Kể từ năm 1986, Quốc hội nước ta đã cùng với nhân dân cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn.
Về kinh tế, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD. Nền kinh tế được chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững[1].
Về văn hóa – xã hội, công cuộc phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tuổi thọ trung bình tăng từ 64,8 tuổi vào năm 1986 lên khoảng 73,5 tuổi vào năm 2015. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Về quốc phòng an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố và hoàn thiện; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, giai đoạn phát triển vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm cần khắc phục. Nền kinh tế về cơ bản vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp. Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội nhiều mặt còn hạn chế. Hệ thống chính trị đổi mới chưa đồng bộ, năng lực và hiệu quả hoạt động chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi[2].
Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của giai đoạn phát triển vừa qua, mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo được Đảng ta xác định là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Việc hoàn thiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự phấn đấu và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân.
Với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội là rất nặng nề. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quyết định của Quốc hội có ảnh hưởng và chi phối đối với các lĩnh vực khác nhau của hoạt động Nhà nước và đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi việc xem xét và quyết định của Quốc hội phải thực chất, không mang tính hình thức.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng trong thời gian vừa qua, tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định. Quy trình lập pháp tuy được đổi mới, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Trách nhiệm cơ quan trình dự án, cơ quan tham gia soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý cần tiếp tục được phân định rõ ràng hơn. Một số quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh còn chưa phù hợp với thực tế, chưa có tính khả thi cao, cần phải được sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn. Trong thảo luận, thông qua dự án, một số trường hợp chưa có sự tranh luận đầy đủ, đối thoại đến cùng. Một số quy định của về hoạt động giám sát của Quốc hội còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời, nhất là cơ chế giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Còn có tâm lý e ngại, nể nang trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội. Thông tin phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đầy đủ, kịp thời. Việc sử dụngcác cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật, tính chính xác của số liệu trước khi cung cấp đến đại biểu Quốc hội chưa được áp dụng rộng rãi. Sự phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội và giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan hữu quan có lúc còn chưa được nhịp nhàng, chặt chẽ.
Việc đổi mới Quốc hội trong thời gian tới phải hướng tới mục tiêu bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau đây:
Thứ nhất, đảm bảo và nâng cao vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; các đại biểu Quốc hội gắn bó một cách chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, phản ánh kịp thời và đầy đủ các tâm tư, nguyện vọng của các cử tri; bảo đảm các quyết định của Quốc hội thể hiện đầy đủ ý chí chung của nhân dân.
Thứ hai,nâng cao chất lượng lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm luật, pháp lệnh quy định cụ thể, chi tiết, tăng tính khả thi để được triển khai áp dụng nhanh vào cuộc sống.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội trong quá trình cải cách thể chế, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ tư,đổi mới và nâng cao vai trò của Quốc hội hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm,tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế.
[1]. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, 30 năm đổi mới: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục và ổn định, http://www.mof.gov.vn
[2]. Diễn văn của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975.