BÀN VỀ LẬP HIẾN

Bùi Ngọc Sơn

Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cơ sở văn hoá lập hiến Việt Nam

Hơn 200 năm trở lại đây, loài người đã sáng tạo ra một công cụ đặc biệt để tổ chức đời sống cộng đồng của mình. Đó là hiến pháp. Nếu như văn hoá được hiểu là lối sống (mode de vie), là nếp sống (train de vie) tập thể và cá nhân (theo GS Trần Quốc Vượng) văn hoá biểu hiện thành kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người này, khác với kiểu lựa chọn của cá nhân hay tộc người khác (theo GS Phan Ngọc) thì việc con người lựa chọn hiến pháp để tổ chức đời sống công cộng của mình có thể được gọi là văn hoá lập hiến của nhân loại. Vì lẽ sinh tồn, vì tự do và chính nghĩa chung, con người đã tạo ra hiến pháp để tổ chức và điều hành xã hội. Sử dụng hiến pháp để tổ chức chính quyền là một nét văn hoá đặc trưng của nhân loại. Hiến pháp là một hiện tượng văn hoá. Hơn nữa, nó còn trở thành một giá trị chung của nền văn minh nhân loại. Vì sau khi ra đời ở Mỹ vào năm 1789, đến nay hiến pháp đã có sức lan toả trên quy mô toàn thế giới. Đa số các chính quyền trên thế giới hiện nay được điều hành bằng hiến pháp hoặc cam kết sẽ điều hành bằng hiến pháp. 

Sử dụng hiến pháp để điều hành chính quyền đang là giá trị văn hoá chung của nhân loại. Văn hoá lập hiến biểu hiện cụ thể ở kiểu lựa chọn cách thức tổ chức và điều hành chính quyền. Kiểu lựa chọn đó có thể được xem xét trên phạm vi toàn thế giới, từng khu vực, từng quốc gia. Cũng là sử dụng hiến pháp để điều tiết chính quyền, nhưng cách điều hành chính quyền bằng hiến pháp ở châu Mỹ khác châu Âu, biểu hiện thành hai kiểu lựa chọn đặc trưng của hai châu lục: văn hoá lập hiến của châu Mỹ biểu hiện thành kiểu lựa chọn mô hình tổng thống chế trong khi văn hoá lập hiến của châu Âu biểu hiện thành mô hình nội các chế. Hơn nữa, người ta cũng có thể nói đến văn hoá lập hiến của từng loại chế độ xã hội: văn hoá lập hiến của các nhà nước tư bản khác văn hoá lập hiến của các nhà nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, trong khi văn hoá lập hiến tư bản nhìn chính quyền là một thực thể cần phải được kiểm soát quyền lực của nó, thì văn hoá lập hiến xã hội chủ nghĩa nhìn nhận chính quyền là một công cụ trấn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác.

Đi sâu hơn, văn hoá lập hiến cũng có thể được nhìn nhận ở từng quốc gia. Văn hoá lập hiến của một quốc gia biểu hiện ở kiểu lựa chọn cách thức tổ chức và điều hành chính quyền của quốc gia đó. Một quốc gia có thể đạt đến một kiểu văn hoá lập hiến đặc thù. Ví dụ, cũng đều là lựa chọn mô hình nội các chế, nhưng nước Pháp đi theo một cách lựa chọn mô hình chính quyền khác đa số các nước châu Âu còn lại: nội các chế của Pháp là nội các song hợp, trong khi đa số các nước còn lại của châu Âu theo mô hình nội các đơn nhất. Không phải quốc gia nào có hiến pháp cũng có văn hoá lập hiến của đất nước mình. Một quốc gia mới thành lập và bắt đầu lập hiến thì chỉ có thể nói là đã biết sử dụng đến văn hoá lập hiến với tính chất là giá trị chung của nhân loại chứ chưa có văn hoá lập hiến của dân tộc, quốc gia mình. Văn hoá dân tộc có đặc trưng là đã có một bề dày tồn tại và do vậy, đã tạo nên sắc thái riêng của dân tộc đó. Văn hoá là cái làm cho dân tộc này khác với một dân tộc khác. Vậy, một dân tộc chỉ có văn hoá lập hiến của riêng mình khi đã biết sử dụng hiến pháp để điều hành chính quyền trong một thời gian nhất định, và tạo nên những nét đặc trưng riêng của văn hoá lập hiến của dân tộc mình.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự hình thành văn hoá lập hiến của một dân tộc. Trước hết là truyền thống văn hoá của dân tộc đó. Để tổ chức ra một chính quyền hoạt động có hiệu quả, quốc gia phải biết tổ chức chính quyền phù hợp với những đặc trưng văn hoá của quốc gia mình, nhất là truyền thống văn hoá chính trị. Văn hoá hiện đại của một dân tộc cũng tác động đến việc hình thành sắc thái riêng của văn hoá lập hiến của một dân tộc. Ngoài yếu tố văn hoá truyền thống và hiện đại, chế độ kinh tế - xã hội, đặc thù về địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cũng tác động to lớn đến văn hoá lập hiến của một quốc gia.

Việt Nam đã sử dụng hiến pháp để tổ chức nhà nước trong 60 năm nay. So với nền lập hiến trên thế giới thì đây không phải là một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, 60 năm qua cũng đã đủ cho việc định hình những sắc thái riêng của văn hoá lập hiến Việt Nam. Do vậy, đã có thể nói đến văn hoá lập hiến Việt Nam - văn hoá lập hiến của dân tộc Việt Nam. Nói đến văn hoá lập hiến Việt Nam không phải là nói đến bản hiến pháp chính văn hiện hành mà nói đến kiểu lựa chọn riêng của Việt Nam trong việc tổ chức và điều hành chính quyền bằng hiến pháp.

Có nhiều yếu tố tác động đến sự hình thành văn hoá lập hiến Việt Nam. Nhưng, có thể nói đến hai yếu tố quan trọng nhất: một yếu tố thuộc về truyền thống và một yếu tố thuộc về hiện đại. Đó là truyền thống văn hoá chính trị của dân tộc và văn hoá chính trị xã hội chủ nghĩa (các yếu tố khác, theo chúng tôi, là chiến tranh, là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp…).

Truyền thống là những gì hình thành trong quá khứ được lưu giữ và chi phối vô hình đến hiện tại. Nó là sức sống mãnh liệt của quá khứ trong hiện tại, tác động phổ quát đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Truyền thống văn hoá chính trị của dân tộc hình thành dần dần và còn tác động, phản chiếu trong đời sống chính trị hiện đại của dân tộc, trong đó có sự chi phối đối với quá trình lập hiến. Đương nhiên, các nhà nước ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám không phải là những nhà nước lập hiến. Nhưng, những chế định quyền lực, các tập quán chính trị, tâm lý chính trị của cả người cai trị và người bị trị được hình thành và ổn định trong các nhà nước cổ truyền, vẫn còn di ảnh trong xã hội hiện đại và chi phối vô hình nhưng mạnh mẽ đến văn hoá lập hiến Việt Nam. Điều trước tiên phải nói đến là di ảnh của là các định chế nhà nước cổ truyền. Trước khi lập hiến, dân tộc ta đã từng sinh hoạt chính trị dưới các loại hình nhà nước như nhà nước đại diện công xã thời Hùng Vương; chính quyền đô hộ kiểu Trung Hoa; nhà nước phong kiến độc lập; chính quyền đô hộ của thực dân Pháp. Đây là những nhà nước không hiến pháp, nhưng cách thức tổ chức và điều hành quyền lực của chúng đã dần dần hình thành những dấu ấn trong đời sống chính trị dân tộc và tác động không nhỏ đến cách thức lập hiến của Việt Nam thời hiện đại.

