tay
Nhà nước không hơn năm 1982, có mặt khó khăn thêm, nhất là về năng lượng,
vật tư, thời tiết không bình thường; đầu năm giá rét kéo dài, hạn hán gay
gắt, đến cuối vụ mùa lại dồn dập nhiều trận bão lụt gây ra thiệt hại lớn về
người và của. Tổng số thiệt hại về tài sản do các cơn bão số 6, 9, 10, sơ bộ
ước tính là 4 tỷ 600 triệu đồng, sản lượng lương thực bị mất cũng trên dưới
40 vạn tấn. Nhưng nhân dân ta trong cả nước, nhất là nhân dân vùng bị bão
lụt, đã phấn đấu rất kiên cường, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ
kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch như sản xuất và huy
động lương thực, chăn nuôi trâu bò, sản lượng vải, giấy, khai thác cá biển,
muối, diện tích trồng rừng, thép cán, máy bơm nước, bơm thuốc trừ sâu, động
cơ điện, động cơ điêden, thu mua nông sản thực phẩm (thịt lợn, đường,
lạc...). Một số chỉ tiêu tuy chưa đạt kế hoạch nhưng có tăng so với năm 1982
như điện, than, xi măng, diện tích cây công nghiệp, xuất khẩu, vận tải,...
Trong quá
trình thực hiện kế hoạch, do tình hình thực tế đặt ra nên giữa năm 1983 phải
bổ sung, sửa đổi một số chỉ tiêu:
Sản lượng điện
giảm 90 triệu kilôoát giờ, do hạn hán nên nguồn thủy điện giảm và do việc
huy động tổ máy số 1 của nhà máy điện Phả Lại chậm so với dự kiến ban đầu;
đồng thời phải bổ sung thêm dầu để tăng phát điện cho các tỉnh miền Nam và
miền Trung chống hạn.
Sản lượng than
giảm 15 vạn tấn do than tồn kho còn nhiều, dành lực lượng để tăng bốc đất đá
và do xuất khẩu không đạt mức dự kiến ban đầu.
Xi măng giảm
10 - 20 vạn tấn do nguồn điện không bảo đảm, việc huy động vào sản xuất nhà
máy xi măng Hoàng Thạch không bảo đảm đúng tiến độ.
Kim ngạch xuất
khẩu giảm 20% do một số mặt hàng không đạt kế hoạch như than đá, gạo, đỗ
tương, đỗ các loại, hàng thêu, hàng thảm đay...
Tăng thêm vốn
đầu tư xây dựng cơ bản để bổ sung cho các công trình trọng điểm của Nhà
nước, cho yêu cầu phát triển cây công nghiệp, nuôi hải sản xuất khẩu, xây
dựng thêm kho lương thực và một số cơ sở xay xát gạo, ngoài ra còn có tính
đến yếu tố do tăng giá trong xây dựng cơ bản.
Bên cạnh việc
điều chỉnh xuống một số chỉ tiêu thì đồng thời có tăng một số chỉ tiêu như
sản xuất thép cán, động cơ điện, động cơ điêden, săm lốp ô tô, máy kéo, mì
chính, sữa hộp, xuất khẩu hải sản, trồng rừng...
Đáng chú ý là
việc chỉ đạo và thực hiện kế hoạch năm 1983 có tiến bộ hơn: các ngành, các
cấp đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh; các địa phương
bước đầu bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy
thế mạnh của mình. Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành một số chính sách giải
quyết các vướng mắc, khó khăn, uốn nắn lệch lạc, thiếu sót trong quản lý
kinh tế; sự chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương có tiến bộ hơn.
Song trong quản lý và điều hành có những thiếu sót: bố trí một số chỉ tiêu
kế hoạch chưa thật sát, chưa bảo đảm cân đối đồng bộ, một số địa phương,
ngành còn lúng túng trong việc khai thác tiềm năng. Sự chỉ đạo của cấp trên
trong không ít trường hợp vẫn chưa ăn khớp, thiếu đồng bộ. Việc cung ứng vật
tư có nhiều khuyết điểm: không theo chỉ tiêu kế hoạch, tùy tiện thay đổi địa
điểm giao nhận, vận chuyển không kịp thời, không đồng bộ, tiêu cực trong
cung ứng vật tư, phân phối điện còn nghiêm trọng. Tình hình đó làm trở ngại
không ít đến việc thực hiện kế hoạch.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Thắng lợi của
ba năm qua mang ý nghĩa to lớn, dù rằng biểu hiện vật chất của nó nói chung
còn ở dạng khởi đầu.
Những thắng
lợi đó trước hết bắt nguồn từ đường lối đúng đắn của Đảng đề ra tại Đại hội
lần thứ IV, được Đại hội lần thứ V khẳng định và được cụ thể hóa bằng các
nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các chính sách của Nhà nước về phát
triển kinh tế - xã hội, từ nhận thức ngày càng sâu sắc và vận dụng ngày càng
sát hợp đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng
ngành và cơ sở. Đó là thắng lợi trực tiếp của những đổi mới trong cơ chế
quản lý kinh tế và kế hoạch hóa, mở đầu từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV), theo hướng phát huy tinh thần tự
lực tự cường của nhân dân ta, tác động và các yếu tố bên trong, khơi dậy các
khả năng tiềm tàng của nền kinh tế. Đồng thời, đó cũng là kết quả của sự hợp
tác toàn diện và sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa anh em khác. Đó là kết quả của tinh thần phấn đầu bền bỉ, kiên
cường của hàng chục triệu lao động làm chủ tập thể trong cả nước.
Thành tựu đạt
được là kết quả của sự cố gắng và sức mạnh tổng hợp của cả nước, của những
phong trào lao động sáng tạo rộng rãi của quần chúng nhân dân. Các địa
phương và cơ sở đã nỗ lực vượt bậc. Các ngành ở Trung ương từ nông nghiệp
đến công nghiệp, từ sản xuất đến phân phối, lưu thông, vận tải có nhiều cố
gắng. Mọi thành tựu đều là kết quả của sự cố gắng chung, trong đó có mồ hôi
của người trực tiếp sản xuất, có chất xám của nhà khoa học, kỹ thuật, có lao
động sáng tạo của nhà văn học, nghệ thuật và có cả máu của chiến sĩ.
Nhân dịp này,
Hội đồng Bộ trưởng trân trọng đề nghị Quốc hội nhiệt liệt biểu dương đồng
bào cả nước, công nhân, nông dân, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa, nghệ
thuật cùng các tầng lớp lao động khác, cán bộ các ngành, các cấp đã chủ động
sáng tạo, vượt qua biết bao khó khăn trở ngại, ra sức phấn đầu làm tròn
nhiệm vụ trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1983. Nhiệt liệt biểu
dương các lực lượng vũ trang anh hùng của chúng ta - quân đội và công an
luôn luôn xứng đáng là những chiến sĩ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệt liệt
hoan nghênh kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài luôn luôn hướng về Tổ quốc
và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Chúng ta nhiệt
liệt cảm ơn Đảng Cộng sản, Chính phủ, nhân dân Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa anh em khác đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả cả tinh thần
lẫn vật chất cho chúng ta trong công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, củng cố
quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với
Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào; Đảng, Chính phủ và nhân dân Campuchia anh
em đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển
kinh tế.
Chúng ta chân
thành cảm ơn các Đảng Cộng sản và Công nhân, Chính phủ và nhân dân các nước
bè bạn, các tổ chức quốc tế đã ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước
chúng ta.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Những thắng
lợi trong ba năm qua đã mở ra nhiều triển vọng mới trong bước đường đi lên
của đất nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rõ là cho đến nay nền
kinh tế nước ta vẫn còn trong tình trạng chưa ổn định trên nhiều mặt, khó
khăn còn nhiều.
Sản xuất
tiến bộ chưa đều, chưa mạnh và chưa vững chắc.
Lương thực mới bảo đảm nhu cầu tối thiểu về ăn và một phần nhỏ cho chăn
nuôi, dự trữ lương thực không đáng kể. Mức lương thực bình quân 300kg/người
là ở ranh giới giữa thiếu ăn và tạm đủ ăn. Sản lượng màu sút kém, chưa khai
thác hết đất trồng màu, cũng như chưa chú trọng thâm canh màu, chế biến màu,
đưa màu vào cơ cấu bữa ăn và bảo đảm thức ăn cho chăn nuôi. Nhận thức và chỉ
đạo không đầy đủ đối với cây công nghiệp là thiếu sót lớn, nó khiến chúng ta
chậm phá vỡ thế độc canh, hình thành nền nông nghiệp toàn diện, ảnh hưởng
đến khả năng xuất khẩu và phát triển công nghiệp theo thế mạnh của ta trong
khi chúng ta có sẵn đất đai và lao động, điều kiện khí hậu nhiệt đới, thuận
lợi cho việc tăng nhanh các loại cây công nghiệp, trước hết là cây ngắn
ngày. Chưa khai thác triệt để diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản,
nhất là tôm, cá nước ngọt, nước lợ. Lâm nghiệp tiến bộ chậm, diện tích rừng
bị đốt phá nghiêm trọng, sản lượng gỗ sút kém và lãng phí gỗ lớn. Công
nghiệp quốc doanh Trung ương chưa đạt mức cao nhất trước đây. Sản xuất tư
liệu sản xuất tăng chậm, không bảo đảm được nhu cầu phát triển nông nghiệp
và công nghiệp nhẹ. Sản xuất hàng tiêu dùng phát triển chậm, một số sản phẩm
thiết yếu cho đời sống nhân dân tăng không đáng kể.
Điều đáng quan
tâm là năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, xây dựng, vận tải và
kinh doanh nói chung còn thấp, có mặt sa sút hơn trước; lãng phí vật tư,
hàng hóa còn khá lớn, có những vụ nghiêm trọng.
Phân phối lưu
thông vẫn là lĩnh vực đang có nhiều rối ren, Nhà nước chưa nắm được phần lớn
hàng, tiền, chưa làm chủ được thị trường, vật giá. Thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa chưa thoát khỏi cách làm ăn hành chính bao cấp, chưa vươn ra để làm
chủ thị trường. Cải tạo xã hội chủ nghĩa chưa được đẩy mạnh đúng mức. Quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường và củng cố, đặc biệt là
khu vực quốc doanh phát triển chậm, không xứng với vai trò chủ đạo của nó
trong toàn bộ nền kinh tế. Giá cả thị trường tự do tăng nhanh, liên tục, bọn
đầu cơ và địch phá hoạch gây nhiều đột biến, giá Nhà nước cũng bị thay đổi
nhiều lần, ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, đời sống và tâm lý xã hội. Đời
sống vật chất của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó
khăn, đang là yêu cầu bức xúc phải giải quyết.
Nhiều vấn đề
xã hội đang đặt ra cấp bách. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội chưa bị
ngăn chặn; công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên nói chung chưa có chuyển
biến tốt. Nhiều chỉ tiêu về mức sống văn hóa của nhân dân bị giảm sút. Tình
hình dân số còn tiếp tục tăng quá nhanh có ảnh hưởng lớn đối với việc giải
quyết khó khăn về kinh tế - xã hội.
Tình hình nói
trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa là nền kinh tế nước
ta còn phổ biến là sản xuất nhỏ; cơ sở vật chất - kỹ thuật còn yếu; năng
lượng, vật tư thiếu thốn nghiêm trọng; kẻ địch tăng cường phá hoại trên
nhiều mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nguyên nhân chủ
quan là những khuyết điểm về công tác tư tưởng và tổ chức, những khuyết điểm
trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, trong sự chỉ đạo và tổ
chức thực hiện, những nhược điểm và khuyết điểm trong cơ chế quản lý và
kế hoạch hóa. Tình trạng nhiều khả năng chưa được tận dụng, lao động,
đất đai và ngành, nghề chưa được khai thác tốt, nhiều năng lực sản xuất và
tiền vốn còn bị lãng phí nghiêm trọng, năng suất lao động xã hội còn thấp,
một phần quan trọng là do những khuyết điểm trong công tác quản lý kinh
tế chậm được sửa chữa, không bảo đảm cho các cấp cùng nhau thật sự làm
chủ để động viên sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và của nhân dân, của Trung
ương và địa phương. Một số chính sách về tài chính, giá cả, tiền lương, xuất
nhập khẩu,... tuy đã có điều chỉnh, nhưng còn nhiều điểm chưa phù hợp, chậm
được sửa đổi. Bộ máy quản lý kinh tế quá cồng kềnh, có nhiều tổ chức trung
gian không cần thiết, nặng về hành chính quan liêu, xem nhẹ tổ chức kinh
doanh, gây trở ngại cho sản xuất và lưu thông. Việc sắp xếp lại sản xuất,
nhất là tổ chức sản xuất công nghiệp làm chậm. Việc phân công, phân cấp quản
lý kinh tế còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Đáng chú ý là
có những nhận thức và hành động không phù hợp với quan điểm của Đảng và
chính sách của Nhà nước, những biểu hiện vô trách nhiệm, kém ý thức tổ chức
và kỷ luật trong việc chấp hành nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà
nước. Tệ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ, xa thực tế, xa quần chúng,
không tin ở năng lực sáng tạo của quần chúng, chậm tiếp thu cái mới, không
kịp thời phục vụ sản xuất và đời sống ở cơ sở, cũng như bệnh phân tán, tản
mạn, tự do tuỳ tiện, tình trạng mất cảnh giác trước các âm mưu và hành động
phá hoại của địch, buông lỏng lãnh đạo và quản lý, phải được phê phán nghiêm
khắc và kiên quyết khắc phục.
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU CHỦ YẾU
CỦA KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1984
VÀ MỨC PHẤN ĐẦU NĂM 1985
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Từ sự phân
tích và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đã trình bày trên đây, chúng ta
chẳng những rút ra được những kinh nghiệm và bài học bổ ích trong lãnh đạo
và quản lý kinh tế, đồng thời cũng nhìn rõ hơn phương hướng và bước đi trong
thời gian tới của những năm 80 nhằm quán triệt tốt hơn nữa đường lối chung
và đường lối kinh tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, 4 mục tiêu kinh tế - xã hội và 10 chính sách lớn đã được nêu ra
trong Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng. Theo phương hướng đó, phải
tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, coi đó là mặt trận hàng
đầu, khai thác đến mức cao nhất tiềm năng lao động và đất đai nhằm giải
quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh chăn nuôi,
phát triển thật mạnh cây công nghiệp tạo thêm nguồn nguyên liệu cho
công nghiệp và tăng nhanh nguồn xuất khẩu. Ra sức phát triển công
nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Phát
huy những cơ sở đã có và xây dựng mới những cơ sở cần thiết về công
nghiệp nặng: năng lượng, cơ khí, gang thép, điện tử, hóa chất, vật liệu
xây dựng, giao thông vận tải, v.v. nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp và
công nghiệp nhẹ, từng bước hình thành cơ cấu công nông nghiệp hợp lý. Tranh
thủ mọi điều kiện để sớm khởi công xây dựng một số công trình công nghiệp
nặng có ý nghĩa then chốt của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa
nước nhà. Phát triển mạnh khoa học và kỹ thuật, văn hóa - giáo dục, y tế,
v.v. phục vụ tốt công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng
con người mới xã hội chủ nghĩa. Thực hiện cho được mục tiêu ổn định và cải
thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Hai năm 1984
và 1985 có giá trị hết sức quan trọng, phải hoàn thành thắng lợi các nhiệm
vụ và mục tiêu chủ yếu của thời kỳ 1981 - 1985, đồng thời chuẩn bị thật tốt
cho kế hoạch 1986 - 1990.
Để thực hiện
thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1984 và năm 1985, nhân dân ta phải tiếp tục
phát huy hơn nữa y chí tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, sức
mạnh làm chủ tập thể; thực hiện tốt ba cuộc cách mạng gắn bó
chặt chẽ với nhau; động viên sức mạnh tổng hợp của Đảng, Nhà nước, các đoàn
thể và toàn dân, của Trung ương, địa phương và cơ sở thực hiện cho được
quyền làm chủ, chế độ trách nhiệm và kỷ luật của các cấp quản lý, tạo ra sự
chuyển biến mạnh về tư tưởng và tổ chức, phát động phong trào
cách mạng của quần chúng, sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.
Làm được như vậy, nhân dân ta nhất định sẽ thực hiện được những mục tiêu và
nhiệm vụ kinh tế và xã hội của thời kỳ 1981 - 1985
mà Đại hội lần thứ V của Đảng đã đề ra, sẽ tạo ra thế và lực mới cho công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Trong hai năm
trước mắt, chúng ta cần nắm vững và giải quyết cho được những yêu cầu và mục
tiêu chủ yếu sau đây:
Trước hết và
quan trọng nhất là phải có tiến bộ rõ trong việc khai thác khả năng lao
động, đất đai và năng lượng sản xuất hiện có, khẩn trương sắp xếp lại
sản xuất. Lấy năng suất, chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn
hàng đầu về đánh giá mọi hoạt động kinh tế. Hết sức tiết kiệm trong
sản xuất và tiêu dùng. Phát triển sản xuất kết hợp chặt chẽ với bảo vệ
sản xuất, chống địch phá hoại về kinh tế, chống đầu cơ buôn lậu, chống
tham ô, lãng phí. Phấn đấu từng bước tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập
quốc dân, tạo được tích luỹ ngày càng nhiều từ nội bộ nền kinh tế.
Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, Nhà nước nắm hàng, nắm tiền, làm chủ thị
trường, giá cả, phải ổn định cho được đời sống bao gồm bảo đảm bữa ăn
và hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, nhất là của công nhân, viên chức,
lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc, trước hết ở vùng biên giới phía
Bắc.
Tiếp tục
đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa,
năm 1985 hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở
Nam bộ và công thương nghiệp ở các tỉnh miền Nam. Củng cố và hoàn thiện quan
hệ sản xuất mới, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa trong cả nước trên mọi
lĩnh vực.
Tiếp tục
xây dựng có trọng điểm, tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật
của chủ nghĩa xã hội và làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai xây dựng
trong các năm sau.
Khẩn trương
xúc tiến việc nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa
đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng cho một thời gian dài hơn.
Đưa việc
kết hợp kinh tế với quốc phòng vào quy hoạch và kế hoạch kinh tế cụ thể,
tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và
an ninh. Chỉ đạo chặt chẽ quân đội làm kinh tế nhằm đạt hiệu quả thiết thực,
tạo mọi điều kiện khuyến khích quân đội tham gia xây dựng kinh tế.
Dưới đây là
những nhiệm vụ chủ yếu của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội và các vùng
lớn trong cả nước năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985.
A- CÁC NGÀNH
1. Ra sức đẩy
mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
a) Sử dụng tốt
lao động và đất đai là mục tiêu và biện pháp quan trọng hàng đầu để
tăng nhanh sản phẩm xã hội.
Trên con đường
tự lực tự cường đi lên, đưa nền kinh tế và đời sống của nhân dân ta sớm vượt
ra khỏi những khó khăn lớn hiện nay, không thể nào khác là phải khai thác
đến mức cao nhất mọi khả năng và tiềm năng của đất nước và con người Việt
Nam ta. Tiềm năng đó, về vật chất trước hết và lớn hơn cả là đất đai bao gồm
đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đã được canh tác và đất còn bỏ trống,
đất tốt và đất chưa tốt cần cải tạo; bao gồm cả các loại mặt nước trong đất
liền, ven biển và ngoài khơi để phát triển thủy sản. Tiềm năng về con người,
trong những năm trước mắt, trước hết là sức lao động, nhất là lao động
chưa có việc làm, là lao động giản đơn và lao động có kỹ thuật, kể cả
lao động của các nhà khoa học. Phải có sự cố gắng phấn đấu cao nhất để trong
một số năm làm cho mọi nguồn đất đai đều được khai thác và đưa vào sử dụng
có hiệu quả; mọi người lao động đều có việc làm và làm việc có năng suất,
chủ yếu là kết hợp với đất đai, làm ra ngày càng nhiều của cải cho xã hội,
để ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, để có tích luỹ và
tăng nhanh nguồn tích lũy cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong hai năm tới, bằng mở rộng ngành, nghề, phân công lao động tại chỗ,
phân bố lại lao động giữa các vùng, phấn đấu để có việc làm cho người lao
động. Trước hết cho thanh niên, thực hiện cho được chỉ tiêu về phân bố lao
động mà Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra. Khai thác một phần
đáng kể đất trung du hoang hóa ở các tỉnh phía Bắc, ven biển miền Trung và
đất hoang ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu bằng lực lượng lao động tại chỗ
và trong từng địa phương. Khẩn trương tổ chức thực hiện việc đưa dân và lao
động đến xây dựng kinh tế ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và biên giới
phía Bắc, chủ yếu để phát triển mạnh cây công nghiệp, vừa xây dựng kinh tế,
vừa góp phần củng cố quốc phòng. Năm 1984, đưa đi 12 vạn lao động, 30 vạn
nhân khẩu. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, tiến hành phân bố lại lao động
trong tỉnh và trong vùng, nhằm thâm canh, tăng vụ, đưa ngày công lao động
lên 200 ngày/năm và khẩn trương chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tiếp nhận lao
động từ nơi khác đến nhằm cơ bản sử dụng hết 50 vạn hécta đất hoang hóa. Ở
các thành phố và thị xã, cần chú trọng tổ chức lao động vào các ngành, nghề
tiểu, thủ công nghiệp và mạng lưới dịch vụ, đặc biệt là làm gia công, chế
biến hàng xuất khẩu. Đồng thời, bố trí lao động để khai thác cho hết đất đai
ngoại thành và tích cực đưa lao động đi xây dựng các vùng kinh tế. Nếu kể cả
việc tổ chức định canh, định cư, tính chung trong năm 1984 cần sắp xếp và bố
trí lại lao động và dân cư khoảng 70 vạn người. Cần tích cực chuẩn bị điều
kiện để thực hiện phân bố lại lao động trên phạm vị cả nước trong các năm
sau.
Các lực lượng
vũ trang đóng trên từng địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính
quyền địa phương tổ chức và sử dụng tốt năng lực lao động của mình để trồng
và bảo vệ rừng, làm đường, xây dựng thủy lợi - thủy điện và tham gia các
hoạt động sản xuất, xây dựng khác.
Trong khu vực
Nhà nước, kiên quyết giảm biên chế hành chính và gián tiếp sản xuất, bảo đảm
tăng nhanh năng suất lao động.
Để thực hiện
mục tiêu trên đây, phải xây dựng các chương trình và kế hoạch đồng bộ, có
các chính sách cụ thể thích hợp và sự chỉ đạo tập trung của các cấp lãnh đạo
Đảng và chính quyền, phải thực hiện cho được chủ trương lấy huyện làm
địa bàn cơ bản để bố trí và sử dụng tốt lao động, đất đai, mở mang ngành,
nghề. Trước mắt, phải thực hiện ngay chính sách và sớm ban hành luật về
nghĩa vụ lao động. Trong năm 1984, huy động khoảng 10 vạn thanh niên đi lao
động nghĩa vụ xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình trọng
điểm, các vùng phát triển kinh tế lớn do Trung ương phụ trách. Các địa
phương cần có kế hoạch huy động lao động nghĩa vụ phục vụ yêu cầu của địa
phương.
b) Nắm vững
mục tiêu quan trọng nhất là đẩy mạnh sản xuất lương thực (cả lúa và
màu). Mặc dù chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn trên mặt trận sản xuất
lương thực, nhưng cần thấy rằng hiện nay và trong một số năm tới, chúng ta
còn phải tiếp tục phấn đấu mạnh hơn nữa, để tăng nhanh sản lượng lương thực,
bảo đảm nhu cầu của toàn xã hội ở mức khá hơn và vững chắc hơn, nhất là cho
những vùng hiện đang còn có nhiều khó khăn về lương thực, đồng thời tạo ra
dự trữ cần thiết về lương thực. Năm 1984, để có đủ ăn, có phần dành cho chăn
nuôi và có dự trữ, phải đạt cho được sản lượng 18 triệu tấn, trong đó 15,7
triệu tấn thóc và 2,3 triệu tấn màu quy thóc. Nhà nước huy động ít nhất 4,3
triệu tấn. Năm 1985, đạt mục tiêu sản xuất trên 19 đến 20 triệu tấn lương
thực.
Biện pháp
chính là nâng độ đồng đều trên toàn bộ diện tích gieo trồng, nâng mức thâm
canh lúa trên những vùng có tỷ suất lương thực hàng hóa cao và các vùng có
nhu cầu lương thực mà khó vận chuyển nơi khác đến, đi đôi với tăng vụ, mở
thêm diện tích, chủ yếu ở miền Nam và khu IV cũ. Diện tích gieo trồng lúa
trong cả nước phải đạt 5,76 triệu hécta năm 1984 và 5,8 triệu hécta năm
1985, trong đó vùng lúa năng suất cao là 2 triệu hécta. Năng suất lúa bình
quân 1 hécta gieo trồng năm 1984 là 27,3 tạ và năm 1985 là 29,8 tạ, ở vùng
có năng suất cao là 39,2 tạ năm 1984 và 40 tạ năm 1985.
Khắc phục
nhanh sự kém sút về sản xuất màu, đẩy mạnh thâm canh và tăng diện
tích các loại màu, nhất là ngô. Tận dụng đất đai trồng xen, trồng gối vụ, sử
dụng hết các diện tích có thể trồng màu, (nhưng tuyệt đối không được phá
rừng để trồng màu), đưa diện tích màu năm 1984 lên 1,3 triệu hécta, tăng 10%
so với năm 1983, trong đó có 40 vạn hécta ngô. Tổ chức tốt việc thu mua, vận
chuyển và chế biến màu, đưa một phần màu vào bữa ăn của nhân dân và bảo đảm
thật tốt thức ăn cho chăn nuôi.
c) Phát triển
mạnh trên quy mô lớn các loại cây công nghiệp, nhất là các cây ngắn
ngày và tích cực triển khai trồng cao su và những cây dài ngày khác, nhằm
tăng nhanh nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn hàng xuất khẩu quan trọng.
Trong năm
1984, đưa diện tích trồng cây công nghiệp lên 1,13 triệu hécta, tăng 38% so
với năm 1983, trong đó cây ngắn ngày tăng 47% và cây dài ngày tăng 24%. Một
số cây quan trọng cần đạt các mục tiêu phát triển trong năm 1984 và năm 1985
như sau: đay: 5 vạn hécta và 10 vạn hécta, chủ yếu ở đồng bằng sông
Cửu Long; lạc: 20 vạn hécta và 25 vạn hécta; đỗ tương: 15 vạn
hécta và 25 vạn hécta; thuốc lá: 4,5 vạn hécta và 6 vạn hécta; bảo
đảm cung cấp đủ và ổn định mía cho các nhà máy đường lớn và giải
quyết tốt nhu cầu đường mật tại chỗ ở các địa phương. Mở rộng việc trồng
bông, lanh, dâu tằm, dứa, sợi... Về các cây dài ngày, bên cạnh việc thâm
canh chăm sóc tốt các cây trên diện tích hiện có, mở nhanh diện tích trồng
mới lần lượt trong hai năm tới là: cao su: 3 vạn hécta và 5 vạn
hécta; cà phê: 8.000 hécta và 1,1 vạn hécta; dừa: 1,4 vạn
hécta và 2 vạn hécta, do hợp tác xã và nhân dân trồng là chính, xây dựng một
số vùng chuyên canh, Nhà nước làm nhiệm vụ thu mua, chế biến và cung cấp
giống; chè: mỗi năm trồng thêm 5.000 hécta. Phát triển các loại cây
có dầu như thầu dầu, cọ dầu, trẩu sở..., các cây đặc sản: đào lộn hột, vải
thiều, quế, hồi, hồ tiêu, dược liệu, v.v. và cây ăn quả, trồng tập trung và
phân tán phục vụ bữa ăn của nhân dân và xuất khẩu. Chuẩn bị tốt các điều
kiện để trong kế hoạch 5 năm sau đưa quy mô trồng cây công nghiệp lên lớn
hơn nhiều so với hiện nay.
Cần sớm hoàn thành quy hoạch đất đai, xác định cây trồng chính cho từng địa
bàn, vừa xây dựng các vùng chuyên canh, vừa tận dụng đất đai trồng xen và
trồng gối vụ ở khắp nơi. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng
làm", "quốc doanh, tập thể và gia đình cùng làm". Cung cấp kịp thời lương
thực, vật tư và hàng hóa cho vùng cây công nghiệp; thực hiện các chính sách
khuyến khích địa phương và cơ sở phát triển sản xuất. Một yêu cầu hết sức
quan trọng là phải xây dựng đồng bộ các cơ sở chế biến kết hợp với trồng
trọt ngay trên từng vùng với quy mô thích hợp.
