VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
CỦA HỒ CHỦ TỊCH TẠI KỲ HỌP THỨ 3,
QUỐC HỘI KHOÁ I
1 NGÀY 1-12-1953

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Chính phủ, vui mừng hoan nghênh các vị đã đến dự phiên họp đặc biệt của Quốc hội lần này.

Tôi xin gửi lời thân ái hỏi thăm các đại biểu Quốc hội vì bận nhiều công việc kháng chiến, mà không đến họp được.

Tôi xin thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn những vị đại biểu Quốc hội đã anh dũng hy sinh vì kháng chiến, vì Tổ quốc.

Tôi cũng xin thay mặt Chính phủ hoan nghênh các vị đại biểu Mặt trận đã đến chào mừng Quốc hội.

Thưa các đại biểu,

Bảy, tám năm nay, toàn dân ta có một nhiệm vụ to nhất là kháng chiến.

Từ nay, chúng ta có một nhiệm vụ trung tâm nữa là cải cách ruộng đất.

Phải ra sức đẩy mạnh kháng chiến, để đảm bảo cải cách ruộng đất thành công.

Phải ra sức thực hiện cải cách ruộng đất để đảm bảo kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.

Phiên họp đặc biệt này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo công việc kháng chiến mấy năm qua và sẽ thảo luận chính sách cải cách ruộng đất và thông qua Luật cải cách ruộng đất.

Nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta. Cho nên trước khi báo cáo về công việc kháng chiến và chính sách cải cách ruộng đất, tôi xin báo cáo tóm tắt về tình hình thế giới và tình hình trong nước.

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

Chúng ta có thể nói ngay rằng: phe ta ngày càng mạnh, phe địch ngày càng yếu.

Liên Xô, thành trì hoà bình và dân chủ thế giới, đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cộng sản. Lòng mong ước hạnh phúc từ bao nhiêu thế kỷ của loài người đang dần dần thực hiện trên một phần sáu thế giới.

Vì giữ gìn hoà bình thế giới, Liên Xô đã có bom nguyên tử và bom khinh khí, nhưng luôn luôn đề nghị với các nước cấm dùng những vũ khí ấy.

Với sự giúp đỡ tận tâm của Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trung Quốc, đã thắng lợi to trong cuộc chống Mỹ, giúp Triều, đã liên tiếp thu nhiều thành tích vĩ đại trong việc xây dựng năm đầu của kế hoạch 5 năm, trong mọi công việc xây dựng.

Những thắng lợi to lớn của hai Đảng Cộng sản Ý2 và Pháp trong các cuộc tuyển cử, những cuộc bãi công khổng lồ (tháng 8, tháng 9 năm 1953) ở hai nước ấy, những cuộc đấu tranh của giai cấp lao động các nước và phong trào dân tộc giải phóng ở Mã Lai3, Phi Luật Tân4, Bắc Phi, Trung Phi, Guyan... chứng tỏ rằng phong trào đấu tranh của nhân dân khắp thế giới ngày càng phát triển.

Hội nghị hoà bình châu Á và Thái Bình Dương (10-1952) và Hội nghị nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình (11-1952) đã nêu rõ lực lượng vô cùng to lớn của phe hoà bình dân chủ thế giới.

Trong thời kỳ vừa qua, thắng lợi to lớn nhất của phe hoà bình dân chủ thế giới là cuộc đình chiến ở Triều Tiên. Quân và dân Triều Tiên cùng Quân tình nguyện Trung Quốc đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, đã tiêu diệt hơn 1 triệu binh sĩ của Mỹ và phe Mỹ. Lực lượng dân chủ hoà bình thế giới cực kỳ mạnh. Hai lực lượng ấy kết hợp lại thành cái gọng kìm kẹp vào cổ Mỹ và phe Mỹ, bắt buộc chúng phải chịu đình chiến ở Triều Tiên.

Tháng 10 vừa rồi, Đại hội công đoàn thế giới lần thứ ba, thay mặt cho hơn 88 triệu công nhân của 79 nước, đã quyết định lấy ngày 19-12 năm nay làm “ Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Đó là tinh thần quốc tế nồng nàn, là tình nghĩa giai cấp tích cực, nó làm cho nhân dân ta càng thêm hăng hái kháng chiến, càng thêm tin chắc thắng lợi cuối cùng.

Đó là tóm tắt tình hình của phe ta.

Tình hình phe đế quốc do Mỹ cầm đầu thì thế nào? Mỹ và 16 nước phe Mỹ (trong đó gồm có Anh và Pháp) đã thất bại nhục nhã ở Triều Tiên. Từ cuối thế kỷ XIX đến ngày nay, Mỹ đã nhiều lần nhờ chiến tranh mà làm giàu và chiếm được địa vị anh chị. Lần này là lần đầu tiên (nhưng chưa phải là lần cuối cùng) mà Mỹ thất bại to, đã hao người (hơn 390.500 binh sĩ Mỹ chết và bị thương); tốn của (hơn 20 nghìn triệu đô la); lại mất mặt với các nước. Thế Mỹ ngày càng yếu ở Liên hợp quốc phe Mỹ càng thêm lủng củng chia rẽ, kinh tế Mỹ ngày càng khủng khoảng thêm.

Các nước tư bản phụ thuộc vào Mỹ, như Anh, Pháp… ngày càng gặp khó khăn về kinh tế và chính trị, bởi vì chính sách chạy đua binh bị, vì phong trào nhân dân trong nước và phong trào dân tộc giải phóng ở các nước thuộc địa.

Âm mưu của Mỹ hiện nay là: gây chiến tranh để hòng làm chủ thế giới.

Ở châu Á: Phá hoại việc triệu tập hội nghị chính trị, hòng gây lại chiến tranh ở Triều Tiên. Võ trang lại Nhật Bản.

Ngăn cản Trung Hoa tham gia Liên hợp quốc.

Can thiệp mạnh hơn nữa vào chiến tranh ở Việt - Miên5 - Lào.

Ở châu Âu: phá hoại việc thống nhất nước Đức, và võ trang lại Tây Đức làm trụ cột cho “quân đội châu Âu”

*
*     *

Phe ta ngày càng mạnh, càng đoàn kết nhất trí trong mặt trận dân chủ hoà bình do Liên Xô lãnh đạo.

Mục đích chính của phe ta hiện nay là: làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp trên thế giới bằng cách thương lượng.

Nhiệm vụ của nhân dân thế giới hiện nay là: củng cố thắng lợi đã thu được, tỉnh táo đề phòng âm mưu của Mỹ, đẩy mạnh phong trào hoà bình thế giới.

Tình hình thế giới thuận lợi cho ta. Chúng ta ủng hộ phong trào hoà bình thế giới. Nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng hoà bình là một việc dễ dàng. Hoà bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được. Trong khi thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vẫn đeo đuổi chiến tranh xâm lược nước ta, thì chúng ta phải vượt mọi khó khăn tự lực cánh sinh, đẩy mạnh kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi.

TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC

Bên địch:

Quân sự: - Lực lượng địch bị tiêu hao nhiều (tính đến tháng 11 - 1953 độ 32 vạn). Quân số Âu Phi ngày càng thiếu. Trên chiến trường chính, địch càng bị động. Mới đây, địch cố thọc ra vùng tự do ở Liên khu III và một vài nơi bờ biển Liên khu IV, nhưng thế của địch căn bản vẫn là bị động.

Tuy vậy, hiện nay lực lượng địch vẫn còn mạnh. Ta không được khinh địch.

Chính trị: Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, giữa Pháp và bù nhìn, giữa bù nhìn thân Pháp và thân Mỹ, ngày càng sâu sắc.

Ở những vùng tạm bị chiếm, chúng dùng chính sách lừa bịp và bóc lột, bị nhân dân ta kiên quyết chống lại.

Ở Pháp, phong trào chống chiến tranh ngày càng lan rộng.

Kinh tế tài chính: Chiến tranh làm cho địch hao tổn ngày càng nhiều (từ năm 1946 đến nay, tốn hơn 3.000 tỷ Phờ răng)6.

Nhưng chúng vẫn lấy được cao su và than đá, xuất cảng một số lúa gạo, thu thuế và cướp của ở những vùng bị tạm chiếm, chúng lại được Mỹ “ giúp” thêm.

Về mặt khác, chúng ra sức phá hoại sản xuất và giao thông của ta ở vùng tự do, ở các căn cứ du kích và vùng du kích.

Văn hoá xã hội: Trong vùng tạm bị chiếm, chúng ra sức truyền bá văn hoá trụy lạc và lưu manh để đầu độc nhân dân ta, nhất là thanh niên ta. Chúng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ nhân dân ta.

Mưu mô chính của địch là “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

*
*   *

Hiện nay, địch đang làm gì và dự định làm gì?

Mỹ thì càng can thiệp vào chiến tranh ở Việt - Miên - Lào, càng tăng thêm tiền bạc và võ trang cho Pháp và bù nhìn. Chúng lôi kéo bù nhìn Việt - Miên - Lào và đẩy mạnh việc tổ chức ngụy quân.

Mỹ buộc Pháp nhượng bộ cho bù nhìn, tức là nhượng bộ cho Mỹ, Mỹ có kế hoạch thay thế Pháp từng bước, nhưng vẫn dùng Pháp làm tay sai thi hành chính sách chiến tranh của Mỹ.

Ngoài chính sách bóc lột, cướp giật về kinh tế, đế quốc Pháp-Mỹ dùng những chính sách lừa bịp về chính trị như:

Tuyên bố “độc lập” và “dân chủ” giả hiệu, tổ chức những cuộc tuyển cử gian dối.

Giả “cải cách điền địa” để lừa bịp nông dân ở vùng tạm bị chiếm.

Tổ chức những công hội “vàng” để lừa bịp công nhân.

Đưa ra luận điệu hoà bình hòng che mắt nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, và hòng lừa bịp nhân dân ta.

Trong lúc chúng làm những việc đó, thì tướng giặc NaVa ráo riết tập trung quân cơ động để tấn công ta, quấy rối hậu phương ta, mở rộng hoạt động biệt kích, đẩy mạnh chiến tranh gián điệp.

Nói tóm lại, Pháp-Mỹ đang ra sức thực hiện âm mưu của chúng là: mở rộng chiến tranh bằng cách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Chúng ta không được chủ quan khinh địch. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng, luôn luôn sẵn sàng phá tan âm mưu của địch. Nhưng chúng ta có thể nói rằng: những hoạt động của địch, không phải chứng tỏ là chúng mạnh, mà chứng tỏ là chúng yếu thế. Chúng sợ chính sách kháng chiến trường kỳ của ta. Chúng sợ phong trào hoà bình thế giới.

Để phá tan âm mưu của địch, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh kháng chiến. Để đẩy mạnh kháng chiến, chúng ta phải thực hiện cải cách ruộng đất.

Bên ta:

Quân sự: - Từ Thu - Đông năm 1950, ta đã thắng to trong 7 chiến dịch và đã nắm được chủ động trên chiến trường chính. Ta đã giải phóng phần lớn vùng Tây Bắc to rộng. Phong trào du kích lên mạnh khắp các nơi.

Những đợt chỉnh quân về chính trị và kỹ thuật có kết quả tốt. Quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng.

Nhiều bộ đội chủ lực, địa phương và du kích đã lập chiến công rất oanh liệt, vẻ vang.

Chính trị: - Những lớp chỉnh Đảng, chỉnh huấn cho cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng có kết quả tốt (ngót 15.800 cán bộ từ Trung ương đến xã đã được chỉnh huấn).

Mặt trận Liên - Việt được củng cố và mở rộng.

Khối liên minh Việt - Miên - Lào ngày thêm chặt chẽ.

Hoạt động ngoại giao của Chính phủ và nhân dân ta được mở rộng, tranh được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất là của nhân dân các nước bạn và nhân dân Pháp.

Kinh tế tài chính: - Nhân dân ta đã vượt nhiều khó khăn, cố gắng thi đua sản xuất, đóng góp cho kháng chiến nhiều sức của và sức người. Tài chính của ta được ổn định dần dần. Ta đã xây dựng mậu dịch với Trung Quốc, rất có lợi cho nhân dân.

Văn hoá, xã hội: - Nhân dân lao động tham gia học tập ngày càng nhiều. Số trường phổ thông và số học sinh tăng gấp bội. Việc đào tạo cán bộ chuyên môn được chấn chỉnh và mở rộng dần dần.

So sánh mọi mặt, thì thấy rõ thế địch ngày kém sút, thế ta ngày mạnh thêm.

Đó là tóm tắt những thành tích đáng kể của nhân dân ta, của Chính phủ và của Đảng nhưng chúng ta vẫn có khuyết điểm như: Về chính sách ruộng đất, trong thời kỳ trước, chúng ta đã nặng về đoàn kết địa chủ để kháng chiến, mà không xem trọng đầy đủ vấn đề nông dân và vấn đề ruộng đất.

Gần đây, Chính phủ và Đảng đã sửa chữa khuyết điểm ấy, nay đã tiến bộ nhiều. Nhưng có nơi chưa chấp hành hoàn toàn đúng chính sách của Trung ương. Có một số cán bộ thì tư tưởng và hành động trái với chính sách của Chính phủ và của Đảng, thiếu tổ chức, kém kỷ luật. Có cán bộ thì chỉ thấy chống phong kiến mà coi nhẹ chống đế quốc…

Chúng ta cần phải sửa chữa những khuyết điểm ấy, cần phải ngăn ngừa những lệch lạc tả hoặc hữu.

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Về vấn đề này, đây tôi chỉ tóm tắt nêu ra một vài điểm:

Ý nghĩa của cải cách ruộng đất là:

Cách mạng ta là cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân chống đế quốc xâm lược và chống phong kiến, chỗ dựa của đế quốc.

Khẩu hiệu của ta trong thời kỳ kháng chiến là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Kháng chiến càng phát triển thì đòi hỏi sức người, sức của ngày càng nhiều; nông dân đã cung cấp sức người, sức của nhiều nhất cho kháng chiến. Phải giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, phải bồi dưỡng cho nông dân thì mới động viên đầy đủ lực lượng to lớn đó, dốc vào kháng chiến để tranh thắng lợi.

Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Chỉ có phát động quần chúng cải cách ruộng đất, ta mới tiến hành những công việc đó được thuận lợi.

Địch tích cực dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh; chúng ra sức lừa bịp chia rẽ và bóc lột nhân dân ta. Ta cải cách ruộng đất thì sẽ ảnh hưởng và khuyến khích đồng bào nông dân ở sau lưng địch càng thêm hăng hái đấu tranh chống giặc, để tự giải phóng mình và càng hăng hái ủng hộ Chính phủ kháng chiến và dân chủ; đồng thời ảnh hưởng và làm tan rã ngụy quân, vì đại đa số lính ngụy là nông dân ở vùng tạm bị chiếm.

Tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Mấy năm nay nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến được thắng lợi. Sau này cũng nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến được hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đi đến thành công.

Nông dân ta chiếm gần 90 phần trăm dân số mà chỉ được độ 3 phần 10 ruộng đất, mà quanh năm khó nhọc, suốt đời nghèo nàn.

Giai cấp địa chủ phong kiến không đầy 5 phần trăm dân số, mà chúng và thực dân chiếm hết độ 7 phần 10 ruộng đất, ngồi mát ăn bát vàng. Tình trạng ấy thật là không công bằng. Nước ta bị xâm lược, dân ta lạc hậu và bần cùng cũng vì đó. Trong mấy năm kháng chiến, tuy chính phủ đã thực hiện chính sách giảm tô, thoái tô, tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, và tạm chia ruộng công điền cho nông dân ở vùng tự do, nhưng vấn đề mấu chốt là vấn đề quần chúng nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất vẫn chưa giải quyết. Vì vậy mà ảnh hưởng đến lực lượng tham gia kháng chiến và tăng gia sản xuất của nông dân.

Chỉ có thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến, mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân, mới có thể phát động mạnh mẽ lực lượng to lớn của nông dân để phát triển sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Mục đích cải cách ruộng đất là: tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.

Đường lối chính sách chung là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, tiêu diệt chế độ bóc lột, phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.

Để thích hợp với đặc điểm của kháng chiến và của Mặt trận dân tộc thống nhất là vừa thoả mãn yêu cầu của nông dân về ruộng đất, vừa củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất; lợi cho kháng chiến và lợi cho sản xuất, trong khi thực hiện cải cách ruộng đất, phải phân biệt đối đãi với các địa chủ tuỳ thái độ chính trị của mỗi người. Nghĩa là dùng chính sách phân biệt: tịch thu, trưng thu, trưng mua mà không dùng chính sách tịch thu cả loạt hay trưng thu cả loạt.

Phương châm cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân, dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, tổ chức, giáo dục và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh một cách có kế hoạch, làm từng bước, có trật tự, có lãnh đạo chặt chẽ.

Ruộng đất mà địa chủ đã phân tán từ ngày có sắc lệnh giảm tô (14-7-1949) đều là không chính đáng (trừ những tình hình đặc biệt đã nói trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ ngày 1-6-1953).

Những ruộng đất tịch thu, trưng thu, trưng mua đều chia hẳn cho những nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất. Nông dân có quyền sở hữu ruộng đất đó.

Nguyên tắc chia ruộng đất là: lấy xã làm đơn vị, trên cơ sở nguyên canh, theo số lượng, chất lượng, vị trí gần hay xa của ruộng đất, dùng cách điều chỉnh nhiều bù ít, tốt bù xấu, gần bù xa mà chia, cần chiếu cố những nông dân trước đã cày những ruộng đất ấy.

Những bọn ngoan cố kiên quyết phá hoại việc cải cách ruộng đất và những bọn Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì những tên nào bị án tù trên 5 năm, sẽ không được hưởng phần ruộng đất.

*

*    *

Những cuộc phát động quần chúng năm nay là để thí nghiệm và chuẩn bị cho việc cải cách ruộng đất năm sau. Trong những cuộc thí nghiệm ấy, chúng ta đã thu được một số kinh nghiệm. Những nơi nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng (dù một số cán bộ ở một vài nơi còn sai lầm, lệch lạc) nói chung đã thu kết quả tốt.

Còn những nơi Trung ương chưa định phát động, mà địa phương nóng nảy, hấp tấp tự phát, đều bị thất bại.

Cải cách ruộng đất là chính sách cho cả nước, nhưng phải làm từng bước, tuỳ điều kiện mà nơi thì làm trước, nơi thì làm sau.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất, sang năm Chính phủ sẽ chỉ định rõ địa phương nào ở vùng tự do và thời hạn bao lâu, để thực hiện cải cách ruộng đất.

Những vùng đồng bào thiểu số, Liên khu V, Nam bộ và những căn cứ du kích, Chính phủ sẽ định sau.

Những vùng du kích và những vùng tạm bị chiếm khi nào được giải phóng sẽ thi hành chính sách ruộng đất.

Những nơi chưa phát động quần chúng triệt để giảm tô, thì nhất định phải kinh qua phát động quần chúng triệt để giảm tô, rồi mới chuyển sang cải cách ruộng đất. Làm như vậy là để tổ chức nông dân, nâng cao giác ngộ chính trị của nông dân, xây dựng ưu thế chính trị của nông dân ở trong làng xã, đồng thời để rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn tổ chức, chuẩn bị điều kiện chính trị cho việc cải cách ruộng đất.

Những nơi chưa được Chính phủ chỉ định phát động quần chúng, thì tuyệt đối không được tự phát.

Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông dân, một cuộc giai cấp đấu tranh ở nông thôn, rất rộng lớn, gay go và phức tạp, cho nên chuẩn bị phải thật đầy đủ, kế hoạch phải thật rõ ràng, lãnh đạo phải thật chặt chẽ, địa điểm phải định cẩn thận, thời hạn phải chắc chắn, thi hành phải thật đúng đắn. Đó là những điều kiện để đi đến thành công.

Kinh nghiệm quốc tế cho chúng ta thấy rằng: cải cách ruộng đất thành công sẽ giúp chúng ta khắc phục được nhiều khó khăn, giải quyết được nhiều công việc.

Về quân sự, đồng bào nông dân sẽ thêm hăng hái tham gia kháng chiến, do đó mà việc mở rộng quân đội, và huy động dân công sẽ được dễ dàng hơn. Bộ đội ta càng yên tâm đối với gia đình, và đánh giặc càng thêm hăng.

Về chính trị, quyền chính trị và kinh tế ở nông thôn do nông dân nắm, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ thật thà thực hiện, khối công nông liên minh sẽ càng vững chắc. Mặt trận dân tộc thống nhất sẽ bao gồm hơn 90 phần trăm nhân dân ở nông thôn và trở nên vô cùng rộng lớn, mạnh mẽ.

Về kinh tế, được giải phóng khỏi ách địa chủ phong kiến, nông dân sẽ vui vẻ tăng gia sản xuất và tiết kiệm, sức tiêu thụ tăng thêm, công thương nghiệp sẽ phát triển, toàn bộ kinh tế quốc dân được mở mang.

Nhờ tăng gia sản xuất mà đời sống của nông dân, công nhân, bộ đội, cán bộ đều được cải thiện mau hơn.

Về văn hoá xã hội, đại đa số nhân dân sẽ đủ ăn đủ mặc, “có thực mới vực được đạo”, sẽ hăng hái học tập hơn, và do đó sẽ phát triển mỹ tục thuần phong. Kinh nghiệm những nơi đã phát động quần chúng chứng tỏ rằng: đồng bào rất ham học, và các nhà trí thức sẽ có nhiều cơ hội để phục vụ nhân dân.

Như trên đã nói, cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn, phức tạp, gay go. Nó càng phức tạp, gay go vì chúng ta đang kháng chiến. Nhưng chính vì để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, mà chúng ta phải kiên quyết làm cho việc cải cách ruộng đất thành công.

Cũng vì nó là một cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, cho nên trong tư tưởng, trong hành động và trong khi chấp hành chính sách, một số cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) có thể xảy ra sai lầm lệch lạc. Để ngăn ngừa và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm ấy, chúng ta cần phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, dựa hẳn vào quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng.

Chính phủ và Đảng kêu gọi toàn thể cán bộ và đảng viên: phải theo đúng chính sách của Chính phủ và Đảng, phục tùng kỷ luật, đứng hẳn về phía nông dân, lãnh đạo nông dân đấu tranh, gặp lúc quyền lợi cá nhân và gia đình mâu thuẫn với quyền lợi của kháng chiến, của quần chúng nông dân thì phải hy sinh quyền lợi riêng cho quyền lợi chung của kháng chiến, của quần chúng.

Chúng ta phải động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đảm bảo thực hiện cải cách ruộng đất, để làm tròn nhiệm vụ to lớn ấy.

Đối với đảng viên, cán bộ, các đảng phải dân chủ, các nhân sĩ yêu nước, đó là một cuộc thử thách to lớn. Tất cả chúng ta phải thắng lợi trong cuộc thử thách ấy, cũng như chúng ta đang thắng lợi trong cuộc thử thách to lớn là kháng chiến chống đế quốc xâm lược.

Vậy hai nhiệm vụ trung tâm của chúng ta năm sau là: ra sức đánh giặc và thực hiện cải cách ruộng đất.

Ra sức đánh giặc trên các chiến trường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu quân sự mới của địch.

Phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng Chính phủ chỉ định.

Cải cách ruộng đất để đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi.

Ra sức đánh giặc, tiêu diệt nhiều sinh lực để đảm bảo cho việc cải cách ruộng đất được thành công.

Mọi công tác khác đều phải kết hợp xung quanh hai nhiệm vụ trung tâm đó và phục vụ hai nhiệm vụ đó. Trong năm 1954, phải đặc biệt chú trọng ba công tác lớn:

Kết hợp tăng cường xây dựng lực lượng võ trang (chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) về mọi mặt: tổ chức, huấn luyện, tiếp tục nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và sức chiến đấu của bộ đội.

Kết hợp việc rèn luyện, nâng cao tư tưởng của cán bộ, và việc cất nhắc điều chỉnh cán bộ, chỉnh đốn cơ sở Đảng ở nông thôn.

Kết hợp việc tăng gia sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nhu cầu cho kháng chiến và lương thực cho nhân dân, làm cho nền kinh tế quốc dân hoạt động mạnh.

Thực hiện đầy đủ hai nhiệm vụ trung tâm và ba công tác lớn ấy thì càng có điều kiện thuận tiện để thực hiện những công tác khác như: giữ vững và phát triển công tác và đấu tranh trong vùng sau lưng địch, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân xã, chấn chỉnh công tác công an, phát triển và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, thu thuế nông nghiệp, phát triển kinh tế, tài chính, tuyên truyền giáo dục, văn hoá xã hội...

*

*   *

Lực lượng của chúng ta là hàng chục triệu đồng bào nông dân lao động, sẵn sàng chờ Chính phủ và Đảng tổ chức và lãnh đạo, để hăng hái vươn mình dậy đánh tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan. Chúng ta có thể kết luận rằng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, chắc chắn của Chính phủ và của Đảng, với sự giúp đỡ tận tâm của Quốc hội và Mặt trận, cuộc cải cách ruộng đất thành công sẽ làm cho chúng ta tiến một bước rất dài đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

 

Hồ Chí Minh: Toàn tập
Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, t.7, xuất bản lần thứ hai, tr.172-185

 

1. Tiêu đề do chúng tôi đặt (BT).

2. Italia (BT).

3. Malaixia (BT).

4. Philippin (BT).

5. Campuchia (BT).

6. Đơn vị tiền tệ của Pháp (BT).