VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN Y TẾ, XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
VỀ VỆ SINH LAO ĐỘNG, PHÒNG, CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN CÔNG NGHIỆP
(Do ông Dương Quốc Chính, Chủ nhiệm Ủy ban y tế, xã hội của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1983)

Thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Năm 1983, thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các ngành, các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực y tế, xã hội, thể dục thể thao theo quy định của Hiến pháp, Ủy ban y tế, xã hội của Quốc hội đã có những hoạt động nhằm tìm hiểu các mặt công tác trên. Một trong những vấn đề Ủy ban đã chọn để đi sâu xem xét là vấn đề vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân công nghiệp. Đây thực chất là vấn đề bảo vệ sức khỏe cho người lao động, cái "vốn quý nhất của chúng ta"[1], nhân tố nằm trong mạch máu kinh tế, có tác dụng quyết định trong việc tạo ra năng suất lao động, xã hội, giá trị tổng sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng cao và là chủ lực trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Ủy ban chúng tôi đã có những đoàn đại biểu đi xem xét tình hình tại chỗ ở một số xí nghiệp có nhiều yếu tố độc hại trong sản xuất thuộc các ngành Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng như: Dệt 8-3, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Điện Yên Phụ (Hà Nội), Cao su Hóc Môn, Bột giặt Cửu Long, Dệt Việt Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh), Sứ Hải Dương, khu gang thép Thái Nguyên - mỏ than Phấn Mễ Bắc Thái, mỏ than Quảng Ninh. Ủy ban cũng đã họp làm việc với Bộ Y tế, Lao động, Cơ khí Luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Mỏ và Than, Tổng Công đoàn về vấn đề này.

Qua nghiên cứu tìm hiểu, với mục đích phục vụ Quốc hội có thêm cơ sở thực tiễn để xem xét thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 1984 và trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 (về đầu tư chiều sâu cho các ngành sản xuất công nghiệp, về trang thiết bị phòng hộ, về kế hoạch hóa sản xuất phương tiện bảo hộ lao động, và đào tạo cán bộ quản lý về công nhân kỹ thuật... Ủy ban y tế, xã hội của Quốc hội xin báo cáo một số tình hình quan trọng và cấp thiết. Về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân công nghiệp cùng với những kiến nghị của Ủy ban để Quốc hội xem xét trong khi thông qua kế hoạch 1984 và phương hướng phấn đấu 1985 như sau:

Thưa Quốc hội,

Quá trình phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề bảo vệ sức khỏe người sản xuất đã được đặt ra cùng với việc nâng cao kỹ năng lao động của họ. Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vấn đề này. Nhiều chính sách chế độ và hàng loạt những quy trình quy phạm nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và an toàn lao động cho công nhân cùng các lực lượng lao động khác đã được ban hành.

Trên cơ sở đó, các cơ quan có chức năng đã chỉ đạo giúp đỡ xí nghiệp công trường chăm lo sức khỏe công nhân trong đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch kinh tế được giao. Một số nơi có sự quyết tâm lớn của đảng ủy và ban giám đốc xí nghiệp, tình hình vệ sinh, an toàn lao động và điều kiện làm việc của công nhân được giải quyết tốt.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác này trong mấy năm vừa qua còn có tính chất riêng lẻ, phần ai nấy làm với khả năng cố gắng của riêng mình, thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của những cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan làm kế hoạch kinh tế ở các cấp, nên kết quả đã đạt được còn rất hạn chế, cục bộ chưa tương xứng với yêu cầu. Tình hình vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp bảo vệ sức khỏe công nhân và an toàn lao động đang còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại cần phải giải quyết. Các yếu tố độc hại như: bụi, hơi khí độc, hơi chất độc, nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, v.v.. Trong môi trường sản xuất của đại đa số xí nghiệp, công trường mà ngành Y tế đã điều tra đo đạc được đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo số liệu điều tra ở 560 xí nghiệp công nghiệp và ngành Giao thông vận tải do ngành y tế tiến hành thì, bình quân: bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 40 - 100% (mẫu số đo); hơi khí độc từ 35 - 85%; nhiệt độ cao từ 35 - 95%; tiếng ồn từ 55 - 85%. (Báo cáo của Bộ Y tế). Các yếu tố độc hại bao phủ người công nhân đang căng thẳng thần kinh, cùng thể lực, trong tư thế lao động cực nhọc liên tục suốt một phần ba thời gian của mỗi ngày mà việc bù đắp năng lượng đã tiêu phí trong quá trình lao động ấy, nhiều khi, không được đầy đủ. Đó là tình hình đang hàng ngày hàng giờ tác hại đến sức khỏe người lao động, nhất là những người lao động trong sản xuất công nghiệp - ngành sản xuất then chốt của nền kinh tế quốc gia.

Do đó, trong những năm qua, số người mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau, mất sức ngày càng tăng, bình quân tuổi nghề của công nhân ngày càng thấp, tai nạn lao động hằng năm vẫn xảy ra nhiều.

1. Trước tiên, Ủy ban chúng tôi xin nêu một số trường hợp bệnh nghề nghiệp:

- Phổ biến nhất và rất nguy hiểm là bệnh bụi phổi (silicosis) bệnh xơ cứng phổi do nhiễm bụi Silic (Si02) tự do. Đây là một loại bệnh mà cho đến nay, y học thế giới chưa tìm được phương pháp cứu chữa có hiệu quả. Đáng chú ý là dù người bệnh đã được cách ly khỏi môi trường có bụi, bệnh vẫn tiến triển liên tục ngày càng nặng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, các trường hợp bệnh được giám định từ năm 1979 đến hết 6 tháng đầu năm 1983, tại Hà Nội có 958 người, ở mỏ than Quảng Ninh có 920 người - bằng 2,5% số công nhân trực tiếp sản xuất của mỏ. Nhiều ngành, số người mắc bệnh này chiếm một tỷ lệ khá cao, ở 9 phân xưởng đúc của 9 nhà máy thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim có 768 người - bằng 20% tổng số công nhân viên của các phân xưởng đó, riêng bộ phận phá khuôn đúc đến 41%; xí nghiệp gạch chịu lửa có 130 người - bằng 1/3 số công nhân viên trong xí nghiệp. Người mắc bệnh thường ở tuổi nghề 10 năm trở lên, tuổi đời từ 35 tuổi trở lên, nhưng cũng có khá nhiều trường hợp, người công nhân tiếp xúc với môi trường lao động có bụi mà hàm lượng Si02 cao thì trong vòng 3 - 5 năm đã bị mắc bệnh. Các đồng chí ở mỏ than Quảng Ninh ước tính: cứ 100 công nhân (trực tiếp sản xuất) được 10 năm tuổi nghề thì có 11 - 12 người mắc bệnh này (chưa kể những trường hợp nghi ngờ mà chưa có phương tiện để giám định

- Bệnh điếc nghề nghiệp tuy không phải loại bệnh nguy hiểm, song nó hạn chế không ít đến năng suất lao động của người công nhân. Và, thường thường làm việc liên tục tiếp cận nơi có tiếng ồn lớn từ 90 - 100 dBA trở lên (tiêu chuẩn cho phép là 84 dBA) mà không có phương tiện chống ồn thì sẽ bị điếc, nhất là những người có tuổi ngoài 40 tuổi. Trong một số ngành nghề, người bị điếc chiếm một tỷ lệ tương đối cao. Ví dụ: thợ gò rèn, thợ tán ri vê ở các nhà máy đóng tàu có đến từ 30 - 33% người mắc bệnh. Cùng với tiếng ồn tác động rung xốc cường độ lớn cũng gây chứng đau lưng, tổn thương xương khớp vai, cổ tay, rối loạn vận mạch, có trường hợp rối loạn cả thần kinh chức năng - chịu đựng tiếng ồn, độ rung xốc và bức xạ nhiệt cao, anh em lái xe ben lớn, xe xúc nặng, trung bình, chỉ 5 năm tuổi nghề đã không thể tiếp tục nghề này được nữa. Cũng như chị em đứng máy dệt thường thường sau 10 năm phải ra khỏi dây chuyền sản xuất hoặc phải nghỉ mất sức.

- Những bệnh nhiễm độc chì, benzen, bụi amiant, tiax và các hóa chất độc khác cũng đã phát hiện và giám định một số trường hợp. Loại bệnh này hiện nay chưa thấy nhiều, một phần vì y tế các cơ sở sản xuất chưa đủ phương tiện giám định. Song cũng rất đáng chú ý, nhất là những nơi có nồng độ hóa chất cao. Theo báo cáo của Bộ Y tế, kết quả - điều tra tại 19 nhà máy hóa chất cho thấy các hơi khí độc và bụi hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép thấp nhất là một lần, cao nhất đến gần 100 lần, trong đó, có những chất rất độc có thể gây nhiễm độc cấp tính chết người[2]. Cần chú ý tình hình này ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tập thể và tư nhân ở xen với khu dân cư đông đúc trong các thành phố, thị xã.

- Ngoài ra, còn nhiều loại bệnh, tuy chưa liệt vào danh sách bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Thông tư 08/TT/LB nhưng cũng gây tổn thương sức khỏe ảnh hưởng đến năng lực lao động của công nhân, như: bệnh xạm da, bệnh đáy mắt, bệnh chàm tiếp xúc, v.v.. Điều tra trong 4 đơn vị sản xuất của ngành Than thấy những bệnh này chiếm tỷ lệ từ 5 - 11%, riêng bệnh xạm da ở bộ phận than luyện) chiếm 64% số công nhân ở đây. Đặc biệt ở xưởng luyện cốc khu gang thép Thái Nguyên, gần hầu hết anh em công nhân trực tiếp sản xuất đều bị xạm da tiếp xúc, có người bị xạm cả toàn thân bệnh không nguy hiểm, nhưng công nhân rất ngại làm nghề này.

2. Về sức khỏe và số người nghỉ mất sức

- Trong mấy năm gần đây, số người ốm, số người kém sức khỏe (loại IV, V) có chiều hướng ngày càng nhiều. Xin nêu một vài con số so sánh ở một số nơi có kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân và có thống kê, báo cáo: số người ốm trong ngành Xây dựng năm 1977 là 25,7%, năm 1980 lên 31,7%. Trong ngành Hóa chất năm 1977 là 25%, năm 1980 lên 31,8%. Về phân loại sức khỏe, số người có sức khỏe loại IV, V trong ngành Hóa chất, năm 1977 là 3,5% năm 1980 tăng lên 11,3%; tại nhà máy dệt Vĩnh Phú năm 1977 là 3,5% năm 1980 lên 15,8% (theo báo cáo của Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp nhẹ). Đa số những xí nghiệp mà chúng tôi đã được khảo sát tại chỗ trong năm qua đều có tình hình tương tự[3].

Do đó, số người nghỉ mất sức mỗi năm mỗi tăng. Theo số liệu thống kê của Tổng Công đoàn: năm 1979 có 9,3 vạn người nghỉ mất sức lao động, năm 1980 lên 10,3 vạn, năm 1981: 13,1 vạn, năm 1982 tăng vọt lên gần 17 vạn - bằng 5,15% tổng số cán bộ công nhân viên của năm này (170.000/3.300.000). Nếu tính số người nghỉ mất sức trong số công nhân trực tiếp sản xuất (thuộc khu vực sản xuất vật chất) thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Tại nhà máy sứ Hải Dương, từ năm 1981 lại đây, có 155 người nghỉ hưu mà trong đó, chỉ có 4 người về hưu đúng tuổi, theo báo cáo của Bộ Công nghiệp nhẹ, số người mất sức, thôi việc, hằng năm, của ngành Dệt đến 7%, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ và tuổi nghề chỉ dưới 12 năm, đại đa số là công nhân nữ, (trong số này không phải tất cả đều do điều kiện làm việc mà còn do một vài nguyên nhân xã hội khác). Để bảo đảm yêu cầu sản xuất, nhiều xí nghiệp, công trường đã phải thay quân hằng năm với con số đáng kể, như: Công ty than Hồng Gai mỗi năm phải tuyển vào 5 - 6 ngàn người để bù vào số người ra khỏi mỏ trong năm (báo cáo của Bộ Mỏ và Than) ngành Giao thông vận tải trong năm qua phải thay 60% số thợ lặn không còn đủ tiêu chuẩn sức khỏe cần thiết của nghề này. Ngành Công nghiệp nhẹ phải thay 8,3%, số người nghỉ hưu, nghỉ mất sức - chủ yếu là người nghỉ mất sức - hằng năm trong ngành của mình. Và theo tính toán sơ bộ của một số cơ sở, bình quân tuổi nghề của thợ dệt là 11 năm, công nhân than ở Quảng Ninh là 15 năm, công nhân toàn ngành cơ khí luyện kim là 13 năm. Thật là một thiệt thòi đối với xí nghiệp cũng như đối với bản thân người thợ, khi bắt đầu có tay nghề vững vàng, có thể tạo nên năng xuất lao động mới cao hơn thì đã phải đến Hội đồng giám định Y khoa để xét cho nghỉ mất sức hoặc về hưu trước tuổi.

3. Về tai nạn lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động, tình hình tai nạn lao động tính theo tỷ lệ, qua các năm có giảm, song về số vụ tai nạn xảy ra vẫn còn lớn và nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1976 đến năm 1982, trong khu vực quốc doanh, tai nạn lao động đã xảy ra cho 130.394 người, trong đó 19.215 người bị thương tật với mức độ khác nhau, 1.895 người chết. Thiệt hại về ngày công lao động lên tới gần 3 triệu công bằng 10.500 công nhân không sản xuất trong một năm. Thiệt hại về máy móc, nhà xưởng, vật tư và sản phẩm tại những nơi xảy ra tai nạn càng lớn không thể tính toán được.

Trong các hợp tác xã nông nghiệp, theo báo cáo của 16 tỉnh phía Bắc, trong 5 năm (1976 - 1980) đã xảy ra 15.120 vụ, làm 811 người chết và 2.945 người bị thương nặng.

Thưa Quốc hội,

Tình hình mà Ủy ban y tế, xã hội chúng tôi nắm được phần lớn là ở các tỉnh phía Bắc, những số liệu trên đây cũng còn có tính chất manh mún, tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan hữu quan, Ủy ban chúng tôi nhất trí nhận xét rằng: tình hình vệ sinh lao động, điều kiện làm việc tại phần lớn các xí nghiệp, công trường chưa tốt đã tác hại không nhỏ đến sức khỏe công nhân, số người mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau, mất sức ngày càng tăng, bình quân bậc thợ, bình quân tuổi nghề của công nhân ngày càng thấp, tai nạn lao động còn xảy ra nhiều nghiêm trọng. Tình hình này nếu để phổ biến và kéo dài sẽ làm cho đội ngũ công nhân lành nghề, đáng lẽ phải tăng nhanh, lại có nguy cơ bị giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất lao động trong công nghiệp và có thể nói, đến nhịp độ phát triển lực lượng sản xuất mà, trong đó, con người lao động có kỹ năng là nhân tố quyết định - con người là vốn quý nhất. Đương nhiên, các đồng chí có trách nhiệm ở đây không phải là không thấy tình hình đó, song hoặc vì yêu cầu sản xuất quá cấp bách hoặc vì đứng trước tình hình có nhiều khó khăn không giải quyết tốt được quan hệ giữa yêu cầu hoàn thành kế hoạch sản xuất với việc bảo vệ, bồi dưỡng sức khỏe người sản xuất mà đành phải chấp nhận và chờ đợi. Cũng có một số nơi có phong trào thi đua "vệ sinh, an toàn lao động", theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được tiến hành tốt, song chưa nhiều.

Thưa Quốc hội,

Cơ sở sản xuất công nghiệp của chúng ta hiện nay có mới, có cũ, bên cạnh những nhà máy mới hiện đại, thiết bị đồng bộ, chúng ta còn phải tiếp tục sử dụng nhiều cơ sở xây dựng từ lâu, máy móc bị ăn mòn dò rỉ, các yếu tố độc hại từ đó thoát ra nhiều. Dây chuyền công nghệ lại không được khép kín, tự động hóa, ở nhiều công đoạn, công nhân phải làm việc thủ công trực tiếp nên phải tiếp cận các tác nhân gây hại đến sức khỏe của mình. Những cơ sở mà chúng ta xây dựng trong thời gian trước đây cũng có nhiều nhà máy đặt trên mặt bằng chật hẹp, ẩm thấp, thiết bị vệ sinh, an toàn lao động bên trong xí nghiệp thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường ngoài xí nghiệp không đảm bảo... Đó là một khó khăn vốn có mà cho đến nay còn tồn tại.

Về vấn đề phương tiện phòng hộ, nhiều báo cáo cho biết: các thiết bị vệ sinh cho môi trường lao động có độc hại như: quạt thông gió, máy hút bụi, hút khí độc, vòi phun nước, màn sương nước, áo che kín búa máy, v.v. được lắp đặt từ lâu đã dần dần bị hư hỏng không được sửa chữa, thay thế hoặc thay thế một cách chắp vá, tạm thời các dụng cụ bảo hộ lao động cho cá nhân, như quần áo cách nhiệt, chống độc, giày, găng tay cách điện, chống dầu, chống axít, chống nóng, chống ẩm, mũ hầm lò, mặt nạ kính công nghiệp, nút tai, khẩu trang thì thường là kém phẩm chất dùng chóng hỏng và sau khi hỏng không được cấp lại hoặc cấp phát không đủ, có trường hợp bị cắt, vì lý do quá thời hạn cấp phát (!). Nên, nhiều nơi phải cấp mũ cối thường cho công nhân hầm mỏ, lò nung; dùng giày vải cấp cho người làm việc nơi có tàn than có dầu, có axít, (chỉ vài ngày axít ăn thủng đế giày); dùng quần áo lao động thường trang bị cho công nhân làm việc nơi có bức xạ nhiệt cao; dùng khẩu trang y tế cấp cho người lao động nơi có bụi, khí độc (ngăn được bụi vào mũi, miệng, thì không hút được ôxy, gây khó thở); dùng bông nhét lỗ tai để giảm tiếng ồn (nhưng chống được ồn thì người dùng coi như bị điếc); cũng như dùng kính râm thường cấp cho thợ hàn, v.v.. Biết là không bảo đảm, nhưng vì sản xuất không được ngừng, nên dù sao, dây chuyền sản xuất vẫn phải chạy đều và do đó, người lao động không thể vắng mặt tại mắt khâu dây chuyền đã dành cho mình. Thậm chí, có trường hợp - không phải là cá biệt - đồng chí giám đốc xí nghiệp không dám công bố quy phạm bảo hộ lao động cho công nhân trước khi họ vào xưởng máy, hầm, lò, vì xí nghiệp không đủ phương tiện vệ sinh lao động đặt trong xưởng máy và dụng cụ bảo hộ lao động phát cho cá nhân (!).

Đối với những loại trang bị kỹ thuật cao thì "năm nào cũng có xin một số ngoại tệ để nhập, nhưng ít được giải quyết, hai năm nay đều chưa có" (báo cáo của Bộ Lao động) còn đại bộ phận những thứ kể ra trên đây đều có thể sản xuất trong nước, nhưng cho tới nay chưa được ghi thành chỉ tiêu kế hoạch, sản xuất, trong kế hoạch kinh tế hằng năm. Viện Nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động có đề tài về trang bị, như khẩu trang, đã dùng thử, kết quả tốt, chống được bụi mà không bị khó thở, song không có vật tư để sản xuất và cũng không biết giao cho ai để sản xuất. Tổng cục Hóa chất có năng lực làm giày cao su, nhưng trên không giao chỉ tiêu, nên không thực hiện. Có thể nói một cách khái quát là, cơ quan làm kế hoạch kinh tế, khi giao chỉ tiêu sản lượng cho các đơn vị sản xuất, không tính tới cân đối yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho chính những người sẽ phải làm ra sản lượng ấy.

Tại một số xí nghiệp vì muốn giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nên không tích cực đầu tư cho những công trình cải thiện điều kiện làm việc mà xí nghiệp có thể làm được. Từ khuynh hướng đó dẫn đến tình trạng lơ là giáo dục vệ sinh, an toàn lao động cho công nhân, buông lỏng kỷ luật bảo hộ lao động, vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn lao động. Nhiều người thiếu tự giác sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động đã được cấp phát, thậm chí sử dụng vào việc khác.

Về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho công nhân làm việc ở những môi trường có độc hại được Nhà nước ban hành từ năm 1963 nay không thi hành được nữa. Từ tiêu chuẩn 0đ30 mỗi ngày cho mỗi người, sau một thời gian được nâng lên gần 5 lần thành 1đ50 mỗi ngày cho mỗi người. Công nhân rất hoan nghênh sự quan tâm, cố gắng đó của Nhà nước. Nhưng, dần dần, thực phẩm khan hiếm, giá thị trường tăng vọt, tiêu chuẩn mỗi ngày phải dồn lại 10 ngày mới đủ tổ chức được bữa ăn giữa ca xấp xỉ với mức những năm đầu ban hành chế độ. Việc bồi dưỡng bằng hiện vật, vì vậy, không duy trì được, thương nghiệp không bán thịt và đường theo giá quy định trong Quyết định số 220 của Hội đồng Chính phủ. Cả gạo và đường dùng làm nước giải nhiệt cho anh chị em làm việc nơi có nhiệt độ cao cũng không được tiếp tục cung cấp. Có nơi sợ anh em công nhân kêu ca đã "bồi dưỡng ca ba" bằng kẹo và thuốc lá. Theo đề nghị của công nhân, xí nghiệp bất đắc dĩ phải dồn số tiền 1,50đ mỗi ngày trả hàng tháng cho công nhân, nhưng số tiền mà anh chị em được lĩnh hàng tháng đó chỉ đủ mua 3 lạng thịt mà thôi. (1,50 x 26 ngày = 39đ00). Tình hình này thấy đã lâu, song chúng ta vẫn chưa tìm ra được biện pháp giải quyết.

Trên đây là một số tình hình đồng thời cũng là những nguyên nhân làm cho điều kiện làm việc ở các xí nghiệp, công trường không được cải thiện, vệ sinh lao động trong môi trường sản xuất không đảm bảo, sức khỏe của công nhân giảm sút, tuổi thọ nghề nghiệp của công nhân thấp dần, số lượng đội ngũ công nhân lành nghề không tăng.

Để khắc phục tình hình này, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội lưu ý Hội đồng Bộ trưởng một số vấn đề sau đây:

1. Đưa yêu cầu bảo hộ lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp giữ gìn sức khỏe người sản xuất vào kế hoạch nhà nước cụ thể là: Dành phần đầu tư thích đáng cho yêu cầu tu sửa, mua sắm, thay thế các trang thiết bị vệ sinh cho môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc và cung cấp phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân, tổng hợp yêu cầu đó của các đơn vị sản xuất ghi thành chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch hằng năm.

2. Tích cực tổ chức sản xuất và cung cấp đến mức cố gắng cao nhất có thể được những trang bị bảo hộ lao động cần thiết, đúng yêu cầu sử dụng đối với các ngành nghề mà trong nước có thể sản xuất được. Chú ý khắc phục tình hình bao cấp trong vấn đề này. Đồng thời, kiên quyết dành một số ngoại tệ để mua ở nước ngoài những phương tiện đòi hỏi kỹ thuật cao mà trong nước chưa làm được. Phấn đấu trong vài ba năm tới giải quyết một cách cơ bản tình hình thiếu thốn và khó khăn hiện nay.

3. Trong khi chờ đợi Quốc hội ban hành Luật lao động pháp chế hóa vấn đề này, đề nghị Hội đồng Bộ trưởng công bố chính thức (có bổ sung) bản Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động ban hành năm 1964.

4. Quy định lại chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ cho công nhân làm việc ở nơi có độc hại cho phù hợp với tình hình mới. Trong khi chưa có thể có quy định mới hợp lý, đề nghị Hội đồng Bộ trưởng giải quyết bù lỗ cho thương nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ định lượng hiện vật như Quyết định số 220 của Hội đồng Chính phủ đã ban hành.

5. Giao cho ngành Y tế nhiệm vụ và quyền xét duyệt (khi thiết kế) và nghiệm thu (khi bàn giao) các công trình xây dựng nhà máy, về mặt vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động của các công trình. Công trình trên hạn ngạch do Bộ Y tế, dưới hạn ngạch do Sở Y tế xét duyệt.

Sở Y tế đồng thời có trách nhiệm xét duyệt, kiểm tra về mặt này đối với các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp của tập thể và tư nhân trong địa phương, nhất là ở các thị xã, thành phố.

6. Có quyết định chính thức của Hội đồng Bộ trưởng thành lập Viện Y học lao động (trực thuộc Bộ Y tế) và tích cực đầu tư thiết bị kỹ thuật và cán bộ chuyên môn để cơ quan này có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ: kiểm tra thường xuyên vệ sinh môi trường lao động trong các xí nghiệp, công trường; kiểm tra định kỳ sức khỏe công nhân; phát hiện, giám định kịp thời bệnh nghề nghiệp và tổ chức tốt việc điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh.

Kính thưa Quốc hội,

Kỳ họp này Quốc hội tập trung thảo luận kế hoạch nhà nước 1984 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 1985. Trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch hai năm còn lại của kế hoạch nhà nước 5 năm 1984 - 1985, mà đội ngũ công nhân của chúng ta là chủ lực.

Ủy ban y tế, xã hội mong Quốc hội thảo luận vấn đề cân đối các yêu cầu của sản xuất song song với các yêu cầu bảo vệ sức khỏe người sản xuất để nền kinh tế của chúng ta đạt các mục tiêu năng suất, chất lượng và hiệu quả cao như Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V đề ra.

Kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu,

Kính chúc kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.


 

[1]. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, tập 1, tr. 55.

[2]. Các loại hóa chất thường gặp là các chất acide, base: CL2, S02, S03, H2S04, Na0H, HF, NH3, H3P, ZnP. Các chất độc như C0, H3P, Benzen, các hợp chất hữu cơ như phân bón hóa học hóa chất trừ sâu...

[3]. Công ty than Hồng Gai báo cáo: sức khỏe loại I, II của công ty từ 70% năm 1975 lên 80,9% năm 1982, nhưng Bộ Mỏ và Than cho là không chính xác, vì hàng năm công ty tuyển vào 5 - 6 ngàn người tất cả đều là loại I, II (không được tuyển loại II trở xuống).


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội