70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Về bố cục, để thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tại Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, các quy định về đại biểu Quốc hội được thiết kế tại chương II, ngay sau chương những quy định chung về Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

Về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định cụ thể hơn về tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách; thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và trách nhiệm trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên và tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quy định cụ thể chế độ lương, thưởng, phụ cấp cho các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện đảm bảo tính độc lập cho đại biểu Quốc hội.

Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã bổ sung và quy định rõ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội tại Điều 22. Việc Luật tổ chức Quốc hội quy định và làm rõ hơn điều này là do Luật cần điểu chỉnh các vấn đề liên quan đến các cơ cấu hợp thành tổ chức của Quốc hội, trong đó đại biểu Quốc hội là thành tố giữ vị trí trung tâm. Đồng thời, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Luật này không chỉ là tiêu chuẩn để cử tri xem xét, đánh giá khi bầu một người làm đại biểu Quốc hội mà các tiêu chuẩn này cần được tiếp tục duy trì, bảo đảm trong suốt nhiệm kỳ của đại biểu của Quốc hội, là cơ sở để Quốc hội hoặc cử tri xem xét, nhận xét đối với từng đại biểu Quốc hội.

Về số lượng đại biểu Quốc hội, Điều 23 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định số lượng đại biểu Quốc hội không quá 500 người vừa thể hiện số ghế tối đa trong Quốc hội, vừa bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nội dung, cách thức xác định số lượng cụ thể đại biểu Quốc hội được bầu sẽ được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Khoản 2 Điều 23 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (Luật trước đây quy định là 25%) để phù hợp với yêu cầu thực tế của Quốc hội nước ta hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc kiện toàn bộ máy của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời đây là điều kiện để tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có những quy định cụ thể về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để phân biệt rõ hơn địa vị pháp lý, vai trò và trách nhiệm với đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách. Luật quy định “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương”. Với quy định này, Luật sửa đổi đã xác định điểm khác biệt lớn nhất về chế độ pháp lý của đại biểu hoạt động chuyên trách là những người dành toàn bộ thời gian của mình cho hoạt động của Quốc hội và không kiêm nhiệm công tác điều hành, quản lý nhà nước trong bộ máy của các cơ quan khác ở trung ương cũng như địa phương. Đối với các đại biểu hoạt động không chuyên trách, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm dành tối thiểu một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh việc xác định rõ chế độ pháp lý, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014cũng quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Những hội nghị này là hoạt động quan trọng để các đại biểu chuyên trách nghiên cứu, thảo luận sâu sắc hơn về các nội dung trước khi Quốc hội cho ý kiến, góp phần nâng cao hơn chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 bổ sung quyền chất vấn của đại biểu đối với Tổng Kiểm toán nhà nước để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng thời sửa đổi quy định về việc trả lời chất vấn theo hướng Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép người bị chất vấn trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp bằng văn bản đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền tiếp tục chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn đến người bị chất vấn.

Về quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội, so với Luật năm 2001, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có quy định riêng về quyền của đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị Quốc hội về các vấn đề: làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp; trưng cầu ý dân; thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tổ chức phiên họp bất thường; phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng có quyềnkiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Về quyền tham dự kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 bổ sung thêm quyền của đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân nơi đại biểu cư trú hoặc nơi làm việc khi Hội đồng nhân dân bàn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội sâu sát hơn với tình hình thực tiễn của địa phương, thu thập thêm các thông tin cần thiết cho hoạt động của mình.

Về quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Điều 30 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Căn cứ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội xem xét lập danh sách thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng quy định thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Điều 53).

Quyền tham gia làm thành viên Hội đồng, Ủy ban phải luôn gắn bó chặt chẽ với các trách nhiệm cụ thể. Điều 26 của Luật xác định rõ trách nhiệm của thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là phải tham dự các phiên họp, tham gia thảo luận, biểu quyết các vấn đề và tham gia các hoạt động khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban mà mình là thành viên.

Đối với những đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã mở ra cơ chế để đại biểu vẫn có thể tham gia vào một số hoạt động của các cơ quan của Quốc hội như có quyền đăng ký tham dự các phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm (Khoản 2 Điều 30).

Về trách nhiệm với cử tri, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm nhằm mục đích tạo thêm cơ hội để đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng thời thu hút được sự quan tâm của cử tri đối với các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Vềphụ cấp và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hàng tháng, kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, trang bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội... (Điều 41, Điều 42 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014).

Về Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43), Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã thể hiện rõ hơn vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, Luật đã quy định rõ nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội trong 4 lĩnh vực chính là tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ giám sát và thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác.