VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI
VỀ SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ, LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH, LỰC LƯỢNG DỰ TRỮ
GÓP PHẦN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
(Do ông Lê Thanh Đạo, Chủ nhiệm Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1983)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng chúng tôi nhất trí với báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về phương hướng nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985, do đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình bày.

Bản báo cáo đã đánh giá đúng những cố gắng và thắng lợi có ý nghĩa to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ V và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong ba năm 1981 - 1983 và đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985.

Để làm sáng tỏ hơn những nhận định đánh giá đó, theo chức năng hoạt động của mình, chúng tôi xin báo cáo trước Quốc hội một vấn đề đang là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đối với sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, lực lượng xung kích để góp phần thực hiện kế hoạch nhà nước, lực lượng dự trữ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành ngày 14-11-1979 đến nay đã được 4 năm. Sau hai năm, ngày 4-7-1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 293/CP để hướng dẫn thi hành.

Thông qua các chuyến đi khảo sát trong năm 1983 ở các tỉnh: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Đồng Nai, Hậu Giang, Cửu Long, Minh Hải và Thành phố Hồ Chí Minh; trực tiếp nghe các Bộ Y tế, Bộ Nội thương, Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ, Trẻ em, Bộ Công nghiệp nhẹ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thể dục Thể thao, và báo cáo bằng văn bản của một số Bộ và ngành ở Trung ương, chúng tôi nhận thấy công tác phổ biến và triển khai thi hành Pháp lệnh đã có làm đến một số nơi và đem lại một số kết quả cụ thể.

Các Bộ, các ngành mà đối tượng phục vụ trực tiếp là thiếu niên, nhi đồng như y tế, giáo dục, Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ, Trẻ em, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, v.v. đã coi Pháp lệnh và Nghị định là cơ sở pháp lý để tiến hành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn trong ngành và có chuyển biến rõ nhất trong công tác của ngành như để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Bộ Giáo dục và Trung ương Đoàn đã đề cập việc tổ chức, giáo dục ngoài giờ, ngoài trường cho thiếu nhi học sinh; cả ba ngành Giáo dục, Thể dục thể thao và Đoàn Thanh niên từ Trung ương đến các cấp đã tiến hành tốt cuộc vận động rèn luyện thân thể mở hội khỏe Phù Đồng, các cấp và tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội vừa qua.

Khi Pháp lệnh phổ biến xuống cơ sở, được quần chúng nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng nhiệt liệt. Các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh, v.v. kết hợp với nội dung của pháp lệnh, đã tổ chức học tập 5 bài khoa học giáo dục con em trong gia đình (do Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương biên soạn). Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, v.v. đã có nghị quyết chỉ đạo việc thi hành Pháp lệnh và Nghị định, do vậy mà nội dung của Pháp lệnh đã xuống đến cơ sở. Ở những địa phương làm tốt, bước đầu những hiểu biết mới về phương pháp giáo dục được phổ biến làm cho mọi người thấy được nghĩa vụ của mình trong việc nuôi dạy con cái. Cuộc vận động toàn dân thi hành Pháp lệnh đã có tác dụng đem lại kết quả thiết thực, đáp ứng được phần nào những quyền cơ bản của trẻ em. Ở những địa phương đó, nhân dân, cán bộ, công nhân viên hăng hái tham gia những ngày "lao động vì tương lai con em chúng ta", góp công sức tiền của để xây dựng những công trình phúc lợi phục vụ thiếu nhi như xây dựng nhà trẻ, nhà văn hóa, câu lạc bộ thiếu nhi... Ngoài những nơi đã xây dựng trong những năm trước, năm 1983, các thị xã Bạc Liêu, Cà Mau đã dành những cơ sở tốt làm nhà thiếu nhi và trang bị những phương tiện bước đầu cho hoạt động của trẻ em. Sau các đợt khảo sát và góp ý kiến của Ủy ban thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, các tỉnh Hậu Giang, Đồng Nai, Cửu Long và nhiều tỉnh khác đã có chuyển biến trong công tác này.

Hoạt động hè trong hai năm gần đây, thi hành Chỉ thị 149 của Hội đồng Bộ trưởng đã có một bước tiến bộ rõ rệt. Chính quyền các cấp đã chủ trì phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể chăm lo hoạt động hè cho các em. Đã bắt đầu có sự quan tâm giáo dục hướng nghiệp cho thanh niên, thiếu niên học sinh, tổ chức và hướng dẫn hoạt động ngoài giờ, ngoài trường học. Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự cố gắng lớn mở lớp học ban đêm, dạy bổ túc văn hóa cho các em không có điều kiện đến trường. Ở một số địa phương đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, cần hết sức coi trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm để mở rộng thành phong trào chung.

Tuy nhiên, việc phổ biến, quán triệt về thi hành Pháp lệnh còn ở mức độ hạn chế, chưa thật đồng đều và đồng bộ ở các ngành cũng như các địa phương. Nhiều đơn vị, nhiều ngành, nhiều người kể cả các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Bộ và ngành chưa biết đến Pháp lệnh và nghị định và thấy rõ nghĩa vụ của mình phải làm gì để thi hành Pháp lệnh. Một số Bộ, ngành ở Trung ương vẫn chưa có chỉ thị, thông tư hướng dẫn cấp dưới thi hành. Điều đáng nói hơn cả là những chỉ tiêu phục vụ thiếu nhi chưa được ghi trong kế hoạch nhà nước của mỗi Bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương từ khâu đầu tư vốn, cân đối kế hoạch cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu đến việc định giá cả thích hợp và phân phối hàng hóa đến tay trẻ em. Chất lượng hàng hóa sa sút, nghèo nàn về chủng loại, giá cả chưa thích hợp. Hàng viện trợ của nước ngoài cho trẻ em còn bị mất mát hư hao, phân phối và sử dụng chưa đúng mục đích của nó.

Tình hình trên đây chính là nguyên nhân của tình hình chuyển biến chậm, những mặt tiêu cực trong thanh niên, thiếu niên chưa được khắc phục như trong báo cáo đánh giá tình hình của Hội đồng Bộ trưởng đã nêu.

Điều đặc biệt quan trọng là chưa có một cơ chế thích hợp để tổ chức thực hiện thể hiện rõ trách nhiệm từ Hội đồng Bộ trưởng đến Ủy ban nhân dân các cấp, của từng ngành hữu quan trong việc thi hành Pháp lệnh và Nghị định.

Chúng ta không đánh giá thấp những cố gắng của các ngành, các đoàn thể và nhân dân ta chăm lo cho trẻ em, nhưng thực trạng của tình hình còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết và rất đáng phải quan tâm.

Qua xem xét thực tiễn thi hành Pháp lệnh, căn cứ vào những ý kiến của các ngành, các địa phương, Ủy ban chúng tôi xin đề nghị một số biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em rất quan trọng, nó đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với hạnh phúc của mỗi gia đình và tương lai của dân tộc, nó phải được phổ biến rộng rãi, làm quán triệt hơn nữa trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, tạo nên một sự chuyển biến cách mạng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Nhân dịp tiến tới kỷ niệm lần thứ 5 ngày ban hành Pháp lệnh (11-11-1979 - 14-11-1984) Hội đồng Bộ trưởng có chỉ thị mở một đợt tuyên truyền rộng rãi về Pháp lệnh. Sơ kết những thành tích thi hành pháp lệnh trong những năm qua, rà xét lại việc làm của mỗi ngành, mỗi cấp để có kế hoạch bổ khuyết, thúc đẩy việc quán triệt và thi hành pháp lệnh bằng những việc làm thiết thực đem lại hiệu quả cụ thể cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Điều rất quan trọng là chương trình hành động phục vụ thiếu nhi phải được đưa thành chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước của mỗi ngành, mỗi cấp, trước mắt là giải quyết vấn đề sữa, thuốc chữa bệnh, vải mặc, đồ chơi cho trẻ em.

Trên cơ sở của Pháp lệnh và Nghị định mà quy rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Mỗi năm cần có một vài trọng điểm, là chương trình đồng bộ và có mục tiêu để giải quyết những vấn đề cấp thiết cho những quyền căn bản của trẻ em mà mỗi ngành có chức năng phụ trách như vấn đề ăn, mặc, học tập, sức khỏe, vui chơi của trẻ em...

3. Trong việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh, cần phải có một cơ chế thích hợp, đó là bộ phận thường trực giúp Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện.

Trong tình hình hiện nay, để tăng cường trách nhiệm về sử dụng bộ máy sẵn có, chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề thanh niên và thiếu niên, nhi đồng, có một nhóm chuyên viên và cán bộ nghiên cứu để giúp các đồng chí lãnh đạo chăm lo điều hành công việc này.

Từng Bộ, từng ngành không thể tự giải quyết được mắc mứu, khó khăn của mình, nếu không có một cơ quan làm nhiệm vụ điều hòa, phối hợp huy động được nhiều ngành tạo thành sức mạnh tổng hợp chăm lo cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

4. Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi, ngoài một bộ phận lớn được nuôi dạy bình thường, cần phải có những biện pháp tích cực để làm tốt với một số đối tượng đặc biệt:

- Ở những vùng kinh tế khó khăn, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, số em không có điều kiện đi học hoặc bỏ học dở dang còn khá lớn. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục, có nơi đến 40% số cháu không được đi học hoặc bỏ học. Tính chung toàn quốc có 1,7 triệu cháu quá tuổi nhưng chưa được đi học còn mù chữ. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, có sự đầu tư thích đáng bằng nhiều cách để tổ chức học tập cho các cháu.

- Chăm sóc tốt hơn nữa đối với con liệt sĩ, con thương binh, nhất là bảo đảm cho các cháu được đi học, nâng dần chất lượng học tập của các cháu và quan tâm sắp xếp việc làm cho các cháu học xong phổ thông cơ sở, phổ thông trung học.

- Bộ phận trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi có một số lượng khá đông. Theo báo cáo của Bộ Thương binh xã hội, có khoảng 55.000 trẻ em mồ côi cha mẹ và 310.000 trẻ em tàn tật, trong đó phải kể đến số trẻ em bị bệnh phong (cùi). Đây là một công tác xã hội quan trọng, trong tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đang còn khó khăn, chế độ ta phải chăm lo cho các cháu về ăn, mặc, ở, học hành và phục hồi chức năng lao động nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, đạo đức, kỹ năng lao động phù hợp với từng dạng và mức độ tàn tật, chuẩn bị cho các cháu bước vào đời sống bình đẳng và có hạnh phúc.

- Vấn đề trẻ em hư và phạm pháp chưa giảm và có nhiều hiện tượng nghiêm trọng đang là một nỗi lo lớn của nhiều người. Công tác đấu tranh, ngăn ngừa tình trạng này đang đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ và biện pháp tích cực và đồng bộ hơn.

5. Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần có một đội ngũ đông đảo những người phục vụ có nhiệt tình và có nghiệp vụ. Đó là các cô mẫu giáo, các thầy giáo, cô giáo, thầy thuốc, các cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên, Nhi đồng... Hầu hết các ngành, các đoàn thể hữu quan đều có đề nghị nghiên cứu những chính sách thích hợp để bồi dưỡng nghiệp vụ, cải thiện đời sống cho anh chị em, giúp họ yên tâm phục vụ lâu dài cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

- Sớm cải tiến chế độ tiền lương đối với cán bộ giáo dục, cán bộ y tế, nhất là đối với các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, cán bộ ngành nhi, giáo viên thể dục thể thao ở trường phổ thông cơ sở.

- Thực hiện đầy đủ Quyết định 243/CP của Hội đồng Chính phủ về biên chế cán bộ chuyên trách công tác Đoàn, Đội trong nhà trường phổ thông và nghiên cứu giải quyết định xuất cho cán bộ làm công tác thiếu nhi ở cơ sở xã, phường.

6. Thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và cải cách giáo dục, chúng tôi nhận thấy công tác giáo dục mầm non còn phân tán và chưa hợp lý về mặt tổ chức. Hai lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo kế cận nhau, công tác nuôi dạy lứa tuổi này có tầm quan trọng đặc biệt, đặt cơ sở cho việc giáo dục con người mới, cần thiết phải được thống nhất lại và giao cho một cơ quan phụ trách. Trên cơ sở không tăng thêm đầu mối và biên chế, Ủy ban chúng tôi đề nghị thành lập Tổng cục Giáo dục mầm non, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng để chuyên lo công tác này.

Cũng do vậy mà công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dạy trẻ, về mẫu giáo và cả hệ thống các trường sư phạm đào tạo cô nuôi dạy trẻ, cô mẫu giáo cần được sắp xếp lại, củng cố cho tốt để bảo đảm cho công tác phát triển giáo dục mầm non trong cả nước.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ V nêu rõ: "Trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, xã hội ta vẫn ưu tiên đáp ứng những nhu cầu của trẻ em về ăn, mặc, thuốc men, học hành, đi lại, giải trí và cố gắng dành cho các cháu những thứ cần thiết và tốt nhất mà ta có".

Chúng tôi nhận thức rằng, phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và năm 1985 là thiết thực đem lại những quyền cơ bản cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và cũng thực sự động viên được nhân dân, thanh niên, thiếu nhi cả nước góp phần tích cực của mình vào việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước những năm tới.

Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng chúng tôi xin lưu ý để các đồng chí đại biểu, để các ngành, các cấp có sự quan tâm thích đáng hơn nữa, bằng tất cả tấm lòng nhiệt tình, bằng những biện pháp tích cực và đồng bộ hơn, làm cho Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành cuộc sống hiện thực của trẻ em trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, như lòng mong muốn của Bác Hồ và của Đảng ta đối với các cháu.

Xin cảm ơn và kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe.


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội