VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở MIỀN NÚI
(Do ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1983)

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trước hết, Hội đồng dân tộc chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bản báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1984.

Sau đây, căn cứ vào tình hình một số địa phương miền núi do các Đoàn đại biểu của Hội đồng dân tộc đi khảo sát, do phản ánh của các thành viên Hội đồng, và qua nghiên cứu các tài liệu của các ngành cung cấp, Hội đồng dân tộc chúng tôi xin phát biểu một số vấn đề về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Thưa Quốc hội,

Từ sau Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam và qua việc thực hiện kế hoạch nhà nước từ năm 1981 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ở miền núi đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh biên giới... đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh... khôi phục sản xuất, trọng tâm là sản xuất lương thực, nên hằng năm đã tăng sản lượng lương thực với mức độ khá. Ở miền Nam, nhiều tỉnh, huyện miền núi, trong đó đáng chú ý là vùng Tây Nguyên, đã từ chỗ thiếu lương thực, nay đã tự cân đối đủ ăn, còn có phần làm nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước và bắt đầu đi vào phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương.

Sản xuất công nghiệp có tiến bộ. Đáng kể là các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, tính đến nay, đã đưa giá trị sản lượng công nghiệp địa phương lên gần ngang mức trước cuộc chiến tranh... đầu năm 1979.

Tình hình phân phối, lưu thông, văn hóa, xã hội, giao thông vận tải tuy còn nhiều tồn tại, nhưng đã đạt được những kết quả nhất định.

Những chuyển biến trên đây là biểu thị của lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, cần cù lao động của đồng bào các dân tộc miền núi. Đó cũng là những kết quả bước đầu của việc thực hiện các chính sách về kinh tế của Đảng và Nhà nước ta vừa qua được sửa đổi và bổ sung. Cũng từ đó, làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường, đồng thời, tạo cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, nhìn toàn diện tình hình ở miền núi, ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trước hết là về kinh tế - xã hội thì còn nhiều nhược điểm và tồn tại, nhiều mặt tiến bộ chậm. Các cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở miền núi còn quá ít ỏi. Việc khôi phục các cơ sở vật chất bị... phá hủy hồi tháng 2-1979 ở vùng biên giới... làm còn chậm, có thứ bị hư hỏng đi nhiều (như đường sá, cầu cống... chẳng hạn).

Do còn những tồn tại trên, cộng với tình hình tăng dân số tự nhiên và lại thêm các lực lượng vũ trang tăng lên ở miền núi và biên giới, nên các nhu cầu thiết yếu cho đồng bào các dân tộc, nhất là vùng cao, biên giới phía Bắc chưa được đáp ứng tốt. Khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi, giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau ở một số vùng và trên một số mặt không những chưa được thu hẹp, mà có chiều hướng tăng lên hơn.

Những tồn tại đó, do nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi thì trước hết là do nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí chiến lược quan trọng của miền núi đối với cả nước và về vấn đề dân tộc trong tình hình mới của cách mạng, chưa đầy đủ, chưa đồng đều. Do đó, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra đối với miền núi chưa sâu sát, toàn diện và cụ thể. Có những vấn đề, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra từ lâu, nhưng chưa được tổ chức thực hiện. Ví dụ: Việc nghiên cứu bổ sung và sửa đổi các chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế, văn hóa miền núi; việc tăng vốn đầu tư và cung ứng vật tư, hàng hóa cho miền núi và vùng biên giới, v.v. làm còn quá chậm.

Để đưa nền kinh tế - xã hội ở miền núi tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, cụ thể là thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, bốn mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ V của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương đề ra, từng bước tích cực xóa bỏ sự chênh lệch do lịch sử để lại giữa các vùng và các dân tộc, Hội đồng dân tộc chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề dưới đây:

1. Về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc

Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ cách mạng của cả nước và tình hình cụ thể ở từng vùng, Đảng và Nhà nước ta đã có những chỉ thị, nghị quyết xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cho miền núi nói chung, vùng cao và vùng biên giới nói riêng. Đặc biệt là ở những vùng biên giới phía Bắc thuộc tuyến I đang hàng ngày trực tiếp chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng... thì trong hai nhiệm vụ chiến lược phải đặt nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc là hàng đầu, đồng thời tích cực sản xuất, bảo đảm đời sống và xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội một cách hợp lý, gắn chặt nhiệm vụ xây dựng kinh tế với xây dựng quốc phòng, bảo vệ biên giới.

Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng cơ bản ở vùng cao, biên giới tất nhiên phải tính đến hiệu quả kinh tế, nhưng trước hết phải căn cứ vào hiệu quả quốc phòng, chính trị và xã hội là chính. Từ đó, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở vật chất bảo đảm cho cả quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu, kinh tế và dân sinh, trước tiên là mở mang và tu sửa đường sá; phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện (nhỏ và vừa) kết hợp cơ khí nhỏ; bảo vệ và trồng rừng biên giới, rừng đầu nguồn, xây dựng làng bản, tổ chức lại dân cư và xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên giới, v.v..

Việc tăng vốn đầu tư và đẩy mạnh xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh tế, quốc phòng, đời sống ở miền núi nói chung, vùng cao, biên giới nói riêng, có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là nhiệm vụ của các tỉnh miền núi và vùng cao, biên giới, đồng thời cũng là nhiệm vụ của cả nước phải gánh vác. Có như vậy mới tạo ra nhanh chóng các điều kiện để tăng cường, củng cố biên giới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi, xây dựng, củng cố và tăng cường ý thức làm chủ tập thể, tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên sức mạnh tổng hợp của đồng bào các dân tộc và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở miền núi, phải được đẩy mạnh hơn nữa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, cách mạng về tư tưởng và văn hóa là rất quan trọng. Do đó, cần tích cực hoàn thành công cuộc cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở vùng các dân tộc và miền núi phía Nam, ra sức phát triển và củng cố phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng miền núi phía Bắc, bằng nhiều hình thức và quy mô thích hợp với tình hình thực tế ở mỗi vùng. Đặc biệt, cần nghiên cứu các hình thái kinh tế và xã hội của từng vùng dân tộc khi bước vào chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ để định rõ các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể, nhằm đưa nhân dân các dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách sát hợp. (Vấn đề này đang được bắt đầu, bằng việc các ngành tham gia nghiên cứu vùng Tây Nguyên theo chỉ thị của Bộ Chính trị và gợi ý của Chủ tịch Trường Chinh).

Việc liên kết và kết nghĩa giữa các huyện, các tỉnh ở miền núi và giữa miền núi với miền xuôi nhằm hỗ trợ nhau trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân cần được tổ chức chỉ đạo thực hiện một cách tích cực.

2. Về sản xuất và đời sống

Tiềm năng kinh tế ở miền núi rất phong phú và đều ở trong tầm tay, nhưng trong thực tiễn thì còn nhiều vấn đề ta chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác và phát triển, nền sản xuất và đời sống ở miền núi chưa phát triển mạnh.

Sản xuất lương thực ở miền núi mấy năm qua tăng mạnh, nhưng do việc xác định phương hướng sản xuất chưa rõ ràng, quy hoạch vùng sản xuất không cụ thể, công tác định canh định cư, ổn định đời sống cho đồng bào miền núi chưa giải quyết được tốt, chưa tạo được cơ sở để bảo đảm thâm canh, sản xuất còn nặng về quảng canh. Vì vậy, đã gây ra nạn chặt phá rừng càng thêm nghiêm trọng, kể cả rừng mới trồng và rừng đầu nguồn, để làm nương rẫy du canh trồng cây lương thực. Thậm chí, có một số vùng đồi núi ngày càng trơ trọc, nguồn nước càng khó khăn, đất đai canh tác càng bị xói lở, bạc màu, nên đã xảy ra tình hình xã hội rất đáng quan tâm là: Mấy năm nay, số đồng bào đi định cư một cách không có tổ chức, từ vùng này sang vùng khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác đang có chiều hướng tăng lên (từ Đông Bắc sang Tây Bắc, từ Lạng Sơn, Cao Bằng vào Tây Nguyên, v.v..).

Tác hại của sự tàn phá rừng thật là to lớn, nó gây ra rất nhiều hậu quả đáng lo ngại về môi trường sống cũng như về các mặt kinh tế, xã hội khác, mà có lần chúng tôi đã trình bày trước Quốc hội.

Để đẩy mạnh tốc độ biến các tiềm năng kinh tế ở miền núi thành hiện thực, góp phần xứng đáng của miền núi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cải thiện từng bước đời sống đồng bào các dân tộc ở miền núi, Hội đồng dân tộc chúng tôi đã có lần trình bày trước kỳ họp Quốc hội về phương hướng phát triển nông - lâm nghiệp ở miền núi và về vấn đề định canh định cư. Lần này, chúng tôi xin nhắc lại và phát biểu thêm như sau:

a) Cần hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổng thể cho từng huyện và từ đó có quy hoạch cụ thể đối với việc phát triển từng cây, con trên địa bàn từng cơ sở và huyện (kể cả quy hoạch đất đai, thủy lợi, đường sá, làng bản...). Trong kế hoạch nhà nước năm 1984 và các năm sau, cần đề ra các chỉ tiêu cụ thể và đồng bộ đối với việc phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm và các thế mạnh ở miền núi, theo hướng thâm canh, định canh, tăng vụ, sản xuất nông - lâm kết hợp, gắn nông - lâm với phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống của các dân tộc, gắn sản xuất với phân phối, lưu thông trên địa bàn từng cơ sở và huyện. Kế hoạch phải tính toán cân đối các điều kiện bảo đảm cho sản xuất như: lao động, lương thực, vốn, vật tư kỹ thuật, v.v.. Đối với một số cây đặc sản có giá trị lớn, cần được quy vùng cụ thể, có chính sách toàn diện, cả về sản xuất, chế biến, thu mua, giá cả và quản lý chặt chẽ từ khi trồng đến khi thu hoạch sản phẩm.

b) Về mặt xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sản xuất và phục vụ đời sống ở miền núi, theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Nhà nước phải tăng đầu tư cho các vùng dân tộc"[1] đồng thời vận động hợp tác xã và nhân dân góp công sức và vốn để phát triển các cơ sở giống (cả cây trồng và gia súc), khai phá ruộng nương bậc thang, công trình thủy lợi, giao thông, cơ khí nhỏ, thủy điện nhỏ và vừa, v.v.. và các công trình về thông tin văn hóa, giáo dục ở cơ sở và huyện (chú ý vùng biên giới phía Bắc bị...  tàn phá tháng 2-1979).

c) Đối với công tác vận động định canh định cư, cần sớm tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 38 của Hội đồng Chính phủ. Trên cơ sở đó, xác định lại diện còn du canh du cư ở từng vùng và tiến hành tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng sản xuất một cách đồng bộ, có trọng điểm, đi đôi với việc tích cực xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, nhằm tạo ra cơ sở vật chất bảo đảm vững chắc cho sản xuất, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Cần đưa công tác định canh định cư vào kế hoạch kinh tế - xã hội của mỗi cấp, mỗi ngành từ Trung ương đến cơ sở. Cần đặt cuộc vận động này dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời tăng cường bộ phận giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo, sao cho hợp lý và có hiệu lực.

d) Đi đôi với kế hoạch sản xuất, cần có kế hoạch cân đối về lao động, từng bước điều hòa, phân bổ lại lao động ở miền núi vào các ngành nghề cho hợp lý. Phải trên cơ sở tận dụng số lao động tại chỗ là chính, trên địa bàn từng cơ sở và huyện, tỉnh. Việc bổ sung lao động ở miền xuôi lên miền núi chỉ nên đưa vào những nơi còn thiếu và phải tính đến lực lượng có kỹ thuật, có ngành nghề để cùng với lực lượng lao động tại chỗ phát huy các thế mạnh của miền núi. Ngoài ra, cần có kế hoạch sử dụng tốt lực lượng vũ trang đóng quân ở các địa phương vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Cần ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân các cơ sở kinh tế quốc doanh địa phương, nhất là vào các nông trường, lâm trường quốc doanh địa phương. Đây là việc làm có lợi cả về kinh tế và chính trị, vì người địa phương đã quen với môi trường sống, lại tận dụng được các cơ sở hạ tầng sẵn có của họ, đồng thời, nhanh chóng tăng được số lượng công nhân trong cơ cấu cư dân các dân tộc thiểu số. Cũng từ đó, góp phần tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong các vùng có nhiều thành phần dân tộc mà trình độ kinh tế - xã hội còn thấp và phát triển chậm, làm cho khối cộng đồng dân tộc được tăng cường củng cố.

3. Về phân phối, lưu thông, phục vụ đời sống

Những năm qua, công tác phân phối, lưu thông, phục vụ đời sống ở miền núi có nhiều cố gắng, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều thiếu sót, tồn tại. Các mặt hàng thiết yếu và thị hiếu ở miền núi thường bị khan hiếm, và cung ứng không đều, không kịp thời vụ. Thậm chí muối, dầu thắp, nông cụ có lúc cũng không có bán cho nhân dân. Có nơi nhân dân phải mua 1 lít dầu hỏa ở chợ tới 30 đồng - 40 đồng (như ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Tuyên; huyện Bắc Hà, tỉnh Hoàng Liên Sơn). Trước tình hình đó, kẻ địch ở bên kia biên giới đã lợi dụng để xuyên tạc chính sách của ta và mua chuộc, lôi kéo, lừa mị nhân dân, tung sang ta những thứ hàng tâm lý chiến và khơi vét trâu bò, các nông - lâm - đặc sản của ta sang bên chúng, nhằm phá hoại ta về kinh tế cũng như về chính trị.

Để thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tốt đời sống nhân dân, đồng thời cũng là để chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo sát sao các ngành có trách nhiệm, thực hiện đầy đủ và kịp thời kế hoạch phân phối, lưu thông, vận tải và dành quỹ vật tư, hàng hóa cho miền núi.

Cần đẩy mạnh việc phát triển màng lưới thương nghiệp quốc doanh, nhất là xây dựng các hợp tác xã mua bán ở nông thôn miền núi. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt công tác thu mua, nắm nguồn hàng, cung cấp hàng đến tay nhân dân; kiên quyết chặn đứng và xử lý thích đáng bọn mua tranh, bán đắt ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Các ngành, các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc chính sách ưu tiên trong việc cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào và các lực lượng bộ đội, công an, cán bộ, công nhân viên ở vùng biên giới tuyến I. Một số mặt hàng thiết yếu và thị hiếu cho miền núi, nhất là vùng cao, biên giới và trước hết là: muối, dầu hỏa, thuốc lào, thuốc chữa bệnh, đá lửa, diêm, vải xanh và đỏ, sợi dệt, nông cụ, pin đài, tranh ảnh, báo chí, văn hóa phẩm..., chúng ta cần bảo đảm không lúc nào để cho nhân dân bị thiếu. Trong vụ rét, còn cần cung ứng đủ chăn áo ấm cho đồng bào, bộ đội, cán bộ, công nhân viên ở vùng cao, biên giới. Cần có kế hoạch cung ứng đủ màn cho các vùng đang có bệnh sốt rét (Tây Nguyên, vùng biên giới Việt - Lào và Việt - Trung).

4. Về văn hóa - xã hội, đào tạo cán bộ dân tộc địa phương

Tình hình văn hóa - xã hội ở miền núi và đào tạo cán bộ dân tộc địa phương tuy có phát triển, nhưng nhìn chung còn rất chậm. Số người mù chữ và trở lại mù chữ còn lớn. Nhiều xã ở vùng cao chưa có đủ các lớp cấp I hoàn chỉnh. Số học sinh các dân tộc có số dân ít, nhất là ở vùng cao, xa xôi hẻo lánh càng ít đi học so với số học sinh các dân tộc vùng thấp. (Ví dụ: ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Tuyên, dân tộc Mông có số dân gấp 5 lần dân tộc Tày, nhưng số học sinh người Mông chỉ bằng 1/3 số học sinh người Tày).

Tình hình văn hóa, văn nghệ, y tế ở miền núi cũng còn nhiều mặt yếu. Nơi xa xôi hẻo lánh, có khi hằng năm, nhân dân không được xem chiếu bóng một lần. Mê tín, dị đoan còn nặng nề, nhiều nơi đồng bào vẫn bị mê hoặc bởi ma quỷ, thần linh, đạo giáo rất tai hại.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tình hình sản xuất và đời sống của miền núi, nhất là vùng cao, còn nhiều khó khăn; hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chưa vững.

Về mặt đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, đã có một số tỉnh, huyện mở các trường thanh niên dân tộc, thiếu niên vùng cao, bổ túc văn hóa dân tộc, v.v.. Các loại trường này đã và đang trở thành nguồn đào tạo cán bộ cho các ngành ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch cụ thể, chưa thống nhất về mặt quản lý và chưa có chế độ, chính sách rõ ràng (chiêu sinh, quản lý, trang bị cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ giáo viên, học bổng học sinh nội trú, v.v.), nên các loại trường đó chưa phát triển được mạnh mẽ, chưa phát huy hết tác dụng của nó ở các huyện, tỉnh miền núi.

Để đưa sự nghiệp văn hóa - xã hội miền núi và đào tạo cán bộ dân tộc địa phương phát triển một bước mới, trong kế hoạch nhà nước năm 1984 và những năm tới cần có các chỉ tiêu cụ thể về giáo dục, văn hóa, y tế miền núi. Cần sớm nghiên cứu bổ sung các chính sách nhằm đẩy mạnh sự phát triển về các mặt này một cách toàn diện và thống nhất, trong đó có chính sách phát triển các trường thanh niên, thiếu niên dân tộc vùng cao của các tỉnh, huyện miền núi và các chế độ về việc mở các trường nội trú... Cần đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, thông tin, văn hóa, xã hội ở miền núi phát triển một bước tích cực hơn (chú ý vùng biên giới phía Bắc).

Cần nghiên cứu vận dụng sát với từng vùng về vấn đề cải cách giáo dục đối với miền núi, cả về tổ chức trường lớp, lẫn chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học. Cần thực hiện phương châm "trường gần dân, thày gần trò", bằng cách mở các phân trường ở từng thôn bản xa nơi trung tâm của xã.

Đối với việc đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ việc thực hiện công tác này trong những năm qua, từ đó xây dựng quy hoạch cụ thể của từng cấp, từng ngành, nhất là quy hoạch đào tạo các loại cán bộ ở cơ sở và huyện. Từ đó, sử dụng tốt số cán bộ đã có (kể cả các loại) và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch hằng năm. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với các loại cán bộ ở miền núi, nhất là ở vùng cao, biên giới cần được sớm ban hành, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo cán bộ dân tộc địa phương trong thời gian tới (như tăng phụ cấp khu vực cho cán bộ ở vùng cao, biên giới, chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ hoạt động ở miền núi, v.v..).

Vấn đề tuyển sinh con em các dân tộc theo vùng vào các trường đại học và dự bị đại học có ý nghĩa thiết thực đối với nhiệm vụ đào tạo cán bộ dân tộc, do đó cần thực hiện tốt chính sách này trong năm 1984 và các năm tới.

5. Về chỉ đạo thực hiện kế hoạch

Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo đối với công tác miền núi, công tác dân tộc. Đề nghị các ngành, các cấp nghiên cứu quán triệt và thực hiện nghiêm túc chính sách dân tộc và các chủ trương, chính sách, kế hoạch đối với miền núi đã ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng, của Ban Bí thư Trung ương và của Hội đồng Bộ trưởng cũng như Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này.

Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch năm 1984 cũng như từ nay về sau của các cấp, các ngành cần được tổ chức theo dõi và tổng hợp riêng vùng miền núi. Ở mỗi cấp, mỗi ngành, từ Trung ương đến các địa phương có miền núi, cần phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân tộc và miền núi, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà cấp dưới không thể giải quyết được trong quá trình thực hiện kế hoạch.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi là nhiệm vụ trọng yếu và cấp thiết, nhằm thực hiện chính sách "đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và cùng làm chủ tập thể", nhanh chóng xóa bỏ sự chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung của nhiệm vụ này có nhiều vấn đề cần đề cập và giải quyết. Cùng với những vấn đề mà Hội đồng dân tộc chúng tôi đã phát biểu tại các kỳ họp trước của Quốc hội, lần này chúng tôi xin phát biểu và đề xuất một số vấn đề như trên để Quốc hội xem xét.

Xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu Quốc hội.

Kính chúc kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.


 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, tập I, tr. 133.


 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội