VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

THÔNG TRI NGÀY 20-3-1953 CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

VÀO DỊP PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG NÔNG DÂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA CHÍNH PHỦ

 

Cùng các đại biểu Quốc hội,

Công tác phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức là công tác trọng tâm trong năm công tác  chính của Chính phủ đề ra cho năm 1953.

Về chính sách ruộng đất thì Bộ Nội vụ đã có Thông tư vào cuối năm 1945 và Chính phủ lại đã ra Sắc lệnh vào giữa năm 1949; nhưng đến nay chính sách ấy có nơi thực hiện được, có nơi thực hiện chưa đầy đủ, lại có nơi chưa thực hiện được gì cả. Đó là vì chúng ta chưa phát động được quần chúng nông dân đông đảo tự đứng lên đòi lấy quyền lợi chính đáng của mình.

Tình trạng ấy cần phải chấm dứt.

Vấn đề bồi dưỡng lực lượng cho nhân dân mà tối đại đa số là nông dân bằng cách thực hiện một chính sách ruộng đất công bằng và hợp lý để đẩy mạnh kháng chiến là một vấn đề không thể trì hoãn được.

Cuộc Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc họp từ ngày 25-2 đến 1-3-1953 đã thảo luận vấn đề phóng tay phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô (gồm cả thoái tô), thực hiện giảm tức theo chủ trương của Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam và đã có Lời hiệu triệu cho toàn thể quốc dân.

Nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội chúng ta trong phong trào phát động này là tùy điều kiện mà tham gia hành động với các địa phương bằng cách góp ý kiến với các cán bộ chính quyền hay các đoàn thể, bằng cách giải thích chủ trương chính sách của Chính phủ cho nhân dân, vì các sắc lệnh của Chính phủ về chính sách ruộng đất cũng như về các chính sách lớn khác đều có sự thoả thuận của Ban Thường trực Quốc hội.

Một điều cần phải nắm vững là lập trường kháng chiến của nhân dân ta hiện nay. Hiện nay thành phần nhân dân ta gồm có công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và các thân sĩ yêu nước và tiến bộ (nghĩa là những vị đã thi hành đúng chính sách ruộng đất, thuế khoá của Chính phủ, đã đóng góp cho công cuộc kháng chiến, đã tích cực ủng hộ hoặc tham gia chính quyền dân chủ nhân dân). Trong thành phần đó công nhân là giai cấp lãnh đạo liên minh với nông dân là lực lượng đông nhất, mạnh nhất, chiếm gần 90% trong dân số; có đưa vào lực lượng nông dân thì kháng chiến mới đi đến thắng lợi.

Các vị đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ đứng về phe đại đa số nhân dân là nông dân để bênh vực quyền lợi chính đáng cho nông dân, cũng là quyền lợi chính đáng của các tầng lớp khác trong nhân dân. Các vị có nhiệm vụ theo dõi phong trào, học hỏi nhân dân, giáo dục nhân dân, giúp đỡ nhân dân phát triển ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Trong lúc cuộc kháng chiến ta tiến mạnh, phong trào dân chúng lên cao, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác để đề phòng những luận điệu xuyên tạc chia rẽ hàng ngũ nhân dân và phản lại chính sách của Chính phủ.

Thi hành chính sách ruộng đất có kết quả, tức là lực lượng nhân dân được bồi dưỡng, khối đoàn kết được tăng cường, nhờ đó chúng ta mới đẩy mạnh được cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Q. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

TÔN ĐỨC THẮNG

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.