Hiến pháp năm 1946 quy định nghị viên (đại biểu Quốc hội) có những đặc quyền đáng kể, bao gồm quyền bất khả xâm phạm thân thể của nghị viên; nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay Ban thường vụ đồng ý khi Nghị viện nhân dân không họp thì không được bắt giam và xét xử nghị viên; về quyền tự do phát biểu chính kiến của nghị viên, theo đó, nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện. Nghị viên có thể bị bắt giam trong trường hợp phạm pháp quả tang nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông báo cho Ban thường vụ để Ban thường vụ hoặc Nghị viện xem xét, quyết định.
Hiến pháp năm 1946 cũng quy định về vấn đề bãi miễn một nghị viên. Tại Điều 41 là “Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri của tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức.” Như vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 1946 thì chỉ có cử tri là người đã bầu ra đại biểu Quốc hội mới là chủ thể có quyền đề xuất việc bãi miễn đại biểu, còn quyền quyết định việc bãi miễn lại thuộc về Nghị viện khi có hai phần ba tổng số đại biểu đồng ý về việc bãi miễn đó.