Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 tiếp tục quy định Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Về cơ cấu tổ chức, ngoài Hội đồng dân tộc, Quốc hội có 9 ủy ban gồm: Ủy ban pháp luật; Ủy ban tư pháp; Ủy ban kinh tế; Ủy ban tài chính, ngân sách; Ủy ban quốc phòng và an ninh; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường; Ủy ban đối ngoại.
Về cơ cấu thành phần của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, để phân biệt rõ 2 chức danh Ủy viên thường trực và Ủy viên chuyên trách, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định cụ thể Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên (Điều 67). Về việc bầu, phê chuẩn thành viên Hội đồng, Ủy ban, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Các chức danh Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Các quy định này nhằm bảo đảm linh hoạt cho quy trình phê chuẩncác thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cũng như sự linh hoạt trong công tác điều động, bố trí, luân chuyển cán bộ; bảo đảm quyền được tham gia Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội của các đại biểu Quốc hội.
Về quy định đối với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 xác định thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban là bộ phận giúp Hội đồng, Ủy ban giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp. Hiện nay, đa số các thành viên của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, công tác ở nhiều cơ quan và địa phương khác nhau trong cả nước, trong khi đó, khối lượng công việc mà Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban phải giải quyết lại rất lớn và đa dạng, vì vậy, cần phải có bộ phận chuyên trách giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban giải quyết những công việc mang tính chất tác nghiệp thường xuyên của các cơ quan này.
Việc nhiệm vụ, quyền hạn giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng sau đây:
1.Bổ sung quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh về lĩnh vực mà Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách;
2.Bổ sung trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp nhằm cụ thể hóa Điều 119 của Hiến pháp. Theo đó, trong quá trình thực hiện, nhiệm vụ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phát hiện văn bản có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và kiến nghị cơ quan đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản đó; trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghịthì Hội đồng, Ủy ban có quyền kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Ủy ban pháp luật có trách nhiệm thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền (Điều 80);
3.Bổ sung quyền yêu cầu báo cáo, cung cấp tài liệu, cử thành viên xem xét, xác minh về vấn đề mà Hội đồng dân tộc, Ủy ban quan tâm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đối với những yêu cầu của Hội đồng, Ủy ban cho phù hợp với Hiến pháp (Điều 81);
4.Bổ sung, làm rõ hoạt động báo cáo, giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề cần thiết thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách (Điều 82);
5.Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng dân tộc trong việc thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 69);
6.Bổ sung trách nhiệm của Ủy ban pháp luật trong việc giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật (Điều 70);
7.Bổ sung trách nhiệm của Ủy ban tư pháp trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng (Điều 71);
8.Tiếp tục xác định nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng của Ủy ban kinh tế; đồng thời bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban này trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực đất đai và chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia (Điều 72);
9.Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban tài chính, ngân sách trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về kiểm toán nhà nước (Điều 73);
10.Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong việc thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vựctôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó, Ủy ban này sẽ phụ trách lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng,tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng (Điều 75);
11.Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban các vấn đề xã hội trong việc thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng (Điều 76).
Về Ủy ban lâm thời của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định cụ thể về Ủy ban lâm thời tại Điều 88 và Điều 89 trong dự thảo Luật, tránh gây nhầm lẫn với các Ủy ban thường xuyên khác của Quốc hội. Luật quy định rõ các trường hợp Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời, khẳng định thành viên của Ủy ban lâm thời phải là đại biểu Quốc hội; thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban lâm thời do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.Ủy ban lâm thời chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Về việc thành lập các tiểu ban của Hội đồng và các Ủy ban, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 42 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 và quy định tại Điều 11 của Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã xây dựng quy định mới về về việc thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.