70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã có bước phát triển mới qua việc khẳng định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” . Trước đây, do chưa xác định rõ Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp nên có nhiều vấn đề mang tính chất luật đã được Chính phủ ban hành thành sắc luật, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ.

Thẩm quyền của Quốc hội được Hiến pháp năm 1959 quy định một cách đầy đủ hơn trước, theo đó, Quốc hội có mười bảy loại nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp;

2. Làm pháp luật;

3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp;

4. Bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà;

5. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ;

6. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng;

7. Bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

8. Bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

9. Bãi miễn Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ, Phó Chủ tịch và những thành viên khác của Hội đồng quốc phòng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

10. Quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước;

11. Xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước;

12. Ấn định các thứ thuế;

13. Phê chuẩn việc thành lập và bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ;

14. Phê chuẩn việc phân vạch địa giới tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương;

15. Quyết định đại xá;

16. Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình;

17. Những quyền hạn cần thiết khác do Quốc hội định.

Từ những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đã được Hiến pháp quy định, có thể khẳng định rằng, Quốc hội có ba chức năng cơ bản nhất là (i) lập pháp, (ii) quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và (iii) giám sát.

Hiến pháp 1959 đã có nhiều điều khoản quy định rõ ràng hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập bộ máy nhà nước như ngoài việc bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch nước như Hiến pháp năm 1946 quy định thì theo Hiến pháp 1959, Quốc hội còn bầu Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện nhân dân tối cao.

Trước đây Hiến pháp 1946 không quy định quyền thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị địa phương cho Quốc hội. Trên thực tế việc thành lập, điều chỉnh địa giới các đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị thường được thực hiện bằng các sắc lệnh của Chủ tịch nước. Còn việc thành lập, điều chỉnh ranh giới hành chính dưới cấp tỉnh thì có thể do Uỷ ban hành chính cấp kỳ hoặc do Bộ nội vụ quyết định. Hiến pháp năm 1959 đã quy định rõ việc thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính địa phương. Cụ thể là việc thành lập, sát nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị là thuộc thẩm quyền của Quốc hội còn việc thành lập, sát nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị dưới cấp tỉnh là thuộc thẩm quyền của Hội đồng chính phủ.

Một vấn đề nữa là quyền quyết định ngân sách, chính sách tài chính quốc gia. So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959 quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc: Quyết định kế hoạch kinh tế nhà nước;Xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước; và ấn định các thứ thuế.

Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn như đã phân tích thì Quốc hội có nhiệm vụ mới là quyết định đại xá (khoản 5 Điều 50). Đồng thời, Hiến pháp năm 1959 còn quy định “Quốc hội có những quyền cần thiết khác do Quốc hội ấn định”. Nói cách khác, quyền lực của Quốc hội theo Hiến pháp 1959 là không bị giới hạn.

Về chức năng giám sát, Hiến pháp năm 1959 có những quy định cụ thể hơn, theo đó, “Quốc hội có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp”. Quyền giám sát của Quốc hội còn được tăng cường thông qua hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Theo khoản 6 và khoản 7, Điều 53 Hiến pháp 1959 thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền “Giám sát công tác của Hội đồng Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, và giải tán các Hội đồng nhân dân nói trên trong trường hợp các Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng.”