Văn hoá lập hiến Việt Nam cũng phản ánh dư âm của những học thuyết chính trị làm cơ sở tư tưởng cho chính quyền nhà nước cổ truyền. Ở nước ta, cơ sở tư tưởng cho các hệ thống chính trị bao gồm những học thuyết, những tư tưởng chính trị được tích hợp vào Việt Nam như Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo (sản phẩm của sự Hán hoá, Ấn hoá) và cả những đạo lý chính trị mang tính bản địa, không được hình thành bằng các học thuyết, chủ nghĩa nhưng luôn là cốt lõi cho cơ sở tư tưởng đó. Thậm chí, nó còn là nhân tố chi phối để các học thuyết, các tư tưởng ngoại lai phải thay đổi để phù hợp với đặc điểm dân tộc. Đó là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, truyền thống nhân ái, hoà đồng mang tính chất làng xã…[1].

Văn hoá lập hiến Việt Nam cũng phản ánh các quy phạm đạo lý truyền thống của dân tộc. Đó là những chuẩn mực xã hội được hình thành trong một quá trình lâu dài của lịch sử dân tộc, được ngưng đọng lại trở thành những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận nên khó biến đổi, khó mất đi. Do đó, nó có tác động rất lớn đến việc kiểm soát và điều hành các hành vi của mỗi thành viên trong cộng đồng. Do đặc điểm của lịch sử, người Việt luôn luôn phải đối chọi với các thế lực ngoại bang. Những cuộc chiến tranh để giành và giữ độc lập dân tộc diễn ra khá thường xuyên nên thái độ đối với quyền lợi của dân tộc là một chuẩn mực của người Việt. "Không có gì quý hơn độc lập tự do", khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phản ánh đúng tâm thức của người Việt nên có một sức mạnh rất lớn trong việc kiểm soát hành vi của cộng đồng. Đây là một giá trị tinh thần được cả xã hội đề cao và đã trở thành một quy phạm đạo lý chính trị của Việt Nam. Do đặc điểm của địa lý, người Việt phải chống thiên tai, địch họa để tồn tại. Sức mạnh giúp người Việt có thể vượt qua mọi trở lực để trường tồn chính là sự đoàn kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc là một đạo lý của Việt Nam. Để duy trì khối đại đoàn kết dân tộc, người Việt có một quy phạm truyền thống là quyền lợi của cá nhân phải phục tùng quyền lợi của cộng đồng, quyền lợi của cộng đồng nhỏ phải phục tùng quyền lợi của cộng đồng lớn, quyền lợi của dân tộc.

Trên đây là một số yếu tố của truyền thống chính trị có ảnh hưởng đến việc hình thành văn hoá lập hiến đương đại của Việt Nam. Bên cạnh đó, văn hoá chính trị xã hội chủ nghĩa, một yếu tố văn hoá hiện đại có ảnh hưởng to lớn đến việc ấn định các nguyên tắc tổ chức và điều hành chính quyền ở Việt Nam, góp phần hình thành những phong cách riêng của hiến pháp Việt Nam. Việc xây dựng hiến pháp dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin tạo cho hiến pháp Việt Nam những nét riêng. Từ cách quan niệm về hiến pháp, về nhà nước đến các quan niệm về các nguyên tắc tổ chức chính quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin đều được phản chiếu trong hiến pháp Việt Nam. Những yếu tố này tạo nên tính chất chủ nghĩa xã hội của văn hoá lập hiến Việt Nam.

Ba tính chất của văn hoá lập hiến Việt Nam

Tính dân tộc

 60 năm tồn tại và phát triển, Nhà nước cách mạng Việt Nam là một nhà nước thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc, đại diện cho lợi ích của cả dân tộc. Các bản hiến pháp của Việt Nam đều thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Đó là một sự phản ảnh, sự tiếp nối truyền thống đoàn kết dân tộc, tinh thần vì lợi ích của cả dân tộc trong lịch sử nước ta, tạo nên nét riêng trong cách thức tổ chức và điều hành quyền lực ở Việt Nam.

