Trong giai đoạn này, nhiệm kỳ của Quốc hội được kéo dài là 5 năm. Về cơ bản, số lượng và thành phần đại biểu Quốc hội là không thay đổi so với các khoá Quốc hội trước đó. Nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể hơn so với trước.
Về quyền miễn trừ, việc bắt giam và truy tố đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quy định rõ chủ thể có quyền đề nghị bắt giam và truy tố đại biểu Quốc hội là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về quyền chất vấn,theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981, khi Quốc hội họp, đại biểu Quốc hội gửi những chất vấn đến Chủ tịch Quốc hội để Chủ tịch Quốc hội chuyển cho các cơ quan hoặc người bị chất vấn. Khi đại biểu chất vấn Hội đồng bộ trưởng thì Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng hoặc một thành viên được uỷ nhiệm của Hội đồng bộ trưởng trả lời. Khi đại biểu chất vấn một thành viên của Hội đồng bộ trưởng thì thành viên đó trả lời. Cơ quan hoặc người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp đó của Quốc hội. Trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội quyết định thời gian trả lời trước Hội đồng Nhà nước hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội.Giữa hai kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội gửi những chất vấn đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chuyển cho các cơ quan hoặc người bị chất vấn. Cơ quan hoặc người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng Nhà nước hoặc, theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, trước Quốc hội tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội.Khi cần thiết, Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước ra nghị quyết về việc trả lời và trách nhiệm của những cơ quan hoặc người bị chất vấn.
Về việc tham gia giải quyết khiếu nại,lần đầu tiên Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã quy định cụ thể vai trò của đại biểu Quốc hội trong giải quyết khiếu nại, không chỉ có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan Nhà nước hữu quan mà còn theo dõi việc giải quyết và báo cho đương sự biết kết quả. Các cơ quan Nhà nước phải báo cho đại diện Quốc hội biết kết quả giải quyết những khiếu nại và tố cáo của nhân dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến.
Đại biểu Quốc hội còn có quyền kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung. Các cơ quan Nhà nước và những người có trách nhiệm phải nghiên cứu và trả lời những kiến nghị đó của đại biểu.Theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, các cơ quan Nhà nước và những người có trách nhiệm phải thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội hoặc của bất cứ cá nhân nào.
Về mối quan hệ với chính quyền địa phương. Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 quy định đại biểu Quốc hội có quyền tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền phát biểu ý kiến nhưng không biểu quyết.
Đồng thời, Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 đã quy định cụ thể hơn về các nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội so với Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Cụ thể là đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp và phiên họp của Quốc hội. Đại biểu nào không thể tham gia các kỳ họp và phiên họp phải có lý do và phải báo trước cho Chủ tịch Quốc hội biết. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc và báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp.
Để tăng cường mối quan hệ giữa các đại biểu của địa phương, lần đầu tiên Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 quy định về việc thành lập các Đoàn đại biểu Quốc hội, theo đó, đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vi hành chính tương đương họp thành đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và cử ra trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động của đại biểu Quốc hội tại các đơn vị bầu cử. Các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội giữ quan hệ với Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Mỗi năm hai lần, các đoàn đại biểu Quốc hội thông báo cho Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương về hoạt động của các đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Trên thực tế, việc hình thành Đoàn đại biểu Quốc hội có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp các đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận ý kiến về các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định; cho ý kiến về các vấn đề tổ chức kỳ họp, nhân sự… Về phía đại biểu Quốc hội, thiết chế đoàn đại biểu đóng vai trò như một cầu nối để trao đối thông tin với các cơ quan thường trực của Quốc hội được thuận tiện hơn trong thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội còn trở thành diễn đàn để cho các đại biểu được bầu trong cùng địa phương bàn bạc, phối hợp để cùng có ý kiến chung trong việc tham gia ý kiến với chính quyền địa phương tốt hơn và có tiếng nói tập thể để phản ánh ý chí và quyền lợi của địa phương tại diễn đàn Quốc hội được tốt hơn.