Chúng ta ra
sức phấn đấu thực hiện bước đầu một chương trình lớn có ý nghĩa chiến lược
về phát triển cây công nghiệp, đó là một nội dung quan trọng trong sự phát
triển toàn diện nền nông nghiệp nhiệt đới đi lên sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa, một thế mạnh đặc biệt trong những thế mạnh của nền kinh tế nước ta
gắn liền với việc sử dụng tối đa lao động và đất đai, là một nguồn cân đối
tích cực, có hiệu quả nhanh và góp phần rất quan trọng tạo ra nguồn tích lũy
ngày càng lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.
d) Phát triển chăn nuôi cân đối với trồng trọt ở khắp các vùng để bảo
đảm nhu cầu thực phẩm và phân bón. Chú trọng chăn nuôi ở các vành đai thực
phẩn chung quanh các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung các vùng
có điều kiện chăn nuôi lớn; mở mang chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi xuất
khẩu. Tăng nhanh đàn lợn và đàn gia cầm. Phát triển chăn nuôi đại gia súc
(trâu, bò...) ở tất cả các vùng, nhất là trung du, miền núi và Tây Nguyên.
Coi trọng cả chăn nuôi quốc doanh, tập thể, gia đình. Trên cơ sở đẩy mạnh
sản xuất lương thực, nhất là màu, bảo đảm giải quyết nguồn thức ăn gia súc.
Nhà nước chú ý tổ chức
việc sản xuất
và cung ứng con giống và thuốc thú y. Mức phấn đấu tối thiểu năm 1984 và
1985, về đàn lợn phải đạt 12 triệu con và 13 triệu con; đàn trâu, bò 4,8
triệu con và 5,1 triệu con. Năm 1984 so
với năm 1983 đàn lợn tăng 8%, đàn trâu, bò tăng 5%, đàn gia cầm tăng 9%.
đ) Khai thác
mạnh nguồn tiềm năng thủy sản cả về chiều rộng và chiều sâu. Mở rộng
quy mô đánh bắt trên biển, phát triển mạnh nuôi trồng, nhất là nuôi để xuất
khẩu trên tất cả các loại mặt nước và đạt năng suất ngày càng cao hơn. Điều
tra xác định sớm các nguồn lợi và quy hoạch ngư trường, đồng thời có biện
pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổ chức tốt việc thu mua và
cung ứng dịch vụ cho sản xuất, cải tạo và sắp xếp lại sản xuất nghề cá. Tận
dụng các cơ sở hiện có, xây dựng thêm một số cơ sở đông lạnh, chế biến để
khai thác một cách tập trung và có hiệu quả nguồn lợi hải sản ở một số khu
vực, nhất là Kiên Giang, Minh Hải, Thuận Hải. Phấn đấu đạt sản lượng 73 vạn
tấn năm 1984, trong đó có 52 vạn tấn cá biển và 21 vạn tấn cá nước ngọt,
nước lợ. Năm 1985, đạt 78 vạn tấn , trong đó có 55 vạn tấn cá biển và 23 vạn
tấn cá nước ngọt, nước lợ.
e) Về lâm
nghiệp: Bảo vệ cho được vốn rừng hiện có, thực hiện đồng bộ các chính
sách, các biện pháp tích cực nhất để chấm dứt nạn đốt, phá rừng. Đây là một
nhiệm vụ khẩn thiết có ý nghĩa lớn lao không chỉ về kinh tế, bảo vệ môi
trường sống mà cả an ninh, quốc phòng. Ra sức động viên và tổ chức nhân dân
trồng cây, trồng rừng, sử dụng hợp lý và có hiệu quả đất trống, đồi núi
trọc, tăng nhanh độ che phủ đất đai và diện tích rừng. Chú trọng trồng các
loại cây làm nguyên liệu giấy, sợi, trụ mỏ, lấy gỗ, lấy củi, cây mọc nhanh
và tăng độ màu mỡ cho đất, cây đặc sản. Diện tích trồng rừng tập trung năm
1984 là 8 vạn hécta và 400 triệu cây trồng phân tán (tương đương khoảng 20
vạn hécta). Chậm nhất năm 1985, phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho
hợp tác xã và nhân dân quản lý, sử dụng, khai thác đúng quy hoạch, chính
sách, chế độ của Nhà nước, thực hiện phương thức nông - lâm kết hợp,
xây dựng "vườn rừng", "đồi rừng", làm dứt điểm công tác định canh, định cư,
trước hết ở những địa bàn trọng điểm.
Thực hiện
nghiêm chỉnh việc khai thác gỗ theo đúng quy hoạch và kế hoạch nhà
nước, bảo đảm quy trình kỹ thuật, chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi.
Giải quyết đồng bộ các khâu khai thác, vận xuất, vận chuyển, chú trọng vận
chuyển đường thủy và sử dụng trâu, voi kéo gỗ; nâng cấp và làm thêm đường
mới, cung ứng vật tư, thiết bị, bảo đảm đời sống công nhân lâm nghiệp và sơn
tràng. Sản lượng gỗ năm 1984 phải đạt được 1,4 triệu mét khối, năm 1985: 1,5
triệu mét khối.
2. Chuyển mạnh
về phát triển công nghiệp, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải
Sự phát triển
chậm của công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc doanh mấy năm qua đòi hỏi
phải có sự phấn đấu đồng bộ, trước hết là của các ngành công nghiệp Trung
ương. Phải nhanh chóng sắp xếp lại sản xuất, tiếp tục đổi mới quản lý, sử
dụng tốt năng lượng sản xuất hiện có, nhất là của công nghiệp quốc doanh
Trung ương, đầu tư chiều sâu, tích cực tạo nguồn vật tư, nguyên liệu từ
nông, lâm, thủy sản trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, mở mang các hình thức
hợp tác quốc tế để có điều kiện nhập thêm nguyên liệu, vật tư cần thiết.
Ra sức tiết kiệm, giảm chi phí vật chất cho một đơn vị sản phẩm, giảm giá
thành, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
a) Hết sức chú
trọng phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng:
Tổ chức lại
sản xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách để xây dựng vùng nguyên liệu và
nhập thêm nguyên liệu nhằm sử dụng đến mức cao nhất công suất các xí nghiệp.
Phát triển sự liên kết giữa các xí nghiệp trung ương với các địa phương để
sử dụng hết công xuất, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối
với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, gắn liền với việc sắp xếp lại sản
xuất, cần đẩy mạnh việc hợp tác hóa ở miền Nam theo các hình thức thích hợp,
củng cố quan hệ sản xuất tập thể ở miền Bắc, tận dụng các năng lực sản xuất
trong khu vực này. Cố gắng phấn đấu tăng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng
thiết yếu hàng ngày của nhân dân như vải mặc, giấy, đường, sữa, thuốc chữa
bệnh và hàng xuất khẩu như chè, thuốc lá, rượu...
Ưu tiên bảo
đảm bông, sợi, điện, than, gỗ làm thoi suốt và phụ tùng cho ngành Dệt.
Khôi phục và phát triển nghề dệt vải thủ công, huy động công suất dệt của
hợp tác xã có nghề truyền thống. Ngoài nguồn bông sợi nhập khẩu, các địa
phương phải phát triển trồng bông, lanh, dâu tằm để tăng thêm nguồn nguyên
liệu cho ngành Dệt. Ngoài ra, bằng con đường xuất nhập khẩu, từ nguồn nông
sản mà có thêm vải góp phần bảo đảm nhu cầu mặc. Năm 1984, phấn đấu sản xuất
320 triệu mét vải, lụa; năm 1985 đạt 380 triệu mét.
Khẩn trương
xây dựng khu nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng và Tân Mai. Tổ chức tốt
việc thu hồi, tận dụng giấy vụn; phát triển các cơ sở làm bột giấy nhỏ ở
những nơi sẵn có nguyên liệu (miền núi, Tây Nguyên) và các cơ sở sản xuất
giấy dùng vôi thay xút. Sản lượng giấy năm 1984 đạt 6,7 vạn tấn tăng 26% so
với năm 1983, năm 1985, đưa lên 9 vạn tấn.
Quy hoạch các
vùng trồng mía ổn định và bổ sung các chính sách để bảo đảm có đủ mía cho
nhà máy đường. Thực hiện đúng tiến độ xây dựng nhà máy đường Lam Sơn
và tích cực chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy đường lớn ở vùng trồng mía tập
trung. Chế tạo một số thiết bị sản xuất đường cỡ từ 30 - 50 tấn mía/ngày đến
100 - 500 tấn mía/ngày cho các địa phương. Khuyến khích các địa phương dành
đất trồng mía và chế biến đường mật phục vụ tiêu dùng tại địa phương. Năm
1984, phải sản xuất ít nhất là 32 vạn tấn đường mật các loại; năm 1985: 35
vạn tấn.
Tận dụng mọi
khả năng phát triển mạnh việc trồng thuốc lá để sử dụng hết công suất các
nhà máy hiện có, đồng thời bổ sung thiết bị cho các nhà máy đó để tăng sản
lượng thuốc lá điếu. Năm 1984: sản xuất 1,1 tỷ bao, năm 1985: 1,4 - 1,5 tỷ
bao.
Phát triển
nhanh sản xuất xà phòng, thuốc chữa bệnh để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu
của nhân dân. Phát triển sản xuất, mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng xe
đạp, săm lốp và phụ tùng, quạt điện, máy may, đồng hồ để bàn, các loại đồ
gỗ, đồ gốm, sành sứ, thủy tinh, đồ nhựa, hàng mây tre, cói, đồ dùng học
tập cho học sinh, dụng cụ y tế, dụng cụ bảo hộ lao động, v.v..
Ngoài ra, tìm
mọi cách tạo thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa hộp, bia, pin đèn
và một số hàng cơ khí điện tử.
b) Coi trọng
đúng mức sự phát triển của công nghiệp nặng:
Điện:
Phát huy hết công suất của các nhà máy thủy điện. Bảo đảm phụ tùng sửa chữa
và ưu tiên cung cấp than, dầu cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động bình
thường. Có chính sách khuyến khích sử dụng điện giờ thấp điểm. Quản lý chặt
chẽ việc phân phối và sử dụng điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các xí
nghiệp và công trình trọng điểm, cho các mục tiêu chủ yếu. Kiểm tra chặt chẽ
nhằm triệt để tiết kiệm điện và khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong phân
phối và sử dụng diện. Việc quản lý, điều hành của các Sở quản lý phân phối
điện phải gắn chặt với địa phương, bảo đảm cho địa phương và các hộ tiêu thụ
thật sự được làm chủ khối lượng điện được phân phối. Phấn đấu giảm mức tiêu
hao điện trên đường dây. Bảo đảm tiến độ xây dựng công trình thủy điện Hòa
Bình và tiến độ huy động tổ máy II nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Khẩn trương
hoàn thành hệ thống đường dây và trạm biến thế Phả Lại - Hà Đông, trạm biến
thế Thủy Nguyên. Cải tạo mạng lưới điện Hà Nội. Khởi công xây dựng nhà máy
điện Trị An và Cầu Đỏ. Mở rộng nhiệt điện Cần Thơ. Tìm cách tăng thêm nguồn
công suất cho nhiệt điện Thủ Đức. Đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập một
số thiết bị thủy điện vừa và nhỏ cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền
núi.
Sản lượng điện năm 1984 phải đạt 4,83 tỷ kWh, tăng 12% so với năm 1983, năm
1985 đạt 5,3 tỷ kWh, tăng 10% so với năm 1984.
Than:
Cung cấp đủ xăng, dầu, gỗ chống lò, thuốc nổ cho ngành Than. Đẩy mạnh việc
sửa chữa thiết bị và xây dựng mới các mỏ than. Đặc biệt coi trọng công tác
xây dựng cơ bản thường xuyên, bảo đảm khối lượng bốc đất đá và số mét lò
chuẩn bị. Tăng cường khâu sàng, tuyển, bốc dỡ, vận chuyển. Chấn chỉnh công
tác tổ chức, quản lý, thực hiện đúng quy trình, quy phạm để tăng sản lượng
và chất lượng than. Đặc biệt quan trọng là giải quyết các nhu cầu cấp bách
về đời sống của công nhân mỏ. Sản lượng than năm 1984: 6,5 triệu tấn, tăng
8% so với năm 1983, năm 1985, đạt 8 triệu tấn, tăng 23% so với năm 1984.
Gang thép:
Phát huy công suất của khu vực Thái Nguyên, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí
Minh và Biên Hòa. Xây dựng nhanh cơ sở cốc hóa than gầy, nghiên cứu xây dựng
cơ sở sắt xốp 3 vạn tấn/năm. Hoàn thiện việc thí nghiệm sản xuất gang bằng
lò điện. Chuẩn bị tích cực để khởi công xây dựng cơ sở luyện kim mới do Liên
Xô giúp.
Cơ khí:
Sắp xếp lại và phát huy năng lực của ngành Cơ khí, trước tiên đối với Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Trong hai năm 1984 - 1985, bảo đảm
sửa chữa máy móc, thiết bị và sản xuất phụ tùng, ưu tiên phục vụ nông
nghiệp, ngành dệt, than, điện, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng... Sản
xuất đủ các loại công cụ thường, sản xuất một số máy móc, thiết bị nhỏ và
vừa cho nông nghiệp, sà lan, toa xe, thiết bị mỏ, động cơ điện, thiết bị
thủy điện nhỏ, thiết bị sản xuất đường, giấy, chế biến đay, cao su, cà phê,
dừa... Nâng cao chất lượng chế tạo để tăng xuất khẩu một số sản phẩm như xe
đạp, quạt điện, dụng cụ đồ nghề. Năm 1985 hoàn thành xây dựng nhà máy động
cơ điêden Sông Công, khởi công xây dựng nhà máy phụ tùng ô tô, máy kéo 6.000
tấn/năm và khởi công mở rộng nhà máy công cụ số 1.
Hóa chất:
Đẩy mạnh sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giải quyết việc cung cấp pyrít để
phát huy hết công suất của nhà máy supe lân. Tăng mức sản xuất phân lân nung
chảy. Năm 1984, sản xuất 40 vạn tấn phân lân, tăng 67% so với năm 1983, năm
1985, lên 45 - 50 vạn tấn.
Mở rộng sản
xuất xút và các loại hóa chất thông thường theo quy mô vừa và nhỏ, các loại
phụ tùng bằng cao su, sản xuất sơn, que hàn, đất đèn, bột nhẹ, v.v. để giảm
nhập khẩu và đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế.
Tăng nhanh sản xuất vật liệu xây dựng. Hoàn thiện đồng bộ nhà máy xi
măng Hoàng Thạch, hệ thống dây chuyền số 2 nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Cung cấp
đủ than, xăng dầu, thạch cao, bao giấy và cung cấp điện ổn định cho các nhà
máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng, Hà Tiên. Sản lượng xi măng năm
1984 đạt 1,6 triệu tấn, tăng 83% so với năm 1983; năm 1985, đạt 2 triệu tấn,
tăng 25% so với năm 1984. Khởi công xây dựng nhà máy kính Đáp Cầu. Chú trọng
đẩy mạnh sản xuất các loại vật liệu khác.
Dầu khí:
Đẩy mạnh thăm dò, tìm kiếm dầu khí, năm 1984 phấn đấu tạo được những tiền đề
cần thiết để năm 1985 có kết luận về dầu ở thềm lục địa phía Nam.
Địa chất:
Đẩy mạnh tiến độ tìm kiếm, thăm dò các loại khoáng sản, chú trọng pyrít,
bốcxít; kết hợp với thăm dò, cần tổ chức khai thác vàng, mỏ thiếc nhỏ, v.v.
kể cả bằng phương pháp thô sơ. Tiến hành đánh giá tài nguyên chuẩn bị cho kế
hoạch 1986 - 1990 và những năm sau.
c) Về xây dựng
cơ bản:
Ba năm qua,
mức đầu tư xây dựng cơ bản không bảo đảm yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất -
kỹ thuật cho các ngành kinh tế và sự nghiệp văn hóa, xã hội. Từ năm 1984,
phải tìm mọi cách để tăng quỹ tích luỹ và vốn đầu tư, coi đây là một yêu cầu
cấp bách. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 1984 của cả Trung ương và địa
phương tăng 32% so với năm 1983, cần tập trung cho các loại công trình sau
đây:
- Đồng bộ hóa
các công trình đang xây dựng và những xí nghiệp hiện có, trước hết là các
công trình năng lượng, chế biến lương thực, nông sản, giao thông vận tải,
sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Bảo đảm thi công đúng tiến độ các công
trình trọng điểm Nhà nước.
- Bảo đảm các
mục tiêu trong nông nghiệp, thủy lợi, trước hết là lương thực, cây công
nghiệp ngắn ngày và trồng mới cao su, cà phê, chè, dừa, đào lộn hột, v.v.
xây dựng các công trình thủy lợi thích hợp. Huy động nguồn lao động và mọi
khả năng ở các địa phương để làm thủy lợi.
- Tăng thêm
vốn đầu tư để sớm phát huy thế mạnh của Tây Nguyên và trung du miền núi phía
Bắc.
- Xây dựng kho
lương thực ở miền Nam và một số kho nông sản, hàng xuất khẩu và kho hàng nội
thương.
- Dành vốn thích đáng xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống,
đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học; đặc biệt, coi trọng nhà ở, đường
giao thông, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, hệ thống
thoát nước... Đi đôi với xây dựng mới, cần tăng vốn đầu tư cho việc cải tạo,
sửa chữa nhà ở, các công trình công cộng và một số di tích lịch sử hiện có
dứt khoát phải tu sửa, bảo quản, không để tiếp tục hư hỏng. Ưu tiên đầu tư
để xây dựng và sửa chữa nhà ở, các công trình điện, nước ở Thủ đô.
- Lập luận
chứng kinh tế - kỹ thuật cho một số công trình gối đầu kế hoạch năm năm 1986
- 1990 như xí nghiệp liên hợp thiếc Quỳ Hợp, khu tuyển quặng mỏ Apatít Lào
Cai, các mỏ than Khe Tam, Làng Cẩm, thủy điện Yali...
Các ngành, các
địa phương cần huy động thêm nguồn vốn tự có của các xí nghiệp, nông, lâm
trường và huy động thêm công sức, tiền vốn của nhân dân để xây dựng và sửa
chữa các công trình phục vụ sản xuất và đời sống. Trong xây dựng, cần bảo
đảm và tăng nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành công trình để sớm
đưa vào sử dụng. Ban hành chính sách quy tắc, chế độ và sử dụng nhiều biện
pháp khác kết hợp, nhằm triệt để chống lãng phí mất mát vật liệu xây dựng,
bảo đảm chất lượng công trình, giảm giá thành xây dựng. Xây dựng và thực
hiện quy chế cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân
dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm".
Việc hoàn
thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1984 sẽ làm tăng thêm năng lực sản xuất:
11 vạn KW điện, 350 km đường dây tải điện, gần 90 vạn tấn than nguyên khai,
5.000 tấn sợi, 20 vạn tấn gạo xay xát, kho chứa 23 - 25 vạn tấn lương thực,
một số cơ sở chế biến đông lạnh hải sản, sản xuất sứ dân dụng... Về nhà ở,
tăng 25 - 30 vạn mét vuông, trong đó Hà Nội có 10 vạn mét vuông.
d) Về giao
thông vận tải:
Tiếp tục sắp xếp lực lượng vận tải, có phân công, phân cấp hợp lý, làm cho
vận tải quốc doanh trở thành lực lượng vận tải chủ yếu. Phát triển mạnh vận
tải đường biển, vận tải đường sông, chú trọng xây dựng hệ thống cảng và nạo
vét luồng lạch, tăng năng lực bốc dỡ. Củng cố và phát huy năng lực vận tải
đường sắt, nhất là tuyến Bắc - Nam. Sắp xếp hợp lý, sử dụng có hiệu quả vận
tải đường bộ, đường hàng không. Tăng cường quản lý nhằm khai thác tốt các
phương tiện hiện có. Chú trọng phát triển rộng rãi các phương tiện vận tải
thô sơ. Triệt để tiết kiệm, chống mất cắp, lãng phí xăng dầu, kiên quyết
loại trừ các hiện tượng tiêu cực trong vận tải.
Đầu tư tập trung hơn để từng bước khắc phục những khâu yếu hiện nay. Lập lại
trật tự an toàn giao thông vận tải trên những địa bàn trọng điểm. Kết hợp
tốt lực lượng chuyên trách với việc huy động lao động nghĩa vụ và quân đội
tham gia xây dựng các công trình giao thông. Chú trọng bảo dưỡng và nâng cấp
quốc lộ số 1, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các cầu vượt sông Hồng (Thăng Long,
Chương Dương), mở mang giao thông ở Thủ đô Hà Nội, các vùng cây công nghiệp
tập trung, vùng mới xây dựng kinh tế, giao thông nông thôn, miền núi, một số
tuyến đường sang Lào và Campuchia.
Tập trung thực
hiện tốt các nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, vận
chuyển Bắc - Nam, vận chuyển xi măng, than, phân bón, apatít, vận chuyển cho
các tỉnh biên giới, vận tải cho Lào và Campuchia...
Khối lượng
hàng hóa vận tải trong nước năm 1984 tăng 11% về tấn và 9% về tấn km so với
năm 1983.
đ) Về thông
tin - bưu điện: Khai thác tốt năng lượng mạng lưới bưu và điện với chất
lượng tốt, an toàn. Đẩy mạnh xây dựng công trình vi ba Hà Nội - Đà Nẵng,
tuyến cáp Hà Nội - Quảng Ninh. Hoàn thành hệ thống thông tin trên tuyến 1A,
mở rộng mạng lưới nội hạt Hà Nội, Hải Phòng. Tăng cường chất lượng an toàn
thông tin và ý thức phục vụ của người làm thông tin bưu điện. Giá trị nghiệp
vụ bưu điện năm 1984 tăng 25% so với năm 1983.
3. Ra sức phấn
đấu tạo tiến bộ rõ trên lĩnh vực phân phối - lưu thông
a) Trước hết
và quan trọng hơn cả là trên cơ sở tổ chức lại và phát triển sản xuất có
năng suất, chất lượng và hiệu quả, Nhà nước ta phải nắm được hàng và
tiền, làm chủ thị trường và giá cả, thống nhất quản lý phân phối và lưu
thông các sản phẩm hàng hóa chủ yếu (nông, lâm, hải sản, sản phẩm công
nghiệp quốc doanh Trung ương và địa phương, sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp
và hàng nhập). Nhà nước kế hoạch hóa việc phân phối quỹ hàng hóa, tổ
chức sự trao đổi giữa công nghiệp và nông nghiệp một cách có kế hoạch, chủ
yếu là thông qua hợp đồng hai chiều, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho sản
xuất và đời sống.
Thương nghiệp
xã hội chủ nghĩa phải nhanh chóng vươn lên làm chủ thị trường. Ra sức
củng cố và mở rộng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán đến
tận phường, xã (bao gồm cả các hệ thống cung ứng vật tư, thu mua, bán
lẻ, dịch vụ, xuất nhập khẩu); cải tiến phương thức và tổ chức mua, bán,
chuyển mạnh sang phương thức kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau, hết
sức năng động để nắm hàng, làm chủ thị trường, chi phối toàn bộ khâu bán
buôn, đại bộ phận khâu bán lẻ và dịch vụ. Phải phát triển thật mạnh hệ thống
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, bao gồm thương nghiệp quốc doanh, thương
nghiệp hợp tác xã tiêu thụ và mua bán, mạng lưới dịch vụ và đại lý; có chính
sách, chế độ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp gắn
liền với việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời, phải xử lý
nghiêm khắc những phần tử thoái hóa, biến chất, làm cho đội ngũ những người
làm thương nghiệp trở nên thật sự vững mạnh. Tổ chức, sắp xếp, sử dụng và
cải tạo tiểu thương theo từng ngành nghề, chuyển một số bộ phận tiểu thương
sang sản xuất. Ngăn chặn và loại trừ bọn đầu cơ, buôn lậu, tư thương tranh
mua với Nhà nước; trừng trị bọn làm hàng giả. Xóa bỏ ngay tư sản thương
nghiệp. Kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ không để vật tư - hàng hóa từ xí
nghiệp công nghiệp quốc doanh, hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và hệ
thống cung ứng vật tư lọt ra thị trường tự do. Trên cơ sở đó, thực hiện việc
Nhà nước thống nhất quản lý và kinh doanh những vật tư - kỹ thuật, những
hàng công nghiệp thiết yếu, kể cả hàng nhập khẩu. Có kế hoạch tích cực và
vững chắc triển khai thực hiện việc xóa bỏ thị trường tự do về lương thực
và các nông, lâm, hải sản quan trọng.
Thực hiện sự
phân công, phân cấp hợp lý giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở;
có cơ chế, chính sách thích hợp vừa bảo đảm cho Nhà nước nắm được hàng hóa,
vừa kích thích tinh thần hăng hái lao động của người sản xuất, bảo đảm được
các nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Phải làm tốt
việc kiểm soát hàng hóa từ gốc. Đồng thời, phải xóa bỏ ngay tình trạng tuỳ
tiện lập ra các trạm khám xét, làm cản trở lưu thông, gây ảnh hưởng giá cả
tăng lên.
Giá trị thu
mua hàng hóa năm 1984 tăng 24% so với năm 1983, trong đó hàng nông, lâm,
thủy sản tăng 28%, hàng công nghiệp tăng 21%.
b) Tăng
nhanh mọi nguồn thu, nhất là nguồn thu từ kinh tế quốc doanh, để
bảo đảm các nhu cầu chi cần thiết. Sắp xếp lại các nhu cầu chi cho phù hợp
với khả năng tài chính của ta, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách và tiền
mặt trên cơ sở tăng sản xuất và triệt để tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng
và tiêu dùng. Cần ban hành quy chế tiết kiệm nghiêm ngặt và cụ thể ở từng
ngành và từng cấp.
Thực hiện việc
phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, vừa bảo đảm nguồn
thu của Trung ương, vừa tăng nguồn thu của địa phương, bảo đảm quyền làm chủ
ngân sách của các cấp và các ngành kinh tế, kỹ thuật, đồng thời bảo đảm được
sự thống nhất quản lý tài chính của Trung ương, đề cao kỷ luật tài chính ở
tất cả các cấp, các ngành, các cơ sở.
Đẩy mạnh và
cải tiến các hoạt động tín dụng, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán qua
ngân hàng và các dịch vụ khác để thu tiền mặt, chấm dứt "tọa chi". Bảo đảm
có đủ tiền mặt để kịp thời phục vụ sản xuất, xây dựng và thu mua. Tổ chức
tốt việc phát hành công trái và vận động quần chúng mua công trái, vừa bảo
đảm tốt yêu cầu tài chính, vừa phát huy được lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã
hội của đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động của
hợp tác xã tín dụng ở nông thôn.
c) Đi đôi với
các công việc trên đây, phải từng bước lập lại trật tự mới trên lĩnh vực
giá cả, trước hết là trong khu vực kinh tế quốc doanh. Nhà nước sử dụng
tổng hợp nhiều biện pháp để kiểm soát giá cả trên thị trường xã hội.
Tính lại
giá thành các sản phẩm chính và phí lưu thông, bảo đảm phản ánh đúng và
đủ những chi phí lao động xã hội cần thiết, loại trừ những chi phí bất hợp
lệ và bất hợp lý; trên cơ sở đó mà hoàn thiện từng bước hệ thống giá chỉ
đạo, điều chỉnh hợp lý các mối quan hệ giữa giá hàng công nghiệp và giá nông
sản, giữa tích lũy và tiêu dùng, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa giá
trong nước và giá thị trường thế giới theo chính sách giá của Đảng và Nhà
nước.
Trên cơ sở bảo
đảm tính thống nhất của hệ thống giá của Nhà nước, Trung ương thống nhất
chỉ đạo giá những mặt hàng quan trọng, đồng thời phân công, phân cấp
hợp lý cho ngành và địa phương để có sự chỉ đạo, sát hợp với từng vùng,
từng thời vụ. Nhà nước sẽ quy định các khung giá thích hợp với từng loại
hàng và với từng vùng để các địa phương có thể chủ động thu mua lương thực,
nông sản và các hàng hóa khác ngoài kế hoạch. Tăng cường kỷ luật về quản lý
giá cả, chống mọi hành động tự do tuỳ tiện nâng giá, vi phạm chính sách và
hệ thống giá Nhà nước.
d) Về tiền
lương: cùng với các chủ trương và việc làm trên đây, Đảng và Nhà nước sẽ
có những biện pháp tích cực nhất để bảo đảm đồng lương thực tế, giảm bớt khó
khăn về đời sống cho công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang.
