1. Bối cảnh xây dựng Hội trường Ba Đình

            Trước năm 1960, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có Trụ sở Quốc hội, bởi vậy các kỳ họp của Quốc hội phần lớn đều tổ chức tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội. Để đảm bảo điều kiện cho hoạt động của Quốc hội, Ban thường trực Quốc hội và hoạt động của các Tiểu ban của Quốc hội, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kiến trúc lập dự án xây dựng Nhà Quốc hội ở khu Quần Ngựa, Hà Nội theo quy hoạch của Chính phủ với phương châm “Tiện lợi, chắc chắn, đẹp nhưng trang nghiêm.

            Việc lựa chọn kiểu dáng kiến trúc, trang, thiết bị và vật liệu xây dựng Nhà Quốc hội được nghiên cứu rất kỹ. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc, tháng 5-1960 nhiệm vụ thiết kế Nhà Quốc hội đã hoàn thành và mô hình kiến trúc đã được trưng bày tại Phòng Triển lãm số 45 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng, khi triển khai thực hiện lại có nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết trong đó có “ khó khăn về nguyên vật liệu, vốn kiến thiết cơ bản, Chính phủ đã đề nghị hoãn việc xây dựng Nhà Quốc hội để tập trung vốn thực hiện một số công trình kinh tế cấp thiết. Trong khi chờ đợi xây dựng Nhà Quốc hội, để giải quyết chỗ họp cho các kỳ họp Quốc hội và các hội nghị quan trọng khác, Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng một nhà họp trước Quảng trường Ba Đình. Nhà họp đó được nhân dân gọi với tên thân thuộc là Hội trường Ba Đình.

            Hội trường Ba Đình được khởi công xây dựng từ quý I năm 1961 và hoàn thành vào cuối năm 1962 do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thiết kế và cùng kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm chỉ đạo thi công. Hội trường Ba Đình được xây dựng theo tiêu chuẩn kiên cố, bảo đảm chỗ ngồi cho hơn 1000 đại biểu. Phần chính và cũng là không gian rộng nhất, chiếm vị trí trung tâm của tòa nhà là Phòng họp chính dành riêng cho đại biểu tham gia dự họp. Bên trong có nhiều phòng nhỏ dành làm nơi họp của Đoàn chủ tịch, Đoàn Thư ký, các Đoàn đại biểu và nơi làm việc của Tiểu ban của Quốc hội. Hai bên Phòng hợp lớn có hành lang rộng vừa là nơi nghỉ giải lao cho cho đại biểu trong kỳ họp, vừa tạo môi trường thoáng mát cho phòng họp.   

            Với diện tích xây dựng khoảng 2.600m2, Hội trường Ba Đình gồm 3 tầng , mặt bằng được bố trí theo hình chữ T, mặt chính diện hướng Tây trông ra Quảng trường Ba Đình; mặt bên hướng Nam tiếp giáp đường Bắc Sơn, đối diện Trụ sở Bộ Ngoại giao; mặt bên hướng Bắc, tiếp giáp đường Hoàng Văn Thụ, đối diện Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng; mặt sau hướng Đông, tiếp giáp đường Hoàng Diệu, đối diện Khu Thành cổ Hà Nội.

            Hội trường Ba Đình được xây dựng bằng vật liệu trong nước, chủ yếu là gạch và bê tông, các phòng đều lát gạch hoa xi măng, trụ phòng lối vào là hành lang nghỉ hai bên phòng họp lát granitô, cửa ra vào được làm bằng gỗ ván ghép, cửa sổ làm bằng kính thường.

            Mặt tường và trần phòng họp ốp vật liệu thu âm, mặt trước lối vào và mặt bên hướng Nam tiếp giáp đường Bắc Sơn trái granitô, phần còn lại trát vữa thường.

            Thiết bị điện trong Hội trường Ba Đình được bố trí theo hệ thống ngầm đảm bảo đủ ánh sáng cho các phòng họp, có nước dùng cho các khu vệ sinh và phòng hỏa, có hệ thống thông hơi tự nhiên và thông hơi đơn giản để hút hơi nóng ra ngoài.

            Hội trường Ba Đình được xây dựng trong bối cảnh miên Bắc vừa thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi việc sức người, sức của cho cuộc đấu tranh tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; cho nên, nguồn kinh phí tập trung cho công trình rất hạn chế, mức vốn đầu tư kiến thiết cơ bản để xây dựng Hội trường Ba Đình ước tính 1.000.000đ (một triệu đồng, thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX). Vì vậy, cơ sở, vật chất, trang thiết bị rất thiếu, chủ yếu là tự trang bị và tự chế tạo, nhất là hệ thống thiết bị âm thanh và ánh sáng.

            Bộ thiết bị âm thanh đầu tiên được sử dụng trong Hội trường do nhóm kỹ thuật trang âm của Tổng cục Bưu điện truyền thanh tự chế tạo, gồm có một tủ máy công suất và một bàn hòa âm tín hiệu microphone. Linh kiện chính là đèn điện tử chân không của Liên Xô, còn tất cả các phụ kiện, tủ máy đều tự lắp ráp và chế tạo bằng cách tận dụng mọi điều kiện về cơ sở vật chất hiện có trong nước. Do nhu cầu phục vụ ngày càng cao hoạt động của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, từ khi đưa vào sử dụng, Hội trường Ba Đình đã nhiều lần sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và bổ sung trang, thiết bị kỹ thuật mới.

            Từ giữa năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối; để chuẩn bị phục vụ các kỳ họp Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất và chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, lần đầu tiên Hội trường Ba Đình được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và thay mới một số trang, thiết bị kỹ thuật, như: nâng cấp sảnh tầng 2 phía trước Hội trường Ba Đình thành Phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mở rộng diện tích Phòng họp Đoàn Chủ tịch về hướng Nam.

            Đặc biệt khuôn viên bên ngoài Hội trường được nâng cấp thành vườn hoa cây cảnh, tạo môi trường thoáng mát và không gian xanh, sạch, đẹp cho khu vực Ba Đình; xây dựng thêm Nhà kính để phục vụ các hội nghị và tổ chức họp báo; cải tạo và xây dựng thêm một số phòng họp; thay lại ghế và bổ sung bàn trong Phòng Họp chính…

            Để dảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động chính trị, xã hội được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, các trang, thiết bị trong Hội trường từng bước được thay mới theo hướng ngày càng hiện đại. Bộ thiết bị âm thanh tự trang bị đầu tiên đã sử dụng được trong 10 năm, đến lúc phải thay thế. Vì vậy, năm 1975 Văn phòng Phủ Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho nhóm kỹ thuật trang âm lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại nhập phục vụ các hoạt động của Quốc hội và các hoạt động của Đảng, Chính phủ.

            Đầu năm 1986, đáp ứng yêu cầu phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Hội trường Ba Đình tiếp tục được thay thế hệ thống thiết bị âm thanh mới theo công nghệ bán dẫn, vi mạch điện tử của Nhật Bản. Đây là loại thiết bị hiện đại đầu tiên được lắp đặt tại Hội trường nên giá trị sử dụng đã được khai thác triệt để, mỗi lần Hội trường được cải tạo, sửa chữa chỉ bổ sung thiết bị phụ trợ. Cụ thể:

            Năm 1991, được sự giúp đỡ về kỹ thuật của Viện Kỹ thuật Thông tin quân đội, Phòng Họp chính trong Hội trường được lắp đặt hệ biểu quyết điện tử, khi Quốc hội biểu quyết có ngay kết quả thay cho hình thức giơ tay của đại biểu trước đây và trang bị microphone cầm tay giúp đại biểu có thể đứng tại chỗ phát biểu hoặc tranh luận.

            Năm 1993, sau khi Hội trường Ba Đình được bàn giao cho Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quản lý theo Quyết định số 281-CT ngày 01-8-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, một lần nữa Hội trường được đầu tư cải tạo nâng cấp để phục vụ tốt hơn nữa các hoạt động của Quốc hội. Lúc này, phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cải tạo thành Phòng Tiếp khách quốc tế của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, mở rộng hành lang, sửa trần Phòng họp chính và thay lại hệ thống cửa Hội trường…

            Trang, thiết bị trong Phòng Họp chính cũng được thay mới theo thiết kế của phòng họp Nghị viện một số nước. Hệ biểu quyết điện tử dùng một đến hai phím bấm đã được thay thế bằng hệ biểu quyết điện tử đa chức năng do Hà Lan chế tạo.

            Năm 1997, do nhu cầu tăng cường diện tích làm việc cho các đơn vị trong văn phòng Quốc hội và đảm bảo an toàn cho các kỳ họp Quốc hội, lần thứ 3 Hội trường Ba Đình được đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp theo hướng mở rộng diện tích và bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, bao gồm: hệ thống thông tin nghe, nhìn, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Phòng Họp chính được lắp đặt hệ thống camera và thiết bị phiên dịch có thể dịch được nhiều thứ tiếng để phục vụ cho các đoàn ngoại giao. Trên bàn Đoàn Chủ tịch được trang bị máy vi tính kết nối với các phòng chức năng và Trung tâm kỹ thuật, giúp Đoàn Chủ tịch thuận tiện khi điều khiển phiên họp. Đặc biệt, mỗi đại biểu Quốc hội đã được trang bị một “thẻ từ” để thực hiện quyền biểu quyết, vừa thuận lợi mà vẫn đảm bảo bí mật cá nhân. Microphone cũng được lắp đặt sắn trên bàn, khi phát biểu, đại biểu chỉ cần nhấn phím và khi biểu quyết đại biểu chỉ cần nhấn vào một trong ba phím: tán thành, không tán thành, không biểu quyết.

            Trong khuôn viên Hội trường Ba Đình còn có thêm một số khu nhà phụ trợ, như: năm 1999, Văn phòng Quốc hội cho xây dựng khu Nhà 2 tầng vừa làm Phòng Truyền thống của Quốc hội, trưng bày “Một số hình ảnh và nhân vật phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam”, vừa là nơi làm việc thường xuyên của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học. Năm 2004 xây dựng thêm Nhà kính, giáp đường Bắc Sơn dành cho phóng viên báo chí phỏng vấn đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp.

2. Công năng của Hội trường Ba Đình

            Hội trường Ba Đình là công trình xây dựng của giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đó là một tòa nhà không quá sang trọng và bề thế, nhưng thực sự có ý nghĩa, bởi Hội trường Ba Đình là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu cho thanh tựu phát triển kinh tế, văn hóa khoa học và nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam ở thời đại Hồ Chính Minh.

            Trong hơn 4 thập kỷ, Hội trường Ba Đình đã đảm đương sứ mệnh lịch sử tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng: 7 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, 11 nhiệm kỳ Quốc hội và nhiều nhiệm kỳ Đại hội của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã diễn ra tốt đẹp. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự và chủ trì nhiều hội nghị quan trọng gắn với sự ra đời các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội trường Ba Đình còn là nơi tổ chức các hoạt động mang tính nghi lễ quốc gia và các hoạt động đối ngoại ở tầm quốc tế.

            Tính đến tháng 8-2007, sau 45 năm tồn tại, ngoài phòng Họp chính, Phòng họp Đoàn Chủ tịch và Thứ ký kỳ họp, Phòng trực của các cơ quan, Trung ương, Phòng tiếp khách quốc tế, trong Hội trường Ba Đình còn có 30 phòng chức năng dành cho cán bộ, công chức các cục, vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội tập trung phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, bao gồm:

  • Các phòng dành cho các cục, vụ, đơn vị phục vụ trực tiếp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
  • Các phòng dành cho các cục, vụ, đơn vị phục vụ chung đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, quản lý tài sản, tổ chức hành chinh, văn thư, lễ tân, thông tin, y tế phục vụ đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức phục vụ tại các kỳ họp Quốc hội;
  • Các phòng làm việc thường xuyên của một số đơn vị như: Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học; Trung tâm Tin học; Ban Quản lý Hội trường Ba Đình; Thư viện Quốc hội…

            Mỗi phòng chức năng của Hội trường Ba Đình tuy có nhiệm vụ riêng, nhưng đều có liên quan chặt chẽ với nhau nhằm phục vụ tốt nhất các hoạt động của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong mỗi nhiệm kỳ và đảm bảo điều kiện cho hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức tại đây.