Nhà nước ban đầu của người Việt sinh ra từ xã hội và để giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng: trị thủy hại, làm thuỷ lợi, tự vệ chống xâm lăng… Về sau này, các nhà nước phong kiến Việt Nam từ Ngô, Đinh, Tiền Lê đến Lý, Trần, Hậu Lê và cả Nguyễn Tây Sơn nữa, bên cạnh việc chăm lo đến lợi ích của tập đoàn cai trị, đã thực sự xứng đáng là người đại diện cho lợi ích dân tộc như các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định. Có thể nói, tính chất dân tộc của các triều đại phong kiến kể trên luôn có biểu hiện rõ nét hơn tính chất giai cấp của một nhà nước phong kiến như ta thường thấy của nhà nước khác[2].

Nhà nước cách mạng Việt Nam được thành lập sau Cách mạng tháng Tám, về nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin là nhà nước chuyên chính vô sản, tức nhà nước của giai cấp công nhân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, nhưng trong suốt 60 năm tồn tại và phát triển đã chứng minh rằng, nhà nước cách mạng đã là người đại diện cho lợi ích của cả dân tộc. Tinh thần đại diện dân tộc của nhà nước được phản chiếu trong hiến pháp. Một nguyên tắc đầu tiên được xác định để thiết lập nên nền công quyền theo Hiến pháp Việt Nam năm 1946 là: "Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo"."Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Tinh thần đoàn kết, thống nhất dân tộc cũng đang được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Điều 5 của Hiến pháp hiện hành ghi nhận: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc". Đây là một sự tiếp nối logic từ truyền thống. Trong thực tiễn cách mạng của nhà nước Việt Nam, những thành công trong cách mạng giải phóng dân tộc đã cho thấy tính ưu việt của truyền thống đoàn kết cộng đồng của văn hoá chính trị Việt Nam.  

Tính tập quyền

Tập quyền xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Nội dung của nguyên tắc này được diễn đạt trong Điều 2 của Hiến pháp hiện hành: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Hạt nhân hợp lý của nguyên tắc phân quyền là sự phân công quyền lực, còn ý tưởng kìm chế, đối trọng không được áp dụng. Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được áp dụng trong việc tổ chức quyền lực ở Việt Nam không chỉ được lý giải bởi tính hiện đại từ chủ nghĩa Mác-Lênin. Bất cứ một hệ thống nào tồn tại được cũng phải có cơ tầng văn hoá - xã hội làm bệ đỡ cho nó. Nếu chỉ là ý muốn chủ quan của nhà cầm quyền thì nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa chưa chắc đã được người dân chấp nhận. Người dân chấp nhận sinh hoạt dưới một chính thể tập quyền (xã hội chủ nghĩa) vì nó phù hợp với truyền thống văn hoá của Việt Nam.

 Đặc trưng của hệ thống chính trị Việt Nam thời kỳ từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX là: tập quyền là khuynh hướng chủ đạo (theo GS. Vũ Minh Giang). Trong lịch sử, bất cứ một chế độ phong kiến nào cũng không tránh khỏi khuynh hướng cát cứ. Nhà nước cổ truyền Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng cát cứ và khuynh hướng tập quyền thì khuynh hướng tập quyền đã chiến thắng và giữ vai trò chủ đạo. Cơ sở của hai khuynh hướng này đều là làng xã. Làng xã Việt Nam có “tính nước đôi”. Nó vừa mang tính cục bộ, lại vừa mang tính cố kết. Chính tính nước đôi này của làng xã đã sinh ra tính lưỡng nguyên đối trọng của văn hoá chính trị Việt Nam: làng xã vừa là cơ sở cho khuynh hướng cát cứ vừa là cơ sở cho khuynh hướng tập quyền. Cơ sở cho sự thắng thế của khuynh hướng tập quyền của nhà nước cổ truyền Việt Nam là nhu cầu liên kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh tập trung để trị thuỷ hại, làm thuỷ lợi và chống giặc ngoại xâm. Nhà nước thời Hùng Vương xuất hiện do nhu cầu về một cấu trúc quyền lực tập trung có sức mạnh, đại diện cho cộng đồng thực hiện các chức năng trị thuỷ, chống xâm lăng. Do đó khi mới ra đời, nhà nước của người Việt đã là nhà nước tập quyền. Nhu cầu ứng phó với tự nhiên và tự vệ chống ngoại xâm luôn thường trực đối với các chính quyền của người Việt cổ truyền. Cho nên, các nhà nước phong kiến Việt Nam đều là những nhà nước tập quyền. 

Như vậy, quyền lực của người Việt trong truyền thống đã được hành xử theo lối tập quyền. Đó là một cách thức hành xử quyền lực phù hợp với bối cảnh xã hội của người Việt. Ngày nay, chúng ta tiếp tục thực hiện nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa là sự tiếp biến đến một nền văn hoá chính trị hiện đại từ một nền văn hoá chính trị truyền thống. Tuy nhiên, tập quyền luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền. Kinh nghiệm cho thấy quyền lực có thể kiểm soát được quyền lực. Quyền lực ở Việt Nam không nên và không thể được tổ chức theo cách cô lập hoá, hay triệt tiêu lẫn nhau, nhưng một cơ chế phân công khoa học và kiểm soát hợp lý quyền lực là cần thiết.

Lãnh đạo tập thể

Do tâm thức trọng cộng đồng, lãnh đạo tập thể là một truyền thống của văn hoá chính trị Việt Nam. Nền quân chủ Việt Nam trong lịch sử có một loại thể chế đặc thù là lưỡng đầu chế, khác với chính thể quân chủ của Trung Quốc. Ngay từ thời Bắc thuộc, lưỡng đầu chế đã sớm ra đời với sự xuất hiện của hai nữ nguyên thủ quốc gia là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bước vào thời kỳ độc lập, dù ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng tổ chức nhà nước của Trung Hoa với chủ thuyết quân chủ độc tôn, lưỡng đầu chế lại tái xuất hiện: Sau vua chị - vua em là vua anh - vua em: Ngô Xương Văn và Ngô Xương Lập (rồi sau này là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); rồi vua cha - vua con với định chế thái thượng hoàng của các triều đại Trần, Hồ, Mạc. Những định chế lưỡng đầu này dựa trên cơ sở quan hệ tình cảm gia đình. Đến thời Lê Trung hưng thì lưỡng đầu chế lại tồn tại - trong một thời gian dài gần hai thế kỷ - dựa trên những cơ sở pháp lý vua - chúa (vua Lê - chúa Trịnh).

Có ý kiến còn nhận xét rằng, lưỡng đầu chế là một định chế cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, khi tình thế đòi hỏi, tiền nhân ta đã dễ dàng chấp nhận định chế này, chứ không ngỡ ngàng và chống đối mạnh mẽ như các dân tộc khác chỉ biết có cá nhân độc tôn[3].

 Như vậy, có thể nói, định chế lưỡng đầu trong lịch sử nhà nước cổ truyền Việt Nam đã phản ánh tinh thần lãnh đạo tập thể của các vương triều phong kiến ở Việt Nam. Tinh thần này tiếp tục được kế thừa trong tiến trình lập hiến Việt Nam. Có một sự bắt gặp giữa truyền thống và hiện đại ở đây. Truyền thống chính trị Việt Nam đề cao lãnh đạo tập thể và chủ nghĩa xã hội cũng đề cao sự lãnh đạo tập thể. Chính vì vậy, tính chất lãnh đạo tập thể được phản ánh rõ nét trong Hiến pháp Việt Nam qua các quy định về các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quốc hội là một cơ quan làm việc theo chế độ nghị hội. Đương nhiên cơ quan này phải vận hành theo cơ chế tập thể. Hiện nay ở nước ta, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Hình thức hoạt động chính của Quốc hội nước ta là thông qua các kỳ họp. Điều này thể hiện tính đặc thù của sinh hoạt chính trị ở Việt Nam, bởi lẽ, hình thức hoạt động nghị viện chính của nhiều nước trên thế giới không phải là phiên họp toàn thể mà là hoạt động của các Uỷ ban chuyên môn, còn phiên họp toàn thể chỉ là phiên trình diễn.    

