Về vị trí, vai trò của Quốc hội, Điều 69 của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, về chức năng của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 đã có sửa đổi, bổ sung so với Hiến pháp năm 1992. Theo đó, chức năng của Quốc hội được quy định như sau: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
So với trước đây, Quốc hội không thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước mà chỉ tiến hành giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Việc sửa đổi này nhằm khẳng định đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội chỉ bao gồm “tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước” (Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, những người đứng đầu các cơ quan này và các thành viên của Chính phủ).
Về nhiệm kỳ của Quốc hội, trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã bổ sung thêm một số nội dung về nhiệm kỳ của Quốc hội. Bên cạnh việc tiếp tục quy định thời gian cho mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là năm năm, Luật cũng xác định rõ khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội sẽ quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ. Nếu như Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 không quy định cụ thể về thời gian kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, thì Luật năm 2014, trên cơ sở cụ thể hóa khoản 3, Điều 71 của Hiến pháp 2013 đã ấn định việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về nội dung này (Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp) thành16 điều (từ Điều 4 đến Điều 20).
Về làm luật và sửa đổi luật, Điều 5 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp của Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án, còn trình tự, thủ tục làm luật, sửa đổi luật sẽ do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định đối tượng, phạm vi giám sát còn những vấn đề cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục, hệ quả giám sát thì do Luật hoạt động giám sát quy định (Điều 6).
Về quyết định các chính sách quan trọng về kinh tế - xã hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chính sách về kinh tế, ngân sách, chính sách về tôn giáo, đối ngoại, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (Điều 7).
Về lấy phiếu tín nhiệm, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc lấy phiếu, còn thời điểm, thời hạn, trình tự lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định cụ thể trong văn bản khác (Điều 12).
Về trưng cầu ý dân, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã cụ thể hóa khoản 15 Điều 70 của Hiến pháp về các trường hợp Quốc hội quyết định việc trưng cầu dân ý. Theo đó, Luật cũng đã xác định rõ các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.Cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật trưng cầu ý dân quy định (Điều 19).
Về xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, Điều 20 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.
Trong các nhiệm vụ, quyền hạn trên đây, điểm mới nổi bật của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 là sự bổ sung quy định mới về việc lấy phiếu tín nhiệm. Quy định này nhằm ghi nhận thẩm quyền của Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mặc dù Hiến pháp 2013 không đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm, song dựa trên hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, sự quan tâm của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua, Luật sửa đổi đã thiết kế quy định về lấy phiếu tín nhiệm với tính chất là một phương thức tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, đây cũng được xem là một bước chuẩn bị cho việc thực hiện quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp.
Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm, trên cơ sở thể chế hóa quy định của Hiến pháp và luật hóa một số nội dung trong Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, kế thừa quy định tại Điều 88 của Luật tổ chức Quốc hội 2001, Luật tiếp tục quy định Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩntrong các trường hợp doỦy ban thường vụ Quốc hội đề nghị hoặc có ý kiến bằng văn bản của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hộihoặc có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã bổ sung thêm trường hợp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm khi có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, Luật cũng đã quy định rõ hậu quả pháp lý đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm.