Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vị trí của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có ba chức năng cơ bản là lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của đất nước.
Theo Điều 84 Hiến pháp năm 1992, Quốc hội có 14 nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng như sau:
1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;
2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
3. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
5. Quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước;
6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương;
7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;
8. Quyết định thành lập, bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
9. Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;
10. Quyết định đại xá;
11. Quy định hàm, cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp Nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước;
12. Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
13. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước;
14. Quyết định việc trưng cầu ý dân.
Hiến pháp năm 1992 đã bãi bỏ quy định của Hiến pháp năm 1980 là Quốc hội có thể tự mình đặt ra những nhiệm vụ và quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết. Cùng với việc xác định rõ thẩm quyền của Quốc hội trong những vấn đề cụ thể, sự điều chỉnh căn bản này là phù hợp với tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, theo đó, Quốc hội chỉ được xem xét và quyết định những vấn đề đã được Hiến pháp xác định. Trong trường hợp cần thiết cần phải tăng thẩm quyền của Quốc hội thì buộc phải sửa đổi Hiến pháp theo những trình tự và thủ tục chặt chẽ do Hiến pháp quy định.
So với Hiến pháp năm 1980, các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong Hiến pháp năm 1992 có một số điểm khác biệt như sau:
- Về quyền lập pháp. Tại khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 còn bổ sung thêm quyền của Quốc hội là “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”..
- Về quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Hiến pháp 1992 đã có những quy định mới, làm rõ thêm thẩm quyền của Quốc hội. Ví dụ, Hiến pháp quy định: “Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; phân bổ ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, chuyển thẩm quyền quyết định việc trưng cầu dân ý thuộc về cơ quan thường trực của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 thành thẩm quyền của Quốc hội như Hiến pháp năm 1946 đã từng quy định; chuyển thẩm quyền phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế chủ yếu thuộc cơ quan thường trực của Quốc hội thành nhiệm vụ của Quốc hội khi có đề nghị của Chủ tịch nước.
Đến năm 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung và có nhiều quy định mới thể hiện sự điều chỉnh lớn đáp ứng yêu cầu khẳng định vai trò củaQuốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể là Điều 84 Hiến pháp năm 1992 bổ sung quy định Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương; còn việc phân bổ ngân sách địa phương thì được giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về quyền của Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký.
Vai trò của Quốc hội còn được tăng cường trong việc xem xét và quyết định các vấn đề về nhân sự cấp cao. Trước năm 2001, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều giao cho cơ quan thường trực của Quốc hội là Hội đồng Nhà nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Điều khoản sửa đổi của Hiến pháp năm 1992 đã bãi bỏ thẩm quyền này của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền quyết định nhân sự cấp cao của nhà nước. Trong Báo cáo trình Quốc hội về vấn đề này, Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 cho rằng đây là vấn đề quan trọng, phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không nên giao cho cơ quan khác thực hiện. Về mặt thời gian, mỗi năm Quốc hội họp hai kỳ, thời gian giữa hai kỳ họp không dài, do đó, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức những người giữ các chức danh này không nhất thiết phải tiến hành trong thời gian Quốc hội không họp. Như vậy, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh sau khi có Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi vào năm 2001 là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thể hiện tinh thần và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được xác định cụ thể hơn trong quá trình thực hiện. Đó là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Theo Nghị quyết này, dự án, công trình quan trọng quốc gia là dự án, công trình có một trong năm tiêu chí sau: (i) Quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên; (ii) Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; (iii) Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác; (iv) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; (v) Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định
Về quyền giám sát tối cao của Quốc hội, cụ thể hóa quy định Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước, điều khoản sửa đổi của Hiến pháp năm 1992 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền trực tiếp hủy bỏ những văn bản trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn những văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì chỉ có quyền đình chỉ và trình lên Quốc hội xem xét việc hủy bỏ trong kỳ họp gần nhất (Điều 91 khoản 5 Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Chức năng giám sát tối cao của Quốc hội còn được quy định chi tiết hơn trong Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội (2003).
Điểm mới so với trước đây là quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định mới của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi. Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 đã cụ thể hoá điều này thành quy trình bỏ phiếu tín nhiệm gồm các bước như sau: (i) Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm; (ii) người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội; (iii) Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm.
Căn cứ để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là phải có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm.