Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trước đây, Nhà nước ta đã ban hành hai Pháp lệnh về vấn đề bầu cử Hội đồng
nhân dân: Pháp lệnh ngày 18-01-1961 quy định thể lệ bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp, và Pháp lệnh ngày 22-01-1981 sửa đổi một số điều khoản
trong Pháp lệnh năm 1961.
Sau khi có
Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Quốc hội thông qua
trong kỳ họp tháng 6-1983, thì việc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này
một đạo luật mới về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân để thay thế các Pháp
lệnh nói trên là cần thiết. Mục đích chủ yếu của đạo luật mới là bảo đảm cho
việc bầu cử đáp ứng tốt yêu cầu làm cho Hội đồng nhân dân, cơ quan quyền lực
nhà nước ở địa phương, thể hiện được quyền làm chủ tập thể, phẩm chất, trí
tuệ và năng lực quản lý nhà nước của nhân dân lao động ở mỗi cấp.
Dự án Luật bầu
cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra
hai lần: lần thứ nhất vào các ngày 17 và 18-8-1983, và lần thứ hai vào ngày
17-10-1983. Văn bản trình Quốc hội lần này đã tiếp thụ khá đầy đủ những ý
kiến của Ủy ban chúng tôi. Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi nhất trí với bản Dự
án này, chỉ xin trình bày thêm một số vấn đề để Quốc hội xem xét và quyết
định.
1. Về trách
nhiệm của Hội đồng Nhà nước đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Dự án Luật có nói về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Nhà nước đối với
việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong ba điều:
Điều 6:
"Hội đồng Nhà nước giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm
cho các cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, đúng pháp luật".
Điều 33:
"Trong trường hợp đặc biệt không thể tiến hành bầu cử theo đúng nhiệm kỳ của
Hội đồng nhân dân thì Hội đồng Bộ trưởng phải báo cáo để Hội đồng Nhà nước
xét định".
Điều 56:
"Hội đồng Nhà nước quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
nào có những điểm không hợp pháp nghiêm trọng. Hội đồng Bộ trưởng ấn định
ngày bầu cử lại Hội đồng nhân dân ấy".
Theo những quy định trước đây của Pháp lệnh ngày 18-01-1961,
việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoàn toàn do Hội đồng Chính
phủ lãnh đạo thực hiện.Nhưng ngày nay, chúng ta đã có Hội đồng Nhà nước với
chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng được Hiến pháp quy định. Do đó,
cũng như Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Dự án Luật bầu
cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của
Hội đồng Nhà nước.
Ủy ban chúng
tôi đã thảo luận vấn đề này, và nhận thấy rằng nếu quy định Hội đồng Nhà
nước "tuyên bố và chủ trì" việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, giống như
đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội, thì không những không phù hợp với
Hiến pháp, mà còn dẫn đến một điều không hợp lý là Hội đồng Nhà nước lại
phải thành lập thêm một bộ máy mới để giúp Hội đồng Nhà nước "chủ trì" cuộc
bầu cử này. Nhưng nếu quy định Hội đồng Nhà nước chỉ "giám sát" việc bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân thì chưa đủ, bởi vì, đối với việc bầu cử cơ quan
quyền lực nhà nước ở địa phương, Hội đồng Nhà nước không thể chỉ thu hẹp
trách nhiệm của mình trong việc giám sát, tương tự như đối với hoạt động của
các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị ghi rõ ở
Điều 6 của Dự án Luật như sau: "Hội đồng Nhà nước giám sát và hướng dẫn việc
bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân...". Các từ "hướng dẫn" và "giám sát" cũng
đã được dùng trong Hiến pháp khi nói về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng
Nhà nước đối với Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Về tiêu
chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân
Luật tổ chức
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã có những quy định cụ thể nhằm xác
định vị trí rất quan trọng của Hội đồng nhân dân về tạo điều kiện cho Hội
đồng nhân dân thực hiện được những nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quyền
lực nhà nước ở địa phương. Việc biến những quy định đó thành hiện thực đòi
hỏi sự nỗ lực rất lớn của Hội đồng nhân dân qua các kỳ họp của Hội đồng, qua
công tác của các Ban của Hội đồng, qua hoạt động của mỗi đồng chí đại biểu
và tất cả những điều này lại tùy thuộc một phần rất quan trọng ở phẩm chất
và năng lực của các đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó, việc quy định rõ
trong Luật bầu cử những tiêu chuẩn của người được bầu làm đại biểu
Hội đồng nhân dân là rất cần thiết.
Điều 3 của Dự
án Luật đã xác định rõ những điểm cơ bản về các mặt chính trị, đạo đức, năng
lực và quan hệ với quần chúng.
Đây là những
căn cứ để lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
mà các địa phương cần nắm vững. Lâu nay, trong thực tế, khi tiến hành bầu cử
Hội đồng nhân dân, chúng ta thường coi trọng các mặt cơ cấu và tỷ lệ thành
phần cho mỗi cấp, mỗi khu vực, nhằm làm cho Hội đồng nhân dân phản ánh đúng
mức vị trí các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Làm như vậy là đúng và cần
thiết. Nhưng nếu chỉ thấy các mặt cơ cấu và tỷ lệ thành phần, mà không quán
triệt các tiêu chuẩn nói trên, trong đó có vấn đề năng lực và sự tín nhiệm
của quần chúng cử tri để người được bầu có thể thực hiện nhiệm vụ đại biểu
phù hợp với yêu cầu của mỗi cấp Hội đồng nhân dân, thì khó lòng bảo đảm được
việc phát huy vai trò và hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Ủy ban chúng
tôi nhất trí tán thành Điều 3 của Dự án Luật, và mong rằng khi quần chúng ở
cơ sở đề cử những người có thể tham gia danh sách ứng cử, khi Mặt trận Tổ
quốc hiệp thương để lập ra danh sách đó, cũng như khi cử tri bỏ phiếu lựa
chọn đại biểu Hội đồng nhân dân, vấn đề tiêu chuẩn này được coi trọng đầy
đủ.
3. Về số đại
biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp
Theo quy định
trước đây, số đại biểu tối đa được bầu ở mỗi cấp Hội đồng nhân dân là:
- Xã: 50 đại
biểu.
- Huyện: 70
đại biểu.
- Hải Phòng và
các tỉnh: 140 đại biểu.
- Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh: 160 đại biểu
- Đặc khu Vũng
Tàu - Côn Đảo: 50 đại biểu.
Nay Dự án Luật
mới quy định số đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp nói chung là ít hơn so
với trước. Cụ thể là:
- Xã, phường,
thị trấn: 45 đại biểu.
- Huyện, quận,
thị xã: 60 đại biểu.
- Thành phố
thuộc tỉnh: 70 đại biểu.
- Hải Phòng và
các tỉnh: 120 đại biểu.
- Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh: 150 đại biểu.
- Đặc khu Vũng
Tàu - Côn Đảo: 50 đại biểu.
Theo nhận xét
của chúng tôi và của những địa phương mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, thì hiện
nay, số đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi cấp có phần quá nhiều; việc lựa
chọn người đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ra ứng cử ở nhiều nơi có khó khăn;
một số không ít đại biểu sau khi được bầu thường không thật sự hoạt động
trong Hội đồng nhân dân; vai trò và hiệu quả công tác của Hội đồng nhân dân
vì thế thành ra có phần bị hạn chế.
Ủy ban chúng
tôi nhất trí với dự kiến giảm bớt số đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp,
như ghi trong Dự án Luật.
4. Về số đại
biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử
Pháp lệnh năm
1961 quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu đến 9 đại biểu, nếu nơi nào bầu từ
10 đại biểu trở lên thì chia làm hai đơn vị hoặc nhiều hơn.
