Kính thưa
Quốc hội,
Trong năm
1983, Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội đã giúp Quốc hội và Hội đồng
Nhà nước giám sát việc thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách
giáo dục, việc thực hiện Quyết định 126-CP, ngày 13-9-1981 của Hội đồng
Chính phủ về công tác hướng nghiệp và xem xét tình hình tổ chức đời sống văn
hóa ở cơ sở. Ủy ban chúng tôi đã nghe các Bộ, các ngành hữu quan báo cáo, đã
tổ chức các đoàn đại biểu đi tìm hiểu tình hình thực tế tại các tỉnh Lạng
Sơn, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Long An và Minh Hải. Trong những
ngày gần đây, Ủy ban đã nghe đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và đại diện
Bộ Tài chính báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước
trên các lĩnh vực văn hóa - giáo dục trong năm 1983 và những chỉ tiêu chính
trong kế hoạch nhà nước năm 1984.
Thay mặt Ủy
ban, chúng tôi xin trình bày trước Quốc hội một số vấn đề về cải cách giáo
dục, về công tác hướng nghiệp và về tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở cùng
với những ý kiến về kế hoạch và ngân sách nhà nước trong năm 1984 cũng như
những năm tới đối với sự nghiệp văn hóa - giáo dục.
A- VỀ TÌNH
HÌNH GIÁO DỤC
Tại kỳ họp thứ
2 và kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa VII, Ủy ban chúng tôi đã trình bày với
Quốc hội nhiều vấn đề bức thiết về sự nghiệp giáo dục, nhưng càng đi sâu vào
lĩnh vực "vì lợi ích trăm năm" này, chúng tôi càng thấy có nhiều vấn đề đáng
suy nghĩ, đáng trao đổi để làm sáng tỏ thêm. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi xin
tiếp tục báo cáo với Quốc hội những kết quả mà Ủy ban đã tìm hiểu, nghiên
cứu trong năm vừa qua.
I- VỀ MỤC TIÊU
VÀ CHẤT LƯỢNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC
Khi nêu những mục tiêu của cải cách giáo dục, Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị
đã chỉ rõ: "Từng bước thu hút tất cả các trẻ em trong độ tuổi vào nhà trẻ và
mẫu giáo...; cần phấn đấu cho thế hệ trẻ từ 6 tuổi đến tuổi trưởng thành
được học đầy đủ đến bậc phổ thông trung học và được chuẩn bị tốt để đi vào
nghề nghiệp"; và "phấn đấu thực hiện chế độ cả xã hội chăm sóc, nuôi dạy trẻ
em, làm cho mọi trẻ em đều được học tập một cách bình đẳng, không tùy thuộc
vào hoàn cảnh riêng về gia đình, dân tộc và địa phương".
Đó là những mục tiêu cao cả mà chỉ dưới chế độ ưu việt của chúng ta mới được
đặt ra để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu. Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp giáo dục
nước ta trong những năm qua, chúng ta có thể khẳng định được sự nỗ lực phấn
đấu mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và các địa phương đối với những mục tiêu nói
trên, trong đó có vai trò rất lớn của ngành Giáo dục trong công tác chỉ đạo
và trong việc đề ra những biện pháp thực hiện cụ thể.
Sau hai năm triển khai và thực hiện cải cách giáo dục, tình hình giáo dục
của ta đã có những chuyển biến rõ rệt. Ở các thành phố và các tỉnh đồng bằng
miền Bắc, hơn 90% số cháu đến độ tuổi đã được tới trường. Công tác bồi dưỡng
giáo viên dạy chương trình cải cách, công tác củng cố cơ sở vật chất, thay
sách giáo khoa... đã được nhiều nơi thực hiện khá chu đáo và đồng bộ. Ủy ban
chúng tôi đã thấy rõ kết quả như trên ở trường Nguyễn Tri Phương (Huế) và
một số trường ở Hà Nam Ninh, trường Cẩm Bình ở Nghệ Tĩnh, v.v.. Về chất
lượng của các lớp học cải cách, đối với những nơi có sự chỉ đạo thực hiện
tốt các yêu cầu theo nội dung cải cách, đã có tỷ lệ học sinh lớp 1 và 2 lên
lớp trên từ 80% đến trên 90%, có nơi đạt 100%, và chất lượng về đạo đức, khả
năng nhận thức, tư duy của học sinh được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, ngay ở
những nơi có sự chỉ đạo thực hiện tốt nhất, những trường điểm, lớp mẫu được
ngành Giáo dục công nhận, chúng tôi ước tính cũng mới chỉ đạt 70 - 80% toàn
bộ yêu cầu về tổ chức lớp, về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thay sách
giáo khoa. Đa số các địa phương, tuy cũng đạt được những kết quả bước đầu
nhưng đều gặp những khó khăn chưa thể giải quyết ngay được, như: cơ sở vật
chất chưa bảo đảm đúng yêu cầu, sư phạm, bàn ghế chưa đúng quy cách; công
tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chưa được tiến hành chu đáo (cá biệt có giáo
viên lớp 1 không phân biệt được nguyên âm, phụ âm) và đang lúng túng vì cạn
nguồn giáo viên có khả năng bồi dưỡng để dạy các lớp cải cách tiếp theo;
việc phân phối sách giáo khoa vừa thiếu, vừa đến chậm, có nơi đã hết học kỳ
I năm 1983 nhưng sách giáo khoa lớp 2 vẫn chưa về tới trường (Lạng Sơn). Cho
đến nay, tỉnh Minh Hải mới thu hút được 49% số cháu trong độ tuổi đi học,
một số xã ở huyện Năm Căn chỉ có 15% số cháu đến độ tuổi được đi học. Nhiều
xã, ấp ở Minh Hải, học sinh chỉ học đến lớp 3 là đã "ra trường" vì thiếu
giáo viên nghiêm trọng. Tỉnh tuyển 300 học viên sư phạm cấp I, cấp II nhưng
chỉ có 18 em ghi tên, do các em không thích học ngành sư phạm. Theo báo cáo
của các địa phương, tình trạng học sinh bỏ học giữa cấp khá phổ biến. Số học
sinh cuối cấp so với đầu cấp thường giảm sút từ 10 - 15%. Cho nên, tình
trạng mù chữ trở lại, kể cả số trẻ em và số người lớn đã học bổ túc, đang
diễn ra ở nhiều nơi. Riêng tỉnh Minh Hải có khoảng 150.000 người (khoảng 10%
dân số) thuộc diện nói trên. Ở một số xã ở miền núi phía Bắc cũng xảy ra
tình hình tương tự.
Như vậy, những mục tiêu mà Nghị quyết về cải cách giáo dục đề ra, chúng ta
khó có thể thực hiện được trong vài năm sắp tới. Phải có sự nỗ lực phấn đấu
toàn diện và những biện pháp chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, và với nội dung có
quan niệm linh hoạt hơn nữa, thì đến năm 1990 chúng ta mới có thể đạt được
mục tiêu phổ cập cấp I và mới thực hiện cải cách giáo dục một cách toàn diện
được.
II- VẤN ĐỀ
GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP TRONG
NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Do nhu cầu xây
dựng nền kinh tế và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, do sự nghiệp
giáo dục ngày càng phát triển, vấn đề giáo dục hướng nghiệp từ lâu đã trở
thành mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Quyết định 126-CP, ngày
13-9-1981 của Hội đồng Chính phủ chỉ là
cái mốc quan trọng đánh dấu sự quan tâm lớn lao đó. Thấm nhuần đường lối,
chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, các địa phương đã có ý
thức tích cực thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, đã ra những nghị
quyết triển khai và chỉ đạo thực hiện cụ thể Quyết định 126-CP và thu
được những kết quả bước đầu đáng kể. Một số trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng
hợp đã được xây dựng và thu hút được sự tham gia nhiệt tình của học sinh.
Nhiều phòng học bộ môn, xưởng trường, vườn trường đã được xây dựng với những
hình thức, nội dung khá đa dạng, phong phú để hướng dẫn học sinh thực hành.
Một số địa phương đã đưa vấn đề giáo dục hướng nghiệp vào hoạt động ở các
nhà văn hóa, các câu lạc bộ. Các trường Cẩm Bình (Nghệ Tĩnh), Tân Lâm (Bình
Trị Thiên), Đồng Giao (Hà Nam Ninh), v.v. đã mở ra được những hướng đi đúng
đắn, tạo cơ sở cho học sinh bước vào đời với niềm phấn khởi, tự tin.
Song, công tác
hướng nghiệp nhìn chung chưa được triển khai một cách toàn diện và đồng bộ.
Đối chiếu yêu
cầu và những nội dung của công tác giáo dục hướng nghiệp với tình hình triển
khai, thực hiện của các ngành, các địa phương, Ủy ban chúng tôi có những
nhận xét sau đây:
- Về nhận
thức, công tác hướng nghiệp mới được hiểu đơn giản là giáo dục lao động, và
dạy nghề cho học sinh.
- Nội dung
chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông chưa thể hiện được yêu cầu
hướng nghiệp, chưa có sự cải tiến rõ rệt thông qua nội dung các môn học.
- Chưa có sự
tham gia tích cực của các ngành kinh tế. Ngoài các ngành chủ quản, chỉ có Bộ
Lâm nghiệp có Thông tư hướng dẫn các cơ sở trong ngành thực hiện Quyết định
126. Nhiều địa phương đang băn khoăn, lúng túng vì không biết nên hướng học
sinh vào những "nghiệp" gì, và ai là người đỡ đầu các em trong việc học tập
các nghề mà xã hội đang cần thiết?
- Công tác dạy
nghề cho học sinh tốt nghiệp cấp II và cấp III chưa phù hợp với nhu cầu phát
triển ngành nghề của xã hội, chưa đáp ứng được tâm lý xã hội của thanh,
thiếu niên.
Các trường do
Nhà nước tổ chức mới tính đến nhu cầu đào tạo số công nhân công nghiệp cho
các ngành công nghiệp, trong khi nhu cầu này chỉ thu hút khoảng 10% số học
sinh cấp II và cấp III không học tiếp được.
III- VỀ VẤN ĐỀ
ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG CÁN BỘ
Ở CẤP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
Hơn một lần,
Ủy ban chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội về sự mất cân đối giữa đào tạo và
sử dụng; giữa số lượng học sinh tốt nghiệp ngày càng tăng và khả năng thu
nhận của các cơ quan nhà nước có hạn; giữa nhu cầu cần mở rộng, phát triển
của khu vực các cơ quan hoạt động về khoa học xã hội với sự khống chế bởi số
biên chế đã quá nhiều ở các cơ quan, xí nghiệp kinh tế. Đối với kế hoạch đào
tạo số cán bộ và công nhân trong năm 1984 và những năm tiếp theo, Ủy ban
chúng tôi đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu để cân đối một số lĩnh vực sau:
- Cần xác định
nhu cầu phát triển của các cơ quan công tác khoa học tự nhiên và khoa học xã
hội của Đảng và Nhà nước, như các cơ quan tham mưu. Các cơ quan nghiên cứu,
các cơ quan ngôn luận, báo chí, xuất bản, v.v. để đề ra kế hoạch lao động,
quy định biên chế cho các cơ quan này, không nên quy định giảm biên chế bình
quân và nhất loạt như nhau.
- Cần chú ý
đến nhu cầu của các cơ sở kinh tế tập thể, công tư hợp doanh và cả cơ sở của
tư nhân; tính đến những nhu cầu lao động "có kỹ thuật" của các gia đình cán
bộ, công nhân viên nhận làm gia công cho Nhà nước.
- Cần tính đến
tình trạng số học sinh sẽ ra trường trong những năm tới vẫn chưa ăn khớp với
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trước mắt, đề
nghị Nhà nước:
1. Cần có
chính sách sử dụng số cán bộ đã được đào tạo mà chưa bố trí được việc làm
vào các khu vực kinh tế khác nhau, kể cả các dịch vụ xã hội đang cần phát
triển.
2. Cần có chủ
trương và kế hoạch phát triển công tác dạy nghề, sao cho đáp ứng được các
nhu cầu học nghề trong cả xã hội, như:
- Bảo đảm mục
tiêu lớn là dạy nghề công nghiệp để đào tạo một lớp công nhân mới có kiến
thức, có kỹ thuật;
- Mở rộng dạy
nghề trong các khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (trồng, bảo quản,
khai thác rừng), tiểu thủ công nghiệp và những nghề truyền thống;
- Tổ chức dạy
nghề ở các khu vực dịch vụ, sản xuất gia công, v.v. để có thể cơ bản thu hút
số mấy chục vạn học sinh hết cấp phổ thông cơ sở và cấp phổ thông trung học
hằng năm không được tiếp tục học lên.
Nếu chỉ tính
trong kế hoạch mỗi năm 5 hoặc 7 vạn học sinh học nghề thì chưa giải quyết
được vấn đề.
IV- VẤN ĐỀ
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở CÁC KHU VỰC
Các báo cáo
chính thức đã công nhận tình trạng giảm sút chất lượng giáo dục. Sự giảm sút
này có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó hai nguyên nhân lớn nhất vẫn là
đội ngũ giáo viên (trong đó có vấn đề đời sống) và cơ sở vật chất.
Trong thực tế, những vấn đề trên đây đã được đề cập trong Quyết định 126-CP,
ngày 13-9-1981, Nghị quyết 109-CP, ngày 12-3-1981 và nhất là mới đây đã được
đề cập một cách toàn diện trong Nghị quyết 73, ngày 12-7-1983 của Hội đồng
Bộ trưởng. Tuy vậy, ngay những văn bản nói trên, chúng tôi vẫn thấy mang
nặng tính chắp vá, đối phó, chưa thể hiện một cách nhìn vị trí xã hội của
giáo viên (và trí thức) cho nên vẫn còn nhiều tác động tiêu cực vào tâm lý
xã hội: coi thường nghề thầy giáo. Sự chỉ đạo triển khai, thực hiện còn bộc
lộ những chệch choạc, những mâu thuẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản.
Chủ trương xây dựng quỹ bảo trợ học đường đã có 3 năm mà chỉ 22 tỉnh thực
hiện, ngay ở những nơi đã thực hiện cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mới.
Đến nay, hai vấn đề mấu chốt nhằm giải quyết tình hình trên là đội ngũ
giáo viên và cơ sở vật chất vẫn chưa bảo đảm để thực hiện yêu cầu
và nội dung giáo dục. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục vẫn thiếu
nghiêm trọng, nhiều chính sách về vấn đề này được thực hiện một cách tùy
tiện ở các nơi. Tình trạng coi thường đội ngũ giáo viên, coi thường trí thức
vẫn còn là một căn bệnh khá nặng trong xã hội, vị trí của họ vẫn chưa được
đánh giá đúng với trọng trách mà họ đảm đương. Điều này thể hiện ngay từ
khâu tuyển lựa (điểm vào trường sư phạm thấp hơn so với các trường 2 - 3
điểm), đầu tư cho công tác đào tạo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh
thần... của giáo viên. Nguyên nhân của những nguyên nhân dẫn đến tình hình
nói trên là tình hình phát triển giáo dục không xứng với tình hình phát
triển kinh tế.
B- VỀ VĂN HÓA
- VĂN NGHỆ
Để nền văn hóa
xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xây dựng một cách có kế hoạch, vừa bảo đảm
nội dung xã hội chủ nghĩa, vừa mang tính chất dân tộc, Ủy ban chúng tôi xin
kiến nghị với Quốc hội ba vấn đề lớn và cũng là ba mục tiêu về văn hóa nước
ta trong những năm sắp tới:
I- XÂY DỰNG
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở CƠ SỞ
ĐỂ ĐƯA VĂN HÓA VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
CỦA NHÂN DÂN
Muốn thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V và Nghị
quyết Trung ương lần thứ 3 đề ra là, đến năm 1985 tất cả các cơ sở đều có tổ
chức đời sống văn hóa, Hội đồng Bộ trưởng cần có sự hướng dẫn việc quy hoạch
các "cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa" và tăng cường công tác xây dựng văn
hóa ở cấp huyện. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, có thể quy hoạch cả nước
khoảng 10.000 - 12.000 cơ sở để tổ chức đời sống văn hóa. Đó là những xã,
cụm xã, phường, thị trấn; những trung tâm các liên hiệp xí nghiệp, các nông
trường, các công trường xây dựng lớn... Trong đó, có thể nên quy định các
mức khác nhau để phấn đấu:
- Mức cao: với
yêu cầu là có một hệ thống thiết chế văn hóa tương đối hoàn chỉnh ở các cơ
sở và có các mặt hoạt động đều và mạnh, có mặt đạt mức tiên tiến.
- Mức trung
bình: với yêu cầu đang hình thành thiết chế văn hóa (chưa hoàn chỉnh).
- Mức tối
thiểu: với những đòi hỏi tối thiểu: có hoạt động thông tin đại chúng; có
hoạt động giáo dục văn hóa và câu lạc bộ, nhà truyền thống; có hoạt động văn
nghệ; có tổ chức vận động xây dựng nếp sống mới.
Để tổ chức
được những hoạt động trên, kế hoạch nhà nước phải tính đến cân đối một số
vật tư, thiết bị mà nhân dân không thể tự sản xuất được (xi măng, sắt, gỗ)
và một số vật tư kỹ thuật về ánh sáng, âm thanh, trang trí, v.v. cho một số
cơ sở và những thứ vật tư bảo đảm hoạt động như: nguồn điện (máy phát điện
nhỏ, pin, ắc quy), vải vóc, mỹ phẩm, thuốc vẽ... cho tất cả các cơ sở. Đồng
thời, cần bảo đảm cho 50% số huyện, quận có những trung tâm văn hóa cấp
huyện mà công trình chủ yếu là Nhà văn hóa. Hiện nay, đã có 96 quận,
huyện có nhà văn hóa, chiếm 1/4 số huyện. Như vậy, từ nay đến hết năm 1983,
cần xây dựng hơn 400 nhà văn hóa cấp huyện nữa mới đạt 230 huyện, quận có
nhà văn hóa như Bộ Văn hóa đã dự tính. Nếu kế hoạch nhà nước chỉ ghi được 10
nhà văn hóa huyện cho năm 1984, phải khuyến khích các huyện xuất vốn tự có
và huy động nhân dân làm thêm nhiều.
II- BẢO TỒN CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ THẮNG CẢNH, XÂY DỰNG CÁC CÔNG
TRÌNH KỶ NIỆM LỚNĐỂ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG
Đây là một vấn
đề lớn, bức thiết mà các địa phương đang quan tâm và đang tiến hành thực
hiện. Hội đồng Bộ trưởng cần có sự chỉ đạo việc quy hoạch tổng thể và cần có
thể chế quy định những điều kiện và quy trình, thủ tục để xây dựng các công
trình kỷ niệm ở các cấp huyện, tỉnh và Trung ương để tránh tình trạng xây
dựng tự phát, vừa không có quy hoạch, vừa kém về chất lượng và thẩm mỹ. Đối
với những công trình lớn mà kế hoạch nhà nước đã ghi (5 công trình: Điện
Biên Phủ, Đền Hùng, đường Trường Sơn, Huế, Côn Đảo) cần phải cụ thể hóa thêm
kế hoạch, như: Quy hoạch tổng thể từng công trình, thiết kế (có sáng tác) và
từng bước xây dựng tương ứng với từng bước đầu tư và cân đối vật tư. Những
công trình này không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn, có công trình
phải kéo dài hàng chục năm (Đền Hùng) và không phải chỉ đầu tư một lần là
xong, vì công tác bảo tồn, tu sửa, tôn tạo và xây dựng thêm của các công
trình đòi hỏi phải có nhiều tiềm năng và trí tuệ.
III- CÁC BIỆN
PHÁP, CHÍNH SÁCH NHẰM NÂNG CAO
CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT
Chúng tôi xin nhắc lại ý kiến của mình tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội là,
muốn có những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, những công trình văn hóa có chất
lượng cao, có quy mô xứng đáng, các cơ quan nhà nước cần có sự đầu tư về trí
tuệ chỉ đạo và kinh phí. Phải biểu hiện rõ vai trò và trách nhiệm của cơ
quan nhà nước bằng cách thực hiện việc "đặt hàng" đối với các cơ quan sáng
tạo như: các hội văn nghệ, các xưởng phim, các nhà hát, các đoàn nghệ
thuật... Sự đầu tư này có thể mang tính chất phiêu lưu nhưng lại hết sức cần
thiết, vì sự thành công hay thất bại của một sản phẩm (tác phẩm) văn hóa -
nghệ thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi vậy, đi đôi với sự đầu tư, sự
"đặt hàng", cần kèm theo những chính sách nhằm khuyến khích sự say mê, hào
hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Ngay từ bây giờ, kế hoạch nhà nước đã phải
chuẩn bị cho những tác phẩm xuất hiện vào năm 1985 (thực ra đã quá muộn) và
của năm 1990. Đối với lĩnh vực nghệ thuật tạo hình và làm phim, việc đặt
hàng có thể được tiến hành cụ thể và rõ rệt với cơ quan chủ quản, nhưng đối
với các lĩnh vực nghệ thuật khác thì muốn đặt hàng, cần phải trao đổi trực
tiếp với các nghệ sĩ (chủ yếu qua các hội văn học - nghệ thuật).
Tóm tại, ngay
đối với việc nâng cao chất lượng văn hóa - văn nghệ, trong chỉ tiêu kế hoạch
nhà nước cũng cần phải cụ thể hóa ở nhiều khâu chứ không phải chỉ đơn
thuần là chỉ tiêu số trang sách cần xuất bản, số phim cần sản xuất, số loa
truyền thanh cần bảo đảm và số người xem nghệ thuật... như báo cáo của
Hội đồng Bộ trưởng đã nêu.
Kính thưa
Quốc hội,
Trên đây,
chúng tôi đã phát biểu những vấn đề có tính chất riêng biệt của công tác
giáo dục và công tác văn hóa - nghệ thuật. Bây giờ, chúng tôi xin đề cập một
số vấn đề liên quan đến cả hai lĩnh vực và cần được cân nhắc trong chỉ tiêu
kế hoạch Nhà nước:
Một là, vấn
đề chỉ tiêu sản xuất và nhập giấy:
nếu như mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều cần đến giấy thì, đối với công tác
giáo dục và công tác văn hóa - nghệ thuật, giấy là nhu cầu sống còn.
Theo con số của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, hằng năm, chúng ta sản xuất 55.000
tấn giấy các loại (kể cả bìa các tông), bình quân mỗi người có 1 kg
giấy/năm. Con số này không thể phản ánh một trình độ văn hóa, vì thực ra chỉ
có 16.000 tấn là thuộc giấy in sách báo và các loại ấn phẩm, bình quân mỗi
người có 0,3 kg giấy in. Thế mà, ngay trong số 16.000 tấn giấy đó, số giấy
tờ quản lý đã chiếm 400 tấn rồi.
Trong mấy năm
trước mắt, Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu phải bảo đảm 6 tỷ trang in cho sách
giáo khoa trong một năm (hiện nay chỉ có 2,8 tỷ trang). Thông thường, số
sách giáo khoa chỉ chiếm tỷ lệ 45 - 50% số giấy in sách. Số giấy in sách lại
chỉ chiếm 1/2 số giấy in sách, báo (1/2 giấy khác là in báo). Nếu muốn in 6
tỷ trang sách giáo khoa thì toàn bộ số sách phải đạt 12 - 15 tỷ trang in và
toàn bộ số sách, báo phải đạt 25 - 30 tỷ trang. Năm 1984, Bộ Văn hóa dự tính
in 22,3 tỷ trang in cũng phải mất 19.235 tấn giấy. Như vậy, muốn có 25 tỷ
trang in, chúng ta phải có 21.500 tấn giấy. Kế hoạch nhà nước vẫn ghi chỉ
tiêu năm 1984 là 16.000 tấn giấy thì tình hình sách, báo sẽ hết sức căng
thẳng.
Theo báo cáo
mới nhất thì kế hoạch nhà nước đã ghi năm 1984 20.000 tấn và năm 1985:
24.000 tấn giấy viết. Nếu thực hiện được kế hoạch như thế, thì là một điều
rất đáng hoan nghênh.
Đã thế, khâu
quản lý giấy của ta hiện nay lại có rất nhiều kẽ hở. Nếu cứ theo đúng chỉ
tiêu giấy của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì một năm chỉ có thể in được 18 tỷ
trang in, nhưng thực tế, các nhà in lại in tới gần 41 tỷ trang. Số giấy vượt
chỉ tiêu có từ đâu, rất ít người biết đến. Trong khi đó, mỗi tấn giấy, Nhà
nước phải bù lỗ 8.500 đồng (giá thành ở nhà máy là 20.500đ/tấn, Nhà nước thu
mua 18.000đ/tấn và bán ra theo giá cung cấp là 12.000đ/tấn). Điều đáng chú ý
là các thứ giấy in nhãn hàng, bao bì, in sổ số, v.v. là những thứ giấy sẽ
tính vào giá thành hàng hóa kinh doanh mà cũng được hưởng giá cung cấp.
Đề nghị Nhà
nước cần có một chính sách rõ ràng về giấy in và điều chỉnh giá cả giấy,
sách sao cho hợp lý. Để giảm bớt khó khăn về giấy, ngoài khâu quản lý tốt số
giấy đã có, hằng năm, đề nghị Nhà nước nghiên cứu nếu cần thì nên nhập thêm
giấy hoặc bột giấy và hóa chất để sản xuất, sao cho có thêm được khoảng
5.000 - 7.000 tấn giấy in các loại. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa phải
nghiên cứu và đề xuất một chủ trương về chính sách xuất bản, bảo đảm đáp ứng
tương đối đúng yêu cầu của nhân dân và hạn chế số sách in ra không bán được,
sẽ tồn đọng trong kho hay trong các quầy bán sách, lâu lâu phải thanh lý.
Hai là, vấn
đề "Nhà nước và nhân dân cùng làm":
Có thể nói đây
là một phương châm sáng tạo tuyệt vời, không những ở nước ta mà nhiều nước
xã hội chủ nghĩa anh em khác đã thực hiện. Theo các đồng chí ở Bộ Tài chính
cho biết, trong sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông,
ngoài sự đóng góp trực tiếp bằng công sức, số tiền nhân dân ủng hộ thường
gấp đôi, có khi gấp nhiều lần số tiền Nhà nước đầu tư. Nhiều trường hợp, lớp
học khang trang mọc lên ở các địa phương là kết quả của việc thực hiện
phương châm này. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp vào các công trình y tế,
văn hóa, thủy lợi, đóng góp vào các sự kiện đột xuất như: cứu giúp vùng bão
lụt, giúp các vùng biên giới, khu kinh tế, tham gia xây dựng các công trình
thủy điện sông Đà, Trị An, v.v..
Theo dõi tình
hình thực hiện phương châm nói trên, Ủy ban chúng tôi nhận thấy đang có hai
vấn đề lớn đặt ra:
a) Nhân dân
cảm thấy sự đóng góp của mình quá nhiều.
Riêng đối với
sự nghiệp giáo dục, nhân dân cũng phải đóng góp 5 - 6 khoản khác nhau:
- Tiền quỹ bảo
trợ học đường;
- Xây dựng
trường sở (số Ủy ban nhân dân xã thu và quản lý).
- Mua, thuê
sách giáo khoa;
- Thi cử cuối
cấp;
- Ngày lễ
(20-11, v.v..).
Những gia đình
có đông con em đi học, nhất là gia đình cán bộ, công nhân viên, cảm thấy sự
đóng góp vượt quá xa sức của mình. Ngay giới hạn đóng góp của từng khu vực
dân cư, từng đối tượng gia đình cũng không được quy định cụ thể về khối
lượng đóng góp chung của nhân dân cũng không được tính toán, thông báo chính
xác. Ở các khu vực thành thị, công trường..., nơi tập trung chủ yếu là cán
bộ, công nhân viên nhưng không có kinh phí để đóng góp vào sự nghiệp giáo
dục và các hoạt động văn hóa trong khi có những quỹ còn tồn đọng "hàng trăm
triệu đồng" (quỹ 2% tổng quỹ lương của Tổng Công đoàn).
b) Nhân dân
không hiểu việc quản lý, sử dụng sự đóng góp của
mình như thế
nào? Những quỹ của nhân dân đóng góp nếu quản lý không tốt sẽ có sự tham ô
và sử dụng không đúng mục đích. Nhiều người phân vân về một số quy chế đóng
góp mang tính bắt buộc, cưỡng bức chứ không phải là dựa vào sự đóng góp tự
nguyện của nhân dân (ví dụ: quỹ bảo trợ học đường).
Vì vậy, đối
với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chúng tôi đề nghị Nhà nước
giải quyết một số vấn đề sau:
1. Phải có sự
theo dõi, nghiên cứu và tính toán để đánh giá đúng mức khả năng đóng góp của
nhân dân ở các khu vực khác nhau, như khu vực công nhân viên nhà nước, khu
vực nông dân tập thể, khu vực làm ăn cá thể, v.v. để quy định việc huy động
cho hợp lý và hợp lòng dân.
2. Phải có
những thể chế quy định sao cho nhân dân cảm thấy sự đóng góp của mình là tự
nguyện, là phù hợp với khả năng và đáng phấn khởi.
3. Cần xác
định rõ trách nhiệm của Nhà nước đến mức nào trong các sự nghiệp thực hiện
phương châm này. Việc cân đối, đầu tư những vật tư, nguyên liệu, mà chỉ Nhà
nước mới có thể có, cho các công trình xây dựng là việc làm cần thiết. Đó là
nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đang yêu cầu Nhà nước.
4. Mọi quỹ cần
phải được thống nhất và phải được quản lý ngoài ngân sách nhà nước. Bộ Tài
chính cần thực hiện nguyên tắc: Quỹ nào sử dụng vào việc nấy, không cân đối
sang việc khác. Quỹ đóng góp của nhân dân cần để riêng, không đưa vào cân
đối chung; năm nay sử dụng chưa hết thì sang năm sử dụng tiếp, không nên cắt
đi để bù vào hoạt động khác.
Chúc kỳ họp
thành công tốt đẹp!