4. Tăng nhanh xuất khẩu
và mở mang các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch để thu hút ngoại tệ, có
chính sách hợp lý về kiều hối, về thu hút vốn đầu tư của Việt kiều ở nước
ngoài. Đây là khâu trọng yếu góp phần bảo đảm các cân đối của kế hoạch. Kim
ngạch xuất khẩu năm 1984 thuộc Trung ương quản lý tăng 22% so với năm 1983,
trong đó tăng nhanh hơn cả là hàng nông sản, nông sản chế biến và hải sản.
Đây là mức tăng tối thiểu phải đạt cho kỳ được, đồng thời phải có sự nỗ lực
rất lớn, phát huy mạnh những khả năng và tiềm năng xuất khẩu của từng ngành,
từng địa phương. Cố gắng phấn đấu đạt mức cao hơn nữa. Phải quản lý chặt hơn
việc nhập khẩu. Những thứ gì trong nước tự làm ra được phải cố hết mức để
sản xuất và sử dụng, kiên quyết không nhập khẩu.
- Giải quyết
tốt quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và nông dân, có các
chính sách hợp lý nhằm phát triển mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản
phẩm và huy động hết mức các nguồn hàng xuất khẩu. Động viên mọi tầng lớp
nhân dân hết sức tiết kiệm tiêu dùng trong nước để dành hàng cho xuất khẩu.
Dưới sự quản lý thống nhất của Trung ương, trên cơ sở bảo đảm nghĩa vụ giao
nộp cho Trung ương, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất và xuất
khẩu nông sản để nhập thêm vật tư, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất nông,
công nghiệp và một số hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân. Từng
ngành, từng địa phương phải tìm mọi cách để bảo đảm và nâng cao hơn nữa mức
phấn đấu trong việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu của ngành và địa phương
mình.
- Đầu tư thích
đáng xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ xuất khẩu. Kiện toàn bộ máy
kinh doanh xuất nhập khẩu từ Trung ương đến địa phương, cải tiến phương thức
hoạt động để đủ sức góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến và huy động hàng
xuất khẩu, mở rộng và quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch với nước
ngoài.
5. Đẩy mạnh
công tác khoa học và kỹ thuật
Hoàn thiện và
xây dựng các chính sách, chế độ cụ thể thích hợp làm cho kế hoạch khoa học
và kỹ thuật thực sự trở thành bộ phận hữu cơ của kế hoạch kinh tế - xã hội.
Các ngành kinh
tế, văn hóa và các địa phương, cơ sở phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể
đưa nhanh những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, trước
hết nhằm giải quyết các khó khăn về nguyên liệu, giảm tiêu hao vật chất, hạ
giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Triển khai các
chương trình khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, đặc biệt là các
chương trình có liên quan đến các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt.
Tăng cường
công tác tiêu chuẩn hóa, đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa,
quản lý chặt chẽ thực hiện các quy trình kỹ thuật trong sản xuất.
Tiến hành điều
tra cơ bản, điều tra tổng hợp các vùng kinh tế quan trọng: Tây Nguyên, các
tỉnh biên giới phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, để làm căn cứ cho việc xây
dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm 1986 - 1990.
Các ngành khoa
học (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học - kỹ thuật) kết hợp chặt
chẽ với nhau, khẩn trương nghiên cứu các vấn đề cơ bản, xây dựng dự báo về
chiến lược khoa học và kỹ thuật trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá
độ, phục vụ thiết thực và làm căn cứ cho việc xây dựng chiến lược kinh tế -
xã hội và kế hoạch nhà nước; đồng thời, xây dựng từng bước nền khoa học - kỹ
thuật của nước ta.
Tổ chức và có
chính sách sử dụng tốt đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, bố trí đủ cán bộ
cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và các địa phương trọng điểm, bổ sung thêm
lực lượng để triển khai mạnh công tác điều tra cơ bản, khảo sát, phân vùng
quy hoạch, nhất là cho vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Hoàn thiện cơ
chế quản lý khoa học - kỹ thuật, gắn liền với việc hoàn thiện cơ chế quản lý
kinh tế, làm cho khoa học - kỹ thuật thật sự là một trong những động lực chủ
yếu để phát triển kinh tế. Sắp xếp lại cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ
thuật theo hướng gắn liền với các cơ sở sản xuất (chú trọng các cơ sở quốc
doanh) và bố trí mạnh lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật về cơ sở ở các
địa phương và các vùng mới đang triển khai xây dựng, nhất là các địa bàn
trọng điểm trồng cây công nghiệp, các công ty phụ trách từng cây. Đưa nhanh
tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống xã hội. Nhằm phục vụ
thiết thực nhất cho các yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế - xã hội quan
trọng, phải đặc biệt chú ý có chính sách và biện pháp sử dụng tốt, không để
lãng phí "chất xám" và cả các thiết bị nghiên cứu khoa học - kỹ thuật hiện
có, đồng thời đầu tư thêm để bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết cho
công tác khoa học và kỹ thuật.
6. Giáo dục,
đào tạo, văn hóa, thông tin, y tế - xã hội
a) Về giáo dục
và đào tạo:
Tiếp tục tiến
hành cải cách giáo dục phù hợp với yêu cầu và khả năng phát triển kinh tế,
thúc đẩy các mặt hoạt động, chú trọng vào những việc sau đây:
- Củng cố các
trường mẫu giáo hiện có, mở rộng các trường lớp ở các khu công nghiệp, các
thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế mới. Tiếp
nhận 1,54 triệu cháu trong độ tuổi vào các lớp mẫu giáo, tăng 2% so với năm
1983.
Huy động lực
lượng của ngành Giáo dục và các ngành khác tiến hành việc xóa nạn không biết
chữ ở các xã, huyện vùng cao, trước hết là thanh niên và cán bộ ở cấp xã.
Nâng cao chất
lượng dạy và học trong các trường phổ thông, chú trọng giáo dục chính trị,
đạo đức và hướng nghiệp, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh. Số học sinh
có mặt đầu năm 1984 - 1985 trên 12 triệu em. Số học sinh bổ túc văn hóa tập
trung năm 1984 trên 3 vạn người và bổ túc văn hóa tại chức 27,5 vạn người,
phấn đấu thực hiện phổ cập cấp II cho cán bộ đương chức, tiến tới phổ cập
cấp I cho nhân dân.
- Sắp xếp lại
mạng lưới các trường trung học, đại học và công nhân kỹ thuật, ổn định quy
mô tuyển sinh hợp lý, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, phân phối, sử dụng với
nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng vùng; chú trọng đào tạo cán bộ khoa
học - kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế cho các vùng chuyên canh cây công
nghiệp; cán bộ điều tra khảo sát, thiết kế, thăm dò khai thác khoáng sản, cơ
khí, hóa chất, vật liệu xây dựng và giáo viên cấp I phục vụ cải cách giáo
dục. Số học sinh tuyển mới năm 1984 là 19 vạn người, tăng 23% so với năm
1983, trong đó, công nhân kỹ thuật 10,3 vạn người, tăng 23%; trung học
chuyên nghiệp 5,1 vạn người, tăng 20%; đại học và cao đẳng 3,5 vạn người,
tăng 22%. Chủ yếu là tăng đào tạo chuyên tu, tại chức.
Để thực hiện
các nhiệm vụ trên, cần ban hành một số chính sách đối với giáo viên và học
sinh, đặc biệt, có chính sách, chế độ thích hợp để đẩy mạnh đào tạo cán bộ
là con em các dân tộc ở miền núi và Tây Nguyên. Khuyến khích nhà trường kết
hợp giảng dạy, học tập với thực nghiệm, nghiên cứu khoa học và lao động sản
xuất. Nghiên cứu cải tiến chế độ học bổng cho học sinh để khuyến khích học
tập và quy định mức đóng góp cần thiết của nhân dân trong việc phát triển sự
nghiệp giáo dục.
b) Về văn hóa,
thông tin:
Công tác văn
hóa, thông tin, nghệ thuật phải bám sát đường lối chính sách của Đảng và kế
hoạch nhà nước, đi sâu vào phong trào quần chúng và đời sống của nhân dân,
phát huy tính chiến đấu cao, giữ thế chủ động trong dư luận xã hội, hướng
vào phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc cải tạo xã hội
chủ nghĩa, đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ
nghĩa, tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng con người mới, giữ gìn truyền
thống tốt đẹp, xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, đấu tranh
triệt để và liên tục để loại trừ văn hóa nô dịch, phản động, đồi trụy, bài
trừ các hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, kịp thời đập tan những
thủ đoạn phá hoại của địch trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nghiêm khắc phê
phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Chú trọng các
hoạt động văn hóa ở cơ sở, nâng cao chỉ tiêu phục vụ nhân dân về sách báo,
nghe đài, xem chiếu bóng, văn nghệ, xây dựng nếp sống mới, đặc biệt là trên
địa bàn huyện, nhất là ở các tỉnh biên giới, Tây Nguyên và nông thôn vùng
đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng phục vụ tốt các đơn vị quân đội đóng trên
các vùng biên giới. Nâng cao chất lượng công tác văn hóa, nghệ thuật, báo
chí, phát thanh và truyền hình cả về nội dung lẫn hình thức, bảo đảm tính
chân thật, thuyết phục và tính hấp dẫn để có thể đi sâu vào đông đảo quần
chúng.
Tăng đầu tư và
động viên mọi nguồn lao động, tiền vốn để bảo vệ, tôn tạo các nhà bảo tàng,
các di tích lịch sử và di tích cách mạng, nhất là những di tích lớn như Đền
Hùng, Hoa Lư, Lam Sơn, Tây Sơn, Kim Liên, Điện Biên, Côn Đảo, Sơn La,...
tích cực chuẩn bị các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật nhân kỷ niệm 10
năm ngày Giải phóng hoàn toàn đất nước.
c) Về y tế -
xã hội:
- Có chính sách khuyến khích và các biện pháp khác để triển khai mạnh cuộc
vận động sinh đẻ có kế hoạch sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân,
chú trọng ở các thành phố, vùng đồng bằng đông dân, phấn đấu giảm mức
tăng dân số xuống 1,7% vào năm 1985.
- Vận động
nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, kịp thời ngăn ngừa và dập tắt các dịch
bệnh. Chấn chỉnh nền nếp quản lý các cơ sở chữa bệnh. Nâng cao chất lượng sử
dụng các giường bệnh, chú trọng tăng thêm cơ sở y tế cho các vùng kinh tế
mới và miền núi. Hoàn thiện các trung tâm chuyên khoa quan trọng ở Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm trình độ và phương tiện nghiên cứu, điều trị
các bệnh phức tạp. Phát triển mạnh dược liệu để phục vụ nhu cầu trong nước
và xuất khẩu. Phát triển y học dân tộc. Khắc phục nhanh các tiêu cực trong
chữa bệnh và phân phối thuốc. Nghiêm trị những phần tử sản xuất thuốc giả và
buôn bán thuốc trái phép. Bằng vốn đầu tư của Nhà nước và huy động thêm
nguồn vốn của địa phương, phấn đấu tăng ít nhất 3% số giường bệnh, nhất là
cho các vùng nông thôn và miền núi. Năm 1984, mức phân phối thuốc chữa bệnh
tăng 28,5% bảo đảm các loại thuốc thông thường cho nhân dân.
- Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, đặc biệt chú ý ổn định đời
sống thương binh ở những nơi và trong các gia đình đang gặp khó khăn nhất.
Chăm sóc gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Số thương
binh nặng được nuôi dưỡng tăng 5% so với năm 1983; số người được chăm sóc ở
các cơ sở xã hội tăng 24%.
- Tiếp tục
củng cố và nâng cao chất lượng các nhà trẻ hiện có, tăng thêm nhà trẻ cho
các khu kinh tế tập trung, các thành phố lớn, các vùng kinh tế mới. Tiếp
nhận 1,2 triệu cháu vào các nhà trẻ, tăng 2% so với năm 1983.
d) Về thể dục
- thể thao:
Mở rộng cuộc
vận động rèn luyện thân thể trong nhân dân thành một phong trào quần chúng
đông mạnh. Vận động 10 triệu người tập thể dục, thể thao thường xuyên, chủ
yếu trong học sinh, thanh niên, lực lượng vũ trang và công nhân viên chức.
Tiến hành các hoạt động thể dục thể thao từ cơ sở để tiến tới đại hội thể
dục, thể thao toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1985. Chú trọng xây dựng những
bộ môn thể thao thích hợp với điều kiện nước ta và ở từng khu vực. Xây dựng
các công trình thể dục, thể thao gắn với cụm văn hóa ở các cơ sở và trên địa
bàn huyện. Nâng cao chất lượng các cuộc thi thể thao, phát huy các môn có
thế mạnh để tham dự thi đấu quốc tế. Ngăn ngừa các tiêu cực trong hoạt động
thể dục thể thao.
B- CÁC VÙNG
1. Thủ đô Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
Tiếp tục thực
hiện Nghị quyết 01 và 08 của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa bằng kế hoạch năm
1984 của Thủ đô và Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước phát huy tác dụng một
cách thiết thực của hai thành phố đối với cả nước và các tỉnh trong khu vực.
Phải tiến hành ngay năm 1984 (đưa vào kế hoạch từng quý) việc sắp xếp lại
sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kể cả công nghiệp Trung ương
trên lãnh thổ. Huy động các khả năng để sử dụng năng lực sản xuất hiện có,
bằng cách mở rộng liên kết kinh tế giữa các xí nghiệp Trung ương với kinh tế
địa phương, giữa thành phố với các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, chú trọng sản
xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Phải nghiêm khắc bảo đảm chất lượng
sản phẩm, hiệu quả kinh tế và quản lý cho được sản phẩm.
Giải quyết
việc làm cho lao động bằng cách phát triển ngành, nghề tại chỗ, mở mang dịch
vụ; bố trí lao động ra ngoại thành để sử dụng cho hết đất đai, diện tích mặt
nước, phát triển trồng trọt và chăn nuôi; mở rộng hợp tác sản xuất với các
tỉnh chung quanh, gắn lao động và đất đai để trồng cây công nghiệp, cây xuất
khẩu ngắn ngày và dài ngày, nuôi tôm, cá... Đây là khả năng đang còn rất
lớn, chưa làm được bao nhiêu.
Phải xây dựng
đồng bộ, đầu tư chiều sâu hoàn chỉnh từng bước vành đai thực phẩm ngoại
thành, sử dụng tối đa cơ sở chăn nuôi quốc doanh, tập thể và gia đình để bảo
đảm cho được nhu cầu của thành phố.
Bảo đảm đời
sống cho cán bộ, công nhân và nhân dân lao động, trước hết là về ăn và nước
sinh hoạt, chữa bệnh, cải thiện dần điều kiện nhà ở và điện chiếu sáng. Về
nhà ở năm 1984, Hà Nội xây dựng 10 vạn mét vuông, Thành phố Hồ Chí Minh sửa
chữa, cải tạo 80 vạn mét vuông. Thực hiện việc phân phối, sử dụng nhà cửa
cho hợp lý, công bằng.
Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh, không được buông
lỏng cải tạo và quản lý thị trường ở hai thành phố.
Trật tự trị an
phải được bảo đảm tốt hơn. Phát triển văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống
văn minh.
2. Trung du,
miền núi phía Bắc
Là vùng có vị
trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và quốc phòng, có những khu công nghiệp
lớn, có tiềm năng khoáng sản, lâm sản và nguồn xuất khẩu, có khả năng phát
triển lớn về cây công nghiệp, cây đặc sản phong phú và cây dược liệu quý, có
điều kiện phát triển nhanh chăn nuôi đại gia súc.
Tăng mức thâm
canh đồng đều trên diện tích ổn định, xây dựng các cánh đồng năng suất cao
để tăng sản lượng lương thực cả lúa và màu, đặc biệt chú ý cây ngô và dong
riềng, năm 1984, đạt 2,4 triệu tấn, vươn lên mức tối đa về giải quyết lương
thực tại chỗ, nhưng tuyệt đối không được phá rừng làm lương thực.
Sử dụng thật
tốt các nguồn lao động hiện có ở các cơ sở công nghiệp, nông trường, lâm
trường, các trường đào tạo, các lực lượng vũ trang và lao động của đồng bào
các dân tộc có liên quan đến định canh định cư. Đồng thời, chuẩn bị điều
kiện tiếp thu lao động từ miền xuôi lên để phát triển cây công nghiệp: thuốc
lá, đậu tương, mía, chè, quế, sơn, trẩu, sở, hồi, dược liệu... Mở rộng trồng
bông, lanh để giải quyết một phần vải mặc. Phát triển nhanh trâu, bò nhằm
cung cấp sức kéo cho đồng bằng và thực phẩm cho khu công nghiệp, coi đó là
một ngành kinh tế quan trọng. Phát triển lâm nghiệp, chăm sóc, bảo vệ rừng,
trồng rừng và khai thác lâm sản. Nhất thiết phải bảo đảm gỗ trụ mỏ và nguyên
liệu cho công nghiệp giấy.
Nâng cấp và mở
thêm các tuyến đường giao thông, nhất là ở các vùng biên giới, từ huyện tới
xã và các địa bàn có vị trí quan trọng; gắn thủy lợi với khai thác thủy năng
để phát điện phục vụ xay xát, chế biến.
Về đời sống
nói chung mà trước hết đối với các xã, huyện biên giới, nhất thiết phải bảo
đảm về vải mặc, chăn màn, muối ăn, dầu hỏa, thuốc chữa bệnh và một số đồ
dùng thiết yếu.
Phân bố lại
cán bộ từ miền xuôi lên tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa ở miền núi.
Mở rộng liên kết kinh tế với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ để phát huy
thế mạnh về cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, khắc phục
những mặt yếu trong kinh tế địa phương.
Tăng cường
phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội, có biện pháp đấu
tranh với địch không chỉ về chính trị, quân sự, mà cả về kinh tế, văn hóa,
xã hội.
3. Các tỉnh
Tây Nguyên
Tây Nguyên là
một địa bàn trọng yếu kinh tế và quốc phòng, một trong những vùng tập trung
có nguồn nông, lâm sản phong phú, lớn nhất và có nguồn xuất khẩu chủ lực
của cả nước, như gỗ, cao su, cà phê...
Bằng mọi cách
phải bảo vệ cho được vốn rừng, bảo vệ sinh thái và môi trường. Tiến hành
khai thác gỗ theo đúng quy trình, quy phạm để vừa bảo đảm được sản lượng,
chất lượng, vừa bảo vệ được hợp lý vốn rừng và khả năng tái sinh.
Bằng thâm
canh, tăng vụ đẩy mạnh sản xuất lương thực, chú trọng tăng nhanh cây ngô.
Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc. Chăm sóc tốt diện tích hiện có và mở
nhanh diện tích trồng cao su, cà phê, chè và các cây công nghiệp ngắn ngày
đi đôi với công nghiệp chế biến.
Nhanh chóng
thực hiện định canh, định cư kết hợp với sớm ổn định được và có một bước cải
thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc ít người, coi đây là một trọng điểm
ưu tiên. Đồng thời, tích cực chuẩn bị điều kiện để đón nhận nhiều lao động
các tỉnh khác đến xây dựng và phát triển kinh tế.
Có kế hoạch
đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, thủy điện và các kết cấu hạ tầng phục
vụ sản xuất và đời sống xã hội. Có chính sách khuyến khích đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ tại chỗ. Phân bố lại cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân
lành nghề tham gia xây dựng kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên.
Cùng với việc
đẩy mạnh sản xuất, xây dựng các ngành ở Trung ương cùng với địa phương phải
có kế hoạch, biện pháp cụ thể chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa,
giáo dục, y tế cho đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên.
4. Đồng bằng
Nam bộ
Tiếp tục phát
huy thế mạnh hàng đầu về lương thực, thực phẩm, ra sức thâm canh, mở nhanh
các vùng lúa năng suất cao và có tỷ suất hàng hóa lớn, đồng thời tích cực
tăng vụ và có kế hoạch sử dụng hết 50 vạn hécta đất còn bỏ hoang để
trồng những loại cây thích hợp và có hiệu quả nhất. Phát triển thủy lợi vừa
và nhỏ, tận dụng năng lượng "sáng" hiện có. Phát triển mạnh xuất - nhập khẩu
để có điều kiện tăng nhanh năng suất và sản lượng lúa, năm 1984, đạt ít nhất
là 7,3 triệu tấn, Nhà nước huy động 2,22 triệu tấn. Phát triển nhanh và
nhiều các cây công nghiệp dừa, dứa, mía, đay, các cây ăn quả quý; đặc biệt
là những cây đỗ xanh, vừng, lạc, vừa dùng trong nước vừa có giá trị để xuất
khẩu. Xây dựng đồng bộ các cơ sở chế biến.
Đẩy mạnh chăn
nuôi lợn, vịt đàn, đánh bắt hải sản, tổ chức nuôi tôm, cá nước ngọt, nước lợ
cũng là một thế mạnh của đồng bằng Nam bộ. Năm 1984, đạt sản lượng 21 vạn
tấn hải sản, thu mua ít nhất 10 vạn tấn. Coi trọng việc bảo vệ và trồng rừng
phòng hộ, trồng cây lấy gỗ và trồng cây lấy củi.
Liên kết với
Thành phố Hồ Chí Minh để chế biến nông sản và hải sản, tăng nhanh hàng xuất
khẩu; hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để khai thác vật liệu xây dựng; hợp
tác với Tây Nguyên, các tỉnh miền Nam để khai thác lâm sản và trồng rừng.
Coi trọng việc
mở mang giao thông, giải quyết nhà ở, các hoạt động văn hóa - xã hội, vệ
sinh phòng bệnh, xây dựng nông thôn mới, mở mang trường học, xóa nạn không
biết chữ và thất học.
Hoàn thành
nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp trong năm 1985; khẩn
trương thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư doanh.
Đào tạo và bố
trí đủ lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế cho các tỉnh
và huyện trong vùng phù hợp với đặc điểm và cơ cấu kinh tế ở đây trước mắt
và trong thời gian tới là một yêu cầu quan trọng và cấp bách. Các ngành ở
Trung ương cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần có kế hoạch và xúc
tiến thực hiện một các tích cực, khẩn trương.
5. Đồng bằng
Bắc bộ
Tập trung thâm
canh, mở rộng vùng lúa năng suất cao; hoàn chỉnh và quản lý tốt các công
trình thủy lợi, tích cực thu hẹp diện tích ngập úng, phấn đấu năm 1984, đạt
3,75 triệu tấn lương thực quy thóc, Nhà nước huy động 90 vạn tấn.
Khai thác hết đất đai để phát triển mạnh đỗ tương, thuốc lá, lạc, dâu tằm,
cói, đay, rau quả xuất khẩu. Chú ý cây đặc sản vải thiều.
Coi trọng chăn
nuôi lợn, gà, vịt, cá nước ngọt, trâu, bò.
Hợp tác, liên
kết kinh tế với Hà Nội để tận dụng khả năng công nghiệp của Thủ đô; với các
tỉnh trung du và miền núi phía Bắc để khai thác lâm sản, phát triển cây công
nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Thực hiện phân bố lại lao động, chủ yếu với
các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và một phần với Tây Nguyên và đồng
bằng sông Cửu Long.
6. Các tỉnh
khu IV cũ
Đẩy mạnh sản
xuất lương thực để bảo đảm đủ ăn, có dự trữ, từ đó phát huy thế mạnh về công
nghiệp, về rừng, biển và chăn nuôi gia súc lớn, sản xuất vật liệu xây dựng.
Chú ý bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp với từng địa bàn để hạn chế
tác hại của thiên tai.
Thâm canh lúa
và nhất là màu (có nhu cầu và khả năng lớn) để trong hai năm tự giải quyết
nhu cầu lương thực, năm 1984 đạt 2,12 triệu tấn quy thóc, Nhà nước huy động
43,5 vạn tấn.
Phát triển
mạnh lạc, mía, thuốc lá, chè, cam, chanh, ớt, cói, quế, hồ tiêu, bông, lanh,
tơ tằm để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh hàng xuất khẩu.
Tiếp tục phân
bổ hợp lý lao động và dân cư trong tỉnh để khai thác nhanh nhằm cơ bản sử
dụng hết đất đai miền Tây, đồng thời có kế hoạch đưa một bộ phận lao động
vào Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
Tổ chức lại
lực lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Tăng sản xuất muối, đẩy mạnh trồng
rừng, bảo vệ rừng và khai thác gỗ, luồng, mây song, đặc biệt chú ý trồng cây
lấy củi phía đồng bằng, ven biển.
Chú trọng phát
triển công nghiệp chế biến màu và cây công nghiệp. Phát huy năng lực sản
xuất công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ở các thành phố, thị
xã. Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gốm, sứ, thủy tinh. Phát triển
thủy điện nhỏ và vừa kết hợp với thủy lợi.
Phát huy năng
lực cảng Cửa Lò và phát triển mạnh việc vận tải ven biển. Củng cố, phát
triển đường giao thông sang Lào (đường 7, đường 9).
Giúp đỡ phương
tiện, vật tư, tiền vốn cho đồng bào vùng bị bão lụt nhanh chóng khôi phục
sản xuất, ổn định đời sống, và có kế hoạch xây dựng lại cầu đường, kho tàng,
bệnh viện, khắc phục từng bước hậu quả của thiên tai nặng trong thời gian
vừa qua.
7. Các tỉnh
duyên hải khu V cũ
Phấn đấu vài
năm đạt tới sự ổn định vững chắc về lương thực, nhất là phát huy khả năng về
màu, bảo đảm đủ ăn, có dự trữ và tăng mức đóng góp cho Nhà nước, trước hết
góp phần cho Tây Nguyên. Năm 1984, đạt 1,72 triệu tấn lương thực quy thóc,
Nhà nước huy động 34,5 vạn tấn. Tận dụng đất đai phát triển lạc, thầu dầu,
mía, thuốc lá, dâu tằm, bông, cói và rau quả, mở rộng diện tích dừa, đào lộn
hột, cọ dầu, quế, hồ tiêu...
Trồng và bảo
vệ rừng nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng rừng phòng hộ ven biển,
chấm dứt nạn phá rừng.
Tổ chức lại
nghề đánh bắt, nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản. Phát huy thế mạnh
về đánh bắt cá biển, tăng nhanh sản xuất muối.
Khởi công xây
dựng nhiệt điện Cầu Đỏ và tích cực phát triển thủy điện vừa và nhỏ kết hợp
với thủy lợi. Hợp tác với công nghiệp Trung ương trên lãnh thổ để sử dụng
hết công suất, nhất là công nghiệp cơ khí và chế biến sản phẩm nông, lâm,
ngư nghiệp. Bổ sung máy móc, thiết bị cho cơ khí địa phương Quảng Nam - Đà
Nẵng đủ sức là trung tâm công nghiệp cho cả vùng duyên hải miền Trung và đáp
ứng một phần yêu cầu của các tỉnh Tây Nguyên. Phát triển vận tải ven biển.
Phân bố lại
lao động và dân cư trong tỉnh để khai thác thế mạnh ở vùng đồi núi, đầm phá
và biển, đưa một phần lao động đi mở mang xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên.
8. Miền Đông
Nam bộ
Song song với
việc giải quyết lương thực, yêu cầu lớn nhất là phát triển mạnh cao su, cà
phê, thuốc lá, đỗ tương, mía, lạc..., để cung cấp ổn định nguyên liệu cho
công nghiệp và xuất khẩu.
Phát triển
mạnh chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng rau và cây ăn quả, đánh bắt thủy sản để
cung cấp cho khu công nghiệp Biên Hòa, Vũng Tàu.
Bảo vệ, tu bổ,
chăm sóc rừng, trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy giấy Tân Mai. Phát triển
mạnh việc trồng cây lấy củi.
Sắp xếp và bố
trí lại mạng lưới công nghiệp, hợp tác chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh để
nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các
tỉnh và xuất khẩu.
Xúc tiến việc
xây dựng thủy điện Trị An. Điều tra khảo sát để có kế hoạch khai thác các
nguồn thủy năng khác phục vụ phát triển trong vùng và cả khu vực.
PHẦN THỨ BA
NHỮNG BIỆN
PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1984
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Việc thực hiện
những nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói trên diễn ra trong tình hình các cân đối
lớn của kế hoạch còn có nhiều khó khăn, khả năng vật chất, nhất là xăng dầu,
vật tư, nguyên liệu không tăng hoặc tăng không đáng kể so với năm 1983. Các
vật tư chủ yếu sản xuất trong nước như điện, than, xi măng, gỗ, v.v. tuy có
tăng nhưng còn thấp xa so với nhu cầu. Do đó, ngay từ bây giờ, trên một số
mặt chưa thể cân đối kế hoạch một cách đầy đủ. Một mặt phải dồn sức tập
trung bảo đảm cho những nhiệm vụ, mục tiêu then chốt, những sản phẩm và công
trình trọng điểm; mặt khác, phải khai thác mọi khả năng sẵn có và thế mạnh
của cả nước, của từng địa phương trong quá trình điều hành kế hoạch để bổ
sung vào cân đối.
- Về xây
dựng cơ bản: Có thể nói, chúng ta đứng trước một nền kinh tế - xã hội
đang đòi hỏi đầu tư rất lớn, không những cho những nhu cầu cấp bách trước
mắt mà cho cả sự chuẩn bị cần thiết để triển khai rộng lớn hơn sự nghiệp
công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà. Trong bố trí kế hoạch năm 1984,
tuy đã tính toán chặt chẽ, nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ mới đáp ứng
được khoảng 80% yêu cầu của các ngành, các địa phương. Cho nên, phải sử dụng
đồng vốn thật hợp lý và hết sức tiết kiệm. Mặt khác, phải triệt để vận dụng
khả năng "Nhà nước và nhân dân cùng làm", khả năng của bốn nguồn cân đối từ
các địa phương và một số ngành. Đó là, cách tích cực nhất tạo thêm nguồn vốn
để đẩy mạnh đầu tư xây dựng.
- Về xuất,
nhập khẩu: Khả năng xuất khẩu của ta còn có thể huy động được hơn, nên
kế hoạch xuất khẩu đã đề ra được coi là mức tối thiểu, trên thực tế cần tăng
thêm để thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với các nước anh em và để nhập
thêm một số vật tư, nguyên liệu tối cần thiết từ khu vực ngoài xã hội chủ
nghĩa.
Các ngành, các
địa phương phải phấn đấu vượt mức kế hoạch kim ngạch xuất khẩu bằng việc
động viên khuyến khích mọi ngành nghề, mọi cơ sở, mọi gia đình làm hàng xuất
khẩu, ra sức tiết kiệm tiêu dùng để tăng nguồn hàng xuất khẩu. Đặc biệt chú
trọng khai thác tiềm năng về nông sản, hải sản, các loại cây công nghiệp
ngắn ngày mau cho sản phẩm. Đồng thời, đầu tư thích đáng cho xuất khẩu, nhằm
vào những mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Mở mang các hoạt động kinh doanh
dịch vụ, du lịch, kiều hối,... Từ đó, có thêm ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật
tư để huy động tối đa công suất máy móc thiết bị phục vụ trở lại xuất khẩu
và đáp ứng yêu cầu đời sống nhân dân.
- Cân đối
năng lượng, đặc biệt là xăng dầu và điện (cũng là từ xăng dầu) còn rất
gay gắt. Hiện nay, với mức tối thiểu như đã sử dụng trong năm 1983, nguồn
xăng dầu còn thiếu gần 20%, và tất nhiên còn thấp xa so với yêu cầu của sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải hết sức
tiết kiệm từng lít xăng dầu, từng kilôoát giờ điện, sử dụng xăng dầu đúng
mục đích, có hiệu quả. Mặt khác, cũng phải bằng con đường xuất nhập khẩu để
tạo thêm nguồn xăng dầu.
Để bổ sung vào
các cân đối kế hoạch, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có biện pháp thiết
thực và tích cực nhất để sử dụng có hiệu quả lao động và đất đai, tăng năng
suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh
doanh. Phải tạo thêm công việc làm cho người lao động, và bằng mọi cách phấn
đấu đưa năng suất lao động xã hội tăng 3,8% so với năm 1983, riêng khu vực
Nhà nước phải phấn đấu tăng nhanh hơn: năng suất lao động của công nhân sản
xuất công nghiệp tăng 5%, của công nhân xây lắp tăng 10%, của công nhân vận
tải tăng 4,5%. Trong năm 1984, phải giảm ít nhất 5 - 10% mức tiêu hao vật
tư, nguyên liệu; giảm 3,7% giá thành, phí lưu thông.
Việc đổi mới
các chính sách kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch hóa, đẩy mạnh áp
dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát động phong trào cách mạng của quần
chúng là những tiềm năng còn to lớn cần được khai thác triệt để, nhằm phát
huy sức mạnh làm chủ tập thể, khơi dậy tính năng động sáng tạo, ý thức trách
nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là của địa phương và cơ sở, góp phần khắc
phục có hiệu quả các khó khăn, tạo ra được những nguồn bổ sung mới cho cân
đối của kế hoạch.
Dưới đây là
một số biện pháp chủ yếu:
Biện pháp quan
trọng hàng đầu là sử dụng tốt lao động và đất đai. Một biện pháp lớn
nữa là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật.
Hai vấn đề này đã được kết hợp nói rõ ở phần trên của bản báo cáo. Sau đây
xin trình bày các biện pháp chủ yếu khác.
1. Khẩn trương
sắp xếp lại sản xuất, xây dựng
Đây là một công việc to lớn và phức tạp, nên trong quá trình thực hiện mấy
năm qua đã gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong hai năm tới, phải phấn đấu hết
sức tích cực với những yêu cầu xác đáng và nội dung thiết thực. Việc sắp xếp
lại sản xuất và xây dựng, đứng về mặt chiến lược, phải xuất phát từ yêu cầu
xây dựng và thể hiện trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, quy hoạch ngành và
quy hoạch vùng, bảo đảm cân đối giữa sản xuất với các điều kiện sản xuất
nhất là năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế
quốc dân lớn nhất theo đúng đường lối của Đảng. Việc sắp xếp các cơ sở sản
xuất hiện có và đang hoạt động trong nền kinh tế phù hợp với yêu cầu nêu
trên là một quá trình phải làm trong nhiều năm, phải kết hợp một cách hợp lý
với từng công trình xây dựng mới trong một chiến lược phát triển kinh tế dài
hạn. Nhưng trước mắt, phải khẩn trương tiến hành sắp xếp lại các ngành sản
xuất đang có nhiều vướng mắc và bất hợp lý, nhất là ở Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh và Hải Phòng. Cần xúc tiến việc phân giao các cơ sở sản xuất một
cách hợp lý cho địa phương; lấy phát triển sản xuất và hiệu quả kinh tế làm
tiêu chuẩn số một, gắn công nghiệp chế biến với cơ sở nguyên liệu trên từng
địa bàn. Tinh thần chung là Trung ương trực tiếp quản lý công nghiệp nặng và
những cơ sở quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có nguồn thu ngân sách lớn, có ý
nghĩa đối với cả nước; các cơ sở còn lại giao cho địa phương quản lý, địa
phương có nghĩa vụ giao đủ sản phẩm cho Trung ương. Mở ra các hình thức hợp
tác, liên kết kinh tế giữa các xí nghiệp, các thành phần kinh tế, các địa
phương cũng như Trung ương với địa phương về các mặt sản xuất, cung ứng
nguyên liệu, xuất nhập khẩu.
Từ việc sắp
xếp lại các cơ sở sản xuất mà tiến đến sắp xếp lại các ngành công nghiệp
theo hướng xây dựng và tăng cường các ngành kinh tế - kỹ thuật; củng cố các
liên hiệp xí nghiệp và công ty đã hình thành một các hợp lý; thành lập thêm
một số liên hiệp xí nghiệp và công ty đang là yêu cầu cần thiết để phụ trách
toàn diện từng cây công nghiệp như cao su, dừa, đay, mía, chè, thuốc lá,
v.v., tổ chức và quản lý có hiệu quả toàn bộ quá trình từ sản xuất đến chế
biến, tiêu thụ và giao hàng xuất khẩu, kết hợp sản xuất với khoa học - kỹ
thuật. Những việc trên đây phải làm dứt điểm về cơ bản trong năm 1984.
2. Hoàn thành
cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, mở rộng trận địa xã
hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực
Công cuộc cải
tạo xã hội chủ nghĩa phải được xúc tiến khẩn trương, phấn đấu đến năm 1985
căn bản làm xong việc đưa nông dân các tỉnh Nam bộ vào sản xuất tập thể
thông qua các hình thức: tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất và hợp tác
xã nông nghiệp. Xóa bỏ ngay tư sản thương nghiệp; cải tạo công nghiệp tư bản
tư doanh dưới các hình thức thích hợp. Tổ chức lại tiểu công nghiệp và thủ
công nghiệp. Sắp xếp lại tiểu thương, chuyển một bộ phận tiểu thương sang
sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, các tổ chức dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.
Gắn cải tạo công thương nghiệp tư doanh với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong
nông nghiệp, đặc biệt là gắn cải tạo với xây dựng, với việc tổ chức lại sản
xuất và phân phối, lưu thông với việc củng cố và phát triển kinh tế quốc
doanh và kinh tế tập thể. Trong khi tiến hành cải tạo, cần luôn luôn nắm
vững mục tiêu chủ yếu của cải tạo là để đẩy mạnh sản xuất, để Nhà nước nắm
chắc được sản phẩm của mọi thành phần kinh tế, phục vụ cho lợi ích của nhân
dân lao động. Thủ trưởng các Bộ, các Tổng cục có liên quan và Uỷ ban nhân
dân các cấp phải thực sự chỉ đạo công tác cải tạo và xây dựng quan hệ sản
xuất mới trong ngành và địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với
nhau, giữa ngành với địa phương.
Phải không
ngừng tăng cường và củng cố kinh tế quốc doanh. Bằng việc tăng cường
cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhất là bằng đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch
hóa, đồng thời xóa bỏ ngay những chế độ và thủ tục quản lý gò bó, hạn chế
việc phát huy các tiềm năng to lớn sẵn có của kinh tế quốc doanh, bảo đảm
cho thành phần này giữ vững và nêu cao vai trò chủ đạo của mình trong nền
kinh tế quốc dân.
3. Vận dụng
chủ trương "cân đối kinh tế theo bốn nguồn khả năng", tạo ra sức mạnh tổng
hợp trong phát triển kinh tế - xã hội
Cân đối kinh
tế theo "bốn nguồn khả năng" - khả năng tại chỗ; kết quả của hợp tác, liên
kết kinh tế; nguồn xuất, nhập khẩu; vật tư, hàng hóa do cấp trên cung ứng -
là một cách "làm ăn" mới xuất phát từ đặc điểm nền kinh tế nước ta trong
chặng đường hiện nay, nhằm xóa bỏ lối quản lý hành chính bao cấp, ỷ lại bên
trên và trông chờ bên ngoài, động viên các cấp khai thác các tiềm năng bên
trong của nền kinh tế về lao động, đất đai, ngành, nghề, theo thế mạnh của
từng địa phương và cơ sở, thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự
cường và cùng nhau làm chủ của các cấp quản lý. Chủ trương này đã được thực
tiễn sinh động ba năm qua khẳng định là đúng. Vấn đề đặt ra là xúc tiến
nghiên cứu quy chế cụ thể, hình thành cơ chế quản lý và kế hoạch hóa thích
hợp để phát huy mạnh hơn các khả năng ấy.
Cần nhận rõ rằng hiện nay, phần vật tư, tiền vốn Nhà nước cung ứng đang rất
có hạn, do đó, cấp trên phải bảo đảm đủ số lượng và chất lượng như đã công
bố, cấp dưới phải sử dụng các nguồn vật chất này đúng mục đích, tập trung
vào các mục tiêu chủ yếu nhất, không được tuỳ tiện thay đổi hướng và mục
đích sử dụng, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ do cấp trên giao.
Thực hiện việc quyết toán rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa nhiệm
vụ được giao và phương tiện được cấp; giữa vật tư, hàng hóa được cung ứng
với sản phẩm hàng hóa thu mua và giao nộp.
Để cho chủ trương này thật sự phát huy được tác dụng to lớn của nó, điều
quan trọng trước hết là phải thực hiện nghiêm chỉnh và khẩn trương việc phân
công, phân cấp toàn diện trong quản lý kinh tế giữa Trung ương, địa phương
và cơ sở. Phải tiếp tục hoàn chỉnh các chính sách, chế độ thích hợp, khuyến
khích và hướng dẫn địa phương và cơ sở phát huy ba nguồn khả năng còn lại,
mà quan trọng bậc nhất là khả năng của bản thân, để trên cơ sở đó, thực hiện
hợp tác, liên kết, đẩy mạnh xuất khẩu. Mỗi địa phương cần tiến hành kiểm kê,
nắm chắc hơn nữa các thế mạnh của mình về lao động, đất đai, cơ sở vật chất
- kỹ thuật hiện có, đề ra các phương án toàn diện để khai thác, không những
bằng lực lượng của bản thân mà cả bằng các khả năng bên ngoài, thông qua
liên kết kinh tế hoặc xuất, nhập khẩu. Thực hiện rộng rãi phương châm "Nhà
nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm" cả trong lĩnh
vực sản xuất và trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Sử dụng những hình thức tổ
chức sản xuất, tổ chức quản lý để kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với công
nghiệp (nhất là công nghiệp chế biến) ngay từ cơ sở và trên địa bàn huyện,
kết hợp kinh tế quốc doanh, tập thể và kinh tế gia đình, tận dụng mọi nguồn
lao động, khả năng kỹ thuật, nguồn vốn và vật tư vào sản xuất.
Các khả năng
của bốn nguồn đều phải được cân đối toàn diện và thể hiện trong kế hoạch của
các cấp. Chú trọng tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của các hình thức hợp tác,
liên kết kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm lợi ích kinh tế của
mỗi bên tham gia trên cơ sở bảo đảm lợi ích của toàn xã hội và hoàn thành
nghĩa vụ đối với Nhà nước.
4. Triệt để sử
dụng hoạt động ngoại thương và quan hệ kinh tế với nước ngoài phục vụ việc
phát triển kinh tế trong nước
Mở rộng hoạt động xuất - nhập khẩu và các quan hệ kinh tế với nước ngoài là
một chính sách lớn và lâu dài có tầm chiến lược hết sức quan trọng của Đảng
và Nhà nước ta. Nó thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của nhân dân
ta với sức mạnh của thời đại, làm cho chúng ta giành được thế chủ động trong
phát triển kinh tế, kiên quyết chống lại và làm thất bại chính sách bao vây
kinh tế của bọn đế quốc và bọn bành trướng đối với nước ta.
Trong quan hệ
kinh tế với nước ngoài, chúng ta tiếp tục đặt lên hàng đầu sự hợp tác toàn
diện với Liên Xô, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Mở rộng sự hợp tác với nước Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Campuchia, tiến tới có sự phối hợp kế
hoạch về kinh tế giữa ba nước Đông Dương. Đồng thời, chúng ta sẽ tích cực mở
mang các quan hệ kinh tế với các nước khác và các tổ chức quốc tế.
Thực hiện một
cơ chế quản lý thích hợp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bảo đảm Nhà nước độc
quyền ngoại thương và Trung ương thống nhất quản lý ngoại thương và ngoại
hối, đồng thời, phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của địa phương
trong việc mở mang xuất khẩu. Vận dụng linh hoạt phương thức "lấy xuất để
nhập, lấy nhập để xuất", tạo ra nhiều khả năng quay nhanh đồng vốn, thu thêm
ngoại tệ. Đó là một biện pháp tích cực để góp phần bảo đảm các cân đối của
kế hoạch nhà nước.
Thực hiện
nhiều hình thức hợp tác phong phú và đa dạng như gia công, liên doanh hai
bên hoặc nhiều bên, vay nợ ngắn hạn và dài hạn, trao đổi hàng hóa, v.v.. để
tranh thủ tối đa kỹ thuật và tiền vốn, nhằm khai thác thế mạnh của ta về lao
động, đất đai, tài nguyên. Ngoài ra, sử dụng các hình thức như cung ứng tàu
biển, du lịch, kiều hối, v.v. để thu thêm ngoại tệ.
5. Thực hành
tiết kiệm toàn diện, triệt để chống lãng phí. Nâng cao năng suất, chất lượng
và hiệu quả sản xuất xã hội
Tiết kiệm toàn
diện, triệt để chống lãng phí trong sản xuất và trong đời sống là một quốc
sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nó phải trở thành phong trào cách mạng của
nhân dân cả nước, phải được thể hiện trong chỉ tiêu kế hoạch và là một thước
đo kết quả và hiệu quả hoạt động của từng ngành, từng địa phương, từng đơn
vị cơ sở và tiến tới thể chế hóa bằng pháp luật. Trước mắt, cần hướng mọi
hoạt động tiết kiệm và chống lãng phí và các đối tượng sau đây: lương thực,
xăng dầu, điện, than, vật tư.
Biện pháp cơ
bản để thực hiện tiết kiệm là ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm
giảm mạnh tiêu hao vật chất và lao động của từng đơn vị sản phẩm, nâng cao
chất lượng sản phẩm; là chuyển mạnh sang kinh doanh, hạch toán, lấy năng
suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn hàng đầu đánh giá mọi
hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ trưởng các
ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm lớn nhất chỉ
đạo thực hiện các biện pháp tiết kiệm, đề ra các phương án chỉ tiêu cụ thể
trong từng thời gian, cho từng loại công việc và từng đơn vị. Có chính sách
khen thưởng đúng mức đối với kết quả do tiết kiệm mang lại và xử lý rất
nghiêm khắc các trường hợp vô trách nhiệm, gây lãng phí, để hư hao, mất mát
vật tư, hàng hóa.
Hiện nay, mức sử dụng công suất máy móc, thiết bị, phương tiện, v.v. của ta
đang còn quá thấp. Đây là một sự lãng phí lớn. Cần chú trọng đầu tư chiều
sâu, đồng bộ hóa các xí nghiệp hiện có, tìm mọi cách bổ sung thiết bị, phụ
tùng, trên cơ sở sắp xếp lại sản xuất, để nâng cao hệ số sử dụng lên 60 -70%
rồi 80 - 90%. Điều quyết định nhất là tìm mọi cách giải quyết tốt vấn đề
nguyên liệu, nhiên liệu. Đối với nguyên liệu trong nước, bằng các chính sách
thỏa đáng đối với cơ sở, địa phương và người sản xuất, khuyến khích sản xuất
và mở rộng thu mua, không để các nhà máy chế biến nông sản và thức ăn gia
súc vì thiếu nguyên liệu mà không sử dụng hết công suất. Đối với nguyên liệu
nhập khẩu, cần động viên cao độ nguồn hàng xuất khẩu, mở rộng các hình thức
hợp tác, gia công; đồng thời, trên cơ sở tính toán kỹ hiệu quả, sử dụng các
nguồn tín dụng quốc tế nhập thêm nguyên liệu, vật tư.
Thực hiện
nghiêm ngặt chế độ quyết toán vật tư. Xác định rõ và ra sức thực hiện các
tiêu chuẩn, định mức về tiêu hao vật chất và lao động, các chỉ tiêu về năng
suất lao động, giá thành, chi phí lưu thông, chất lượng sản phẩm, hiệu quả
đồng vốn của đầu tư và của sản xuất, vận tải, kinh doanh.
6. Tiếp tục
đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch hóa
Thấu suốt hơn
nữa phương hướng đổi mới quản lý kinh tế và kế hoạch hóa theo hướng khuyến
khích mạnh mẽ người lao động hăng hái sản xuất, gắn trách nhiệm, quyền lợi
với kết quả lao động cuối cùng; bảo đảm cho các cấp quản lý thật sự cùng
nhau làm chủ trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức đời sống nhân dân, bảo
đảm kỷ luật chặt chẽ, chế độ trách nhiệm cụ thể và nghiêm ngặt, không ngừng
mở rộng và tăng cường trận địa xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực.
Nhanh chóng
hoàn thành việc phân cấp quản lý cho tỉnh (thành phố), huyện (quận), chủ yếu
về các mặt: quản lý cơ sở sản xuất, kế hoạch, ngân sách, quản lý vật tư,
lương thực, hàng hóa, xuất nhập khẩu.
Soát xét lại,
bổ sung và cải tiến các chính sách kinh tế: giá, đầu tư, tài chính, tín
dụng, xuất nhập khẩu, lương thực, thu mua, v.v. nhằm khuyến khích phát triển
sản xuất, nâng cao hiệu quả của sản xuất và các hoạt động kinh tế, kết hợp
hài hòa ba lợi ích, bảo đảm lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể, khuyến
khích lợi ích cá nhân người lao động. Bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách đòn
bẩy đối với nông nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp (về giá cả,
lương thực, thu mua sản phẩm...), nhất là các chính sách đối với cây công
nghiệp. Ban hành chính sách khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia
đình.
Công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế nhất thiết phải lấy kế hoạch làm công
cụ chủ yếu, phải dựa vào kế hoạch mà lãnh đạo và chỉ đạo các quá trình kinh
tế - xã hội. Chúng ta tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch hóa cả về nội dung
và phương pháp, bảo đảm các cấp thật sự làm chủ về kế hoạch, sử dụng tốt bốn
nguồn khả năng để xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên. Nền kinh tế nước ta còn
nhiều thành phần, chưa ổn định, cơ cấu chưa đồng bộ, thông tin liên lạc còn
nhiều khó khăn... Do đó, cần có chế độ kế hoạch hóa vừa chặt chẽ, vừa linh
hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình nói trên.
Trong công
nghiệp, phải coi trọng kế hoạch của các xí nghiệp, liên hiệp xí nghiệp.
Trong nông nghiệp, coi trọng kế hoạch cấp huyện và kế hoạch của các nông
trường quốc doanh. Các cấp quản lý, từ Trung ương đến địa phương, phải hướng
dẫn và cùng với các cơ sở xây dựng kế hoạch; trên cơ sở ấy, tổng hợp thành
kế hoạch của địa phương, ngành và cả nước.
Kế hoạch kinh
tế - xã hội của ta đặt lên hàng đầu giá trị sử dụng và các cân đối hiện vật,
đồng thời cũng rất coi trọng giá trị và các cân đối về giá trị. Vì vậy, kế
hoạch phải gắn với hạch toán và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phải sử dụng
quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thị trường trong kế hoạch hóa. Chấn
chỉnh các định mức, đơn giá làm cơ sở cho việc xây dựng dần các bảng cân đối
tổng hợp như: cân đối tài chính, thu chi tiền tệ dân cư, cân đối ngoại tệ,
v.v.. Ở cơ sở xí nghiệp, đặc biệt coi trọng xây dựng kế hoạch tăng năng suất
lao động, hạ giá thành, tiết kiệm năng lượng, vật tư.
Chấn chỉnh
công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch từ Trung ương đến cơ sở. Thực
hiện nghiêm ngặt chế độ hợp đồng kinh tế, có thưởng, phạt nghiêm minh, xử lý
kịp thời những mất cân đối và vướng mắc.
Hoàn thiện tổ
chức quản lý các đơn vị cơ sở trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, lưu
thông, v.v. xuất phát từ trình độ sản xuất, quan hệ sản xuất của mỗi loại cơ
sở mà bố trí kế hoạch, hạch toán, vận dụng các cơ sở đòn bẩy cho phù hợp.
Tiếp tục bổ sung và sửa đổi chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh theo hướng
bảo đảm quyền tự chủ về tài chính, mở rộng quyền chủ động của xí nghiệp
trong sản xuất, kinh doanh. Hoàn chỉnh chế độ quản lý hợp tác xã nông
nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Sớm hoàn chỉnh chế độ
khoán sản phẩm trong nông nghiệp, kịp thời uốn nắn những lệch lạc đã xảy ra.
Củng cố bộ máy
quản lý kinh tế ở các cấp, các ngành, đặc biệt coi trọng các ngành kinh tế -
kỹ thuật then chốt, các cây công nghiệp chủ lực và một số huyện, quận trọng
điểm. Bố trí cán bộ đủ năng lực; thay thế các cán bộ không chấp hành nghiêm
chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không gương mẫu,
không đủ khả năng đảm đương trách nhiệm được giao. Soát xét lại biên chế ở
tất cả các cơ quan, Trung ương đến cơ sở. Cắt bỏ những tổ chức trung gian
không cần thiết, thực hiện một biên chế gọn, nhẹ, có năng suất, có hiệu lực.
Cải tiến lề lối làm việc, thực hiện đúng bốn chế độ phục vụ nhân dân, sát
thực tiễn, sát cơ sở.
7. Đẩy mạnh
xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện
Tiếp tục thực
hiện Nghị quyết Hội đồng Bộ trưởng (tháng 5 -1983), đẩy mạnh công tác xây
dựng huyện và tăng cường cấp huyện, góp phần quan trọng để thực hiện các
nhiệm vụ kinh tế - xã hội hai năm 1984 - 1985. Phấn đấu đến năm 1985 có sự
chuyển biến rõ rệt ở tất cả các huyện, không còn huyện kém; tập trung xây
dựng các huyện trọng điểm về lúa, cây công nghiệp, hải sản và về an ninh,
quốc phòng.
Trong năm
1984, về cơ bản làm xong việc soát xét, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế -
xã hội và quy hoạch ngành.
Đổi mới công
tác kế hoạch hoá, giải quyết những vướng mắc để huyện và cơ sở xây dựng được
kế hoạch, chủ động cân đối theo bốn nguồn khả năng.
Xúc tiến hoàn thành trong năm 1984 việc phân cấp quản lý kinh tế, phân giao
cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội cho huyện, bảo đảm quyền chủ động của huyện
về ngân sách, quỹ lương thực, về thống nhất quản lý và chỉ đạo thu mua nông,
lâm, thủy sản, về xây dựng các công ty như: Công ty cung ứng, thu mua vật
tư, công ty lương thực, công ty thương nghiệp tổng hợp, công ty vận tải thô
sơ và cơ giới, công ty xuất khẩu làm nhiệm vụ tạo chân hàng ở huyện.
Tăng cường cán bộ cho huyện và cơ sở, nhất là đối với các huyện ở miền núi
phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Các ngành
Trung ương có trách nhiệm kết hợp chặt chẽ với tỉnh để làm tốt công tác của
ngành mình ở các huyện.
8. Phát động
phong trào cách mạng của quần chúng. Đẩy mạnh thi đua xã hội chủ nghĩa
Phát động
phong trào cách mạng của quần chúng và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là hai
loại biện pháp tổng hợp có tính chất quyết định để xây dựng và hoàn thành
tốt kế hoạch nhà nước.
Để bảo đảm
quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động trong sản xuất cũng như trong
phân phối - lưu thông và quản lý xã hội, phải xúc tiến nghiên cứu xác định
cơ chế cụ thể về từng lĩnh vực. Kết hợp chặt chẽ ba loại biện pháp kinh tế,
hành chính và giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp hài hòa các lợi ích kinh
tế, gắn chặt nghĩa vụ với lợi ích, kích thích vật chất đi đôi với giáo dục
chính trị, tư tưởng.
Phát huy vai
trò của các đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân để
các tổ chức đó thật sự tiêu biểu cho quyền làm chủ tập thể của quần chúng
trong các phong trào hành động cách mạng. Từng phường, xã, quận, huyện tổ
chức tốt hơn nữa phong trào nhân dân lao động, quản lý mọi mặt của đời sống
xã hội.
Tổ chức phong
trào thi đua xã hội chủ nghĩa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân,
ở tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở. Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các cấp phải quan tâm tổ chức chỉ đạo phong trào, phối hợp
chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, nhằm đạt hiệu quả kinh tế thiết thực.
Đi đôi với
công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phải chăm lo giải quyết những khó
khăn trong đời sống của nhân dân, bảo đảm các điều kiện vật chất cho sản
xuất và xây dựng. Phong trào cách mạng của quần chúng phải được duy trì bằng
việc tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý kinh tế, bảo đảm khơi dậy tính năng
động và sức sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Ba năm qua,
trong tình hình hết sức khó khăn của đất nước, nền kinh tế vẫn đứng vững và
đi lên; đó là thành tựu rất đáng tự hào của nhân dân ta. Trước mắt, nhiệm vụ
xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh được
đặt ra rất lớn và cấp bách. Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản
Việt Nam, các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ ba, thứ tư và thứ năm mới đây
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định những chủ trương, biện pháp
chủ yếu để tiếp tục đưa nền kinh tế nước ta phát triển hơn nữa. Thực tế đã
qua cho chúng ta những cơ sở khách quan để tin tưởng rằng đất nước đang đứng
trước những triển vọng tốt đẹp, mặc dù thử thách vẫn còn rất lớn. Toàn Đảng,
toàn quân, toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, phát huy mạnh
mẽ sức mạnh của chế độ làm chủ tập thể, với tinh thần tự lực tự cường và
đoàn kết quốc tế, với ý thức chủ động và sáng tạo thì kế hoạch kinh tế - xã
hội năm 1984 nhất định sẽ được hoàn thành, mở ra triển vọng mới tốt đẹp cho
những năm tiếp sau. Hội đồng Bộ trưởng xin phép được bày tỏ với Quốc hội,
với đồng bào và chiến sĩ cả nước, với kiều bào ở nước ngoài niềm tin tưởng
đã qua thực tế kiểm nghiệm đó.