 Các quy định của Hiến pháp về Chính phủ cũng cho thấy tinh thần lãnh đạo tập thể được phản chiếu trong Hiến pháp. Điều 115 quy định: "Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số". Còn trên thế giới, Hiến pháp Mỹ trao trọn quyền hành pháp cho Tổng thống. Hiến pháp của các nước đại nghị thì xác định vai trò của cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong việc thiết kế chính sách. Ví dụ, Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định: "Thủ tướng liên bang có quyền xác định những định hướng chính trị cơ bản cho đất nước và phải chịu trách nhiệm về định hướng chính trị này”. Hiến pháp Italia quy định: "Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lãnh đạo chính sách chung của Chính phủ và phải chịu trách nhiệm về chính sách của Chính phủ".

Hiến pháp Việt Nam hiện hành không xác định vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định chính sách quốc gia và chịu trách nhiệm về chính sách đó. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ khá hạn hẹp, chỉ điều hành Chính phủ, nhân sự và giám sát văn bản. Trong khi quyền hành pháp là quyền thiết kế chính sách cho quốc gia thì vị nguyên thủ hành pháp ở nước ta chưa được quy định vai trò này, mà đang được trao cho tập thể Chính phủ.

Quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Vì Thủ tướng không được quy định là người có vai trò thiết kế chính sách nên vấn đề trách nhiệm của Thủ tướng về đường lối hoạt động của Chính phủ cũng không được minh định. Điều rõ thấy nhất là mặc dù Hiến pháp quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng lại không quy định một cơ chế trách nhiệm nào: phê bình hay giải tán?  

Tinh thần lãnh đạo tập thể trong hành pháp còn có thể nhận thấy ở việc tồn tại khá nhiều Phó Thủ tướng. Thủ tướng là người điều hành các Bộ trưởng. Mỗi bộ lại phụ trách một ngành, lĩnh vực. Đồng thời lại có các Phó Thủ tướng phụ trách một khối bộ. Như vậy, nếu việc điều hành quốc gia có vấn đề thì trách nhiệm sẽ càng khó xác định: Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng, hay Thủ tướng? Điều này cũng là phản ánh tinh thần lãnh đạo tập thể và trách nhiệm tập thể từ truyền thống.

Về tư pháp, ta thấy xét xử tập thể là một nguyên tắc trong hoạt động của Toà án. Một phán quyết của Tòa án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và tự do của con người nên phải quyết định tập thể để bảo đảm sự cẩn trọng. Điều này là hợp lý. Xét xử tập thể phản ánh tinh thần tập thể của văn hoá lập hiến Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động xét xử cũng cần xét xử tập thể. Đối với những vụ án đơn giản, tình tiết rõ ràng thì việc xét xử tập thể nhiều khi trở thành không cần thiết, mất thời gian. Một chế độ độc phán là lựa chọn của nhiều quốc gia để giải quyết những vụ việc như vậy.

Thay lời kết  

Văn hoá lập hiến Việt Nam đang dần dần hình thành với sắc diện riêng - sản phẩm của sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại: văn hoá chính trị cổ truyền của dân tộc và tư tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, truyền thống không chỉ bao gồm những phẩm chất tốt. Vấn đề là phải khuếch trương những phẩm chất tốt đẹp và hạn chế những điều tiêu cực, phản phát triển. Văn hoá là giao lưu. Để tạo dựng một nền văn hoá lập hiến tiên tiến, chúng ta không chỉ bó mình trong hiện tại, mà cần phải tham khảo những nền văn hoá lập hiến khác trên thế giới./.


* Số chủ đề Hiến kế Lập pháp, số 10(72), tháng 4/2006.

[1] Xem thêm Vũ Minh Giang, Quan hệ giữa các yếu tố truyền thống với hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Tạp chí Thông tin Lý luận, số 7, 1993, tr. 8.

[2] Xem thêm Vũ Minh Giang, sđd.

[3]Xem thêm Lê Kim Ngân, Văn hoá chính trị Việt Nam - Chế độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII, Phân khoa KHXH - Viện đại học Vạn Hạnh ấn hành, 1974.