Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa tổng tuyển cử" của Bác Hồ. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: "…Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó"[1].
Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chiều 5/1/1946, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội đang mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: "Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung..." Hướng về phía cử tri Bác đã căn dặn: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình". Hướng về phía các ứng cử viên Bác nhắn nhủ: "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng"...
Năm 1953, trong các bài viết về Thường thức chính trị đăng trên báo Cứu Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”[2].
Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”[3]. “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”[4]. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[5].
[1] Dẫn trên, Chú thích số 10
[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 7,tr. 219-220
[3] Ý nghĩa Tổng tuyển cử", Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.133
[4]Lời phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri, ngày 24-4-1960, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập10, tr.130
[5] Dẫn trên, Chú thích số 10