Trong giai đoạn 1946 đến 1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống giặc ngoài, thù trong, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Tiếp đó, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1946 – 1954), Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… Để sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào chính phủ. Ban thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, Ban thường trực Quốc hội đã quyết định: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến”[1]. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này – Quốc hội kháng chiến.
Trong giai đoạn từ năm 1954 đến 1960, theo Hiệp định Genève, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Bắc – Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân Việt Nam đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế và văn hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, trong đó có duy nhất một kỳ họp được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội là kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I được tổ chức vào năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc (từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12 năm 1953).
[1]. Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, 1946 – 1960, Nxb Chính trị - Quốc gia, 2000, tr.117.