Bùi Ngọc Sơn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Mặc dù khẳng định tính tối cao của Hiến pháp, nhưng Hiến pháp Việt Nam lại chưa thiết lập được một chế độ hoàn chỉnh để bảo vệ Hiến pháp. Cho đến nay, mặc dù lần sửa đổi Hiến pháp gần nhất vào năm 2001 đã thừa nhận việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một chế độ bảo hiến hoàn chỉnh[1]. Bài viết bàn về việc cần có một chế độ bảo hiến hoàn chỉnh. Theo đó, vì quyền lập hiến thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về Quốc hội.
Quyền lập hiến thuộc về nhân dân
Chế độ bảo hiến chỉ tồn tại khi Hiến pháp có ưu thế hơn so với thường luật. Ưu thế đó dẫn đến hệ quả là có sự phân biệt quyền lập hiến và quyền lập pháp. Sự phân biệt này cũng dẫn đến việc phân cấp hiệu lực pháp lý giữa Hiến pháp và thường luật: Hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao, thường luật phải hợp hiến. Do đó, việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp được tiến hành bởi những cơ quan và theo những thủ tục đặc biệt khác với cơ quan và thủ tục được áp dụng cho thường luật. Thường luật không thể sửa đổi được Hiến pháp và cũng không thể mâu thuẫn với Hiến pháp. Một đạo luật đi ngược lại với những điều khoản của Hiến pháp là một đạo luật bất hợp hiến và do đó không thể có hiệu lực. Như vậy, các hành vi của chính quyền bị giới hạn bởi Hiến pháp. Với đặc tính đó, vấn đề bảo hiến được phát sinh.
Tại sao Hiến pháp lại có hiệu lực pháp lý tối cao? Câu trả lời nằm ở vấn đề chủ thể của quyền lập hiến. GS. Nguyễn Văn Bông cho rằng, quyền lập hiến là quyền nguyên thuỷ vì thể hiện một cách toàn diện nhất chủ quyền quốc gia, vì quyền lập hiến chung quy là quốc gia tự ấn định cho mình quy tắc tổ chức và điều hành[2]. Vì quyền lập hiến là quyền nguyên thuỷ nên chỉ có chủ thể của chủ quyền quốc gia mới có quyền lập hiến.
Nhưng ai là chủ thể của chủ quyền quốc gia? Hiến pháp là khuôn mẫu của dân chủ, tồn tại trong một chế độ dân chủ. Trong một chế độ dân chủ, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực, là lực lượng nắm chủ quyền. Nhà nước là tổ chức do nhân dân thành lập ra đại diện cho nhân dân để hành xử chủ quyền nhân dân. C.Mác viết: “Trong chế độ dân chủ, thì bản thân nhà nước chính trị, dưới hình thức mà nó hình thành bên cạnh nội dung đó và tự phân biệt với nội dung đó, chỉ là nội dung đặc thù của nhân dân, chỉ là hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân mà thôi”[3].
Vì nhân dân là chủ thể của chủ quyền quốc gia, mà quyền lập hiến là quyền nguyên thuỷ vì thể hiện toàn diện chủ quyền quốc gia nên nhân dân chính là chủ thể của quyền lập hiến. Thông qua việc hành xử quyền lập hiến, nhân dân thành lập ra Nhà nước, uỷ quyền cho Nhà nước, ấn định những cung cách tổ chức và điều hành Nhà nước.
Hiến pháp Mỹ tuyên bố trong lời nói đầu: “Chúng tôi, nhân dân Hoa Kỳ... quyết tâm chấp thuận và thiết lập bản Hiến pháp này của Hợp chủng quốc”. Hiến pháp Ireland 1937 mở đầu: “Chúng tôi, nhân dân Ireland... chấp thuận chế định và thiết lập bản Hiến pháp sau đây"; Hiến pháp CHLB Đức: “Nhân dân Đức... đã lập thành Hiến pháp này”; Hiến pháp Liên bang Nga: “Chúng tôi, nhân dân các dân tộc Liên bang Nga... chấp nhận bản Hiến pháp dưới đây của Liên bang Nga”; Hiến pháp Hy Lạp: “Chúng tôi, nhân dân Cộng hoà Hy Lạp, thông qua người đại diện quyền lực của chúng tôi chấp nhận bản Hiến pháp này”. Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam năm 1946 cũng ghi nhận: “Được quốc dân trao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng…”.
K.C.Wheare nhận định: “Sự tối thượng pháp lý của Hiến pháp được dựa trên ý nguyện của nhân dân”[4]. Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, quyền lập hiến không bị giới hạn bởi luật lệ nào, khai sinh ra các quyền khác. “Vì quyền lập hiến ấn định và tổ chức các quyền khác, vì các quyền khác đi từ quyền lập hiến, hậu quả đương nhiên là tính cách ưu tiên của quyền lập hiến”[5]. Quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp là những quyền phái sinh từ quyền lập hiến. Các quyền đó phải được hành xử trong khuôn khổ do quyền lập hiến ấn định.
Do đó, chủ quyền của Nhà nước phái sinh từ chủ quyền của nhân dân. Với ý nghĩa như vậy, C.Mác nhấn mạnh: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua*, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền nhân dân”[6]. Bởi vậy, ý chí của nhân dân phải được tôn trọng hơn ý chí của Nhà nước. Ba ngành quyền lực nhà nước không được mâu thuẫn với quyền lập hiến. Haminton lập luận: “Hoạt động của kẻ thừa nhiệm sẽ trở thành vô hiệu nếu đi ngược lại sự uỷ thác, đó là quan điểm đặt trên những nguyên tắc hết sức minh bạch. Do đó, mọi hoạt động lập pháp đi ngược lại Hiến pháp không thể có hiệu lực”. “Hiến pháp phải được tôn trọng hơn quy pháp, hơn ý muốn của cơ quan thừa nhiệm nhân dân”[7].
Điều 146 của Hiến pháp Việt Nam hiện hành đã đặt Hiến pháp ở hệ cấp tối thượng: “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Tuy nhiên, xét kỹ vấn đề chúng ta thấy có điểm mâu thuẫn trong tư duy lập hiến ở đây: mặc dù chúng ta đặt Hiến pháp ở hệ cấp pháp lý tối cao nhưng lại quy định Quốc hội có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” (Điều 84). Như vậy, dường như chúng ta coi Quốc hội là chủ thể của quyền lập hiến và không có sự phân biệt chủ thể của quyền lập hiến và chủ thể của quyền lập pháp. Trong khi đó, các Hiến pháp 1946, 1959 - những bản Hiến pháp được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề này rất thấu đáo. Theo các hiến pháp này, Quốc hội chỉ có quyền lập pháp: “Nghị viện nhân dân… đặt ra các pháp luật” (Hiến pháp 1946, Điều 23); “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (Hiến pháp 1959, Điều 44). Từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp hiện hành, Quốc hội được quy định có quyền lập hiến. Nếu chủ thể của quyền lập hiến và quyền lập pháp là một thì tại sao Hiến pháp lại có hiệu lực pháp lý tối cao? Nếu như không có sự phân biệt giữa chủ thể của quyền lập hiến và chủ thể của quyền lập pháp thì cũng không thể có sự phân biệt hệ cấp pháp lý giữa Hiến pháp và thường luật.
Hơn nữa, nếu như luật pháp là văn bản của Nhà nước thì Hiến pháp là văn bản của nhân dân. Cho nên nhân dân phải có quyền quyết định trong việc thiết lập cũng như việc sửa đổi Hiến pháp. Một trong những hình thức để nhân dân thể hiện ý chí quyết định của mình là bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành của chúng ta tại Điều 147 quy định “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp” và hoàn toàn không quy định việc sửa đổi Hiến pháp phải được đem trưng cầu dân ý.
Có ý kiến cho rằng, nhân dân là người phân công quyền lực: “Nhân dân, thông qua bản Hiến pháp, uỷ quyền cho Nhà nước, các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước”[8]. Điều này rất đúng ở nhiều nước khi nhân dân được coi là chủ thể của quyền lập hiến. Về nguyên tắc là như vậy, nhưng theo Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội chứ không phải nhân dân là người nắm quyền lập hiến. Hiến pháp là một văn bản phân công quyền lực nhà nước. Cho nên chỉ có chủ thể của quyền lập hiến mới là người phân công quyền lực nhà nước. Nếu coi nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến thì đúng là nhân dân là chủ thể phân công quyền lực. Nhưng ở Việt Nam Quốc hội nắm quyền lập hiến nên chính Quốc hội là người phân công thực hiện quyền lực nhà nước. Như vậy, không thể có một cơ quan nào có thể đứng trên Quốc hội để phân xử hành vi của Quốc hội[9]. Lập luận này của tôi đã được phản biện rằng: “Cơ chế này xem xét, giải quyết tính hợp hiến không phải chỉ với tư cách một cơ quan nào đó, mà là dựa trên Hiến pháp, nhân danh Hiến pháp do nhân dân lập ra. Ở đây không nên đặt vấn đề một cách có phần cứng nhắc là ai đứng cao hơn ai, mà Hiến pháp mới là đứng cao nhất, tối thượng, tất cả đều phải tuân thủ”[10]. Đúng vậy, nhưng hiến pháp chỉ tối thượng khi hiến pháp được thiết lập bởi quyền lập hiến của nhân dân. Chỉ khi nào quyền lập hiến thuộc về nhân dân thì mới đúng là không có sự “ai đứng cao hơn ai, mà hiến pháp mới là đứng cao nhất”. Nhưng nếu quy định quyền lập hiến thuộc về Quốc hội thì không thể dung hợp được với chân lý này vì quyền lập hiến thuộc về Quốc hội. Cho nên không thể có một cơ quan nào có thể được đặt ra trong khung cảnh Hiến pháp Việt Nam hiện hành để xem xét về hành vi của Quốc hội. Điều này giải thích cho thực tế là đến hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan chuyên kiểm tra tính hợp hiến của quyền lực nhà nước nói chung và quyền lập pháp của Quốc hội nói riêng, tức là chưa có một chế độ bảo hiến hoàn chỉnh.
Do đó, thiết nghĩ rằng, để thiết lập cơ sở hiến pháp hoàn chỉnh cho chế độ bảo hiến ở Việt Nam, chúng ta cần trở lại những giá trị của Hiến pháp 1946: trong lời nói đầu, Hiến pháp phải tuyên bố nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, trong Hiến pháp cần quy định Quốc hội chỉ có quyền lập pháp; và việc sửa đổi Hiến pháp phải được đem trưng cầu dân ý hoặc theo một thủ tục khác thể hiện được rằng quyền lập hiến thuộc về nhân dân.
Dân quyền trong hiến pháp
Sự vi phạm hiến pháp phổ biến nhất là sự vi phạm của công quyền đến các quyền hiến định của công dân. Định chế bảo hiến sinh ra để hạn chế chính quyền khỏi sự xâm phạm đến quyền của công dân. Cho nên định chế bảo hiến chỉ có thể tồn tại trên cơ sở các quy định về quyền công dân trong hiến pháp.
Việc ghi nhận dân quyền có tiền lệ ở Anh, nhưng việc ghi nhận dân quyền trong Hiến pháp lại khai sinh ở Bắc Mỹ. Cuối thế kỷ 18, một số bang mới giành được độc lập tại Bắc Mỹ đã thiết lập những bản hiến pháp thành văn, và ở đầu hiến pháp có đặt một bản tuyên ngôn dân quyền. Bản tuyên ngôn dân quyền đầu tiên trong lịch sử lập hiến thế giới do Quốc hội của tiểu bang Virgina biểu quyết ngày 12/6/1776. Trong Hiến pháp của Liên bang Hoa Kỳ 1787 không quy định về dân quyền (trừ quyền chính trị). Năm 1791, để bổ khuyết điều đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua 10 tu chính án có thể coi là tuyên ngôn dân quyền của Mỹ. Sau khi được khai sinh ở Mỹ, làn sóng quy định dân quyền trong hiến pháp toả rộng ra các nước trên thế giới, nhất là ở Pháp.
Đáng lưu ý là đa số hiến pháp các nước ghi nhận dân quyền ở lời nói đầu của hiến pháp dưới hình thức một bản tuyên ngôn nhân quyền. Điều này phản ánh tư tưởng nhân quyền là tiền đề của hiến pháp và dân quyền phải được quy định trên cơ sở nhân quyền; dân quyền là sự xác lập về mặt pháp lý nhân quyền. Tuyên ngôn nhân quyền trong lời nói đầu của nhiều hiến pháp có giá trị pháp lý như hiến pháp, thậm chí còn cao hơn hiến pháp. Duguit, sống dưới thời Cộng hoà III của Pháp cho rằng, bản Tuyên ngôn 1789 có một giá trị riêng biệt, do ở những điều kiện xung quanh chấp thuận nó và giá trị đó là môt giá trị siêu hiến, khiến cho nó còn sống khi mà Hiến pháp 1789 không còn giá trị nữa, và vẫn còn được áp dụng mãi mãi[11]. Phần mở đầu Hiến pháp đệ ngũ Cộng hoà Pháp 1958 viết: “Nhân dân Pháp long trọng tuyên bố trung thành với bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1789”. Điều này phản ánh quan niệm về hiệu lực pháp lý trên hiến pháp của tuyên ngôn nhân quyền Pháp.
Hiến pháp Việt Nam hiện hành có một chương riêng quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chúng ta cũng thể hiện quan niệm quyền công dân xuất phát từ nhân quyền: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” ( Điều 50).
Tuy nhiên, có thể nói rằng, các quy định của Hiến pháp về các quyền cơ bản của công dân chưa tạo dựng được một cơ sở vững chắc cho việc thiết lập chế độ bảo hiến. Nếu như các quyền con người thể hiện ở quyền công dân thì quyền công dân phải là những quyền tự nhiên vốn có của con người mà nhà nước phải thừa nhận. Đọc các quy định của Hiến pháp 1992 về quyền công dân có thể có cảm tưởng rằng dân quyền không phải là quyền vốn có do Tạo hoá ban cho con người và nhà nước phải thừa nhận mà do Nhà nước ban cho người dân. Quy định về quyền công dân thì phải đặt công dân ở vị trí chủ thể. Nhưng nhiều quy định về dân quyền trong Hiến pháp Việt Nam hiện hành đa phần là đặt nhà nước ở vị trí chủ thể, còn công dân thì như là đối tượng được ban cho quyền chứ không phải được thừa nhận quyền. Trong 33 điều của chương V của Hiến pháp Việt Nam hiện hành về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Nhà nước - với tư cách là chủ thể xuất hiện hơn 20 lần. Những công thức thường được áp dụng là: “Nhà nước bảo đảm...”; “Nhà nước... có kế hoạch...”; “Nhà nước ban hành...”; “Nhà nước quy định”; “Nhà nước giao...”; “Nhà nước có chính sách...”; “Nhà nước tạo điều kiện...”; “Nhà nước bảo hộ...”.
Để có thể làm cơ sở cho chế độ bảo hiến, những quy định về dân quyền trong hiến pháp phải được sử dụng bởi công dân và cơ quan áp dụng pháp luật. Nhưng các quy định về dân quyền trong Hiến pháp Việt Nam không được toà án viện dẫn trong xét xử, và công dân cũng không viện dẫn đến Hiến pháp để bảo vệ quyền của mình trước toà. Chính vì vậy, những quy định về dân quyền trong Hiến pháp mặc dù nhiều nhưng còn xa lạ với người dân. Sở dĩ như vậy là vì cách quy định dân quyền như trong Hiến pháp của chúng ta rất khó thực hiện. Về nguyên tắc, các quyền công dân phải được xác định kèm theo là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng điều chỉnh về dân quyền mà quy định “Nhà nước... có kế hoạch...", “Nhà nước ban hành...”; “Nhà nước tạo điều kiện...”; ‘Nhà nước bảo hộ...” thì dường như không phải là xác định nghĩa vụ của nhà nước mà là quyền của nhà nước. Quy định như vậy đã đặt Nhà nước ở vị trí lợi thế so với công dân: Hiến pháp đã vì Nhà nước chứ chưa thực sự vì người dân, nên những quy định về dân quyền trong Hiến pháp mới chỉ dừng lại ở tuyên ngôn của Nhà nước mà ít được người dân sử dụng để bảo vệ mình.
Muốn cho quyền hiến định của công dân có thể thực hiện được trên thực tiễn, và được công dân sử dụng để bảo vệ mình thì việc quy định về dân quyền phải theo nguyên tắc xác định dân quyền là khu vực cấm đối với công quyền, công quyền phải thừa nhận dân quyền chứ không phải ban cho công dân quyền cơ bản. Chẳng hạn, Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ quy định: “Quyền của người dân được an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ và tai sản, chống lại mọi khám xét và bắt giữ vô căn cứ, sẽ không bị vi phạm, và không được có một giấy phép khám xét nào, trừ phi có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận và đặc biệt là phải miêu tả địa điểm khám xét, những người và vật sẽ bị bắt giữ”. Nhìn chung, tôi cho rằng, trong số các quy định của Hiến pháp Việt Nam về dân quyền thì các quy định về quyền tự do cá nhân khả thi vì được ấn định theo nguyên tắc xác định các quyền này như là khu vực cấm đối với công quyền. Ví dụ: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân” (Điều 71); “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” (Điều 73)...
Trong khi các quy định về quyền tự do cá nhân khá hợp lý thì các quy định về quyền của công dân trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mặc dù rất nhiều nhưng khó thực hiện trên thực tiễn và do đó cũng khó có làm cơ sở cho việc tồn tại một chế độ bảo hiến. Để có thể làm cơ sở cho chế độ bảo hiến thì trước tiên chúng ta phải điều chỉnh lại các quy định nói trên theo nguyên tắc coi quyền công dân là quyền mà nhà nước phải thừa nhận và là một khu vực cấm đối với công quyền chứ không phải là những quyền nhà nước ban phát cho công dân. Xin đưa một số điển hình: thay vì quy định "Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động" (Điều 55) chúng ta có thể sửa thành “Quyền lao động của công dân không thể bị xâm phạm”. Thay vì quy định “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” (Điều 58) chúng ta có thể sửa thành “Không ai được xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân...”.
Tóm lại, trước khi đi tìm kiếm một mô hình bảo vệ hiến pháp phù hợp với Việt Nam thì việc trước tiên phải làm là nghiên cứu để hoàn thiện cơ sở của chế độ bảo hiến: quyền lập hiến thuộc về nhân dân và quy định khả thi hơn về dân quyền trong Hiến pháp./.
* Nghiên cứu Lập pháp, số 12(35), tháng 12/2003.
[1] Xem thêm Nguyễn Đức Lam, Cơ chế giám sát bảo hiến - góc nhìn tham khảo, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10 năm 2003, tr. 36.
[2] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và chính trị học, Sài Gòn, 1967, tr. 51.
[3] C.Mác- Ăng-ghen toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 1995, tr. 351.
[4] K.C. Wheare, Hiến pháp tân tiến, ( Bản dịch của Nguyễn Quang), 1967, tr. 85.
[5] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và chính trị học, Sài Gòn, 1967, tr. 53.
* Vua trong chế độ quân chủ lập hiến.
[6] C.Mác- Ăng-ghen toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, tr. 317.
[7] Hamiton, Jay, Madison. The Federalist. No.80.
[8] TS. Vũ Hồng Anh, Ai phân công thực hiện quyền lực nhà nước?, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 3 năm 2003, tr. 40.
[9] Bùi Ngọc Sơn. Quyền tư pháp trong các chính thể hiện đại. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4 năm 2001.
[10] Nguyễn Đức Lam, Cơ chế giám sát bảo hiến - góc nhìn tham khảo, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10 năm 2003, tr. 42.
[11] Lê Đình Chân, Luật Hiến pháp và các định chế chính trị, cuốn 2, Sài Gòn, 1975, tr. 120.