70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Hồ Chí Minh khẳng định bản chất dân chủ của chế độ ta, nhà nước ta. Trong một chế độ dân chủ, nhà nước dân chủ, người dân được đặt ở vị trí cao nhất – dân là chủ, dân làm chủ, còn các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước chỉ là đày tớ, là “công bộc” của nhân dân. Người khẳng định:

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra…

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1].

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để xác lập nền tảng pháp lý của một nhà nước kiểu mới theo hướng pháp quyền, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo để soạn thảo Hiến pháp dân chủ đầu tiên – Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 đã tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản của một Nhà nước dân chủ. Đó là: 1) Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; 2) Bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; 3) Thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Với những nguyên tắc trên đây, Hiến pháp 1946 đã bảo đảm về mặt pháp lý tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân và Hiến pháp là cơ sở pháp lý để tiến hành công việc của đất nước.

Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân còn được thể hiện ở chỗ Hồ Chí Minh kiên quyết khước từ mọi hình thức ưu đãi mang màu sắc quân chủ trong việc kiến tạo ra một lãnh tụ quốc gia. Tháng 12 năm 1945, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các uỷ ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Đáp lại nguyện vọng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã trả lời: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”[2].

 

[1]Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc giatập 5, tr.698.

[2]Hồ Chí Minh,Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 116.