70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Tháng 10 năm 1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta để tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Trong thư có đoạn viết: "... chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu... do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc Cứu Quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang"[1].

Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, nhận thấy cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam.

Vì vậy, giữa tháng 8 năm 1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Quốc dân đại hội cũng đã được tiến hành trong bối cảnh đó.

Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể Cứu Quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.

Đại hội tiến hành trong khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng. Đảng cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương. Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bao gồm:

1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập;

2. Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam;

3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo;

4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ;

5. Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền. Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền;

6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân;

7. Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm;

8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang Quốc gia ngân hàng;

9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới;

10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.”[2]

Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch,đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Uỷ ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng ViệtNam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước"[3].

Trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, trong đó có đoạn viết:

...Hỡi đồng bào yêu quí!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!.”

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16 tháng 8 năm 1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam và như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập "Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội", cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng"[4].

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 505.

[2]. Văn kiện Đảng 1930 – 1945, tập 3, tr.535.

[3] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr. 263.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 553.