Kinh nghiệm
thực tế cho thấy rằng quy định này có một số nhược điểm, như: danh sách
người được giới thiệu ra ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử quá đông, cử tri có
nhiều khó khăn khi lựa chọn; sau khi bầu rồi, vì đơn vị to, đại biểu nhiều,
việc tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri rất khó mà tổ chức cho ổn định, chặt
chẽ và đều đặn, rốt cuộc việc tiếp xúc này đã trở thành hình thức, đến nỗi
có nơi nhiều cử tri suốt cả nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân vẫn chưa biết mặt đại
biểu của mình.
Ở Liên Xô và
một số nước xã hội chủ nghĩa khác, Luật bầu cử có quy định mỗi đơn vị bầu cử
chỉ bầu một đại biểu, để cho việc lựa chọn của cử tri cũng như việc tiếp xúc
giữa cử tri và đại biểu được thuận lợi. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ đó là
hướng hợp lý nhất mà sau này chúng ta nên áp dụng. Nhưng trước mắt, do ở ta
còn có một số khó khăn trong việc tổ chức bầu cử, chúng ta chưa thể làm ngay
như thế, mà chỉ nên tiến lên một bước theo hướng đó, cụ thể là nên theo dự
kiến trong Dự án Luật, tức là "mỗi đơn vị bầu không quá 3 đại biểu" (Điều
10).
Như vậy, tùy
theo số dân, ở nơi nào dân bầu từ 4 đại biểu trở lên thì phải chia làm hai
(hoặc nhiều) đơn vị, và phổ biến là mỗi đơn vị sẽ bầu hai hoặc ba đại biểu.
5. Về số người
được giới thiệu ra ứng cử ở mỗi đơn vị
Pháp lệnh năm
1961 chỉ quy định số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, mà không quy
định số người trong danh sách giới thiệu ra ứng cử phải như thế nào. Khi
tiến hành các cuộc bầu cử, thường thường các địa phương giới thiệu một danh
sách ứng cử viên nhiều hơn số đại biểu được bầu độ một, hai người, việc lựa
chọn của cử tri do đó có phần bị hạn chế; thậm chí có địa phương làm gọn đến
mức chỉ giới thiệu vẻn vẹn đủ số người cần bầu làm đại biểu, thành ra cử tri
không còn gì để lựa chọn nữa.
Để khắc phục
tình trạng trên, nhiều nơi đề nghị nên quy định rõ trong Luật bầu cử số
người được giới thiệu ra ứng cử phải nhiều hơn khoảng gần gấp đôi hoặc gấp
đôi số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử (ví dụ: được bầu 3 đại biểu thì
giới thiệu 5 hoặc 6 người). Những ứng cử viên được giới thiệu đều là những
người có đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri hoàn toàn có
quyền dân chủ lựa chọn, muốn bầu ai cũng được, cơ quan phụ trách việc bầu cử
ở địa phương không được "vận động" cử tri để tên ai và xóa tên ai. Theo
chúng tôi, tinh thần cơ bản của đề nghị trên là xác đáng.
Dựa theo đề nghị đó, Dự án Luật có ghi rõ: "Số người được giới thiệu ra ứng
cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị
đó, "để cử tri lựa chọn khi bỏ phiếu" (Điều 27).
Chúng tôi tán thành cách ghi này, thấy không nhất thiết phải quy định dứt
khoát số người ra ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu là bao nhiêu,
và tin rằng trong các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân sắp tới, các địa phương
sẽ chú ý lập danh sách ứng cử viên với số lượng thích đáng, bảo đảm tốt sự
lựa chọn dân chủ của các cử tri.
*
* *
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Với những ý
kiến trình bày trên đây, tôi xin thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội trân
trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật bầu cử đại biểu Hội
đồng nhân dân do Hội đồng Bộ trưởng trình ra kỳ họp này của Quốc hội.
Xin cảm ơn các
đồng chí và kính chúc các đồng chí mạnh khỏe.