Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thực hiện
chương trình làm luật đã được Hội đồng Nhà nước thông qua, Hội đồng Bộ
trưởng đã tổ chức soạn thảo Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Dự luật
này được bắt đầu soạn thảo từ năm 1980 cùng với Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân và đã được gửi đi lấy ý kiến của địa phương và các cơ
quan có liên quan ở Trung ương nhiều lần.
Dự Luật bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân được soạn thảo căn cứ theo tinh thần Nghị quyết
Đại hội lần thứ V của Đảng, Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân mới được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 6 năm
1983 và các luật hiện hành khác.
Dự Luật bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân lần này gồm 11 chương, 72 điều, vừa là đúc kết
những kinh nghiệm thực tế của công tác bầu cử trong hơn 20 năm qua, vừa là
hệ thống hóa và kế thừa những điểm còn phù hợp của Pháp lệnh ngày 18 tháng
01 năm 1961 về thể lệ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Pháp lệnh ngày 22
tháng 01 năm 1981 sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm
1961.
Quá trình thảo
luận Dự thảo Luật này, từ Trung ương đến các địa phương đã có sự nhất trí
cao. Nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến của Hội đồng Nhà nước, Ủy ban pháp
luật của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan ở
Trung ương và địa phương, nhiều ý kiến đã được đưa vào Dự thảo luật, nhưng
cũng có những ý kiến đã được ghi nhận để đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành
Luật. Sau đây là những vấn đề cần quan tâm và đã có nhiều ý kiến:
1. Về quyền
bầu cử và ứng cử của công dân: Điều 2 Dự thảo Luật đã ghi: "Công dân nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành
phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn
cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có
thể được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân, trừ những người mất trí, những
người đang bị tạm giam, bị tù giam, bị tập trung cải tạo và những người bị
pháp luật hoặc Tòa án tước các quyền đó. Công dân đang ở trong Quân đội nhân
dân có quyền bầu cử và có thể được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân".
2. Về tiêu
chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân: Để củng cố và nâng cao chất lượng của cơ
quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Điều 3, Dự thảo Luật đã ghi: "Đại biểu
Hội đồng nhân dân phải là người trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội,
có thành tích sản xuất công tác hoặc chiến đấu, có nhiệt tình phục vụ nhân
dân, tích cực chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, gương mẫu trong
sinh hoạt, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu và
được nhân dân tín nhiệm". Đây là vấn đề mới, các Pháp lệnh quy định về thể
lệ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa có quy định này.
Có ý kiến đề
nghị, Luật cần ghi cụ thể hơn nữa, kể cả tiêu chuẩn văn hóa của đại biểu.
3. Về việc
giới thiệu người ra ứng cử: Quán triệt quan điểm của Đảng về quyền làm chủ
tập thể của nhân dân lao động, Điều 27, Dự thảo Luật đã ghi: "Căn cứ vào đề
cử của các tập thể nhân dân lao động ở cơ sở, của các chính đảng, các đoàn
thể nhân dân và các tổ chức xã hội khác ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tiến hành hiệp thương để lập danh sách những người được giới
thiệu ra ứng cử, sau khi đã tham khảo ý kiến rộng rãi của tập thể nhân dân
lao động ở nơi làm việc và nơi ở của người được giới thiệu ra ứng cử.
Người được
giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương nào phải là người
cư trú ở địa phương đó.
Số người được
giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử nào phải nhiều hơn số đại biểu được bầu
ở đơn vị đó, để cử tri chọn bầu khi bỏ phiếu.
4. Về nhiệm vụ
của Hội đồng Nhà nước: Nhiều ý kiến nhất trí ghi như trong Dự thảo Luật về
nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước trong việc giám sát các cuộc bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân.
Dự thảo Luật
quy định ở Điều 6: "Hội đồng Nhà nước giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân bảo đảm cho các cuộc bầu cử tiến hành dân chủ đúng pháp luật" và
Điều 57: "Hội đồng Nhà nước quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân nào có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hội đồng Bộ trưởng ấn
định ngày bầu lại Hội đồng nhân dân ấy". Như vậy, vừa tạo điều kiện chủ động
cho việc điều hành công việc của Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các
cấp, vừa bảo đảm cho sự thực hiện nghiêm chỉnh những quy định cụ thể về thể
thức bầu cử.
5. Về nhiệm vụ
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các cuộc bầu cử, Điều 5, Dự
thảo Luật quy định: "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương có trách
nhiệm giới thiệu danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và
cùng với các cơ quan chính quyền tổ chức việc bầu cử".
Dự thảo Luật quy định sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân khác ở địa phương, cho đúng
với chức năng của các cơ quan này.
6. Căn cứ thực
tế hiện nay, để việc chọn bầu đại biểu Hội đồng nhân dân được tốt, nâng cao
chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, Điều 8 Dự thảo Luật quy định số lượng
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có ít hơn so với hiện nay, cụ thể là:
- Cấp xã,
phường, thị trấn giảm 5 đại biểu;
- Thành phố Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cấp huyện, quận giảm 10 đại biểu;
- Cấp tỉnh
giảm 20 đại biểu; riêng đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giữ nguyên 50 đại biểu.
7. Có ý kiến
đề nghị nên chia đơn vị bầu cử nhỏ hơn nữa; mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 đại
biểu.
Dự thảo Luật
lần này quy định mỗi đơn vị bầu không quá 3 đại biểu. Riêng cấp xã, phường
thị trấn bầu không quá 5 đại biểu.
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong kỳ họp
tháng 6 năm 1983, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân. Việc sớm có Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là một yêu
cầu cấp thiết.
Bằng việc thảo
luận và thông qua Dự thảo Luật này, Quốc hội tiếp tục phát huy chức năng của
mình trong việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và tăng
cường các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Hội đồng Bộ
trưởng trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Dự thảo Luật này.