BÀN VỀ LẬP HIẾN

TS, LS. Phan Đăng Thanh

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

1. Lập hiến là nguyện vọng của nhiều thế hệ nhân sĩ trí thức Việt Nam

Lâu nay, khi nói về sự ra đời của Hiến pháp 1946, phần nhiều người ta chỉ quan tâm bắt đầu từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám, vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vấn đề cấp bách hơn cả, theo ý tôi” là “trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ...”[1]. Sự quan tâm đến xuất phát điểm này là hoàn toàn đúng. Nhưng không phải tất cả chỉ bắt đầu từ đó, mà ngay từ những năm 1919 - 1922, Nguyễn Ái Quốc đã “thay mặt nhóm những người yêu nước Việt Nam” yêu cầu các thế lực cầm quyền thực dân, phong kiến: Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền[2].

Đã nói là “thay mặt” thì lúc đó phải có một số người. Những người đó đều có chung một nguyện vọng đấu tranh cho nước Việt Nam độc lập, nhân dân Việt Nam có mọi quyền cơ bản. Và muốn vậy, Việt Nam phải có Hiến pháp. Có thể nói, những nhân sĩ trí thức yêu nước cùng thời với Nguyễn Ái Quốc hoặc trước Nguyễn Ái Quốc  từ năm đến mười năm đều đã tha thiết nêu lên yêu cầu ấy, nỗ lực kiên quyết đấu tranh cho yêu cầu ấy.

1.1. Nguyện vọng của các nhân sĩ trí thức xuất thân từ nho học

Trước hết phải kể đến tầng lớp sĩ phu yêu nước tiến bộ vào đầu thế kỷ XX, mà đại biểu là ba nhân sĩ trí thức lớn: Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Cả ba nhà khoa bảng này đều nêu cao vai trò của Hiến pháp và quyết tâm đấu tranh để xây dựng Hiến pháp cho nước Việt Nam.

Khi lãnh đạo phong trào Đông Du, soi tấm gương Nhật Bản, Phan Bội Châu đã kêu gọi: Lập Hiến pháp từ đầu Minh Trị. Bốn mươi năm dân trí mở mang... Năm 1932, Phan Bội Châu - khi trả lời phỏng vấn của báo Đông Tây - đã khẳng định: “Tôi thiết tưởng nước ta từ xưa vẫn chưa có Hiến pháp, nay lập bản Hiến pháp không những là một sự hay, lại còn là một điều cần. Thế nào cũng phải có Hiến pháp, lẽ ấy tất nhiên”. Và cụ Phan đã phác họa mô hình lý tưởng của Hiến pháp Việt Nam là: “Châm chước theo Hiến pháp của các nước quân chủ như nước Anh, nước Nhật; theo Hiến pháp của nước Mỹ, nước Đức, nước Nga... Lại phải tùy theo cái trình độ của dân ta mà lựa chọn lấy những điều thích hợp, thì mới có thể gọi là hoàn thiện được”[3].

Xuyên suốt trong tư tưởng của Phan Châu Trinh là sự đề cao Hiến pháp, Ông coi đó là công cụ pháp lý để hạn chế quân quyền độc tôn, hà lạm: “Lấy theo ý riêng một người hay một triều đình mà trị vì một nước, thì cái nước ấy không khác gì một đàn chiên, được no ấm vui vẻ hay phải đói lạnh khổ sở là tùy theo lòng rộng hay hẹp của người chăn chiên. Còn như theo Chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cho mọi người” [4].

Còn Huỳnh Thúc Kháng thì quan niệm, “cần thiết phải có một cơ thể chính trị, chia bộ phận mà có trách nhiệm, định quyền hạn mà có quy thức, để chỉnh đốn việc lợi ích chung trong xứ. Đó là một điều cốt yếu tức là Hiến pháp vậy”[5]; “Nhà nước mà cho Hiến pháp là một cái nền nếp chính trị bền vững lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể ý nguyện trong nhân dân”[6].

Thời kỳ này, cũng phải kể đến tư tưởng của những nhà nho học và tân học trong nhóm Đông Kinh nghĩa thục (1907). Tuy thời gian hoạt động của nhóm chỉ gần 9 tháng, nhưng qua văn thơ, tài liệu của nhóm, đã thấy rõ những yêu cầu lập hiến bức thiết: “Ngày nay, sống trong thế giới cạnh tranh khốc liệt, ta phải nghĩ đến liên hiệp các đoàn thể, cùng nhau định ra Hiến pháp mà vui vẻ làm tròn nghĩa vụ của quốc dân để bảo vệ non sông tổ quốc” [7].

1.2. Nguyện vọng của các nhân sĩ trí thức tân học

Trong công cuộc đấu tranh lập hiến nửa đầu thế kỷ XX, phải kể đến hai nhà trí thức lớn ngành luật, đều là nhà báo - luật sư, đó là Nguyễn An Ninh (1900-1943) và Phan Văn Trường (1876-1933). Bên cạnh đó, còn có nhà báo - kỹ sư Nguyễn Thế Truyền (1898-1969). Họ là bạn chiến đấu của Nguyễn Ái Quốc trong nhóm Ngũ Long ở Pháp (gồm 5 nhân sĩ trí thức: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh). Rất có thể, họ là những đồng tác giả của Bản yêu sách tám điểm của những người yêu nước Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thay mặt ký tên (1919) gửi Hội nghị Verseilles đòi dân sinh, dân quyền - vốn là những điều cơ bản của một Hiến pháp dân, chủ tiến bộ.

Theo Nguyễn An Ninh, tất cả những quyền tự do đều phải được đúc kết trong một Hiến pháp dân chủ. Còn Phan Văn Trường khẳng định từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì “Hiến pháp là luật làm căn bổn, làm cơ địa. Quốc chánh cứ nương đó mà lập ra các luật khác”[8].

Ngoài ra, cũng phải kể đến nhà giáo trẻ Nguyễn Thái Học (1901-1930) và các nhân vật trí thức tiêu biểu trong Việt Nam Quốc dân đảng (1927-1930) lấy chủ nghĩa Tam dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh) của Tôn Dật Tiên làm tôn chỉ, nhằm tiến tới thiết lập chế độ Ngũ quyền Hiến pháp.

1.3. Nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) và các lãnh tụ cộng sản Việt Nam

Ngay từ những ngày bắt đầu cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp cho đến khi giành được chính quyền sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh, vấn đề thường xuyên đeo đuổi Người trong mục đích đấu tranh cách mạng là phải xây dựng cho Việt Nam một bản Hiếp pháp. Cùng với các đồng chí và chiến hữu của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nêu cao nguyện vọng “Bảy xin Hiến pháp ban hành” (1922) và “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” (1945). Những người đi theo và đi cùng con đường của Nguyễn Ái Quốc đều phát huy cao độ tinh thần đấu tranh lập hiến Mác - xít. Hầu hết trong số họ cũng là những trí thức hoặc có nguồn gốc trí thức (Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu...). Nghị quyết Hội nghị trung ương Đảng lần thứ bảy (tháng 11-1940) đã đề ra khẩu hiệu: “Ban bố Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân” [9].

2. Nhân sĩ trí thức góp phần tích cực xây dựng thành công Hiến pháp năm 1946

Bài toán lập hiến đã được giải trong thực tế với sự toàn thắng của những người cộng sản Việt Nam bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. “Từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), trên trường chính trị Việt Nam, phong trào chính trị hoàn toàn do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Suốt 15 năm đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một sự lãnh đạo không phân chia, không có một đảng dân tộc cách mạng nào đáng kể xuất hiện và đứng đầu bất kỳ một phong trào cách mạng đáng kể nào. Đó là một sự thật lịch sử có thể được đánh giá như là một đặc sắc chính trị lớn vào bậc nhất của thời gian này”[10].           

Công cuộc lập hiến với sự góp phần tích cực của tầng lớp nhân sĩ trí thức Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo đó. Sự đóng góp ấy vào sứ mạng chung của dân tộc thực sự không nhỏ, như nhận xét của Trần Huy Liệu: “Không có những cuộc khởi nghĩa của các nhà văn thân thì cũng không thể có được Tổng khởi nghĩa tháng Tám; không có những người dân cày tham gia cách mạng từ cuối thế kỷ XIX, những thanh niên tiểu tư sản và tư sản, sau cuộc thế giới đại chiến thứ nhất (mà một bộ phận họ lúc này được coi là “trí thức”- PĐT) thì giai cấp vô sản cũng chưa làm được sứ mạng lịch sử ngày nay”[11].   

2.1. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945

Hồ Chí Minh khởi thảo lời tuyên bố độc lập thể hiện sâu sắc nguyện vọng lập hiến của toàn dân tộc. Về sau, đó không chỉ là nguyên tắc lập hiến của nước Việt Nam mà nó đã trở thành nguyên tắc lập hiến của nhiều quốc gia trên thế giới, của loài người tiến bộ. Suy cho cùng, đây là sự tổng kết hùng hồn quan điểm lập hiến của Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng, nhân sĩ trí thức Việt Nam tích lũy qua suốt quá trình đấu tranh liên tục gần nửa thế kỷ trước ngày lịch sử 2/9/1945.

2.2. Chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp

2.2.1. Hoạt động của các nhân sĩ trí thức trong Chính phủ và Quốc hội

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945): “Vấn đề cấp bách hơn cả” là “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”, Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 14/SL ngày 8/9/1945 nêu rõ: “Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp bảy người sẽ thành lập”. Sau đó, Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 đã thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp (Chế hiến ủy viên hội) gồm bảy thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáu thành viên còn lại là Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh (luật sư), Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến (nhà văn, nhà hoạt động chính trị) và ba nhà trí thức nổi tiếng khác là Đặng Thai Mai (nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học), Nguyễn Lương Bằng (nhà hoạt động chính trị) và Trường Chinh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương).

Chính phủ lâm thời nhanh chóng xúc tiến việc soạn thảo Hiến pháp. Bản dự án Hiến pháp đầu tiên đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp ngày 24/10/1945 để chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Ngày 10/11/1945, bản dự án Hiến pháp này được công bố trên báo Cứu Quốc.

Chính phủ liên hiệp lâm thời cải tổ ngày 01/01/1946 đã bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh bản dự án Hiến pháp sau khi đã công bố rộng rãi và thu thập ý kiến nhân dân.

Ngày 02/3/1946, Quốc hội lập hiến đã bầu trước đó chưa đầy hai tháng được triệu tập với thành phần gồm hơn 60% là nhân sĩ trí thức, những nhà khoa học, nhà văn hoá nổi tiếng như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Ngô Tấn Nhơn, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hoè, Dương Đức Hiền, Nguyễn Huy Tưởng, Cù Huy Cận, Đỗ Đức Dục, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Xiển, Trần Huy Liệu, Đinh Gia Trinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Đoàn Trọng Truyến, Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, Cao Triều Phát... Trong thành phần thuộc Việt Quốc, Việt Cách được bổ sung vào Quốc hội cũng có nhiều nhân vật trí thức.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội đã bầu ra một Ban dự thảo Hiến pháp mới (gọi là Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội) gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Họ là những thành viên mới đều thuộc thành phần nhân sĩ trí thức. Nhiệm vụ của Tiểu ban này là dự thảo bản Hiến pháp để phiên họp sau trình Quốc hội.

2.2.2. Ủy ban Kiến quốc quy tụ lực lượng trí thức tích cực tham gia lập hiến

Kiến quốc là một nhiệm vụ cơ bản mà Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm sau Cách mạng tháng Tám. Để giúp Chính phủ nghiên cứu và xây dựng một kế hoạch kiến thiết nước nhà, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc” (gọi tắt là Ủy ban Kiến quốc) lúc đầu gồm 40 thành viên, đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh. Thành phần Ủy ban sau đó được bổ sung, gồm 50 nhà khoa học, nhân sĩ trí thức tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Bằng Đoàn, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cù Huy Cận, Nguyễn Tường Long (Việt Quốc), Đào Duy Anh, Phạm Thiều, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Đạo Thúy, bà Vĩnh Thụy...[12]. Nhiều người trong số họ đã từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng dưới chế độ cũ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá.

Trong việc xây dựng Hiến pháp, Ủy ban Kiến quốc đã tự nghiên cứu và đưa ra một bản dự thảo Hiến pháp. Căn cứ vào bản dự án Hiến pháp của Chính phủ đã đưa ra lấy ý kiến nhân dân tháng 11/1945, đối chiếu với bản dự thảo của Uỷ ban Kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm Hiến pháp các nước ở Âu, Á, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo ra một bản Dự án Hiến pháp mới để trình Quốc hội[13].

2.3. Quốc hội thảo luận và thông qua Hiến pháp

Ngày 29/10/1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu (tổng cộng có 22 thành viên). Quốc hội bắt đầu thảo luận Dự án Hiến pháp từ ngày 02/11/1946. Đại biểu Đỗ Đức Dục (thành viên Đảng Dân chủ, Trưởng Tiểu ban Hiến pháp) trình bày trước Quốc hội bản Dự án Hiến pháp đã được hoàn thành.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã lần lượt phát biểu, tranh luận sôi nổi - thậm chí căng thẳng, gay gắt - tại diễn đàn Quốc hội. Qua nhiều buổi thảo luận, đến ngày 09/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp với 240 đại biểu tán thành trên tổng số 242 đại biểu dự họp. Hai đại biểu không tán thành là Nguyễn Sơn Hà (nhà tư sản, đại biểu Hải Phòng) và Phạm Gia Đỗ (đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng, thành  viên Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội).

3. Vài kinh nghiệm lịch sử

Thực tế lịch sử cho thấy, hầu hết các lãnh tụ vận động chính trị qua các thời kỳ đều thuộc tầng lớp nhân sĩ trí thức, dù lập trường của họ hướng về quyền lợi giai cấp nào. Những nhà tư tưởng lập hiến hay những đại biểu nhân dân trực tiếp xây dựng Hiến pháp cũng vậy. Vốn tri thức sẵn có cũng như kinh nghiệm hoạt động hàng ngày đã tạo điều kiện thuận lợi để họ suy tư, phát biểu ý kiến và góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh lập pháp, lập hiến hay trực tiếp bắt tay vào việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật.

Thành phần đa số các nhà tư tưởng lập hiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cũng như tỷ lệ hơn 60% tổng số đại biểu của Quốc hội khóa I là nhân sĩ trí thức đã cho thấy vị trí, vai trò của tầng lớp này được phát huy tới mức nào trong công cuộc đấu tranh lập hiến và xây dựng thành công Hiến pháp năm 1946. Đó không những là bản Hiến pháp đầu tiên ở nước ta mà còn được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Từ những ý nghĩa to lớn đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

3.1. Giới nhân sĩ trí thức góp phần đắc lực vào việc lập hiến là nhờ tự bản thân họ vốn có lòng yêu nước, tự nguyện tích cực phát huy, đồng thời với yếu tố quyết định là nhờ Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực xây dựng nền dân chủ và thực thi chính sách quý trọng, tín nhiệm đối với trí thức

Nhờ “chính sách đại đoàn kết toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân đã cuốn hút toàn bộ dân tộc và giới trí thức yêu nước tham gia”[14]; “đặc biệt trí thức đầy nhiệt tình tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên và xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[15].

Ngựơc dòng lịch sử trở về trước thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã có tầng lớp nhân sĩ trí thức (nho sĩ) và đã có một số trí thức từng được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây (Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ...) song, chưa ai có tư tưởng lập hiến và hành động đấu tranh lập hiến. Vả lại, dù có người có tư duy mới mẻ nhưng dưới chế độ chuyên chế, quân quyền còn mạnh, tầng lớp trí thức dù có nhận thức rõ tệ hại của chế độ chính trị đương thời, thì họ cũng không thể bàn đến việc xác định bằng pháp luật (Hiến pháp) quyền hành của ông vua - vốn tự cho mình đương nhiên có quyền lực toàn diện và tuyệt đối. Dân phải chịu đủ thứ luật xác định nghĩa vụ, hạn chế quyền; còn vua thì không có luật nào quy định quyền và trách nhiệm cả. Trong điều kiện trí thức Việt Nam thường xuyên bị ràng buộc bởi tư tưởng Khổng - Mạnh và chịu uy hiếp bởi sự độc đoán của giai cấp cầm quyền, không ai có cơ hội phát huy tư duy và hành động của mình hướng về chế độ dân chủ cộng hòa hay quân chủ lập hiến.

3.2. Hiến pháp năm 1946 được đánh giá cao vì thủ tục xây dựng và nội dung của nó thể hiện tinh thần dân chủ cao độ, đáp ứng ý nguyện của đông đảo nhân sĩ trí thức đại biểu cho nguyện vọng chính đáng của số đông, phù hợp với lợi ích lâu dài của toàn dân tộc

Hiến pháp 1946 được xây dựng theo quy trình phát huy dân chủ. Trước hết, nhân dân được tạo điều kiện để đóng góp ý kiến ngay từ bản dự thảo ban đầu. Sự nhiệt tình tham gia ý kiến của quần chúng nhân dân mà cụ thể là các nhà trí thức thông qua diễn đàn báo chí với nhiều khuynh hướng khác nhau. Các sinh hoạt trao đổi, bàn bạc trong các tầng lớp nhân dân cũng được thực hiện rộng rãi, kéo dài, liên tục. Đặc biệt là các nhà khoa học uy tín trong tổ chức của mình (Ủy ban Kiến quốc) đã tham gia việc lập hiến trong không khí hào hứng chưa từng có của giới nhân sĩ trí thức Việt Nam.

Dân chủ đích thực là sinh hoạt chính trị có sự tôn trọng đầy đủ nguyên tắc phản biện xã hội. Thực tế, khi khái niệm Hiến pháp còn trong trứng nước, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc - đấu tranh lập hiến nửa đầu thế kỷ XX đã từng có sự “va chạm” nhau một cách thẳng thắn, quyết liệt giữa khuynh hướng quân chủ lập hiến (Bảo Đại, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Bội Châu thời kỳ 1905-1906, Huỳnh Thúc Kháng trước tháng 3-1945) và khuynh hướng dân chủ cộng hòa (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Phan Anh...). Trong xu hướng cộng hòa lại có sự đồng thuận cũng như phản biện thường xuyên giữa những nhà trí thức theo khuynh hướng dân chủ tư sản (Phan Châu Trinh, nhóm Đông Kinh nghĩa thục, Tự Lực văn đoàn, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng...) với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thì chọn con đường lập hiến Mác-xít. Đi vào cụ thể nội dung Hiến pháp, càng có sự cọ xát giữa khuynh hướng tổ chức cơ quan đại biểu nhân dân nhiều viện (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Việt Quốc, Việt Cách...) với cơ quan đại biểu một viện (Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam); nhiều nhà trí thức vẫn đề cao nguyên tắc phân quyền, đa nguyên, đa đảng (Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thái Học, Phan Anh trước Cách mạng tháng Tám, Trương Tử Anh và Đại Việt Quốc dân đảng...).                                               

Tại diễn đàn Quốc hội thảo luận Hiến pháp 1946, đã liên tiếp diễn ra nhiều cuộc tranh luận thẳng thắn giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau, đúng như nhà lập hiến Huỳnh Thúc Kháng từng quan niệm: “Nghị trường là một sân khấu, nhân dân cùng Chính phủ xung đột nhau, nước nào cũng thế”[16]. Nếu không có ý kiến trái ngược nhau thì Quốc hội “tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới” [17]. Nói chung, nếu tất cả ý kiến đều được phát biểu theo một chiều thì không thể có chế độ dân chủ, có trí thức cũng như không!

Cuối cùng, Hiến pháp 1946 được hoàn thành với nội dung thể hiện trung thực ý chí của số đông. Những nguyên tắc bảo đảm quyền lợi chính đáng của đất nước, của dân tộc Việt Nam đã được khẳng định: quyền độc lập dân tộc, chế độ dân chủ cộng hòa, tập quyền kết hợp với phân quyền, các quyền dân chủ cơ bản của công dân...

3.3. Hiến pháp năm 1946 mang sức sống lâu dài vì nó phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của đất nước và dân tộc

Nếu nói Hiến pháp 1946 là một tác phẩm độc đáo của dân tộc Việt Nam được hình thành dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cũng có thể nói, đó là một tác phẩm sáng tạo của tầng lớp trí thức Việt Nam, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều thành phần khác nhau. Các nhà trí thức, các nhà khoa học Việt Nam đã trực tiếp thảo luận và kiến tạo nên bản Hiến pháp đó, trong điều kiện trong Quốc hội cũng như ngoài xã hội đều đang tồn tại thực tế đa nguyên, đa đảng, xã hội không đồng thuận với đa xu hướng.  

Dù lúc đó Quốc hội vẫn sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Đảng (không công khai), song so với Hiến pháp đồng thời của nhà nước Liên Xô (Hiến pháp 1936), thì Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam có nhiều điểm khác. Nội dung của Hiến pháp 1946 không những không công khai xác nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với toàn xã hội, không khẳng định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội như Hiến pháp Liên Xô mà còn “mang nhiều dấu ấn của Hiến pháp các nhà nước tư sản” [18].

Hiến pháp 1946 thể hiện hùng hồn tư tưởng bất di bất dịch của dân tộc Việt Nam là đề cao chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng một chế độ dân chủ rộng rãi, công dân có nhiều quyền tự do, mưu cầu sự giàu mạnh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân, quyền tư hữu của công dân được bảo đảm, đoàn kết toàn dân...

Không phải ngẫu nhiên mà ông Vũ Đình Hoè, là lãnh tụ của một nhóm trí thức, một đảng chính trị, đồng thời là một tác giả tích cực của công trình xây dựng Hiến pháp 1946, đã có nhận xét: “Đi vào nguồn gốc của nó thì ta mới thấy hết giá trị của nó và mới phân tích được xác đáng nội dung pháp lý của nó. Vừa mang chất dân tộc, vừa mang chất dân chủ, cả hai đều biểu lộ tính truyền thống lẫn tính hiện đại”[19]. Đó cũng là lý do bảo đảm sức sống lâu bền của Hiến pháp 1946. Mặc dù lúc ra đời nó chưa qua thủ tục công bố, nhưng cho đến nay, khi bàn về việc đổi mới cơ chế quản lý đất nước, sửa đổi Hiến pháp, hoàn thiện pháp luật để thực thi quyền tự do dân chủ của công dân, đã có nhiều ý kiến muốn trở lại các quy định của Hiến pháp 1946./.


* Số chủ đề Hiến kế Lập pháp, số 15(82), tháng 8/2006.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 7-8.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 438.

[3] Phan Bội Châu, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr. 244.

[4] Phan Châu Trinh, Tuyển tập, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 817.

[5] Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Đà Nẵng, 1989, tr. 355 - 356.

[6] Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 19.

[7] Đông Kinh Nghĩa Thục, Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr. 18.

[8] Phan Văn Trường, Pháp luật lược luận, Nhà in Xưa và Nay, Sài Gòn, 1926, tr. 18.

[9] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tr. 69.

[10] Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản với sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, sđđ, tr. 591.

[11] Trần Huy Liệu, Bản dự thảo sử cách mạng Việt Nam cận đại (1858 - 8/1945), Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1957, tr. 350.

[12] Sắc lệnh số 78-SL ngày 31.12.1945 bổ sung bởi Sắc lệnh số 4-SL ngày 14.1.1946.

[13] Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 102.

[14] Phan Anh, Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức, “Trí thức Việt Nam xưa và nay”, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 63.

[15] Đỗ Đức Dục, Hồi ký, “Trí thức Việt Nam xưa và nay”, sđd, tr. 82.

[16] Nguyễn Q. Thắng, Huỳnh Thúc Kháng-Con người và thơ văn, Sài Gòn, 1972, tr. 330.

[17] Nguyễn Q. Thắng, sđđ, tr. 324.

[18] Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo trình Luật nhà nước Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 83.

[19] Vũ Đình Hoè, Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam: Một mô hình mới - Hiến pháp dân tộc và dân chủ; trong cuốn: Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 65.