Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
So với dự án
trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp trước, Dự án "Phần các tội phạm" trong
Bộ luật hình sự trình ra kỳ họp này đã được sửa chữa, bổ sung và sắp xếp lại
khá chu đáo và hợp lý. Đó là nhờ có sự đóng góp ý kiến phong phú của các
Đoàn đại biểu Quốc hội, của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhiều
đoàn thể nhân dân và tập thể cán bộ các ngành và các địa phương trong cả
nước. Đó cũng là kết quả của nhiều lần thẩm tra và góp ý cụ thể trong thời
gian qua của Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Ban Dự thảo Bộ luật hình sự,
theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, đã tiếp thụ hầu hết những ý kiến đóng
góp, và đã dành nhiều công sức để chỉnh lý Dự án "Phần các tội phạm", như
trước đây đã từng làm đối với Dự án "Phần chung". Tôi đề nghị Quốc hội hoan
nghênh tinh thần nghiêm túc và sự cố gắng to lớn của Hội đồng Bộ trưởng và
của Ban Dự thảo trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự đầu tiên của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ủy ban pháp
luật của Quốc hội, về cơ bản, tán thành bản Dự án "Phần các tội phạm" trình
ra kỳ họp này của Quốc hội. Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo thêm một số vấn
đề để Quốc hội xem xét và quyết định.
1. Về việc sắp
xếp các chương
Trong bản Dự
án trình bày ở kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội (tháng 6-1983), theo kinh
nghiệm và lối làm quen thuộc về xây dựng Bộ luật hình sự của nhiều nước anh
em, Ban Dự thảo đã lấy vấn đề đối tượng cần bảo vệ (tức là "khách thể") và
đối tượng cần trừng trị (tức là "chủ thể") làm chuẩn để phân chia "Phần các
tội phạm" thành 12 chương. Nhưng qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cán
bộ các ngành và các địa phương, thì thấy, cách bố cục đó chỉ thuận tiện về
mặt chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên pháp luật, mà chưa thật phù hợp
với đông đảo nhân dân lao động, có phần khó hiểu hoặc chưa đủ sáng rõ. Vì
vậy, để đáp ứng nguyện vọng của nhiều đại biểu Quốc hội, lần này đã có sự
thay đổi trong bố cục, các chương đã được sắp xếp lại theo từng loại vấn đề
và có kết hợp yêu cầu về mặt "khách thể" và "chủ thể" (tất cả có 10 loại vấn
đề, xếp thành 10 chương), để nhân dân lao động dễ nắm, dễ hiểu, dễ phân biệt
trong việc nghiên cứu và chấp hành. Đương nhiên, do cách sắp xếp lại theo
từng loại vấn đề, có thể trong cùng một chương, hoặc về mặt "khách thể",
hoặc về mặt "chủ thể", có những trường hợp không thật đồng nhất; một số
chuyên gia pháp luật có thể cho làm như vậy là chưa được "ổn" lắm, nên có
yêu cầu tách đoạn này ra, nhập đoạn kia vào, và yêu cầu nào cũng có lý riêng
của nó. Tuy nhiên, nếu xét tổng quát về mặt tính quần chúng của văn bản, thì
rõ ràng là nhân dân lao động thấy cách sắp xếp theo từng loại vấn đề là sáng
tỏ hơn, dễ nắm hơn, dễ hiểu hơn. Do đó, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, sau
nhiều lần thảo luận và cân nhắc, đã nhất trí tán thành cách sắp xếp lại các
chương theo từng loại vấn đề và cho rằng đó là một cách sắp xếp hợp lý, vì
nó phù hợp với thực tế Việt Nam. Đề nghị Quốc hội cho thêm ý kiến.
2. Về nội dung
các chương
Nhìn chung,
nội dung Dự án "Phần các tội phạm" trình ra Quốc hội trong kỳ họp này là
chính xác hơn, chặt chẽ hơn; việc quy định các tội phạm là đúng mức hơn, và
việc xác định các mức hình phạt đối với mỗi tội phạm, mối tương quan với các
tội phạm khác là hợp lý hơn. Chúng tôi tán thành những sự sửa chữa, bổ sung
và điều chỉnh đã được thể hiện trong các chương. Chỉ xin nói rõ thêm một số
điểm.
a) Về Chương
I: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Đây là một
chương rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay chúng ta hàng ngày,
hàng giờ đang phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại về nhiều mặt của
bọn bá quyền, bành trướng... câu kết với đế quốc Mỹ. Đặt chương này ở
ngay đầu "Phần các tội phạm" là cần thiết. Quy định cụ thể các tội phạm, xác
định nghiêm ngặt các mức hình phạt là đúng đắn, Ủy ban pháp luật của Quốc
hội nhất trí với nội dung chương này.
Ở đây, chúng
tôi xin lưu ý các đồng chí đại biểu Quốc hội về vấn đề phân biệt hai loại
tội xâm phạm an ninh quốc gia; một loại có mục đích chống lại chính quyền
cách mạng của nhân dân, do bọn phản cách mạng gây ra nhằm lật đổ, phá hoại,
hay làm suy yếu nền chuyên chính vô sản, đó là loại tội phạm đặc biệt nguy
hiểm; và một loại không có mục đích chống lại chính quyền cách mạng của nhân
dân, do những phần tử phạm tội khác gây ra vì những động cơ không phải là
phản cách mạng, tuy cũng là loại tội phạm nguy hiểm. Luật hình sự của ta cần
có sự phân biệt đó để xử lý cho thích hợp, đúng đối tượng, đúng mức độ cần
thiết. Đề nghị Quốc hội thảo luận và xem xét những tội xâm phạm an ninh quốc
gia xếp ở hai mục A và B đã đúng và đủ hay chưa?
b) Về Chương
V: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Những hiện
tượng tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế rõ ràng là đã và đang xảy ra nhiều và
nghiêm trọng, gây nên không biết bao nhiêu là thiệt hại cho đất nước và cho
nhân dân lao động. Vì vậy, đi đôi với việc cải tiến và tăng cường quản lý
kinh tế, phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh cải tạo xã hội
chủ nghĩa, lập lại trật tự trên mặt trận phân phối, lưu thông, v.v.. Nhà
nước ta phải kịp thời phát hiện và kiên quyết trừng trị những vụ vi phạm về
kinh tế, từng bước đẩy lùi, hạn chế và giải quyết một cách căn bản những tội
phạm trên lĩnh vực kinh tế, đưa nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa tiến lên mạnh
mẽ, nhờ đó mà ổn định và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Để tạo
điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện và trừng trị những vụ vi phạm về kinh
tế, Dự án "Phần các tội phạm" đã dành một chương riêng cho vấn đề xâm phạm
trật tự quản lý kinh tế. Đó là một cố gắng rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề phức tạp, nếu không được xử lý đúng mức
thì sẽ có thể đẻ ra những tai hại khác. Công tác quản lý kinh tế của ta hiện
nay đang ở trong thời kỳ chuyển biến từ chế độ bao cấp của thời kháng chiến
chống Mỹ sang chế độ hạch toán và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Trong những
quy định mới, bên cạnh những điểm đúng đắn và sáng tạo, có tác dụng rất tích
cực, không phải là không có những điểm chưa đủ chín chắn, hoặc cứng nhắc,
hoặc hớ hênh, thậm chí sai sót, không thích hợp với bước đi ban đầu của thời
kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong các quy chế quản lý kinh tế tài
chính hiện hành, bên cạnh những quy định mềm mỏng, cơ động, sát thực tế, vừa
bảo đảm được chế độ quản lý tập trung của Trung ương, vừa mở đường cho những
sáng kiến có giá trị của địa phương, cũng có không ít những quy định quá
chặt chẽ hoặc quá lỏng lẻo, do đó, khó mà tránh được những hiện tượng "bó
tay, chịu cứng" hay "phá rào có lý do". Vì vậy, trong việc quy định tội phạm
và hình phạt của Bộ luật hình sự trên lĩnh vực kinh tế, xác định cái gì là
tội phạm cần phải trừng trị, cái gì không phải là tội phạm hoặc chưa nên coi
là tội phạm, cái gì chỉ nên xử lý về mặt hành chính, cái gì nhất thiết phải
truy tố trách nhiệm hình sự, v.v. đó là những khó khăn không nhỏ. Trong thời
gian qua, Ban Dự thảo của Hội đồng Bộ trưởng đã lắng nghe ý kiến của các đại
biểu Quốc hội, của các ngành và các cấp quản lý kinh tế, nghiên cứu và chọn
lọc những ý kiến ấy để bổ sung, điều chỉnh, mở rộng hoặc rút hẹp nội dung
các điều về vi phạm trật tự quản lý kinh tế, và đã ghi lại trong Chương V
này.
Trong quá
trình thẩm tra, ngoài việc nghiên cứu các bản góp ý kiến của các ngành và
các địa phương, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã cử một số đoàn đi công tác
ở 9 tỉnh, thành tiêu biểu, trực tiếp nghe và trao đổi ý kiến với đại biểu
Quốc hội và cán bộ các ngành, các cấp có liên quan về những vấn đề của Dự
án. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã góp ý kiến cụ thể với Ban Dự thảo của Hội
đồng Bộ trưởng để bổ sung, sửa chữa và chỉnh lý Dự án, trong đó rất coi
trọng chương nói về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Những cái gì
xét không đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự, mà chỉ cần xử lý bằng
hành chính, thì đã được bỏ đi; chỉ giữ lại những cái gì thật sự cần phải
truy tố trách nhiệm hình sự, nhưng cũng ghi rõ là chỉ xử lý hình sự sau khi
đã xử lý hành chính rồi mà vẫn tái phạm, hoặc chỉ xử lý hình sự trong những
trường hợp như: vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà phạm tội, gây hậu
quả nghiêm trọng; có điều kiện mà cố ý không thực hiện hoặc có thủ đoạn gian
dối cản trở việc thực hiện; vi phạm những quy định chính thức có nguyên tắc
do nhà nước (Trung ương), ban hành, những chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch
nhà nước, những tiêu chuẩn nhà nước hoặc những định mức kinh tế - kỹ thuật
đã được nhà nước (Trung ương) quy định, v.v.. Chúng tôi nghĩ rằng, với những
quy định chi tiết như vậy, chúng ta có thể tránh được những vụ xử lý bằng
hình sự không đúng hoặc không cần thiết. Đề nghị Quốc hội xem xét và cho
thêm ý kiến.
Để những quy
định trong Chương V đạt hiệu quả thật sự, có lợi cho việc tăng cường quản lý
kinh tế hiện nay,chúng tôi xin đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng, với các Bộ,
Ủy ban Nhà nước và các ngành khác ở Trung ương có trách nhiệm về kinh tế, và
với các cấp quản lý kinh tế ở địa phương một vài điểm sau đây:
+ Các cơ quan
kinh tế Trung ương, khi xây dựng và ban hành các chế độ, thể lệ về quản lý
kinh tế và kỹ thuật, nên cố gắng đi sát thực tế của các địa phương và cơ sở,
để có những quy định đúng đắn, vừa bảo đảm những nguyên tắc của nền kinh tế
- xã hội chủ nghĩa, vừa có tính cơ động, mềm mỏng cần thiết, để các cấp dưới
có thể thi hành nghiêm chỉnh mà vẫn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa
phương và cơ sở, tránh tình trạng "bó tay chịu cứng" hay "phá rào có lý do".
+ Các cơ quan
phụ trách quản lý kinh tế ở địa phương hay cơ sở, nếu thấy trong các chế độ,
thể lệ của cấp trên có điều gì mà mình cho là không thích hợp với địa phương
hay cơ sở, thì phải lập tức có những kiến nghị cụ thể để cấp trên xem xét và
giải quyết. Trong khi chờ cấp trên trả lời, nhất thiết phải tuân theo những
điều đã quy định, không được tự tiện thay đổi, hoặc làm trái lại, hoặc bỏ
mặc.
+ Nên có chế
độ bắt buộc các cơ quan quản lý cấp trên trong thời hạn bao nhiêu lâu đó,
phải chính thức trả lời những kiến nghị của địa phương và cơ sở, cho phép
hay không cho phép phải rõ ràng, đồng thời, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể
những trở ngại hoặc khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, thể lệ đã quy
định. Nhất thiết không được để cho cấp dưới phải bối rối quá lâu trong tình
thế mà thi hành thì có khi hạn chế sản xuất và kinh doanh, không thi hành
thì trở thành vô kỷ luật, có thể bị xử lý về hành chính, "phá rào" thì phạm
tội hình sự, v.v..
3. Về các mức
độ hình phạt
Theo chúng tôi, các mức độ hình phạt ghi trong các khung hình phạt của từng
tội phạm đã được Ban Dự thảo cân nhắc khá chặt chẽ, đối chiếu và so sánh
tương đối kỹ với các loại tội phạm khác, nhằm cố gắng thể hiện tốt chính
sách hình sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đây chỉ là cơ sở chung để các
Tòa án nhân dân, khi xét xử, có thể dựa vào và vận dụng thích hợp với những
tình tiết cụ thể của từng người phạm tội trong từng vụ vi phạm, theo đúng
những nguyên tắc đã được quy định trong "Phần chung" của Bộ luật hình sự.
Khi đánh giá mức hình phạt thích đáng hay chưa thích đáng, quá nhẹ hay quá
nặng, không nên chỉ xét riêng rẽ từng tội phạm, mà cần liên hệ thêm cả với
những tội phạm khác có liên quan. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng, trong
việc xét xử cụ thể, có trường hợp cần tăng nặng, có trường hợp cần giảm nhẹ,
có trường hợp phải tổng hợp hình phạt, v.v. mặc dù tất cả những trường hợp
đó đều phải thực hiện trong khuôn khổ cho phép của các điều khoản thuộc
"Phần các tội phạm", Ủy ban chúng tôi, về cơ bản, tán thành các mức độ hình
phạt đã được ghi trong Dự án, song cũng đề nghị Quốc hội xem xét thêm, nếu
thấy có điểm nào quá nặng hoặc quá nhẹ thì xin cho ý kiến, để Ban Dự thảo
cân nhắc và sửa chữa.
4. Về cách
viết
Trong quá
trình dự thảo "Phần các tội phạm", cũng như trong quá trình chỉnh lý, Ban Dự
thảo đã dành nhiều công sức vào cách viết, cố gắng làm cho lời văn và chữ
nghĩa được rõ ràng, trong sáng, gọn nhẹ. Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng
đã góp phần tích cực của mình trong việc chỉnh lý câu chữ này. Tuy nhiên, do
nội dung vấn đề tội phạm rất phức tạp, ý kiến đóng góp của các ngành, các
địa phương rất phong phú, trình độ hiểu biết của anh em cũng có hạn, mà thời
gian thì không thể kéo dài, cho nên trong bản Dự án trình ra kỳ họp này của
Quốc hội, khó tránh khỏi một số thiếu sót hoặc sơ suất về cách viết.
Chúng tôi mong các đồng chí đại biểu Quốc hội cho thêm ý kiến về mặt này. Đề
nghị Ban Dự thảo thu thập tất cả những ý kiến ấy, để sau khi Dự án "Phần các
tội phạm" được Quốc hội thông qua sơ bộ, sẽ căn cứ vào đó mà rà soát lại và
sửa chữa kỹ về lời văn, chữ nghĩa, bảo đảm cho văn bản của Bộ luật hình sự
được hoàn chỉnh khi trình Quốc hội thông qua chính thức trong kỳ họp tới.
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là
một số ý kiến của Ủy ban chúng tôi về Dự án "Phần các tội phạm" trong Bộ
luật hình sự. Chúng tôi mong rằng lần này, sau khi xem xét và cho thêm ý
kiến, Quốc hội sẽ thông qua sơ bộ "Phần các tội phạm".
Trong kỳ họp
thứ 4 (tháng 12-1982), Quốc hội đã thông qua sơ bộ "Phần chung" của Bộ luật
hình sự. Đó là một bước tiến rất quan trọng của Quốc hội ta trong công tác
lập pháp. Lần này, nếu "Phần các tội phạm" cũng được thông qua sơ bộ thì,
trong công tác lập pháp, việc đó sẽ đánh dấu một bước tiến mới nữa rất quan
trọng của Quốc hội ta.
Nhằm xúc tiến
việc ra đời của Bộ luật hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng, sau khi cả hai phần của Bộ
luật đã được thông qua sơ bộ, sẽ chỉ đạo khẩn trương việc hoàn chỉnh văn
bản, sớm gửi về cho các Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét lần cuối, để có thể
trình Quốc hội chính thức thông qua trong kỳ họp giữa năm 1984, đáp ứng lòng
mong mỏi thiết tha của nhân dân cả nước.
Xin cảm ơn các
đồng chí đại biểu Quốc hội!