Là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, Hội trường Ba Đình đã trở thành một địa danh lịch sử, văn hóa đặc biệt. Do công trình được xây dựng trong những năm đất nước còn chiến tranh, kinh tế khó khăn , nên chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu, công năng, hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, do phải nhiều lần cải tạo, sữa chữa nên chất lượng công trình không đảm bảo cho việc sử dụng lâu dài. Đã có nhiều phương án cải tạo Hội trường theo hướng hiện đại hóa toàn diện, vốn đầu tư lớn, nhưng công năng sử dụng cũng khó đáp ứng được yêu cầu và khó giữ được kiểu dáng kiến trúc cũ.
Vì vậy, sau khi các cơ quan quản lý về xây dựng, văn hóa và khảo cổ nghiên cứu phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình đã bổ sung ý kiến và thống nhất đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước: cần thiết phải xây dựng Nhà Quốc hội để thay vị trí Hội trường Ba Đình.
Được sự đồng ý của Bộ Chính trị tại Thông báo số 62 – TB/TW ngày 02-3-2007; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 889 TB/UBTVQH11 ngày 13-3-2007 về việc xây dựng Nhà Quốc hội, trong đó có đoạn: “Tòa Nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, có giá trị lâu dài, có ý nghĩa lịch sự to lớn, có quy mô kiến trúc xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam…”.
Ngày 15-3-2007, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trình bày trước phiên họp toàn thể của Quốc hội Báo cáo số 29/BC – CP của Chính phủ về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình. Đối với Hội trường Ba Đình, báo cáo nêu rõ “có thể cho làm mô hình cùng với xây dựng hệ thống tư liệu hình ảnh để đưa vào bảo tang tổ chức lưu giữ lâu dài”.
Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, sau khi nghiên cứu và trực tiếp nghe ý kiến của Bộ Xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính Phủ, chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Ý kiến của Ủy ban cho rằng: “Việc xây dựng Tòa Nhà Quốc hội với kiến trúc đẹp, trang trọng, hiện đạo trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay sẽ đảm bảo điều kiện hoạt động tốt nhất cho Quốc hội và tạo được không gian kiến trúc đẹp tại khu vực Ba Đình lịch sử. Những giá trị lịch sử của Hội trường Ba Đình sẽ không mất đi mà được bảo tồn bằng tư liệu, hình ảnh, hiện vật và mô hình trong bảo tàng”
Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày 2-4-2007 tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XI, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 77/2007/QH11 về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội.
Nội dung của nghị quyết nêu rõ: thống nhất với phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội của Chính Phủ đã trình Quốc hội. Giao Chính phủ triển khai xây dựng công trình với những yêu cầu cơ bản: Nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một đất nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sang hợp tác với bạn bè quốc tế. Phương án xây dựng Nhà Quốc hội phải gắn với phương án bảo tồn di tích lịch sử, kết hợp hài hòa với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực.
Triển khai xây dụng Nhà Quốc hội bảo đảm cao nhất chất lượng công trình, an toàn, thuận tiện cho hoạt động của Quốc hội và cần được triển khai đồng bộ với việc bảo tồn di tích lịch sử.
Đồng thời với việc xây dựng Nhà Quốc hội, cần xác định quy hoạch tổng thể, triển khai quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình thành một quần thể các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, kết hợp hài hòa giữa các công trình hiện có với các công trình xây dựng mới, giữa bảo tồn và phát trển để xứng đáng là một Trung tâm chính trị - văn hóa của Thủ đô và cả nước, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam.
Việc lựa chọn phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình vừa thể hiện sự kế thừa và tiếp nối về mặt văn hóa, lịch sử của đất nước qua các thời đại, đỉnh cao là thời đại Hồ Chí Minh, vừa thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam…